14.9.18

Bằng sáng chế, R&D: Châu Á tại trung tâm của sự đổi mới sáng tạo

BẰNG SÁNG CHẾ, R&D: CHÂU Á TẠI TRUNG TÂM CỦA SỰ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Một công nhân Trung Quốc đang lắp ráp một tấm pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy ở Đức Châu (tỉnh Sơn Đông). Ảnh bản quyền: MICK RYAN/CULTURA CREATIVE (thông qua AFP).
Châu Âu suy tàn, nước Mỹ đình trệ, châu Á cất cánh. Ba xu hướng lớn này đang kiến tạo cảnh quan của sự đổi mới sáng tạo toàn cầu từ vài năm gần đây. Và để giải thích sự gia tăng quyền lực của châu Á, các nhà phân tích đã không ngần ngại làm nổi bật đầu máy Trung Quốc: sự tăng trưởng kinh tế khủng, sự tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và triển khai (R&D), sự nhân bội của các bằng sáng chế được đăng ký. Tuy nhiên, liệu tất cả những thứ ấy có đè nặng lên vai của Bắc Kinh không? Không có gì là chắc chắn. Bởi vì bên cạnh những quốc gia châu Á đã từng sử dụng sự đổi mới sáng tạo như là con ngựa chiến để tăng trưởng kinh tế – Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore – thì cũng nổi lên những quốc gia có ít nhiều tiềm năng khác như : Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ hay ... Kazakhstan. Phân tích qua bản đồ và thông tin đồ họa.
Mỗi năm, ấn bản Global Innovation Index (GII – Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầuthuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO – World Intellectual Property Organization) chấm điểm tốt và điểm xấu [cho các nước]. Trong số 141 nước được khảo sát vào năm 2015, thì có 22 nước châu Á được xếp hạng rải rác từ hạng 7 (Singapore) đến hạng 138 (Miến Điện). Nước Pháp được xếp hạng 21 – trên Trung Quốc (hạng 29), hẳn vậy, nhưng đứng sau Hồng Kông (hạng 11), Nhật Bản (hạng 14) và Hàn Quốc (hạng 19)...
Trong số rất nhiều chỉ báo theo yêu cầu của WIPO, thì có hai chỉ báo chiếm được sự quan tâm đặc biệt: mức độ đầu tư vào lĩnh vực R&D, giúp đo lường sự đổi mới sáng tạo ở thượng nguồn, và các bằng sáng chế được đăng ký, giúp đo lường sự đổi mới sáng tạo ở hạ nguồn. Chuyển sang châu Á với bốn câu hỏi về đổi mới sáng tạo.
Bối cảnh
Tại sao các nước châu Á tìm cách đổi mới sáng tạo? Bên cạnh uy thế và sự tôn trọng mà họ có thể nhận được, các lý do khác chủ yếu có tính kinh tế: nâng cao năng suất và thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao để kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên, khi Trung Quốc dựa mạnh vào lĩnh vực R&D trong khi mức tăng trưởng kinh tế của họ đang chậm dần... Và cũng dễ hiểu khi những quốc gia kém ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên – như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore – đã đánh giá khá cao tầm quan trọng của R&D.

Quốc gia châu Á nào đầu tư nhiều nhất vào R&D?

