19.7.16

Hỡi tiền tệ hãy trở thành hiện thực



Sandra MOATTI
Marc CHEVALLIER

Hỡi tiền tệ hãy trở thành hiện thực

Marc CHEVALLIER và Sandra MOATTI
Trẻ em nào mà không ngạc nhiên trước điều kỳ diệu này: khi đưa cho chủ cửa hiệu mượn trong vài giây đồng hồ một miếng nhựa nhỏ hình chữ nhật màu xanh, em có thể bước ra khỏi cửa hiệu với món đồ mà em mong muốn... Mãnh lực tuyệt vời của miếng nhựa này đến từ đâu?
Từ sự tín nhiệm. Cho dù được chuyền từ tay người này đến tay người khác, là bằng kim loại hay bằng giấy, hay được lưu thông lòng vòng qua trò viết kí đơn giản trên chi phiếu, qua vài cú nhấp trên phím một thiết bị đầu cuối của thẻ ngân hàng, là một lệnh chuyển khoản hay chuyển tiếp trên internet, tiền tệ lúc nào cũng là một sợi giây tín nhiệm liên kết các thành viên của một xã hội. Sự tín nhiệm trong việc nó được người khác thừa nhận và chấp nhận ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Sự chấp nhận mang tính nhất trí này là điều làm cho tiền tệ trở thành thước đo giá trị của mọi thứ, thứ vừng phổ quát cho phép sở hữu được mọi thứ được bày bán. Điều này làm cho tiền tệ mang tính hấp dẫn rất cao, và thậm chí hấp dẫn hơn rất nhiều so với những món đồ có thể mua được, bởi tính "tiềm năng thuần túy" của nó, theo như triết gia Georg Simmel, có nghĩa là khả năng lựa chọn vô hạn hàm chứa trong nó.
Georg Simmel (1858-1918)
Nhưng trên thực tế, ai tạo ra thừ tiền tệ hấp dẫn như thế? Một bí ẩn khác. Ngày nay, người ta nói về "tiền pháp định (fiat money)", như Chúa đã nói "fiat lux" ("Hỡi ánh sáng hãy trở thành hiện thực"): Hỡi tiền tệ hãy trở thành hiện thực, nhưng Chúa của tiền tệ là ai? Khi các đồng tiền được làm bằng kim loại quý, đó là việc đơn giản. Đồng Tiền không từ trên trời rơi xuống. Phải đi tìm nó trong các hầm mỏ. Hẳn là các Nhà nước luôn tím cách bớt xén một vài miligram giữa giá trị niêm yết và trọng lượng thực tế của các đồng tiền mà họ đúc ra. Ở một số nhà giả kim tà tâm, họ mơ chuyển chì thành vàng.
Ngày nay, các nhà giả kim có cửa hiệu ở mặt phố. Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, đó là các ngân hàng khi tạo ra tiền thông qua các khoản cho vay mà họ cung cấp, những hứa hẹn thu nhập trong tương lai. Ngân hàng tạo ra tiền tệ, nhưng không tạo ra sự tín nhiệm. Đây là một vấn đề khác ...
Bởi vì tiền tệ không phải là chất làm lỏng duy nhất của các giao dịch, như các nhà kinh tế thường nói, nó là một thể chế. Một tờ giấy bạc 100 đô-la đáng giá một cái gì đó trên toàn thế giới. Nhưng hãy thử đi mua sắm với tờ giấy bạc bolivard của Venezuela xem sao... Vì sao? Bởi sự tín nhiệm vào Hoa Kỳ – sự ổn định chính trị, ảnh hưởng kinh tế, sức mạnh quân sự của nước này – lớn hơn so với sự tín nhiệm đặt vào Venezuela.
