15.9.16

Khi cú hích đi quá xa và quá mạnh



KHI CÚ HÍCH ĐI QUÁ XA VÀ QUÁ MẠNH

Chủ nghĩa gia trưởng và cạm bẫy của kinh tế học hành vi
Phillip L. Swagel
Ở thủ đô Washington, luật sư có thể rất uy quyền, thế nhưng chính những nhà kinh tế học mới là người thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách. Vào tháng 7 năm 2009, Douglas Elmendorf, nhà kinh tế học đứng đầu Ủy ban Ngân sách Quốc hội [Hoa Kỳ] đã suýt nữa chặn đứng Đạo luật bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc y tế giá phải chăng [Affordable Care Act] (tên gọi khác là Obamacare) khi ông công bố rằng, như soạn thảo, dự luật này sẽ không “giảm đáng kể khoản chi cho y tế liên bang” trái ngược hẳn với những lời khẳng định ban đầu của những kẻ ủng hộ đạo luật này vốn phải vội vã thay đổi dự án luật. Các nhà kinh tế học cũng chi phối giới học thuật hàn lâm nhiều đến nỗi những nhà khoa học xã hội khác gọi kinh tế học là “bộ môn ngạo mạn” (the imperial discipline); [và] chỉ trích xu hướng vượt quá giới hạn cho phép của nó.
Đúng như lời chỉ trích: nhiều nhà kinh tế học tin rằng họ có thể giải thích các hiện tượng chính trị và xã hội tốt hơn các nhà chính trị học hay xã hội học. [Thâm chí] lòng tự tin nơi họ phản ánh niềm tin rằng kinh tế học chặt chẽ hơn về mặt toán học và có căn cứ về mặt lí thuyết hơn các ngành khoa học xã hội khác. Theo những nhà kinh tế học chuyên nghiệp, kinh tế học không chỉ đưa ra các phân tích chi tiết về sự vận hành của xã hội (chẳng hạn như xác định ai là người bị ảnh hưởng bởi một loại thuế cụ thể) mà còn đề ra các khuyến nghị về chính sách mang tính quy phạm (chẳng hạn như xác định mức thuế tối ưu).
Douglas Elmendorf (1961-)
Richard Thaler (1945-)
Ý tưởng cốt lõi của kinh tế học dòng chính (mainstream economics) là tiền giả định con người tối ưu hóa [lợi ích] — rằng họ hành động một cách duy lý khi mua hàng, và mặt khác cũng như khi đưa ra các quyết định mang tính kinh tế, có tính đến sở thích của mình và tiếp nhận những thông tin có sẵn. Tuy nhiên, có thể khẳng định mà không ngại sai lầm rằng không ít giáo sư kinh tế học sau khi thiết lập xong những mô hình lý thuyết như thế đã dừng lại với các khẳng định đại loại như “Trong thực tế, con người không hành động chính xác như vậy”. Trong tác phẩm Misbehaving (tạm dịch: Hành xử lệch chuẩn) của mình, giáo sư Richard Thaler tại trường kinh doanh Booth thuộc đại học Chicago cho rằng cách tiếp cận chuẩn về kinh tế học đang phải chịu một thực tế rằng con người không phải cái mà ông gọi là “Econs”: họ không thể và thậm chí không thể lúc nào cũng tối ưu hóa. Thỉnh thoảng các quyết định tưởng như trong tầm tay kỳ thực lại quá phức tạp để giải quyết theo lý trí; mặt khác, con người cũng cho phép cái mà Thaler gọi là “những nhân tố giả định không phù hợp” ảnh hưởng đến hành vi của họ. Ví dụ, theo lý thuyết một người sẽ có khả năng đi ra ngoài mua một chai rượu mới hoặc uống chai rượu [có sẵn] trong hầm của mình. Suy cho cùng, chai rượu [có sẵn] trong hầm lại có thể đem đi bán, nói cách khác việc tiêu dùng rượu đã bao gồm chi phí ẩn (implicit cost) tương đương với việc mua chai rượu mới. Tuy nhiên, rất ít người nghĩ như thế. Thực tế, cái được gọi là hiệu ứng chu cấp (endowment effect) cho rằng con người đánh giá cao những gì mình có trong tay sẽ ảnh hưởng lên các quyết định trong nhiều tình huống khác nhau, ngay cả khi nó không ảnh hưởng gì đến việc ra quyết định tối ưu.
