3.7.16

Người dân ở vùng Đông Nam bộ xếp bậc uy tín nghề nghiệp


NGƯỜI DÂN Ở VÙNG ĐÔNG NAM BỘ XẾP BẬC UY TÍN NGHỀ NGHIỆP
Bùi Thế Cường[*]
Nghiên cứu về phân tầng xã hội thường đo lường những đặc điểm khách quan và cả những cảm nhận chủ quan. Bài viết trình bày kết quả khảo sát đánh giá của người dân ở vùng Đông Nam Bộ về thứ bậc uy tín các nghề nghiệp. Số liệu cho thấy có những khác biệt giữa đánh giá của người dân với một số khung phân tầng xã hội của giới nghiên cứu cũng như với khung phân loại tầng lớp xã hội chính thức. Những tương đồng và khác biệt trong quan điểm của các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và người dân cần được ghi nhận, thảo luận và tiếp tục xem xét sâu rộng hơn.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thực tại cơ cấu giai tầng xã hội ở Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp. Giới nghiên cứu và làm chính sách đã và đang cố gắng xây dựng những lược đồ phân tích để nắm bắt tốt hơn thực tại ấy. Đây cũng là mối quan tâm của xã hội học trên thế giới suốt từ thế kỷ XIX đến nay. Từ nửa sau thế kỷ XX, điều này đã trở thành một hướng nghiên cứu lý thuyết và đo lường thực nghiệm quan trọng và thường xuyên. Bên cạnh việc đo lường và phân loại cơ cấu giai tầng xã hội như là một thực tại xã hội khách quan, một số công trình còn chú trọng nghiên cứu về đánh giá chủ quan của người dân đối với cơ cấu khách quan ấy.
Các lược đồ phân tầng xã hội thường hàm ý thứ bậc mang tính trên-dưới (tầm quan trọng kinh tế chính trị) và thứ bậc mang tính trung tâm-ngoại vi trong cơ cấu xã hội. Nhưng điều này không chỉ có trong các học thuyết hay khung phân tích của giới nghiên cứu, mà còn tồn tại cả trong quan niệm và đánh giá của mọi người. Ta dễ thấy thường có sự tương đồng và khác biệt giữa học thuyết chính trị, nghiên cứu và đánh giá của người dân. Do đó, một số nhà nghiên cứu tìm cách đo lường đánh giá và cảm nhận chủ quan của người dân để cung cấp căn cứ thực nghiệm cho nghiên cứu lý thuyết cũng như cho việc hoạch định cương lĩnh của các đảng chính trị.
Bài viết đặt câu hỏi: Người dân ở Việt Nam xếp bậc uy tín nghề nghiệp như thế nào? Có khác biệt nào giữa nhìn nhận ấy của người dân với khung phân tầng xã hội của các nhà chính trị và giới nghiên cứu? Bài viết dựa trên nguồn số liệu của Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (Mã số: KX.02.20/11-15) do Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt và tài trợ.
2. VÀI KHUYNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM VỀ PHÂN TẦNG XÃ HỘI
Bài viết không trình bày một tổng quan về nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam. Trong một báo cáo khác, chúng tôi cố gắng đưa ra một tổng quan như thế (Bùi Thế Cường, 2014). Ở đây tác giả chỉ đề cập vắn tắt vài nét có liên quan đến chủ đề xếp bậc uy tín nghề nghiệp.
Một cái nhìn sơ bộ về nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam cho thấy hướng nghiên cứu này đã tăng trưởng mạnh từ đầu thập niên 1990 (Bùi Thế Cường, 2014 và 2015). Trong thời gian dài, quan niệm chính trị và chính sách ở Việt Nam về cơ cấu xã hội mang tính giai cấp thường gồm có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức. Từ đầu thập niên 1990 đến nay xuất hiện những công trình nghiên cứu về cơ cấu giai cấp xã hội có mở rộng hơn quan niệm trên trong khung phân loại và kết quả phân tích của mình. Tôi tạm gọi đây là “khuynh hướng mác-xít mở rộng trong nghiên cứu phân tầng xã hội”.
