12.9.18

Đi tìm những công trình nghiên cứu về giai cấp xã hội ở Việt Nam hiện đại

 ĐI TÌM NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ GIAI CẤP XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN ĐẠI: tổng quan về những cách tiếp cận hiện nay và đề nghị xem xét việc áp dụng khung lý thuyết của Pierre Bourdieu

Ly Chu
Ảnh hưởng mạnh mẽ của giai cấp xã hội trên cách sống và sự thành đạt của người dân là một chủ đề lớn trong xã hội học vốn đã nhận được một sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà nghiên cứu từ những năm 2000[1]. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng Sản cầm quyền vẫn tiếp tục khẳng định về một cấu trúc xã hội không có xung đột bao gồm “nông dân”, “công nhân” và “trí thức” đã thành hình sau 30 năm áp dụng một chương trình cải cách đã dần dần thay thế một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bằng một nền kinh tế do thị trường định hướng[2].
Trong bài này, tôi xin giới thiệu một cái nhìn tổng quan mang tính phê phán về những cách tiếp cận hiện nay về sự phần tầng xã hội và giai cấp trong bối cảnh của Việt Nam sau cuộc cải cách. Tôi sẽ trình bày về định hướng ý thức hệ và tính chất chính trị của diễn ngôn về giai cấp xã hội ở Việt Nam và khảo sát những vấn đề mang tính hàn lâm xuất phát từ sự phát triển của một loại diễn ngôn như vậy. Sau đó tôi sẽ chứng minh tầm quan trọng của việc nghiên cứu xã hội học về giai cấp xã hội ở Việt Nam hiện đại dựa trên những chứng cớ cụ thể. Sau cùng tôi sẽ giới thiệu khung lý thuyết của Pierre Bourdieu như là một cách tiếp cận có thể thích hợp để nghiên cứu giai cấp ở Việt Nam.

Nghiên cứu về s phân tầng xã hi và giai cấp ở Vit Nam hin đi

Nghiên cứu xã hội học - tức là nghiên cứu do những nhà nghiên cứu làm cho các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu của nhà nước hay các tổ chức tư vấn của nhà nước thực hiện – chỉ bắt đầu sau cuộc đổi mới. Viện Xã Hội Học Việt Nam được thành lập năm 1983. Số đầu tiên của Tạp Chí Xã Hội Học, tạp chí xã hội học duy nhất ở Việt Nam, được xuất bản cũng vào năm đó. Những công trình nghiên cứu chính thống về sự phần tầng xã hội chỉ xuất hiện vào đầu những năm 1990[3]. Lần đầu tiên cụm từ “phân tầng xã hội” xuất hiện là trong một công trình nghiên cứu về biến đổi xã hội ở Hà Nội trong giai đoạn đổi mới do các nhà nghiên cứu của Viện thực hiện vào năm 1992[4]. Những công trình nghiên cứu không chính thống về Việt Nam chỉ có mới đây. Phần lớn những bài viết và những công trình nghiên cứu hàn lâm của các nhà nghiên cứu ở nước ngoài hoặc đang làm việc ở nước ngoài về những vấn đề chính trị - xã hội ở Việt Nam không có liên hệ đến chiến tranh chỉ mới có từ năm 1995. Đó chính là năm Việt Nam gia nhập Hiệp Hội các Nước Đông Nam Á, ký kết một hiệp ước khung với Liên Hiệp Châu Âu và tái lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, những sự kiện đánh dấu sự tái gia nhập chính thức của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế.
Trong phần này, tôi sẽ bàn về những cách tiếp cận hiện nay của các nhà nghiên cứu chính thống và không chính thống để nghiên cứu về sự phân tầng xã hội và giai cấp trong bối cảnh hậu đổi mới ở Việt Nam. Trong khi những nghiên cứu về sự phân tầng xã hội chủ yếu là những sự phân tích thống kê về sự lưỡng phân giữa những người giàu và người nghèo[5], những nhà nghiên cứu không chính thống cũng nghiên cứu về sự lưỡng phân giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Mặt khác, giai cấp vẫn là một vấn đề bị xao lãng.
