18.7.16

Phỏng vấn James Tobin

James Tobin (1918-2002)

Phỏng vấn James Tobin

Brian Snowdon, Howard R. Vane và Peter Wynarczyk
James Tobin sinh tại Champaign, Illinois năm 1918. Ông lần lượt lấy bằng BA, MA và PhD tại đại học Harvard vào năm 1939, 1940 và 1947. Ông bắt đầu giảng dạy từ năm 1945, trước khi đỗ PhD. Từ 1950, ông là giáo sư kinh tế tại đại học Yale trừ thời gian một năm rưỡi ở Washington làm một trong những nhà kinh tế cố vấn cho tổng thống Kennedy (1961-1962) và một năm làm Visiting Professor tại Institute for Development Sudies của đại học Narobi, tại Kenya (1972-1973).
James Tobin là một trong những nhà kinh tế keynesian nổi tiếng nhất của Hoa Kì. Năm 1981, ông được giải kinh tế Nobel. Những quyển sách nổi tiếng của ông gồm: National Economic Politicy (Yale University Press, 1966), Essays in Economic: Macroeconomics (Markham, 1971; North Holland, 1974), The New Economics One Decade Older (Princeton University Press, 1974), Essays in Economic: Consumption and Econometrics (North Holland, 1975), Asset Accumulation and Economic Activity (Basil Blackwell, 1980), Policies for Prosperity: Essays in a Keynesian Mode (Harvester Wheatsheaf, 1987) do Peter Jackson ấn hành và Essays in Economics: Theory and Policy (MIT Press, 1982).


Trong vô số những bài viết của ông, được biết đến nhiều nhất là: “The Interest-Elasticity of Transaction Demand for Cash”, Review of Economics and Statistics (1956), “Liquidity Preference as Behavior Towards Risk”, Review of Economics Studies (1958), “Money and Economic Growth”, Econometrica (1965), “A General Equilibrium Approach to Monetary Theory”, Journal of Money, Credit and Banking (1969), “Money and Income: Post Hoc, Ergo Propter Hoc”, Quarterly Journal of Economics (1970), “Inflation and Unemployment”, American Economic Review (1972), “How Dead is Keynes?”, Economic Inquiry (1977), “Are New Classical Models Plausible Enough to Guide Policy?”, Journal of Money, Credit and Banking (1980) và “The Monetarist Counter-Revolution: An Appraisal”, Economic Journal (1981).
Cuộc phỏng vấn giáo sư Tobin diễn ra trong văn phòng ông tại đại học Yale ngày 17 tháng hai 1993 và được bổ sung bằng các câu hỏi trong tháng giêng và hai năm 1999.

Giáo sư bắt đầu học kinh tế chính ngay năm Lí thuyết tổng quát được xuất bản. Điều gì trong kinh tế học quyến rũ giáo sư?
Đó là sự kết hợp thích đáng và khó tin của một đề tài có triển vọng cứu giúp thế giới và mê hoặc người ta bằng những bí mật tri thức. Cơn đại khủng hoảng cũng liên quan đến tôi và tôi có đủ mọi lí do để nghĩ rằng thất bại đại trà của những nền kinh tế chúng ta là nguyên nhân của nhiều thảm hoạ khác, chính trị cũng như kinh tế, trên thế giới.
Lí thuyết tổng quát là một cuốn sách khó phản ảnh một một cuộc đấu tranh lâu dài giải thoát khỏi những ý kiến cũ. Cảm tưởng dầu tiên của giáo sư đối với Lí thuyết tổng quát là như thế nào?
Robert Skidelsky (1939-)

