2.5.16

Piketty: "Tại sao các chính phủ đã hành động quá ít kể từ năm 2008 để đấu tranh chống lại tính mù mờ của tài chính?"



Piketty: "Tại sao các chính phủ đã hành động quá ít kể từ năm 2008 để đấu tranh chống lại tính mù mờ của tài chính?"
Thomas Piketty
Biển hiệu cà phê Boulevard Balboa được chụp ở thành phố Panama ngày 07 tháng 4 năm 2016. REUTERS / Carlos Jasso CARLOS JASSO / REUTERS
Vấn đề các thiên đường thuế và hoạt động tài chính mờ ám chiếm trang đầu của các báo, trong nhiều năm nay. Đáng tiếc, trong lĩnh vực này có một khoảng cách sâu thẳm giữa những tuyên bố chiến thắng của các chính phủ với những gì mà họ làm trong thực tế. Vào năm 2014, cuộc điều tra vụ LuxLeaks cho thấy các tập đoàn đa quốc gia hầu như không phải trả bất kỳ đồng thuế nào ở châu Âu, nhờ có các công ty con của họ đóng tại Luxembourg. Vào năm 2016, "Hồ sơ Panama" cho thấy quy mô che giấu tài sản của các giới tinh hoa tài chính và chính trị của phương Bắc và phương Nam. Chúng ta có thể vui mừng về công việc của các nhà báo. Vấn đề là các chính phủ đã không làm công việc của họ. Thực tế là hầu như không có điều gì đã được thực hiện kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong một vài khía cạnh nào đó, vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn.
Thomas Piketty (1971-)
Hãy thử theo dõi vấn đề theo thứ tự. Về thuế lợi tức của các tập đoàn lớn, sự cạnh tranh gay gắt về thuế đã đạt đến những đỉnh cao mới ở châu Âu. Chẳng hạn như Vương quốc Anh chuẩn bị giảm mức thuế xuống 17%, điều chưa bao giờ thấy đối với một nước lớn, đồng thời bảo vệ các thông lệ săn mồi của Quần đảo Virgin và các trung tâm offshore khác thuộc Vương quốc Anh. Nếu không làm gì cả, thì tất cả chúng ta cuối cùng cũng sẽ sửa đổi theo mức thuế 12% của Ireland, kể cả mức thuế bằng 0%, hoặc thậm chí trợ cấp cho đầu tư (tài chính – ND), như đã từng xảy ra đôi lần.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, nơi có một thuế suất lợi tức liên bang, thì mức thuế này là 35% (chưa bao gồm thuế suất của các bang, khoảng từ 5% đến 10%). Chính sự phân mảnh chính trị của châu Âu và sự thiếu vắng một thế lực công cộng mạnh đã phó mặc chúng ta cho những lợi ích tư nhân. Tin tốt lành, đó là chúng ta có khả năng phá vỡ thế bế tắc. Nếu bốn nước, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha, chiếm hơn 75% GDP và dân số của khu vực đồng Euro, đề xuất một hiệp ước mới trên cơ sở của nền dân chủ và công bằng thuế khóa, với biện pháp mạnh là một mức thuế chung đối với các tập đoàn lớn, thì các nước khác sẽ buộc phải đi theo. Trừ phi tự mình đứng ngoài các nỗ lực vì sự minh bạch mà dư luận đòi hỏi từ nhiều năm nay, và phải đối mặt với những lệnh trừng phạt.
Đăng kí thống nhất các chứng khoán
Về những tài sản của tư nhân được lưu giữ tại những thiên đường thuế, thì sự mù mờ lớn nhất vẫn luôn tồn tại trên vấn đề này. Dường như ở khắp mọi nơi trên thế giới, những gia sản giàu có lớn nhất đã tiếp tục gia tăng kể từ năm 2008, nhanh hơn nhiều so với quy mô của nền kinh tế, một phần bởi vì họ phải trả tiền thuế ít hơn so với những người khác. Tại Pháp, vào năm 2013, bộ trưởng ngân sách đã bình thản phân minh rằng ông không nắm giữ bất kỳ một tài khoản nào ở Thụy Sĩ, mà không sợ cơ quan của mình biết được, và một lần nữa phải nhờ đến các nhà báo để khám phá ra sự thật.