Bản đồ các nguồn vốnđầu tư của châu Á vào R&D cho thấy một cách hiển nhiên là vùng Đông Bắc Á như là đầu máy trong khu vực. Tỷ lệ đầu tư vào R&D tại khu vực này là 2,49% GDP so với 0,75% đối với các nước ở Nam Á, 0,44% đối với các nước ở Đông Nam Á và 0,18% đối với các nước ở Trung Á. Tỷ lệ trung bình của châu lục này là 1, 83%.
Nghiên cứu và triển khai: các đầu tư ở châu Á (2013).
Năm 2013, Trung Quốc là quốc gia châu Á đứng đầu trong đầu tư vào R&D (333,5 tỷ US$ tính theo sức mua tương đương [PPP – Purchasing Power Parity]), đứng trên cả Hàn Quốc (68,9 tỷ US$ tính theo PPP) và Nhật Bản (160,2 tỷ US$ tính theo PPP) mà họ đã vượt qua vào năm 2009.
Các nguồn vốn đầu tư vào R&D của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (1996-2013).
Theo ấn bản GII, sự tăng trưởng ngoạn mục các nguồn vốn đầu tư vào R&D của Trung Quốc phản ánh tầm nhìn phát triển trong kế hoạch năm năm được giới thiệu vào năm 2012, nhằm làm cho sự đầu tư [vào R&D] như là động cơ tăng trưởng. Chi tiêu của Bắc Kinh vào lĩnh vực R&D đã được nhân lên gấp 2,3 lần từ năm 2008 đến năm 2013, trong khi Nhật Bản chật vật tìm lại một mức đầu tư bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng tài chính (+ 7,8% trên cùng thời kỳ).
Nhưng sự tăng trưởng này có nguy cơ chững lại một cách nhanh chóng nếu Trung Quốc không phát triển các công nghệ tiên tiến phù hợp. Nếu không làm điều đó, đất nước sẽ kém hấp dẫn hơn [trong việc thu hút đầu tư], đặc biệt kể từ khi tiền lương tăng lên trong thời gian gần đây và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đã làm cho ngành công nghiệp phải lo lắng. Các nhà đầu tư có thể bị cám dỗ chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Một phân tích chi tiết hơn cho thấy một xu hướng có tính quyết định: giá trị các đầu tư của Trung Quốc so với GDP của nước này vẫn còn thấp hơn tỉ lệ đầu tư này của Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả hai nước này đã và đang đầu tư nhiều vào R&D trong thời gian dài và mục tiêu nghiên cứu của họ là các lĩnh vực công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng cao. Hàn Quốc, quốc gia tập trung vào các công nghệ xanh, đã ghi điểm cao nhất trong tất cả khu vực châu Á với các đầu tư vào R&D tương đương với 4,4% GDP vào năm 2014.
Nam Á là trung tâm đứng thứ hai của khu vực đã đầu tư vào R&D thông qua những nỗ lực của Ấn Độ (48 tỷ US$ tính theo PPP vào năm 2011, tăng gấp đôi so với năm 2008). Nhưng trò chơi so sánh rất khắc nghiệt: các đầu tư của Ấn Độ vào R&D thấp hơn Trung Quốc khoảng chừng 7 lần, trong khi hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế như nhau. Điều này được giải thích một phần là do sự thiếu vắng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ, nơi mà môi trường đầu tư vẫn chưa thuận lợi đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Nói như thế xong, bản báo cáo của GII nhắc lại rằng, trong trường hợp của Ấn Độ, có một số dữ liệu liên quan không sẵn có – đặc biệt căn cứ vào tầm quan trọng của khu vực phi chính thức – một điều có thể kéo hiệu suất kinh tế của đất nước xuống một cách giả tạo.
Đông Nam Á đứng ở vị trí thứ ba, với việc Singapore dẫn đầu về các đầu tư vào R&D ở mức 8 tỷ US$ tính theo PPP vào năm 2012, chiếm 2% GDP (tức gấp 4 lần mức trung bình trong khu vực). Thành phố-quốc gia này đã làm cho lĩnh vực R&D ứng dụng trong ngành công nghiệp trở thành một ưu tiên dài hạn để kích thích sự tăng trưởng kinh tế và thu hút lực lượng lao động mà họ đang thiếu một cách cấu trúc. Tuy nhiên, các đầu tư của họ vẫn còn thấp so với mức trước năm 2008.
Malaysia theo sát Singapore với các đầu tư hơn 7 tỷ US$ tính theo PPP vào năm 2012, chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông – cũng như Indonesia (2,1 tỷ US$ tính theo PPP vào năm 2013) và Việt Nam (789 triệu US$ tính theo PPP vào năm 2011).
Cuối cùng, Trung Á đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng. Tiểu vùng này được kéo lên bởi Kazakhstan (93% các chi tiêu vào R&D), thực thi một chính sách duy ý chí cực đoan. Thực vậy, Astana muốn nối lại truyền thống khoa học của một nước cộng hòa xô-viết cũ, để một mặt đáp ứng các nhu cầu công nghiệp và kinh tế quốc dân, và mặt khác tự đặt mình là trung tâm phổ biến kiến thức. Ví dụ, Kazakhstan hy vọng sẽ dành 1% GDP của nước này đầu tư vào lĩnh vực R&D vào năm 2016 và 3% vào năm 2050 (so với mức 0,16% vào năm 2013).

Trong mức độ nào các nước châu Á được nước ngoài tài trợ cho R&D?

