PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Vũ Thị Thu Thanh
Sử học Việt Nam, trong thời gian gần đây, được cho là “chưa có nhiều công trình sử học đỉnh cao, dù ấn phẩm sử học dường như ngày một nhiều. Trong khi đó, giới sử học nước ngoài lại đang có những tác phẩm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam có tiếng vang ngay cả ở Việt Nam. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân liên quan đến các vấn đề lý luận, phương pháp luận và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu, giảng dạy lịch sử. Trên một phương diện nhất định, chúng ta thậm chí đã lạc hậu so với thế giới ở khía cạnh hết sức căn bản này của sử học” (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, lời giới thiệu). Bên cạnh đó, nhu cầu đổi mới, cải cách sử học diễn ra trên các diễn đàn khoa học ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, việc giới thiệu với nhà nghiên cứu trẻ các phương pháp, lý thuyết đang được giới sử học thế giới sử dụng trong nghiên cứu lịch sử là điều cần thiết.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một trong những phương pháp nghiên cứu quan trọng được áp dụng phổ biến trong các công trình nghiên cứu lịch sử, đó là phương pháp định lượng. Bài viết này sẽ không đi vào các khía cạnh của kỹ thuật tính toán vì đã có nhiều tài liệu hướng dẫn cụ thể về vấn đề này mà nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu, chẳng hạn như: An Introduction to Quantitative Methods for Historians của Roderick Floud (1973); Quantitative Methods for Historians: A Guide to Research, Data, and Statistics của Konrad H. Jarausch và Kenneth A. Hardy (1991); History by the Numbers: An Introduction to Quantitative Approaches của Pat Hudson (2000); Making History Count: A Primer in Quantitative methods for Historians của Charles H. Feinstein và Mark Thomas (2002). Đây là những quyển sách được bổ sung và hoàn thiện theo thời gian phù hợp với sử luận hiện đại, trình bày cụ thể về kỹ thuật tính toán và phân tích khi áp dụng vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử. Chúng ta chỉ nói ở khía cạnh nhận thức đối với phương pháp định lượng nhằm đưa ra những thông tin hữu ích để hiểu và vận dụng nó vào công việc nghiên cứu lịch sử.
1. Việc sử dụng phương pháp định lượng xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân khoa học lịch sử đòi hỏi
Roderrick Floud (1942-) |
Khi mô tả và phân tích xã hội loài người tồn tại trong quá khứ, chúng ta không tránh khỏi việc sử dụng các chữ số. Tuổi tác, ngày sinh, số con cái, số vợ, số tài sản... là những đặc tính về mặt lượng của một con người cần phải được chỉ ra nếu muốn làm một mô tả đầy đủ về anh ta. Chúng ta sẽ phải đo lường, so sánh anh ta với những người khác xem anh ta giàu hơn, hay nghèo hơn, trẻ hơn hay già hơn, học vấn cao hơn hay thấp hơn, thu nhập cao hơn hay thấp hơn… rồi đặt anh ta vào xã hội mà anh ta đã sống, phân loại nhóm xã hội mà anh ta thuộc về chẳng hạn như nông dân hay công nhân, trung lưu hay thượng lưu… Nếu chúng ta sử dụng những phương pháp đo lường như thế để mô tả những con người sống ở quá khứ, nghĩa là chúng ta đang sử dụng các phương pháp định lượng (Roderrick Floud, 2013, tr.1).