Chẳng hạn, trong cuốn sách xuất bản năm 1993 Những vấn đề chính trị-xã hội của cơ cấu xã hội-giai cấp ở nước ta, Đỗ Nguyên Phương sử dụng sơ đồ giai cấp công nhân/ giai cấp nông dân/ tầng lớp trí thức để phân tích thực tại cơ cấu xã hội. Đóng góp mới của ông (trong bối cảnh trong nước lúc bấy giờ) là ông lập luận rằng có một giai cấp tư sản ở Việt Nam. Do đó, ông đưa giai cấp này vào sơ đồ phân tích của mình trở thành nhóm thứ tư cùng với ba giai cấp/tầng lớp nêu trên (Đỗ Nguyên Phương, 1993, trang 165-181). Ngoài ra, ông cũng cho rằng “Quan hệ giai cấp, cơ cấu xã hội-giai cấp không là quan hệ và cơ cấu duy nhất trong xã hội” (Đỗ Nguyên Phương, 1993, trang 29). Từ đó ông đề cập sơ bộ đến cơ cấu xã hội-dân số, cơ cấu xã hội-dân cư, và cơ cấu xã hội-nghề nghiệp và trình độ lành nghề (Đỗ Nguyên Phương, 1993, trang 29-34). Tiếp nối phát triển này, Đỗ Nguyên Phương chủ biên cuốn sách xuất bản sau đó một năm, bao gồm một số bài viết phân tích thực tại phân tầng xã hội ở Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau mà ông đã phác họa trong cuốn sách trước đó (Đỗ Nguyên Phương, 1994). Đóng góp của Đỗ Nguyên Phương trong thời kỳ nửa đầu thập niên 1990 được đánh giá cao (Lê Hữu Nghĩa và cộng sự, 2010, trang 48-50).
Phương pháp phân tích dân cư xã hội thành năm nhóm ngũ vị phân (dựa trên thu nhập hoặc chi tiêu) được Ngân hàng Thế giới đưa vào Việt Nam lần đầu tiên trong cuộc Khảo sát Mức sống dân cư (Vietnam Living Standards Survey, VLSS) năm 1992-1993. Với phương pháp ấy, Ngân hàng Thế giới cho ra mắt báo cáo đầu tiên năm 1995, gây tiếng vang và có tác động mạnh đến nhận thức và chính sách ở Việt Nam (Ngân hàng Thế giới, 1995). Tổng cục Thống kê và hầu hết mọi công trình nghiên cứu ở Việt Nam tiếp tục sử dụng rộng rãi phương pháp ấy của Ngân hàng Thế giới kể từ đó cho đến tận ngày nay.
Một số công trình khác đặt trọng tâm vào phân tích cơ cấu xã hội dựa trên nghề, xem đây là khung phân tầng xã hội cơ bản (Lê Thanh Sang, 2011; Đỗ Thiên Kính, 2012; Bùi Thế Cường, 2012a, 2012b, 2015a và 2015b).
Phần lớn nghiên cứu về cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội tập trung vào phân tích những đặc điểm của cấu trúc “khách quan”. Có một vài nghiên cứu đề cập đến đánh giá chủ quan của người được phỏng vấn về mức độ hài lòng của họ đối với một số khía cạnh trong điều kiện sống (Chẳng hạn, xem Lê Hữu Nghĩa và cộng sự, 2010; Lê Thanh Sang, 2011; Bùi Thế Cường, 2012a và 2012b). Trong chừng mực tài liệu chúng tôi thu thập được, mới có hai công trình thu thập dữ liệu về ý kiến chủ quan của người dân đối với thứ bậc uy tín nghề nghiệp. Đó là đề tài của Đỗ Thiên Kính và đề tài KX.02.20/11-15. Dưới đây trình bày kết quả nghiên cứu của hai đề tài ấy.
3. XẾP BẬC UY TÍN NGHỀ NGHIỆP Ở NGƯỜI DÂN HÀ NỘI VÀ BẮC NINH
Bảng 1 trình bày kết quả khảo sát của Đỗ Thiên Kính ở Hà Nội và Bắc Ninh năm 2010. Mẫu khảo sát chọn có chủ đích vào năm nhóm xã hội (nhà chuyên môn bậc cao, nhân viên, buôn bán-dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông dân). Mỗi nhóm chọn 100 cá nhân trong khoảng tuổi 25 đến 60 (Đỗ Thiên Kính, 2012, trang 16). Kết quả, người trả lời phỏng vấn xếp thứ bậc uy tín nghề nghiệp theo trình tự như sau: chuyên môn cao, lãnh đạo, doanh nhân, công nhân, buôn bán-dịch vụ, nhân viên, tiểu thủ công nghiệp, nông dân, lao động giản đơn. Thứ bậc uy tín nghề nghiệp do người trả lời phỏng vấn thực hiện có khác biệt nhất định nhưng về cơ bản khớp với thứ bậc phân tầng xã hội mà tác giả đưa ra (Đỗ Thiên Kính, 2012, trang 50-51).