Con người không phải là “Econs”: không và thậm chí không thể lúc nào họ cũng tối ưu hóa.
Cass Sunstein (1954-)
Trong cuốn sách hấp dẫn và dễ hiểu của mình, Thaler đã giải thích rằng những điều phi lý như thế — không phải là khuyết điểm mà chính là thực tế — có nghĩa rằng, sự hiểu biết của kinh tế học dòng chính của thế giới hiện nay và những chính sách mà những hiểu biết này gợi ý đều có thể quá sai lệch. Ông tìm hiểu các đối chọn về phương pháp tối ưu hóa, đặc biệt kể cả những cách xây dựng các chính sách có thể “hích” con người — để sử dụng lối diễn đạt do Thaler và học giả luật pháp (the legal scholar) Cass Sunstein đại chúng hóa — nhắm đến việc tự đưa ra những quyết định nếu họ cư xử một cách duy lý. Thaler không phải là người duy nhất nói về vấn đề này, rộng hơn ngành khoa học hành vi đã trở thành thời thượng trong giới hoạch định chính sách. Vào năm 2014, chính quyền Obama đã thành lập nhóm nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi để nghĩ ra những phương cách tiếp cận chính sách dựa trên hành vi. Tuy nhiên, Kinh tế học hành vi dễ dàng bị lợi dụng mỗi khi nhắc đến quá trình hoạch định chính sách. [Nếu] nằm trong tay những kẻ ý đồ xấu thì nó có thể là sự biện minh cho một hình thức nguy hại của chủ nghĩa gia trưởng (paternalism), theo đó các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy (shove) [mạnh bạo], thay vì hích [nhẹ nhàng], để đạt mục đích. Thaler tố cáo cách tiếp cận như thế, [dù rằng] đây không phải lỗi của ông khi để chính đứa con tinh thần của mình bị lợi dụng. Dù sao thì điều đó vẫn thường xảy ra.
Một quá trình tiến triển tự nhiên
Gary Becker (1930-2014)
Raj Chetty (1979-)
Gần đây, giáo sư Kinh tế học ở Havard Raj Chetty đã viết “kinh tế học hành vi thể hiện quá trình tiến triển tự nhiên của (hơn là một thách thức cho) các phương pháp kinh tế học tân cổ điển”. Vào thời điểm Thaler bắt đầu sự nghiệp, hầu hết các nhà kinh tế học đã tỏ ra thận trọng khi đi theo kinh tế học hành vi, cả trong việc giải thích cách hành động và quyết định của con người lẫn trong việc xây dựng chính sách. Một mặt, sự dè dặt của họ phản ánh niềm tin rằng các hành vi có vẻ phi lý có thể được xem như một hình thức tối ưu hóa. Ví dụ, một công ty nọ có thái độ phân biệt khi tuyển dụng; nhìn thoáng qua ta thấy hành động này dường như phi lý bởi việc phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, giới tính, hay những đặc tính khác sẽ làm giảm lợi nhuận. Thế nhưng vào năm 1957, Gary Becker – một nhà kinh tế học từ Đại học Chicago, người sau này đoạt giải Nobel [năm 1992], giải thích rằng sự phân biệt có thể xuất phát từ việc nhà tuyển dụng đã phải hứng chịu “quả đắng” khi tuyển những người họ không thích. Sự phân biệt vì vậy mà phản ánh bản năng tối đa hóa sự hài lòng của bản thân thay vì lợi ích. Để ngăn cản sự phân biệt, chính phủ có thể đánh thuế đủ cao với việc này để nhà tuyển dụng phải cân nhắc [trước] khi đưa ra chính sách tuyển dụng [mang màu sắc] phân biệt. (Các độc giả không phải là chuyên gia có thể bỏ qua vùng xám không rõ ràng giữa “duy lý” với các dạng tối đa hóa thậm chí chủ quan và mang tính cá nhân, và các loại nhân tố “phi lí” vốn nằm trong trường nghiên cứu của các nhà kinh tế học hành vi; tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế học tân cổ điển và các nhà hành vi học, ranh giới này lại rõ ràng).