Sự bất bình đẳng về thu nhập là chủ đề phổ biến nhất trong các công trình nghiên cứu về sự phân tầng xã hội sau đổi mới[6]. Những nhà quan sát Việt Nam đều nhất trí cho rằng khoảng cách giàu/nghèo là hệ quả của cuộc cải cách[7]. Theo họ, trong khi xã hội xã hội chủ nghĩa tiền đổi mới có thể được xem như là bình đẳng, thì trong xã hội hậu đổi mới đã xuất hiện những sự cách biệt giữa các nhóm xã hội trong mức sống và sự tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Dựa trên thu nhập của hộ hay mức tiêu dùng, các nhà nghiên cứu đã xác định và phân chia các nhóm xã hội và thường quy họ vào hai nhóm, nhóm “giàu” và nhóm “nghèo”.
Đa số những công trình nghiên cứu về sự bất bình đẳng giàu/ nghèo trong bối cảnh Việt Nam đều mang tính định lượng, do chính sách định hướng và tập trung trực tiếp vào một chiều kích của sự lưỡng phân (thí dụ như sự nghèo nàn). Cách tiếp cận thông thường là so sánh mức thu nhập và mức tiêu thụ giữa năm điểm ngũ phân vị, từ nhóm nghèo nhất đến giàu nhất và tính toán hệ số Gini (cách để đo lường sự bất bình đẳng về thu nhập) dựa trên những dữ liệu về thu nhập[8]. Hệ số Gini thường được sử dụng để ước lượng tính không bình đẳng trong một nước hay một phần của nó ở một thời điểm nhất định. Các cơ quan nhà nước dùng mức thu nhập hàng tháng để xác định ngưỡng của sự nghèo nàn, và các chính quyền địa phương cũng dựa trên sự định lượng này để nhận diện các nhóm người nghèo và xác định sự tái phân phối những phúc lợi trên cơ sở này[9].
Những công trình nghiên cứu sự bất bình đẳng về thu nhập cung cấp những chứng cứ thống kê mang tính đại diện toàn quốc về những hậu quả của sự phân tầng về thu nhập. Trong những công trình đầu tiên, các nhà nghiên cứu chính thống chỉ báo cáo những kết quả mang tính mô tả về những sự khác biệt giữa những nhóm thu nhập và chi tiêu trên cơ sở những tiêu chuẩn kinh tế về đời sống, như là nhà ở, tài sản sở hữu, tài sản lâu bền của hộ gia đình[10]. Những nhà nghiên cứu không chính thống đã tạo ra sự đột phá khi nghiên cứu sự cách biệt giàu nghèo trong vấn đề tiệp cận với các dịch vụ xã hội. Nghiên cứu đầu tiên về mối quan hệ giữa thu nhập của hộ gia đình và việc học của các đứa trẻ được xuất bản năm 1999[11]. Dựa trên những dữ liệu lấy từ Cuộc điều tra về các lãnh vực xã hội ở Việt Nam, được kết hợp với những số liệu của Tổng Cục Thống Kê năm 1996, Jere R. Berhman và James C. Knowles đã cho thấy những tác động có ý nghĩa và tích cực của thu nhập của hộ gia đình trên việc học của các đứa trẻ. Từ đó có nhiều công trình đã tái xác nhận kết luận đó. Trong những công trình này, đã có một số chứng minh rằng sự bất bình đẳng trong học vấn càng tăng khi trình độ học vấn càng cao. Sự tuyển sinh các trẻ thuộc thành phần nghèo giảm đi ở cấp trung học và hậu trung học và rất thấp một cách thê thảm so với những trẻ thuộc thành phần giàu có ở cấp đại học[12]. Những nhà nghiên cứu còn cung cấp những chứng cứ thống kê về sự liên kết giữa tình trạng sức khỏe của gia đình và việc tiếp cận những dịch vụ y tế[13], của thu nhập gia đình và việc tiếp cận những nguồn tín dụng chính thức[14].
