20.5.17

Những bài học về các cuộc khủng hoảng tiền tệ

NHỮNG BÀI HỌC VỀ CÁC CUỘC KHỦNG HOẢNG TIỀN TỆ

Jacques ADDA
Vốn mang bản chất và cường độ khác nhau, mỗi cuộc khủng hoảng tiền tệ đòi hỏi những biện pháp khắc phục phù hợp. Nhưng tất cả cho thấy sự mong manh của mối quan hệ xã hội mà đồng tiền dựa vào.
Nói về cuộc khủng hoảng tiền tệ, là gợi lên tính mong manh của khế ước xã hội mà dựa trên đó hình thành nên tiền tệ. Về mặt lịch sử, ban đầu tiền tệ xuất hiện dưới hình thức một loại hàng hóa đặc biệt, thường là một kim loại quý, được chấp nhận như là một phương tiện để thanh toán các khoản nợ được thỏa thuận trong các giao dịch trao đổi (giao dịch thương mại) hoặc ngoài giao dịch trao đổi (các khoản nợ tài chính) và được lưu giữ như là một tài sản dự trữ có giá trị. Giá trị nội tại của đồng tiền, được xác định qua trọng lượng, là cái đảm bảo khả năng thanh toán của nó. Đồng tiền có thể được kiểm định qua cân lượng và được đảm bảo khi mà việc phát hành tiền tệ mang tính tập trung và được một quốc vương bảo đảm, với dấu ấn của người trên mặt sau của đồng tiền.
Các cuộc khủng hoảng tiền tệ đầu tiên xuất hiện dưới hình thức một sự vi phạm khế ước về niềm tin giữa chủ thể tối cao, người phát hành tiền tệ, và thần dân của họ. Thực vậy, trong trường hợp thiếu vàng hay bạc, quốc vương không khỏi bị cám dỗ, mà dân chúng không hề hay biết, giảm thiểu lượng kim loại trong đồng tiền được đúc, giá trị danh nghĩa của đồng tiền không thay đổi. Qua sự thao túng này – phổ biến vào thời Trung Cổ –, Kho bạc có thể cung cấp tài chính cho một mức chi tiêu cao hơn bằng cách thanh toán các khoản nợ bằng một đồng tiền bị giảm giá.
Tính chuyển đổi và khủng hoảng niềm tin
Sự phát triển của đồng tiền tín dụng, ban đầu tại Trung Quốc từ thế kỷ VII, sau đó tại phương Tây vào cuối những năm thời Trung cổ, mở ra một kiểu khủng hoảng khác tập trung vào khả năng chuyển đổi thành vàng hay bạc của các loại tiền giấy được phát hành. Thoát khỏi nền tảng kim loại, đồng tiền lưu thông dưới hình thức thư ủy nhiệm chỉ được chấp nhận như là phương tiện thanh toán trong phạm vi mà khả năng chuyển đổi ra kim loại của nó được đảm bảo nghiêm ngặt. Đây là ý nghĩa của thuật ngữ fiduciaire (đặt cơ sở trên sự tin tưởng), bắt nguồn từ chữ Latin fides có nghĩa là niềm tin, tín nhiệm. Là "đồng tiền tín nhiệm", tiền giấy bắt nguồn từ sự thừa nhận nợ của một nhà buôn, cho phép chủ nợ được thanh toán bằng tiền kim loại từ một ngân hàng. Sau này, vàng và tiền gửi vào ngân hàng dẫn đến việc phát hành các chứng chỉ tiền gửi trả cho người cầm giấy chứng nhận tiền gửi, như vậy có thể được sử dụng như là một phương tiện thanh toán các giao dịch.
Rất nhanh, các ngân hàng thấy rằng họ có thể cho vay nhiều hơn các khoản tiền gửi tại ngân hàng của họ, bởi các yêu cầu chuyển đổi ra kim loại bình quân chỉ chiếm một phần nhỏ số tiền gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên, việc phát hành tiền, ở đây được tiến hành từ lĩnh vực tư nhân, đặt các ngân hàng trước nguy cơ một lượng tiền mặt kim loại được yêu cầu lớn hơn lượng tiền gửi của họ. Trong trường hợp hoạt động cho vay quá mức, niềm tin vào đồng tiền tín dụng này có thể tan biến, gây ra một cuộc tháo chạy rút tiền gửi.
Khủng hoảng có hệ thống và sự mất niềm tin chung