Janet Yellen (1946-)
George Akerlof (1940-)
Có thể giải thích một số khuyết tật dễ nhận thấy của thị trường bằng sự tối ưu hóa: Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel George Akerlof và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Janet Yellen đã từng giải thích tại sao một số nhà sử dụng lao động lại trả lương cao hơn mức hiện hành cho nhân viên. Đó là vì dưới mô hình “lương hiệu quả” (“efficiency wages”) của các tác giả trên, nhà sử dụng lao động có thể, một cách duy lí, chọn trả lương cao hơn cho nhân viên dù cho nỗ lực là khó giám sát nhằm động viên nhân viên làm việc cật lực. Cuối cùng, nhân viên nào bị bắt gặp đang chây lười có nguy cơ sẽ phải quay về với công việc được trả [lương]-thấp hơn. Nhờ bộ công cụ của mình có khả năng giải thích đến thế, kinh tế học dòng chính tiến xa hơn trong việc giải thích thế giới.
Amos Tversky (1937-1996)
Daniel Kahneman (1934-)
Tuy nhiên, nó không tiến đủ xa. Từ đầu những năm 1970, Thaler nổi bật với tư cách là thành viên của một nhóm nhỏ trong đó có 2 nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky; họ bắt đầu tập trung nghiên cứu những điểm bất thường trong quá trình ra quyết định của con người vốn không dễ giải thích bằng các cách tiếp cận của kinh tế học dòng chính. Trong cuốn sách của mình, Thaler mô tả cách các nhà hành vi học nhận dạng không ít thiên lệch trong việc ra quyết định vốn ngăn con người có thể tối ưu hóa một cách đúng đắn. Thaler cho rằng khi ra quyết định, con người thường bị ảnh hưởng bởi các nhân tố tâm lý — ví dụ như cách trình bày vấn đề, liệu một lựa chọn có vẻ công bằng hay không — khiến cho cách hành xử của họ có vẻ phi lý. Thaler cũng nhận thấy các nhân tố tâm lý thậm chí có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính, nơi mà người ta kỳ vọng động cơ tiền tệ và sự hiện diện của các chuyên gia ngăn cản các hành vi phi lí. Chi tiết hơn, Thaler mô tả hành trình học thuật đó bắt đầu với các phát hiện trên, hào phóng ghi nhận đóng góp then chốt vào lĩnh vực nghiên cứu của những cộng tác viên và những người khác.
Khi ra quyết định, con người thường chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố tâm lý ví dụ như cách trình bày vấn đề, liệu một lựa chọn có vẻ công bằng hay không khiến cho cách hành xử của họ có vẻ phi lý.
Thaler không còn đơn độc trên hành trình của mình nữa. Kinh tế học hành vi hiện nay đã trở nên nóng, hàng trăm bài viết học thuật và thậm chí sách giáo khoa mới đã dệt nên các chủ đề thông qua những dẫn nhập đại cương cho sinh viên. Thaler đã vươn đến đỉnh vinh quang trong sự nghiệp của mình và ông đang hoàn thành nhiệm kỳ một-năm của mình với cương vị Chủ tịch Hội Kinh tế học Hoa Kỳ. Và kinh tế học hành vi đã có chỗ đứng riêng ở thủ đô Washington khi Nhà Trắng đã lập ra một nhóm có sứ mệnh “khai thác các ý tưởng của khoa học hành vi để giúp chính phủ phục vụ quốc gia tốt hơn trong khi vẫn tiết kiệm tiền thuế của dân”. (Khi thành lập nhóm này, Washington đang nối gót thủ tướng Anh David Cameron – người đã từng lập một nhóm tương tự như thế cách đó vài năm, với sự tư vấn của Thaler). Cho đến bây giờ, nhóm của Nhà Trắng đã có những tác động khiêm tốn như tìm cách giúp người dân có lợi từ các công cụ tiết kiệm với thuế-ưu đãi (tax-preferred) và chương trình hoàn tiền vay.