Những người đã nghiên cứu thật kỹ những yếu tố quyết định sự phân tầng xã hội về thu nhập đã tìm thấy nhiều yếu tố có một ảnh hưởng có ý nghĩa về mặt thống kê đến sự phúc lợi của hộ gia đình. Những yếu tố này bao gồm những đặc tính của hộ gia đình về mặt dân số, tài sản của hộ gia đình, hoạt động của hộ gia đình trong lãnh vực nông nghiệp hay không nông nghiệp, trình độ học vấn và nghề nghiệp của người đứng đầu hộ gia đình, và nơi cư trú của hộ gia đình. Ba yếu tố cuối thường được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu. Rõ ràng là những hộ gia đình có khả năng cao hiện diện trong hai nhóm có thu nhập cao nhất lại thường có người đứng đầu có trình độ học vấn cao. Thường họ sống ở thành thị hay ở trung tâm, hơn là ở nông thôn hay ở vùng ngoại ô. Cũng chắc là những đứng đầu những hộ gia đình này thường là những người lãnh đạo, những chủ doanh nghiệp hay những người có chức vụ cao; trong lãnh vực văn phòng, công nghệ, dịch vụ đối lập với những lãnh vực nông nghiệp; trong lãnh vực nhà nước hay các công ty có đầu tư nước ngoài đối lập với lãnh vực tư nhân[15].
Những công trình nghiên cứu về sự bất bình đẳng giàu/nghèo đã làm cho sự bất bình đẳng xuất phát từ thị trường ngày càng được quan tâm, dưới góc độ của việc hoạch định chính sách. Đầu những năm 1990, Nhà Nước đã bắt đầu giảm sự đầu tư cho dịch vụ xã hội[16]. Từ đó, trách nhiệm tài chánh về giáo dục bắt đầu được chuyển từ Nhà Nước tới các hộ gia đình[17]. Vì vậy, những hậu quả của thu nhập của hộ gia đình trên phúc lợi của hộ gia đình và việc học hành của con em đã trở thành một đề tài khẩn cấp cho nghiên cứu xã hội. Những công trình nghiên cứu trong lãnh vực này đã làm sáng tỏ những vấn đề hiện nay của sự bất bình đẳng kinh tế. Nó đã đưa thu nhập như là một chỉ bảo quan trọng về sự bất bình đẳng trong xã hội hậu đổi mới. Những chứng cứ mà nó cung cấp đã bộc lộ sự tác động của các chính sách cải cách trên mức sống của các nhóm có thu nhập thấp và cung cấp dữ liệu cho các chính sách vì người nghèo.
Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế trong những tài liệu này. Mặc dù dữ liệu về thu nhập đã được các nhà kinh tế học và xã hội học sử dụng rộng rãi do tính đơn giản của sự đo lường, tính minh bạch về ý nghĩa và sự thích hợp của nhiều công cụ thống kê thiết thực[18], vẫn có những nghi vấn đối với tính chất không chắc chắn của những dữ liệu này và xu hướng chúng dễ bị thu thập một cách sai lệch.[19] Các nhà phê bình ước tính rằng các số liệu về thu nhập trong các cuộc điều tra về mức sống của Việt Nam được ghi nhận một cách quá thấp[20]. Báo cáo thu nhập chính xác của phần lớn người dân nông thôn Việt Nam rất khó vì họ kiếm sống nhờ những việc tự làm (nông nghiệp, công việc phi nông nghiệp, và công việc theo mùa) và thường có nhiều nguồn thu nhập hằng tháng đa dạng và khác nhau[21]. Những người làm việc trong khu vực nhà nước không chắc là sẽ tiết lộ nguồn thu nhập không chính thức của họ, chẳng hạn như khai thác các vị trí quyền lực của họ hoặc cung cấp dịch vụ vì lợi ích cá nhân[22].
Hơn nữa, một sự phụ thuộc hoàn toàn vào các phương pháp định lượng, việc thiếu các cuộc điều tra định tính, và sự vắng mặt của các định hướng lý thuyết đã hạn chế nghiêm trọng sự hiểu biết của các nhà nghiên cứu về sự bất bình đẳng. Từ Cuộc khảo sát về mức sống dân cư Việt Nam (VLSS) 1992-1993, cuộc khảo sát mức sống quốc gia đầu tiên được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam, các nhà nghiên cứu xã hội đã có quyền truy cập chưa từng có các cuộc điều tra có tính đại diện trên toàn quốc vốn sử dụng những cách đo lường và những thủ tục nghiên cứu được quốc tế công nhận[23]. Nhiều nghiên cứu được trích dẫn trong bài luận này sử dụng các cuộc điều tra về mức sống và các cuộc điều tra hộ gia đình này. Dữ liệu định lượng được dành ưu tiên vì nó đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tài trợ nghiên cứu của Nhà Nước và quốc tế để có các chỉ số chính thức và những thống kê rõ ràng có khả năng cung cấp thông tin cho việc xác định mục tiêu của các chính sách[24]. Phương pháp định tính như quan sát hay phỏng vấn sâu có khả năng làm rõ các giả thuyết cũng như giúp đánh giá các kết quả của nghiên cứu định lượng, ít được sử dụng hơn các phương pháp thống kê nhiều.