Các nước có hiệu quả về R&D không nhất thiết là những nước hấp dẫn nhất về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong khu vực này.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào nghiên cứu và phát triển (R&D) ở châu Á (2013).
Vùng Đông Bắc Á một lần nữa chiếm vị trí đầu bảng với 4,32 tỷ USD vốn FDI tính theo PPP vào năm 2013 (không tính Hong Kong). Tuy nhiên, trong tiểu vùng này, chỉ có Mông Cổ cho thấy tỷ lệ tài trợ của nước ngoài vào R&D cao hơn 4%. Ngân sách của Oulan Bator vào R&D có giới hạn, chính quyền Mông Cổ khuyến khích sự tham gia của nước ngoài vào các lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng và nông nghiệp.
Hàn Quốc, nước đầu tư lớn nhất của châu Á vào R&D, phụ thuộc rất ít vào nguồn vốn FDI trong lĩnh vực này (0,3% trên tổng vốn đầu tư). Tỷ lệ nhỏ bé này phản ánh một sự thiếu hấp dẫn [trong việc thu hút nguồn vốn FDI] gắn với khả năng cạnh tranh thấp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và với sự chuyên môn hóa siêu đẳng của Hàn Quốc vào R&D.
Ngược lại, Trung Quốc, tự cho mình là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Nếu các nguồn vốn FDI rót vào Trung Quốc bị đình trệ nói chung, thì các nguồn vốn FDI tập trung vào R&D lại không ngừng gia tăng. Bắc Kinh, thậm chí, là nước hưởng lợi hàng đầu trên thế giới (3 tỷ US$ tính theo PPP vào năm 2013). Trong 5 năm trở lại đây, các lĩnh vực hấp dẫn nhất của Trung Quốc là ngành dược (gần 25% nguồn vốn FDI đầu tư vào R&D), máy móc và thiết bị văn phòng (15%) và điện tử tiêu dùng (10%).
Đông Nam Á bứt khỏi bảng: Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đều có một tỷ lệ tài trợ đáng kể của nước ngoài (hơn 2% trên tổng vốn đầu tư). Năm 2012, Singapore đã nhận được 483 triệu USD vốn FDI về R&D, tức 5,9% trên tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Thành phố-quốc gia này đã tự nguyện định hướng nền kinh tế của họ xung quanh các lĩnh vựccó nhân tố R&D để thu hút các nguồn vốn đầu tư. Nhưng họ cũng là một nguồn tài trợ quan trọng đối với các nước láng giềng, chẳng hạn như Malaysia. Với 388 triệu US$ vốn FDI về R&D (tức 4,6% trên tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này), Kuala Lumpur đứng thứ hai trong tiểu vùng. Họ hy vọng trở thành nước đứng đầu trong các nước ASEAN về tiếp nhận các nguồn vốn FDI về R&D.
Trung Á thu hút ít nguồn vốn FDI trong lĩnh vực R&D, với 5,7 triệu US$ tính theo PPP đối với các quốc gia được khảo sát. Và trong số đó Kazakhstan chiếm gần hết (95%). Tuy nhiên, các chính sách duy ý chí của Astana vẫn còn quá mới để có thể cảm nhận được một tác động lên động thái tài trợ của nước ngoài – nhất là khi Nhà nước và các cơ quan công quyền của Kazakhstan định hướng hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo theo cách của một nền kinh tế chỉ huy, điều có thể làm cho các nhà đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng (như ở Hàn Quốc).
Đối với Ấn Độ, tổ chức UNESCO không có dữ liệu đáng tin. Tuy nhiên, vào năm 2009, các nguồn vốn FDI về R&D dành cho Delhi ở mức 3,56 tỷ US$ tính theo thời giá, tức 1 tỷ US$ tính theo PPP – hay 2,71% trên tổng chi của họ vào R&D. Các lĩnh vực công nghệ phần mềm và công nghệ thông tin đã nhận hơn một nửa nguồn vốn FDI về R&D (50,4%), tiếp theo là lĩnh vực hàng không vũ trụ (12,5%), dược phẩm và công nghệ sinh học (9,7%), và sản xuất ô tô (9,3%).

Phần tài trợ của các chính phủ ở châu Á vào R&D là bao nhiêu?

