25.9.16

Một câu chuyện về quyền lực


Tiền tệ được dùng vào việc gì?
Là một công cụ trao đổi đơn giản đối với các nhà kinh tế, tiền tệ trước hết là một sự được mất về quyền lực và là một vec-tơ gắn kết xã hội mạnh mẽ. Các đường nét của nó không ngừng tiến hóa theo thời gian, để trở nên mờ nhạt với sự tài chính hóa nền kinh tế.

2. Một câu chuyện về quyền lực

Christian CHAVAGNEUX
Để củng cố quyền lực, các nhà buôn, các chủ ngân hàng và các quân vương đã chiến đấu qua nhiều thế kỷ để kiểm soát việc phát hành tiền tệ.
Benjamin J. Cohen (1937-)

"Bản chất của tiền tệ là quyền lực mua sắm, và quyền lực này nằm ở trung tâm của chính trị. Quyền lực thuộc về những người phát hành tiền tệ và những người kiểm soát nó. Về mặt chính trị, tiền tệ là tất cả ngoại trừ tính trung lập". Benjamin J. Cohen, giáo sư về kinh tế học chính trị quốc tế, đã có lời tóm tắt không thể nào tốt hơn về động cơ của lịch sử tiền tệ qua các thế kỷ: đó là lịch sử của một cuộc chiến để trở thành người làm chủ nó.
Các nhà buôn, các chủ ngân hàng, các thầy tu, các lãnh chúa, các quân vương, v.v., một danh sách dài những người đã trải qua cuộc chiến đó. Đối với cách tiếp cận kinh tế truyền thống, lịch sử chỉ bắt đầu khi các nhà buôn, bị giới hạn bởi hình thức hàng đổi hàng, phát minh ra tiền tệ để có thể phát triển thương mại. Một quan điểm mang tính kinh tế thuần tuý, bị các nhà nhân học và các nhà sử học phủ nhận một cách rộng rãi, như cuốn sách soi đường của David Graeber đã chứng minh.
David Graeber (1961-)

Những đồng tiền đầu tiên – gia súc, vỏ ốc sành sứ, ngũ cốc, lưỡi rìu, v.v. –, Max Weber nói trong cuốn sách nổi tiếng của ông Histoire économique (Lịch sử kinh tế) được xuất bản vào năm 1923, là những tiền tệ "không có khả năng trao đổi", nhưng lại được dùng vào rất nhiều thứ: "Các bộ tộc, các món quà tặng cho xếp, của hồi môn, tiền bồi thường án mạng [một tên sát nhân trả tiền để chuộc mạng], tiền phạt, các biện pháp trừng phạt". Những đồng tiền sơ khai này được lồng trong cơ cấu và hệ thống thứ bậc của xã hội, giữa các thầy tu, binh lính, tù trưởng, v.v., hơn là trong kinh tế.
Đồng tiền của các vị vua
Max Weber (1864-1920)
Dần dần, khi các kim loại thống trị như là hàng hóa chính đóng vai trò của tiền tệ, thì các nhà buôn tư nhân đặt dấu ấn của họ: "Đồng xiclơ chẳng qua là một đồng tiền có đúc biểu tượng của một gia đình các thương nhân quả cảm, được biết đến vì tính trung thực của nó về mặt cân lượng", Weber giải thích. Nhưng việc sử dụng đồng tiền đúc bắt đầu vào thế kỷ VI trước công nguyên: nó là sản phẩm của Alyattes, vua của vương quốc Lydia (vùng phía Tây của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và là cha của Crésus. Những đồng tiền electrum – một hợp kim vàng và bạc – được đúc từ các nhà xưởng ở Sardis, thủ đô của vương quốc, và được ký hiệu bởi một hay nhiều hình đầu sư tử, biểu tượng của nhà vua. Theo một số nhà sử học, nhà vua trực tiếp kiểm soát việc sản xuất các đồng tiền này. Theo một số nhà sử học khác, bằng dấu ấn của nhà vua, ngài chỉ đảm bảo chất lượng của các đồng tiền được sản xuất bởi các doanh nhân, các nhà buôn và các chủ ngân hàng giàu có thời đó. Như vậy, tiền tệ thời bấy giờ có là hành động tùy tiện của quân vương hay là kết quả của sự kết hợp quyền lực công cộng và quyền lực tư nhân? Theo chuyên gia Georges Le Rider, thì "điểm này chưa được kiểm chứng”, ngay cả khi ông nói, về mặt cá nhân, ông thiên về giải pháp đầu tiên, nhưng không hề có bất kỳ biện minh thực tế nào.
Georges Le Rider (1928-2014)

