6.9.16

Xét lại vấn đề thu nhập cơ bản

XÉT LẠI VẤN ĐỀ THU NHẬP CƠ BẢN
LONDON – Anh Quốc không phải là nước duy nhất tổ chức trưng cầu ý dân trong tháng này. Vào ngày 5 tháng 6, đại đa số các cử tri Thụy Sĩ đã bác bỏ, với 77% so với 23%, đề xuất về việc mọi công dân cần được đảm bảo một khoản thu nhập cơ bản vô điều kiện (UBI, Unconditional Basic Income). Nhưng kết quả chênh nhau ấy không có nghĩa là vấn đề sẽ sớm biến mất.
Thomas Paine (1737-1809)
Thật vậy, ý tưởng về một chế độ trợ cấp UBI đã xuất hiện lặp đi lặp lại trong lịch sử – bắt đầu với Thomas Paine trong thế kỷ 18. Tuy nhiên ngày nay, có nhiều khả năng là vấn đề này sẽ tồn tại dai dẳng hơn, khi một khoản thu nhập vừa đủ có được từ việc làm ngày càng là một viễn cảnh ảm đạm đối với người nghèo và người ít học. Các cuộc thử nghiệm với các khoản trợ cấp vô điều kiện bằng tiền đã diễn ra tại các nước nghèo cũng như tại các nước giàu.
Chế độ trợ cấp UBI là một hỗn hợp có phần khập khiễng của hai mục tiêu: xóa đói giảm nghèo và bác bỏ việc làm như là một mục đích được xác định của cuộc sống. Mục tiêu thứ nhất mang tính chính trị và thực tiễn; mục tiêu thứ hai mang tính triết học hay đạo đức.
Lập luận chính, như nó từng bao giờ vẫn thế, ủng hộ UBI trong việc xóa đói giảm nghèo là sự bất lực trước một việc làm có sẵn được trả công để đảm bảo một cuộc sống an toàn và bền vững cho tất cả mọi người. Trong thời đại công nghiệp, hoạt động của nhà máy trở thành nguồn thu nhập duy nhất đối với hầu hết mọi người – một nguồn thu nhập bị gián đoạn bởi những đợt thất nghiệp khi cỗ máy công nghiệp ngừng hoạt động theo định kỳ. Các phong trào lao động đáp trả lại bằng việc yêu cầu “việc làm hay duy trì thu nhập”. Việc chấp nhận duy trì thu nhập thay cho việc làm đã được phản ánh trong việc hình thành một hệ thống an sinh xã hội: "chủ nghĩa tư bản phúc lợi.”
Ronald Reagan (1911-2004)
Margaret Thatcher (1925-2013)
Mục đích rõ ràng của chủ nghĩa tư bản phúc lợi là cung cấp cho người dân một khoản thu nhập – thường thông qua một quỹ bảo hiểm bắt buộc chung – trong thời gian bị gián đoạn việc làm. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là khoản bảo toàn thu nhập nói trên được coi là một đối chọn thay thế cho việc làm. Khi ý tưởng gián đoạn việc làm được mở rộng cho các đối tượng là người tàn tật và phụ nữ nuôi con nhỏ, thì các trợ cấp cho khoản bảo toàn thu nhập vượt ngoài khả năng của chế độ bảo hiểm xã hội, với những trợ cấp được trả cho những cá nhân đủ điều kiện từ chế độ thuế chung.
Trong những năm 1980, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã vô tình mở rộng thêm nữa phạm vi của chế độ phúc lợi, khi triệt phá các thể chế và các quy định pháp luật được thiết kế để bảo vệ tiền lương và việc làm. Với việc để hai lĩnh vực này cho thị trường quyết định, các trợ cấp "trong công việc", hoặc các mức giảm thuế được đưa vào cho phép người lao động có việc làm có được một "tiền lương vừa đủ sống". Đồng thời, lo lắng trước những chi phí ngày càng tăng của chế độ an sinh xã hội, các chính phủ thuộc phe bảo thủ bắt đầu cắt giảm các trợ cấp phúc lợi.
Guy Standing (1948-)

