9.5.16

Phỏng vấn David Colander

David Colander (1947-)
David C. Colander
(sinh năm 1947)
Brian Snowdon và Howard R. Vane
David Colander hiện nay là Christian A. Johnson Distinguished Professor of Economics tại Middlebury College. Ông được biết đến nhất nhờ những công trình về giảng dạy kinh tế học, lịch sử và khoa học luận kinh tế, phát triển và bảo vệ một kế hoach chống lạm phát dựa trên thị trường và gần đây nhất về những cơ sở vĩ mô của kinh tế học vi mô.
Chúng tôi phỏng vấn Giáo sư David Colander trong văn phòng của ông tại Middlebury College ngày 29 tháng mười 1997.
Thông tin căn bản
Điều gì đã khiến giáo sư quyết định học kinh tế ở đại học và sau đó đặc biệt điều gì trong kinh tế học vĩ mô đã hấp dẫn giáo sư?
Tôi quyết định học kinh tế ở đại học vì đó là ngành tạo cơ hội cho tôi ra nước ngoài (Cười). Tôi đã lưỡng lự giữa việc chọn toán, tôn giáo hoặc kinh tế làm môn học chính. Tôi chỉ mới học một giáo trình kinh tế thì nổ ra những cuộc bạo loạn ở Columbia. Tôi tìm một lối thoát và khoa kinh tế cho phép tôi theo học đại học Birmingham tại Anh. Hoá ra tôi học những năm đầu kinh tế ở Anh và chỉ theo tất cả có ba giáo trình kinh tế sơ cấp ở Columbia. Những năm sau tôi bắt đầu học cao học tại đấy và tốt nghiệp đại học Columbia.
Giáo sư quan tâm đến kinh tế học vĩ mô như thế nào?
Gary Becker (1930-2014)
William Landes (1939-)
Thật tình là kinh tế học vĩ mô hoàn toàn không hấp dẫn tôi. Tôi từng là một nhà kinh tế vi mô. Những năm đầu đại học tôi đã theo học những bài giảng của Gary Becker. Học trò của ông ấy, William Landes là thầy dạy vi mô cho tôi ở cao học. Tôi hoàn toàn bị kinh tế học vi mô quyến rũ và rất mê cách lập luận của kinh tế học vi mô. Đối với tôi, kinh tế học vĩ mô quá rắc rối. Tôi có vấn đề để hiểu môn này. Bởi thế tôi theo học giáo trình của Edmund Phelps về những cơ sở vi mô để thử xem tôi có thể hiểu rõ kinh tế vĩ mô hơn không song điều này không giúp ích gì được cho tôi. Tôi thi vấn đáp về tài chính công và tổ chức công nghiệp. Mặc dù tôi được điểm khá với giáo trình của Phil Cagan về tiền tệ, về cơ bản tôi là một nhà kinh tế vi mô.
Edmund Phelps (1933-)
William Vickrey (1914-1996)
Cuối cùng tôi đến với kinh tế học vĩ mô là vì Bill Vickrey. Lúc ấy tôi đang làm luận án về thuế khoá tối ưu (lúc bấy giờ đấy là một đề tài nóng bỏng). Tôi đã viết ba tiểu luận; khi vừa viết xong hai và đang trong quá trình hoàn thành tiểu luận thứ ba thì tôi viết một bài nhỏ có tựa là “Giải pháp thị trường tự do cho lạm phát” và gởi nó cho Bill Vickrey. Bill biên thư trả lời rằng bài viết của tôi là xuất sắc, có ý tưởng hay nhất ông chưa từng được đọc từ nhiều năm rồi. Tôi đến gặp Bill và hỏi ông ta là “nếu tôi vứt bỏ luận án hiện đang làm thì tôi có khả năng đưa ra điều gì mới trong vòng một năm không?” và ông ta trả lời “có”. Tôi mừng nghĩ đây là một điều tốt quá vì hiếm khi nào bạn nhận được một trả lời như thế từ một trong những giáo sư của bạn. Sau đó tôi đi gặp Ned, người thầy cố vấn khác và nói: “Vickrey nghĩ là tôi có thể phát triển bài viết này và hoàn thành luận án trong vòng một năm, giáo sư nghĩ như thế nào?”. Ông ta nói đại khái là: “Tôi cũng mong như thế”. Như thế họ đã gần như phê duyệt luận án tôi đề nghị trước khi tôi bắt đầu viết, thật quả là một điều may mắn vì luận án của tôi hoá ra là tồi gớm (Cười). Nó có tựa là “Chính sách tài chính công cho một nền kinh tế đồng thời có lạm phát và thất nghiệp”. Đó là luận án quá rộng và chung chung, nhưng họ để cho qua. Như thế trong luận án của tôi tôi xét đến những vấn đề lạm phát và những vấn đề vĩ mô, nhưng tôi cũng không phải thật sự là một nhà kinh tế vĩ mô. Khi tôi càng vào sâu những vấn đề này thì tôi bắt đầu đọc nhiều hơn về kinh tế vĩ mô.
Những nhà kinh tế nào đã có ảnh hưởng chính đến các công trình của giáo sư?
Frank Knight (1885-1972)
Paul Davidson (1930-)
Về những nhà kinh tế trước đây tôi sẽ nói là Thorstein Veblen và Frank Knight; tôi cho là họ đã kết hợp một cách rất hấp dẫn những cách tiếp cận kinh tế cấp tiến và bảo thủ có cơ sở của Chicago. Trong số những nhà kinh tế đương đại, tôi nghĩ là Bill Vickrey có một vai trò thật sự quan trọng trong những gì tôi đã làm. Nhưng việc đọc công trình của những nhà kinh tế trước đã có ảnh hưởng lớn nhất đến tôi.
Những bài viết và/hoặc sách nào được giáo sư coi là đã có ảnh hưởng chủ yếu đến sự phát triển của kinh tế học vĩ mô?
Sự phát triển như nó đã diễn ra hay đáng lẽ phải diễn ra (Cười). Đó là hai việc khác nhau.
Như nó đã diễn ra?
Alvin Hansen (1887-1975)
Franco Modigliani (1918-2003)
Hiển nhiên đó là những bài của Milton Friedman (1968)[1]Edmund Phelps[2] (1967, 1968). Kinh tế học vĩ mô càng tiến triển thì tôi cho rằng hai loạt bài này có tầm quan trọng trung tâm. Công trình sớm hơn của Franco Modigliani (1944)[3], phát triển công trình của John Hicks (1937)[4], có một vai trò quan trọng cũng như những công trình trước đó của Alvin Hansen[5]. Nhưng tôi xem công trình của Bob Clower (1965)[6] và Axel Leijonhufvud (1968)[7] là đã thật sự cung cấp chìa khoá cho hướng mà tôi nghĩ kinh tế vĩ mô phải đi vào. Những công trình này ngày nay ít được nhắc tới và ít được đọc hoặc được hiểu. Tôi cũng nghĩ rằng công trình của Paul Davidson là quan trọng, khi ông ấy không quá bận nói là ông hiểu Keynes hơn bất kì ai khác.
Những vấn đề khoa học luận
Axel Leijonhufvud (1933-)
John M. Keynes (1883-1946)
Giáo sư có nghĩ là hiểu biết những vấn đề khoa học luận là quan trọng để hiểu những cuộc tranh luận hiện nay trong kinh tế học vĩ mô không?
Có và không. Tất cả vấn đề là mức độ bạn muốn hiểu kinh tế học vĩ mô. Tôi không phải là một nhà khoa học luận tin rằng bất kì lúc nào bạn cũng phải nghĩ đến những vấn đề khoa học luận. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận đến việc chúng ta làm và đâu là những câu hỏi chúng ta cố gắng trả lời. Tôi không nghĩ là có nhiều người làm việc này. Họ rơi vào mốt viết bài và không suy nghĩ đến những vấn đề rộng hơn mang lại được cho bài viết tính thích đáng. Không cần phải vào chi tiết việc này. Do đó theo nghĩa này thì họ cần phải nghĩ đến khoa học luận. Nhưng tôi không gợi ý là người ta phải đi vào những vấn đề như: “Bạn có phải là một nhà hậu hiện đại không? Hay bạn là một nhà popperian?” - điều này hoàn toàn không thích đáng. Tôi chỉ hỏi là “Những gì tôi làm có nghĩa lí gì không?”. Đó là mức độ khoa học luận của tôi (Cười).
Giáo sư có đồng ý với Milton Friedman khi trong bài viết năm 1953a[8] ông lập luận là tính thực tế của những giả thiết là không quan trọng và điều quan trọng là giá trị dự báo của một lí thuyết? 
John R. Hicks (1904-1989)
Milton Friedman (1912-2006)
Tất cả tùy thuộc vào mức độ nào bạn làm việc này. Tôi nghĩ là trong kinh tế học vĩ mô ông ta hoàn toàn sai lầm vì trong lĩnh vực này chúng ta không có cách nào kiểm định thực nghiệm dứt khoát phần lớn những mệnh đề chúng ta đề xuất. Đó thật sự là một khó khăn. Khi bạn không thể kiểm định những mệnh đề thực nghiệm thì “giá trị dự báo” của ông là khó giải quyết. Trong kinh tế học vĩ mô bạn không có một lí thuyết đã được xác lập, điều bạn có là một sự hiểu biết tổng quát. Tính thực tế của những giả thiết của một sự hiểu biết tổng quát có tầm quan trọng hàng đầu vì những giả thiết trở thành một phần của sự hiểu biết này. Giả thiết có một vai trò trong những gì bạn nhìn thấy. Do đó trong kinh tế học vĩ mô tôi nghĩ là ông ta hoàn toàn sai lầm, dù cho trong nghĩa rộng nào đó nếu kinh tế học là một khoa học mà bạn có thể kiểm định dứt khoát những mệnh đề đi nữa thì tôi vẫn có ít nhiều vấn đề với quan điểm của Friedman.
Giáo sư đã nói đến Milton Friedman như một “nghệ sĩ và có nói đến “nghệ thuật kinh tế. Trong văn cảnh đó, giáo sư muốn nói gì bằng các từ nghệ sĩ và nghệ thuật? (xem Colander, 1995a[9]) 
John Neville Keynes (1852-1949)