Nhanh chóng sau đó, người Hy Lạp, một phần của nước Ba Tư, Ai Cập và, sau này, nước Gaule và Đế chế La Mã sử ​​dng nhng đồng tin đúc. Nhng kim loi bc, đồng, thiếc, vàng, hay hp kim khác, nhng kim loi quý tr thành nn tng ca các h thng tin tệ. Các quân vương tìm cách đảm bảo sự độc quyền sản xuất tiền tệ, bởi vì họ hiểu ngay rằng sự khác biệt giữa mệnh giá tiền tệ và chi phí để sản xuất ra tiền tệ – điều mà các nhà kinh tế gọi quyền đúc tiền (của vua chúa) – sẽ đi vào túi của họ. Những quân vương tham lam nhất còn đi xa hơn nữa: Allyattès, Crésus và vua chúa của các thành phố lân cận đưa vào lưu thông đồng tiền electrum nhân tạo, chứa khoảng 54% vàng. Một thực tế kéo dài trong nhiều thế kỷ.
Do đó các nhà buôn lưu động phải đối mặt với vô số các đồng tiền mà họ xác định các giá trị tương đương dựa vào sự hiểu biết tinh vi của họ về kim loại và trọng lượng của nó. Một số nhà buôn chuyên kinh doanh các giao dịch đổi tiền, từ đó trở thành một ngành nghề mang lại lợi nhuận rất cao. Họ đặt trụ sở giao dịch trong các đền thờ, mà sau này cũng đóng vai trò là trụ sở giao dịch và ngân hàng tiền gửi; họ tài trợ cho thương mại đóng tàu, khai thác mỏ và xây dựng các công trình công cộng. Theo nhà truyền giáo Matthew (ch. 21- v. 12), vào năm 30, "Ðức Giêsu vào Ðền Thờ và Ngài xua đuổi tất cả mọi người bán và kẻ mua trong Ðền Thờ; Ngài lật nhào bàn của phường đổi bạc, và ghế của quân bán bồ câu" (bản dịch tiếng Việt của linh mục Nguyễn Thế Thuận - BT). Tuy nhiên, phải chờ đến thế kỷ V và sự sụp đổ của Đế quốc La Mã trước sự tấn công của những kẻ "man rợ" phương Đông để sự năng động đã từng hình thành từ gần một ngàn năm bị phá bỏ: các mầm mống ngân hàng suy sút; việc lưu thông đồng tiền đúc giảm dần, tiến tới biến mất hoàn toàn ở nước Anh trong hai trăm năm.
Quyền lực của các chủ ngân hàng Italia
Ở Trung Quốc, vào thế kỷ IX, tình trạng thiếu đồng để đúc tiền đã làm cho hoàng đế Hien Tsung phải phát minh ra một hình thức tiền tệ mới, luôn đồng hành với chúng ta cho đến ngày nay: tiền giấy. Như vậy chúng ta chuyển từ tiền tệ hàng hóa thành tiền tệ tín dụng, có nghĩa là đồng tiền mà giá trị bị tách rời hoàn toàn khỏi giá trị của công cụ được dùng để hỗ trợ nó. Việc phát hành tiền giấy quá mức là nguyên nhân gốc xảy ra nhiều thời kỳ lạm phát, dẫn đến việc Trung Quốc từ bỏ tiền giấy vào thế kỷ XV. Trong khi đó, Marco Polo đã phát hiện ra tiền giấy qua các cuộc du hành của ông vào thế kỷ XIII và đã mang về châu Âu ý tưởng về tiền giấy.
Jean Favier (1932-2014)
Thế kỷ XIII là một thời điểm quan trọng đối với lịch sử tiền tệ, như, một mặt, Jean Favier và, mặt khác Marie Thérèse Boyer-Xambeu, Ghislain Deleplace cùng Lucien Gillard đã từng chứng minh. Những cuộc thập tự chinh, được tiến hành từ hơn hai trăm năm, đã làm cho động thái lưu thông các quỹ tiền tệ quốc tế quan trọng trở nên cần thiết, dần dần dẫn đến sự tái tạo lại một hình thái hệ thống giao dịch ngân hàng quốc tế, mà trong đó các hiệp sĩ của đền thờ đóng một vai trò quan trọng.
Nhưng chính các chủ ngân hàng người Italia mới mang lại sự đổi mới quan trọng nhất, đặt lại quyền lực của tiền tệ vào tay của các nhà tài chính: hối phiếu. Một nhà buôn người Pháp sẽ đến gặp chủ ngân hàng "đổi tiền" mà ông ta tin tưởng: ông ta biết rằng khi đưa tiền cho chủ ngân hàng tại Paris, người này sẽ tìm được một người đại diện để trả tiền cho nhà cung cấp của ông ở Italia và một người đại diện khác ở London để thu tiền khách hàng của ông. Đây là sự khởi đầu của giao dịch ngân hàng đa quốc gia.