Việc thiếu các nghiên cứu lý thuyết và chuyên sâu dẫn đến những phân tích nông cạn. Những phân tích của các nhà nghiên cứu chính thống về những nguyên nhân của sự nghèo đói thể hiện rõ nhất tính nông cạn này. Cách làm thông thường là nhập tất cả các biến độc lập vào các mô hình thống kê và, thêm nữa, hoàn toàn dựa vào ý nghĩa thống kê trong việc xem xét các yếu tố dự báo có ý nghĩa, mà không phản ánh các giả thuyết được thiết lập một cách vững chắc và những sự lý giải sâu và mang tính phê phán đã được xây dựng trong những công trình nghiên cứu trước đây. Kết quả là, các nhà nghiên cứu xác định một loạt các yếu tố dự báo về phúc lợi hộ gia đình mà không có khả năng diễn giải được các quá trình thông qua đó các yếu tố này tác động[25].
Những hạn chế này cho thấy sự thiếu hiểu biết về nguyên nhân sâu xa của sự bất bình đẳng thu nhập. Các nhà nghiên cứu phân tích sự bất bình đẳng thu nhập như là nguyên nhân gây ra bất lợi xã hội. Như vậy, các công trình nghiên cứu của họ không thể giải thích được sự bất bình đẳng xã hội có vẻ hình như không liên quan trực tiếp đến thu nhập. Đối với các nhà nghiên cứu bất bình đẳng thu nhập, tỷ lệ thấp kém con em của các hộ gia đình nghèo tham gia các cấp học cao hơn không có nguyên nhân nào khác ngoài việc học phí quá cao đối với họ[26], trường học lại quá xa và họ lại không có nhiều khả năng tiếp cận với nguồn học phí bổ sung[27]. Do đó các đề xuất về mặt chính sách chỉ giới hạn trong vấn đề học phí. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng chính phủ chỉ cần giảm học phí và cung cấp nhiều khoản trợ cấp hơn cho trẻ em nghèo để tăng số học sinh đi học[28].
Những khuyến nghị này về chính sách lấy thu nhập làm trung tâm có thể mâu thuẫn với những bằng chứng thực nghiệm ngay trong những tài liệu này. Trong các cuộc khảo sát của họ, các nhà nghiên cứu tìm thấy hơn một phần nửa số người trả lời nêu những lý do phi tài chính cho việc không tham gia học hoặc bỏ học[29]. Nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả ở cấp trung học được trợ cấp đầy đủ, ít trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp được ghi danh đi học so với những trẻ em có điều kiện tốt hơn[30]. Hơn nữa, những sự khác biệt trong việc đi học vẫn tồn tại ngay cả khi những phí tổn cho việc học được tính đến[31]. Các chứng cớ này cho thấy việc tiếp tục đi học đối với những người có hoàn cảnh khó khăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố hơn là chỉ vào khả năng tự trang trải trả học phí của họ.
Thế lưỡng phân Nhà nước/ngoài Nhà nước
Trong những công trình nghiên cứu về sự phân tầng xã hội ở Việt Nam, sự phân chia xã hội giữa những người làm việc trong khu vực Nhà Nước (còn được gọi là “khu vực công”) và những người làm việc trong khu vực ngoài nhà nước (còn được gọi là “khu vực tư nhân”) đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu không chính thống. Các nhà nghiên cứu quan tâm đến sự phân biệt giữa nhà nước/ngoài nhà nước có một cái nhìn khác về sự phân tầng xã hội sau cải cách so với các nhà nghiên cứu tập trung vào sự phân cực giàu/nghèo. Họ bác bỏ sự đồng thuận chính thống cho rằng Việt Nam trước đổi mới dưới một nền kinh tế tập trung là một xã hội bình đẳng[32]. Thay vào đó, họ coi xã hội tiền cải cách như là một xã hội phân cực giữa các người làm cho Nhà Nước vốn có lợi thế kinh tế và chính trị, và những người bình thường, những người không có được những lợi thế đó[33].
