10.5.17

William J. Baumol, một nhà kinh tế học không chạy theo thời thượng

William Baumol (1922-2017)

WILLIAM J. BAUMOL, MỘT NHÀ KINH TẾ HỌC KHÔNG CHẠY THEO THỜI THƯỢNG

Gilles Dostaler
Nhà kinh tế học người Mỹ William Jack Baumol đã qua đời vào ngày 04 tháng 5 năm 2017, hưởng thọ 95 tuổi. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Những suy ngẫm của ông về năng suất và lý thuyết thị trường tranh chấp là những đóng góp chính. Năm 2008, Gilles Dostaler, nhà sử học về tư tưởng kinh tế và cộng tác viên của trang Alternatives Economiques, đã viết một bài về William Jack Baumol trong loạt bài của ông về những nhân vật vĩ đại trong tư tưởng kinh tế, mà chúng tôi xin đăng lại dưới đây.
Jack William Baumol là một trong những nhà kinh tế có nhiều bài viết nhất thuộc thế hệ của ông. Ông là tác giả của khoảng 500 bài báo khoa học và 35 cuốn sách, sách là phương thức truyền bá ý tưởng, trong kinh tế học, ngày càng ít được áp dụng. Các đóng góp của ông thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng nhất: kinh tế học phúc lợi, kinh tế học tiền tệ, động thái và tăng trưởng, kinh tế học công nghiệp, kinh tế học môi trường, chính sách kinh tế, kinh tế học đô thị, kinh tế học nghệ thuật, lịch sử tư tưởng kinh tế. Ông đã xuất bản một hợp tuyển các bài viết kinh điển về kinh tế toán học, kể từ thế kỷ 18.
Đây là một trong số ít các nhà kinh tế học, ngoại trừ Keynes, đã nghiên cứu lý thuyết của Freud về tiền tệ một cách nghiêm túc
J. M. Keynes (1883-1946)
Sigmund Freud (1856-1939)
Vừa là một trong những người đầu tiên, trong bài viết nổi tiếng của ông vào năm 1952, đã tích hợp cầu tiền tệ trong một phân tích được mở rộng cho nhiều loại hình tài sản, ông cũng còn là một trong số ít các nhà kinh tế, ngoài Keynes, đã xem trọng lý thuyết của Freud về tiền bạc. Ông đã viết một bài báo tỉ mỉ và chính xác về Mozart và kinh tế học về sáng tác âm nhạc ở Vienna vào thời bấy giờ. Là tác giả của một trong những giáo trình nhập môn về kinh tế học được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, được tái bản lần thứ 10 vào năm 2005, Baumol cũng là một họa sĩ và là một nhà điêu khắc trên gỗ nổi tiếng. Ông dành nhiều thời gian cho các hoạt động đó, triển lãm các tác phẩm của mình và giảng dạy tại Đại học Princeton, ngoài kinh tế học, về điêu khắc trên gỗ.
Chống lại các mô hình trừu tượng
Là nhà toán học hoàn hảo, Baumol thường ứng dụng nhiều nhất các kỹ thuật phức tạp vào các công trình của mình: kinh trắc học, vận trù học, quy hoạch tuyến tính, phân tích các hoạt động. Tuy nhiên, ông cho rằng trong lĩnh vực phương pháp luận kinh tế, không có một con đường độc nhất và rằng các phương pháp – toán học, kinh trắc học, thể chế, lịch sử, tân cổ điển hay khác – cần phải được lựa chọn tùy thuộc vào các vấn đề được giải quyết. Ông cáo buộc nhiều đồng nghiệp tự thỏa mãn với việc xây dựng những mô hình trừu tượng như là một cứu cánh tự thân, trong khi vấn đề là “hiểu được thực tế để cải thiện hoàn cảnh mà con người đang sinh sống”: “cung cấp việc làm cho những người thất nghiệp, nâng cao mức sống cho những người vô gia cư, ngăn ngừa nạn nhiễm độc của bầu khí quyển và sự xuống cấp của môi trường[1].
Ông luôn cho rằng không nên nhầm lẫn giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa toàn trị Xô-viết
Karl Marx (1818-1883)
Paul Samuelson (1915-2009)
Ông viết, những mục tiêu xã hội mà ông rao giảng luôn đến từ phe cánh tả. Bố mẹ ông, những người nhập cư Do Thái từ Ba Lan, là những người được chủ nghĩa Mác thuyết phục. Do đó, Baumol đã tiếp cận từ rất trẻ những tác phẩm của Marx, mà ông biết rất rõ và được ông đề cập đến, ví dụ trong cuốn sách đầu tiên của ông. Ông luôn cho rằng không nên nhầm lẫn giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa toàn trị Xô-viết. Năm 1971, về vấn đề chuyển hóa giá trị thành giá cả sản xuất của Marx, Paul Samuelson công bố một bài báo, đã làm hao tốn nhiều giấy mực, trong đó tác giả kết luận rằng lý thuyết về giá trị và giá trị thặng dư là một đường vòng phát hiện không cần thiết. Baumol đã đáp trả lại bằng cách cáo buộc Samuelson đã không hiểu gì ý nghĩa của lý thuyết của Marx.[2]
Căn bệnh chi phí
Sau một nghiên cứu lâu dài về nghệ thuật sân khấu, Baumol đã trình bày lý thuyết của ông về “căn bệnh chi phí” (cost disease) còn được gọi là “căn bệnh Baumol”. Trong lãnh vực hoạt động này, không thể có những thay đổi kỹ thuật dẫn đến những gia tăng đáng kể về năng suất. Ví dụ, các buổi diễn tập để trình diễn một vỡ độc tấu bộ tứ đàn dây ngày nay chiếm một khoảng thời gian giống như thời của Beethoven. Nhưng kể từ thời đó, năng suất trong lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế đã không ngừng tăng trưởng với một tốc độ đôi khi ngoạn mục. Từ đó, các chi phí liên quan trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã không ngừng gia tăng và chỉ có sự gia tăng các nguồn chuyển khoản tài chính, từ nguồn công hay nguồn tư nhân, mới có thể giúp duy trì một trình độ giống nhau về biểu diễn.
Các buổi diễn tập để trình diễn một vỡ độc tấu bộ tứ đàn dây ngày nay chiếm một khoảng thời gian giống như thời của Beethoven
Đó cũng là điều tương tự trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như giáo dục, y tế và, nói chung, trong hầu hết các dịch vụ, trong đó cường độ lao động đã được nâng cao và các khả năng tiến bộ công nghệ thì giảm xuống. Trong lãnh vực sản xuất, vị trí của lao động có thể giảm đi một cách vô hạn, trong khi trong lĩnh vực dịch vụ, thì bản thân lao động thường là sản phẩm cuối cùng. Chính sự tăng trưởng năng suất trong nông nghiệp và trong sản xuất, kết hợp với tình trạng gần như đình trệ trong lĩnh vực dịch vụ, là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tỷ lệ việc làm trong hai lãnh vực đầu tiên, chớ không phải, như nhiều người thường nghĩ, là một quá trình phi công nghiệp hóa.
1922: sinh ngày 26 tháng 2 tại New York.
1939-1942: học tại trường Cao đẳng Thành phố New York, nơi ông tốt nghiệp cử nhân. Ông cũng học tại trường Art Student’s League.
1942-1943 và 1946: làm nhà kinh tế tại Bộ Nông nghiệp ở Washington.
1943-1946: nhập ngũ trong quân đội Mỹ, ông phục vụ tại nhiều thành phố khác nhau trong đó có Rouen.
1946-1949: học tại trường London School of Economics, nơi ông bắt đầu công tác giảng dạy và lấy bằng tiến sĩ kinh tế.
1949-1992: giáo sư dự khuyết, rồi giáo sư thực thụ [1954] tại Đại học Princeton.