Ngh thuật kinh tế đã được John Neville Keynes[10] nói đến từ xưa, và được Friedman trích dẫn khi chia kinh tế học thành kinh tế thực chứng và kinh tế chuẩn tắc. John Neville Keynes chia kinh tế học thành kinh tế thực chứng, kinh tế chuẩn tắc và nghệ thuật kinh tế. Ông còn nói thêm rằng nghệ thuật kinh tế là cực kì quan trọng vì đó là một nhánh của kinh tế học liên quan đến những vấn đề chính sách. Nghệ thuật kinh tế lấy kinh tế chuẩn tắc -tức việc nghiên cứu những mục đích - và kinh tế thực chứng - tức khoa học kinh tế thuần túy - và kết hợp chúng với những đánh giá có lí luận để đi đến những hệ quả về chính sách. Trong nghệ thuật kinh tế bạn đưa vào đấy những biến khác bạn giữ không thay đổi để triển khai kinh tế thực chứng. Như thế khoa học luận thích hợp cho nghệ thuật kinh tế về cơ bản là khác với khoa học luận thích hợp cho kinh tế thực chứng. Nghệ thuật kinh tế can dự đến những đánh giá xét đoán vì bạn thêm vào trong đó những biến xã hội và chính trị. Phải làm điều này khi nói đến chính sách kinh tế. Tôi có vấn đề với phần lớn giới kinh tế là ở chỗ khi nói đến chính sách kinh tế họ thử kết hợp kinh tế thực chứng vào và rút ra những kết luận về chính sách từ những mô hình không có đủ những thực tế thể chế để có thể từ đấy phác hoạ những kết luận về chính sách này.
Trong tiểu luận “Lời xưng tội của một nhà kinh tế thích châm chọc (1999)[11] giáo sư phân biệt điều giáo sư gọi bằng cách tiếp cận MIT và cách tiếp cận Chicago trong kinh tế và giáo sư không cảm thấy vừa lòng với cả hai cách tiếp cận này. Thế thì đối chọn khác là gì, nếu có?
Tôi gọi cách tiếp cận của Friedman/Becker là cách tiếp cận Chicago. Vấn đề của tôi với cách tiếp cận này là họ tin rằng thị trường là giải pháp cho mọi chuyện. Tôi không chia sẻ cách nhìn này và không nghĩ rằng điều này tất yếu đến từ lí thuyết. Trong khi có nhiều chứng cứ thực nghiệm cho thấy là thị trường hoạt động được trong nhiều trường hợp thì những bằng chứng này không phải là lí thuyết. Điều này dựa trên cách mà bạn nhìn thế giới. Nếu họ nói như thế thì tôi sẽ vui mừng chấp nhận cách tiếp cận của họ và phần lớn những gì họ nói.
Cách tiếp cận MIT thu gọn mọi việc thành những mô hình gần như hình thức. Những mô hình này không phải là những mô hình hình thức cao cấp mà đúng hơn là những mô hình ad hoc với những kết luận phụ thuộc vào những giả thiết các mô hình này đặt ra. Nhưng những giả thiết này thường dựa trên khả năng dễ điều khiển về mặt phân tích chứ không dựa trên tính hợp lí. Do đó những giả thiết này, theo tôi, làm cho mô hình là không xác đáng. Tôi không tin là những mô hình ad hoc đơn giản hoạt động được.
Phillip Cagan (1927-2012)
Như thế thì đâu là đối chọn khác? Tôi nghĩ là những mô hình hình thức không phải là câu trả lời cho những khuyến nghị về chính sách mà thay vào đó phải thay thế bằng những mô hình không hình thức không có tham vọng là những mô hình khoa học. Thật ra tôi thích cách tiếp cận Chicago không có hệ ý thức Chicago. Câu trả lời cho lí thuyết hình thức là phải xét một cách nghiêm túc đâu là các vấn đề và sử dụng những công cụ toán học thích hợp để giải quyết. Bạn không tự giới hạn ở động thái tuyến tính, cho phép tính đến mọi động thái có thể; bạn tính đến sự phức tạp của nền kinh tế và không giả vờ rằng nền kinh tế có một cấu trúc đơn giản. Không thể tìm thấy tính đơn giản trong cấu trúc. Tôi nghĩ là những nghiên cứu mới về khoa học của cái phức hợp là một cách hấp dẫn để nghiên cứu lí thuyết trong kinh tế học. Những nghiên cứu này tìm thấy tính đơn giản trong động thái lặp lại, chứ không phải trong cấu trúc tĩnh. Trên điểm này cách tiếp cận lí thuyết bằng khái niệm phức hợp dịch chuyển chính sách ra xa khỏi những điều bạn có thể nói nên phải làm điều này một cách rất phi hình thức. Bởi thế tôi thấy một sự phân biệt lớn giữa công trình lí thuyết và công trình chính sách, sự phân biệt này lớn hơn những gì mà cách tiếp cận MIT cho phép.
Cách tiếp cận MIT nhấn mạnh đến mô hình hoá hình thức nhưng giáo sư lại cho rằng nếu một mô hình hình thức không có ý nghĩa trực giác thì mô hình này là sai. Nhưng nếu giáo sư nói với những người không phải là nhà kinh tế, chẳng hạn như các nhà chính trị, họ thường biện luận là phải giới hạn tự do mậu dịch để bảo vệ việc làm trong nước. Điều này có nghĩa đối với vài người trong số đó kết luận trên là có ý nghĩa. Nhưng là những nhà kinh tế chúng ta biết được nhờ những mô hình hình thức là những quan điểm như thế là ngây thơ và rất có tác hại tiềm tàng.
Điều tôi muốn nói là một mô hình phải có ý nghĩa trực giác đối với một nhà kinh tế. Tôi phân biệt giữa lí lẽ thông thường và lí lẽ thông thường được giáo dục. Tôi biện luận cho lí lẽ thông thường được giáo dục. Một người được đào tạo có được lí lẽ thông thường hoàn toàn quen thuộc với những lập luận tốt nhất của kinh văn. Chính ở điểm này mà lí lẽ thông thường trở thành xác đáng. Rõ ràng là nếu bạn không được đào tạo gì cả, thì lí lẽ thông thường là nói rằng tôi không biết câu trả lời là như thế nào. Những ai bình luận về kinh tế mà không đọc và nghiên cứu các vấn đề hoàn toàn không sử dụng lí lẽ thông thường. Họ là những kẻ ngu xuẩn (Cười).  
Giáo sư có cho rằng những mô hình kinh tế vĩ mô phải có những cơ sở vi mô của lí thuyết lựa chọn, một cách tiếp cận vốn là tiếng kèn tập hợp của những nhà cổ điển mới trong thập niên 1970, là một điều quan trọng không?
Thorstein Veblen (1857-1929)
Tất cả tùy thuộc là bạn hiểu như thế nào những cơ sở vi mô của lí thuyết lựa chọn. Rõ ràng là có tương quan qua lại giữa vi mô và vĩ mô, do đó trong nghĩa này những cơ sở là cần thiết. Nhưng những cơ sở của lí thuyết lựa chọn mà khởi đầu không có một mô hình về cách các cá thể lựa chọn và cấu trúc một thị trường thì không cung cấp một khuôn khổ vững chắc cho kinh tế học vĩ mô. Đó chỉ là một kiểu trừu tượng hoá hư không. Điều tôi tin là trước hết chúng ta cần một lí thuyết về thị trường. Vì sao những thị trường phát triển và chúng hoạt động như thế nào? Rõ ràng là một trong những lí do tồn tại của chúng là để giảm bớt những chi phí giao dịch, nhưng chúng ta không có một lí thuyết hình thức về các thị trường. Những khuôn khổ hiện hành của lí thuyết lựa chọn không cung cấp được cho tôi một khuôn khổ lí thuyết lựa chọn thoả đáng do chúng giả định sự tồn tại của các thị trường. Đó là lí do vì sao tôi nói đến sự cần thiết của một cơ sở vĩ mô cho vi mô. Một khi bạn có cơ sở vĩ mô này rồi - một lí thuyết về các thị trường - thì bạn có thể phát triển một cơ sở vi mô cho vĩ mô.
Kinh tế học vĩ mô có bắt buộc là phải do những vấn đề thực nghiệm hướng dẫn không?
Có và không. Lí thuyết kinh tế vĩ mô cố gắng tìm hiểu cách những hệ thống kinh tế phối hợp hành động của toàn thể mọi người. Nền kinh tế chúng ta làm việc này như thế nào? Ta gặp phải những kiểu vấn đề nào? Hiểu được những điều này đòi hỏi phải xử lí những vấn đề thực nghiệm. Tuy nhiên nếu nhận định của bạn được hướng dẫn bởi những chuyển động thực nghiệm của nền kinh tế, ít có khả năng bạn thấy được những vấn đề quan trọng. Bạn chỉ sẽ phát triển những lí thuyết về những điều chủ yếu là tiếng ồn, những tạp âm. Do tôi tin là những vấn đề lí thuyết phải có những cơ sở rộng trên dài hạn, tôi lưỡng lự nếu phải nói là lí thuyết bắt buộc do những vấn đề thực nghiệm hướng dẫn vì phần lớn thiên hạ kiến giải những ”vấn đề thực nghiệm” trong một khuôn khổ ngắn hạn. Tôi thấy là chúng nằm trong một khuôn khổ dài hạn.
Tầm quan trọng của tu từ học và thuật ngữ là như thế nào trong tranh luận về kinh tế học vĩ mô? Những nhãn hiệu như  tân”, mới”, hậu” có ý nghĩa không?
Donald McCloskey (1942-)
Có, không, có thể, như trong mọi việc (Cười). Tu từ học là cực kì quan trọng. McCloskey đã làm một việc tuyệt vời khi nói “hãy nhìn xem, chúng ta kể chuyện và sử dụng những ẩn dụ; những ẩn dụ bạn sử dụng có thể có một vai trò lớn trong cách mà những tư tưởng hoạt động”. Cũng giống như với các nhãn hiệu: những nhãn hiệu trước hết được làm cho các sinh viên. Những ai là nhà kinh tế vĩ mô hiểu là những sự phân biệt đi xa hơn các nhãn hiệu. Lí do có những nhãn hiệu và lí do vì sao nhãn hiệu là quan trọng là do chúng giới thiệu sơ khởi cho sinh viên biết những vấn đề và những cuộc tranh luận xoay quanh những gì. Nhưng bạn phải rất thận trọng để cho sau này việc phân loại không ngăn cản hiểu rộng hơn.
Giáo sư cho là những khác biệt giữa các nhà kinh tế vĩ mô ngày nay nằm ở những vấn đề lí thuyết hay thực nghiệm?
Peter Howitt (1946-)
Tôi đoán là tôi sẽ nói đó là những vấn đề lí thuyết mặc dù tôi biết là trên điểm này tôi khác với hầu hết mọi người. Đối với tôi, vấn đề lớn là đâu là những giả thiết ban đầu bạn đặt ra trước khi đi vào mô hình hoá. Tôi nghĩ rằng bạn phải đặt lí thuyết những thị trường trước khi có thể nói là những tác động vĩ mô sẽ như thế nào. Chúng ta thường giả định là có tồn tại những thị trường. Những thị trường tồn tại để làm giảm những chi phí giao dịch. Chúng tồn tại bằng cách nào? Doanh nghiệp phát triển ra làm sao? Lí thuyết doanh nghiệp nào của chúng ta phù hợp với các thị trường này? Công trình mới đây của Bob Clower và Peter Howitt (1996)[12] quả thật là đã cố gắng đi vào những vấn đề như thế, dù cho Clower đã cố gắng làm điều này từ ba năm nay. Nhưng giới kinh tế hoàn toàn không muốn nghe nói đến và tôi nghĩ đây là một trong những lí do khiến Bob có giọng châm chọc gay gắt đến như thế.