Các nhà nghiên cứu quan tâm đến sự phân cực giữa nhà nước/ngoài nhà nước không chấp nhận “diễn ngôn mặc định”[34] về học thuật ở Việt Nam cho rằng cải cách có nghĩa là thay đổi; thay vào đó, họ nhấn mạnh đến sự kéo dài và sự tái sản xuất. Họ xem xã hội hậu cải cách như một là sự tiếp nối của xã hội có trước. Cơ sở của quan điểm này là mệnh đề cho rằng không thể có biến đổi xã hội mà không có biến đổi chính trị. Các nhà nghiên cứu này cho thấy, một số đường phân cách xã hội dọc theo đường phân chia nhà nước/ngoài nhà nước phần lớn vẫn không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung thành một nền kinh tế do thị trường định hướng dưới sự lãnh đạo chính trị độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam[35].
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng cha mẹ làm việc cho nhà nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn có thể truyền lại đặc quyền của họ cho con cái của mình trong chế độ thị trường, và những công trình nghiên cứu của họ nhắm tới việc phân tích các mô hình và cơ chế của sự truyền tải như vậy. Các mô hình thực nghiệm mà họ tìm thấy chỉ xác minh một cách tương đối giả thuyết của sự truyền tải. Thể theo sự phân tích số liệu cuộc điều tra hộ gia đình ở một tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 1995, trong khi nhiều con em của những người làm việc cho nhà nước có trình độ học vấn cao hơn những con em của những người làm việc ngoài hệ thống nhà nước, thì sự thành đạt về mặt nghề nghiệp của những đứa bé này nói chung là ngang nhau.[36] Các kết quả này hàm ý rằng những cha mẹ làm công chức có thể có nhiều khả năng hơn cha mẹ làm việc tư nhân để cung cấp cho con cái những lợi thế trong lãnh vực giáo dục nhưng không phải là trong lãnh vực nghề nghiệp. Một sự phân tích những dữ liệu từ các cuộc điều tra quốc gia về hộ gia đình 1993-2006 cho thấy rằng con em của những cha mẹ làm việc cho nhà nước có khả năng ghi danh vào đại học cao hơn 1,3 lần so với những trẻ em của những gia đình làm việc tư nhân[37]. Một nghiên cứu khác, dựa trên Sự đánh giá khảo sát dữ liệu về thanh niên Việt Nam năm 2003, xác nhận có sự liên tục trong việc làm cho nhà nước giữa thế hệ trẻ hậu cải cách và cha mẹ của họ đã làm việc trong hệ thống xã hội chủ nghĩa[38]. Kết quả cho thấy rằng năm mươi mốt phần trăm trẻ em của các người làm việc cho nhà nước, so với bốn mươi bốn phần trăm trẻ em của kỹ thuật viên và ba mươi ba phần trăm trẻ em của những người lao động phổ thông, cuối cùng cũng làm việc trong khu vực nhà nước.
Những nghiên cứu này không thể soi sáng các cơ chế thông qua đó nhân viên nhà nước truyền lại lợi thế cho con cái của họ. Một nghiên cứu gợi ý rằng hệ thống giáo dục cho phép sự truyền tải như vậy.[39] Tuy nhiên, bằng chứng mà các tác giả đưa ra - một mối tương quan giữa tình trạng cha mẹ và trình độ học vấn của trẻ em và sự tương quan giữa thành tựu giáo dục của trẻ em và thành tựu nghề nghiệp của trẻ em - không đủ để chứng minh cho một giả thiết như vậy. Liên kết còn thiếu là sự liên kết giữa vị thế của cha mẹ và thành tựu nghề nghiệp của trẻ em. Để giải thích sự khác biệt có thể có giữa con em của các hộ gia đình nhà nước và của các hộ gia đình ngoài nhà nước trong việc vào đại học, các tác giả phác thảo một giả thuyết dựa trên thuyết hành động hợp lý: Vì những bậc phụ huynh làm việc cho nhà nước đã có những kết nối giúp con cái họ kiếm được các việc làm trong hệ thống nhà nước, họ đầu tư nhiều hơn vào giáo dục trẻ em, ngược lại với những bậc phu huynh cha mẹ không làm việc cho nhà nước không có những mối liên hệ như vậy. Tuy nhiên, giả thuyết này đã không được kiểm định về mặt thực nghiệm.