Các chủ ngân hàng đáng tin này nhận tiền gửi, trao đổi các giấy nợ và khoản nợ với nhau, mang lại rất nhiều tiền và cho các quân vương vay tiền. Họ tập hợp thành nhiều nhóm, trong những nghiệp đoàn ngân hàng mà người ta gọi lúc bấy giờ là các "dân tộc"! Và họ thành lập các công ty gia đình, để lại tên tuổi của họ trong lịch sử: Medicis, Peruzzi, Stozzi và, Fugger, ở nước Đức. Nếu giá trị của các đồng tiền được coi như được xác định bởi luật của các quân vương, thì giá trị của các giấy nợ tài chính, sự trao đổi và tình trạng sẵn có của các khoản tín dụng phụ thuộc vào thẩm quyền của các chủ ngân hàng, là người chủ của một đồng tiền tư nhân thực sự.
Họ cho các quân vương vay tiền, và nhận lại những đặc quyền, đương nhiên về thuế khóa. Nhưng các quân vương quên trả lại tiền, dẫn các chủ nợ đến tình trạng phá sản, trong đó có gia đình Medicis vào thế kỷ XV. Đây là thời kỳ mà người Bồ Đào Nha bắt đầu mang vàng từ châu Phi về nước, trước khi người Tây Ban Nha chinh phục châu Mỹ Latinh để cướp bóc các nguồn dự trữ kim loại, sẽ được dùng để nuôi dưỡng một cao trào phát hành tiền tệ và những tăng vọt lạm phát mạnh mẽ ở châu Âu. Theo một cơ chế bong bóng tài chính mà ngày nay chúng ta biết rất rõ, tín dụng ngân hàng nuôi dưỡng tình trạng đầu cơ, giống như sự đầu cơ những cây bông tulip ở Hà Lan vào thế kỷ XVII.
Trải qua nhiều thế kỷ, nhà nghiên cứu người Canada Eric Helleiner giải thích, các đồng ngoại tệ lưu thông bên cạnh các đồng nội tệ trong tất cả các vùng lãnh thổ. Đồng tiền được sử dụng trong các giao dịch hàng ngày duy trì một mối liên hệ rất lỏng lẻo với đồng tiền chính thức. Tiền tệ được các nhà buôn địa phương và các thành phố tạo ra: vào đầu thế kỷ XVII, người ta đếm được khoảng 16.000 loại tiền tệ ở Anh. Tại Hoa Kỳ, vào cuối thế kỷ XIX, có khoảng 10.000 loại tiền giấy. Ngay cả các loại tiền tệ chính thức, được cho là được tiêu chuẩn hóa, thì thực sự cũng không mấy đồng nhất. Chưa kể đến tình trạng làm giả tiền tệ tràn lan.
Crésus, hay tiền không mua được hạnh phúc
Crésus làm chủ một khối tài sản khổng lồ. Biết được Solon, một nhà hiền triết của thành Athen đang đi qua thủ phủ của mình, Crésus hỏi ông ấy đến hai lần ai là người hạnh phúc nhất trên đời. Đến hai lần, Solon trả lời cho Crésus bằng cách kể ra những cái tên lạ lẫm và không có tài sản. Crésus đành hỏi Solon vì sao ông không kể ra tên mình và Solon trả lời: "Ngài chắc chắn có những của cải khổng lồ, và ngài cai trị một dân tộc đông đúc; nhưng tôi không thể trả lời câu hỏi của ngài khi tôi không biết ngài có kết thúc cuộc đời của mình trong sự thịnh vượng hay không".
Ôi, Solon, bậc hiền nhân! Trước tiên, Crésus mất đi một đứa con trai, rồi ông thua cuộc chiến chống lại Cyrus, vị hoàng đế của người Ba Tư, chấm dứt mười bốn năm trị vì của mình. Ông bị bắt làm tù binh của Cyrus cho đến cuối đời, và thậm chí trở thành một trong những cố vấn chính trị có ảnh hưởng của Cyrus. Và không ai biết ông đã kết thúc cuộc đời của mình như thế nào.
Những thách thức của các đồng tiền quốc gia
Thế kỷ XIX đánh dấu một thời điểm quan trọng mới: các quốc gia-dân tộc, Pháp, Đức, v.v., những nước chỉ thực sự trỗi dậy vào thời điểm đó, giành lại quyền phát hành các đồng tiền quốc gia, như chúng ta vẫn biết cho đến ngày nay. Các Nhà nước xem đó như là một công cụ cần thiết để hình thành các thị trường quốc gia, là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô và là một biểu tượng của ý thức chính trị quốc gia. Nhưng, chính vào lúc các Nhà nước áp đặt quyền lực chính trị và tiền tệ của họ trên một lãnh thổ được xác định rõ ràng, thì chủ nghĩa tư bản đang bước vào một thời kỳ toàn cầu hóa (sự phát triển các tập đoàn đa quốc gia, sự bùng nổ các khoản đầu tư ở nước ngoài), một sự tiến hóa không tương thích với việc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia.
Pantagruel, Panurge và nợ

