23.9.16

"Cuộc chơi lớn" về thương mại đang bước vào giai đoạn sôi nổi



TẠI TRUNG TÂM CỦA KHU VỰC ĐÔNG NAM Á, "CUỘC CHƠI LỚN" VỀ THƯƠNG MẠI ĐANG BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN SÔI NỔI
Từ trái sang phải, Tổng thống Mỹ Barack Obama bên cạnh Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 11 tại Vientiane vào ngày 08 tháng 9, 2016. (Ảnh: YE AUNG THU/AFP)
Nhân dịp hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Tổng thống Obama đã lần đầu tiên có chuyến viếng thăm Lào, đất nước bị bỏ bom nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam, trong tư cách là một nguyên thủ quốc gia Mỹ, đất nước này đã biến mất khỏi radar của Washington. Chuyến viếng thăm của ông Obama được thực hiện sáu tháng sau chuyến viếng thăm của ông tại Việt Nam. Với 180 triệu dân, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV), nằm ngay ở các bậc thềm với Trung Quốc, là một vấn đề được thua của các cường quốc.
Phnom Penh đã chọn bên. Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã làm cho Campuchia trở thành một nước phụ thuộc và là đồng minh chiến lược của Bắc Kinh trong ASEAN, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Ngược lại, Hà Nội dựa vào Washington để đối phó với các đòi hỏi của Trung Quốc ở biển Nam Hải (hay Biển Đông đối với người Việt – ND). Myanmar thì có một thái độ nhập nhằng hơn: trong khi Tokyo đang tìm cách lấy lại ảnh hưởng trước Trung Quốc, vốn từng lấn thế tại nước này nhờ các lệnh trừng phạt quốc tế, bà Aung San Suu Kui vừa thực hiện một chuyến viếng thăm thứ hai đến Bắc Kinh và là chuyến viếng thăm đầu tiên của bà với tư cách là Thủ tướng trong thực tế trước khi đến Washington. Tại Bắc Kinh, bà đã có dịp thảo luận về tương lai của con đập Miysone ở tỉnh Kachin, mà công trình xây dựng của Trung Quốc đã bất ngờ bị gián đoạn bởi các nhà nhà chức trách của Myanmar vào năm 2012. Còn đối với Lào, quan điểm của họ khó giải mã hơn. Trong khi chính phủ Lào có vẻ muốn theo gương của Campuchia, thì các nhà quan sát phát hiện có những tín hiệu do dự đối với Trung Quốc. Phép thử sẽ là việc triển khai công trình xây dựng tuyến đường sắt giữa biên giới Trung Quốc với Vientiane, một phân khúc chiến lược của trục Côn Minh-Singapore.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là những tác nhân chính của khu vực này, nơi mà người Nga đã vắng mặt trong thời gian dài cũng đang quay trở lại. Vào đêm trước của diễn đàn kinh tế Viễn Đông tại Vladivostok, Moscow đã tổ chức một diễn đàn kinh doanh giữa Nga và các nước ASEAN.
Thâm hụt với Trung Quốc, thặng dư với Hoa Kỳ
Các nước "CLMV" (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) được ghi nhận đạt được những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của ASEAN. Một sự tăng tốc được lý giải bởi sự hội nhập của họ vào nền thương mại thế giới và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 20 lần từ năm 2000 đến năm 2015. Trong khi Lào (4 tỷ USD năm 2015) và Myanmar (12 tỷ USD) chủ yếu xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng (trong đó có thủy điện), thì xuất khẩu của Campuchia (12 tỷ USD) và Việt Nam (163 tỷ USD) dựa ngày càng nhiều vào các sản phẩm chế biến công nghiệp (dệt may, điện tử). Cơ cấu này lý giải việc các nước CLMV hiện ra như những bàn đạp của Trung Quốc nhắm đến Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
Khi các nước CLMV mở cửa vào đầu những năm 1990, Thái Lan là đối tác chính của họ. Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ mong muốn biến chiến trường này thành thị trường và Bangkok đã thành lập một quy chế đặc biệt – Ngân hàng Bangkok International Banking Facility – để thu hút và cung cấp các nguồn vốn nước ngoài cho các nước CLMV. Điều không may là các hoạt động đầu tư lại tập trung vào ngành bất động sản của Thái Lan. Vào năm 1997, sự tan vỡ của bong bóng đầu cơ đã gây ra cuộc khủng hoảng châu Á. Nếu Thái Lan, nước có đường biên giới chung với ba trong số các nước CLMV, vẫn là một đối tác quan trọng – đặc biệt tại Lào – thì vai trò của họ từ nay có tính khiêm tốn hơn. Kể từ năm 2000, sự nổi lên của Trung Quốc đã làm đảo lộn địa lý kinh tế của các nước CLMV. Khởi đầu từ một phần ba kim ngạch nhập khẩu của cả bốn nước, Trung Quốc là nhà cung cấp chính của các nước CLMV vào năm 2016, vượt xa Thái Lan (9%), Nhật Bản (6%), EU (5%) và Hoa Kỳ (3 %).

