6.3.16

Chủ nghĩa tư bản không mang lại hạnh phúc



Chủ nghĩa tư bản không mang lại hạnh phúc

Nhân viên ngành thức ăn nhanh biểu tình đòi tăng lương, ở New York. ©MARK PETERSON/REDUX-REA
Chủ nghĩa tư bản rõ ràng là đã tạo ra những tác hại. Tại châu Âu, sự gia tăng tình trạng nghèo đói và sự bất ổn kinh tế đã mở toan cánh cửa quyền lực cho các đảng phái chống lại tự do và độc tài, theo nhận xét của Nouriel Roubini. Nhưng chủ nghĩa tư bản còn cho thấy sự bất lực trong việc bảo đảm phúc lợi của người dân, cho dù đó là các thủ thuật tồi tệ của thị trường (George Akerlof và Robert Shiller) hay là sự bất lực của tiền tệ trong việc mang lại hạnh phúc cho con người (Angus Deaton, Daniel Kahneman, và Jean Gadrey).
Roubini: một bóng ma đang ám ảnh châu Âu
Nouriel Roubini (1959-)
Nouriel Roubini (Đại học New York) nhận xét "sự trỗi dậy của một chủ nghĩa tư bản nhà nước chống lại tự do, được lãnh đạo bởi các chế độ độc tài cực hữu", điều mà ông đề xuất đặt tên là học thuyết Putin ở Nga, học thuyết Órban ở Hungary và học thuyết Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỗi lần con người tuyệt vọng về kinh tế và xã hội, thì sẽ dẫn đến việc một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc và độc tài lên nắm quyền, người sẽ chỉ ra rằng vấn đề toàn cầu hóa, nhập cư, và Liên minh châu Âu là những kẻ thù của họ – trong khi vẫn ưu tiên các lợi ích cá nhân gần gủi với họ. Và những ý tưởng này không phải là sản phẩm độc quyền của Đông Âu hay là ở các nước vùng biên, mà còn được tìm thấy ở Pháp (Front National – Mặt trận dân tộc), ở Italia (Ligue du Nord Liên minh phương Bắc) hay ở Anh (Parti de l’indépendance Đảng Độc lập), cũng như ở Đức, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch ...
Vậy nên, Roubini so sánh với những năm 1930 và sự trổi dậy của chủ nghĩa phát xít, mặc dù ông cho rằng điều này vẫn còn xa vời. Tuy nhiên, làm thế nào để tránh xảy ra điều tồi tệ nhất? Đối với ông, cần phải tiến hành những chính sách "kích tổng cầu, tạo ra việc làm và tăng trưởng, giảm thiểu sự bất bình đẳng về thu nhập và giàu có" và điều này "nhằm để tạo ra các cơ hội kinh tế cho giới trẻ và cho sự hội nhập, chứ không phải là từ chối những người tị nạn và di dân kinh tế". Thật vậy, nếu chúng ta không hành động, thì sẽ là sự cáo chung của "nhà nước hòa bình, hợp nhất, toàn cầu hóa và siêu quốc gia như mô hình Liên minh châu (EU, European Union)."
Nhưng tiếc là ông không chỉ rõ những chính sách đó là gì. Liệu đó có phải là những chính sách kích thích kinh tế "đơn giản" theo trường phái Keynes hay không? Hay là những biện pháp có nhiều tham vọng hơn, nhưng như thế là những biện pháp gì? Và nhất là, có nên chăng tự giới hạn ở việc hòa giải với hệ thống hiện tại nhằm làm cho nó mang tính chấp nhận được, hay là nên suy nghĩ đến một hệ thống kinh tế thực sự mang tính thay thế để đẩy lùi cánh cực hữu?
Akerlof và Shiller: thị trường không mang tính rộng lượng
George Akerlof (1940-)
Robert Shiller (1946-)
Bởi vì không phải đi đâu xa để tìm ra những lời phê phán, cuối cùng mang tính triệt để, đối với chủ nghĩa tư bản. Chẳng hạn, hai nhà kinh tế đoạt giải "Nobel" về kinh tế, George Akerlof (Đại học Georgetown) và Robert J. Shiller (Đại học Yale) đều cho rằng "thị trường tự do" làm cho chúng ta "lớn hơn, nghèo hơn và đau khổ hơn". Và chỉ cần ghi nhận tác hại của chứng béo phì ở trẻ con và sự hiện diện của đủ loại kẹo trên các kệ của siêu thị để hiểu rằng thị trường không phải lúc nào cũng mang lại điều tốt cho chúng ta ...