Ở châu Á, sự tham gia của khu vực công vào R&D biến động 180 độ theo các nước: 17,3% nguồn vốn đầu tư ở Nhật Bản so với 92,5% ở Tajikistan.
Tỷ lệ đầu tư của chính phủ vào R&D ở châu Á (2013).
Tại các nước  Đông Bắc Á theo gương Nhật Bản, khu vực công tài trợ ít hơn một phần tư các chi tiêu quốc gia về R&D: 21,1% ở Trung Quốc và 22,8% ở Hàn Quốc. Các quốc gia này, nơi mà các chi tiêu về nghiên cứu và phát triển là cao nhất ở châu Á, dựa vào thành tích của mạng công nghiệp của họ đã cho phép các doanh nghiệp tự tài trợ cho R&D.
Ở Đông Nam Á, nơi mà khu vực công đóng góp khoảng một phần ba các chi tiêu về R&D, với ngoại lệ của Việt Nam (64,5%), các dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – Organization for Economic Co-operation and Development) cho thấy tính hiệu quả của các nguồn tài trợ công biến động theo mức độ phâbổ. Thực vậy, đất nước nào tài trợ càng nhiều cho R&D của các trường đại học thì hoạt động R&D càng hiệu quả, trong khi các viện nghiên cứu công bị cáo buộc hoạt động thiếu hiệu quả. Tổ chức OECD xếp hạng các quốc gia theo thứ tự về thành công R&D, đứng đầu là Malaysia, kế tiếp là Thái Lan và Singapore.
Đối với các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, họ vẫn giữ dấu vết nền kinh tế chỉ huy của Nhà nước, cộng với một tỷ lệ phát triển yếu kém của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Kyrgyzstan 57,7% nguồn kinh phí cho R&D là từ tài trợ công, so với 63,7%  Kazakhstan và 92,2%  Tajikistan.

Lĩnh vực R&D của châu Á được thể hiện như thế nào qua các bằng sáng chế được đăng ký?

Danh sách những vùng đăng ký các bằng sáng chế vào năm 2014 giống với danh sách xếp hạng các nguồn vốn đầu tư: vùng Đông Bắc Á thống trị các bảng xếp hạng với Trung Quốc (837.897 bằng sáng chế), Nhật Bản (465.987) và Hàn Quốc (230.556).
Sự tiến triển của các bằng sáng chế được đăng ký ở châu Á (2004-2014).
Vả lại, có thể đặt chồng lên nhau các đường biểu diễn đầu tư vào R&D và các đường biểu diễn các bằng sáng chế được đăng ký tại Đông Bắc Á: kể từ năm 2004, số lượng bằng sáng chế được đăng ký ở Trung Quốc đã bùng nổ (tăng 12.1 lần), trong khi số đó tăng đáng kể ở Hàn Quốc (70%) và giảm nhẹ ở Nhật Bản (-8,6%).
Số lượng các bằng sáng chế được đăng ký ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (2004-2014).
Số lượng các bằng sáng chế được đăng ký tại châu Á, trong tổng thể, đã tăng mạnh, với mức tăng hơn 5 lần, kể từ năm 2004, tại 3 nước: Trung Quốc (tăng 12,1 lần từ 69.018 lên 837.897 bằng sáng chế), Việt Nam (tăng 5,2 lần từ 109 lên 561) và Kyrgyzstan (tăng 87 lần từ 2 lên 173).
Trong những năm 1990 ở Trung Quốc, sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao đã thúc đẩy các cơ quan chức trách hội nhập vào hệ thống sở hữu trí tuệ của quốc tế. Vì vậy, Bắc Kinh đã khuyến khích, về mặt tài chính, các doanh nghiệp nhà nước của họ tiến hành đăng ký các bằng sáng chế. Người ta cũng thấy một động thái tương tự từ các doanh nghiệp nước ngoài, tìm cách tự bảo vệ mình khỏi những vi phạm về sở hữu trí tuệ trên thị trường Trung Quốc, một trong những vấn đề mang tính cấu trúc của thị trường này.
Trong khi đó Ấn Độ đứng ở giữa. Hẳn là họ đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng vào năm 2014, nhưng về tính hiệu quả thì họ kém hơn Hàn Quốc đứng thứ 3 gấp 10 lần... và kém hơn Bắc Kinh gấp 37 lần! Một điểm số thấp, đối với một cường quốc về mặt kinh tế và dân số. Và nếu chính phủ của New Delhi đổ lỗi cho sự thiếu nhạy cảm của các doanh nghiệp về các vấn đề sở hữu trí tuệ, thì một số người lại xem đó là hệ quả của một nền giáo dục đại học mà chất lượng thì kém.
Tuy nhiên, việc phân loại này không đóng vai trò như là một lập luận có thẩm quyền. Thực vậy, cần phải xem xét sắc thái của các bằng sáng chế được đăng ký và các bằng sáng chế được chấp nhận. Bởi vì một bằng sáng chế chỉ được chấp nhận khi nó xứng đáng được xem là một phát minh mới. Việc đơn giản đăng ký các bằng sáng chế đôi khi có thể chỉ cho thấy quyết tâm muốn bảo vệ quyền lợi của mình trong một thị trường cạnh tranh.
Các bằng sáng chế được đăng ký và được chấp nhận ở châu Á (2014).
Vì thế, xuất hiện một bảng xếp hạng khác. Nhật Bản chiếm vị trí dẫn đầu với 297.251 bằng sáng chế được chấp nhận, Trung Quốc chuyển lên vị trí thứ hai (176.197) trong khi Hàn Quốc vẫn giữ vị trí thứ ba (127.414).
Điều thú vị hơn là các con số này cho phép tính toán tỷ lệ các bằng sáng chế được đăng ký và các bằng sáng chế được chấp nhận. Nếu Tokyo và Seoul duy trì được thứ hạng của họ với các tỷ lệ tương ứng là 64% và 55%, thì Bắc Kinh giảm mạnh với tỷ lệ 21%, làm cho họ – lần này như một ngoại lệ –tệ hơn... Ấn Độ với 23%.
Điều cũng đáng chú ý là tỷ lệ rất cao của Kazakhstan, đứng thứ hai trên bảng xếp hạng với 61%. Nghiên cứu học thuật của họ đã được công nhận, nhưng việc phổ biến các bằng sáng chế vào nền kinh tế thì chưa thực hiện được.
Thái Lan và Indonesia đứng cuối bảng, với các tỷ lệ tương ứng là 14% và 7%. Thực vậy, Bangkok bị thiếu lao động lành nghề, bắt đầu với các kỹ sư, trong khi Jakarta bị thiếu niềm tin vào hệ thống pháp luật của mình trong việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ.
Một lý do khác để thận trọng với số lượng các bằng sáng chế được đăng ký, đó là khái niệm sức mạnh của các bằng sáng chế. Bởi vì tất cả các bằng sáng chế đó đều có giá trị khác nhau, như theo lời giải thích của tổ chức WIPO. Tất cả đều phụ thuộc vào tầm quan trọng của một bằng sáng chế (liệu nó có mang tính cách mạng không hay chỉ là một cải tiến đơn giản?), của thị trường của nó (doanh số bán ra là bao nhiêu và trong bao lâu?), của thời gian hiệu lực và của “số lượng các phát minh cùng loại trước đó. Như vậy, theo Hiệp hội IEEE của Mỹ (IEEE – Institute of Electrical and Electronics Engineers, Viện kỹ nghệ Điện và Điện tử), 1 bằng sáng chế của Mỹ tương đương với 14 bằng sáng chế Nhật Bản, 31 bằng sáng chế Hàn Quốc, 71 bằng sáng chế Trung Quốc... và 105 bằng sáng chế Pháp.