Trong môi trường lao động và phúc lợi mới bấp bênh này, chế độ trợ cấp UBI được xem là nhằm bảo đảm thu nhập cơ bản được hứa hẹn trước đây từ việc làm và phúc lợi, nhưng không còn được bất kì phương thức nào trong hai phương thức ấy (việc làm và phúc lợi – ND) đảm bảo một cách đáng tin cậy. (Guy Standing thuộc trường Đại học London, người ủng hộ hàng đầu chế độ trợ cấp UBI, đã viết một cuốn sách mang tên The Precariat – (Tầng lớp bấp bênh, ghép từ chữ “precarious” (bấp bênh) với chữ “proletariat” (tầng lớp vô sản) – ND). Một lập luận khác, luôn cộng hưởng với truyền thống này, nhưng đặc biệt xác đáng ngày nay cho các nước nghèo, là tiềm năng giải phóng phụ nữ của chế độ trợ cấp UBI.
Khía cạnh đạo đức đối với chế độ trợ cấp UBI cũng khác. Nguồn gốc của nó là một ý tưởng, được tìm thấy cả trong Kinh Thánh lẫn trong kinh tế học cổ điển, cho rằng việc làm là một lời nguyền – “curse” (hoặc, như các nhà kinh tế đã diễn đạt nó thành một “chi phí” – “cost”), mà người ta đảm nhận chỉ vì mục đích kiếm sống. Khi các đổi mới công nghệ làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng lên, mọi người cần làm việc ít hơn để đáp ứng nhu cầu của họ.
John S. Mill (1806-1873)
John M. Keynes (1883-1946)
Cả John Stuart Mill lẫn John Maynard Keynes đều hướng tới một chân trời với thời gian nhàn rỗi ngày càng tăng: việc định hướng lại cuộc sống thoát khỏi cái đơn thuần hữu ích để hướng đến cái đẹp và chân lý. Chế độ trợ cấp UBI tạo ra một lộ trình thực tế để dịch chuyển trong giai đoạn chuyển đổi này.
Hầu hết sự thù địch đối với chế độ trợ cấp UBI phát sinh khi đề cập đến hình thức thứ hai này. Một áp phích được dựng lên trong chiến dịch trưng cầu ý dân của Thụy Sĩ đã đặt ra câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì nếu thu nhập của bạn do người khác lo hộ?” Sự phản bác của hầu hết những người chống lại chế độ trợ cấp UBI cho rằng đa số người dân sẽ trả lời, “Không làm gì cả.”

Virginia Woolf (1882-1941)
Nhưng khẳng định rằng một khoản thu nhập độc lập với thị trường việc làm chắc chắn gây mất tinh thần vừa tỏ ra chậm hiểu về mặt đạo đức vừa không chính xác về mặt lịch sử. Nếu đúng vậy, thì chúng ta sẽ muốn xóa bỏ tất cả các khoản thu nhập được kế thừa. Giai cấp tư sản châu Âu trong thế kỷ XIX là một tầng lớp mà phần lớn là những người thực lợi, và có rất ít người tự vấn về nỗ lực lao động của họ. Virginia Woolf từng viết một câu nổi tiếng là một phụ nữ muốn viết văn hư cấu “phải có tiền và một căn phòng riêng của mình.”
Sự bùng nổ của khoa học người máy (robotics) đã hâm nóng lại mối quan tâm đối với chế độ trợ cấp UBI. Các ước lượng đáng tin cho rằng có khả năng tự động hóa, về mặt kỹ thuật, khoản một phần tư đến một phần ba tất cả các việc làm hiện tại trong thế giới phương Tây trong vòng 20 năm. Ít nhất, điều này sẽ đẩy nhanh xu hướng tiến đến tính bấp bênh của việc làm và thu nhập. Điều tồi tệ nhất là nó sẽ làm cho một phần đáng kể dân số bị sa thải.
Một phản đối chuẩn mực đối với chế độ trợ cấp UBI cho rằng không thể gánh nổi việc thay thế thu nhập từ những việc làm đã biến mất bằng cách này. Điều này phần nào còn phụ thuộc vào những thông số được thiết lập: các mức trợ cấp, UBI thay thế những trợ cấp nào (nếu có), đối tượng thụ hưởng chỉ là công dân hay là tất cả những cư dân hội đủ điều kiện, và v.v..
Nhưng đây không phải là điểm chính. Đại đa số các bằng chứng cho thấy phần thu nhập lớn nhất từ việc tăng năng suất trong 30 năm qua đã rơi vào túi của những người rất giàu. Và chưa hết: 40% thu nhập từ việc nới lỏng định lượng ở Vương quốc Anh đã vào túi của 5% các hộ gia đình giàu nhất, không phải do họ hoạt động hiệu quả hơn, mà là do Ngân hàng Trung ương của Anh bơm tiền mặt cho họ. Ngay cả đảo ngược một phần xu hướng dài hạn trên của của cải và thu nhập sẽ cho phép tài trợ một khoản thu nhập cơ bản khiêm tốn ban đầu.
Ngoài ra, một chương trình trợ cấp UBI có thể được thiết kế để tăng trưởng phù hợp với sự giàu có của nền kinh tế. Sự tự động hóa chắc chắn sẽ làm tăng lợi nhuận, bởi vì các máy móc, những thứ đã làm cho lao động của con người bị dư thừa, không đòi hỏi tiền lương và chỉ cần đầu tư tối thiểu trong công tác bảo trì.
Robert Skidelsky (1939-)
Trừ phi thay đổi hệ thống tạo ra thu nhập, sẽ không có cách nào để kiểm soát mức độ tập trung của cải vào tay những người giàu có và đặc biệt là giới doanh nhân. Một chế độ trợ cấp UBI tăng theo nhịp tăng của năng suất của tư bản sẽ đảm bảo là các lợi ích của tự động hóa đến tay của nhiều người, chứ không phải của một ít người.
Robert Skidelsky, Giáo sư danh dự (sau khi về hưu) về Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Anh Quốc về lịch sử và kinh tế học, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử 3 tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Basic Income Revisited, Project Syndicate, June 2016.
----
Tham khảo thêm:

Print Friendly and PDF