Kim ngạch nhập khẩu của các nước CLMV từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Thái Lan (dữ liệu hàng quý được tính theo năm bằng tỷ USD) từ năm 1997 đến năm 2016. Nguồn: IMF
Địa lý kim ngạch xuất khẩu cũng khác. Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu với 20% trước EU (19%) và Trung Quốc (15%) – dẫu biết rằng một phần kim ngạch bán hàng sang Trung Quốc (gỗ và đá quý) thoát khỏi sự kiểm soát của hải quan – và Nhật Bản (8%). Sự sụt giảm của giá cả nguyên liệu và sự suy giảm kinh tế đã làm đứt đoạn sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia, Lào và Myanmar sang Trung Quốc, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục tăng vào năm 2016.
Kim ngạch xuất khẩu của các nước CLMV sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và Thái Lan (dữ liệu hàng quý được tính theo năm bằng tỷ USD từ năm 1997 đến năm 2016). Nguồn: IMF
Các nước CLMV cùng nhau tạo ra một mức thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, bằng với mức thâm hụt của các nước này với Trung Quốc (30 tỷ USD). Ngoại trừ Lào, tất cả các nước CLMV khác đều có mức thâm hụt với Trung Quốc và được đo bằng GDP, thâm hụt đó vào năm 2015 là 14% ở Campuchia, 4% ở Myanmar và 17% ở Việt Nam. Việt Nam đã rất nỗ lực để thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng (Transpacific Partnership – TPP).
Hướng đến một sự phân chia lao động có sửa đổi giữa các nước CLMV và Trung Quốc
Theo truyền thống, Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm chế biến công nghiệp sang các nước CLMV, nơi mà họ nhập lại các tài nguyên thiên nhiên. Sự phân chia lao động theo hướng Bắc-Nam này đang thay đổi:
• Tại Việt Nam, sự phân chia này đã bị đảo lộn bởi sự thâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài, từ tập đoàn Intel đến Samsung lắp ráp 40% các chiếc điện thoại Galaxy được bán trên toàn thế giới. Việt Nam hầu như không có xuất khẩu các mặt hàng sau sang Trung Quốc năm 2000, nhưng đến năm 2015 các sản phẩm điện tử chiếm gần một phần năm kim ngạch xuất khẩu và các linh kiện điện tử chiếm một phần ba kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc.
• Ở Campuchia, nước xuất khẩu bằng với các nước thuộc lục địa châu Phi, các sản phẩm may mặc, thường được gia công bằng chất liệu vải của Trung Quốc, chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, các nước CLMV phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc và vào quý đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Lào và Myanmar sang Trung Quốc đã thu hẹp lại. Trong trung hạn và dài hạn, các nước CLMV sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng chi phí của Trung Quốc. Xu hướng này lý giải cho hiện tượng di dời sản xuất từ các khu vực ven biển đến các tỉnh thuộc miền Tây Trung Quốc, và hiện tượng di dời các cơ sở sản xuất đến các nước giáp biên giới. Cùng với các hiện tượng này là việc các doanh nghiệp Nhật Bản thay đổi chiến lược từ "Trung Quốc cộng một" (China plus one) – để không phải bỏ hết các quả trứng vào chung một rổ – thành "không có Trung Quốc" (no China) với mục đích là xuất khẩu sang Trung Quốc từ các nước CLMV. Việt Nam và Campuchia là những điểm đến được người Nhật ưa thích, nhưng khả năng mở rộng sang các nước khác sẽ làm thay đổi sự phân công lao động với Trung Quốc.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là chủ tịch của Asia Centre (Trung tâm châu Á) và là nhà nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển Pháp quốc, cố vấn kinh tế tại Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, và kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông viết cùng với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché (Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa nhà nước và thị trường), NXB Armand Colin, 270 trang, 2014.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF