1.7.16

Cử tri Anh cũng đã tống cổ các nhà kinh tế ra ngoài



Cử tri Anh cũng đã tống cổ các nhà kinh tế ra ngoài

Các nhà kinh tế đã lên tiếng và không được lắng nghe: chắc chắn thảm họa mà họ tiên đoán sẽ diễn ra nếu Vương quốc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu. Đó là chứng cứ cho thấy sự thiếu ảnh hưởng của một nghề nghiệp bị mất uy tín và một chứng minh cho sự bất lực của những lập luận duy lí nhất trước những nỗi sợ hãi và dối trá.

Lawrence Summers: “Một sai lầm không thể đảo ngược”

Lawrence Summers (1954-)
François Mitterrand (1916-1996)
Như Lawrence Summers đã giải thích trước cuộc trưng cầu ý dân, Brexit là “vết thương nặng nhất mà một thành viên của G7 tự gây cho mình kể từ khi khối này được thành lập bốn mươi năm trước đây”.
Trước hết, trái với những quyết định thông thường về chính sách kinh tế (giảm thuế của Ronald Reagan, chính sách thúc đẩy lại nền kinh tế của François Mitterrand) Brexit là “không thể đảo ngược” và thậm chí có thể là Liên minh châu Âu, do không muốn tiền lệ của Anh trở thành trường hợp khuôn mẫu, sẽ không tạo điều kiện dễ dàng cho Vương quốc Anh.

Có nguy cơ những hệ quả kinh tế sẽ là kinh khủng

Ronald Reagan (1911-2004)
Angus Deaton (1945-)
Tiếp đó có nguy cơ những hệ quả kinh tế sẽ là kinh khủng: các thị trường đua nhau rơi rớt, bất trắc, khủng hoảng lòng tin và do đó việc tạm treo đầu tư khiến cho khả năng suy thoái có thể xảy ra. Cuối cùng, Brexit tạo nên hiệu ứng lây lan của những “chính sách dân túy nguy hiểm”, điều này có thể đẩy những giá trị trú ẩn, như đồng quan Thụy Sĩ hay vàng, tăng cao và kéo theo vòng luẩn quẩn sụt giá tài sản, mất lòng tin làm suy sụp thêm các trung tâm tài chính.
Kết luận của Summers: “Ở lại trong Liên minh châu Âu là lựa chọn duy nhất duy lí”. Đó cũng là nhận định của những nhà kinh tế tập hợp trên một lời kêu gọi.

Lời kêu gọi của các nhà kinh tế

Joseph Stiglitz (1943-)
Kenneth Arrow (1921-)
Trong một lời kêu gọi ngắn, phổ biến trên Internet, 12 khôi nguyên được giải của Ngân hàng Thụy Điển về kinh tế (trong số đó có George Akerlof, Kenneth Arrow, Angus Deaton, Peter Diamond, Robert SolowJoseph Stiglitz) và 175 nhà kinh tế làm việc ở Vương quốc Anh đã giải thích vì sao họ mong muốn Vương quốc Anh ở lại trong Liên minh châu Âu.
Đối với họ, việc ra đi của Vương quốc Anh có nghĩa là:
  • một sự gia tăng của nguy cơ suy thoái do cú sốc và sự bất trắc mà Brexit sẽ tạo ra. Thế mà với những lãi suất gần bằng không, và do đó Ngân hàng (trung ương) Anh không thể giảm hơn nữa, và số nợ còn cao, chính quyền sẽ không có nhiều phương tiện để tránh khỏi một cuộc suy thoái như thế;
  • một sụt giảm của đồng bảng và thuế nhập khẩu cao hơn, điều này sẽ làm tăng giá các hàng tiêu dùng thông dụng và đẩy lạm phát tăng lên;
  • một sụt giảm của đầu tư tại Vương quốc Anh gây tổn hại cho sự canh tân và tạo việc làm cho tương lai.
George Akerlof (1940-)
Robert Solow (1924-)
Tất cả những diễn biến trên sẽ trước hết tác động tới những hộ gia đình có thu nhập thấp hay trung gian; do đó chúng mang tính chống xã hội. Cuối cùng một tăng trưởng yếu có nghĩa là nguồn thu của Nhà nước sẽ giảm, do đó thuế sẽ tăng và có ít nguồn lực dành để chi tiêu cho các dịch vụ như hệ thống y tế công cộng (National Health Service hay NHS).
Đối với các nhà kinh tế trên, những luận chứng ủng hộ lựa chọn “Leave” (ra khỏi Liên minh châu Âu - ND) là không chặt chẽ. Thật vậy, làm thế nào tin được rằng Vương quốc Anh có thể tăng trưởng một mình bằng cách giảm thuế quan, một điều chỉ có thể làm xói mòn vị thế đàm phán của mình với các nước khác, các nước này có thể tăng thuế quan của họ và như vậy bóp chết các nhà xuất khẩu Anh.
Tương tự như vậy, sẽ là ảo tưởng khi nghĩ rằng gỡ bỏ các quy định châu Âu sẽ cho phép Vương quốc Anh tăng trưởng mạnh hơn vì việc tuân thủ các quy định này – vốn bảo vệ người lao động và người tiêu dùng – bao giờ cũng là cần thiết để có thể giao dịch với Hoa Kì hay với Liên minh châu Âu, chưa tính đến việc là tự bản thân chúng các quy định này là một điều đáng mong muốn.

