7.9.16

Nghiên cứu Đông Nam Á từ quan điểm của Viện quốc tế nghiên cứu châu Á (IIAS), Leiden

NGHIÊN CỨU ĐÔNG NAM Á TỪ QUAN ĐIỂM CỦA VIỆN QUỐC TẾ NGHIÊN CỨU CHÂU Á (IIAS), LEIDEN
Philippe Peycam[1]
Chuyển ngữ: Bùi Thế Cường[2]

Tôi là nhà sử học nghiên cứu về Đông Nam Á, chuyên về Việt Nam, và sau đó Campuchia. Ở nước thứ hai, tôi tham gia phát triển một định chế tăng cường năng lực, Trung tâm Nghiên cứu Khmer, vừa là một tổ chức quốc tế vừa là một tổ chức Campuchia. Hiện giờ tôi là Giám đốc Viện Quốc tế Nghiên cứu châu Á (IIAS, International Institute for Asian Studies), một Viện có tính toàn cầu, nhưng cắm rễ sâu trong bối cảnh học thuật Hà Lan/ châu Âu. Thêm nữa, tôi là học giả ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore. Vì thế có nhiều lát cắt và góc độ để tôi thảo luận về nghiên cứu Đông Nam Á.

Về thách thức và cơ hội cho Nghiên cứu Đông Nam Á (SEAS), tôi cảm thấy chúng ta đang ở một ngã tư đường với những chuyển đổi căn bản trong quá trình sản xuất tri thức, theo nghĩa ta hàm ý gì cho nghiên cứu Đông Nam Á cũng như theo nghĩa thực sự ta đang làm điều đó như thế nào xét về mặt định chế. Những biến đổi ấy đang ảnh hưởng đến cách mà SEAS được quan niệm trước kia. Tôi nhìn những biến đổi ấy cả theo nghĩa là một quá trình phi trung tâm hóa và tái trung tâm hóa (decentering, re-centering) trong lĩnh vực này, khiến nó trở nên “toàn cầu” hơn với đa dạng hơn các tác viên tham gia cả trong lẫn ngoài khu vực Đông Nam Á, và theo cách kích hoạt lẫn nhau, khả năng mở ra những ranh giới trí tuệ và phương pháp luận mới vượt khỏi mô hình “nghiên cứu khu vực” (area study) truyền thống chủ yếu dựa vào khung quy chiếu nhà nước-dân tộc từng sử dụng lâu nay. Như ta biết, lĩnh vực này bị thống trị bởi mô hình học thuật Tây phương kiểu “nghiên cứu khu vực” thời Chiến tranh lạnh, và trước đó bởi truyền thống “Đông phương học” thuộc địa. Mô hình định chế của việc sản xuất và truyền tải tri thức cũng theo kiểu phương Tây. Nếu ta nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn hôm nay, ta thấy mình đang sống trong một thời đại với những không gian mới và những dòng tiếp cận mới đối với hiện thực con người, hiện thực của các xã hội tạo nên “Đông Nam Á”.
 
Shimizu Hiromu
Dĩ nhiên, ta có thể thảo luận về tính hiệu lực của “Đông Nam Á” với tính cách là một thuật ngữ, một khái niệm, vì chuyện này vẫn còn rất nhiều vấn đề. Làm việc ở IIAS, khi tôi cố gắng nhìn vào khu vực trong một quan điểm lớn hơn, mang tính toàn cầu, “châu Á”, thì tôi thấy là phương Tây người ta định hướng chú ý vào Trung Quốc và Ấn Độ. Thường khi nghĩ về nghiên cứu châu Á, người ta ám chỉ Trung Quốc và Trung Quốc học. Khuynh hướng này tự nó nói lên chương trình nghị sự hiện nay của phương Tây và nỗi lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thực tế ấy dẫn đến tình trạng Đông Nam Á, với tính cách là một chủ đề nghiên cứu và một nguồn có ý nghĩa, ngày càng bị đẩy ra bên lề. Mario Lopez và Shimizu Hiromu đã chỉ ra, với tính cách là những nhà quản lý các cơ quan học thuật, chúng ta nhận thấy SEAS ở các tổ chức nghiên cứu phương Tây và Nhật đang bị ảnh hưởng do cắt giảm kinh phí và các nguồn lực đào tạo ngôn ngữ. Tình trạng này giảm nhẹ phần nào nhờ sự phát triển các trung tâm SEAS trong những nước Đông Bắc Á mới “giàu” như Trung Quốc và Hàn Quốc, và trong những nước “giàu” ở Đông Nam Á như Singapore. Những nước ấy đang tạo dựng tiềm lực riêng của mình, thường theo cùng mô hình định chế kiểu “phương Tây”.