1951: đồng tác giả với Raph Turvey, Economic Dynamics [Các động thái kinh tế].
1952: Welfare Economics and the Theory of State, NXB Longmans Green. The Transaction Demand for Cash: An Inventory Theoretic Approach” [Kinh tế học phúc lợi và lý thuyết về Nhà nước. Cầu giao dịch về tiền mặt: Một cách tiếp cận theo lý thuyết về hàng tồn kho”], Tạp chí Quarterly Journal of Economics.
1954: đồng tác giả với Lester V. Chandler, Economic Processes and Policies [Các quy trình và chính sách kinh tế], NXB Harper & Brothers.
1959: Business Behavior, Value and Growth [Hành vi kinh doanh, giá trị và tăng trưởng], NXB McMillan.


1961: Economic Theory and Operations Analysis [Lý thuyết kinh tế và phân tích vận trù học], NXB Dunod, 1963.
1965: The Stock Market and Economic Efficiency [Thị trường chứng khoán và hiệu quả kinh tế], NXB Fordham University Press.
1966: đồng tác giả với William G. Bowen, Performing Arts: The Economic Dilemma [Nghệ thuật biểu diễn: Thế lưỡng nan kinh tế], NXB Twentieth Century Fund.
1971-2008: Giáo sư và Giám đốc Trung tâm C. V.  Starr về kinh tế học ứng dụng, thuộc Đại học New York.
1975: đồng tác giả với Wallace E. Oates, The Theory of Environmental Policy [Lý thuyết về chính sách môi trường], NXB Cambridge University Press.