“Di dân từ Liên minh châu Âu không cướp đi việc làm”

Sau cùng, nếu có một chủ đề mà cuộc vận động của “Leave” mang tính đánh lừa thì đó chính là vấn đề dân nhập cư. Các nhà kinh tế kí lời kêu gọi trên ghi nhận rằng tỉ suất thất nghiệp ngày nay tại Vương quốc Anh là 5%, thấp hơn nhiều thời kì Liên minh chưa được mở rộng. Từ thực tế này, đối với họ việc “di dân từ Liên minh châu Âu không cướp đi việc làm”. Trái lại nhiều khu vực cần đến nhân công nhập cư, dù cho đó là quán ăn, khách sạn, nông nghiệp, các công nghiệp sử dụng nhiều lao động... Và đừng quên rằng dân nhập cư đến từ Liên minh châu Âu đóng góp về mặt thuế nhiều hơn những gì họ nhận được về mặt trợ cấp; do đó họ là những người đóng góp thuần cho Kho bạc Anh (cũng có hiện tượng giống như thế ở Pháp).     
Mặt khác, những nhà kinh tế kí lời kêu gọi viện nhiều đến những luận chứng mang tính quyền uy khi viết rằng quan điểm của họ được những định chế “đáng tin và độc lập” như IMF, OECD, Ngân hàng (trung ương) Anh, London School of Economics, v.v. ủng hộ. Vấn đề duy nhất là tính độc lập của các định chế này là đáng bàn luận khi chúng đều bảo vệ một quan điểm tự do về kinh tế học ủng hộ những thị trường mở, những thị trường lao động linh hoạt, một Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế, đánh thuế thấp, v.v..
Người ta còn nhớ, để chỉ nêu ví dụ này thôi, những dự báo sai lầm rõ ràng của IMF về Hy Lạp năm 2013 do định chế này ở Washington “quên” đi hiệu ứng suy thoái của các chính sách thắt lưng buộc bụng... Và không chắc là luận chứng được các vị kí tên lời kêu gọi nêu ra, theo đó một cuộc điều tra cho thấy rằng chín trên mười các nhà kinh tế chuyên nghiệp ở Vương quốc Anh đánh giá là Brexit sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Anh, thật sự thuyết phục được dân chúng.
Tất nhiên, như họ nói, các nền kinh tế trong thế kỉ XXI dựa trên thương mại và giao dịch. Và, trên quan điểm này, Vương quốc Anh có một lịch sử lâu dài vì từng là một trong những nước tiên phong trong việc phát triển các trao đổi thương mại với các nước láng giềng. Như thế, người ta có thể nghĩ rằng cuộc trưng cầu ý dân ngày 23 tháng sáu sẽ tiếp nối lịch sử này và xem việc là thành viên của EU như một phương tiện để phát triển thương mại, và qua đó là sự thịnh vượng của Vương quốc Anh. Nhưng quyết định đã được đưa ra không dựa trên những cơ sở duy lí mà các nhà kinh tế ưa thích.

Về tầm quan trọng của những dối trá

Chris Dillow (1963-)
Như Chris Dillow ghi nhận khi chiến dịch vận động càng tiến triễn thì những luận chứng của phe “Leave” (rời khỏi EU – ND) ngày càng khó bảo vệ. Chẳng hạn luận chứng được phe này lặp đi lặp lại không ngừng theo đó làm thành viên EU phải tốn mỗi tuần 350 triệu bảng – một số tiền có thể dành để chi tiêu cho NHS hiện đang gặp khó khăn – trong khi trong thực tế là 135 triệu bảng Anh (7 tỉ bảng mỗi năm).
Thế mà chỉ cần Vương quốc Anh tăng trưởng chậm do rời khỏi EU thì những phần lợi được trông đợi không trở thành hiện thực, thậm chí việc ra đi còn trở thành lỗ. Chẳng hạn theo Institute for Fiscal Studies, Nhà nước Anh sẽ thiếu hụt ít nhất 20 tỉ bảng mỗi năm vì những hậu quả tiêu cực của Brexit. Ý tưởng về một tấm “séc chia tay” mà Vương quốc Anh nhận được khi rời EU là sai. Nhưng ai có thể nghĩ rằng ý tưởng này không thuyết phục được hàng triệu người?