Giới thiệu tác giả

Ryoma Takeuchi
Ryoma Takeuchi
Được tiếp cận hai nền văn hóa Pháp-Nhật, Ryoma Takeuchi đã hòa hợp một nền giáo dục của Nhật Bản ở bậc phổ thông với các trải nghiệm bậc đại học ở Paris về kinh tế học, quản trị và phân tích kinh tế. Là thông-phiên dịch, ông đã làm việc cho NXB Bamboo. Là trợ lý marketing tại công ty tư vấn High Bridge & Co chuyên về thương mại Á-Âu, Ryôma sau đó đã tiếp tục làm việc tại Cơ quan Phát triển Kinh tế của vùng Midi-Pyrénées (Madeeli), chuyên ngành trí tuệ kinh tế về khoa học robot (EUroboticsmap).
Alexandre Gandil 
Alexandre Gandil
Nghiên cứu sinh về khoa học chính trị, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học chính trị (CERI), Alexandre Gandil là thành viên ban biên tập của Asialyst. Các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào quỹ đạo chính trị của Đài Loan, kể từ khi tách khỏi lục địa Trung Quốc vào năm 1949, và sự tiến triển mang tính hệ quả của quan hệ Trung-Đài. Là nhà báo và người vẽ bản đồ, ông đã từng làm việc cho đài truyền hình Le Dessous des cartesphát sóng trên Arte. Alexandre Gandil đã học tiếng Trung Quốc và quan hệ quốc tế tại INALCO, sau đó học địa chính trị tại IFG (Đại học Paris 8).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
NguồnBrevets, R&D: l'Asie au coeur de l'innovationAsialyst, 14/03/2016
Print Friendly and PDF