Trong thế kỷ XX, sử học đã chứng kiến một sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu, từ mối quan tâm về lịch sử chính trị, ngoại giao, chiến tranh sang mối quan tâm về lịch sử xã hội, kinh tế và văn hóa, từ các nhân vật chính trị, những người hùng, giới tinh hoa của xã hội chuyển sang những con người bình thường trong xã hội với những kinh nghiệm và đời sống hằng ngày của họ. Sự thay đổi này làm cho nguồn sử liệu được khai thác triệt để và hiệu quả hơn. Có thể chia sử liệu – là mọi chứng liệu được tìm thấy trong quá khứ - thành dữ liệu thành văn và dữ liệu không thành văn hay dữ liệu định tính và dữ liệu định lượng. Trong đó, những dữ liệu định tính cho biết về các đặc tính của các hiện tượng xã hội hay cảm xúc, suy nghĩ, kinh nghiệm, ký ức của con người trong quá khứ còn những dữ liệu định lượng chứa đựng chữ số, những con số ngẫu nghiên về mặt lượng của các hiện tượng xã hội. Khi làm việc với sử liệu, sử gia luôn gặp những loại dữ liệu có chứa chữ số, đối với loại dữ liệu này đòi hỏi các sử gia phải sử dụng đến các phương pháp toán học thống kê để tính toán các con số (mặt lượng) của các hiện tượng nhằm tìm hiểu bản chất và tính quy luật vốn có của chúng (mặt chất) trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể (I. D. Kovanchenko, 1969, tr.14). Phương pháp định lượng trong sử học tức là “tìm cách lượng hóa các sự kiện, hiện tượng lịch sử (trong trường hợp có thể) dưới dạng các con số, và trên cơ sở đó, “cân, đong, đo, đếm” so sánh để làm nổi bật những đặc điểm của chúng” (Phan Phương Thảo, 2012, tr. 355).
Bessmertnyj (1972) cho rằng nếu thiếu phương pháp định lượng thì kết quả nghiên cứu khó có thể làm sáng tỏ được một quá trình lịch sử hoặc chỉ đưa ra những kết luận, nhận định thiếu cơ sở vững chắc và các sự kiện, hiện tượng chỉ được đánh giá bằng những khái niệm không xác định như “cao trào”, “suy thoái”, “sự mở rộng”, “sự thụ hẹp” , “sự gia tăng”, “phần lớn”… làm cho các công trình lịch sử mang nặng tính ghi chép và chủ quan (Lu. I. Bessmertnyj, 1972, tr.9; Ju Kakhk và I. D. Kovanchenko, 1974, tr.22; I. D. Kovanchenko, 1969, tr.14). Vì vậy, việc đòi hỏi phải áp dụng các phương pháp định lượng trong sử học không phải là một xu hướng “chạy theo thời trang” mà xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân ngành khoa học lịch sử.
2. Định lượng trong sử học và định lượng trong các ngành khoa học xã hội khác
Sự khác nhau giữa phương pháp định lượng trong sử học và các ngành khoa học khác như xã hội học, kinh tế học, tâm lý học, chính trị học nằm ở nguồn dữ liệu. Nguồn dữ liệu để lượng hóa, phân tích trong nghiên cứu lịch sử “đã chuẩn bị xong và không thể thay đổi và phải tự thích nghi với thống kê” (G. Y. Ember, 1970, tr.76 ), “được tìm thấy hơn là tạo ra” (John Modell, 1994, tr.795). Sử gia chỉ được đặt ra những câu hỏi mà có thể nhận được câu trả lời từ nguồn sử liệu được tìm thấy, cho dù không hài lòng với các câu trả lời đã có sẵn. Bởi vì, chúng ta không thể quay lại để hỏi người đã chết những câu hỏi mới (Gary J. Kornblith, 2002). Như vậy, việc cung cấp số liệu cho phân tích thống kê sử học phụ thuộc vào nguồn sử liệu được tìm thấy, nói cụ thể hơn là nguồn sử liệu này phải tự thích ứng với thống kê. Trong khi đó, nguồn dữ liệu phục vụ cho các ngành khoa học khác được thu thập và tập hợp lại theo những vấn đề, những câu hỏi mà nhà nghiên cứu quan tâm và có thể được thay đổi sao cho phù hợp với mục đích nghiên cứu. Từ sự khác biệt cơ bản về nguồn dữ liệu, thống kê sử học chỉ giới hạn trong một phạm vị hẹp so với thống kê tổng quát (G. Y. Ember, 1970; K. V. Khvostova, 1975; Lu. I. Bessmertnyj, 1972; I. D. Kovanchenko, 1969).