Một thái độ đáng ngạc nhiên đối với vấn đề dân nhập cư

Ta biết chắc chắn rằng việc từ chối dân nhập cư là nhân tố quyết định của việc bầu cho Brexit. Nhưng một cuộc điều tra cho thấy những kết quả sau:
Simon Wren-Lewis
Như Simon Wren-Lewis bình luận, cuộc điều tra này cho thấy là những người được phỏng vấn đánh giá rằng dân nhập cư là một điều thuận lợi cho nền kinh tế Anh và, đáng ngạc nhiên hơn nữa, cho bản thân họ. Trái lại, họ cho rằng dân nhập cư gây bất lợi cho NHS (trong trường hợp này, sự chênh lệch là rất rõ, khoảng 30 điểm (55 so với 27).
Do đó, việc từ chối dân nhập cư không phải là một vấn đề văn hóa hay kinh tế mà là một vấn đề xã hội. Đa số người Anh, từ nhiều năm nay lo lắng cho năng lực chữa trị của hệ thống y tế của họ, đánh giá rằng dân nhập cư là một gánh nặng cho dịch vụ công cộng, và do đó phải giảm số người nhập cư. Và Wren-Lewis cho rằng họ càng có xu hướng nghĩ như thế khi một số báo cứ lặp đi lặp lại điều ấy ngày này qua ngày khác.
David Cameron (1966-)
Về mặt chính trị, tình hình lâm vào thế kẹt vì David Cameron không thể làm cho cử tri khỏi bị đánh lừa – nếu giả định là ông muốn làm việc ấy – vì tức khắc sẽ có những câu hỏi đặt ra cho ông về những khó khăn của NHS khiến ông tức thì gặp khó khăn (theo Wren-Lewis, Cameron đã giảm tỉ phần của NHS trong GDP và sử dụng nguồn thu thuế để giảm thuế hay giảm nợ). Thế thì thà để dân chúng tin rằng lỗi là do người nhập cư hơn là do các nhà lãnh đạo chính trị...
Nhưng kết quả là một thảm họa, theo đánh giá của Wren-Lewis, vì mọi người sẽ đọc các kết quả của cuộc trưng cầu ý dân như là sự thể hiện việc dân chúng muốn có ít dân nhập cư hơn trong khi người dân thật sự muốn có một hệ thống y tế tốt hơn. Nhưng người dân quả đã sai lầm khi nghĩ rằng có ít người dân nhập cư từ EU là một cách để đạt được điều trên.

Kết luận: đặc biệt cho lần này, người ta mong là các nhà kinh tế được lắng nghe

Tất nhiên các nhà kinh tế không làm nên những cuộc bầu cử – và như thế là càng tốt. Nhưng cuộc trưng cầu ý dân về việc Vương quốc Anh ra khỏi EU cũng đã là cơ hội nhìn thấy một sự đồng thuận của các nhà kinh tế để chỉ ra là có một quyết định tốt và một quyết định xấu. Song rõ ràng là họ đã không được lắng nghe.
Vivien A. Schmidt (1949-)
Điều mà ta có thể lấy làm tiếc là có kết quả đó chính do những nguyên nhân xấu. Chiến dịch vận động của phe Leave dựa trên những lời dối trá và việc khai thác nỗi sợ hãi, bắt đầu bằng nỗi sợ tha nhân. Vương quốc Anh đã có một quyết định xấu vì những nguyên nhân chính trị và xã hội tồi tệ: ở nước này cũng như ở các nơi khác, chính vì các giới chính trị cầm quyền đi theo chủ nghĩa tân tự do nên ước vọng xã hội đã tắt lịm, sự đoàn kết xã hội lùi bước và tha nhân, bất luận là ai, bị xem là nguyên nhân của các vấn đề. Đúng như Vivien Schmidt đã nhận định: “Thay vì rời khỏi EU, Vương quốc Anh nên bắt đầu đối mặt với vấn đề thật sự của nó: một chủ nghĩa tân tự do đã đi quá xa”.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Les électeurs anglais ont aussi mis dehors les économistes”, Alterecoplus, 24/06/2016
Print Friendly and PDF