Việc đổ xô rút tiền ngân hàng, thường đồng nghĩa với sự phá sản đối với một ngân hàng cụ thể, không tự nó hình thành nên một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Vấn đề trở nên khác hẳn khi ngân hàng liên quan có quy mô đủ lớn để kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngân hàng khác, gây ra một động thái mất niềm tin chung đối với hệ thống ngân hàng (từ đó mà có thuật ngữ ngân hàng có quy mô hệ thống để nói về kiểu ngân hàng lớn này). Sự hoảng loạn rút tiền ngân hàng, mà ví dụ gây ấn tượng mạnh nhất do cuộc Đại suy thoái tại Hoa Kỳ gây ra (xem khung), có thể phát sinh từ sự sụp đổ của một ngân hàng có quy mô hệ thống, cũng như từ một cú sốc tác động đến toàn bộ ngành ngân hàng, như một vụ sụt giá trái phiếu.
Cuộc hoảng loạn rút tiền ngân hàng tại Hoa Kỳ trong thời kỳ Đại suy thoái
Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ kể từ năm 1930 không thể tách rời với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1929 và của bong bóng tín dụng xảy ra trước đó. Bị phá sản bởi sự sụp đổ giá của cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư không còn khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của họ đối với ngân hàng. Trong khuôn khổ của bản vị vàng, dòng vốn của châu Âu chảy vào Hoa Kỳ đã tạo ra một sự thỏa mái tiền tệ chưa từng có và một sự bùng nổ nợ tư nhân, đến mức vượt quá 200% tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào thời điểm sụp đổ của thị trường chứng khoán.
Tiếp sau sự phá sản của nhiều ngân hàng quy mô nhỏ ở các bang Kentucky và Tennessee vào mùa thu năm 1930, sự mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng lan rộng ra. Vào tháng 12 năm 1930, chỉ cần một tin đồn cũng đủ gây ra một cuộc hoảng loạn rút tiền gửi tại Ngân hàng Hoa Kỳ, ngân hàng lớn thứ ba tại New York vào thời điểm đó. Đối mặt với sự mất niềm tin phổ biến, các ngân hàng đóng băng các hoạt động cho vay và bán tài sản để duy trì thanh khoản, điều đã duy trì vòng xoáy đi xuống của thị trường chứng khoán và làm trầm trọng thêm sự suy thoái. Bị ám ảnh bởi việc phải bảo vệ giá trị tương đương giữa vàng và đồng đô-la, Fed, ngân hàng trung ương của Mỹ chỉ giảm lãi suất từ từ. Đặc biệt, Fed từ chối can thiệp như là người cho vay cuối cùng, chỉ chấp nhận tái cấp vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn với điều kiện phải trao đổi các chứng khoán có giá trị, thứ mà các ngân hàng không còn sở hữu.
Franklin Roosevelt (1882-1945)
Vào mùa xuân năm 1931, sự phá sản của ngân hàng Creditanstalt và cuộc khủng hoảng tiền tệ tiếp sau đó tại Áo, tại Đức và tại Anh đã gây ra một làn sóng mất niềm tin và phá sản ngân hàng lần thứ hai tại Hoa Kỳ. Lo ngại trước việc Hoa Kỳ bắt chước nước Anh và từ bỏ bản vị vàng, nhiều nhà đầu tư, và ngay cả các ngân hàng trung ương, đã yêu cầu chuyển đổi các tài sản bằng đô-la của họ ra thành vàng, dẫn đến một sự thu hẹp cung tiền tệ. Vào tháng 6 năm 1932, người gửi tiền hoảng loạn rút tiền ngân hàng, gây ra sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng của Chicago. Đầu năm 1933, toàn bộ hệ thống ngân hàng của Mỹ đứng trước nguy cơ sụp đổ, một nguy cơ chỉ có thể được ngăn chặn bởi việc đóng cửa tạm thời các ngân hàng theo quyết định của chính quyền Franklin Delano Roosevelt ngay khi ông nhậm chức tổng thống vào ngày 04 tháng 3 năm 1933 và sự cam kết của Fed trong việc hỗ trợ các ngân hàng đang gặp khó khăn. Cuối cùng, trên tổng số 25.000 ngân hàng của Hoa Kỳ trước cuộc khủng hoảng, đã có 11.000 ngân hàng bị phá sản vào năm 1933.