Đó cũng là hứa hẹn to lớn của đồng euro, đồng tiền "duy nhất" của 350 triệu người dân châu Âu: tạo ra một đồng tiền có khả năng cạnh tranh với đồng đô-la. Một cuộc khủng hoảng sau đó, đồng euro lâm vào tình thế nguy ngập. Những tay học việc đúc tiền tệ hiểu ra rằng người ta không thể đơn giản tạo ra một đồng tiền bằng cách in hình những chiếc cầu trên tờ giấy bạc và liên kết các tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, nếu các thị trường nghi ngờ tính vĩnh cửu của đồng euro, thì sự tín nhiệm của người dân vào đồng tiền của họ không hề bị dao động. Bằng chứng là bất chấp mọi trở lực, cái cộng đồng châu Âu này tiếp tục có ý nghĩa đối với họ.
Những cột mốc thời gian: cuộc phiêu lưu vĩ đại của tiền tệ
9000-6000 TCN: Gia súc và ngũ cốc bắt đầu được sử dụng làm tiền tệ trong nhiều xã hội, vì những lý do khác nhau (giải quyết xung đột, của hồi môn, kinh doanh thương mại, tiền chuộc ...)
3000-2000 TCN: Người ta tìm thấy những "ngân hàng ngũ cốc" tại Babylon, ở vùng Lưỡng Hà. Đó là những ngôi đền và cung điện hoàng gia được sử dụng để lưu trữ ngũ cốc. Các chủ sở hữu nhận được các giấy tờ chứng minh về các khoản tiền gửi của họ, được sử dụng để giải quyết các khoản nợ, nộp thuế, thanh toán tiền cho các thầy tu và các thương gia.
1792-1750 TCN: Năm 1902, các nhà khảo cổ người Pháp phát hiện ra bộ luật của Hammurabi, vị vua của Babylon, trong đó có quy định pháp luật về ngành ngân hàng.
1200 TCN: Người Trung Quốc sử dụng các vỏ ốc, vỏ của các họ đồ sứ, làm tiền tệ.
1000-500 TCN: Công cụ và vũ khí được sử dụng làm tiền tệ ở Trung Quốc.
687 TCN: Theo Herodotus, những đồng tiền đầu tiên được đúc tại Lydia, ở vùng Tiểu Á.
640-630 TCN: Các đồng tiền của người Lydia được đúc bằng hợp kim electrum, một hỗn hợp tự nhiên của vàng và bạc.
600 TCN: Pythius, người giao dịch tại Hy Lạp và vùng Tiểu Á, là chủ ngân hàng lâu đời nhất mà người ta có được thông tin.
600-570 TCN: Các đồng tiền của người Lydia lan rộng khắp Hy Lạp và thay thế những chiếc đinh được sử dụng cho tới bấy giờ.
546 TCN: Crésus, vua của Lydia, bị người Ba Tư bắt. Việc trả tiền chuộc ngài đã làm phát triển việc sử dụng các đồng tiền của người Lydian (từ nay được tách thành đồng tiền vàng và đồng tiền bạc) tại Ba Tư.
600-300 TCN: Các đồng tiền kim loại xuất hiện tại Trung Quốc. Người ta không chắc chắn về thời điểm xuất hiện, nhưng chúng có thể đã được sử dụng trước đó.
Thomas Gresham (1519-1579)
407-405 TCN: Việc người Spartan chiếm lấy các mỏ bạc của Athens buộc người Athens phải phát hành các đồng tiền bằng đồng được bao bọc bằng bạc. Kết quả: người Athens cất giữ các đồng tiền bằng bạc của họ và cho lưu thông các đồng tiền bằng đồng. Trong vở kịch Les grenouilles (Những chú ếch), Aristophane là người đầu tiên trình bày định luật này: đồng tiền xấu đuổi đồng tiền tốt. Một định luật mà Thomas Gresham, cố vấn người Anh của Nữ hoàng Elizabeth I, chỉ phát hiện lại vào năm 1560.
394-371 TCN: Pasion, người nô lệ trở thành chủ ngân hàng đầu tiên nổi tiếng trong lịch sử. Ông mua được quyền tự do của mình và quyền trở thành công dân của Athens. Các giao dịch ngân hàng chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt.
350 TCN: Nếu tin vào Demosthenes, nhà hùng biện người Athenes, thì lãi suất đối với các giao dịch thông thường là 10%. Đối với các giao dịch mang tính rủi ro, thì tỷ lệ này dao động từ 20% đến 30%.