Đề cập đến vấn đề mẫu và tính đại diện của mẫu trong các nguồn sử liệu, Kovanchenko (1969) cho rằng trong giai đoạn thu thập sử liệu để giải quyết vấn đề nghiên cứu cần chú ý đến tính đại diện của mẫu. Có hai trường hợp xảy ra trong nguồn sử liệu được tìm thấy:
+ Trường hợp tổng mẫu lớn, không thể phân tích hết. Ví dụ như trong công trình nghiên cứu về sự tiến triển của tầng lớp quý tộc miền Bắc nước Pháp từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV, Bessmertnyj không thể phân tích toàn bộ chứng liệu của 8.000 trang trại, quý tộc, tác giả phải dùng phương pháp chọn lọc mẫu để phân tích một khối lượng chứng liệu nhỏ hơn mà vẫn giải quyết được nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra. Tác giả chỉ chọn khối lượng mẫu khoảng 10% hay 20% trong tổng thể mẫu có thể cho những biểu hiện đầy đủ, chính xác và tin cậy về những quá trình xã hội. Trên cơ sở mẫu này, tác giả cũng cần một số thời gian ít hơn song vẫn làm sáng tỏ được cơ cấu kinh tế và mức độ đồng nhất về mặt xã hội của tầng lớp quý tộc Bắc Pháp (I. D. Kovanchenko, 1969, tr.16)
+ Trường hợp “mẫu thuận tiện” (một bộ phận còn sót lại) thì phải kiểm chứng lại tính đại diện của các chứng liệu do bộ phận mẫu này cung cấp. Việc kiểm chứng có thể thực hiện bằng cách dẫn giải về nguồn gốc xuất xứ của bộ phận mẫu này, tính chính xác và tin cậy, tính rõ ràng và đầy đủ của các đơn vị hợp thành mẫu (Ju Kakhk và I. D. Kovanchenko, 1974, tr.24; G. Y. Ember, 1970, tr.77). Ví dụ, để nghiên cứu tình trạng kinh tế và tình cảnh của nông nô Nga đầu thế kỷ XIX, Kovanchenko đã phân tích một bộ phận chứng liệu được tìm thấy gồm 300 bản kê khai kinh tế gia đình của 200 trang trại khác nhau được lưu ở ngân hàng nông nghiệp (I. D. Kovanchenko. 1969, tr.15).
3. Một số loại sử liệu định lượng và công trình lịch sử đã áp dụng phương pháp định lượng
F. J. Turner (1861-1932) |
Trong hai thập niên 1950 và 1960, ngành khoa học thống kê phát triển ở Mỹ đã thúc đẩy việc sử dụng phương pháp định lượng trong nghiên cứu các ngành khoa học xã hội. Frederick Jackson Turner được xem là sử gia tiên phong trong việc sử dụng phương pháp định lượng. Tiểu luận “The Significance of the Frontier in American History” [Tầm quan trọng của vùng biên giới trong lịch sử nước Mỹ] phần lớn dựa trên việc đọc và lý giải kết quả điều tra dân số năm 1890. Năm 1959, Merle Curti và các đồng sự tại đại học Wisconsin, dựa trên công trình của F. J. Turner (1893) với sự đào sâu thêm vào lịch sử của hạt Trempeleau, Wisconsin, với một nguồn sử liệu phong phú sẵn có gồm báo chí, nhật ký, tài liệu cá nhân và lịch sử của hạt, đã xuất bản công trình “The Making of an American Community: A Case Study of Democracy in a Frontier County”. Trong công trình này, Merle Curti và các đồng sự đã phân tích các khuôn mẫu việc làm rút ra từ các điều tra dân số liên bang cấp độ cá nhân từ năm 1850 đến 1880 (Margo Anderson, 2007; Trần Thị Bích Ngọc, 2008).
Merle Curti (1897-1996) |
Những sử liệu liên quan đến đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử được lưu giữ ở các quận huyện và bệnh viện có thể được khai thác hiệu quả để phân tích nhiều vấn đề liên quan đến nghiên cứu gia đình. Michael Anderson là người đầu tiên phân tích khuôn mẫu hôn nhân bằng cách áp dụng các kỹ thuật thống kê đối với bộ dữ liệu đăng ký hôn nhân ở Anh và xứ Wales (bao gồm 630 quận, bao gồm cả đô thị, lẫn nông thôn) kết quả cho biết rằng nghề nghiệp đã ảnh hưởng đến khuôn mẫu hôn nhân của cả nam và nữ. Robert. I. Woods và P. R. A. Hinde dựa trên kỹ thuật phân tích của Anderson nhưng phát triển thêm cách tiếp cận “tiểu sử tập thể” rút từ dữ liệu địa phương. Dựa trên bộ dữ liệu đã đăng ký, các tác giả đã xem xét các chỉ báo của các cá nhân, các thống kê tuổi kết hôn, nghề nghiệp (đặc biệt cho lao động nữ làm việc bên ngoài gia đình của họ), tỉ lệ giới tính và những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp và phân ra khu vực nông thôn/đô thị để đưa đến kết luận rằng khuôn mẫu hôn nhân chịu ảnh hưởng bởi cấu trúc việc làm ở một vùng địa lý. Thay đổi cấu trúc nghề nghiệp sẽ làm tuổi kết hôn tăng lên. Cơ hội việc làm cho nữ cao hơn nam ở khu vực đô thị. Ngược lại, cơ hội việc làm cho nam cao hơn nữ ở khu vực nông thôn. Sự dịch chuyển về mặt địa lý khi phụ nữ rời khỏi gia đình của họ để đi đến một nơi khác làm cho tuổi kết hôn tăng lên (Michael Anderson, 1976; Robert. I. Woods và P. R. A. Hinde, 1985)
Danh sách thu thuế cũng là một loại sử liệu hữu ích để nghiên cứu lịch sử. Kakhh đã lấy hai danh sách thu thuế có ghi địa vị xã hội của từng người cách nhau 16 năm để so sánh nhằm tìm hiểu xem có bao nhiêu người đã thay đổi địa vị xã hội trong khoảng thời gian đó và những tầng lớp nào đã thay đổi địa vị ấy (Ju Kakhh. 1978, tr.7). Lu. I. Anri đã sử dụng phương pháp tái khôi phục gia đình [family reconstitution] (xem thêm Lynch, 1994) để phân tích các tài liệu của các nhà thờ (trong đó ghi những người đi lễ nhà thờ gồm năm sinh, năm lấy vợ (lấy chồng), năm chết). Phương pháp này cho phép phục hồi lại cơ cấu gia đình, làm sáng tỏ với mức độ đáng tin cậy về số lượng và cơ cấu dân số (dẫn theo Ju Kakhk, 1978, tr.7)
Kovanchenko (1969) đã phân tích 300 kê khai kinh tế gia đình của 200 trang trại riêng lẻ lưu giữ ở các ngân hàng ruộng đất để nghiên cứu tình trạng kinh tế và tình cảnh của nông nô Nga nửa đầu thế kỷ XIX và kết luận rằng tình trạng kinh tế nông thôn và tình cảnh của các tầng lớp nông dân cuối thời đại nông nô Nga ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng. Ngoài ra, tác giả còn xác định được những xu hướng phát triển chính của nền kinh tế nông thôn và kết quả phân tích định lượng trùng với bức tranh phát triển kinh tế-xã hội nông thôn Nga ở trong các báo cáo của các tỉnh nửa đầu thế kỷ XIX. Sự trùng khớp này có ý nghĩa quan trọng vì gia tăng tính tin cậy của dữ liệu định lượng và phản bác lại kết quả nghiên cứu trước đây (I. D. Kovanchenko, 1969, tr. 15-16).
