7.7.16

Học hỏi mà không cần viện đến lý thuyết



Ricardo Hausmann (1956-)

Học hỏi mà không cần viện đến lý thuyết

Ricardo Hausmann

CAMBRIDGE - Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện được tình trạng của thế giới? Làm thế nào chúng ta có thể giúp các quốc gia cạnh tranh hơn, tăng trưởng bền vững và cho mọi người hơn, và bình đẳng giới hơn?
Có một cách, đó là phải có lý thuyết đúng đắn về mối quan hệ giữa hành động và kết quả và sau đó thực hiện hành động nhằm đạt được mục tiêu của chúng ta. Tuy nhiên, trong hầu hết các tình huống mà chúng ta phải đối mặt, chúng ta thiếu một lý thuyết như vậy, hoặc nếu có, chúng ta không chắc là nó đúng. Vậy chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có nên trì hoãn hành động cho đến khi tìm hiểu được mọi việc diễn ra như thế nào? Nhưng làm sao có thể tìm hiểu nếu như chúng ta không hành động? Và nếu chúng ta hành động, làm sao chúng ta có thể biết là mình đã làm đúng?
Những tiến bộ mới trong máy học và nhân học sinh học đang làm sáng tỏ cách học hỏi diễn ra như thế nào và điều gì giúp cho quá trình học tập thành công. Nhưng cho dù lý thuyết rất quan trọng, hầu hết những gì chúng ta học không phụ thuộc vào chúng.
Leslie Valiant (1949-)

Ví dụ, có thể có một lý thuyết giúp chúng ta định nghĩa một con mèo là một con mèo, nhưng đó không phải là cách mà trẻ con học cách nhận biết chúng. Như lập luận của Leslie Valiant ở Harvard trong quyển sách xuất bản năm 2013 của ông, chúng ta học khái niệm về “đặc tính của một con mèo” (“catness”) theo lối không mang tính lý thuyết bằng cách suy luận từ một tập hợp các hình ảnh của loài vật được gắn nhãn thích hợp là mèo hay không-là-mèo. Và càng nhiều ví dụ chúng ta thấy, chúng ta càng trở nên “có thể, gần đúng.”
Ray Kurzweil (1948-)

Chúng ta học cách nhận biết ngôn ngữ nói mà không cần kiến thức về ngôn ngữ học, và phần mềm nhận dạng giọng nói sử dụng một thuật toán học hỏi không mang tính lý thuyết được gọi là “chuỗi ẩn Markov” dựa trên tập hợp các âm thanh và văn bản của chúng, chứ không dựa vào ngôn ngữ học, như Ray Kurzweil cho chúng ta biết trong quyển sách của ông Cách tạo nên trí tuệ. Nhiều người trong giới học thuật chúng ta thất vọng bởi vì lý thuyết thường không cần thiết.
Quá trình tiến hóa sinh học cũng dựa trên một thuật toán không mang tính lý thuyết, sinh vật nhận biết được kiểu gen nào tạo ra các cá thể thích nghi tốt hơn mà không cần lý thuyết cho biết những thay đổi nào trong bộ gen sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động. Nó chỉ sử dụng biến đổi ngẫu nhiên và chọn lọc dạng thích nghi nhất, lặp đi lặp lại liên tục qua thời gian.
Robert Boyd (1948-)
Peter Richerson (1943-)
Trong khi quá trình tiến hóa sinh học thông qua sinh sản hữu tính đòi hỏi trải qua hàng thế hệ, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau nhanh hơn nhiều thông qua sự phát triển văn hóa, giải thích vì sao loài người đã có bước phát triển dài. Theo Robert Boyd, Peter Richerson, và Joseph Henrich, khả năng bắt chước của chúng ta chính là cốt lõi thành công của chúng ta như một loài (sinh vật). Đó là điều khiến sự phát triển văn hóa có thể xảy ra, tích lũy và mạnh mẽ. Đó là điều cho phép chúng ta học hỏi từ những người khác và do đó đạt được tiến bộ nhanh hơn nhiều so với khi chúng ta tự học. Thêm vào đó, bởi bắt chước, giống như nhân bản gen, không phải là hoàn hảo, chúng ta vô tình phát hiện ra những cách khác để làm cùng một việc (hoặc thậm chí những việc mới và tốt hơn).
Loài người chúng ta được trang bị để bắt chước người khác, và chúng ta đặc biệt thích bắt chước những người thành công nhất trong số chúng ta. Điều này có ý nghĩa về mặt tiến hóa, khi các đặc tính của những người thành công có nhiều khả năng liên quan tới sự thành công của họ so với các đặc tính của những người khác.
Joseph Henrich (1968-)