Thực tế là, với tính cách một lĩnh vực nghiên cứu, Đông Nam Á đang bị phân mảnh thành những chủ đề nhỏ theo quốc gia và ngôn ngữ, cả ở cấp trường đại học và cấp quốc gia. Điều này dẫn đến tiếp tục cắt giảm kinh phí. Trong thời đại thương mại hóa giáo dục đại học theo kiểu tân tự do, việc cắt giảm sẽ xảy ra ở những ngành nhỏ vì chúng không thu hút được nhiều sinh viên. Dĩ nhiên những ngôn ngữ ở Đông Nam Á như tiếng Khmer hay Burma bị ảnh hưởng nhiều nhất. Về tổng thể, xu hướng ấy có thể không quá nghiêm trọng ở cấp định chế, nhưng nó góp phần giết chết sự đa dạng trong sản xuất tri thức ở vùng đất lớn và đa dạng như châu Á (đây lại là một ý tưởng phức tạp nữa). Cắt giảm kinh phí đôi khi rất lớn như đã thấy gần đây ở Hoa Kỳ đối với kinh phí cho 6 ngôn ngữ cơ bản. Tình hình này rất đáng buồn theo nghĩa nó không chỉ giết chết những cộng đồng thầy trò mà còn bần cùng hóa toàn bộ nền tảng tri thức của mọi định chế hiện có.

Tuy vậy, tình trạng trên được giảm nhẹ nhờ tăng cường hợp tác định chế, việc xác định những chủ đề nghiên cứu và giảng dạy mới, và tăng cường kết nối với những trung tâm tri thức khác ngoài phương Tây và Nhật Bản, bên ngoài cũng như bên trong Đông Nam Á. Tình thế mới ấy không chỉ giúp ta phi trung tâm hóa mà trên thực tế còn tái trung tâm hóa quá trình sản xuất tri thức Đông Nam Á. Tôi tin là tình hình này không tệ đối với sinh viên và học giả mới ở khu vực. Tôi thấy một cơ hội để định hình những chủ đề nghiên cứu mới có thể xoắn bện với nhau các kinh nghiệm địa phương và toàn cầu một cách tốt hơn, trong khi tạo cho học giả và sinh viên một cơ may vượt lên hệ thống/ tiếp cận học thuật mang tính “quốc gia” truyền thống, khích lệ họ du hành và làm việc với người dân trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, không nhất thiết phải là ở các định chế phương Tây.

Có một việc, tôi tin rằng chúng ta – các định chế phương Tây và Nhật – cần học làm việc nhiều hơn trong tinh thần đối tác với các định chế Đông Nam Á và châu Á. Với tôi, hình ảnh thu nhỏ của nghiên cứu khu vực (area studies) truyền thống là không chỉ một người Mỹ hay người Âu, mà cả một người Indonesia hay Hàn Quốc, nếu muốn biết về Indonesia, đều phải đến Đại học Cornell - tôi không có ý định xúc phạm ai – nơi mà ở lưng chừng vùng đồi núi của bang New York bạn có một trong những trung tâm tốt nhất về nghiên cứu Đông Nam Á. Tương tự như thế với nghiên cứu về Burma ở Đại học Bắc Illinois, Trường Nghiên cứu Á-Phi (SOAS) ở London, hay nghiên cứu Campuchia ở Paris. Chúng ta phải tự hỏi mình vì sao không có những trung tâm ở gần với Indonesia, Burma hay Campuchia để nhiều tương tác hơn với con người và định chế địa phương. Hay nói cách khác, vì sao những trung tâm trác việt như thế luôn ở phương Tây chứ không thấy ở Phi châu, Mỹ Latin, Trung Quốc hay ngay cả Hàn Quốc. Dĩ nhiên, tình hình này là hậu quả lịch sử, nhưng nó phải thay đổi.