Những ví dụ trên đã cho chúng ta biết một số loại sử liệu có thể áp dụng phương pháp định lượng để nghiên cứu lịch sử. Bằng việc nhìn lại các dạng sử liệu có được trong hoàn cảnh của từng quốc gia, các sử gia có thể biết được những loại sử liệu nào sẵn có và có thể khai thác để phục vụ cho nghiên cứu nghiên cứu lịch sử là điều nên làm nếu muốn sử dụng phương pháp định lượng. Tuy nhiên, Bessmertnyj (1972) cho rằng khi phân tích các nguồn sử liệu chứa chữ số, các sử gia thường chỉ tính tổng số, số trung bình, nhằm giải quyết nhiệm vụ phân loại trong một phạm vi rất hạn chế đã không cho ra được một kết quả phân tích sâu sắc. Với việc áp dụng các phương pháp toán học thống kê sẽ cho phép nghiên cứu các nguồn sử học liệu này một cách sâu sắc hơn, cho phép đặt ra một loạt vấn đề hoàn toàn mới mà trước đây chưa giải quyết được, nhờ đó mà thu được những luận cứ mới, quan trọng về các mối quan hệ đa diện và phức tạp của các hiện tượng xã hội, về bản chất của các quá trình lịch sử.
Các phương pháp định lượng cũng có thể sử dụng để phân tích những sử liệu không chứa chữ số. Để làm được điều đó, Bessmertnyj (1972) cho rằng điều quan trọng là phải “hình thức hóa” các chứng liệu lịch sử, chọn ra các đơn vị tính toán. Những đơn vị này chỉ có thể xác định trên cơ sở phân tích nội dung của tư liệu (Lu. I. Bessmertnyj, 1972, tr.10). Chúng ta có thể tìm hiểu cách áp dụng phương pháp này trong nghiên cứu của Hoàng Hồng về Tập san nghiên cứu Văn-Sử-Địa (6.1954-1.1959) và tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (3.1959-12.1992)
4. Một số điểm cần lưu ý khi áp dụng phương pháp định lượng trong sử học
Nói về phương pháp định lượng trong sử học, Hoàng Hồng (2013) cho biết phương pháp toán học dùng để xử lý những số liệu trong sử liệu học được các sử gia “sử học mới” áp dụng rộng rãi. Phương pháp này thu được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực lịch sử kinh tế, lịch sử nhân khẩu. Ở Mỹ, trong những năm 50-60, sử học định lượng được coi là một trường phái khoa học (Hoàng Hồng, 2013, tr.12). Tuy nhiên, trước sự phát triển của sử học định lượng lại nổi lên cuộc tranh luận với ba quan điểm sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng việc sử dụng các phương pháp định lượng chỉ là cái “mốt” nhất thời vì việc mô hình hóa, khái quát hóa, hình thức hóa hiện thực lịch sử lấy ra từ các khoa học chính xác, đã loại bỏ ngữ cảnh lịch sử ra khỏi lịch sử trừu tượng. Việc mô hình hóa hệ thống “dân chúng-chính quyền” hoặc mô tả các hệ thống kinh tế-xã hội nói chung đó là nhiệm vụ của nghiên cứu của chính trị học, xã hội học chứ không phải của nghiên cứu lịch sử. Nghiên cứu lịch sử chỉ có thể tìm ra sức sống cho mình trong các tọa độ không gian-thời gian, thông qua xương thịt là nguồn sử liệu (N. B. Selunskaja, 1997, tr.267-268). Tuy nhiên, quan điểm xem thường hay bỏ qua phương pháp định lượng được cho là làm cho khoa học lịch sử sẽ chỉ là một sự ghi chép giản đơn và lý giải một cách chủ quan các sự kiện và quá trình lịch sử (I. D. Kovanchenko, 1969; Lu. I. Bessmertnyj. 1972)[*].