Lúc bấy giờ tôi mới 19 tuổi và chưa biết nhiều để hiểu đó là một quyển sách khó đọc. Người phụ đạo cho tôi tại Harvard, vừa mới ở một năm bên Anh về, nói với tôi ngay buổi đầu gặp gỡ: “Tại sao chúng ta không cùng đọc, trong năm phụ đạo này, cuốn sách vừa xuất bản tôi mới được nghe nói?”. Tôi không biết có cuốn nào hay hơn nên tôi đã đọc nó, một cách khá dễ dàng. Khiá cạnh hào hứng, đối với một người trẻ 19 tuổi, là linh cảm một cuộc cách mạng tri thức xét lại lí lẽ cũ kĩ của quá khứ, đặc biệt là vì lí thuyết mới làm một cái gì có tính xây dựng cho những vấn đề chính của thế hệ chúng tôi.
Skidelsky (1992) trong tiểu sử về Keynes (Vol II)[1] đã viết: cảm hứng của Keynes là triệt để nhưng chủ đích của ông là bảo thủ. Bằng cách nào Keynes kết hợp hai lực đối lập này?
John M. Keynes (1883-1946)
Oswald Spengler (1880-1936)
Tôi nghĩ rằng đánh giá của Skidelsky về cơ bản là đúng. Chỉ cần so sánh những liệu pháp của Keynes cho những vấn đề của thế giới thời ông ta với những phân tích mácxít hay những phân tích của Spengler trong Sự suy tàn của phương Tây - toàn những lời nguyền rủa kinh khủng về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, một chủ nghĩa bị đánh giá là không thể thành công được. Keynes nhấn mạnh là vấn đề cơ bản không ở cách tổ chức nền kinh tế mà ở cách kiểm soát cầu. Keynes không ta thán chút nào về cách xã hội phân bổ những nguồn lực sử dụng mà về cách xã hội không sử dụng hết các nguồn lực.
Chỉ cần 12 năm để Lí thuyết tổng quát chiếm lĩnh trái tim và khối óc của phần lớn những nhà kinh tế. Vì sao tư tưởng Keynes lan truyền nhanh chóng đến thế?
Vì tư tưởng này dường như chữa được những vấn đề của cơn đại khủng hoảng. Trong tất cả các nước, người ta ngại rằng tiếp sau thế chiến thứ hai những điều kiện của suy thoái giữa hai cuộc thế chiến sẽ trở lại. Những ý tưởng của Keynes dường như là một phương tiên tốt để tránh cho điều này xảy ra. Ví dụ như ở Hoa Kì, hãy nhìn tác dụng của những chi tiêu gắn với việc tham chiến trên GDP và việc làm. Điều này làm cho những ý tưởng của Keynes có sức nặng to lớn.
Giáo sư được công nhận rộng rãi như một nhà kinh tế keynesian Mĩ lỗi lạc. Giáo sư có vừa lòng với nhãn hiệu keynesian và đối với giáo sư làm một nhà keynesian có nghĩa là gì?
Nếu bạn hỏi tôi câu này, ví dụ 25 năm trước, tôi đã trả lời rằng tôi không thích đội bất kì chiếc mũ nào và chỉ đơn giản là một nhà kinh tế làm việc trên những vấn đề tôi quan tâm: những vấn đề kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tài chánh, v.v... Trong thực tiễn, dường như lúc bấy giờ có một đồng thuận đầy ấn tượng về những vấn đề này. Một phần lớn công việc của tôi là làm rõ bằng nhiều cách những ý của Keynes ở những nơi mà tôi thấy có những vấn đề lí thuyết hay còn thiếu những “cơ sở kinh tế vi mô”. Thật ra, bài đăng báo đầu tiên của tôi (1941) là một bài liều lĩnh chống keynesian về cách ông đặt vấn đề quan hệ giữa lương danh nghĩa và việc làm. Do đó ở thời buổi đó, tôi sẽ nói là không nên chụp mũ người ta mà hãy để họ làm việc. Nhưng sau tất cả những cuộc phản cách mạng, và với sự phát triển của tất cả những trường phái và nhãn hiệu, không nghi ngờ gì tôi rất hãnh diện được xem là một nhà keynesian, nhất là khi tôi thấy những đối chọn được đề nghị [Cười].  
Đâu là những luận điểm cơ bản của các nhà keynesian?
Edward C. Prescott (1940-)
Robert Barro (1944-)
Có thể trình bày bằng cách nói rằng họ xét một mô hình trong đó nền kinh tế biết được hai chế độ. Đôi lúc nền kinh tế ở vào một tình thế cổ điển, khi tất cả các thị trường đều cân bằng (cung bằng với cầu) và khi những khả năng sản xuất kinh tế bị cung ràng buộc. Không thể sản xuất hơn nữa vì hầu như không còn nguồn lực sẵn có nào nữa (tôi cường điệu một tí để dơn giản). Do đó có một ràng buộc về năng lực trên sản xuất. Ràng buộc này thể hiện bằng một cơ cấu giá và thu nhập làm cho cung và cầu bằng nhau ở những giá đó. Ở những thời kì khác, nền kinh tế ở vào một tình thế keynesian khi chính cầu (tức là tổng cầu) làm nghẽn sản xuất thực tế. Sản xuất có thể tăng nữa nếu có một cầu cao hơn và những yếu tố cho phép tăng cầu là sẵn có với một lợi tức thực tế  không cao hơn  những gì mà những nhân tố sản xuất này có thể mang lại, nhờ năng suất của chúng, nếu chúng được sử dụng. Tình thế này thường hay xảy ra, nhưng không phải một cách có hệ thống, và chính những chính sách làm tăng cầu cho phép loại trừ đi sự lãng phí xã hội được tạo ra như thế. Theo tôi đó là sự phân biệt chính. Trong khi đối với những lí thuyết gia của chu kì kinh tế thực tế (như Ed Prescott) hay đối với những nhà cổ điển mới (như Robert Barro) thì cung luôn bị ràng buộc. Đối với họ chỉ có một chế độ và những dao động quan sát được thể hiện những dao động có cân nhắc của mong ước làm việc của các cá nhân. 
Một vài cách kiến giải của tổng hợp tân cổ điển xuất hiện vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 trình bày Lí thuyết tổng quát như một trường hợp đặc biệt của một mô hình cổ điển tổng quát hơn. Giáo sư nghĩ thế nào về cách kiến giải đặc biệt này?
Tôi không chia sẻ cách nhìn này. Tôi nghĩ là đã có đồng thuận trên hai chế độ tôi vừa nói đến. Tôi cũng nghĩ rằng có một đồng thuận mang tính chuẩn tắc về việc không nên xem là sản xuất có được bằng cách để những người thất nghiệp đi làm trở lại là miễn phí, vì có nhiều cách để sử dụng những nguồn lực chưa được sử dụng. Cùng những cân nhắc như thế, liên quan đến chi phí cơ hội, ấn định việc phân bổ những nguồn lực trong một cân bằng cổ điển, ở đây cũng ấn định việc phân bổ những nguồn lực trong số những cách khác nhau trở về chế độ đầy đủ năng lực. Do đó trong chiều hướng này không thể ủng hộ những chương trình phung phí nguồn lực nhằm làm tăng việc làm (như việc cho đào lỗ để rồi sau đó lấp chúng lại), vì có thể sử dụng nhân lực vào những chương trình đầu tư có ích hơn về mặt xã hội. Trong nghĩa đó, những nhận xét cổ điển về chi phí cơ hội cũng áp dụng được cho mỗi chế độ. Nhưng điều này chỉ có giá trị khi có một quyết tâm thoát khỏi tình thế lãng phí.
Phải chăng hiệu ứng Pigou đã bị lạm dụng để hạ thấp đóng góp của Keynes vào lí thuyết kinh tế?
Arthur C. Pigou (1877-1959)
