THEO IMF: TOÀN CẦU HÓA NỀN TÀI CHÍNH NUÔI DƯỠNG SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG
Christian Chavagneux
Đối với các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), không còn nghi ngờ gì nữa: khi một nước mở cửa nền kinh tế của mình để đón nhận những làn gió đầu tư tài chính lớn trên thế giới, thì sẽ có sự gia tăng bất bình đẳng xã hội. Đó là kết luận của một nghiên cứu thực nghiệm tại 149 nước trong giai đoạn 1970-2010.
Ba kênh truyền tải
Những cơ chế gắn sự bất bình đẳng với sự mở cửa tài chính là gì? IMF nhận diện có ba cơ chế.
Đầu tiên, sự tự do hóa cho phép những người khá giả nhất tiếp cận được còn nhiều hơn nữa nguồn vốn tín dụng. Như vậy, tại những nước mà mọi người có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, thì mức gia tăng bất bình đẳng sẽ khá thấp. Ngược lại, tại những nước có "mức hội nhập tài chính thấp", có nghĩa là khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dành cho một bộ phận dân cư ít hơn, thì sự bất bình đẳng gia tăng đáng kể.
Sau đó, sự tự do hóa làm gia tăng những cú sốc gắn với các cuộc khủng hoảng tài chính. Những biến động tài chính trên thế giới đã không ngừng lặp lại và có cường độ ngày càng lớn hơn kể từ những năm 1970. Tác động của chúng đến sự bất bình đẳng diễn ra ở mức đáng kể và mạnh hơn một chút so với tác động trên đây liên quan đến cơ chế thứ nhất.
Cuối cùng, qua thực tế hoặc sự đe dọa thoái vốn đầu tư, sự tự do hóa tài chính đã dẫn đến một cán cân quyền lực có lợi cho người sử dụng lao động và một sự suy giảm tiền lương trong việc phân phối thu nhập. Tác động không chỉ diễn ra ở mức đáng kể mà còn lâu dài nữa.
Việc tự do hóa nền tài chính làm tăng nguy cơ khủng hoảng, trong đó các tác động đến sự bất bình đẳng diễn ra ở mức đáng kể và lâu dài
Các nhà kinh tế của IMF kết luận rằng các nghiên cứu của họ không dẫn đến việc tư vấn cho các nước từ chối mọi hình thức tự do hóa nền tài chính. Nhưng họ muốn nhấn mạnh rằng những nước mà việc giảm thiểu sự bất bình đẳng là một mục tiêu quan trọng của chính sách kinh tế thì nên cẩn thận khi muốn mở cửa đón nhận các chuyển động vốn đầu tư quốc tế.
Bởi vì một kết quả khác hiện ra khá rõ: một nước càng tự do hoá nền tài chính, thì những tác động đến sự bất bình đẳng càng diễn ra đáng kể hơn; nhưng sau đó nếu họ quyết định đóng cửa lại biên giới một chút, thì tác động đến việc giảm thiểu sự bất bình đẳng diễn ra không đáng kể về mặt thống kê. Tốt nhất là không được nhầm lẫn về điều đó.
Christian Chavagneux là cây bút viết xã luận của AlterEcoPlus và Alternatives Economiques. Ông cũng từng là trưởng ban biên tập của L’économie politique trong 15 năm, một tạp chí mà ông đã tham gia vào năm 1999 trong Scop Alternatives Economiques.
Thierry Philipponnat |
Christian Chavagneux |
Đỗ bằng Tiến sĩ Kinh tế và tốt nghiệp trường London School of Economics, ông là một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề kinh tế vĩ mô, toàn cầu hóa, đặc biệt là về các thiên đường thuế và sự điều tiết các ngân hàng và tài chính, những chủ đề mà ông đã viết trong nhiều cuốn sách. Ông đã nhận được Giải thưởng dành cho tác phẩm tài chính hay nhất vào năm 2012. Cuốn sách mới nhất của ông, đồng tác giả với Thierry Philipponnat có tựa đề là La capture: où l'on verra comment les intérêts financiers ont pris le pas sur l'intérêt général – Sự vay bắt: nơi sẽ biết được làm thế nào các lợi ích tài chính được ưu tiên hơn các lợi ích công cộng và làm thế nào để kết thúc tình hình này (NXB La découverte, năm 2014). Ông là thành viên ban biên tập của tạp chí Esprit.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: FMI: la mondialisation financière nourrit les inégalités, AlterEcoPlus, 10/12/2015