Bên cạnh đó, vẫn còn ‘đất’ cho các chính sách có tính đến các nhân tố hành vi. Ví dụ, các chương trình của chính quyền Obama hỗ trợ thế chấp được thiết lập sau hậu quả của khủng hoảng tài chính năm 2008 nhằm giúp đỡ các người sở hữu nhà và ổn định thị trường nhà đất. Cho đến trước năm 2015, gần 4,8 triệu người sở hữu nhà đã giảm được mức đáo hạn mỗi tháng của mình nhờ chương trình tái cấp vốn và giảm nhẹ tiền cho vay của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo tính toán của chính phủ, còn có hàng trăm ngàn người đi vay vẫn chưa tham gia chương trình dù họ có lợi từ việc tham gia. Một số người có lý do chính đáng cho sự e ngại của mình. Chẳng hạn như họ dự tính chuyển nhà, chưa kể họ sợ nhận không đủ số tiền tiết kiệm để bù lại thời gian và công sức mình đã bỏ ra khi đăng ký chương trình hỗ trợ từ chính phủ. Nhưng một số người không tham gia vì họ không vượt qua được tính ì của mình, không hiểu chính sách, hoặc đơn giản là hành động phi lý. Các nhà hành vi học khi tiếp cận chính sách sẽ tìm cách thuyết phục những người thụ hưởng tiềm tàng, dẫn dắt [nhưng] không áp đặt để những người này tự đưa ra quyết định tối ưu nhất. Nếu làm đúng điều này, một cú hích (nudge) như vậy sẽ buộc những người vốn đã chọn lối quyết định tối ưu hóa tự đưa ra lựa chọn cho mình một cách duy lý mà ít phải tốn kém, thậm chí không tốn xu nào.
Shlomo Benartzi
W.Kip Viscusi (1949-)
Cho đến nay, những cú hích kiểu này thành công nhất trong việc khuyến khích mọi người tiết kiệm cho tuổi hưu của mình. Nhiều công ty giờ đây đã tự động đăng ký cho nhân viên vào chương trình thuế ưu đãi thay vì yêu cầu nhân viên tự đăng ký – đây là chiến thuật giúp nhân viên vượt qua tính ì tự nhiên của mình. Trong số các đóng góp của Thaler vào lĩnh vực này, có một hệ thống được phát triển với sự hợp tác của Shlomo Benartzi (nhà kinh tế học hành vi của Đại học California, Los Angeles); hệ thống này được biết đến với cái tên “Ngày mai để dành nhiều hơn” (Save More Tomorrow), qua đó những nhân viên chấp thuận trước để tăng khoản đóng góp vào tài khoản tiết kiệm sau những đợt tăng lương trong tương lai. Bằng cách để nhân viên dành dụm khoản tiền dư ra chỉ sau khi được tăng lương, giúp đảm bảo khoản lương mang về nhà của họ không bao giờ sụt giảm, chính sách này đã gia tăng được mức tiết kiệm đồng thời né tránh được tâm lý sợ mất mát của nhân viên. Tất nhiên, người tham gia vẫn có quyền dừng tham gia bất kỳ lúc nào — và do đó mà chính sách này là một cú hích thay vì một chiếc còng tay.
KHÔNG CHỈ LÀ CÚ HÍCH
Đối với những lợi ích của các chính sách có sự kết hợp kinh tế học hành vi, có một vấn đề đáng quan tâm một cách nghiêm túc: các nhà hoạch định chính sách có thể vượt qua giới hạn của những cú hích để tiến đến một cái gì đó mạnh mẽ hơn, một cái gì đó phản ánh sở thích của họ thay vì những sở thích của những người chịu ảnh hưởng bởi chính sách. Khi ứng dụng không đúng cách, kinh tế học hành vi sẽ tạo ra một vỏ bọc cho các chính sách bằng việc giả định một cách sai lầm rằng công chức chính phủ thấu hiểu mong muốn và động cơ thật sự của nhân dân hơn cả chính người dân hiểu chính họ. Những cú hích của Thaler nhẹ nhàng hơn thế; tuy nhiên khi áp dụng không đúng, ý tưởng của cú hích có thể hỗ trợ cho những hành động ép buộc với những bất lợi đáng kể.