Tất nhiên rồi, tôi đã viết điều này với mọi luận điệu. Đây là một cơ chế quá mong manh không chứng minh được tính hiệu quả của sự điều chỉnh tự động. Tổng kết toán của những tín dụng và những khoản nợ không nhất thiết kéo theo là việc bù đắp những khoản vay và nợ được hoàn thành ở cấp độ các hành vi. Tôi nghĩ là giảm phát có thể có những tác động xấu trên cầu nếu các con nợ có một khuynh hướng chi tiêu của cải lớn hơn khuynh hướng của các chủ nợ -một điều có khả năng xảy ra. Trong trường hợp này tất cả vấn đề là phải biết các tác nhân ở trong những tình huống khác nhau sẽ phản ứng như thế nào trước sụt giảm của giá. Hiệu ứng Pigou là một quan niệm tĩnh hay phi thời gian -hơi giống như- khi mức giá ban đầu được so sánh với mức giá mới. Thế mà, như Keynes đã nhận xét dù ông đã không coi đây là một vấn đề lí thuyết, quá trình giảm phát -hay trong trường hợp này là thiểu phát- kéo theo một gia tăng của lãi suất thực tế và chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tai hại.
Giáo sư có nghĩ rằng nếu Keynes còn sống đến năm 1969 (86 tuổi) thì ông ta sẽ được giải Nobel kinh tế đầu tiên?
Jan Tinbergen (1903-1994)
Ragnar Frisch (1895-1973)
Rất có nhiều khả năng. Dù sao tôi cũng bỏ phiếu cho ông. Ông ấy có lãnh giải thế chỗ của Tinbergen và Frisch chăng? Tôi không rõ. Giải này thưởng cho khoa học kinh tế. Nhìn dưới một góc độ nào đó, hai nhà kinh tế này đã ở cội nguồn của những đổi mới gần với những đổi mới trong các khoa học chính xác hơn. Nhưng dù sao đi nữa Keynes cũng sẽ là một trong những người đầu tiên được giải.
Giáo sư cảm thấy gì khi được trao giải Nobel 1981? Đóng góp nào của giáo sư vào kinh tế học vĩ mô được giáo sư cho là quan trọng nhất?
Người ta đã trao giải cho tôi song tôi không có đòi nó! Tôi nghĩ là tôi không cần phải biện minh cho lựa chọn của ban giám khảo. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày nhận giải. Tôi đã tìm cách làm rõ kinh tế học vĩ mô và tổng hợp tân cổ điển, theo như tôi hiểu, bằng cách tổng quát hoá những mô hình tiền tệ nhằm tính đến những tài sản khác nhau và phát triển những hậu quả kinh tế vĩ mô của lí thuyết lựa chọn danh mục đầu tư -đó là những gì tôi đã tìm cách làm.
Theo giáo sư vì sao có nhiều cách kiến giải khác nhau về Lí thuyết tổng quát?
Joan Robinson (1903-1983)
John R. Hicks (1904-1989)
Tôi giả định rằng một trong những lí do là cuốn sách ở nhiều chỗ là khá nhập nhằng. Nó có nhiều nhánh rẽ có thể được dùng để biện minh cho nhiều cách kiến giải khác nhau và cho phép nhiều người có ý kiến khác nhau tìm được những gì họ cần. Trước hết có người coi Lí thuyết tổng quát như một loại mô hình cân bằng chung về việc ấn định sản xuất, việc làm và lãi suất có thể dùng cho hai chế độ tôi đã nêu trên. Đó là quan điểm của J. R. Hicks trong bài nổi tiếng của ông. Mặt khác, có chương 12 về những dự kiến dài hạn, chương này hình như cho thấy là không có hàm đầu tư. Thế mà mô hình cân bằng chung của Hicks không thể hoạt động được nếu thiếu một hàm đầu tư. Cách tiếp cận thứ hai này, nhấn mạnh đến những dự kiến và những “bản năng động vật”, có thể được xem như mở đường cho một loại mô hình khác, một hướng được chính Keynes xác nhận bằng lời biện hộ cho việc xã hội hoá đầu tư. Ông nghi ngờ rằng những chính sách tiền tệ và tài chính có thể hỗ trợ một cách thích hợp cho đầu tư. Theo ông, có thể phải cần đến một hình thức kế hoạch hoá nhất định để đạt được mục tiêu này. Tôi nghĩ rằng những điểm nhập nhằng này có thể được hiểu trong chiều này cũng như trong chiều khác. Tất nhiên, một số hi vọng kéo Keynes về những quan điểm triệt để hơn những quan điểm ông ta đã phát biểu một cách rõ ràng, liên quan đến các thể chế chính trị và xã hội. Tôi nghĩ đến bà Robinson và những người khác khi đòi hưởng gia tài của Keynes. Thật sự trận chiến này -nếu bạn cho phép tôi dùng thành ngữ là núp bóng Keynes- chưa bao giờ làm tôi phấn khởi. Phần trung tâm của tác phẩm, hạt nhân rắn của các mô hình, nằm ở phía kia. Theo tôi, đó là phía của Hicks. Điều chắc chắn là trong thực tiễn, chính mô hình này được giảng dạy và đã ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và lí thuyết kinh tế vĩ mô từ hơn 50 năm nay. 
Giáo sư có cho rằng việc dạy mô hình IS-LM còn phải chiếm một phần quan trọng trong việc để các sinh viên bước đầu làm quen với kinh tế học vĩ mô, sau tất cả những phê phán của các nhà kinh tế như Robinson, Clower và Leijonhufvud đối với mô hình này?
Axel Leijonhufvud (1933-)
Robert W. Clower (1926-2011)
Vâng, tôi nghĩ rằng mô hình IS-LM là một công cụ hàng đầu. Nếu bạn cần phải kiến giải một vấn đề kinh tế -liên quan đến chính sách kinh tế hay những sự kiện- có lẽ là điều hữu ích nhất bạn có thể làm là thử tìm cách đặt vấn đề đó trong bối cảnh của mô hình này. Do sinh viên ở trong trường hợp này, nên họ cần biết mô hình này. Tôi không nói rằng như thế là đủ. Tôi nghi ngờ rằng Keynes hay Hicks cũng nghĩ rằng như thế là đủ. Nhưng đó là bước đầu, và thường diều này khớp đúng với thực tế.
Giáo sư có nghĩ rằng rất nhiều những thay đổi lí thuyết trong những năm 1970, do các nhà kinh tế như Lucas khởi xướng, là hậu quả không thể tránh của những khiếm khuyết của mô hình keynesian không?
Robert Lucas (1937-)
Không, tôi không nghĩ như thế. Tôi cho rằng một mô hình có những dự kiến nhất quán là một ý tưởng tốt. Một mô hình cân bằng là không tốt nếu tiên đề của nó là các cá nhân phạm sai lầm một cách có hệ thống về những dự kiến các biến (sai lầm trong nghĩa là những biến dự kiến khác với những biến được mô hình thường xuyên phái sinh). Nhưng tôi nghĩ là đi quá xa khi áp dụng ý tưởng này vào những tình thế động khi việc tập huấn là thường xuyên và khi các cá nhân có thể có những ý rất khác nhau về thế giới.
Đối với giáo sư, đặt nền móng của những mô hình kinh tế vĩ mô trên lí thuyết tân cổ điển về những lựa chọn có phải là điều quan trọng không?
Tôi nghĩ điều quan trọng là những phương trình hành vi của một mô hình kinh tế vĩ mô không đi ngược lại những tiên đề cơ bản của lí thuyết những lựa chọn và, về mặt nguyên tắc, là nhất quán với những tiên đề này. Nhưng tôi nghĩ rằng phiên bản mạnh của những “cơ sở kinh tế vi mô” là một sai lầm phương pháp luận gây nhiều thiệt hại lớn. Tôi muốn nói đến giả định trước, nay được rộng rãi chấp nhận, về sự tồn tại của những tác nhân tiêu biểu, mà hành vi sinh ra những phương trình “kinh tế vĩ mô”. Đây là một việc làm cho tinh túy của kinh tế học vĩ mô nghèo đi một cách khủng khiếp. Giả định là có một số cực kì lớn những tác nhân khác nhau và tất cả các tác nhân đều có một hành vi tối đa hoá. Sau đấy bạn cộng hết các hành vi lại, để chỉ còn một phương trình duy nhất cần cho mô hình của bạn. Rất có thể là giải pháp đạt được từ phép cộng này không ứng với giải pháp của bất kì cá nhân nhất định nào cả. Tôi nghĩ là sẽ đặc biệt phiêu lưu nếu ủng hộ điều ngược lại. Chính điều này đã đưa kinh tế học vĩ mô, hay cái được coi là kinh tế học vĩ mô, về một hướng không tốt.