Bảng 1. Điểm số đánh giá địa vị xã hội dựa trên khảo sát ở Hà Nội và Bắc Ninh, 2010
TT
Tầng lớp xã hội
Điểm số
Quy giản về ba giai tầng
1
Lãnh đạo
7,5
Tầng lớp cao
2
Doanh nhân
7,1
3
Chuyên môn cao
8,2
4
Nhân viên
4,4
Tầng lớp giữa
5
Buôn bán-dịch vụ
4,7
6
Công nhân
5,1
7
Tiểu thủ công nghiệp
4,0
8
Lao động giản đơn
1,9
Tầng lớp thấp
9
Nông dân
2,1
Nguồn: Đỗ Thiên Kính, 2012, Bảng 2.2, Trang 50. Chú thích: Thang điểm 9.
4. XẾP BẬC UY TÍN NGHỀ NGHIỆP Ở NGƯỜI DÂN ĐÔNG NAM BỘ
Năm 2015, Đề tài KX.02.20/11-15 thực hiện một khảo sát định lượng lặp lại đối với khảo sát ở Đông Nam Bộ hẹp (không có TPHCM) và khảo sát ở TPHCM năm 2010. Khảo sát ở Đông Nam Bộ hẹp 2010 gồm 1.080 hộ gia đình tại 90 địa bàn thuộc 30 xã phường trên 5 tỉnh (Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu). Khảo sát ở TPHCM 2010 gồm 1.080 hộ gia đình tại 90 địa bàn thuộc 30 xã phường của Thành phố. Mẫu của hai khảo sát trên được hình thành trên thủ tục chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng. Khảo sát 2015 của Đề tài KX.02.20/11-15 phỏng vấn lặp lại các hộ gia đình đã được nghiên cứu năm 2010. Đây là một hạn chế cần lưu ý, vì như vậy mẫu khảo sát 2015 không đại diện cho quần thể dân cư 2015. Khảo sát 2015 có thu thập dữ liệu về đánh giá của người trả lời đại diện hộ gia đình đối với uy tín nghề nghiệp. Dựa trên khung phân loại nghề nghiệp của Tổng cục Thống kê và khung phân loại nghề nghiệp thiết kế cho khảo sát, Đề tài KX.02.20/11-15 đưa ra một danh mục 13 nhóm nghề nghiệp-xã hội để người trả lời thể hiện quan niệm hay đánh giá của họ về thứ bậc uy tín nghề nghiệp.
Bảng 2 phản ánh kết quả xếp hạng uy tín nghề nghiệp của 13 nhóm nghề nghiệp-xã hội do đại diện hộ gia đình ở Đông Nam Bộ thực hiện. Theo đó, ba nhóm nghề được xếp hạng cao là nhóm Người có chức vụ quản lý cao cấp, trung cấp khu vực Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, đoàn thể xã hội (điểm trung bình xếp thứ bậc 2,2); nhóm Sĩ quan lực lượng vũ trang (công an, quân đội) (điểm trung bình xếp thứ bậc 3,2); và nhóm Người có trình độ chuyên môn cao (chuyên viên kỹ thuật cao cấp trên đại học, bác sĩ, giảng viên đại học) (điểm trung bình xếp thứ bậc 3,2).
Nhóm Công nhân, thợ thủ công lành nghề được người dân xếp bậc 10/13. Tiếp theo, bậc 11/13 là nhóm Người làm dịch vụ, buôn bán, kinh doanh nhỏ. Công nhân không lành nghề xếp bậc 12/13 cùng với nhóm lao động phi nông nghiệp giản đơn.
Nông dân gồm 2 tầng lớp, trong đó Nông dân lớp trên (có nhiều ruộng, thuê mướn lao động) được người dân xếp bậc 9/13, và Nông dân lao động (ít ruộng, tự làm, đi làm mướn) xếp bậc 13/13.
Trí thức không thể hiện thành nhóm nghề riêng biệt, nhưng phần lớn họ nằm trong các nhóm từ bậc 1 đến 6 ở Bảng 2.
Doanh nhân được người dân xếp bậc 5/13, nếu ta hiểu tầng lớp này chỉ gồm Chủ sở hữu hoặc người quản lý công ty hoặc tổ chức tư nhân khác (bệnh viện, trường học,…). Nếu doanh nhân bao gồm cả nhóm Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh không chính thức (cửa hàng, cửa hiệu, kiot), ta thấy nhóm này được người dân xếp bậc 8/13.
Đứng chót bảng là nhóm Lao động chân tay giản đơn, công nhân, thợ không lành nghề và nhóm Nông dân lao động (ít ruộng, tự làm, đi làm mướn).