Quan điểm thứ hai gọi là quan điểm “duy định lượng”, hay còn gọi là quan điểm đề cao phương pháp định lượng, quan điểm này cũng gặp phải nhiều sự phản đối vì như thế sẽ biến khoa học lịch sử thành một ngành dựa trên lô gích thuần túy và tách rời triết học dẫn đến sơ lược hóa hiện thực lịch sử. Bessmertnyj (1972) cho rằng trong nghiên cứu lịch sử nếu đề cao phương pháp định lượng dễ dẫn đến sự hình thức hóa hiện thực lịch sử, sử gia nên dựa trên sự phân tích toàn bộ chứng liệu lịch sử dưới ánh sáng của các kết quả nghiên cứu về “chất” (định tính) theo quan điểm lý thuyết của mình (Lu. I. Bessmertnyj, 1972, tr.11).
Quan điểm thứ ba cho rằng việc áp dụng các phương pháp toán học thống kê để phân tích sử liệu sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nếu kết hợp với phương pháp định tính, quan điểm này nhận được sự chia sẻ nhiều nhất. Trong đó, đa số các nhà sử học Mác-xít [Marxism] nhất trí rằng phương pháp toán học trong khoa học lịch sử chỉ là “phương tiện bổ sung”, phương pháp này phải kết hợp chặt chẽ với các phương pháp truyền thống và các công trình nghiên cứu lịch sử chỉ có kết quả tốt đẹp khi nó dựa trên cơ sở chủ nghĩa duy vật lịch sử và phương pháp nhận thức biện chứng (O. Jakhot, 1970; Lu. I. Bessmertnyj, 1972; K. V. Khvostova, 1975; Ju Kakhk và I. D. Kovanchenko, 1974; I. D. Kovanchenko, 1978).
Trên đây, chúng tôi đã trình bày về ba quan điểm khác nhau xung quanh việc áp dụng phương pháp định lượng trong sử học. Trước khi áp dụng phương pháp định lượng vào nghiên cứu lịch sử, nhà sử học cần phải xem xét đến các điều kiện như: thời gian, kinh phí, nguồn sử liệu hiện có để xác định lĩnh vực mà mình đang quan tâm có thể xử lý và phân tích bằng phương pháp định lượng được hay không; giả thuyết nghiên cứu đặt ra có thể nhận được câu trả lời từ các sử liệu hiện có hay không; cuối cùng nhưng rất quan trọng là khả năng “lượng hóa” hay “mã hóa” các mặt lượng của các sử liệu ấy. Bên cạnh đó, các thông tin bị thiếu hoặc khuyết trong các sử liệu định lượng là điều rất dễ gặp, đây cũng là một thách thức đối với các nhà sử học muốn áp dụng phương pháp định lượng. Nguyễn Thị Bình (2012) trong bài viết “Ứng dụng phương pháp dân số học lịch sử trong xử lý nguồn tư liệu gia phả Việt Nam” cho biết phần lớn gia phả Việt Nam của các dòng họ bình dân thường khuyết thiếu rất nhiều thông tin. Đây là một hạn chế nổi bật của nguồn tư liệu gia phả Việt Nam (Nguyễn Thị Bình. 2012, tr. 230). Như vậy, việc xem xét lại các điều kiện trên cho phép loại bỏ những rủi ro khi đề ra phương pháp định lượng trước trong đề cương nghiên cứu nhưng trên thực tế tình trạng sử liệu lại không đáp ứng các yêu cầu của nghiên cứu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anderson, Margo. 2007. “Quantitative History” trong quyển The Sage Handbook of Social Science Methodology của William Outhwaite, Stephen P. Turner. London: sage Publication, Inc, tr 246-364.
2. Anderson, Michael. 1976. “Marriage Patterns in Victorian Britain: An Analysis Based on Registration District Data for England and Wales 1861”, trong Journal of Family History, tr. 55-78.
3. Bessmertnyj, Lu.I. 1972. “Một số vấn đề sử dụng những phương pháp toán học trong các công trình nghiên cứu của các nhà sử học Xô-Viết” (Nguyễn Minh Thi dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.8-12.
4. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 2012. Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Hà Nội: Nxb. Thế giới.
5. Ember, G. Y. 1970. “Bàn về thống kê học lịch sử” (Hoàng Hữu Tiến dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.76-83.