Vào cuối thập niên 1960, giáo sư đã tranh luận lâu với Friedman và ông này đã có lúc cho là những khác biệt chính giữa các nhà kinh tế học vĩ mô qui về những vấn đề thực nghiệm. Thập niên 1970 phải chăng cho thấy là còn có một số khác biệt lí thuyết cơ bản nữa giữa các nhà kinh tế học vĩ mô?
Milton Friedman (1912-2006)
Friedman không nói một cách thành thật. Lí thuyết về cầu tiền của ông ta gồm một số lớn biến, kể cả nhiều lãi suất khác nhau. Tuy nhiên, những đề nghị về chính sách tiền tệ của ông dựa trên giả thiết là những lãi suất không can dự vào trong hàm cầu tiền. Ông nêu lên những kết quả thực nghiệm -mà chỉ mình ông ta tìm ra- theo đó độ co dãn của cầu tiền với lãi suất là không đáng kể. Khi ông ta buộc phải thừa nhận rằng sự thật không đúng như thế thì ông viết rằng độ co dãn của cầu tiền với lãi suất không liên can gì tới vấn đề được xem xét. Cách duy nhất để khẳng định này có ý nghĩa là cho rằng dù sao đi nữa cũng đạt được toàn dụng lao động, bất kể đến quĩ tiền, và do đó là lãi suất do cân bằng của cung và cầu tiết kiệm, tương ứng với toàn dụng lao động, ấn định. Nhưng đấy chỉ là một lối lẩn tránh, vì nguồn gốc cuộc tranh luận là hoàn toàn khác. Trước đấy ông ta chưa bao giờ cho rằng chính sách tiền tệ không có ảnh hưởng nào cả trên những biến thực tế, ngược lại ông cho rằng nó có rất nhiều tác động. Ông ta qui chiếu về một kiểu đường Phillips (mà ông không gọi như thế) ngay cả khi ông sáng chế ra lí thuyết về tỉ suất thất nghiệp tự nhiên. Ông không phủ nhận là chính sách tiền tệ có thể có vài ảnh hưởng đến khối lượng sản xuất trong những dao động chu kì. Do đó ông bị mắc bẫy: trở thành một nhà cổ điển mới, và trường hợp này thì ông phải nói rằng tiền tệ là không quan trọng; hoặc là một nhà trọng tiền thực tiễn, nhưng trong trường hợp này ông không có cơ sở lí thuyết hay thực nghiệm vững chắc để làm chỗ dựa cho quan điểm của ông.
Đâu là khác biệt giữa khái niệm thất nghiệp tự nhiên của Friedman và tỉ suất thất nghiệp không làm tăng tốc lạm phát [hay NAIRU: Non Accelarating Inflation Rate of Unemployment]? Khác biệt giữa hai khái niệm này có quan trọng không?
Franco Modigliani (1918-2003)
Léon Walras (1834-1910)
Tôi không nghĩ rằng trong thực tiễn sự khác biệt là lớn lắm. Có thể là khi đưa NAIRU vào, Modigliani nghĩ rằng tỉ suất tự nhiên là số thất nghiệp sinh ra từ những phương trình của cân bằng chung walrasian -một mệnh đề thuần túy tư biện, mà theo chỗ tôi biết thì chưa có ai chứng minh. Tại sao nghiệm của những phương trình của Walras lại bao gồm một mức thất nghiệp [Cười]? Cách hiểu tỉ suất tự nhiên này không có ý nghĩa gì và chắc là sai. Khi Modigliani và những người khác bắt đầu nói đến NAIRU thì họ có một quan niệm thực tiễn hơn.
Các nhà trách nhiệm chính trị quyết định chính sách kinh tế trong vòng kín đáo. Trường phái những lựa chọn công cộng, cũng như những công trình của William Nordhaus, đồng nghiệp của giáo sư, về những chu kì chính trị-kinh tế, kết luận là các nhà chính trị thật ra sử dụng chính sách kinh tế cho lợi ích của họ. Giáo sư có nghĩ rằng Keynes ngây thơ đến độ có thể giao phó cho họ việc thực hiện chính sách kinh tế và rằng họ sẽ làm theo những khuyến cáo của các nhà kinh tế?
William Nordhaus (1941-)
Bạn hãy nhớ lại đoạn cuối của Lí thuyết tổng quát có nói là về lâu dài những tư tưởng là quan trọng. Tôi nghĩ rằng điều này là đúng, dù cho cách nhìn của tôi có hơi khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cố vấn những người có trách nhiệm chính thức, những nhà chính trị, hay cử tri, nhưng chúng ta không nên chui vào trò chơi của họ. Việc của Keynes không phải là đừng nên viết Lí thuyết tổng quát, hay không nói cho các nhà xã hội hay các nhà bảo thủ, hoặc cho bất kì ai khác, rằng có thể giảm thất nghiệp bằng những chi tiêu dành cho những công trình công cộng. Nếu tôi đưa một  ý kiến về tài chính công cộng trong thời chiến -hay về bất kì vấn đề nào khác- tôi không có nhiệm vụ nêu cách phải dùng nó vào mục đích nào, tốt hay xấu. Tôi không phải là người quyết định xem các nhà chính trị là tham nhũng và vô trách nhiệm đến độ không cho họ lời khuyên nào về những hậu quả của chính sách kinh tế họ thực thi. Tôi không nghĩ rằng Jim Buchanan hay tôi có quyền không cho ý kiến tổng thống Mĩ, những thành viên của quốc hội hay cử tri với lí do rằng nếu họ biết được những gì chúng ta biết thì họ sẽ sử dụng với mục đích xấu. Tôi nghĩ rằng chúng tôi không phải quyết định thay cho họ.
Giáo sư có nói rằng có thể nhận ra những bài kinh tế tốt ở chỗ chúng chứa đựng những điều gây ngạc nhiên và chỉ ra được những hướng nghiên cứu mới. Theo tiêu chí này, những đóng góp trong thập niên 1970 của Lucas, Sargent và Wallace và Barro là tốt. Giáo sư có nghĩ rằng kinh tế học vĩ mô cổ điển mới đã làm cho kinh tế học vĩ mô tiến triển?
Neil Wallace (1939-)
Tom Sargent (1943-)
Theo một quan điểm nào đó, tôi nghĩ rằng ý của Lucas cho rằng chính sách kinh tế được các tác nhân dự kiến (và hành vi của họ không thay đổi nếu chính sách thay đổi) là một ý quan trọng mà chúng ta cần tính tới. Nhưng tôi không tin rằng ý này là cơ bản như Lucas nghĩ. Tôi cho rằng cách giải thích của ông là khéo léo và rõ ràng. Theo cách giải thích này, bạn có thể có được những dữ liệu thống kê có dáng dấp của những đường Phillips nhưng bạn không rút ra được một hệ quả thực tiễn nào của đường này. Tuy nhiên, thời gian sau đã cho thấy rằng đây không phải là một ý tốt. Ý này đã không sống sót vì khái niệm khó tin là các tác nhân không hình dung được rõ ràng cung tiền. Nếu quả thật như thế tại sao những số liệu về cung tiền lại được xuất bản vào mỗi chiều thứ sáu -ít ra là ở Hoa Kì từ bấy lâu nay? Vả lại tôi nhận xét rằng các nhà cổ điển mới đã hết chú ý đến việc cảm nhận sai lầm này nữa. Họ đã trở thành cực đoan hơn. Bài viết của Barro [1974] là có tính khiêu khích và đã kích thích nhiều công trình lí thuyết và thực nghiệm. Tôi có viết một bài nhân dịp những đợt hội thảo Jahnsson[2] đưa ra có lẽ là 15 lí do, tôi không nhớ rõ nữa, vì sao giải thiết của Barro về tính trung lập không đứng vững được, và tôi nghĩ từ đấy đã có rất nhiều bài khác về mỗi một trong hai bài trên.