Hai cột bên phải của Bảng 2 thể hiện xếp bậc uy tín nghề nghiệp theo vùng Đông Nam Bộ hẹp và TPHCM. Về cơ bản, xếp bậc của người dân hai vùng là tương đồng, nhưng cũng có khác biệt. Trong khi người dân Đông Nam Bộ hẹp đặt nhóm Sĩ quan lực lượng vũ trang (công an, quân đội) vào bậc 2 thì người dân ở TPHCM lại đặt nhóm này vào bậc 3, và họ thích đặt nhóm Người có trình độ chuyên môn cao (chuyên viên kỹ thuật cao cấp trên đại học, bác sĩ, giảng viên đại học) vào bậc 2 hơn. Người dân Đông Nam Bộ hẹp đặt nhóm Nông dân lớp trên (có nhiều ruộng, thuê mướn lao động) vào bậc 9 thì người dân ở TPHCM lại đặt nhóm đó vào bậc 11, còn bậc 9 họ dành cho nhóm Công nhân, thợ thủ công lành nghề. Nói cách khác, người dân TPHCM coi trọng những nhóm nghề có chuyên môn.
5. NHẬN XÉT
Nghiên cứu của chúng tôi ở vùng Đông Nam Bộ năm 2015 cho kết quả tương tự nghiên cứu của Đỗ Thiên Kính ở Hà Nội và Bắc Ninh năm 2010. Nó cho thấy ở hai vùng đất nước tương đối xa nhau về địa lý song tương đối gần nhau về trình độ phát triển kinh tế-xã hội, người dân có quan niệm khá giống nhau về thứ bậc uy tín các nghề nghiệp.
Đánh giá về thứ bậc uy tín nghề nghiệp ở người dân hai vùng cũng tương đồng với giả thuyết hay quan điểm đánh giá của tác giả hai công trình nghiên cứu này. Tuy nhiên, có khác biệt. Trong nghiên cứu của Đỗ Thiên Kính, tác giả xếp thứ bậc theo trình tự: lãnh đạo, doanh nhân, chuyên môn cao, nhân viên, buôn bán-dịch vụ, công nhân, tiểu thủ công nghiệp, lao động giản đơn, nông dân. Người dân được phỏng vấn đã đưa ra một đánh giá uy tín nghề nghiệp mà chuỗi điểm tạo ra một thứ bậc ít nhiều khác với thứ bậc của nhà nghiên cứu: chuyên môn cao, lãnh đạo, doanh nhân, công nhân, buôn bán-dịch vụ, nhân viên, tiểu thủ công nghiệp, nông dân, lao động giản đơn (Đỗ Thiên Kính, 2012, trang 50-51).
Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi giả thuyết người dân sẽ xếp Chủ sở hữu hoặc người quản lý công ty hoặc tổ chức tư nhân khác vào bậc 3 hoặc 4. Nhưng thực tế, người dân xếp nhóm này vào bậc 5 (sau cả nhóm Người có chức vụ quản lý cấp thấp, chuyên viên, nhân viên khu vực Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, đoàn thể xã hội). Chúng tôi cũng cho rằng nhóm Nông dân lớp trên cần được xếp ở bậc 5 (trên nhóm Người có chức vụ quản lý cấp thấp, chuyên viên, nhân viên khu vực Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, đoàn thể xã hội). Trong thực tế, người dân xếp nhóm này vào bậc 9, khá xa so với giả thuyết bậc 5 của chúng tôi. Nói cách khác, khung phân tầng uy tín nghề nghiệp của chúng tôi (nhà nghiên cứu) nhấn mạnh tương đối vào yếu tố kinh tế (sở hữu tài sản, tư liệu sản xuất và hình thái quản lý sản xuất) trong một xã hội cơ bản dựa trên nguyên lý kinh tế thị trường. Nhưng người dân ở Đông Nam Bộ vẫn nhấn mạnh tương đối vào yếu tố khu vực quản lý Nhà nước khi xếp thứ bậc uy tín nghề nghiệp.
Quan niệm của người dân về thứ bậc uy tín nghề nghiệp trình bày ở trên có những khác biệt đáng kể với khung thứ bậc giai tầng xã hội mà một số công trình nghiên cứu theo khuynh hướng mác xít mở rộng đã đưa ra, cũng như với khung phân loại tầng lớp xã hội chính thức (Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, 2015, mục XII; Nhân Dân Điện tử, 2016, mục IV). Những tương đồng và khác biệt trong quan điểm của các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và người dân cần được ghi nhận, thảo luận và tiếp tục xem xét sâu rộng hơn.
