8.5.17

Công nghệ và bất bình đẳng


CÔNG NGHỆ VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG

Kenneth Rogoff
CAMBRIDGE - Đến tận bây giờ, cuộc cách mạng không ngừng nghỉ của công nghệ và toàn cầu hóa đã có vai trò to lớn hỗ trợ cho lao động trình độ cao, góp phần đào sâu trên khắp thế giới những mức kỷ lục về sự bất bình đẳng thu nhập và của cải. Liệu sự kết thúc của trò chơi có khởi động lại cuộc chiến giai cấp, với những chính phủ dân túy đang dần nắm lấy quyền lực, ưu tiên tối đa cho sự phân phối lại thu nhập, và khẳng định sự kiểm soát lớn hơn của nhà nước trên hoạt động kinh tế?
Không có gì phải nghi ngờ khi cho rằng sự bất bình đẳng thu nhập là mối đe dọa đơn lẻ lớn nhất đến sự ổn định xã hội trên khắp thế giới, dù là ở Hoa Kỳ, ngoại vi Châu Âu, hay là Trung Quốc. Song thật dễ dàng để quên đi là những lực của thị trường, nếu được phép tác động, có thể cuối cùng giữ một vai trò làm ổn định (xã hội). Nói một cách đơn giản là khi tiền thưởng trả cho người lao động có tay nghề cao càng lớn, thì doanh nghiệp càng có động cơ để tìm cách tiết kiệm việc sử dụng tài năng của họ.
Thế giới cờ vua, mà tôi rất gần gũi quen thuộc, minh họa rõ ràng cách mà sự đổi mới sáng tạo trong những thập niên tới có thể có ảnh hưởng rất khác đến những mức lương tương đối hơn nó đã từng trong ba thập kỷ vừa qua.
Trong khoảng cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một “cỗ máy tự hành” chơi cờ vua một cách thông minh được dẫn đi một vòng các thủ đô trên thế giới. “Người Thổ” đã thắng những trận đấu với những người nổi tiếng như Napoleon và Benjamin Franklin, đồng thời là một thách thức đối với nhiều bộ não vĩ đại muốn hiểu thấu những bí mật của nó. Trong thực tế, có một người chơi ở trong một khoang bí mật nằm giữa một mê cung những thiết bị trông rất ấn tượng, nhưng đã phải mất hàng thập kỷ cho người ngoài cuộc để đoán chính xác Người Thổ thực sự vận hành như thế nào.
Ngày nay, trò lừa đảo đã đổi chiều: máy chơi cờ vua giả vờ trở thành người chơi cờ vua. Các chương trình cờ vua trên máy tính để bàn đã vượt qua những người chơi cờ giỏi nhất một cách rất ấn tượng trong thập kỷ qua, và trò gian lận đã trở thành một bê bối đang gia tăng. Liên đoàn cờ vua Pháp vừa cấm thi đấu ba trong số những vận động viên hàng đầu của họ vì mưu toan tìm kiếm sự hỗ trợ từ máy tính (khi thi đấu). (Thú vị cái là, một trong những phương cách chính để lật tẩy trò gian lận là sử dụng một phần mềm máy tính để phát hiện ra những nước cờ của một vận động viên có giống với những lựa chọn ưa thích của các chương trình máy tính tốp đầu khác nhau không.)
Tất nhiên, có rất nhiều những ví dụ nữa về các hoạt động đã từng được nhìn nhận là độc quyền của những con người có trực giác, nhưng các hệ thống máy tính đã đến để áp đảo. Nhiều giáo viên và các trường học ngày nay sử dụng các chương trình máy tính để rà soát các bài luận nhằm chống đạo văn, một vi phạm cũ xưa từ nay được tiến hành dễ dàng nhờ mạng Internet. Thật vậy, chấm điểm bài luận bằng máy tính là một khoa học đang nổi lên. Một số nghiên cứu cho thấy là đánh giá của máy tính công bằng hơn, nhất quán hơn, và cung cấp nhiều thông tin hơn đánh giá của một giáo viên trung bình, tuy không tất yếu có chất lượng đánh giá của một giáo viên xuất sắc.
Những hệ thống máy tính chuyên dụng ngày càng được dùng nhiều trong y tế, ngành luật, tài chính, và thậm chí cả ngành giải trí. Ghi nhận những bước tiến này, có tất cả các căn cứ để tin rằng sự đổi mới công nghệ cuối cùng sẽ dẫn đến sự tầm thường hóa nhiều kỹ năng mà bây giờ dường như rất độc đáo và quý giá.
Kenneth Rogoff (1953-)
Kenneth Froot