Giảng dạy kinh tế học vĩ mô
Giáo sư có nghĩ là trang bị cho sinh viên kinh tế ở những năm đầu hiểu biết về tiến trình tư tưởng là quan trọng không?
Nếu những tư tưởng chúng ta giảng dạy là những tư tưởng đúng đắn thì có lẽ tất cả những điều này là không quan trọng. Nhưng trong chừng mực mà, theo tôi, những tư tưởng chúng ta giảng dạy giới hạn tầm nhìn của sinh viên và nói rằng “đây là chân lí” thì tôi cho rằng quả thật là một điều quan trọng khi chỉ ra cho sinh viên sự phát triển và tiến hoá của các tư tưởng vì mở ra cho họ khả năng nhìn thấy những quan điểm khác. Nếu có một chân lí trong kinh tế học, điều mà tôi nghi ngờ, thì tôi không tin là chúng ta đã tìm ra được chân lí đó. Nếu bạn không có chân lí trong kinh tế học vĩ mô thì, ngược lại với cách nói “đây là chân lí” bạn phải cung cấp cho sinh viên càng nhiều cách nhìn có thể để họ tự rút ra kết luận về đâu là cách tiếp cận họ cho là đúng đắn.
Như thế giáo sư chủ trương giới thiệu cho sinh viên nhiều cách nhìn và tư tưởng hơn là tập trung vào một cách tiếp cận đặc biệt?
Đúng như thế.
Đối với các sinh viên của giáo sư, cách tiếp cận sự phạm về kinh tế học vĩ mô của giáo sư là như thế nào?
Như là một người thầy bạn phải có nhiệm vụ giảng dạy cho họ những mô hình được xem là những mô hình chủ đạo chuẩn. Do đó các sinh viên của tôi học hết tất cả những điều chính thống. Sự khác biệt là tôi dạy cho họ những mô hình như là những thao tác của trí óc. Tôi nói với họ về thể dục làm giảm gân giãn cốt. Ngay khi bạn bắt đầu một môn thể thao điều đầu tiên bạn phải làm là thể dục mềm dẻo, bạn không tức thì ra sân chơi ngay. Đó là điều chúng tôi làm trong các tiết học, thể dục làm cho trí óc mềm dẻo vì đầu óc của họ là nhão, cũng giống như tôi bị béo phì vì không vận động đủ (Cười). Tôi cho rằng những thao tác trí óc này là quan trọng. Nhưng những thao tác này không phải là kinh tế học vĩ mô. Chúng chỉ là một cách đơn giản để chuẩn bị cho đầu óc bạn nhận thấy những quan hệ qua lại phức tạp. Tiếc thay điều thường xảy ra là những thao tác của trí óc này cuối cùng được mô tả là những quan hệ kinh tế vĩ mô. Như thế tôi dạy cũng một giáo trình kinh tế vĩ mô như những người khác, nhưng tôi dạy theo một cách nhìn khác. Đó chỉ là một bước khởi đầu.
Phải chăng xu hướng đào tạo những người tốt nghiệp có khả năng kĩ thuật toán và kinh trắc là một bước thoái hoá?
Có và không. Tất cả tuỳ thuộc vào vào việc bạn tính làm gì. Trong chừng mực mà bạn muốn đào tạo những nhà kinh tế ứng dụng chính sách thì đó là một bước thoái hoá. Sinh viên ngày nay học các kĩ thuật nhưng ít học cách xét đoán. Những ai thật sự có khả năng làm toán ở trình độ hình thức hoá cao thường không có khả năng, hoặc tính cách, để xử lí những vấn đề mơ hồ về hợp nhất xã hội. Sự thật là các nhà toán học không đặc biệt giỏi trong việc hiểu những vấn đề chính sách. Bằng cách chú trọng đào tạo về toán, chúng ta đã làm cho những vấn đề này không mấy hấp dẫn đối với rộng rãi các nhà kinh tế tổng quát. Điều xảy ra là chúng ta đã loại trừ những nhà kinh tế tổng quát và thay thế họ bằng các nhà toán học. Một số ít những nhà toán học này là xuất sắc và họ đã có nhiều cải tiến quan trọng về lí thuyết thuần túy. Nhưng sự cải tiến này đã phải trả giá bằng việc áp dụng lí thuyết này cho những gì đang xảy ra. Do đó về một mặt thì điều này là có ích và mặt khác thì là tai hại.
Trong bài viết của giáo sư năm 1995b trên tạp chí Journal of Economic Perspectives[13] giáo sư biện luận là mô hình tổng cung và tổng cầu có những nhược điểm nghiêm trọng. Như thế tại sao nhiều nhà kinh tế vĩ mô nổi tiếng vẫn sử dụng mô hình này như một công cụ sư phạm trong những giáo trình của họ?    
Khi tôi nói những mô hình này có sai sót là trong các giáo trình nhập môn. Điều sai sót nằm ở những định nghĩa do các giáo trình này cung cấp. Ban đầu những giáo trình này định nghĩa như là tổng cầu một đường cân bằng được suy ra từ phân tích IS-LM. Không bao giờ đó chỉ là một hiện tượng của phiá cầu. Sau đó các giáo trình này đưa cung vào phân tích và làm như thế thì không rõ là đường cung nào được các giáo trình sử dụng. Phải chăng đó là một đường suy ra từ hàm sản xuất hay là một đường cung đặt cơ sở trên cấu trúc thể chế và những cọ xát? Kết quả là một sự phân tích lộn xộn. Sau này do những lời than phiền của tôi, và những than phiền tương tự của những người khác, các tác giả những giáo trình đã tỏ ra thận trọng hơn đến những gì họ nói và đã định nghĩa tổng cung và tổng cầu sao để tránh có vấn đề. Vì sao những phân tích AS/AD được sử dụng? Khi bạn viết một sách giáo khoa, một điều tôi biết rất rõ, bạn phải đối mặt với những áp lực mạnh để chấp nhận số đông. Những nhà xuất bản cho là các giảng viên thấy thoải mái với phân tích AS/AD nên họ thúc các tác giả đưa phân tích này vào. Và các tác giả đã nhượng bộ, bóp méo định nghĩa và đánh lạc hướng sinh viên.
Giáo sư đã biện luận (1988)[14] rằng kinh tế học vĩ mô cổ điển mới đã không thoả mãn được điều giáo sư gọi là tiêu chuẩn dạy được. Tuy thế, trong thập niên qua, nhiều khái niệm cổ điển mới rõ ràng đã được đưa vào những giáo trình nhập môn chủ đạo, cả ở mức độ nguyên lí lẫn trung gian. Nay nghĩ lại giáo sư có cho rằng bình luận của giáo sư là quá sớm không?
Không. Hoàn toàn không. Tôi nghĩ điều đã xảy ra là kinh tế học cổ điển mới đã tiến hoá và ngày nay thoả mãn tốt hơn tiêu chuẩn dạy được. Nếu bạn ghi nhận những gì họ làm thì họ đã rời xa các mô hình. Tôi cho rằng kinh tế học cổ điển mới không còn là một lực lượng hướng dẫn trong kinh tế học vĩ mô nữa. Nó đã trộn lẫn với kinh tế keynesian để cho chúng ta một sự kết hợp rất kì lạ đạt gần đến tiêu chuẩn dạy được. Tôi vẫn giữ ý kiến đã phát biểu. Điều tôi cũng đã nói là kinh tế keynesian mới sẽ đạt tốt hơn tiêu chuẩn dạy được khi có sự pha trộn cả hai thành một tổng hợp, điều hiện đang được giảng dạy.
Trong cuộc họp tháng giêng 1997 của Hội kinh tế Mĩ tại New Orleans nhiều bài tham luận (của Blinder, Blanchard, Solow và Eichengreen) đã cố gắng trả lời câu hỏi Có hay không một hạt nhân kinh tế vĩ mô thực tiễn mà tất cả chúng ta phải tin và dạy?” Giáo sư trả lời như thế nào câu hỏi này (xem AER, May 1997)?
Robert Solow (1924-)
Vâng tôi nghĩ là có một hạt nhân nhưng không nhất thiết đó là cái lõi mà họ sẽ chấp nhận (Cười). Tôi không có vấn đề đối với phần lớn những gì họ nói cả, nếu họ nói những điều đó một cách ít chắc chắn hơn. Nhưng điều bạn có ở đây là một nhóm những nhà kinh tế tân keynesian và keynesian mới (có trộn lẫn với những yếu tố của chủ nghĩa trọng tiền) nói rằng: “Xem này, chúng tôi hiểu được phần lớn kinh tế học vĩ mô”. Trong kì họp này không có lí thuyết gia nào về những chu kì kinh tế thực tế. Không có sự chất vấn nào đối với những cơ sở của mô hình chủ đạo. Cũng không có sự có mặt của Bob Clower. Tôi thấy là lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế có thể đóng góp thêm vào nhiều vấn đề quan trọng mà dường như những bài này đều thiếu. Tương tự như thế, cũng thiếu một số ý tưởng được Clower nêu lên. Tôi quan tâm đến những gì cuộc bàn luận này đã bỏ qua.
Nội dung của các giáo trình kinh tế vĩ mô mức sơ cấp có phải luôn phản ảnh xu hướng của nghiên cứu kinh tế học vĩ mô không hay đôi lúc nó cung cấp một hướng dẫn đi đầu?
Rõ ràng là phải phản ảnh vì với một giáo trình chúng ta cung cấp một dịch vụ. Mỗi khi tôi đi trước các sách giáo khoa thì tôi bị những người điểm sách hạ gục.
Nhưng giáo sư có thử nhấn mạnh những hướng đặc biệt nào không, một hướng dẫn nào phản ảnh sở thích riêng của giáo sư không?
Paul Samuelson (1915-2009)