Webby Kalikiti
Vì thế tôi thấy một cơ hội để phát triển lĩnh vực này thông qua một quá trình sản xuất tri thức bởi con người và định chế trong khu vực, nhất là khi họ vượt thoát được khỏi tiêu điểm quốc gia hạn hẹp. Tri thức Đông Nam Á cũng có thể phát triển ở những nơi khác trong châu Á và xa hơn nữa trong một thế giới ngày càng đa cực. Hiện diện ở panel này có GS. Webby Kalikiti, Thư ký Hội châu Phi về nghiên cứu châu Á (African Association for Asian Studies, A-ASIA). Bản thân Ông là một nhà nghiên cứu Đông Nam Á. Đông Nam Á không còn là lĩnh vực của các học giả phương Tây và Nhật hay ngay cả của các học giả Đông Bắc Á giàu có nữa. Giờ nó trở thành tiêu điểm nghiên cứu của các học giả và sinh viên từ những vùng đất cho đến nay còn ít được kết nối như Phi châu, Mỹ Latin, Trung Đông, v.v.. Những “diễn viên” hàn lâm quốc tế mới ấy trước kia chưa từng được tham dự vào cuộc đối thoại trí tuệ liên quan đến khu vực. Cũng có thể nói như thế về sự đa dạng của các viện Đông Nam Á mới, các định chế địa phương, và học giả trẻ, thường từ những nước kém ưu thế trong khu vực, hoặc từ những nước có hệ thống giáo dục đại học yếu kém. Những bạn trẻ ấy, nhờ tính linh hoạt của giáo dục và học bổng đang diễn ra trong khu vực, nay đang tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất tri thức. 

Dựa trên kinh nghiệm trực tiếp của tôi ở Campuchia, nơi tôi tham gia vào việc đào tạo và thúc đẩy các nhà nghiên cứu địa phương trẻ sau một thời kỳ lịch sử bi thảm, tôi đã gặp nhiều người, mặc dù hệ thống đại học yếu kém, đã tìm ra cách của mình, trong nước cũng như ở ngoài nước, để đạt tới một trình độ chuyên môn rất cao và một khả năng hàn lâm quốc tế cao. Số lượng những người như thế đang tăng rất nhanh. Đây cũng là tình hình ở Myanmar, Lào, Việt Nam, Indonesia, v.v..

Làm việc ở Campuchia, tôi thường xuyên chứng kiến các nhà nghiên cứu trẻ về Đông Nam Á phải đối diện với vô vàn khó khăn như thế nào khi họ muốn tiếp cận những định chế nghiên cứu ở nước ngoài. Có những rào cản tinh thần trong khu vực: thường họ không hứng thú đi học ở Philippines mặc dù nước này có những định chế chất lượng cao. Hoặc họ muốn đi học ở Thái Lan hay Singapore, nhưng ở Thái Lan thì chi phí quá cao còn ở Singapore thì họ đối diện với những yêu cầu đầu vào hầu như không thể đáp ứng. Chẳng hạn, NUS là một định chế tuyệt vời ở Đông Nam Á. Nếu bạn muốn kiếm được một học bổng với tính cách là một người quốc tịch Đông Nam Á, bạn phải có khả năng tiếng Anh gần như ở cấp độ Shakespearean command (Michael Fenner từ ARI chêm vào: ‘Yêu cầu cao hơn cả các định chế ở Hoa Kỳ!’). Đó là Đông Nam Á. Cần có giải pháp nâng cao việc phi trung tâm hóa sản xuất tri thức trong vùng bắt đầu bằng việc tiếp cận dễ hơn các định chế, nhiều thông tin hơn, và các chính phủ trong vùng cần ý chí mạnh hơn trong hỗ trợ giáo dục. Trong mọi trường hợp, cần khuyến khích đẩy mạnh tương tác giữa các truyền thống trí tuệ khác nhau ở Đông Nam Á. Điều này cũng đúng ở cấp độ toàn cầu.

Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh, để vượt qua quá trình sản xuất tri thức cũ kiểu phương Tây đang chi phối, ta cần vượt qua những phạm trù cũ của mô hình này, như nhà nước dân tộc, những kiến tạo địa lý thực dân, thực dân kiểu mới. Ta cũng cần suy nghĩ về cấu hình định chế giáo dục đại học và xem xét lại tình trạng chuyên môn hóa thái quá (over-specialization) còn tồn tại trong giới hàn lâm Phương Tây “chức năng”. Trong những chủ đề cần tăng cường cho nghiên cứu Đông Nam Á, tôi đặc biệt nghĩ đến những mối quan tâm xuyên quốc gia/ khu vực/ trước hoặc sau quốc gia (trans-national/ regional/ pre or post-national), bao gồm sự tồn tại của các mạng lưới. Tôi cũng nghĩ đến những vấn đề như văn hóa vật chất, tri thức bản địa, v.v.. Những chủ đề ấy có thể đóng góp vào việc thay đổi những bộ môn khoa học bị đóng khuôn cứng nhắc tiếp tục phân mảnh SEAS. Để thay đổi cách làm, với tính cách là những học giả “chuyên môn sâu” trong kiến trúc đại học hôm nay, tôi tin rằng điều quan trọng không chỉ là vượt lên những ranh giới bộ môn, mà đôi khi còn phải vượt ra khỏi “lĩnh vực” nghề nghiệp: nghĩa là nhà nhân học không chỉ cần học cách làm việc với nhà sử học, mà cả với “các nhà thực tiễn” của thành phố (nhà kế hoạch hóa đô thị, kiến trúc sư), với nghệ sĩ và thành viên của các cộng đồng nghề thủ công, v.v.. Nói cách khác, phải vượt khỏi nghiên cứu dân tộc học của mình.

Để minh họa điều tôi thấy là một nhu cầu phi trung tâm hóa hơn, liên ngành và liên lĩnh vực hơn trong lĩnh vực nghiên cứu Đông Nam Á, tôi xin nói ngắn gọn về việc chúng tôi đang làm gì ở IIAS – tuy ở đây chúng tôi làm việc rộng hơn khu vực này. IIAS tọa lạc ở Leiden Hà Lan, hiện giờ chúng tôi tự xem mình như là người xúc tác toàn cầu. Chúng tôi ý thức được xuất xứ Hà Lan/ Âu châu của mình, nhưng chúng tôi muốn kết hợp một tiếp cận thực sự đa trung tâm và đa giọng với cái và người mà chúng tôi nghiên cứu. Chúng tôi có nhiều hoạt động hơn ở ngoài châu Âu, nhất là châu Á, hơn là ở Hà Lan hay châu Âu. Và chúng tôi rất tích cực ở Đông Nam Á. Mọi hoạt động của chúng tôi đều là hợp tác và trên cơ sở đối tác bình đẳng, dù đó là những đại học lớn, viện nghiên cứu nhỏ, chính quyền địa phương, NGO hay các nhóm cộng đồng xã hội khác. Cụ thể, chỉ nói về Đông Nam Á, chúng tôi có một khung khổ mạnh những kết nối ở Singapore, Indonesia và Thái Lan. Chúng tôi cố gắng phát triển liên hệ ở những nước khác và với những cộng tác viên khác trong khu vực.

Chúng tôi xác định ba cụm chủ đề: thực tiễn và chính trị của văn hóa và di sản văn hóa; đô thị châu Á và “các yếu tố đô thị”; kết nối ở châu Á và bên ngoài, với cái mà chúng tôi gọi là “dự án toàn cầu của châu Á” (global  projection of Asia). Dưới ba chủ đề xuyên ngành và xuyên lĩnh vực ấy, IIAS làm việc với các học giả và đối tác toàn cầu và Đông Nam Á. Những chủ đề ấy tạo điều kiện cho chúng tôi tương tác với mọi người có nền tảng khác nhau, đến từ những bộ môn và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Chẳng hạn, chúng tôi tổ chức một loạt kiểu sự kiện khác nhau: một tọa đàm về các thành phố duyên hải Indonesia ở Palembang (2011), một hội thảo chiến lược với thợ dệt ở Nusa Tengara, chính quyền địa phương, và học giả ở Đông Indonesia (2012), một chương trình tập huấn về quản lý di sản cho quan chức địa phương và thành viên xã hội dân sự ở Yangon, Myanmar (2013), một trường học mùa hè về nghề thủ công và quyền lực ở Chiang Mai (2014). Thêm nữa, chúng tôi đảm bảo sao cho các học giả và chuyên gia từ Đông Nam Á phải được tham gia vào nhiều hoạt động của chúng tôi liên quan bất cứ thứ gì tới châu Á trong ba cụm chủ đề ấy. Chẳng hạn, chúng tôi đã mời nhiều người ở Myanmar, Thái Lan, Indonesia và Singapore tham dự tọa đàm về Taipei cổ tổ chức tháng 11/2012. Họ đã trao đổi rất tích cực với những đối tác từ Bắc, Đông và Nam Á.