Một khách hàng tiềm năng xem xét nội thất một chiếc xe tải Ford tại Công ty The Frederick Motor ở Maryland vào tháng 8/2009. [MIKE THEILER / REUTERS]
Trong phân tích một số quy định về năng lượng, hai nhà kinh tế học Ted Gayer và W.Kip Viscusi phát hiện chủ nghĩa gia trưởng chứ không phải những lập luận vững chắc mới chính là nguyên nhân đằng sau những quyết định của chính phủ Mỹ trong việc kiểm soát bóng đèn dây tóc và tăng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho ô tô và xe tải nhỏ. Những nhà lập pháp khẳng định những quy định của họ tốt cho người tiêu dùng vì họ cho rằng, người dùng và ngành kinh doanh sẽ giảm số tiền chi cho điện và tiết kiệm tiền mua xăng dầu. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp, người tiêu dùng và các công ty dường như hiểu về sự đánh đổi đi cùng, và ngược lại với dụng ý của chính sách, họ lại chọn mua bóng đèn dây tóc và ô tô, xe tải tiêu hao nhiên liệu. Gayer và Viscusi lập luận rằng những quy định của chính phủ thể hiện giả định của các nhà hành vi học rằng người tiêu dùng phi lý và sở thích của họ được những lựa chọn của các công chức chính phủ phản ảnh tốt hơn. Ngược lại, cách tiếp cận của kinh tế học dòng chính lại cho rằng người tiêu dùng có các lý do chính đáng để lựa chọn như trên và khi có người sẵn lòng mua một chiếc bóng đèn ít tiết kiệm năng lượng hơn hay một phương tiện tiêu hao xăng hơn thì phải đánh giá các tiêu chí khác từ những gì mà họ mua như nhiệt lượng của bóng đèn hay sức mạnh của động cơ. Cách tiếp cận này dường như đúng hơn, đặc biệt khi người dùng quyết định mua ô tô hay xe tải tiết kiệm nhiên liệu. Có lẽ, người tiêu dùng và các công ty thực ra để ý nhiều đến hệ quả cho lựa chọn chi phí xăng dầu của mình, đặc biệt khi chính phủ Mỹ yêu cầu phương tiện mới phải dán nhãn ghi chi tiết chi phí xăng dầu [hằng năm] và những thông số khác liên quan đến độ sử dụng hiệu quả xăng dầu.
Khi ứng dụng không đúng cách, kinh tế học hành vi sẽ tạo ra một vỏ bọc cho các chính sách bằng việc giả định một cách sai lầm rằng công chức chính phủ thấu hiểu mong muốn và động cơ thật sự của nhân dân hơn cả chính người dân hiểu chính họ.
Trong kinh tế học tân cổ điển, cách biện minh thông thường cho một quy định là sự tồn tại của một ngoại tác (externality), một tác dụng phụ của một hành động có ảnh hưởng đến những điều khác nhưng lại không thể hiện trong chi phí hay lợi nhuận của hoạt động ấy. Ví dụ, một nhà máy gây ô nhiễm môi trường đương nhiên sẽ tạo ra những ngoại tác tiêu cực cho người dân sống trong khu vực. Các hệ quả tiêu cực cũng có thể được đền bù bằng thuế: nếu có thể tính toán được mức độ ô nhiễm, bắt phạt nhà máy gây ra ô nhiễm vì chi phí của nó áp đặt trên mọi tác nhân khác có thể dẫn đến kết quả tối ưu nhất cho xã hội và giảm mức độ ô nhiễm. Ngược lại, các ngoại tác tích cực phải có sự trợ cấp chính phủ. Một ví dụ là trợ cấp cho chương trình vắc xin có thể ngăn chặn dịch bệnh và mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.
Tuy nhiên, hóa ra những ngoại tác tiêu cực liên quan đến những chiếc bóng đèn dây tóc và những chiếc xe tiêu hao nhiên liêu lại khá khiêm tốn. Trong trường hợp này, tác động của việc tăng sử dụng năng lượng lên sự ô nhiễm hay lượng phát thải các bon khá nhỏ, điều này có nghĩa là xã hội không hưởng được nhiều lợi ích từ các quy định. Thay vào đó, những lợi ích lại đến từ những khoản đóng góp tích lũy từ những người tiêu dùng thực sự sẵn lòng trả thêm tiền cho loại bóng đèn và xe cộ ưa thích. Trong nỗ lực biện minh cho các quy định này, các nhà tạo lập chính sách đã liên hệ một cách mơ hồ đến sự bất lực của người dùng việc cân nhắc lợi ích dài hạn với chi phí ngắn hạn. Tuy nhiên, luận điểm này không giúp được mấy để cứu vãn các chính sách lạc lối, vốn dựa vào niềm tin của chính phủ Mỹ rằng người dân nên sử dụng các phương tiện tiết kiệm năng lượng bất luận sở thích thực sự của họ lúc chọn mua. Đây là chủ nghĩa gia trưởng ngụy trang dưới lớp vỏ khoa học. Tệ hơn, các đề xuất sai lầm có thể lấn át những điều hữu ích: sự quan tâm quá mức đến những tác động nhỏ yếu như tiêu chuẩn của bóng đèn và tiết kiệm nhiên liệu, làm các nhà hoạch định chính sách lạc lối khỏi việc tập trung giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu.