118 TCN: Người Trung Quốc sử dụng tiền tệ bằng da thuộc.
30: "Chúa Giêsu bước vào đền thờ, ngài đuổi tất cả những người tham gia giao dịch thương mại; ngài hất ngã bàn của những người đổi tiền, và ghế của những người bán chim bồ câu" (Matthew 21-12). Tính đa dạng của đồng tiền kim loại làm cho những người đổi tiền thành những chủ ngân hàng đầu tiên. Tín dụng ngân hàng chủ yếu cung cấp tài chánh cho ngành thương mại tàu thuyền, khai thác mỏ và xây dựng các công trình công.
435: Với sự xâm lược của những người "man rợ" Anglo-Saxon, các đồng tiền không còn được sử dụng ở Anh trong gần hai trăm năm.
476: Sự sụp đổ của Đế chế La Mã phương Tây đặt dấu chấm hết cho các hoạt động ngân hàng, sẽ bị lãng quên ở Châu Âu.
806-821: Hoàng đế Hien Tsung, phát triển việc sử dụng tiền giấy tại Trung Quốc khi phải đối mặt với tình trạng thiếu đồng.
1095-1270: Nhu cầu chuyển những số tiền quan trọng cho các cuộc thập tự chinh phục hồi lại hoạt động ngân hàng. Với 9000 người dưới quyền, các chức sắc nhà dòng có một mạng lưới đặc biệt các chi nhánh.
1156: Hợp đồng hoán đổi ngoại tệ đầu tiên. Hai anh em vay 115 đồng tiền bảng tại một ngân hàng ở Genoa và hoàn trả 460 đồng tiền bizant ở Constantinople. Những hợp đồng này được mở rộng vào thế kỷ XIII.
Marco Polo (1254-1324)
1275-1292: Những chuyến hành trình của Marco Polo dạy cho phương Tây cách thức sử dụng tiền giấy tại Trung Quốc.
1355: Nicolas Oresme công bố chuyên luận kinh tế đầu tiên về tiền tệ. Ông trở thành cố vấn của nhà vua Pháp Charles V.
1360: "Đồng denier vàng nguyên chất mà chúng ta đang cho đúc hiện nay và có ý định tiếp tục cho đúc sẽ được gọi là đồng franc vàng." Một sắc lệnh hoàng gia được Jean le Bon ký cho ra đời đồng Franc và quy định trọng lượng vàng của nó.
1403: Yêu cầu một lãi suất trên các khoản cho vay trở nên hợp pháp ở Florence. Pháp luật chỉ làm việc xác nhận một thực hành đã phổ biến, bất chấp sự cấm cản của đạo Cơ Đốc đồng hóa lãi suất với cho vay nặng lãi.
1455: Trung Quốc bãi bỏ việc sử dụng tiền giấy.
John Law (1671-1729)
1487-1492: Với những nguồn vàng đến từ châu Phi và châu Mỹ, giá trị tương đối của bạc tăng lên. Tại Đức, gia đình Fugger, người đã đầu tư vào các mỏ bạc, nổi lên là một trong những chủ ngân hàng quyền lực nhất ở châu Âu.
1634-1637: Một số hành tulip, với hình dạng và màu sắc khác thường, là đối tượng của một vụ đầu cơ rất lớn ở Amsterdam và tạo ra một trong những bong bóng tài chính đầu tiên trong lịch sử.
1716: John Law thành lập Ngân hàng trung ương, phát hành những tiền giấy riêng của họ. Ngân hàng trở thành Ngân hàng Hoàng gia vào năm 1718, dưới sự kiểm soát của quan nhiếp chính. Sự phá sản của ông vào năm 1720, buộc Law phải chạy trốn khỏi nước Pháp.
Isaac Newton (1643-1727)
1720: nhà vật lý Isaac Newton, phụ trách việc đúc tiền hoàng gia, thua mất 20.000 bảng khi đầu cơ vào thị trường chứng khoán và tuyên bố: "Tôi có thể tính toán sự chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán sự điên rồ của con người".