Đồng nghiệp ở Havard của tôi Kenneth Froot và tôi đã từng nghiên cứu những sự dịch chuyển mức giá tương đối của một số hàng hóa trong một giai đoạn 700 năm. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, chúng tôi đã phát hiện rằng những giá tương đối của bột mỳ, kim loại và nhiều hàng hóa cơ bản khác có khuynh hướng quay trở về xu hướng trung bình trong những khoảng thời gian đủ đài. Chúng tôi đã phỏng đoán rằng mặc dù những khám phá ngẫu nhiên, sự kiện thời tiết, và công nghệ có thể làm thay đổi đáng kể những giá trị tương đối trong những khoảng thời gian nhất định, thì những sự khác biệt về giá sẽ tạo ra sự khuyến khích cho các nhà sáng tạo tập trung nhiều sự chú ý hơn đến những hàng hóa mà giá cả của chúng đã tăng mạnh.
Tất nhiên, con người không phải là những món hàng, nhưng những nguyên tắc tương tự cũng có hiệu lực. Ví như khi lao động có chuyên môn trở nên đắt đỏ hơn so với lao động phổ thông, các công ty và nhà kinh doanh có động cơ lớn hơn để tìm ra những phương cách “đánh lừa” bằng cách sử dụng những vật thay thế cho những đầu vào giá cao. Sự thay đổi có thể mất hàng thập niên, nhưng nó cũng có thể đến nhanh hơn, như trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy làn sóng mới của sự sáng tạo.
Có lẽ những người lao động có kỹ năng sẽ cố gắng kết hợp với nhau để yêu cầu các chính phủ thông qua luật và các quy định làm cho các công ty khó khăn hơn trong việc biến công việc của họ trở thành lỗi thời. Nhưng nếu hệ thống thương mại toàn cầu vẫn còn cởi mở cho cạnh tranh, thì khả năng của những lao động có chuyên môn nhằm ngăn chặn vĩnh viễn công nghệ tiết kiệm lao động sẽ chứng tỏ không có mấy khả năng thành công hơn những nỗ lực tương tự trong quá khứ của những lao động phổ thông.
Thế hệ tiếp theo của những tiến bộ công nghệ có thể cũng tạo ra sự bình đẳng thu nhập lớn hơn bằng cách cân bằng sân chơi trong giáo dục. Hiện tại, những nguồn tài nguyên giáo dục – cụ thể là những nguồn lực giáo dục bậc cao (đại học) – ở nhiều quốc gia nghèo hơn đang bị hạn chế so với các nước giàu, và cho đến này, Internet và máy tính đã khoét sâu thêm những sự khác biệt này.
Nhưng sự việc nhất thiết không phải theo kiểu đó. Chắc chắn, giáo dục bậc cao cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng bởi cùng một làn sóng công nghệ mạnh mẽ từng san bằng ngành công nghiệp ôtô và truyền thông, trong số những ngành khác. Nếu sự tầm thường hóa giáo dục cuối cùng mở rộng ít nhất đến những năm đầu đại học thì tác động lên sự bất bình đẳng thu nhập có thể trầm trọng hơn.
Nhiều nhà bình luận dường như tin rằng sự nới rộng khoảng cách giàu nghèo là một hệ quả không thể tránh khỏi của việc gia tăng toàn cầu hóa và công nghệ. Theo quan điểm của họ, các chính phủ sẽ cần can thiệp triệt để vào các thị trường để phục hồi sự cân bằng xã hội.
Tôi phản đối. Đúng vậy, chúng ta cần những hệ thống thuế lũy tiến thực sự, tôn trọng quyền của người lao động, và những chính sách viện trợ hào phóng thuộc nghĩa vụ của các nước giàu. Nhưng quá khứ không phải bao giờ cũng báo trước tương lai: với sự linh hoạt đáng kể của những lực thị trường, sẽ là không hợp lí, thậm chí là nguy hiểm, khi hàm ý sẽ có sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập tương đối trong những thập niên tới bằng cách ngoại suy từ những xu hướng vừa qua.


Tác giả: Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Havard và người nhận giải thưởng Ngân hàng Đức năm 2011 về lĩnh vực Kinh tế tài chính, nguyên là kinh tế gia trưởng của Quỹ tiền tệ thế giới từ năm 2001 đến 2003. Đồng tác giả của cuốn “Thời đại khác nhau: tám thế kỷ của sự điên rồ tài chính” (This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly), và cuốn sách mới của ông, "Sự nguyền rủa của tiền mặt" (The Curse of Cash), đã phát hành vào tháng 8 năm 2016.
Nguyễn Vũ Hoàng dịch
Nguồn: “Technology and Inequality”, www.project-syndicate.org, on 6 July 2011
Print Friendly and PDF