Thường thì tác giả các thể loại hư cấu là những người đầu tiên cảm nhận được những thay đổi đang diễn ra trong nền kinh tế và xã hội. Chẳng hạn, Rabelais giải thích trong cuốn Tiers livre (Quyển thứ ba) vào đầu thế kỷ XVI, vì sao nợ tài chính, thay vì là một thảm họa như quan niệm của "đạo lý dân gian" kể từ thời xa xưa, có thể là một nhân tố bảo đảm sự an toàn cho các quan hệ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Sau khi chinh phục nước Utopia, Pantagruel đã bổ nhiệm Panurge làm lãnh chúa lâu đài vùng Salmigondin. Panurge, một người yêu đời nhưng lười lao động, đã dính vào cảnh nợ nần. Và khi Pantagruel hỏi ông ta, "Chừng nào thì ông sẽ hết nợ?" "Đến muôn thuở, Panurge trả lời, Chúa bảo vệ tôi khỏi cảnh nợ nần. Đến lúc đó, tôi sẽ chẳng tìm ra được người nào cho tôi vay một xu. (...) Nợ tiền một ai đó hàng ngày. Và người chủ nợ này sẽ liên tục cầu Chúa ban phúc cho bạn: cho bạn một cuộc sống tốt đẹp, lâu dài và hạnh phúc. Do sợ mất đi món nợ của mình, người chủ nợ ấy sẽ luôn nói tốt về bạn trong mọi trường hợp. Người ấy sẽ luôn tìm cho bạn những chủ nợ mới. Bởi vì, nhờ các con nợ mà bạn mới có thể mua đất đai, và nhờ có đất đai mà bạn mới có thể lắp đầy hố nợ của người ấy".
Guillaume Duval
Và Panurge tiếp tục cuộc độc thoại rực lửa của mình: "Một thế giới mà không có nợ. Sẽ không còn một sự vận hành cân đối giữa các thiên thể. Mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Sao Mộc (Jupiter) không còn thấy mình là con nợ của sao Thổ (Saturne), sẽ truất khỏi thiên cầu của sao Thổ (...). Giữa con người với nhau, người này sẽ không còn chào hỏi người kia nữa. Người ta sẽ cố kêu gọi giúp đỡ, kêu có cháy nhà, kêu khát nước, kêu có kẻ giết người. Sẽ không có ai đáp lại lời kêu cứu đó. Vì sao? Bởi vì nếu bạn không cho ai vay cái gì thì người ta cũng không nợ bạn cái gì (...). Con người sẽ là những con sói đối với con người". Cuối cùng, Panurge kết luận bằng một mô tả trong mơ: "Ngược lại, hãy thử tưởng tượng một thế giới khác hẳn, nơi mà người này sẽ cho người kia vay tiền và mọi người sẽ nợ người khác (...). Oh! Thỏa thích sao thiên nhiên với các công trình và kết quả của nó. Vùng Ceres tràn đầy với lúa mì. Vùng Bacchus tràn đầy với rượu vang. Vùng Flora tràn đầy với hoa. Vùng Pomona tràn đầy với trái cây..."
Tuy nhiên, Pantagruel không bị lừa bởi diễn ngôn của Panurge. Ông ta biết khá rõ rằng "nợ nần và dối trá thường là đồng minh với nhau". "Thế nhưng, tôi không muốn suy luận rằng không bao giờ nên nợ tiền ai hay không bao giờ nên vay tiền ai (...). Nhưng thật là một sự xấu hổ lớn, ở mọi lúc mọi nơi, khi phải đi vay tiền ai thay vì nên đi làm và kiếm tiền".
Guillaume Duval
Ronen Palan (1957-)