1979: đồng tác giả với Wallace E. Oates và Sue Anne Batey Blachman, Economics Environmental Policy and the Quality of Life [Kinh tế học về chính sách môi trường và chất lượng cuộc sống], NXB Prentice-Hall. Đồng tác giả với Allan S. Blinder, Economics: Principles and Policy [Kinh tế học: Các nguyên lý và chính sách], NXB Etudes vivantes, 1986.
1981: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế của Mỹ.
1982: đồng tác giả với John C. Panzar và Robert D. Willig, Contestable Markets and the Theory of Industry Structure [Các thị trường tranh chấp và lý thuyết về cơ cấu ngành], NXB Harcourt Brace Jovanovich.
1984: đồng tác giả với Hilda Baumol, Inflation and the Performing Arts [Lạm phát và nghệ thuật biểu diễn], NXB New York University Press.


1986: Superfairness: Application and Theory [Siêu công bằng: ứng dụng và lý thuyết], NXB MIT Press.
1989: đồng tác giả với Sue Anne Batey và Edward N. Wolff Blachman, Productivity and American Leadership: The Long View [Năng suất và sự lãnh đạo của Mỹ: Tầm nhìn dài hạn], NXB MIT Press.
1994: đồng tác giả với Richard R. Nelson và Edward N. Wolff, Convergence of Productivity: Cross-National Studies and Historical Evidence [Sự hội tụ về năng suất: Các nghiên cứu liên quốc gia và bằng chứng lịch sử], NXB Oxford University Press.