Tất nhiên là có phản ánh rồi (Cười). Khi có những ý tưởng mới thì vấn đề là làm sao trình bày chúng để cho thiên hạ có thể tiếp nhận được những ý tưởng này. Tôi cho rằng các sách giáo khoa là cực kì quan trọng. Có lần Paul Samuelson nói là “Tôi không quan tâm đến ai viết luật pháp của quốc gia - hay thảo những chuyên luận về các bộ luật này nếu tôi có thể viết một giáo trình về những vấn đề này”. Cách những sách giáo khoa được viết là vô cùng quan trọng vì chúng có thể ảnh hưởng đến ai sẽ trở thành nhà kinh tế. Nếu sách giáo khoa trình bày kinh tế học theo cách tiếp cận vô bổ “đây là chân lí thì những sinh viên thật sự muốn tra hỏi các tư tưởng sẽ không theo học kinh tế. Bởi thế trong giáo trình của tôi điều tôi thử làm là trình bày mọi điểm chuẩn theo một cách dễ hiểu nhưng sau đó nói thêm là ở đây còn có nhiều vấn đề khác nữa, những vấn đề thật sự lí thú”. Tiếp đấy tôi cố gắng giới thiệu ngắn gọn cho sinh viên những vấn đề này. Tôi không có tham vọng là trình bày chân lí. Tôi trình bày cũng những thứ như các giáo trình khác nhưng cố gắng buộc sinh viên phải suy nghĩ. Bằng cách này điều tôi thử làm là làm thay đổi trọng tâm cách giáo dục kinh tế và cách kinh tế học được trình bày. Nhưng tôi rất dè dặt khi đưa vào giáo trình những điều quá mới, nên tôi bỏ nhiều thì giờ để suy nghĩ làm cách nào đưa vào giáo trình những ý tưởng như khoa học mới về sự phức hợp mà không vi phạm những tiêu chuẩn phổ biến. Bởi thế, trong lần xuất bản mới sách của tôi bạn sẽ thấy hai trang về đường kinh nghiệm và một sự bàn luận về lợi thế so sánh nội sinh. Nhưng tôi phải rất thận trọng. Rất nhiều người giảng dạy rất xa lạ với những mũi nhọn của nghiên cứu hiện hành. Đó là thị trường. Nếu bạn không thể rút gọn một ý tưởng mới thành một ẩn dụ luôn có ý nghĩa đối với họ thì bạn không thể đưa ý đó vào giáo trình được. Nếu bạn có thể rút gọn ý tưởng đó thành một ẩn dụ của lí lẽ thông thường thì bạn có thể đưa nó vào. Do đó trong các sách của tôi, ngay cả khi đã mở rộng cuộc bàn luận thông thường, cách tiếp cận của tôi được đón nhận tốt đặc biệt ở những cấp thấp khi những ý tưởng mới được giảng bằng lí lẽ thông thường.
Giáo sư thường phê phán cấu trúc khuyến khích trong giới đại học. Đâu là những phê phán của giáo sư đối với hoạt động đại học? (xem Colander, 1988[15], 1994[16])
Một lần nữa phê phán này chủ yếu nhắm vào giới đại học Mĩ mặc dù tiếc thay nước Anh cũng bắt đầu theo gương chúng tôi. Trên nhiều phương diện tôi thấy cách hoạt động truyền thống của Anh là rất hấp dẫn. Giảng viên đại học có cơ hội suy nghĩ trong thời gian dài về những vấn đề khác nhau và không chịu áp lực phải công bố những thứ không quan trọng. Tại Hoa Kì này không ai muốn đánh giá những gì được công bố độc lập với cấu trúc của ngành nghề. Nói cách khác, cách tiếp cận là như sau: nhiệm kì giảng dạy đòi hỏi ba bài viết về chủ đề A và hai viết về chủ đề B và đây là những tạp chí cho mỗi vấn đề. Điều này chủ yếu có nghĩa là những chủ biên của các tạp chí ấn định ai làm được chức việc này. Họ biết điều này và sử dụng quyền lực đó. Điều này khiến cho thiên hạ tự hỏi “làm thế nào để tôi có thể viết được một bài phù hợp với tạp chí X?”. Bạn hoàn toàn bắt đầu tập trung vào cách làm sao viết cho phù hợp với tạp chí X và quên mất tiến hành một nghiên cứu có ý nghĩa. Như thế bạn viết điều mà bạn nghĩ là người ta muốn thấy chứ không ngồi lại và suy nghĩ rộng ra đâu thật sự là vấn đề và có thể giải quyết được nó tốt nhất như thế nào? Cơ chế khuyến khích là thiên hạ được bổ nhiệm bằng cách tham gia vào trò chơi viết bài. Sau khi bỏ ra bảy năm làm việc này, họ đã vừa học vừa làm và không thể quay lùi được nữa, hay là chỉ một số ít có thể quay lùi để xem xét những vấn đề rộng lớn quan trọng hơn.
Trong bài “Lời tự thú của một nhà kinh tế thích châm chọc (1999)[17] giáo sư tự mô tả như một “nhà kinh tế phi chính thống không phe phái. Điều này có làm cho sự nghiệp nhà kinh tế và nhà giáo của giáo sư khó khăn hơn, vui hơn hay cả hai?
Khó khăn là niềm vui (Cười). Tôi nghĩ là cách tiếp cận của tôi chỉ trích mọi người, kể cả bản thân tôi, và không coi điều gì là quá nghiêm trọng cả. Tôi nghiêm chỉnh cố gắng để hiểu các vấn đề nhưng tôi luôn phê phán. Tôi có xu hướng là có vấn đề với nhiều nhà kinh tế phi chính thống khi họ bắt đầu bảo vệ những ý kiến của họ cho đến chết. Tôi cũng có vấn đề với các nhà kinh tế thuộc trào lưu chủ đạo vì họ cũng luôn quá lo bảo vệ ý tưởng của họ thay vì cố gắng thử có tư tưởng thông thoáng và nói là đâu thật sự là những ý tuởng tốt nhất trong số các ý tưởng này. Họ quên mất là những tư tưởng được dùng vào việc gì.
Giáo sư có cho là việc phân chia các nhà kinh tế vĩ mô thành những trường phái khác nhau là một công cụ giao lưu tư tưởng có ích hay là điều này đánh lạc hướng người ta?
Gregory Mankiw (1958-)
Tất cả tùy thuộc là đối với ai. Đối với các nhà kinh tế vĩ mô thì đây là một điều chẳng có ích lợi gì vì họ biết những phân biệt là như thế nào và điều gì xảy ra. Như tôi đã nói trên đây việc chia thành trường phái là dành cho sinh viên và cho những ai được giới thiệu nhập môn vào kinh tế học. Vì lí do này nên tên gọi được gán là rất quan trọng. Đó là lí do vì sao tôi phản đối thuật ngữ keynesian mới của Gregory Mankiw. Những gì ông ta gộp vào trong cụm từ keynesian mới là quá rộng và vô hình thù khiến cho thuật ngữ này không có ý nghĩa. Nó bao gồm cả các nhà trọng tiền và nhiều nhà kinh tế khác nữa. Đó là lí do vì sao tôi gợi ý gọi bằng kinh tế vĩ mô tân keynesian mới (1992a[18]) để nhấn mạnh gốc gác cuả nó. Ngày nay tôi tin là đã đến lúc từ bỏ sự phân chia keynesian-cổ điển. Hai phái này đã hoà trộn đến độ sự phân chia trên không còn ý nghĩa nữa. Đó là lúc tôi nảy ra ý phân chia walrasian/hậu walrasian. Tiếc thay sự phân chia mới này không bám rễ được (xem Colander, 1996[19]).
Nếu giáo sư phải chia các nhà kinh tế vĩ mô thành trường phái thì bảng xếp loại của giáo sư sẽ như thế nào?
Vào thời điểm này đó sẽ là sự phân chia walrasian đối lại với hậu walrasian. Trường phái walrasian gồm các nhà kinh tế chấp nhận mô hình hoá tổng thể nền kinh tế bằng cách sử dụng một khái niệm thị trường không có cơ sở vững chắc. Vì thế họ chỉ giả định là có các thị trường, và những thị trường này hoạt động một cách hoàn hảo, và từ đó họ bắt đầu mô hình hoá. Quan điểm hậu walrasian là trước khi ta có thể bắt đầu nói đến sự vật vận động như thế nào trên một thị trường thì ta cần có một lí thuyết về các thị trường, vì sao chúng phát triển và điều gì xảy ra trên đó. Hiện chúng ta không có một lí thuyết có thể chấp nhận được về các thị trường cho nên trường phái hậu walrasian bao gồm cả những ai cố gắng phát triển một lí thuyết như thế. Trong số này có thể kể các lí thuyết gia về tính phức hợp, đặc biệt là các lí thuyết gia ở Viện Santa Fe, các nhà thể chế, và những người khác như Clower, tất cả những người này đều nghiên cứu những kiểu vấn đề trên. Như thế rất nhiều nhà kinh tế với những quan điểm và cơ sở khác nhau đang nghiên cứu vấn đề này. Cách phân chia này tạo ra nhiều liên minh kì lạ. Hãy tưởng tượng các nhà kinh tế ở Santa Fe và các nhà thể chế chung với nhau một sàn! Đó là một điều rất lạ song cả hai phái đều không chấp nhận là thị trường tồn tại độc lập với việc các tác nhân xây dựng lên nó. Làm cách nào đưa cơ cấu vào trong các mô hình là một vấn đề lí thuyết của kinh tế vĩ mô. Xếp loại trường phái dựa trên sự phân biệt này là có ý nghĩa. Một khi đã phân loại các nhà kinh tế vĩ mô theo tiêu chí trên thì bạn có thể có thêm nhiều cách phân loại khác, nhưng đây là sự phân biệt then chốt.
Nhưng một người như Milton Friedman được xếp vào đâu trong sự phân chia walrasian đối lập với phi walrasian của giáo sư?
Trên nhiều phương diện, tôi sẽ xếp ông ta vào các nhà hậu walrasian vì ông ta rất chống lối lí thuyết hoá hình thức theo cách như nó đã phát triển. Ông ta là một nhà marshallian. Friedman khớp với trường phái hậu walrasian hơn là với trường phái walrasian, đó chính là điều khiến ông tự tách mình ra khỏi các nhà cổ điển mới.
Kinh tế học keynesian
Qua những gì giáo sư đã viết dường như giáo sư gần gũi và có cảm tình với dãy keynesian ở cuối phổ kinh tế vĩ mô. Phải chăng đó là một biểu tượng chính xác về quan điểm của giáo sư? 
Đúng và không đúng. Tôi không có cảm tình với phiên bản thủy lực học kinh tế keynesian. Tôi phản đối cái kiểu chủ nghĩa Keynes nói là chúng ta biết được phải theo chính sách nào. Tôi có cảm tình với ý cho rằng có thể là có những lí do tốt để chúng ta thích là chính phủ phải có một vai trò trong nền kinh tế. Trên điểm này thì tôi có cảm tình với chủ nghĩa Keynes. Trong chừng mực mà những mô hình kiểu keynesian dựa trên những chứng cứ thực nghiệm thì tôi thấy chúng là hấp dẫn. Những nhà keynesian đầu tiên nói rằng “hãy xem kìa: lương danh nghĩa và giá cả là tương đối cố định, chúng sẽ biến động với thời gian, nhưng hãy nhìn vào những bằng chứng thực nghiệm và đặt những mô hình của chúng ta trên cơ sở của quan sát này”. Điều này còn có nghĩa chừng nào những mô hình này được trình bày như những mô hình làm việc chứ không được trình bày như những mô hình lí thuyết hình thức. Song các mô hình keynesian lại được trình bày nhiều hơn thế nữa. Đó là lí do lúc đầu khởi nghiệp tôi tránh kinh tế học vĩ mô. Đơn giản là vì tôi không thể chấp nhận rằng chúng là những mô hình khoa học hình thức.