Như nhà nghiên cứu Ronen Palan đã cho thấy, các Nhà nước sẽ tìm một giải pháp cho vấn đề này: họ phát minh ra những tiền đề của hoạt động giao dịch tài chính hải ngoại (offshore), một nơi mà họ chấp nhận không áp dụng các luật lệ của họ (dĩ nhiên là những luật lệ về thuế khóa). Đây là giai đoạn đầu tiên hướng tới sự bùng nổ vai trò của các thiên đường thuế khóa vào cuối những năm của thế kỷ XX. Dù sao đi nữa, mô hình một đất nước-một đồng tiền chưa bao giờ mang tính phổ quát. Từ thế kỷ XIX, người ta đã nói đến đồng tiền thế giới và đã có rất nhiều liên minh tiền tệ ra đời. Vì thế, những thuộc địa cũ của Pháp trong các vùng CFA chưa bao giờ biết đến đồng tiền quốc gia.
Ngày nay, tiền tệ theo lãnh thổ phải đối mặt với ba thách thức. Thách thức đầu tiên và ít có tính quyết định bằng hai thách thức khác, là thách thức về sự nhân rộng các đồng tiền địa phương đang lưu thông, chẳng hạn như các hệ thống trao đổi tiền tệ ở địa phương (SEL), một cách khác để làm kinh tế. Hiện nay người ta đếm được hơn 2.500 trường hợp như vậy so với con số dưới một trăm trường hợp vào những năm 1980 (xem tên của bài trong số hors serie này).
Rủi ro của chủ nghĩa một đồng tiền duy nhất
Paul Krugman (1953-)
Thách thức thứ hai – gây gắt hơn – là thách thức của các liên minh tiền tệ như liên minh tiền tệ đang thắng thế ở châu Âu. Người ta đang theo dõi chặt chẽ kinh nghiệm đó trên toàn thế giới, tạo ra điều mà nhà kinh tế Paul Krugman đã từng gọi là "tật sính một đồng tiền duy nhất". Tương lai của các liên minh tiền tệ này phụ thuộc phần lớn vào khả năng của khu vực đồng euro để vượt qua cuộc khủng hoảng, mà khu vực đồng euro này đang chìm đắm trong đó từ năm 2009 (xem tên của bài trong số hors serie này).
Thách thức cuối cùng, và không hề nhỏ, là thách thức về sự phát triển của các đồng tiền điện tử. Kể từ khi dịch vụ trả tiền Apple Pay được phát triển bởi thương hiệu nổi tiếng có hình quả táo đến đồng tiền Bitcoin, qua đến việc chuyển tiền giữa các máy điện thoại di động, các xu hướng mới nổi này đã xô đẩy sự độc quyền của các ngân hàng (xem trang tên của bài trong số hors serie này). Đối với Benjamin J. Cohen, chúng ta đang chứng kiến ​​s ra đời ca "những hình thức tiền tệ sáng tạo, dựa trên các dữ liệu số và được các chủ thể tư nhân phát hành". Như vậy, họ sẽ lấy lại quyền lực mà họ đã từng thực thi trên tiền tệ trong phần lớn các trường hợp qua nhiều thế kỷ.
Christian CHEVAGNEUX

Để tìm hiểu thêm
   A History of Money. From Ancient Times to the Present Day (Lịch sử tiền tệ, từ thời xa xưa đến ngày nay), của Glynn Davies, NXB University of Wales Press, nouvelle édition 2005.
   Dette: 5.000 ans d’histoire (Nợ: Lịch sử 5000 năm), của David Graeber, NXB Les liens qui libèrent, 2013.
   The Future of Money (Tương lai của tiền tệ), của Benjamin J. Cohen, NXB Princeton University Press, 2004.
   The Making of National Money. Territorial Currencies in Historical Perspective (Tạo ra đồng tiền quốc gia. Tiền tệ theo lãnh thổ trong quan điểm lịch sử), của Eric Helleiner, NXB Cornell University Press, 2003.
   The Offshore World (Thế giới xa bờ), của Ronen Palan, NXB Cornell University Press, 2003.
   La naissance de la monnaie (Sự ra đời của tiền tệ), của Georges Le Rider, NXB PUF, 2001.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Une histoire de pouvoir, Alternatives Economiques HORS–SÉRIES no105, Avril 2015.

----

Bài có liên quan trên PTKT:


Tiền tệ được dùng vào việc gì?

Print Friendly and PDF