Một người đàn ông đang xem các gói chăm sóc sức khỏe trên trang thông tin chính phủ khi đang chuẩn bị đăng ký tại Trung tâm dịch vụ cộng đồng ở New York, tháng  3/2014. [BRENDAN MCDERMID / REUTERS]
Kinh tế học hành vi không chỉ ảnh hưởng lên một lĩnh vực ngách như chính sách năng lượng mà còn ảnh hưởng đến những mảng lập pháp đáng chú ý nhất trong thập kỷ qua, như Đạo luật bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc y tế giá phải chăng — và ở đây, một lần nữa, các kết quả [tốt và xấu] đã lẫn lộn với nhau. Đạo luật nhấn mạnh vào việc phòng ngừa nhằm thúc đẩy con người hướng đến [các] quyết định lâu dài.  Bằng cách phân loại đa số các gói bảo hiểm (insurance plans) dựa trên hệ thống thứ bậc đồng, bạc, vàng và bạch kim nhằm cung cấp cho người dùng những lựa chọn khác nhau về ý nghĩa nhưng dễ hiểu được. Các gói có nhãn kim loại có giá trị cao cấp hơn sẽ có  mức độ bảo hiểm cao hơn. Ví dụ, gói đồng sẽ bao gồm 60% chi phí chăm sóc-sức khỏe trong khi gói vàng lên đến 80%. Theo luận điểm của các nhà hành vi học, người dùng tốt hơn hết nên được giới hạn trong một số lượng gói nhất định hơn là hàng loạt các gói bảo hiểm, vì càng ít lựa chọn thì càng ít bối rối và do dự. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người tiêu dùng than phiền rằng sự giới hạn các gói bảo hiểm khiến họ không thể tự tay tạo ra một cách ưng ý gói bảo hiểm họ cần, điều này dẫn đến việc đôi khi khách hàng phải chi trả cho những khoản không cần thiết (chẳng hạn những người gần về hưu bị buộc phải đóng phí khám nhi khoa). Để tiết kiệm chi phí, đạo luật này đã giảm quy mô của những mạng lưới nhà cung cấp [dịch vụ] chăm sóc sức khỏe, một sự chuyển biến được đánh giá là khiến cho việc lựa chọn bác sĩ của khách hàng khó khăn hơn thay vì trở thành một cú hích.
Sự kết hợp của chính sách và kinh tế học hành vi dường như đã phát triển thành một cách tiếp cận thịnh hành hơn. Điều quan trọng cho những nhà hoạch định chính sách là phải ghi nhớ rằng người điều tiết cũng chỉ là con người và do đó cũng dễ giống như người tiêu dùng trong việc ra quyết định tồi. Sẽ thật mỉa mai khi kinh tế học hành vi với sự phê phán đúng đắn dành cho cách tiếp cận của kinh tế học truyền thống lại bỏ qua điểm yếu của con người, lại nổi giận tiếp tay với chủ nghĩa gia trưởng mạnh tay khi, ngược hẳn với tầm nhìn của Thaler, các quan chức chính phủ né tránh việc hoạch định những chính sách bền vững dưới chiêu bài chỉnh sửa những điều chưa hoàn hảo.
* * *
Phillip L. Swagel (1966-)
Giới thiệu tác giả:
Phillip L. Swagel hiện đang là Giáo sư ngành chính sách kinh tế quốc tế tại trường chính sách công Maryland.
Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế học tại Đại học Princeton vào năm 1987 và tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Harvard năm 1993.
Swagel từng là Trợ lý Bộ trưởng phụ trách về chính sách kinh tế tại Bộ Tài chính từ tháng 12 năm 2006 đến tháng Giêng năm 2009 dưới thời Tổng thống George Bush.
Lục Phạm Quỳnh Nhi, Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Nguồn: A Nudge Too Far, ForeignAffairs, December 2015.
Print Friendly and PDF