Bảng 2. Người trả lời đại diện hộ gia đình xếp bậc uy tín của các nhóm nghề nghiệp xã hội theo vùng (Đông Nam Bộ, Đông Nam Bộ hẹp và TPHCM), 2015
TT
Nhóm xã hội

Đông Nam Bộ
Thứ bậc từ cao nhất (1) đến thấp nhất
Điểm trung bình xếp thứ bậc
Thứ bậc từ cao nhất (1) đến thấp nhất
Đông Nam Bộ hẹp
TPHCM
1
Người có chức vụ quản lý cao cấp, trung cấp khu vực Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, đoàn thể xã hội.
2,2
1
1
1
2
Sĩ quan lực lượng vũ trang (công an, quân đội).
3,2
2
2
3
3
Người có trình độ chuyên môn cao (chuyên viên kỹ thuật cao cấp trên đại học, bác sĩ, giảng viên đại học).
3,2
2
3
2
4
Người có chức vụ quản lý cấp thấp, chuyên viên, nhân viên khu vực Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, đoàn thể xã hội.
4,6
4
4
4
5
Chủ sở hữu hoặc người quản lý công ty hoặc tổ chức tư nhân khác (bệnh viện, trường học,…).
4,9
5
5
5
6
Người có trình độ chuyên môn trung bình (chuyên viên kỹ thuật đại học, cao đẳng, trung cấp, giáo viên phổ thông).
5,5
6
6
6
7
Người có trình độ chuyên môn thấp (nhân viên dịch vụ, hành chính, y tá, nhà trẻ mẫu giáo).
7,4
7
7
7
8
Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh không chính thức (cửa hàng, cửa hiệu, kiot).
8,1
8
8
8
9
Nông dân lớp trên (có nhiều ruộng, thuê mướn lao động).
8,7
9
9
11
10
Công nhân, thợ thủ công lành nghề.
9,0
10
10
9
11
Người làm dịch vụ, buôn bán, kinh doanh nhỏ.
9,1
11
10
10
12
Lao động chân tay giản đơn, công nhân, thợ không lành nghề.
11,2
12
12
12
13
Nông dân lao động (ít ruộng, tự làm, đi làm mướn).
11,4
13
13
12

n (Chỉ những người có đáp ứng câu hỏi này)
2.037
2.037
1.000
1.037

N (Toàn mẫu khảo sát)
2.160
2.160
1.080
1.080
Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường, 2015c.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bùi Thế Cường. 2012a. Điều tra cơ bản về cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi con người ở tỉnh Vĩnh Long. Báo cáo khoa học Đề tài Khoa học xã hội cấp tỉnh. Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Long và Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
Bùi Thế Cường. 2012b. Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Báo cáo tổng hợp đề tài. Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Bùi Thế Cường. 2014. Cơ cấu xã hội và chuyển dịch cơ cấu xã hội: Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước. Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”, Mã số: KX.02.20/11-15.
Bùi Thế Cường. 2015a. Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 2(130)/2015. Trang 20-31. Hà Nội: Viện Xã hội học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Bùi Thế Cường. 2015b. Nghiên cứu phân tầng xã hội ở Nam Bộ (Nhìn từ đóng góp của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ). Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 9+10 (205+206)/ 2015. Trang 42-57. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Bùi Thế Cường. 2015c. Bộ số liệu khảo sát định lượng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đề tài KX.02.20/11-15. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Đỗ Nguyên Phương. 1993. Những vấn đề chính trị-xã hội của cơ cấu xã hội-giai cấp ở nước ta. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia và Nxb. Khoa học-kỹ thuật.
Đỗ Nguyên Phương (Chủ biên). 1994. Về sự phân tầng xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Hà Nội (Không ghi nhà xuất bản).
Đỗ Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay (Qua những cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002-2004-2006-2008). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Tấn, Lê Ngọc Hùng. 2011. Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội (Qua khảo sát một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam). Hà Nội:
Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
Lê Thanh Sang. 2011. Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội vùng Tây Nam Bộ. Báo cáo khoa học Đề tài cấp Bộ. Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
Ngân hàng Thế giới. 1995. Việt Nam Đánh giá sự nghèo đói và chiến lược. Hà Nội: Ngân hàng thế giới.
Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên). 2013. Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật.




[*] Giáo sư Nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Giáo sư thỉnh giảng Viện nghiên cứu châu Á Universiti Brunei Darussalam; Nghiên cứu viên cao cấp khách mời Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Đại học Kyoto.
Bài viết là kết quả của Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (Mã số: KX.02.20/11-15) do Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt và tài trợ. Đã in trong: Tạp chí Xã hội học. Số 1 (133)/2016. Trang 13-19. Hà Nội: Viện Xã hội học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bản này khác đôi chút với nguyên bản đã công bố.

Print Friendly and PDF