Đối với Akerlof và Shiller, "bất cứ khi nào có lợi nhuận, thì [thị trường tự do] sẽ đánh lừa chúng ta, thao túng chúng ta và lợi dụng những điểm yếu của chúng ta, để đẩy chúng ta mua những gì không tốt đối với chúng ta". Tuy nhiên, họ cũng lưu ý là các nhà kinh tế khó mà nhận ra thực tế này như là một điều phổ biến, điều mà, ví dụ, đã ngăn họ thấy là cuộc khủng hoảng năm 2008 đang đến.
Nhưng việc đó đã xảy ra. Vì vậy, những hộ gia đình người Mỹ không có khả năng tiết kiệm, là nạn nhân của những cám dỗ của xã hội tiêu dùng (theo một cuộc điều tra, một nửa hộ gia đình người Mỹ nghĩ rằng họ khó mà tập hợp được 2.000 đô-la trong một tháng, nếu xảy ra một tình huống khẩn cấp). Tương tự như vậy, những vụ bùng nổ và sụp đổ tài chính là kết quả của những câu chuyện bông lông mà người ta kể cho nhau và dẫn họ đến việc đưa ra những quyết định tồi. Và nói gì đến thuốc lá, chiếm gần 20% các ca tử vong ở Hoa Kỳ, các loại thuốc không cần thiết hoặc nguy hiểm, các sản phẩm có quá nhiều chất béo và chất ngọt của ngành nông nghiệp thực phẩm? Thực vậy, các ví dụ là vô số kể.
Như họ đã lưu ý, khác xa với những chuyện cổ tích trong sách giáo khoa cho trẻ em, "một tầm nhìn trưởng thành về nền kinh tế, tích hợp tất cả những hạn chế của chủ nghĩa tư bản, là điều kiện nền tảng của một chính sách kinh tế lành mạnh". Thật vậy, nếu nền kinh tế vẫn còn hoạt động, thì đó chính là bởi vì các tác lực tự do của thị trường còn có đối trọng những "người hùng cá nhân, những đoàn thể xã hội và những quy định của chính phủ."
Chỉ cần có nhu cầu ít hơn là đủ để sống tốt
Angus Deaton (1945-)
Pascal Riché (1962-)
Và, dù sao, không nên trông chờ quá nhiều ở thị trường. Đó chính là điều đã được Angus Deaton, người đoạt giải "Nobel" mới đây về kinh tế học, và Daniel Kahneman, một người đoạt giải "Nobel" khác, cả hai đều là giáo sư tại Đại học Princeton, xác lập. Họ đã chỉ ra rằng khi thu nhập của hộ gia đình vượt ngưỡng 75.000 đô-la mỗi năm thì phúc lợi không còn tiến triển nữa.
Như Pascal Riché (Rue 89) đã giải thích, Kahneman và Deaton đã đối chiếu kết quả của một cuộc điều tra rộng lớn với hai câu hỏi. Một thước đo chủ quan, "Bạn có hài lòng với cuộc sống hiện nay hay không?" và một thước đo khách quan ghi lại tần suất và cường độ của những khoảnh khắc vui sướng, căng thẳng, thích thú, giận dữ, v.v. được ghi nhận trong một ngày. Thế nhưng nếu cảm giác hạnh phúc tiếp tục vượt quá 75.000 đô-la thu nhập hàng năm, thì thước đo hạnh phúc cụ thể lại đạt đỉnh điểm.
Điều này được thể hiện qua đồ thị dưới đây, trong đó cho thấy cảm giác hạnh phúc gia tăng liên tục (thậm chí khi mức gia tăng này ngày càng ít mạnh đi), trong khi đường cong về phúc lợi hàng ngày trở nên bằng phẳng từ mức 75.000 đô-la mỗi năm.
Phúc lợi hàng ngày đạt đỉnh điểm từ mức 75.000 đô-la mỗi năm
Daniel Kahneman (1934-)
Theo Riché, Kahneman và Deaton bình luận về những phát hiện của họ như sau: "Có thể 75.000 đô-la là một ngưỡng mà khi vượt mức đó những khoản tăng thu nhập mới không giúp con người làm điều phù hợp nhất với cảm giác phúc lợi của họ: dành thời gian với những người mà mình yêu thương, tránh những tình trạng đau khổ và bệnh tật, và có thời gian nhàn rỗi".
Vì vậy, có những giới hạn về hạnh phúc mà tiền bạc có thể mua được. Một kết quả mà chúng ta có thể tìm thấy dưới một góc độ khác trong những so sánh quốc tế.
Giàu hơn không nhất thiết là hạnh phúc hơn
Tim Jackson (1957-)