Theo giáo sư, đâu là di sản chính của Keynes trong kinh tế học?
Có lẽ đó là phương pháp của ông, mặc dù gần như di sản này đã bị đánh mất. Ông đã truyền lại di sản marshalian rằng kinh tế học quả thật là một cách tiếp cận để xem xét các vấn đề hơn là một cách cung cp những câu trả lời. Do đó tôi xem phương pháp của ông là di sản quan trọng nhất. Tôi cố gắng truyền lại di sản này bằng cách dạy cho sinh viên tiếp cận các vấn đề với một đầu óc luôn tra hỏi. Keynes làm điều này rất nhiều nhưng phần lớn những gì ông ấy làm liên quan đến những vấn đề chính sách thích đáng cho một thời điểm và một không gian đặc biệt.
Giáo sư có bầu chọn Keynes cho giải Nobel kinh tế không?
Tất nhiên là có (Cười)
Những vấn đề chính sách kinh tế và những phát triển lí thuyết
Lúc đầu, trong thời kì hậu chiến, học thuyết Keynes được gắn chặt chẽ với chủ nghĩa tài chính. Giáo sư nhìn vai trò của chính sách tài chính như thế nào trong thế giới hiện dại?
Chính sách tài chính - qua đấy tôi muốn nói đến mức độ bạn có thể điều chỉnh thâm hụt ngân sách để tác động đến mức hoạt động của nền kinh tế - như một một công cụ thật sự tích cực là không tồn tại. Điều này không có nghĩa rằng thâm hụt - mức độ và kích cỡ của thâm hụt - không phải là không có vai trò nào cả. Thâm hụt là quan trọng. Nhưng với những thể chế chính trị hiện hành thì không thể kiểm soát nổi nó. Bạn có một điều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng bạn không có phương tiện để kiểm soát nó.
Trong thập niên 1970 giáo sư đã tích cực phát triển những ý tưởng mới về các kế hoạch chống lạm phát, kế hoạch MAP (Market Anti-Inflation Plan). Ngày nay giáo sư nhìn công trình đó như thế nào? (Xem Lerner và Colander, 1980[20]; Colander, 1992b[21]).
MAP là một ý tưởng lí thuyết lí thú có nhiều khả năng thay đổi một cách cơ bản cấu trúc thể chế của nền kinh tế để cho nó vận động một cách hữu hiệu hơn. Về mặt chính trị nó không có mảy may được thực thi và nó còn nhiều vấn đề thực tiễn chưa được giải quyết. Ý tưởng cơ bản của MAP là tạo ra những quyền sở hữu về giá cả. Đây là một cách tiếp cận thuần túy vi mô v lạm phát phản ảnh sự đào tạo kinh tế tôi nhận được như là một nhà kinh tế của Chicago. Làm thế nào tống khứ lạm phát? Nếu bạn có quyền sở hữu về giá cả thì những ai muốn tăng giá của họ phải tìm ra một người khác để thay đổi giá của người đó trong chiều ngược lại - tất cả những giá này là những giá giá trị gia tăng với những quyền số thích hợp - thì, theo định nghĩa, bạn không có lạm phát. Điều này có nghĩa gì cho toàn thể nền kinh tế?
Abba Lerner (1903-1982)
Jimmy Carter (1924-)
Mối quan tâm ban đầu của tôi đến vấn đề này là thuần tuý lí thuyết. Tôi xem đó như một cách lí thú để đưa lạm phát vào những mô hình kinh tế tổng gộp. Nhưng Vickrey và Abba Lerner, cả hai người này đều rất phấn khởi với ý tưởng trên, xem nó một cách thực tiễn hơn. Như thế tôi bắt đầu xem xét những vấn đề thực tiễn này để coi ý tưởng này có khả thi không. Tôi tìm gặp Fred Kahn, lúc bấy giờ là người chủ trì cuộc chống lạm phát của tổng thống Jimmy Carter. Ông ta nói với tôi: “Tôi đã đọc những thứ ông viết nhưng điều ông muốn tôi làm sẽ kéo theo một sự thay đổi thể chế lớn hơn cả việc thành lập Hệ thống dự trữ liên bang”. Tôi đồng ý với điều này (Cười). Ông ta nhắc tôi là trong vị thế của ông, ông sẽ bị “tiêu diệt chỉ vì một lời nói sai và hỏi tôi là liệu tôi có nghĩ là ông có thể dính dáng gì với một điều triệt để như MAP! Đó là vào thập niên 1970. Nay thì khả năng triển khai MAP lại càng xa vời hơn nữa.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng hiểu MAP sẽ cho chúng ta hiểu sâu sắc cách mà các chính sách thu nhập có thể hoạt động. Quan điểm thông thường cho rằng những chính sách thu nhập làm cho nền kinh tế  bớt hiệu quả. Lập luận của tôi là, về mặt lí thuyết, một chính sách thu nhập làm cho một nền kinh tế trở nên có hiệu quả hơn một cách có hệ thống vì nó đạt đến được một mức thất nghiệp thấp hơn. Khi bạn phát triển kinh tế bạn đẩy giá tăng lên nhưng bạn không làm cho lạm phát tăng tốc. Với MAP bạn có thể lựa chọn mức mà bạn muốn nền kinh tế hoạt động. Bạn cũng có được một độ đo thực sự về áp lực của lạm phát, cho phép bạn điều khiển chính sách tiền tệ một cách có ý nghĩa hơn. Bạn có thể dùng những giá tín dụng của MAP làm cơ sở cho một qui tắc tiền tệ. Như thế tôi đã nghĩ và vẫn còn nghĩ là ý tưởng này về mặt lí thuyết là gọn gàng. Khó khăn tôi gặp phải trong việc giải thích ý tưởng tương đối đơn giản này cho các nhà kinh tế vĩ mô đã khiến tôi nghiên cứu giới kinh tế và xã hội học về giới này.
Trong thập niên qua mối quan tâm về tăng trưởng đã hồi sinh. Giáo sư nhìn như thế nào sự chuyển hướng mới đây của kinh tế học về hướng tăng trưởng kinh tế?
Nathan Rosenberg (1927-2015)
Tôi không chống đối việc này, nhưng tôi cũng không thích cách mà tăng trưởng được trình bày. Mô hình Solow đặc biệt không phải là một công cụ có ích để hiểu và giảng dạy tăng trưởng. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều của những bài viết của Nathan Rosenberg (1994)[22], người đã nhấn mạnh đến tính chất cực kì phức tạp của công nghệ và của những quyết định công nghệ và bằng cách nào chúng tác động lẫn nhau. Phần lớn những ý tưởng quan trọng nổi lên không trực tiếp theo những đầu tư đã được lên kế hoạch. Đầu tư và tư bản chỉ là một phần nhỏ của quá trình tăng trưởng. Trong mọi quá trình tăng trưởng có một hiệu ứng từng nấc rất thích hợp với quan diểm về tính phức hợp. Trong quyển sách tôi đang viết tôi thật sự nhấn mạnh đến cách tiếp cận Santa Fe về tăng trưởng như một đối chọn thực tế. Mô hình Solow hoạt động vì nó có động thái tuyến tính luôn đưa bạn trở về đường tăng trưởng cân bằng. Cách tiếp cận Santa Fe nói rằng còn có nhiều cân bằng khác nữa. Nền kinh tế có thể có nhiều đường tăng trưởng khác nhau và một cách tiên nghiệm khó mà nói được bạn sẽ chọn con đường nào. Cách duy nhất bạn có thể làm cho một quá trình tăng trưởng có ý nghĩa là bắt đầu đi vào thực tế và xem xét những trường hợp cụ thể. Tôi nghĩ là các nhà kinh tế cần phải phân biệt được điều sau đây: “Có phải là thật sự thị trường hoạt động tốt vì tự bản thân thị trường hoạt động tốt hay vì những thể chế chúng ta đã phát triển làm cho thị trường hoạt động tốt?”. Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở vế thứ nhì. Nếu các nhà kinh tế sẵn sàng chấp nhận là các thể chế là quan trọng và có tiến hoá thì tôi không có vấn đề gì đối với việc thay đổi hướng tập trung của kinh tế học vĩ mô vào tăng trưởng.
Một cuộc tranh luận quan trọng về chính sách kinh tế vĩ mô là nên tiến hành chính sách ổn định hoá bằng những qui tắc hay bằng những chính sách tùy nghi. Giáo sư đứng ở đâu trong cuộc tranh luận này.
Tôi nghĩ rằng phần lí thuyết của cuộc tranh luận này là ngu xuẩn. Thiên hạ luôn hiểu được sự khác biệt giữa qui tắc và tùy nghi. Tính không nhất quán trong thời gian không phải là một cách nhìn sâu sắc gì mới cả. Đó là lí do vì sao trong quá khứ ta đã có hệ thống bản vị vàng. Những qui tắc hoàn toàn có điều kiện luôn được ưa chuộng hơn là sự tùy tiện, đó là điều những công trình về tính không nhất quán trong thời gian nói cho chúng ta biết. Nhưng, trong thế giới hiện thực những qui tắc có điều kiện hạn chế không mấy hữu ích. Thật ra cuộc tranh luận thật sự là những điều kiện nào cần phải được tính đến trong một qui tắc và mức độ đơn giản nào ta muốn xây dựng một qui tắc. Đây là một điều mà ta không thể trả lời về mặt lí thuyết được vì nó đòi hỏi có sự phán đoán. Trình bày vấn đề như một vấn đề lí thuyết, đối lập với một vấn đề đánh giá giá trị, đã làm cho thiên hạ lạc lối.
Điều Harry Johnson (1971)[23] gọi là cuộc phản cách mạng trọng tiền có còn gì chăng?
Harry Johnson (1923-1977)
Robert Lucas (1937-)
Nó đã được gán ghép vào trào lưu chủ đạo. Vì thế thực sự chúng ta không còn bàn đến nó nữa. Kinh tế học vĩ mô chính thống nay là một sự pha trộn những quan điểm trong đó phần lớn những quan điểm được tôi xem là tinh tuý của chủ nghĩa Keynes đã bị loại trừ. Như thế theo một cách nào đấy, chủ nghĩa trọng tiền của Friedman đã chiến thắng. Bây giờ nó được gọi là kinh tế học vĩ mô keynesian mới. Theo tôi chủ nghĩa Keynes không chấp nhận một tỉ suất tự nhiên, duy nhất, phi thể chế, độc lập với các dự kiến.