Nhiều công trình mới đây của những người được gọi là những nhà kinh tế keynesian mới. Đâu là khác biệt chủ yếu giữa quan niệm của giáo sư về kinh tế học keynesian và những đóng góp của các nhà tân keynesian? Phải chăng đó là việc họ chấp nhận khái niệm dự kiến duy lí, và nhiều ý tưởng trọng tiền khác?
Vâng, họ chấp nhận những dự kiến duy lí. Hơn nữa họ chấp nhận luôn phương pháp luận của lí thuyết những lựa chọn và của tác nhân tiêu biểu nhiều hơn tôi. Họ chấp nhận ý tưởng điều chỉnh tự động của thị trường nhiều hơn tôi, dù cho họ làm dịu bớt đi bằng cạnh tranh không hoàn hảo. Họ cho rằng nhiệm vụ của họ là duy lí hoá tính cứng nhắc được giả định của lương và giá danh nghĩa, một tính duy lí khiến cho các cú sốc tiền tệ có những hậu quả thực tế. Tôi nghĩ rằng đó không phải là ý của Keynes. Keynes chủ yếu quan tâm đến, không phải là những cú sốc tiền tệ trên cầu, mà đến những cú sốc thực tế gây nên nhiều vấn đề cả khi giá cả là linh hoạt. Các nhà tân keynesian cho rằng họ chỉ tìm cách chứng minh trong chừng mực nào giá danh nghĩa cứng nhắc là một hiện tượng duy lí nhằm suy ra cách giải thích thất nghiệp. Tôi không cho rằng -và tôi dám chắc là Keynes sẽ đồng ý với tôi- giải thích toàn bộ vấn đề cầu thực tế bằng chi phí thực tế của việc thay đổi thực đơn là một cách giải thích thuyết phục. Tôi tin rằng Keynes sẽ mỉm cười trước ý nghĩ rằng chi phí này tạo vấn đề cho việc sử dụng nguồn lực đủ để gây nên cuộc đại khủng hoảng hay bất kì thiệt hại đáng kể nào cho hoạt động kinh tế. Điều này thật là khó tin. Nếu tôi có quyền phân phát nhãn hiệu “keynesian” tôi sẽ không cho phép họ sử dụng nhãn hiệu này [Cười].
Giáo sư nghĩ thế nào về cách tiếp cận chu kì kinh tế thực tế?
Đó chính là địch thủ, ở phía cực đoan của kinh tế học vĩ mô. Các lí thuyết gia về chu kì kinh tế thực tế cho rằng xã hội là một cân bằng động luôn phản ứng trước những cú sốc công nghệ chi phối năng suất và cung, và nền kinh tế gắng hết mình để thích nghi với những cú sốc này. Chính những đáp trả “hiền lành” này gây nên những dao động mà chúng ta gọi là chu kì kinh tế. Không có một thất nghiệp kiểu keynesian nào mà chỉ có những hiệu ứng thay thế liên thời gian giữa việc làm hiện tại và việc làm tương lai để phản ứng lại môi trường ngẫu nhiên trong đó ta sống. Ý tưởng cho rằng các tác nhân không ngừng tiến hành những thay thế liên thời gian để xác định cung việc làm của họ theo tôi là không đáng tin. Quả là nực cười giải thích gia tăng của thất nghiệp trong nước này từ 5,7% năm 1978 lên 11% năm 1982 bằng mong muốn của người lao động chọn nghỉ hè nhiều hơn vì dự báo sẽ phải làm việc nhiều hơn khi mai này lương trở nên hấp dẫn hơn! [Cười]
Margaret Thatcher (1925-2013)
Khi bà Thatcher còn tại chức, bà không ngừng lặp lại rằng lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô. Giáo sư nghĩ như thế nào?
Đây là thay thế một mục tiêu cuối cùng bằng một mục tiêu trung gian. Trong chừng mực mà lạm phát là một tai hại cho mức sống hiện nay hay tương lai thì ta phải quan tâm đến nó. Nhưng bạn có thể dễ dàng phải hứng chịu những hi sinh lớn về sản xuất và tiêu dùng thực tế, nhân danh lạm phát, hơn là những ích lợi rút tỉa ra được từ việc làm cho lạm phát giảm.
Có nên theo lời khuyên của Lucas [1978][3] và từ bỏ khái niệm thất nghiệp không tự nguyện không?
Chắc chắn là không. Mỗi một khi cung không bằng cầu ở các giá hiện hành thì tức là có một điều gì không tự nguyện. Ở những giá này, một số cá nhân muốn cung nhiều hơn hoặc một số khác lại có cầu nhiều hơn; song họ không thể làm thế được. Cách duy nhất để có thể nói là tất cả đều tự nguyện là giả định rằng có sự điều chỉnh thường xuyên của thị trường -nghĩa là nền kinh tế luôn ở thế cân bằng.
Trong những mô hình cổ điển mới, toàn dụng lao động được đồng nhất với việc làm thực sự. Ta phải định nghĩa thế nào là toàn dụng lao động?
Cũng như Keynes, tôi định nghĩa theo kiểu các nhà cổ điển, như là điểm của đường cung lao động tại đấy các cá nhân có được tất cả việc làm họ sẵn sàng nhận ở mức lương mà các doanh nghiệp có thể và muốn trả. Chính Keynes cũng chấp nhận những luồng giữa các khu vực và thất nghiệp cọ xát, nhưng một cách cơ bản tôi không định nghĩa cân bằng toàn dụng lao động khác hơn là cách nó được định nghĩa trong mô hình cổ điển.
Thâm hụt ngân sách cấu trúc là một trong những đặc điểm của nền kinh tế Mĩ trong thập niên 1980 và thực ra, ngay bây giờ, người ta nói nhiều đến gia tăng của thâm hụt ngân sách. Chúng có phải là một tai hại không? Giáo sư có nghĩ rằng thâm hụt ngân sách cấu trúc của Hoa Kì là một vấn đề thực sự, và cần phải làm gì?
Đừng bao giờ quên những mục tiêu và cần phân biệt cứu cánh với phương tiện. Khi bạn xét đến những mục tiêu của chính sách tài chính, bạn nhận thấy vấn đề là nhằm cung cấp những điều kiện sống trong tương lai tốt hơn. Riêng về thâm hụt của Hoa Kì thì đây là một thâm hụt bằng đô la, nghĩa là một món nợ bằng đồng tiền mà chúng tôi in ra. Đây không phải là một món nợ bằng đồng bảng, đồng yen hay bằng một đồng tiền nào khác. Chủ yếu đây là một khoản nợ trong nước, còn phần tiền mặt được giữ ở nước ngoài thì không quan trọng mấy nếu chúng được giữ dưới dạng nợ công cộng của liên bang hay dưới dạng những tài sản khác. Tuy nhiên có một vấn đề, đó là việc nợ công cộng chuyển hướng một phần của cải tư nhân có thể được đầu tư vào vốn sản xuất tư nhân sang những công trái được dùng để tài trợ cho tiêu dùng tư nhân hay tập thể. Trong nghĩa này, những thâm hụt làm tăng nợ đã sử dụng tiết kiệm có thể được dùng vào đầu tư sản xuất, những đầu tư này sẽ cho phép tăng lương thực tế của con cháu chúng ta. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải giảm thâm hụt năm nay, khi nền kinh tế đang suy thoái. GDP hôm nay không bị cung ràng buộc và số lượng đầu tư không bị số lượng tiết kiệm hạn chế. Việc giảm thâm hụt trong một nền kinh tế đang phục hồi là đi ngược sản xuất vì làm giảm GDP và đầu tư. Chúng ta làm việc nhiều hơn cho quyền lợi của đời con, hay đời cháu khi thực hiện chi tiêu đầu tư công cộng hay khi giảm thuế nhằm kích thích đầu tư tư nhân. Tất cả những điều đó rất khó làm rõ trong những cuộc tranh luận chính trị về những thâm hụt. Tôi đã là một trong những người chống đối chính kiểu chính sách tài chính mà các chính quyền Reagan hay Bush đã tiến hành trong 12 năm. Thế mà, tôi nghĩ rằng không phải là điều tốt đổ xô một cách mù quáng vào một chính sách cắt giảm ngân sách. Tất cả là vấn đề hoàn cảnh: phải thích ứng liều thuốc với tình trạng của con bệnh.