Vả lại, như Riché đã ghi nhận, chúng ta cũng có thể liên kết đường cong "kinh tế vi mô" này (được thu thập từ các dữ liệu cá nhân) với mối quan hệ "kinh tế vĩ mô" (tổng gộp các dữ liệu trên ở cấp độ quốc gia) được Tim Jackson (tác giả của cuốn Prospérité sans croissance Thịnh vượng nhưng không tăng trưởng) thiết lập, theo đó trên mức 15.000 đô-la thu nhập hàng năm đầu người, thì mức độ hài lòng không còn phản ứng nữa.
Thật vậy, người ta có thể thấy rõ trên biểu đồ này rằng những cư dân của các nước ở bên tay phải – có nghĩa là những nước giàu nhất – cũng ngang bằng với những cư dân ở trên cùng của biểu đồ – có nghĩa là những nước có một tỷ lệ cao cư dân tự cho là mình "hạnh phúc".
Vượt mức 15.000 đô-la thu nhập mỗi năm đầu người, thì sẽ không có mức hài lòng phụ
Nhưng nếu chúng ta nhìn k hơn, thì có thể thấy rằng khi vượt mức 15.000 đô-la thu nhập hàng năm, thì những điểm chấm không còn nằm trên một trục tây nam – đông bắc. Ngược lại, chúng tạo thành một "gói", gần như thẳng hàng ngang, có nghĩa là những nước có mức sống rất khác nhau như Puerto Rico, New Zealand và Hoa Kỳ đều có những mức độ "hạnh phúc" được cho là có thể so sánh được.
Jean Gadrey (1943-)
Claudia Senik
Chúng ta có thể tìm thấy những kết quả này trên các dữ liệu được Jean Gadrey trình bày trong một bài báo đăng trên Alternatives Économiques, mà trong đó chúng ta có thể tìm thấy hiệu ứng bão hòa tương tự, ngưỡng ở đây cao hơn (27.000 đô-la). (Xem thêm cuộc thảo luận về một bài viết của Claudia Senik (thuộc trường kinh tế École d’économie de Paris) trong một bài viết trên blog vào năm 2013).


Tiền mang lại hạnh phúc... nhưng cho đến một ngưỡng nào đó mà thôi
GDP bình quân đầu người vào năm 2012, tính bằng đô-la về sức mua tương đương, và phúc lợi chủ quan trên một thang điểm từ 0 đến 10
Kết luận: các khoa học xã hội muôn năm!
Thomas Piketty (1971-)
Chúng ta chắc chắn sống trong một thời kỳ tuyệt vời. Sau cuộc cách mạng của Piketty về sự bất bình đẳng, và các công trình của Wilkinson và Pickett về những tác hại của chúng, đến lượt các học giả đại học người Mỹ, quen tán dương những thành quả của "thị trường tự do", (cuối cùng!) giải thích cho chúng ta biết rằng thị trường tự do cũng có thể có tác hại. Và những học giả khác thì cho chúng ta thấy rằng tiền không mang lại hạnh phúc.
Giữa những luận cứ khoa học và sự thất bại hàng ngày được quần chúng của các chính sách "khắc khổ” cảm nhận, cùng với tình trạng khẩn cấp về sinh thái đang lan rộng ngày càng nhiều trong đầu mọi người rằng nhiệt độ ngày càng leo thang, thì mọi thứ dường như đã chín muồi cho một cuộc cách mạng đỏ và xanh lá. Thay vì thế, như lưu ý của Roubini, chính cái bóng màu nâu đang thắng thế mỗi ngày.
Hy vọng sẽ sớm đến ngày mà các nhà lãnh đạo tiến bộ biết diễn dịch những bài học và những bất mãn trên thành những giải pháp hào phóng, trước khi những đam mê buồn thảm và sự sợ hãi cuốn trôi chúng ta.
Gilles Raveaud, Phó giáo sư về kinh tế học tại Đại học Paris 8 Saint-Denis.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Le capitalisme ne rend pas heureux, Alterecoplus, 12/11/2015.
Print Friendly and PDF