30.5.17

William Baumol, người có lý thuyết kinh tế nổi tiếng giải thích thế giới hiện đại, đã qua đời

WILLIAM BAUMOL, NGƯỜI CÓ LÝ THUYẾT KINH TẾ NỔI TIẾNG GIẢI THÍCH THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI, ĐÃ QUA ĐỜI
Nhà kinh tế học William Baumol vào năm 2005.
William Baumol – một nhà kinh tế học vừa qua đời ở tuổi 95 – đã có một ý tưởng nổi tiếng, thường được biết đến là căn bệnh chi phí của Baumol, giải thích rất nhiều vấn đề về thế giới hiện đại của chúng ta.
Nó giải thích lý do tại sao người thợ cắt tóc tại San Francisco có thu nhập nhiều hơn người thợ cắt tóc tại Cleveland và tại sao giá cả các dịch vụ như chăm sóc y tế và giáo dục trở nên đắt đỏ hơn. Và nó mang lại một giải thích khả dĩ về lý do tại sao các nước giàu như Mỹ dành ngày càng nhiều lực lượng lao động cho các lĩnh vực dịch vụ năng suất thấp, kéo tụt tốc độ tăng trưởng năng suất trong toàn nền kinh tế.
Trong những năm 1960, Baumol đã cố tìm hiểu kinh tế học nghệ thuật, và ông nhận thấy một điều gì đó đáng kinh ngạc: các nhạc sĩ không tăng thêm năng suất được nữa – việc trình diễn một tác phẩm viết cho một bộ tứ đàn dây với bốn nhạc sĩ vào năm 1965 chiếm một lượng thời gian giống như vào năm 1865 – nhưng các nhạc sĩ của năm 1965 kiếm được nhiều tiền hơn so với các nhạc sĩ của năm 1865.
Người ta không quá khó để tìm ra lời giải thích. Việc tăng năng suất của người lao động trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế, chẳng hạn như ngành sản xuất, đã đẩy tiền lương tăng cao. Định chế nghệ thuật nào đòi hỏi phải trả mức lương của các nhạc sĩ những năm 1860 cho các nhạc sĩ của nền kinh tế những năm 1960, sẽ thấy rằng các nhạc sĩ của họ liên tục bỏ việc [nhạc sĩ] để tìm việc khác. Vì vậy các định chế nghệ thuật – ít nhất là những định chế nào đủ khả năng trả lương – đã phải nâng lương của các nhạc sĩ để thu hút và giữ chân những nhạc sĩ giỏi nhất.
Hệ quả là việc tăng năng suất trong ngành sản xuất của nền kinh tế không tránh khỏi việc đẩy chi phí của những ngành dịch vụ thâm dụng lao động như các buổi trình diễn nhạc sống. Đồng thời việc năng suất tăng cho phép các nhà máy cắt giảm giá thành và tăng lương. Nhưng khi tiền lương tăng lên, thì các điểm trình diễn âm nhạc không có lựa chọn nào khác là tăng giá vé để trang trải cho những chi phí cao hơn.
Điều này được biết đến như là căn bệnh chi phí của Baumol, và Baumol nhận ra rằng nó có hệ quả vượt xa ngành nghệ thuật. Điều đó hàm ý rằng trong một thế giới với tiến bộ công nghệ nhanh, chúng ta nên kỳ vọng rằng chi phí sản xuất hàng hoá – xe hơi, điện thoại thông minh, áo thun, chuối, v.v. – giảm xuống, trong khi chi phí các dịch vụ thâm dụng lao động – giáo dục ở nhà trường, chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em, cắt tóc, huấn luyện thể lực, dịch vụ pháp lý, v.v. – tăng lên. Và đây chính xác là những gì mà dữ liệu cho thấy:
Từ thập niên này đến thập niên khác, chi phí chăm sóc y tế và giáo dục ngày đã trở nên đắt đỏ hơn, trong khi chi phí cho quần áo, ô-tô, đồ đạc trong nhà, đồ chơi cho trẻ con và các mặt hàng sản xuất khác đều giảm so với tỷ lệ lạm phát chung – giống chính xác như mô hình của Baumol đã dự đoán cách đây nửa thế kỷ.