Trong thập niên 1970 những đóng góp của các nhà kinh tế cổ điển mới thống trị lịch làm việc của phân tích kinh tế  vĩ mô. Giáo sư có cho là công trình của những nhà cổ điển mới như Robert Lucas đã củng cố hiểu biết của chúng ta về những hiện tượng kinh tế vĩ mô không?
Hoàn toàn đúng như thế. Như tôi đã nói, mô hình tân keynesian như nó tồn tại trước khi có những đóng góp cổ điển mới, có tham vọng là một mô hình khoa học nhưng lại không thật sự là một mô hình khoa học. Tôi nghĩ điều duy nhất làm thay đổi sự tự mãn này là cuộc cách mạng cổ điển mới. Họ đã nói đúng đắn là “Xem này, ở đây các ông đã làm một mớ những giả thiết ad hoc”. Tôi nghĩ rằng chỉ rõ điều này là vô cùng quan trọng. Tất nhiên, họ đã đẩy kinh tế học vĩ mô vào một chiều hướng điên khùng, nhưng đó lại là một vấn đề khác.
Finn E. Kydland (1943-)
Edward C. Prescott (1940-)
Thế còn những phát triển cổ điển mới sau này do Finn Kydland và Edward Prescott (1982)[24] khởi xướng nhận diện những cú sốc công nghệ như là nguồn gốc hàng đầu của những dao động tổng gộp? Giáo sư có nghĩ rằng lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế có thể sẽ bị trào lưu chủ đạo thu nạp không?
Hoàn toàn đúng như thế, trong chừng mực mà lí thuyết này có vài điều sâu sắc quan trọng. Theo tôi điều sâu sắc là cung ngắn hạn luôn thay đổi cho nên những vấn đề của cung thật sự hướng dẫn những gì xảy ra trong nền kinh tế. Tuy nhiên tôi nghĩ là lí thuyết chu kì kinh tế thực tế về cung là hoàn toàn ngu ngốc. Giả thiết thay thế liên thời gian của lao động không qua nổi kiểm chứng hiểu biết trực giác của tôi. Đây không phải là cách hoạt động của thị trường lao động. Những vấn đề xác đáng của cung trong kiểu những thị trường mà ta có trong hiện thực - một khi bạn đã có một lí thuyết những thị trường - là các doanh nghiệp phải xác lập giá để thu hút khách hàng, họ phải giữ những giá này tương đối cố định, với cấu trúc thể chế hiện hành của chúng ta (cấu trúc này có thể thay đổi với sự phát triển của thương mại trên mạng internet). Trong chừng mực mà bạn có một cấu trúc thị trường như thế thì cầu dự kiến có một vai trò quan trọng trong cung ngắn hạn. Như thế cầu có một vị trí trung tâm trong nền kinh tế nhưng nó không tách rời với cung, nó vận động thông qua cung. Nếu cung điều chỉnh do có những biến động của cầu dự kiến thì điều này sẽ khiến cầu biến động theo. Như vậy bạn có mối quan hệ qua lại của các nhà keynesian nhưng mối quan hệ này vận động thông qua cung và những dự kiến về cầu. Khi các dự kiến tác động đến cung thì những lực thực tế và những lực hư ảo hoà trộn với nhau và không thể phân biệt chúng được nữa. Những ảo tưởng của chúng ta tạo nên hiện thực của chúng ta. Theo tôi đây là quan điểm trung tâm keynesian sâu sắc. Há chẳng phải khôi hài là quan điểm sâu sắc này được đưa trở lại vào kinh tế học qua đường vòng của những chu kì kinh doanh thực tế?
Những tỉ suất lạm phát cao được xem là không mong muốn. Phải chăng là lạm phát thấp và thất nghiệp thấp là những mục tiêu có thể đạt được?
Chắc chắn là như thế, tôi tin là hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu trên. Bill Vickrey nghĩ là có thể hạ thất nghiệp xuống còn 2 phần trăm. Vấn đề là bạn có muốn tiến hành những thay đổi thể chế cần thiết hay không để đạt tới mục tiêu này. Để làm việc này, bạn phải đưa vào một chính sách thu nhập, một chính sách có phần chủ yếu giống MAP. Như thế những lựa chọn chính trị là vô cùng to lớn vì điều mà chính sách này kéo theo là sự tự do của thiên hạ để tăng giá của mình. Với kế hoạch MAP bạn gạt tự do này sang một bên vì thiên hạ chỉ có thể tăng giá khi điều này không dẫn đến lạm phát. Đây là một cách phân bổ quyền hoàn toàn khác và tôi nghi ngờ là có bất kì nước nào muốn kiểu thay đổi này. Lí do bạn không có những thảo luận về những chính sách thu nhập dựa trên kế hoạch thị trường, tựa như MAP, là vì chúng kéo theo những thay đổi to lớn về quyền lực từ người trong cuộc sang những người ngoài cuộc.
Phân tích kinh tế vĩ mô đáng lí phải giải thích được những nguyên nhân của thất nghiệp. Giáo sư có nghĩ là khái niệm thất nghiệp không tự nguyện là có ích và đã giúp cho hiểu biết của chúng ta không?
Không. Cũng một thất nghiệp đó có thể được xem như tự nguyện hay không tự nguyện tùy theo cách nhìn của bạn. Điều tôi cho là quan trọng là có hay không một vài chính sách có thể loại trừ thất nghiệp. Giả sử là ta chấp nhận rằng tất cả thất nghiệp là không tự nguyện. Điều này phải chăng có nghĩa là chúng ta phải xem thất nghiệp là một điều tốt? Theo tôi thì không. Ví dụ tôi dí súng vào đầu bạn và nói “Đưa tiền hoặc đưa mạng sống đây”, tôi nghi ngờ là bạn sẽ tự nguyện trao tiền cho tôi. Nhưng điều này không có nghĩa là xã hội sẽ cho phép những hành động như thế. Với các thể chế sẵn có thì tất cả những kết quả đều là tự nguyện trong chừng mực là thiên hạ chấp nhận những thể chế này. Vấn đề thật sự của thất nghiệp là một vấn đề so sánh thể chế chứ không phải rằng thất nghiệp là tự nguyện hay không.
Như thế giáo sư chủ trương những biện pháp chính sách nào để làm giảm thất nghiệp?
Tôi nghĩ có hai cách tiếp cận. Một cách là làm cho thất nghiệp trở thành ít hấp dẫn hơn. Ví dụ, vứt bỏ đi bảo hiểm tht nghiệp. Cách thứ hai là nghiêm túc xem xét nhu cầu triển khai một chính sách thu nhập. Tôi rất dè dặt trong việc đề xướng những biện pháp đặc biệt. Vai trò của các nhà kinh tế là cung cấp một cái nhìn sâu sắc về những vấn đề này. Chúng ta muốn đẩy nền kinh tế tới mức thất nghiệp nào là một vấn đề chuẩn tắc và đây là vấn đề các nhà chính trị phải quyết định. Điều các nhà kinh tế cần làm là giải thích kiểu thay đổi thể chế nào bạn sẽ buộc phải tiến hành nhằm đạt đến những mục tiêu đã cho.
Nhưng trong quá khứ phần lớn những chính sách thu nhập đều kéo theo những hình thức kiểm soát không thể chấp nhận được?
Chương trình MAP không có bộ máy quan liêu xác định giá. Nó để những doanh nghiệp lấy các quyết định về giá cả. Đó là một kế hoạch thị trường. Chính phủ sẽ không có quyết định về bất kì giá nào cả. Chính phủ chỉ đơn giản nói với các doanh nghiệp là ngày nào họ còn tuân thủ luật chơi của thị trường thì họ có thể làm mọi điều họ muốn. Luật chơi là nếu một doanh nghiệp không có đủ tín dụng MAP thì nó phải mua thêm tín dụng này trên thị trường từ một doanh nghiệp lựa chọn giảm giá của mình để bù đắp. Như thế nói cách khác bạn không có một chính phủ ra bất kì quyết định nào sau khi những quyền sở hữu ban đầu đã được phân phối. Thị trường sẽ đảm nhận việc này. 
Phải chăng là với sơ đồ MAP của giáo sư thì không thể có dư thừa của cầu?
Vâng, không thể có chuyện này chừng nào mà giá tín dụng của MAP không nổ tung. Dư thừa của cầu sẽ đẩy giá của tín dụng MAP lên cao khiến doanh nghiệp tăng cung. MAP chỉ đường cho một gia tăng của cầu dẫn đến gia tăng của cung và hơn nữa đến gia tăng của giá danh nghĩa. Giá tín dụng của MAP sẽ loại trừ dư thừa này của cầu nên trong hệ thống này sẽ không thể có dư thừa của cầu. Như thế thay vì có một đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp bạn có sự đánh đổi giữa thất nghiệp và giá tín dụng của MAP mà bạn muốn. Dư thừa của cầu sẽ mất hết ý nghĩa, nó được chuyển thành một ràng buộc của một giá đặc biệt - giá để được quyền tăng giá.
Những vấn đề chung
Hiện trạng của kinh tế học vĩ mô có đáng lo ngại không hay giáo sư nghĩ là chúng ta đã có những tiến bộ đều đặn?
Tôi hoàn toàn không biết (Cười). Trong chừng mực mà kinh tế học vĩ mô đã không sáp nhập những gì cần phải sáp nhập thì bộ môn này không được khoẻ cho lắm. Nhưng hình như nó cũng không đến nỗi nào, không ở ngưỡng cửa sắp chết hay gì khác.
Theo giáo sư chiều hướng tương lai của kinh tế học vĩ mô sẽ như thế nào?
Tôi tin là tương lai nằm ở việc hiểu tốt hơn động thái và tính phức hợp của hệ thống. Chính lí thuyết đang chuyển động theo hướng này. Có thể là sẽ có một tác động lớn đến cả cách giảng dạy kinh tế học vi mô lẫn kinh tế học vĩ mô. Đó là những gì tôi cho là những phát triển thật sự lí thú. Sẽ mất bao lâu để có ảnh hưởng thật sự? Có thể là mười hoặc hai mươi năm, nhưng sẽ phải mất một thời gian dài.
Trong tương lai gần giáo sư có định diễn thuyết về những vấn đề trên không?