6. Floud, Roderick. 2013. An introduction to Quantitative Methods for Historians. New York: Routledge.
7. Furet, François. 1974. “Phương pháp định lượng trong sử học” (Hải Âu dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.54-57.
8. Jakhot. O. 1970. “Về sự thống nhất của phân tích định lượng và định tính các quá trình xã hội” (Nguyễn Minh Thi dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr. 26-31.
9. Kakhk, Ju; Kovanchenko, I. D. 1974. “Những vấn đề phương pháp luận của việc áp dụng các phương pháp định lượng trong các công trình nghiên cứu lịch sử” (Nguyễn Đức Thùy dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.21-25.
10. Kakhk, Ju. 1978. “Các phương pháp toán học trong các công trình nghiên cứu sử học” (Nguyễn Hà dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.6-7.
11. Khvostova, K.V. 1975. “Những vấn đề phương pháp luận của việc áp dụng các phương pháp toán học trong các công trình nghiên cứu lịch sử” (Nguyễn Minh Thư dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.4-5.
12. Kornblith, Gary J. 2002. “Making Sense of Numbers” trong History Matters: The U.S Survey Course on the Web tại http://historymatters.gmu.edu/mse/numbers/.
13. Kovanchenko, I. D. 1969. “Về việc áp dụng các phương pháp toán học thống kê trong các công trình nghiên cứu lịch sử” (Nguyễn Minh Thi dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.13-20.
14. Kovanchenko, I. D. 1978. “Về mô hình hóa các hiện tượng của quá trình lịch sử (Nguyễn Hà dịch) trong quyển sách Sử học và toán học. Hà Nội: Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.32-47.
15. Lynch, Katherine A. 1994. “Family Reconstitution” trong trong Encyclopedia of Social History của Peter N, Stearns (chủ biên). New York: Garland Publishing, Inc, tr.345-346..
16. Hanagan, Michael P. 2001. “Cliometrics and quantification” trong Encyclopedia of European Social History của Peter N, Stearns (chủ biên). New York: Charles Scribner’s Sons. tr.71-82.
17. Hoàng Hồng. 1994. Tạp san nghiên cứu Văn-Sử-Địa (6.1954-1.1959) và tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (3.1959-12.1992): Một số vấn đề lịch sử sử học [luận án]. Hà Hội: Đại học Quốc gia Hà Nội.
18. Modell, John. 1994. “Quantification” trong Encyclopedia of Social History của Peter N, Stearns (chủ biên). New York: Garland Publishing, Inc, tr.794-797.
19. Nguyễn Thị Bình. 2012. “Ứng dụng phương pháp dân số học lịch sử trong xử lý nguồn tư liệu gia phả Việt Nam” trong Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Hà Nội: Nxb. Thế giới.
20. Phan Phương Thảo. 2012. “Phương pháp định lượng và những ứng dụng trong nghiên cứu lịch sử” trong quyển sách Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Hà Nội: Nxb. Thế Giới.
21. Selunskaja, N. B. 1997. “Từ sự định lượng tới tin học lịch sử - phải chăng là từ hiện thực lịch sử đi tới hiện thực tiềm ẩn” (Bảo Ngân dịch), trong quyển Sử học – Những tiếp cận thời mở cửa. Hà Nội. Viện Thông tin Khoa học xã hội, tr.257-268.
22. Trần Thị Bích Ngọc. 2008. “Sử học hiện đại và lịch sử xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 10/2008.
23. Woods, Robert. I; P. R. A. Hinde. 1985. “Nuptiality and Age at Marrage in Nineteenth-century England”, trong Journal of Family History, tr.119-140.
Nguồn: “Phương pháp định lượng trong nghiên cứu lịch sử”. Tạp chí Khoa học xã hội, số 9/2014, tr.89-98.
[*] Selunskaja là tiến sĩ sử học, giảng dạy bộ môn “Sử liệu học lịch sử đất nước” thuộc Khoa sử Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva. Quan điểm của ông về sử học định lượng đối lập với các nhà sử học Nga khác như Kovanchenko, Bessmertnyj.↩