Giáo sư có còn ủng hộ những chính sách thu nhập không? Một số nhà keynesian, như Alan Blinder, không mấy nhiệt tình đối với những chính sách này trong lúc dường như giáo sư nghĩ rằng chúng có thể bổ túc cho những chính sách quản lí cầu.
Alan Blinder (1945-)
Tôi nghĩ là những chính sách thu nhập đã có một vai trò trong thập niên 1970, đặc biệt là trong việc lạm phát giảm bắt đầu từ 1979. Tôi nghĩ là chúng ta đã có thể giảm bớt ảnh hưởng trên sản xuất và việc làm nếu như chúng ta đã theo một vài dạng chính sách thu nhập. Hiên nay tôi không nhìn những chính sách này một cách thuận lợi nữa. Một trong những khía cạnh tích cực của thập niên 1980, một phần nhờ may mắn, là đã không có những cú sốc dầu lửa. Áp lực của lương cũng rất là vừa phải. Vào 1979/80, ít có nhà kinh tế nào cho rằng có thể giảm thất nghiệp xuống gần 5% vào năm 1988 mà gần như không có hậu quả lạm phát nào. Cách đây 10 năm tôi cũng nghĩ là không thể được -thế mà điều ấy đã xảy ra. Hiện nay chúng ta không có vấn đề với lạm phát. Nếu lạm phát trở lại, thì chính sách thu nhập có thể tỏ ra có ích, nhưng hiện nay tôi không cho rằng đó là vấn đề thời sự.
Tại sao kinh tế học keynesian đã được phần nào phục hồi trong thập niên qua?
Do tính chất keynesian của những vấn đề hiện ra trong năm năm cuối. Kinh tế học keynesian là nạn nhân của một phiên xử bất công trong thập niên 1970. Mỗi ngày tôi đều có bằng chứng. Thiên hạ nói: “Tại sao bạn muốn quay về với những chính sách đã thất bại vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970?”. Những chính sách keynesian được xem là phải chịu trách nhiệm về lạm phát và đình đốn. Thiên hạ [ở Hoa Kì] không bao giờ nêu, hay xoá khỏi bộ nhớ, những cú sốc dầu hỏa và cuộc chiến tranh Việt Nam. Bây giờ chúng ta trở về lại một môi trường bình thường hơn và tư tưởng của những nhà cổ điển mới không còn hấp dẫn như trước đối với thế hệ mới những nhà kinh tế chưa từng biết đến giai đoạn phản cách mạng.
Có nổi lên chăng dấu hiệu của một đồng thuận mới?
Có thể, nhưng tôi không thấy những dấu hiệu như thế. Vẫn còn một xung đột lớn.
Dường như giữa các nhà kinh tế có một đồng thuận cao hơn về kinh tế học vi mô hơn là kinh tế học vĩ mô. Theo giáo sư thì do vì sao?
Hãy trở lại với Keynes. Ông không có những dè dặt quan trọng đối với cách mà một nền kinh tế thị trường phân bổ các nguồn lực nó sử dụng. Tôi nghĩ, và rất nhiều nhà kinh tế vi mô và nhiều nhà kinh tế nói chung sẽ đồng ý, là Keynes đã quá nhượng bộ trên điểm này. Đáng lí ông ta phải thừa nhận nhiều hơn vai trò của những hiệu ứng ngoại lai trong việc thị trường phân bổ bình thường các nguồn lực và quan ngại nhiều hơn đến những lãng phí xã hội mà cạnh tranh độc quyền có khả năng sinh ra. Trong nhiều lĩnh vực của kinh tế học vi mô, như việc kiểm soát những tình thế độc quyền và việc ấn định những lương tối thiểu, phương pháp luận của lí thuyết lựa chọn và của những chi phí cơ hội được vận dụng đúng đắn, như chúng ta được đào tạo để làm việc đó. Đó là bí mật của chúng ta, và những nhà xã hội học hay những nhà nghiên cứu các khoa học xã hội khác hoàn toàn không biết đến bí mật này. Bộ môn của chúng ta là khoa học hơn, nhưng tôi không nghĩ rằng vì thế mà mọi việc đều tốt đẹp. Điều mà những dự kiến duy lí đã làm cho kinh tế học vĩ mô, lí thuyết trò chơi đã làm cho kinh tế học vi mô. Vấn đề của lí thuyết trò chơi là lí thuyết này không ngừng đưa ra những giải pháp bội, và dường như không mang lại kết quả. Lí thuyết này, giống như những kì công toán học được phát triển để giải quyết những lắp ráp tri thức do những dự kiến duy lí đặt ra, cũng đã có sức quyến rũ tâm trí con người. Tất cả những điều đó đều làm thiệt thòi cho những nghiên cứu thực nghiệm thực tiễn hơn và hướng nhiều hơn đến những vấn đề tổ chức công nghiệp. Do đó tôi không chắc là mọi việc đều tốt cả trong kinh tế học vi mô. Rất nhiều công trình lí thú đang được tiến hành trong những lĩnh vực ứng dụng hơn.
Nếu giáo sư phải cố vấn cho Clinton về chiến lược kinh tế cho bốn năm sắp tới thì đâu là những hướng chính giáo sư sẽ vạch ra?
Đây là một câu hỏi khó, vì những lí do mà chúng ta vừa nói. Vấn đề hiện nay đặt ra cho ông ta là phải kích thích nền kinh tế để làm cho sự phục hồi được dễ dàng. Kinh tế khá hơn cách đây sáu tháng, nhưng vẫn chưa phải là tốt lắm. Đồng thời có một áp lực mạnh để ông ta phải làm một điều gì nhằm giảm thâm hụt liên bang. Ông ta cố gắng làm hết cả hai. Do việc này đòi hỏi là thâm hụt phải tăng và việc kia đòi hỏi phải giảm thâm hụt, nên quả là khó. Tôi ngại là chất kích thích ông ta muốn dùng là quá mạnh và không đủ lâu. Sẽ có một đợt gia tăng thâm hụt trong chương trình năm nay và có thể là năm tới [1994] ngân sách sẽ trung lập đối với thâm hụt. Sau đấy, gia tăng của thuế và cắt giảm trợ cấp và những phụ cấp khác sẽ được triển khai để cuối cùng ông ta có thể làm những gì đã nói cho năm tài chính 1997. Người ta đòi hỏi ông ta làm hai điều cùng lúc. Cũng giống như phải mổ một con bệnh nhưng con bệnh lại quá yếu để chịu đựng ca mổ. Vì thế người ta quyết định giúp con bệnh lấy lại sức trước. Khó khăn được nhân đôi. Cách tiếp cận hai mặt này là hơi khó giải thích -tại sao lại làm một điều hôm nay để rồi lại làm ngược lại sau đó. Thật ra, đến nay ông ta vẫn chưa giải thích. 
Có thể là ông ta sẽ không hiểu?
Ồ, không đâu, đây là một tay thông minh. Đây là một nhà chính trị thông minh nhất mà tôi được gặp -ông ta hiểu.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: La pensée économique moderne. Guide des grands courants de Keynes à nos jours của Brian Snowdon, Howard R. Vane và Peter Wynarczyk, nhà xuất bản Edíscience, Paris, 1997, trang 144-156