Việc truyền tải tự động các thông tin về tài sản tài chính, đã được Thụy Sĩ chính thức chấp nhận, nhưng luôn bị Panama từ chối, được dự kiến ​​nhắm đến việc giải quyết vấn đề nói trên trong tương lai. Chỉ có là thỏa thuận trên mới bắt đầu được áp dụng kể từ năm 2018, một cách rụt rè, với những ngoại lệ khổng lồ, ví dụ như đối với những chứng khoán được nắm giữ qua trung gian của các quỹ ủy thác và quỹ đầu tư, và việc xây dựng tất cả những điều này mà không dự kiến bất kỳ biện pháp chế tài nào đối với những nước không hợp tác. Nói cách khác, chúng ta tiếp tục sống trong ảo tưởng cho rằng sẽ giải quyết được vấn đề trên cơ sở tự nguyện, bằng cách lịch sự kêu gọi các thiên đường thuế chấm dứt việc hành xử không đúng.
Đã đến lúc cấp bách phải tăng tốc quá trình và thiết lập các biện pháp trừng phạt nặng về thương mại và tài chính đối với những nước không tuân thủ các quy tắc nghiêm khắc. Đừng tự đánh lừa nhau: chỉ có việc liên tục áp dụng các hình phạt như vậy, đối với mọi vi phạm nhỏ nhất (và điều này sẽ xảy ra, tất nhiên kể cả đối với những hàng xóm thân yêu của chúng ta là Thụy Sĩ và Luxembourg), thì mới có thể lập lại mức độ tin cậy của hệ thống và thoát khỏi bầu không khí của sự mờ ám và của việc không bị trừng phạt đang hiện hữu rộng rãi trong nhiều thập niên qua.
Gabriel Zucman
Đồng thời cần phải thiết lập việc đăng kí thống nhất các chứng khoán, bắt đầu bằng việc kiểm soát các tổ chức ký thác trung ương (Clearstream và Eurostream tại châu Âu, Depository Trust Corporation tại Hoa Kỳ) như Gabriel Zucman đã chứng minh[*]. Để lập lại mức độ tin cậy của hệ thống, chúng ta cũng có thể nghĩ ra một mức phí đăng ký chung đối với các tài sản đó, mà số tiền thu được có thể được dùng để tài trợ cho một công trình lợi ích chung toàn cầu (như về khí hậu).
Còn lại một câu hỏi: vì sao các chính phủ đã hành động quá ít kể từ năm 2008 để đấu tranh chống lại các hoạt động tài chính mờ ám? Câu trả lời ngắn gọn là họ đã tự huyễn hoặc cho rằng không cần thiết phải hành động gì cả. Các ngân hàng trung ương đã in ra đủ lượng tiền để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tài chính, qua đó tránh được những sai lầm, tiếp sau năm 1929, từng đưa thế giới đến bờ vực thẩm. Kết quả: chúng ta đã thật sự thoát khỏi sự suy thoái lan rộng, nhưng đã tránh không tiến hành những cải cách cần thiết về cấu trúc, quy định và thuế khóa.
Chúng ta có thể tự trấn an rằng bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng trung ương lớn (tăng từ 10% lên 25% GDP) vẫn còn thấp so với tổng các tài sản tài chính mà các tác nhân công cộng và tư nhân nắm giữ lẫn nhau (khoảng 1000% GDP, thậm chí 2000% ở Vương quốc Anh), và có thể còn tăng thêm nữa nếu cần. Trong thực tế, điều đó đặc biệt cho thấy sự phát triển dai dẳng quá mức của các bảng tổng kết tài sản của tư nhân và sự mong manh quá mức của toàn bộ hệ thống. Hy vọng rằng thế giới sẽ biết lắng nghe những bài học từ "Hồ sơ Panama" và cuối cùng đấu tranh chống lại các hoạt động tài chính mờ ám mà không phải đợi đến một cuộc khủng hoảng mới.
Thomas Piketty, Giám đốc nghiên cứu tại trường Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales, Ecole d’économie de Paris.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




[*] Xem thêm bài "Có thể loại bỏ các thiên đường thuế" - ND.

Print Friendly and PDF