Nhưng điều này có thể dẫn đến sai lầm khi chúng ta bắt chước những thứ không liên quan đến thành công. Quảng cáo đã khai thác điểm yếu này trong hệ thống nối kết của chúng ta, khiến chúng ta nghĩ rằng, nếu George Clooney (diễn viên nổi tiếng trong vai Batman - ND) trông thật ngầu và khoác lên mình trang phục nào đó, chúng ta cũng có thể trông có vẻ ngầu bằng cách mặc giống như vậy.
Mang tính xây dựng hơn, thế giới kinh doanh sử dụng bắt chước thông qua thực hành tạo chuẩn mực, theo đó các công ty chia sẻ thông tin hiệu quả hoạt động để tất cả họ có thể học hỏi những gì có thể thực hiện được và nên cố gắng bắt chước công ty nào, do đó thuận lợi cho việc xác định “thực hành tốt nhất”. Để phát triển, bạn có thể bắt đầu bằng cách bắt chước những gì mà các công ty thành công thực hiện mà không cần có một lý thuyết giải thích tốt lý do vì sao.
Tạo chuẩn mực được chuyển đến lĩnh vực chính sách, bao gồm các vấn đề như phát triển bền vững, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, bình đẳng giới, và, rất gần đây, tăng trưởng cho mọi người. Một số trong số các ứng dụng này tạo ra các đo lường tin cậy về hiệu quả hoạt động, cho phép người dùng đánh giá kết quả và theo dõi tiến độ.
Những ví dụ hay về sự diễn tập tạo chuẩn mực này là Chỉ số Khoảng cách Giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hay Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc. Chúng không mang tính lý thuyết theo nghĩa chúng không cho bạn biết làm thế nào để cải thiện hiệu quả hoạt động; nhưng chúng cho bạn biết bạn đã cải thiện hay chưa – tức là, chúng thông báo về những thay đổi trong việc trở nên “thích nghi nhất”.
Theo quan điểm của tôi, các chỉ số khác lẫn lộn giữa đo lường hiệu quả hoạt động với đo lường nguyên nhân giả thuyết về hiệu quả hoạt động. Chúng nhầm lẫn giữa “cái gì” và “làm thế nào”, và chúng đặt cả hai một cách không thích hợp trong chỉ số. Chúng cố gắng hướng về lý thuyết hơn là kiến thức của chúng ta cho phép.
Hai ví dụ cho điều này là Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu của WEF và Chỉ số Phát triển và Tăng trưởng cho mọi người mới của nó. Ví dụ, năng lực cạnh tranh liên quan đến khả năng tăng thị phần mà không hy sinh lợi nhuận hoặc giảm tiền lương, là cái gì đó phản ánh năng suất vượt trội. Tính cho mọi người của tăng trưởng liên quan đến chênh lệch về thu nhập và tăng trưởng giữa các vùng và các nhóm xã hội khác nhau.
Nhưng đây không phải là những gì mà các chỉ số này thực sự đo lường. Thay vào đó, các chỉ số này bao gồm các biến – những gì chúng gọi là “không gian chính sách” – được cho là tạo ra hoặc khả năng cạnh tranh hoặc tăng trưởng cho mọi người. Và các tác giả thậm chí không kiểm tra xem liệu chúng có tạo ra hay không. (Trong trường hợp năng lực cạnh tranh, các vị đồng tác giả và tôi đã thấy rằng chúng không có).
George Clooney (1961-)
Việc nhầm lẫn giữa “cái gì” và “làm thế nào” gây phản tác dụng. Nó đã khiến từng quốc gia, bao gồm Colombia, Mexico, Morocco, và Saudi Arabia, cố gắng cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh của họ bằng cách thực hiện hành động dựa trên những gì có trong chỉ số nhưng không thực sự cải thiện hiệu quả hoạt động của họ. Và họ chậm trễ trong việc phát hiện ra, vì họ cải thiện thứ hạng của mình trong chỉ số.
Chúng ta không thực sự biết những gì có thể giúp tăng trưởng cho mọi người hơn, các nước cạnh tranh hơn, và phát triển bền vững hơn ở mỗi quốc gia và khu vực; và chúng ta không nên giả vờ rằng mình làm được. Chúng ta có thể giúp thế giới tiến bộ bằng cách đo lường những kết quả mà chúng ta quan tâm, tạo điều kiện bắt chước và theo dõi hiệu quả hoạt động. Nhưng nhầm lẫn giữa phương tiện và kết quả sẽ khiến tất cả chúng ta ăn mặc như George Clooney và tự hỏi tại sao mình không thực sự cảm thấy ngầu chút nào.

Ricardo Hausmann

Ricardo Hausmann, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, là Giáo sư Thực hành Phát triển Kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông là cũng Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế. Ông là Chủ tịch Siêu Hội đồng Chương trình Nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Tăng trưởng cho mọi người.
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Nguồn: “Learning Without Theory”, Project Syndicate, March 2016.
Print Friendly and PDF