Những câu trả lời bổ sung qua thư từ trong tháng giêng, tháng hai 1998:
Trong bài viết năm 1995 The Natural Rate as New Classical Economics”[4], giáo sư gợi ý rằng bài viết của Friedman năm 1968, The Role of Monetary Policy”, rất có khả năng là bài viết có ảnh hưởng nhất từng được một tạp chí kinh tế đăng tải”. Bài viết này đã thay đổi kinh tế học vĩ mô một cách quan trọng như thế nào và giáo sư có xem giả thiết tỉ suất tự nhiên như một phần của cái lõi của xu hướng kinh tế vĩ mô chủ đạo không?
George Akerlof (1940-)
Có lẽ đó là một ẩn dụ, nhưng chắc chắn là bài này rất có ảnh hưởng trong giới kinh tế và có nhiều hệ quả đối với chính sách trên khắp thế giới, vượt xa khỏi giới kinh tế. Như tôi lập luận trong bài viết năm 1995 nếu bài này là một bước lớn chỉ hướng đến lí thuyết Kinh tế vĩ mô cổ điển mới và lí thuyết Chu kì kinh tế thực tế thì tác động ban đầu của bài viết của Friedman đã được nhân lên gấp bội. Nếu những học thuyết này ngày nay hợp thành cái lõi của xu hướng kinh tế vĩ mô chủ đạo thì cũng tương tự như thế đối với tỉ suất tự nhiên. Trong lúc điều này có thể là đúng đối với lí thuyết kinh tế vĩ mô kinh viện thì tôi không nghĩ là nó đúng trong kinh tế vĩ mô thực tiễn như được sử dụng trong chính sách của chính phủ và thực tiễn kinh doanh. Trên lĩnh vực này thì khái niệm NAIRU được ưa chuộng hơn và như tôi đã viết trong bài năm 1995 cũng như ở những bài khác, khái niệm này không giống với khái niệm tỉ suất tự nhiên. Cả hai khái niệm này đều bị những những nghiên cứu thực nghiệm trong vài năm qua đột ngột làm tổn thương không ngờ, khi những ước lượng trước đây về NAIRU tỏ ra là sai lầm. Hơn nữa ý tưởng cho rằng có một đường Phillips thẳng đứng trong dài hạn bị mất ảnh hưởng so với ý của tôi cho rằng vẫn còn một sự đánh đổi ở những tỉ suất lạm phát thấp, một mệnh đề mới đây được Akerlof, Dickens và Perry (1996)[5] ủng hộ trong Brookings Papers.
Hiên nay (tháng giêng 1998) tỉ suất lạm phát của nền kinh tế Hoa Kì là 4,7 phần trăm và tỉ suất lạm phát chỉ có hơn 2 phần trăm. Khi hầu hết những ước lượng về tỉ suất thất nghiệp tự nhiên của nền kinh tế Hoa Kì là vào khoảng 6 phần trăm thì giáo sư lí giải như thế nào tình hình hiện nay?
John F. Kennedy (1917-1963)
So với kinh nghiệm tích luỹ từ giữa thập niên 1970, những chỉ báo về khó khăn của thị trường lao động, ngoài tỉ suất thất nghiệp ra, cho thấy là thị trường lao động ít căng hơn như được phản ảnh qua chính tỉ suất thất nghiệp. Việc làm còn trống (ở Hoa Kì được xấp xỉ bằng chỉ số trợ giúp) còn nhiều hơn, rời việc làm ít xảy ra hơn là mất việc làm, và những người được tính là ở ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhiều hơn. Hình như đường Beveridge đã chuyển trở về vị thế của nó vào thập niên 1950 và 1960. Những nhân tố khác gồm có sự giảm bớt số người đăng kí vào các nghiệp đoàn và quyền lực yếu đi của những nghiệp đoàn đối với những chủ kinh doanh tư nhân, việc chấp nhận tinh giảm biên chế tăng lên để cải thiện lương tối thiểu và giá tồn kho, ngay cả khi điều này làm thiệt thòi cho người lao động trong dài hạn, cạnh tranh của nhập khẩu, vâng, nhưng đặc biệt là cạnh tranh nội địa và tất nhiên không có những cú sốc của cung, những cú sốc này liên quan đến tình trạng đình đốn và lạm phát của thập niên 1970 nhiều hơn là các nhà cổ điển mới muốn quên đi. Rất có thể giảm thất nghiệp xuống còn 4 phần trăm, mục tiêu của chính quyền Kennedy trong thập niên 1960, mà vẫn giữ được thất nghiệp ở dưới mức 3,5 phần trăm.
Mặc dù hiện nay thất nghiệp ở Hoa Kì và ở Anh là tương đối thấp, nhưng tỉ suất thất nghiệp bình quân của Liên minh kinh tế châu Âu còn tương đối cao. Chúng ta giải thích như thế nào sự sai biệt quá lớn giữa những tỉ suất thất nghiệp ở Hoa Kì và ở những nước như Pháp và Đức? Giáo sư có nghĩ rằng Liên minh kinh tế châu Âu có khả năng làm cho vấn đề thất nghiệp ở châu Âu gay gắt thêm không?
Tôi thật là bất trị. Tôi vẫn tin là những chính sách vĩ mô có dụng ý xấu phải chịu trách nhiệm của phần lớn dư thừa của thất nghiệp ở châu Âu. Không thể nào để tỉ suất tự nhiên tăng theo tỉ suất thất nghiệp niện nay, từ một lên hai số. Người châu Âu kết luận là khi họ không thấy sự giảm phát đáng kể nào ở bất kì tỉ suất thất nghiệp hiện hành thì tỉ suất này phải bằng hoặc thấp hơn tỉ suất tự nhiên, do đó mọi chính sách tiền tệ hay tài chính cởi mở nào sẽ đẩy tỉ suất lạm phát tăng. Nhưng có thể là đường Phillips ngắn hạn là khá dẹp nên suy diễn này là không có cơ sở. Dù sao đi nữa họ chưa bao giờ thử thí nghiệm một chính sách bành trướng. Tôi có thể tin là có nhiều trở ngại cấu trúc hơn để làm giảm thất nghiệp trên lục địa châu Âu hơn là ở Hoa Kì và Anh. Tôi có thể tin là việc Thatcher đánh mạnh các nghiệp đoàn đã có giúp chút ít mặc dù tôi không thấy lương và giá cả ở Anh rơi tụt xuống khi đồng bảng Anh gắn buộc vào đồng Đức Mã. Tôi nghĩ là một vài vấn đề cấu trúc trên lục địa phản ảnh hiện tượng trễ. Khác với Hoa Kì, các chính phủ và ngân hàng trung ương chưa bao giờ thử phục hồi từ những cuộc suy thoái 1979-82 nên thất nghiệp chu kì kết thúc với những cuộc suy thoái này trở nên có tính “cấu trúc”. Cho dù có tính chất và nguyên nhân nào đi nữa thất nghiệp của châu Âu là một điều tồi tệ và các chính phủ châu Âu có khả năng sửa sai một cách nào đấy hơn là than phiền về nó và coi như tình trạng này là do Hoa Kì áp đặt lên họ.
Tôi không chờ đợi rằng Liên minh kinh tế châu Âu làm thay đổi tình hình thất nghiệp. Nếu có thì chỉ làm cho tình hình xấu thêm thôi. Các thành viên của EU không làm gì nhiều dưới hệ thống tiền tệ châu Âu để cải thiện các kết quả kinh tế vĩ mô. Nhưng trong chừng mực mà họ có hành động riêng lẻ thì họ không có bất kì công cụ chính sách vĩ mô nào một khi họ nằm trong Liên minh kinh tế châu Âu. Cũng như ngân hàng trung ương mới sẽ hành động khác với ngân hàng trung ương Đức và Liên minh cũng không có thuế để tiến hành một chính sách thuế khoá.
Giáo sư có cảm nhận có sự chuyển bước nào theo hướng một đồng thuận lớn hơn trong kinh tế học vĩ mô kể từ lúc chúng tôi đề cập với giáo sư đến việc này nào năm 1993?
Có lẽ là có một sự đồng thuận cao hơn trong lí thuyết vĩ mô, trong nghĩa là lí thuyết keynesian đơn giản không được biết đến và sinh viên cao học không còn học điều gì nữa về lí thuyết ấy. Có lẽ là có một sự đồng thuận cao hơn trong kinh tế học vĩ mô thực tiễn, vì có nhiều yếu tố keynesian chẳng giúp được gì và vì chủ nghĩa trọng tiền máy móc đã chết.
Nhiều nhà kinh tế vĩ mô lỗi lạc (ví dụ Barro và Sala-i-Martin 1995[6]; Lucas, 1987[7]) biện luận rằng phần kinh tế học vĩ mô thật sự quan trọng là tăng trưởng. Giáo sư có đồng ý với nhận định này không và những lí thuyết về tăng trưởng nội sinh trong thập niên qua có cải thiện hiểu biết của chúng ta về quá trình tăng trưởng không?

