13.5.16

Tính duy lý kinh tế giải thích tất cả và không gì cả



Tính duy lý kinh tế giải thích tất cả và không gì cả
Tối đa hóa lợi ích là không thể kiểm sai được
Geoffrey Hodgson
Bất chấp sự nổi lên của kinh tế học hành vi, nhiều nhà kinh tế học vẫn còn tin rằng tối đa hóa lợi ích là một cách giải thích tốt về hành vi con người. Mặc dù bằng chứng từ kinh tế học thực nghiệm và nơi khác đã quay ngược lại giả thiết cho rằng đặc tính con người hoàn toàn là tư lợi, và chỉ ra rằng lòng vị tha và sự hợp tác là quan trọng, một phản ứng dễ thấy là thay đổi các hàm sở thích cá nhân để chúng có đặc tính “quan tâm đến người khác” (“other-regarding”) hơn. Nhưng ngay cả trong những hàm sở thích được chỉnh sửa này, các cá nhân (con người) vẫn còn tối đa hóa lợi ích riêng của họ.
Geoffrey Hodgson (1946-)

Những người bảo vệ cho sự tối đa hóa lợi ích đúng ra phải bác bỏ các khẳng định phê phán từ những kết quả của hành vi cá biệt làm suy yếu giả thuyết này. Họ không làm thế. Nhưng đây là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém hơn là tính vững chắc của giả thiết. Vấn đề là tối đa hóa lợi ích, như một cách giải thích hành vi (con người) là không thể kiểm sai được. Như tôi đã viết đầy đủ hơn trong cuốn sách năm 2013 có tựa đề “From Pleasure Machines to Moral Communities - Từ những cỗ máy hoan lạc đến những cộng đồng phẩm hạnh”, tối đa hóa lợi ích có thể khớp với bất kỳ chứng cứ thực tiễn nào, kể cả với hành vi có vẻ gợi ý rằng sở thích là không nhất quán.
Nhưng chú ý rằng tối đa hóa lợi ích không phải là một “phép lặp thừa”. Những phép lặp thừa luôn đúng theo giả thiết hay định nghĩa. Tối đa hóa lợi ích không phải là một “phép lặp thừa” vì nó tiềm ẩn sai sót. Nhưng về mặt thực nghiệm thì không thể kiểm sai nó được.
Điều đó bỏ chúng ta lại ở đâu? Tối đa hóa lợi ích có thể có ích như là một  phương cách mô hình hóa có tính phát hiện. Bởi nghiêm túc mà nói thì nó không giải thích bất kỳ hành vi nào. Nó không nhận dạng được những nguyên nhân cụ thể nào. Nó không thể giải thích bất kỳ hành vi cá biệt nào bởi vì nó luôn phù hợp với mọi hành vi được quan sát. Sức mạnh phổ quát và biểu kiến của nó là một chỉ dấu về sự yếu kém, chứ không phải sự vững chắc.
Các nhà kinh tế học đã xuất bản những bài trên các tạp chí học thuật ca khúc khải hoàn rằng các cá thể thuộc nhiều loài khác nhau, từ các họ chuột đến cá, cũng đều là những tác nhân trung thành với việc tối đa hóa các lợi ích riêng của chúng. Nhưng hành vi của bất cứ vật gì, từ một chiếc xe hơi cho đến một con robot, có thể được làm cho phù hợp với vài hàm lợi ích.
Một lần nữa, những luận chứng này bộc lộ sự yếu đi (của tối ưu hóa lợi ích). Lời xác nhận rằng tối đa hóa lợi ích có thể giải thích hành vi của bất kỳ loài gì từ vi khuẩn đến con ong chứng minh một cách chắc nịch rằng không có gì dính dáng đến con người với những hàm lợi ích hoặc hàm sở thích. Bởi vì tối đa hóa lợi ích bao quát hết mọi thứ, nó không còn nói với chúng ta bất cứ chuyện gì dính dáng đến những nguyên nhân của hành vi con người.
Charles Darwin (1809-1882)


Những cách tiếp cận mang tính tiến hóa kiểu Darwin thì lại khác. Như Charles Darwin đã làm sáng tỏ trong cuốn “Dòng dõi Con người”, chúng ta cần cân nhắc những quá trình chọn lọc tự nhiên, sự thích nghi và sự phát triển mà dẫn đến những nét riêng biệt rất con người. Ví dụ, những xu hướng tự nhiên vì lòng vị tha và sự hợp tác giữa con người phải được giải thích bởi sự liên quan đến những ích lợi hay không ích lợi cho khả năng sinh tồn của những cá thể hay của một nhóm người.
Những sự phỏng đoán như thế này tiềm ẩn khả năng có thể kim sai được, và chúng phải được đánh giá một cách cực kỳ cẩn thận dưới ánh sáng của chứng cứ. Nếu chúng được chấp nhận, sau đó chúng ta có những lời giải thích có thể đứng vững được. Sẽ không còn vấn đề gắng co giãn một lý thuyết để làm khớp nó với mọi chứng cứ: mà vấn đề nay là kiểm định những sự phỏng đoán lý thuyết có thể kiểm sai được.
Ví dụ, có một tranh luận về những vai trò tương ứng của văn hóa hay của di truyền trong sự tiến hóa của việc hợp tác giữa con người. Dữ liệu di truyền và chứng cứ của nhóm người hỗn hợp gợi ý rằng những nền tảng di truyền của lòng vị tha và sự hợp tác đã tiến triển chủ yếu trong cùng dòng tộc gần gũi nhau, và sau đó vai trò văn hóa đã trở nên quan trọng hơn. (Xem cuốn Pleasure Machines của tôi về vấn đề này).
Tác giả: Geoffrey M. Hodgson hiện là giáo sư nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Hertfordshire, Đại học Hertfordshire, Anh Quốc, và là tác giả hay đồng tác giả của hơn một tá cuốn sách. Twitter: @g_m_hodgson.
Nguyễn Vũ Hoàng dịch
Nguồn: “Economic Rationality Explains Everything and Nothing”, Evonomic, 03 April 2016.
Print Friendly and PDF