Căn bệnh chi phí của Baumol là một công cụ mạnh mẽ để hiểu được thế giới kinh tế hiện đại. Ví dụ, tôi cho rằng việc chi phí giáo dục và chăm sóc y tế liên tục tăng cao không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy bất cứ điều gì sai trong những các khu vực kinh tế này. Ít nhất cho đến khi chúng ta phát minh ra các robot giáo sư, giáo viên, bác sĩ và y tá, thì chúng ta nên kỳ vọng chi phí của các ngành năng suất thấp này của nền kinh tế sẽ đắt đỏ hơn nữa.
Trong khi một số người cho rằng việc giá cả tiếp tục tăng cao là vì chính phủ trợ cấp cho ngành chăm sóc y tế thông qua các chương trình như Medicare [bảo hiểm y tế] và cho ngành giáo dục đại học/cao đẳng thông qua các khoản cho sinh viên vay và trợ cấp cho sinh viên, bạn sẽ thấy mô hình cơ bản tương tự với các dịch vụ như các trại hè, các dịch vụ thú y, và các buổi trình diễn ở Broadway, những thứ không bị các quy định và trợ cấp của chính phủ giới hạn.
Derek Thompson
Tất nhiên, như Derek Thompson thuộc Đại học Atlantic đã chỉ ra một vài năm trước đây, việc chi phí của rất nhiều ngành dịch vụ như thế đang tăng nhanh hơn tiền lương, cho thấy căn bệnh của Baumol không phải là toàn bộ câu chuyện. Ví dụ, các trường đại học đã thuê một đội ngũ khổng lồ các quản trị viên và xây dựng ngày càng nhiều tiện ích xa hoa để thu hút những sinh viên giỏi nhất. Nhân tố cơ bản chủ yếu ở đây là thu nhập ngày càng tăng của những người Mỹ giàu nhất – người giàu đang mua những dịch vụ như các buổi trình diễn ở Broadway, các điểm cắm trại mùa hè và các chương trình giáo dục của Đại học Harvard còn nhanh hơn bất cứ ai có thể mở rộng nguồn cung.
Nhưng ngay cả khi tìm ra cách làm giảm chi phí của các loại hình dịch vụ này, thì chúng ta không nên kỳ vọng chúng rẻ hơn cách thức mà truyền hình và những chiếc áo thun đã làm, về lâu về dài. Giá cả các dịch vụ này nhất thiết phải đắt đỏ bởi vì chúng cần đến rất nhiều lao động của con người để cung cấp dịch vụ, và những người lao động đó xứng đáng được trả lương cao.
Steven Pearlstein
Và như Steven Pearlstein đã lập luận, điều này có một hệ quả rất quan trọng đối với chính sách của chính phủ. Hầu hết các ngân sách của liên bang và của bang đều chi cho các dịch vụ – thực thi pháp luật, giáo dục, chăm sóc y tế, tòa án, v.v. – những thứ liên quan đến căn bệnh chi phí của Baumol. Chi tiêu của chính phủ cho các loại dịch vụ này đã tăng lên một cách không chặn đứng được trong những thập niên gần đây, và nhiều người thuộc phe bảo thủ xem đó là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn với cách thức mà chính phủ cung cấp các dịch vụ này.
Nhưng công trình của Baumol gợi ý một cách giải thích khác: Đây đơn giản là điều không thể tránh khỏi khi giá cả các dịch vụ này sẽ còn đắt đỏ hơn nữa theo thời gian, ít nhất là so với các hàng hóa sản xuất của khu vực tư nhân như ti-vi và ô-tô. Việc giá cả các chi phí dịch vụ tăng cao là một hiệu ứng phụ không thể tránh khỏi của sự giàu có ngày càng tăng cao. Có điều chắc chắn là chúng ta không có cách nào để duy trì mức sống hiện tại trong khi vẫn cắt giảm chi phí của các dịch vụ này trở ngược về với mức chi phí của những năm 1950.
Sự đổi mới sáng tạo nhanh có thể dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế chậm như thế nào
Nhìn sự việc theo cách này gợi ý một câu trả lời khả dĩ cho một trong những bí ẩn lớn nhất của nền kinh tế của Mỹ: làm thế nào để một sự đổi mới sáng tạo có vẻ nhanh có thể được kết hợp với một tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Khi mà việc sản xuất đã trở nên hiệu quả hơn, thì giá cả các mặt hàng được sản xuất như áo thun và ti-vi sẽ giảm. Vào một thời điểm nào đó, phòng khách và tủ quần áo của chúng ta đã đầy đủ và chúng ta không cần bất kỳ thứ gì khác nữa, thế thì chúng ta sẽ chi tiêu ngày càng ít hơn khi giá cả giảm.
Chúng ta sẽ làm gì với những khoản tiền tiết kiệm này? Chúng ta sẽ chi tiêu vào những thứ không thể rẻ hơn nữa. Nếu bạn sống ở một thành phố như New York hay San Francisco, thì điều này có nghĩa là bạn phải trả tiền thuê nhà rất cao. Nhưng đối với rất nhiều người, những thứ đang chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong ngân sách của họ là những dịch vụ thâm dụng lao động đang ngày càng tăng lên trong biểu đồ ở trên: giáo dục, chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em, ăn ngoài (ăn tiệm), v.v..
Kết quả là nền kinh tế của chúng ta ngày càng tận tâm tạo ra những dịch vụ đó, và ngày càng có nhiều người lao động tập trung vào việc cung cấp những dịch vụ đó.
Vấn đề là nếu phần lớn lực lượng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ năng suất thấp như y tá, luật sư, và người giữ trẻ, thì ngay cả sự tăng trưởng nhanh về năng suất trong ngành sản xuất cũng không có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Trên thực tế, sự đổi mới sáng tạo có thể làm cho tình thế trở nên tồi tệ hơn khi làm cho người tiêu dùng chuyển sang chi nhiều hơn cho các dịch vụ năng suất thấp.
Sự phản biện ở đây là sự đổi mới sáng tạo cũng có thể tự động hóa các việc làm trong ngành dịch vụ, và một số điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Ví dụ như người lái xe taxi là người lao động dịch vụ có nhiều khả năng mất việc, trước việc có xe tự lái, trong vòng 15 năm tới.
Nhưng rất nhiều người lao động dịch vụ đang làm những việc mà dường như có rất ít khả năng được tự động hóa hoàn toàn. Không ai muốn có một robot làm giáo viên hoặc làm người giữ trẻ, ví dụ. Và ngay cả khi có được phần mềm với những khả năng chẩn đoán tiên tiến, bệnh nhân vẫn muốn các bác sĩ chẩn đoán và giải thích bệnh tình và vẫn muốn các y tá chăm sóc trực tiếp.
Vì thế, Baumol đã giúp chúng ta hiểu được không chỉ nền kinh tế của hôm nay mà còn giúp hiểu được con đường khả dĩ cho tương lai của nền kinh tế. Ông đã giải thích lý do tại sao giá cả các dịch vụ thâm dụng lao động ngày càng đắt đỏ khi nền kinh tế phát triển. Và những loại dịch vụ này có nhiều khả năng là tương lai của nền kinh tế toàn cầu.
Timothy B. Lee
Phóng viên cao cấp
Chuyên trách lĩnh vực công nghệ và kinh tế học. Là biên tập viên chính của bộ phận Vox's New Money.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF