1.5.16

Có thể loại bỏ các thiên đường thuế



Có thể loại bỏ các thiên đường thuế

J. Bradford DeLong Michael M. DeLong
BERKELEY – Theo định nghĩa, các thiên đường thuế là những nơi có hoạt động bí mật và mù mờ. Lý giải chính cho sự tồn tại của chúng là để che giấu những của cải ngầm tại đó. Và cuốn sách mới của Gabriel Zucman, The Hidden Wealth of Nations: The Scourge of Tax Havens (Của cải ngầm của các quốc gia: Tai họa của các thiên đường thuế), tiết lộ, như chưa từng có trước đây, quy mô vai trò của chúng trong nền kinh tế toàn cầu.
Zucman xem xét sự khác biệt trong các tài khoản ngân hàng quốc tế để đưa ra những số liệu chính xác và đáng tin cậy nhất về những số tiền được lưu giữ ở các thiên đường thuế. Ông ước tính có 8% tài sản tài chính của thế giới – khoảng 7,6 nghìn tỷ đô-la – được che giấu ở những nơi như Thụy Sĩ, Bermuda, quần đảo Cayman, Singapore, và Luxembourg. Con số đó lớn hơn tài sản thuộc sở hữu của một nửa số người nghèo trên thế giới (7,4 tỷ người).
Gabriel Zucman
Con số này có những hệ quả quan trọng, bởi vì nó tượng trưng cho số tiền phải chịu thuế. Nếu các nước giàu ở châu Âu và Bắc Mỹ không thể đánh thuế người giàu một cách có hiệu quả, thì họ sẽ có ít cơ hội để duy trì nền dân chủ xã hội và đấu tranh chống lại sự gia tăng bất bình đẳng đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế của họ trong thời gian gần đây. Tương tự, các nền kinh tế mới trỗi dậy sẽ có rất ít hy vọng để thiết lập các hệ thống thuế lũy tiến, nếu không thể tìm thấy của cải của các nhà tài phiệt của họ.
Để làm rõ, Zucman dựa vào một giả định chưa được chứng minh rằng có thể tìm thấy những dữ liệu quan trọng trong cái thường được phân loại là "sai sót." Nhưng có lý do để tin rằng các con số của ông là một xấp xỉ gần đúng. Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, người nước ngoài sở hữu 2,4 nghìn tỷ đô-la trong các tài khoản ngân hàng của Thụy Sĩ nói riêng. Và trong khi Thụy Sỹ có thể là thiên đường thuế lâu đời nhất thế giới, nhưng đó không phải là nơi thuận lợi nhất để ký thác tiền.
Một lý do vì sao rất khó loại bỏ các thiên đường thuế là không phải mọi người trong chính phủ đều nhất thiết phải có quan điểm giống nhau. Bất cứ nơi nào mà tham nhũng mang tính đặc thù địa phương – ví dụ như Nga, Trung Quốc, và nhiều nước Trung Đông – thì nhiều quan chức có thể xem các thiên đường thuế không phải là một vấn đề về doanh thu, mà là một phần công việc hấp dẫn.
George W. Bush (1946-)
Ngay cả tại Hoa Kỳ, các chính sách thường được cố tình xây dựng để cho phép – chứ không phải là để ngăn cản – việc trốn thuế thông qua các thiên đường thuế. Một cựu quan chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đặt vấn đề như sau, "rốt cuộc, đây là vấn đề tự do". Kết quả của việc thực thi chính sách lỏng lẻo này đã làm thâm hụt một phần lớn ngân sách lên đến một phần ba số tiền thuế lợi tức của các doanh nghiệp Hoa Kỳ kể từ cuối những năm 1990.
Khi nói đến các thiên đường thuế, thì tốt hơn nên nói rằng không thể làm điều gì cả. Chủ quyền quốc gia được coi là vấn đề quá quan trọng để có thể bị các luật thuế quốc tế chi phối. Và các nhà tài phiệt đương thời được xem là có ảnh hưởng đến các chính trị gia dân cử và các công chức. Hơn một thế kỷ trước, cựu Thống đốc bang New Jersey Woodrow Wilson đã thuyết phục cơ quan lập pháp nhà nước đánh thuế cao các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của các thiên đường thuế. Ngay sau đó, các tập đoàn của Mỹ đã dời các trụ sở pháp lý của họ sang bang Delaware bên cạnh.
Woodrow Wilson (1856-1924)
Nhưng những người nói rằng một chính sách phối hợp ở tầm quốc tế là điều bất khả, lại không nói rằng việc phối hợp một chính sách quốc tế là điều có vẻ luôn luôn là bất khả, cho đến khi các điều kiện đột nhiên thay đổi và mọi thứ đâu vào đó. Có thể loại bỏ các thiên đường thuế; để làm được điều này cần phải chấm dứt các thủ thuật trốn thuế hợp pháp và thiết lập các cơ chế kiểm soát để làm cho rủi ro của việc trốn thuế bất hợp pháp không còn đáng bõ công để mạo hiểm nữa.
Bước đầu tiên cần làm là tăng tính minh bạch. Như một câu châm ngôn đã nói, "ánh sáng mặt trời là chất khử trùng tốt nhất". Về phần mình, Zucman ủng hộ việc thành lập một cơ quan đăng ký toàn cầu duy nhất – cho phép truy cập một cách công khai các cơ sở dữ liệu vào chi tiết quyền sở hữu các công cụ tài chính.
Bước thứ hai là chuyển đổi cơ sở tính thuế doanh nghiệp từ lợi nhuận kê khai đã thu được tại một nước sang doanh thu bán hàng và quỹ lương được trả tại nước đó. Như Zucman đã chỉ ra, một doanh nghiệp có thể di dời trụ sở pháp lý của họ và sử dụng những cơ chế như tính toán giá chuyển giao để giảm bớt gánh nặng thuế của họ, nhưng việc lưu chuyển nhân viên từ nước này sang nước khác là điều khó hơn, và họ cũng không thể chuyển dịch khách hàng của họ.
Nếu quan tâm chống lại sự bất bình đẳng một cách có hiệu quả, thì việc đánh thuế lũy tiến thực phải là một phần của chính sách hỗn hợp. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải loại bỏ ngay bây giờ các thiên đường thuế.
J. Bradford DeLong (1960-)
Michael M. DeLong
J. Bradford DeLong là giáo sư về kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, và chuyên gia nghiên cứu tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) của Hoa Kỳ. Ông từng là Phó Trợ lý cho Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ trong chính quyền của Tổng thống Clinton, vị trí mà công việc của ông có liên quan rất nhiều đến các cuộc đàm phán về ngân sách và thương mại. Vai trò của ông trong việc thiết kế gói giải cứu Mexico trong cuộc khủng hoảng đồng peso năm 1994 đã đặt ông vào vị trí tiên phong của sự chuyển đổi các nước châu Mỹ Latin thành khu vực của những nền kinh tế mở, và củng cố vị thế của ông với vai trò tiếng nói hàng đầu trong các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế.
Michael M. DeLong là nhà tổ chức cộng đồng cho tổ chức Ceasefire Oregon.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Sunlight on Tax Havens”, Project Syndicate, September 28, 2015
Print Friendly and PDF