Rõ ràng khả năng này đặt ra vấn đề sự điều tiết hoạt động tín dụng và, ở mức tổng quát hơn, khả năng của các cơ quan quản lý tiền tệ để ngăn ngừa và, trong trường hợp cần thiết, dập tắt các hiện tượng hoảng loạn. Vai trò này thuộc về các ngân hàng trung ương. Từ thế kỷ XIX được giao việc độc quyền phát hành tiền giấy, các ngân hàng trung ương sẽ dần dần đảm bảo vai trò điều tiết thanh khoản ngân hàng và vai trò người cho vay cuối cùng. Để làm điều đó, họ có thể điều chỉnh lượng tiền tệ cho các ngân hàng vay và thiết lập những chuẩn mực về an toàn tín dụng (như nghĩa vụ phải dự trù các khoản dự trữ bắt buộc), cũng như tham gia vào việc cứu giúp những định chế tài chính được coi là quá lớn để thất bại, quá lớn để phá sản. Tiếp theo sau cuộc Đại suy thoái, nhiều biện pháp khác như việc đảm bảo các khoản tiền gửi hay việc tách bạch giữa các ngân hàng tiền gửi với các ngân hàng đầu tư sẽ giúp hạn chế những rủi ro mang tính hệ thống gắn với vị thế chiến lược của các ngân hàng trong quá trình tạo ra tiền.
Bị loại bỏ ở cấp độ các ngân hàng tư nhân, ràng buộc về khả năng chuyển đổi không vì thế mà biến mất. Dưới sự quản lý của các ngân hàng trung ương, khả năng chuyển đổi này sẽ diễn ra trong khuôn khổ của bản vị vàng, với nghĩa vụ bảo đảm hoàn toàn việc phát hành tiền giấy bằng nguồn dự trữ vàng của một nước. Trong trường hợp phát hành quá đáng, thì sự gia tăng của giá cả và/hoặc cầu quá cao trong nước sẽ gây ra tình trạng thâm hụt trao đổi thương mại, mà việc thanh toán bằng vàng sẽ buộc cung tiền tệ co thắt. Được xác định bởi số tiền dự trữ bằng vàng, cung tiền vì vậy không được ngân hàng trung ương kiểm soát. Cuộc khủng hoảng xảy ra khi tình trạng thiếu tiền dự trữ bằng vàng của các ngân hàng trung ương và tình trạng giảm phát tiền tệ mà cuộc khủng hoảng áp đặt xung đột với các lợi ích căn bản của quốc gia, như trong trường hợp tài trợ cho một cuộc chiến hay khi khả năng thanh toán của Nhà nước có nguy cơ xảy ra. Giải pháp sẽ là từ bỏ khả năng chuyển đổi của đồng tiền và thiết lập lưu thông bắt buộc[1], để bảo vệ lượng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trước các yêu cầu chuyển đổi tiền tệ từ các tác nhân tư nhân, và giải phóng chính sách tiền tệ khỏi áp lực bảo vệ tỷ giá hối đoái.
Từ máy in tiền giấy đến siêu lạm phát
Về mặt lịch sử, việc từ bỏ bản vị vàng và chuyển sang đồng tiền tín dụng, tức là chuyển sang một hệ thống tiền tệ trong đó đồng tiền là một giấy nợ không có chỗ tựa nào khác ngoài niềm tin đặt vào nó, diễn ra trong thời kỳ giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất và cuộc khủng hoảng của những năm 1930. Khi đồng tiền được giải phóng khỏi tính chuyển đổi, thì từ nay các ngân hàng trung ương có thể, khi cần thiết, tiền tệ hóa các khoản nợ công, có nghĩa là tạo ra nguồn tài chính bằng việc tạo ra tiền. Trong bối cảnh chiến tranh, được đánh dấu bởi một sự thiếu hụt toàn diện các nguồn lực, thì việc sử dụng giải pháp in tiền ồ ạt chỉ có thể thổi bùng thêm tình trạng lạm phát. Thực vậy, vượt quá một ngưỡng nào đó, lạm phát sẽ tạo ra một sự rối loạn tiền tệ lớn, làm giảm sức mua của tiền lương và làm tan chảy giá trị của các khoản nợ. Bị tác động mạnh bởi sự xói mòn của đồng tiền, tuy nhiên người lao động hưởng lương và các chủ nợ không có cùng một loại vũ khí để đối phó. Trong khi đối tượng thứ nhất phải đấu tranh để níu kéo, một cách muộn màng và không hề trọn vẹn, sức mua của họ, thì đối tượng sau có thể ngưng cho vay và đầu tư vốn ra nước ngoài. Khi xảy ra lạm phát, như trong trường hợp của nước Đức vào những năm 1920, thì sự thoái vốn sẽ làm cho thị trường ngoại hối mất ổn định và tạo ra sự sụt giá của giá trị đối ngoại của đồng tiền. Nếu sự sụt giá này không được kiểm soát, thì nó sẽ không chỉ đảo lộn tất cả các hành vi ứng xử về kinh tế và dự phòng– mỗi người sẽ cố gắng bảo vệ thu nhập và tiền tiết kiệm của họ –, mà còn cả hành vi đầu cơ. Lúc đó, người ta sẽ chứng kiến ​​một sự bùng nổ về giá cả, tiền lương và lãi suất, làm cho tình trạng lạm phát càng tăng tốc và có khả năng biến thành siêu lạm phát[2]. Một hiện tượng mà nhiều nước của châu Mỹ Latinh vào những năm 1980 và của Đông Âu vào những năm 1990 đã từng trải qua.
Khủng hoảng và sự sụt giá cạnh tranh
Với sự trở lại của bản vị vàng vào cuối những năm 1920, xuất hiện một dạng khủng hoảng tiền tệ khác. Cuộc khủng hoảng này diễn ra xung quanh việc bảo vệ tỷ giá hối đoái trong một bối cảnh tự do luân chuyển vốn. Được ca ngợi vào thời điểm đó bởi tính ổn định của nó, bản vị vàng không có khả năng ngăn chặn sự xuống cấp của cán cân thanh toán[3] kể từ khi tư bản được tự do luân chuyển.
Winston Churchill (1874-1965)
Vương quốc Anh đã trải qua kinh nghiệm buồn nói trên, dưới sự lãnh đạo kém phần sáng suốt của Winston Churchill, khi vào năm 1925, ông quyết định khôi phục lại tỉ giá vàng của đồng bảng Anh về mức trước chiến tranh. Với một đồng bảng Anh giá cao, cán cân thanh toán chỉ có thể được bảo vệ bằng một chính sách tiền tệ chặt chẽ và bằng một sự giảm phát mạnh của giá cả và tiền lương. Sự cân bằng mỏng manh này không chịu được cuộc Đại khủng hoảng và chính xác hơn là cuộc khủng hoảng tài chính ở nước Đức vào năm 1931, gây ra sự thoái vốn các khoản đầu tư ngắn hạn trên sàn London và làm cho tình trạng đầu cơ chống lại đồng bảng Anh càng dữ dội hơn. Đối diện trước tình trạng thất nghiệp đại trà và tình trạng giảm phát, chính phủ Anh lúc đó đã quyết định từ bỏ bản vị vàng, để đồng bảng Anh mất 25% giá trị.
Robert Mundell (1932-)
Bản vị vàng đã qua đi, nhưng các cuộc khủng hoảng hối đoái vẫn còn đó. Thậm chí chúng còn là một nét lặp lại của hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, bất luận là hệ thống Bretton Woods (1944-1971), con rắn tiền tệ (1972-1976), hay là hệ thống tiền tệ châu Âu (EMS, 1979-1999). Cũng giống như bản vị vàng trước giai đoạn toàn cầu hóa tài chính đầu tiên trong thế kỷ XX, một chế độ tỷ giá hối đoái cố định chỉ đứng vững được theo thời gian nếu kiểm soát được các dòng vốn một cách hợp lý, như trường hợp của hệ thống Bretton Woods (xem khung), và gần đây hơn, là chế độ tỷ giá hối đoái của Trung Quốc cho đến năm 2005. Vốn càng được tự do luân chuyển ở ngoài biên giới quốc gia, thì chính sách tiền tệ càng bị hạn chế bởi việc bảo vệ tỷ giá hối đoái và như vậy thì sẽ không có khả năng theo đuổi các mục tiêu trong nước, như vấn đề toàn dụng lao động và ổn định giá cả, một điều được tóm tắt trong tam giác bất khả thi của Mundell (The Impossible Trinity, hay Inconsistent Trinity, hay Triangle of Impossibility: một  quốc gia  không thể đồng thời thực hiện cùng một lúc 3 mục tiêu chính sách vĩ mô – Ổn định tỷ giá, Tự do hóa dòng vốn, và Chính sách tiền tệ độc lập – ND). Chính sự hạn chế bên ngoài này đã dẫn đến việc nước Pháp thoát khỏi con rắn tiền tệ vào năm 1976, nước Anh ra khỏi EMS vào năm 1992 hay nước Argentina từ bỏ Quỹ phát hành tiền tệ của họ[4] vào năm 2001.