Xavier Sala-i-Martin (1962-)
Vâng, không nghi ngờ gì là tăng hiệu suất, sức khoẻ và kì vọng sống của tỉ người trong các nước nghèo và chậm phát triển khắp thế giới làm tăng nhiều lợi ích hơn là giảm tỉ suất thất nghiệp ở Tây Âu xuống ba hoặc bốn điểm. Tôi không nghĩ là các nhà kinh tế vĩ mô nghiên cứu tăng trưởng đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi bằng cách nào đạt được điều này. Những vấn đề tổng cầu là một xa xỉ chỉ có đối với những nước tư bản công nghiệp phát triển. Vấn đề cơ bản của các nước nghèo là sự nghèo nàn của cung. Có thể là thiếu hụt của tổng cung -rối loạn xã hội của nghèo nàn không cần thiết ở giữa sự trù phú trong thời kì Đại suy thoái- không còn là một vấn đề ưu tiên hàng đầu vì kinh tế học vĩ mô đã giải quyết bài toán này chứ không phải vì nó chưa bao giờ là một vấn đề và lí thuyết kinh tế vĩ mô và chính sách nó gợi ra là sai lầm. Việc có ít tai nạn ở ngã tư đường không có nghĩa là đèn đường chỉ báo là không cần thiết. Tôi thấy là Barro và Lucas, coi kinh tế học vĩ mô của định hướng cầu là đồ bỏ rồi rời khỏi lĩnh vực này nói rằng dù sao thì cũng không có gì lí thú. Những lí thuyết tăng trưởng nội sinh, đủ lí thú dựa trên những ngoại ứng kiểu này hoặc kiểu khác để vượt qua những hiệu suất giảm dần, là hấp dẫn song không đủ để thuyết phục tôi.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Additional Questions Answered by Correspendence: Janyary/February 1998“ trong Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 102-105




[1] John Maynard Keynes, Vol. 2, The Economist as Saviour, 1920-1937, London, Macmillan

[2] Asset Accumulation and Economic Activity, Oxford, Basil Blackwell

[3] “Unemployment Policy”, American Economic Review, May

[4] “The Natural Rate as New Classical Economics” trong R. Cross (chủ biên), The Natural Rate of Unemployment: Reflections on 25 Years of Hypothesis, Cambridge: Cambridge University Press

[5] The Macroeconomics of Low Inflation”, Brookings Papers on Economic Activity

[6] Convergence Across States and Regions”, Brookings Papers on Economic Activity

[7] Models of Business Cycle Theory, Oxford: Basil Blackwell

Print Friendly and PDF