1762: Thành lập Ngân hàng Barings. Khi nó bị phá sản vào năm 1995, thì đó là ngân hàng thương mại lâu đời nhất của Anh.
1792: Thành lập thị trường chứng khoán New York.
1800: Theo chân cuộc đảo chính của Napoleon Bonaparte, Ngân hàng trung ương Pháp được thành lập bởi người thân của vị Tổng tài đầu tiên. Nó trở thành một định chế của chính phủ, được các cá nhân hùn vốn vào năm 1806 và được độc quyền phát hành tiền vào năm 1848. Nó được quốc hữu hóa vào năm 1945.
Napoleon Bonaparte (1769-1821)
1848: Cuộc đổ xô đi tìm vàng tại Hoa Kỳ.
1862-1863: Các sản phẩm phái sinh bắt đầu phát triển tại Hoa Kỳ. Hoạt động của chúng được quân đội phương Bắc khởi xướng, trong cuộc chiến chống lại phương Nam, nhằm tìm cách tự bảo vệ chống lại những biến động về giá yến mạch cần thiết để nuôi ngựa.
1878-1882: Sự thất bại của ngân hàng Union générale, một ngân hàng Công giáo nhằm vượt qua mặt các chủ ngân hàng người Do Thái ở Paris, được dùng làm nền tảng cho cuốn tiểu thuyết của Zola, L’argent (Tiền).
1910: Ngựa vẫn được người Kyrgyz ở Trung Á sử dụng làm tiền tệ. Cừu được sử dụng trong các giao dịch nhỏ và da của chúng được sử dụng làm những đồng tiền lẻ.
1950: Thẻ Diner’s Club là thẻ tín dụng đầu tiên được sử dụng để rút tiền ở nhiều cơ sở ngân hàng.
1960: Ngoại trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, tất cả các hình thức tiền tệ sơ khai đều biến mất.
1976: Vàng chính thức mất đi hoàn toàn vai trò tiền tệ quốc tế.
1991: Đóng cửa ngân hàng TCNCI, lần đầu tiên phơi bày mức độ quan trọng của tội phạm hình sự về tài chính quốc tế.
1998: Sự sụp đổ gần như không tránh khỏi của Quỹ đầu tư LTCM của Mỹ thiếu chút nữa làm sụp đổ toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế.
1999: Đồng euro ra đời, lưu thông song song với 11 loại tiền tệ quốc gia châu Âu.
2002: Đồng euro thay thế 11 loại tiền tệ quốc gia.
2008: Sự phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers gây ra sự lây lan của cuộc khủng hoảng các khoản cho vay dưới chuẩn sang các ngân hàng châu Âu. Ngân hàng Trung ương châu Âu bơm vào 125 tỷ euro trong một tuần để cứu vãn hệ thống ngân hàng châu Âu.
2009: Ngày 5 tháng 11, Thủ tướng mới của Hy Lạp tăng mức dự báo thâm hụt ngân sách lên 12,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dẫn đến việc các cơ quan xếp hạng hạ mức tín nhiệm của Hy Lạp, hai tháng sau đó. Đây là sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Alexis Tsipras (1974-)
2010-2011: Liên minh châu Âu cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính lần lượt cho các nước Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nhà, và Hy Lạp một lần nữa. Thành lập Quỹ ổn định tài chính của châu Âu (EFSF), Cơ chế ổn định của châu Âu (ESM) và Hiệp định của châu Âu về một hiệp ước mới (TSCG) có dự trù một một quy tắc vàng về điều phối.
2012: Liên minh châu Âu đặt nền móng cho một liên minh ngân hàng.
2015: Chính phủ Hy Lạp của Thủ tướng Alexis Tsipras đối đầu với Đức nhằm nới lỏng thòng lọng thắt lưng buộc bụng đang bóp nghẹt đất nước này nhưng không rời khỏi đồng euro.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: "Que l'argent soit !", Alternatives économiques, Hors série n. 105, avril 2015
Print Friendly and PDF