Ở Hội nghị Quốc tế các học giả châu Á (ICAS) tổ chức tại Macau 2013, IIAS hỗ trợ cho 10 panel, nhiều trong số đó có sự tham gia của học giả từ Đông Nam Á hoặc bàn về các khía cạnh của Đông Nam Á. Một panel cho các nhà thực tiễn đô thị và học giả về đô thị. Một panel khác cho các nghệ sĩ và các nhà khoa học xã hội. Một panel cho thợ thủ công vải sợi với các nhà chính trị học và nhân học. Thêm một panel cho việc phát triển quan hệ đối tác giữa các định chế châu Á/ Đông Nam Á và châu Phi. IIAS không chỉ làm việc với các trường đại học mà cả với các đối tác xã hội dân sự và chính quyền địa phương. Nó thích ứng một cách thực dụng với cảnh quan định chế sao cho có thể với tới được những đối tác mới trong khu vực, những người có thể đóng góp cho việc mở rộng cơ sở tri thức về Đông Nam Á. Chúng tôi thiết tha thiết lập những liên minh mới cả trong và ngoài khu vực phục vụ cho việc trao đổi tri thức ngày càng đa trung tâm và hội nhập hơn.

Tôi tin vào một quá trình hành động kiên quyết định hình một đội ngũ mạnh các học giả Đông Nam Á, đặc biệt từ những nước kém phát triển kinh tế hơn, có năng lực tương tác với đối tác quốc tế của họ, về Đông Nam Á và về những chủ đề khác (khi nào chúng ta sẽ có những học giả Việt Nam tương tác với đồng nghiệp nghiên cứu Thái, Indonesia, Pháp hay Hoa Kỳ?).

Philippe Peycam
Chúng tôi đã có những thảo luận tương tự với đồng nghiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore. Tôi tin rằng Viện này có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối các học giả trong vùng, giống như chương trình SEASREP ở Manila đang kết nối các học giả và định chế trong khu vực. Để duy trì một động lực nghiên cứu Đông Nam Á hội nhập trong khu vực, các định chế cần thoát khỏi những chính sách quốc gia và hành chính nhỏ nhặt. Một mô hình xuyên quốc gia, tương tác hơn, có thể thực sự hành động như một xúc tác cho thay đổi, với sự tham gia tích cực của những học giả trẻ từ những nước không phải bao giờ cũng được trang bị đủ để là một phần của quá trình ấy.

Chúng tôi nỗ lực đóng góp cho Đông Nam Á và xa hơn bằng việc khích lệ học giả của các vùng khác nhau trên thế giới tương tác với đồng nghiệp Đông Nam Á. Hội nghị tháng 1/2015 ở Accra, Ghana, sẽ chứng kiến Hội nghị đầu tiên ở châu Phi về nghiên cứu Đông Nam Á. IIAS hy vọng sẽ là đối tác với các viện khác trong việc thúc đẩy hơn những so sánh và trao đổi giữa Đông Nam Á và châu Phi, và cam kết tiếp tục hợp tác hiệu quả.
 
----
Nguồn: Philippe Peycam. Southeast Asian Studies from the Perspective of the International Institute for Asian Studies (IIAS), Leiden. Trong: CSEAS Newsletter. No. 68. Autumn 2013. Tr. 8-10.




[1] Philippe Peycam: Giám đốc, Viện Quốc tế Nghiên cứu châu Á.

[2] Bùi Thế Cường: Giáo sư Nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu châu Á Đại học Brunei Darussalam; Nghiên cứu viên cao cấp khách mời, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Đại học Kyoto.

Print Friendly and PDF