2002: The Free-Market Innovation Machine: Analyzing the Growth-Miracle of Capitalism [Cỗ máy đổi mới thị trường tự do: phân tích phép mầu tăng trưởng của chủ nghĩa tư bản], NXB Princeton University Press.
Baumol cũng cho rằng trong dài hạn, sẽ có một xu hướng hội tụ các mức năng suất, công nghệ và thu nhập bình quân đầu người giữa các nước công nghiệp hóa, khoảng cách giữa nền kinh tế thống trị là nền kinh tế của Hoa Kỳ, và nền kinh tế của các nước khác sẽ co lại. Hiện tượng này, đặc biệt, phát sinh từ những chuyển giao công nghệ. Một trong những cuốn sách sau cùng của Baumol được dành suy ngẫm về sự tăng trưởng của chủ nghĩa tư bản, một sự tăng trưởng vượt qua sự tăng trưởng của bất kỳ loại hình kinh tế nào khác. Ông quy điều này cho những áp lực đổi mới sáng tạo mà thị trường tự do áp đặt lên các doanh nghiệp, những áp lực mà đối với họ là một vấn đề sống hay chết.
Một tầm nhìn mới về doanh nghiệp và thị trường
Joan Robinson (1903-1983)
E. Chamberlain (1899-1967)
Từ thời kỳ tiến hành những nghiên cứu của mình, Baumol đã quan tâm đến kinh tế học vi mô ứng dụng, đặc biệt là sự vận hành của các doanh nghiệp và cấu trúc công nghiệp. Vì thế, ông ngạc nhiên khi có ít tiếng vang trong giới hàn lâm về những công trình của Joan Robinson và Edward Chamberlain về sự cạnh tranh không hoàn hảo và chất vấn lại niềm tin tuyệt đối về tính hiệu quả của các thị trường được, ví dụ, các nhà kinh tế học thuộc trường phái Chicago tuyên bố.
Ông đã phát hiện ra rằng các doanh nghiệp lớn không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, mà là tối đa hóa doanh thu của họ
Các nghiên cứu của ông, và cả công việc tư vấn của ông cho các hội đồng quản trị của các doanh nghiệp đã giúp ông tiếp cận được các nhà lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn – đã làm cho ông phát hiện ra hố sâu giữa tầm nhìn về thực tế kinh tế của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với lý thuyết kinh tế vi mô chuẩn. Đặc biệt, ông đã phát hiện ra rằng các doanh nghiệp lớn không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, mà là tối đa hóa doanh thu của họ. Ngoài ra, ông cũng ghi nhận rằng hành vi của những doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau khác với hành vi của những doanh nghiệp chỉ sản xuất một sản phẩm duy nhất – các sách giáo khoa chỉ giới hạn vào trường hợp sau, và đã phát triển những kỹ thuật mới để giải thích hiện tượng này.
Lý thuyết về các thị trường tranh chấp
John C. Panzar (1947-)
Việc nghiên cứu các thị trường độc quyền đã dẫn ông, cùng với các đồng nghiệp John C. Panzar và Robert B. Willig, phát triển lý thuyết các thị trường tranh chấp (hay “tranh luận”). Theo lý thuyết truyền thống, một thị trường độc quyền được đặc trưng bởi sự tồn tại của một hàng rào tuyệt đối chống gia nhập. Trong thực tế, mọi thị trường theo kiểu này đều bị đe dọa bởi sự gia nhập của một doanh nghiệp có thể quyết định bán rẻ hơn doanh nghiệp độc quyền, để chiếm lĩnh một phần thị trường. Tuy nhiên, luôn có những chi phí cho việc gia nhập và doanh nghiệp độc quyền có thể quyết định phát động một cuộc chiến giá cả để nỗ lực ngăn chặn sự gia nhập của một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.
Cấu trúc của một thị trường được xác định, không chỉ bởi những doanh nghiệp hiện hữu, mà còn bởi những doanh nghiệp có khả năng gia nhập thị trường
Theo lý thuyết về thị trường tranh chấp, người ta suy ra rằng giá bán cuối cùng của một sản phẩm thấp hơn giá bán được lý thuyết truyền thống dự báo. Một thị trường tranh chấp là một thị trường mà các doanh nghiệp phải tính đến sự gia nhập tiềm năng của các doanh nghiệp mới. Vì thế, cấu trúc của thị trường được xác định, không chỉ bởi những doanh nghiệp hiện hữu, mà còn bởi những doanh nghiệp có khả năng gia nhập ngành nghề. Trong khi lý thuyết này đã được sử dụng để biện minh cho các chính sách phi qui định hóa, ví dụ như trong lĩnh vực vận tải hàng không, thì những người ủng hộ nó lại cho rằng trái lại nó đã mở rộng cửa cho chính phủ can thiệp vào những thị trường vốn không phải là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề.
Người tiên phong trong suy ngẫm về vấn đề bảo vệ môi trường
Baumol đã xem xét nghiên cứu, trong luận án tiến sĩ của ông được xuất bản vào năm 1952, sự cần thiết của sự can thiệp của các cơ quan công quyền khi có những hiệu ứng ngoại lai. Ông trở lại với vấn đề này trong hai cuốn sách được xuất bản vào năm 1975 và 1979, vốn là những công trình đầu tiên xử lý vào chi tiết những vấn đề bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, rất lâu trước khi các chủ đề này chiếm vị trí trung tâm của sự chú ý. Điều đó đã dẫn ông được bầu làm Chủ tịch của một hội mới, Hiệp hội các nhà kinh tế về môi trường và tài nguyên [Association of Environmental and Resource Economists]. Đối với Baumol, sự tăng trưởng kinh tế không nhất thiết dẫn đến một sự nâng cao chất lượng cuộc sống, nạn ô nhiễm và tắc nghẽn [giao thông] thường gắn với sự không hoàn hảo có tính cấu trúc trong nền kinh tế thị trường. Nói một cách tổng quát, các chính phủ phải tìm cách khuyến khích các doanh nghiệp tiến hành những hoạt động có thể làm tăng phúc lợi của cộng đồng, đạt được điều mà ông đặt tên là “siêu công bằng(superfairness).
Gilles Dostaler, giáo sư tại Đại học Quebec ở Montreal và cộng tác viên của trang Alternatives Economiques 
Nguyên bản được xuất bản trong tạp chí Alternatives Economiques số 268, tháng 4 năm 2008 
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: William J. Baumol, un économiste hors des sentiers battus, Alternatives Economiques, 05/05/2017




[1] On my Attitude: Sociopolitical and Methodological [Luận bàn về thái độ của tôi: chính trị xã hội và phương pháp luận]” trong Eminent Economists: Their Life Philosophies [Những nhà kinh tế kiệt xuất: Triết lý sống của họ], của Szenberg Michael (chủ biên), NXB Cambridge University Press, 1982, p. 53.

[2] “The Transformation of Values: What Marx ‘really’ Meant (An Interpretation) [Sự chuyển hóa giá trị: Marx 'thực sự' muốn nói gì (Một diễn giải)]”, Tạp chí Journal of Economic Literature, tập 12, Tháng 3 năm 1974.

Print Friendly and PDF