Vâng. Chúng tôi tổ chức năm nay một hội nghị ở Middlebury để đưa những ý tưởng về sự phức hợp vào trong những sách giáo khoa và làm như thế nào. Nếu bạn tính đến sự phức hợp một cách nghiêm túc thì điều này sẽ ảnh hưởng đến việc giảng dạy kinh tế học. Tính phức hợp cũng là chủ đề của Hội nghị năm nay (1998) về Lịch sử kinh tế ở Montréal, mà tôi đang tổ chức.
Trong lịch sử kinh tế những nhà kinh tế truớc đây đã có những quan điểm như thế nào về tính phức hợp?
Adam Smith nhìn và biện minh cho thị trường hoàn toàn khác với cách của David Ricardo. Smith có thiện cảm với quan điểm về tính phức hợp này hơn là Ricardo.
Trong bài viết cho tạp chí Methodus (1990)[25] giáo sư biện luận là tất cả những đánh giá về các nghiên cứu hiện nay của những nhà sử học về tư tưởng phải sử dụng rộng rãi các cuộc phỏng vấn. Giáo sư cho là phương pháp phỏng vấn đem lại những lợi thế gì cho nghiên cứu?
(Cười). Bài viết này là kết quả của việc tham dự buổi họp Lịch sử tư tưởng và sau khi nghe một loạt các nhà kinh tế phi chính thống nói về các đồng nghiệp thuộc dòng chủ đạo như thể là họ đã chết hết rồi. Do đó tôi nói “nào, tại sao bỏ hết giờ này qua giờ khác đọc những gì họ viết điều bạn nghĩ là cách kiến giải đúng hay sai khi mà bạn có thể làm điều này bằng một cú điện thoại?”. Bạn có thể hỏi thẳng họ “đây là cách hiểu của tôi, ông nghĩ như thế nào?”. Khi bạn có một cách dễ dàng như thế để hỏi thiên hạ họ nghĩ gì thì đối với tôi hình như có vẻ là ngu xuẩn nếu ta không dùng cách này (Cười). Trong nghề chúng ta có quá nhiều bài viết và quá ít trao đổi với nhau.
Giáo sư có từng quan tâm đến chính trị và lập trường chính trị của giáo sư có ảnh hưởng đến kinh tế học của giáo sư không?
Vợ cũ của tôi quan tâm một cách tích cực đến chính trị. Bà ta là một trong những người được học bổng Rhodes đến Oxford như một bước lên một viên gạch để với tới những điều lớn lao hơn. Chúng tôi lấy nhau ở Washington và được coi như là một cặp năng động. Một cựu chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế dự đám cưới của chúng tôi. Chúng tôi tham dự những buổi chiêu đãi chính trị, nơi mà chính trị thật sự diễn ra. Tôi nhanh chóng nhận ra là bạn có thể thân mật với thiên hạ mà không nói những gì bạn nghĩ trong các cuộc chiêu đãi này. Đến lúc đó thì tôi hoàn toàn hiểu rõ một điều là tôi không có bất kì vai trò nào cả trong giới chính trị và giới xây dựng chính sách. Điều cũng rõ ràng là bà vợ đầu tiên của tôi và tôi là không hợp với nhau.
Hãy để tôi nói rõ. Tôi không có ý chê bai chính trị và việc xây dựng chính sách. Chính trị đòi hỏi phải hiểu biết những vấn đề này. Giới đại học bị các nhà chính trị sử dụng vì chỉ có các nhà chính trị mới hiểu thật sự những phương thức vận động phức tạp của quá trình chính trị. Tôi không quan tâm đến việc nghiên cứu những phương thức phức tạp này nên tôi không có gì để nói nhiều về những kiểu chính sách đặc biệt các nhà chính trị thường bàn. Quan tâm của tôi đến chính sách là trừu tượng hơn - nhìn xa và dài hạn hơn.
Để có thể biến những chính sách nhìn xa thành chính sách hiện hành bạn phải hiểu những vấn đề chính trị. Bàn đến những chính sách đặc biệt - khi mà ta không thật sự hiểu tất cả những sắc thái của vấn đề - là sai lầm.  Trong thế giới ngày nay bạn phải chuyên môn hoá. Các nhà kinh tế có thể nói: đây là những chiều kích rộng lớn của các vấn đề và cung cấp một cách nhìn có ích, nhưng tôi không nghĩ rằng các nhà kinh tế đi đến những kết luận chính xác trừ khi chính họ trở thành những nhà chính trị. Do đó tôi né tránh chính trị. Những sinh viên của tôi luôn đánh cuộc tôi có thể có quan điểm chính trị như thế nào. Một số tin rằng tôi là một người mácxít, một số khác lại cho rằng tôi là một người tự do. Điều này làm tôi thích thú. Họ hoàn toàn không biết là tôi đứng ở đâu, một phần vì chính tôi cũng không biết mình đứng ở đâu (Cười).
Quan điểm của giáo sư về đóng góp của Marx cho kinh tế học?
Tôi nghĩ là Marx đã có nhiều đóng góp thú vị. Vấn đề là Marx là một nhà ricardian. Marx bị giới hạn trong đóng góp mà ông ta có thể cống hiến do Ricardo đã đưa ông vào một hướng sai lầm (Cười). Bây giờ nếu Marx là một nhà Smithian...
Giáo sư có đồng ý với Keynes rằng các nhà chính trị và xây dựng chính sách thường là nô lệ của một nhà kinh tế học nào đó đã chết”[26] không?
Có và tôi muốn bổ sung thêm là các nhà kinh tế cũng là những tên nô lệ của những nhà chính trị hiện hành (Cười).
Giáo sư thể hiện một nhiệt tình cao độ đối với kinh tế học bằng với nhiệt tình giáo sư dạy bộ môn này. Rõ ràng là giáo sư xem việc dạy học và những gì các nhà kinh tế chúng ta dạy là vô cùng quan trọng. Điều gì khiến giáo sư nhiệt tình như thế đối với kinh tế học?
Tôi nghĩ là quả thật kinh tế học nói được nhiều điều quan trọng. Nó cung cấp được nhiều cách nhìn sâu sắc. Thị trường và cách nó vận động luôn làm tôi thích thú. Biết bao nhiêu người hành động cho lợi ích riêng của họ và không biết tại sao mà mọi sự lại được tổ chức và hệ thống thị trường dường như hoạt động được. Như thế cũng bao nhiêu điều đã từng quyến rũ những nhà kinh tế đầu tiên đến với những vấn đề này lại tiếp tục hấp dẫn tôi. Khi bạn thích thú điều gì đó thì sẽ rất thú vị để dạy lại điều này cho người khác. Bạn muốn chỉ cho họ là điều đó đẹp như thế nào.
Giáo sư có quan tâm đến những gì xảy ra ở châu Âu và ở những nơi còn lại của thế giới không?
Tất nhiên là có. Tôi quan tâm đến những gì xảy ra nhưng cũng giống như là tôi chả có điều gì đặc biệt để nói về chính sách của Hoa Kì tôi cũng không có điều gì đặc biết để nói về chính sách của châu Âu. Tôi nhìn toàn thế giới như phòng thí nghiệm của tôi. Do đó, những gì đang xảy ra ở châu Âu về mặt tỉ suất thất nghiệp là vô cùng quan trọng. Những gì đang xảy ra ở Đông Âu là rất quyến rũ. Trong năm được phép nghỉ dạy tôi cùng vợ và các con đi vòng quanh thế giới, gặp gỡ các nhà kinh tế, xem những gì xảy ra tại chỗ như ở Trung quốc, để có thể cảm nhận thật sự những gì đang diễn ra.
Giáo sư cũng có một thời gian ở Bungari. Giáo sư có học được gì ở đó không?
Chúng tôi được đưa sang để dạy kinh tế của phương tây và để giải thích chính sách kinh tế nào Bungari nên theo. Tôi đã nói rõ là tôi không biết phải theo chính sách nào vì quyết định này cần một số thông tin về các thể chế nhiều hơn số thông tin mà tôi có. Nhưng tôi có thể nói: trong lĩnh vực này thị trường có xu hướng hoạt động được nhưng trong lĩnh vực kia thì không. Những cuộc đấu tranh chính trị trong trong nội bộ các đại học để biết xem những nhà mácxít cũ còn quyền kiểm soát được bao nhiêu và bao nhiêu quyền kiểm soát đã lọt vào tay những người khác đã chấm dứt. Đây là một điều lí thú nhưng tôi không nghĩ là mình đã có đóng góp gì nhiều.
Một vấn đề then chốt hiện nay ở châu Âu là nên hay không có một liên minh tiền tệ. Giáo sư có quan tâm đến lĩnh vực này không? Giáo sư có ủng hộ EMU không?
Tôi phải nghiên cứu thêm những khía cạnh chính trị của vấn đề trước khi có thể đánh giá được. EMU có lợi cho một số nước không? Hoàn toàn là có. EMU có bất lợi cho một số nước khác không? Cũng hoàn toàn là có. Mỗi nước sẽ giải quyết vấn đề như thế nào? Quả tình tôi đứng trung lập vì không nghiên cứu đầy đủ vấn đề này. Thật ra chung qui đó cũng giống như phản ứng tôi có đối với những cuộc tranh luận về chính sách mà tôi có thể làm rõ đâu là các lập luận nhưng để có thể có một quan điểm vững chắc thì tôi phải cảm thấy là mình phải tham gia những cuộc thảo luận chính trị. Điều này đòi hỏi một sự đánh giá. Đó không phải là một vấn đề trong đó lí thuyết kinh tế, hay kinh nghiệm kinh tế trước đó, có thể nói điều này là đúng điều này là không. Do đó nó phù hợp với quan điểm của tôi theo đó lí thuyết kinh tế là một nguyên lí tổ chức cách tiếp cn một sự việc gì. Nó không cung cấp những giải pháp có sẵn.
Giả sử giáo sư nhận được điện thoại mời giáo sư về Washington làm cố vấn cho chính sách. Có phải đó là một điều hấp dẫn không?
Không, hoàn toàn không. Tôi không thể chịu được những buổi chiêu đãi (Cười). Ngoài ra dứt khoát là sẽ không có cú điện nào vì tôi được biết như là một kẻ luôn nói những điều xúc phạm không đúng lúc (Cười).
Nhưng làm một nhà phê bình dễ hơn làm người phải thật sự ôm đầu và ra quyết định. Cuối cùng thì cũng phải có một người lấy những quyết định  chứ.
Tôi hoàn toàn đồng ý. Điều tôi muốn nói là tôi không phải là người làm việc đó. Tôi quan tâm đến việc cố gắng hiểu các vấn đề. Tôi đã hoàn toàn mất hi vọng có ảnh hưởng đến những chính sách ngắn hạn. Ngoại trừ có ai đó có tài trí muốn rời bỏ Vermont để đến Washington (Cười).
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 208-228




[1] The Role of Monetary Policy”, American Economic Review, March 1968

[2] Phillips Curves, Expectations of Inflation and Optimal Unemployment Over Time”, Economica, August 1967
Money Wage Dynamics and Labour Market Equilibrium”, Journal of Political Economy, August 1968

[3] Liquidity Preference and the Theory of Interest and Money”, Econometrica, January 1994

[4] Mr Keynes and the Classics: A Suggested Interpretation”, Econometrica, April 1937

[5] Monetary Policy and Fiscal Policy, New York: Mc Graw-Hill, 1949

[6] The Keynesian Counter Revolution: A Theoretical Appaisal
”, trong F. H. Hahn và F. P. R. Brechling (chủ biên), The Theory of Interest Rates, London: Macmillan

[7] On Keynesian Economics and the Economics of Keynes, London: Oxford University Press

[8] The Methodology of Positive Economics” trong M. Friedman, Essays in Positive Economics, Chicago, IL: University of Chicago Press

[9] Is Milton Friedman an Artist or a Scientist?”, Journal of Economic Methodology, June 1995

[10] bố của John Maynard Keynes, giáo sư kinh tế Cambridge, tác giả của The Scope and Method of Political Economy (1891) [ND]

[11] Confession of an Economic Gadfly”, trong M. Szenberg (chủ biên), Passion and Craft: Economists at Work, Ann Arbor: University of Michigan Press

[12] “Taking Markets Seriously: Groundwork for a Post Keynesian Macroeconomics”, trong D. Colander (chủ biên), Beyond Microfoundations: Post Walrasian Macroeconomics, New York: Cambridge University Press

[13] “The Stories We Tell: A Reconsiderration of the AS/AD Analysis”, Journal of Economic Perspectives, Summer 1995

[14] “The Evolution of Keynesian Economics: From Keynesian to New Classical to New Keyneysian”, trong O. F. Hamouda và J. N. Smithin (chủ biên), Keynes and Public Policy after Fifty Years, vol I: Economics and Policy, Aldershot: Edward Elgar

[15] xem chú thích 49

[16] “Visions, Judgement and Disagreement among Economists”, Journal of Economic Methodology, June 1994

[17] xem chú thích 46

[18] “The New, the Neo and the New Neo”, Methodus: Bulletin of of the International Network For Economic Method, June 1992

[19] Beyond Microfoundations: Post Walrasian Macroeconomics, New York: Cambridge University Press

[20] MAP: A Market Anti-inflation Plan, New York: Harcourt Brace Jovanovich

[21] A Real Theory of Inflation and Incentive Anti-Inflation Plans”, American Economic Review, May 1992

[22] Exploring the Black Box: Technology, Economics and History, Cambridge: Cambridge University Press

[23] “The Keynesian Revolution and the Monetarist Counter-Revolution”, American Economic Review, May 1971

[24] Time to Build and Aggregate Fluctuations”, Econometrica, November 1982

[25] Form and Content in Appraising Recent Economic Developments”, Methodus: Bulletin of the International Network for Economic Method, June 1990

[26] LTTQ, trang 438 (ND).

Print Friendly and PDF