Cuộc khủng hoảng đồng đô-la và sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods
Là đồng tiền duy nhất có thể chuyển đổi thành vàng vào giai đoạn cuối của cuộc Đại suy thoái, đồng đô-la đã đạt được, về mặt lôgic, quy chế tiền tệ quốc tế sau Thế Chiến II, một quy chế được các thỏa thuận Bretton Woods chính thức hóa vào tháng 7 năm 1944. Trong chế độ tiền tệ được thể chế hóa bởi các thỏa thuận này– bản vị vàng hối đoái (Gold Exchange Standard) – các tỉ giá cố định của các đồng tiền được xác định so với đồng đô-la mà giá trị vẫn cố định so với vàng. Sự ổn định của hệ thống dựa vào niềm tin của các ngân hàng trung ương và của các nhà đầu tư vào đồng đô-la, một niềm tin xét đến cùng phụ thuộc vào tỷ lệ giữa khối lượng đồng đô-la đang lưu thông bên ngoài Hoa Kỳ và giá trị khối lượng vàng dự trữ của Mỹ, theo tỷ giá cố định là 35 đô-la ​​cho một ounce vàng.
Richard Nixon (1913-1994)
Ngày nào các nước còn lại của thế giới còn cần đến vốn của Mỹ để tài trợ cho quá trình tái thiết và hiện đại hóa, thì thâm hụt cán cân cơ bản[5] của Mỹ không có vấn đề gì. Đồng đô-la thặng dư có thể được các ngân hàng trung ương tích lũy, nó là một tài sản an toàn như vàng và có lãi suất. Sự bất ổn của hệ thống xuất hiện khi dòng vốn ra nước ngoài của Mỹ (viện trợ quốc tế, chiến tranh Việt Nam, đầu tư trực tiếp) vượt quá nhu cầu đi vay của các nước còn lại của thế giới. Tình huống này xảy ra vào cuối những năm 1950, khi mà khối lượng dự trữ đồng đô-la của các ngân hàng trung ương đã vượt quá giá trị khối lượng vàng dự trữ của Mỹ theo tỉ giá chính thức (xem biểu đồ), khuyến khích tình trạng đầu cơ dựa trên khả năng có thể giảm giá đồng đô-la so với vàng. Trước yêu cầu chuyển đổi đồng đô-la sang vàng ngày càng nhiều, tình trạng giảm khối lượng vàng dự trữ của Mỹ càng củng cố thêm khả năng phá giá đồng đô-la. Thời điểm đoạn tuyệt ấy đã đến vào ngày 15 tháng 8 năm 1971, khi Tổng thống Nixon tuyên bố chấm dứt tính chuyển đổi của đồng đô-la, mở đầu cho sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods và sự thả nổi tiền tệ.
DỰ TRỮ VÀNG CỦA HOA KỲ VÀ CỦA PHẦN CÒN LẠI CỦA THẾ GIỚI VÀ CÁC KHOẢN NỢ BÊN NGOÀI CỦA HOA KỲ (1945-1970), ĐƠN VỊ TÍNH TRIỆU ĐÔ-LA.
Tuy giải phóng được chính sách tiền tệ nhưng việc thả nổi tiền tệ sẽ phải trả giá bằng một sự không ổn định về tỷ giá hối đoái, tạo ra một mối đe dọa thường xuyên đối với sự ổn định tài chính và tự do trao đổi thương mại. Tác động của các chính sách nới lỏng định lượng[6] gần đây đối với các tỷ giá hối đoái, tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và từ nay trong khu vực sử dụng đồng euro, cho thấy sự cám dỗ để xuất khẩu khủng hoảng qua việc hạ giá cạnh tranh đồng tiền luôn mang tính thời sự. Nếu các Nhà nước đã học được bài học của những năm 1930 về sự ổn định của các hệ thống ngân hàng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, thì họ vẫn còn chống lại việc thiết lập điều hình thành nên nền tảng của sự ổn định tiền tệ và tài chính quốc tế: sự hợp tác quốc tế qua việc phối hợp mang tính hệ thống các chính sách kinh tế.

Để tìm hiểu thêm
Exorbitant Privilege. The Rise and Fall of the Dollar and the Future of the International Monetary System (Đặc quyền quá đáng. Sự thăng trầm của đồng đô-la và tương lai của hệ thống tiền tệ quốc tế), của Barry Eichengreen, Oxford University Press, 2011.
Resolution of Banking Crises: The Good, the Bad, and the Ugly (Giải quyết các cuộc khủng hoảng ngân hàng: Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại), của Luc Laeven và Fabian Valencia, IMF Working Paper số WP/10/146, tháng 6 năm 2010.
Systematic Banking Crises Database:  An Update (Cơ sở dữ liệu của các cuộc khủng hoảng ngân hàng mang tính hệ thống: Báo cáo cập nhật), của Luke Laeven và Fabian Valencia, IMF Working Paper số WP/12/163, tháng 6 năm 2012.
Jacques Adda
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les leçons des crises monétaires, trong La monnaie et ses mystères, Alternatives Economiques, 1.4.2015.




[1] Chế độ lưu thông bắt buộc: chế độ tiền tệ mà tiền giấy không thể chuyển đổi thành vàng hay bạc.

[2] Siêu lạm phát: tăng tốc liên tục của tỷ lệ lạm phát.

[3] Cán cân thanh toán: tài khoản hiển thị lại toàn bộ các giao dịch (trao đổi hàng hoá và dịch vụ, dịch chuyển vốn) kéo theo các khoản thanh toán có xuất xứ từ nước ngoài hay gửi đến nước ngoài.

[4] Quỹ phát hành tiền tệ: chế độ tiền tệ trong đó tỉ giá phải cố định so với một ngoại tệ (thường là đồng đô-la) và việc phát hành tiền tệ được hạn chế nghiêm ngặt bởi khối lượng dự trữ ngoại tệ ấy.

[5] Cán cân cơ bản: tài khoản ghi các luồng ngoại tệ vào và ra một quốc gia nhất định, không bao gồm các khoản vốn ngắn hạn (được coi là các giao dịch ngân quỹ).

[6] Nới lỏng định lượng: chính sách của ngân hàng trung ương mua lại các khoản nợ công và tư nhân, nhằm làm giảm lãi suất trong dài hạn, cũng như khuyến khích giảm tỉ giá hối đoái.

Print Friendly and PDF