Câu hỏi quan trọng về sự bất bình đẳng về cơ hội trong cuộc sống giữa những trẻ em có cha mẹ làm việc cho nhà nước và những trẻ em có cha mẹ làm việc ở ngoài hệ thống nhà nước vẫn chưa được đặt ra. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cố gắng giải thích tính liên tục liên thế hệ trong việc làm công chức dựa trên thuyết về các lựa chọn, hơn là xét nó dựa về mặt cơ hội[40]. Dựa trên các cuộc phỏng vấn định tính với một trăm người trẻ tuổi từ năm 1999 đến năm 2002, Victor T. King và cộng sự cho thấy rằng những người có cha mẹ làm việc trong khu vực nhà nước thường thích lựa chọn việc làm công chức hơn. Quyết định của những người trẻ tuổi này dường như bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cha mẹ của họ, những người cho rằng sự an toàn và ổn định của việc làm cho nhà nước dưới thời chủ nghĩa xã hội vẫn là điều mong muốn trong nền kinh tế mới. Một số người trẻ tuổi cũng bị thu hút bởi các cơ hội được đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài và những lợi ích khác mà các cơ quan nhà nước cung cấp. Đáng tiếc, các tác giả đã không đụng tới câu hỏi cốt yếu về lý do vì sao con em của các công chức nhà nước lại có nhiều khả năng hơn những người khác để thật sự bước vào khu vực nhà nước.
Mặc dù có những hạn chế trong các công trình nghiên cứu về thế lưỡng phân nhà nước/ngoài nhà nước, tiền đề của nó về tính liên tục trong các mô hình phân tầng và sự tái sản xuất những lợi ích gắn với nhà nước của xã hội trước và sau cải cách vẫn có giá trị. Có lẽ, nghiên cứu về sự phân tầng ở Việt Nam nên “bắt đầu từ lịch sử và tiến trình, chớ không phải từ chính sách và kinh tế.”[41] Các mô hình phân tầng sau cải cách có thể được xem như là một phần của di sản xã hội chủ nghĩa.
Thật vậy, sự bất bình đẳng dọc theo trục nhà nước/ngoài nhà nước vẫn là một vấn đề có ý nghĩa trong bối cảnh hậu cải cách. Một mặt, việc làm cho nhà nước vẫn là một ước muốn rất cao. Những vị trí trong guồng máy nhà nước (có lẽ ngày) càng khan hiếm, càng đòi hỏi tay nghề cao và càng được săn đón. Chỉ có khoảng 10 phần trăm trong số trên mười lăm phần trăm nhân viên là làm việc trong khu vực nhà nước từ năm 1999 đến năm 2010[42]. Khu vực nhà nước là bộ phận cung cấp nhiều nhất các dịch vụ giáo dục và y tế trong giai đoạn này. Các bệnh viện nhà nước chiếm hơn 80% số lần khám sức khỏe trong năm 2010 trong khi các trường công chiếm hơn 80% tổng số trường cao đẳng và đại học trong giai đoạn 2005-2010[43]. Cuộc Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) 1993-2006 cho thấy ngày càng có nhiều công chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, trong lãnh vực giáo dục và y tế[44]. Lợi tức có được từ việc làm cho nhà nước khá cao và đang gia tăng. Sự phân tích các dữ liệu quốc gia khác cho thấy rằng, trong khi vào năm 1993, các nhân viên công và tư có thu nhập tương tự mỗi giờ làm việc, thì đến năm 2006, thu nhập của những người làm cho nhà nước cao hơn 40 phần trăm mỗi giờ so với những người làm việc cho tư nhân. Hơn nữa, trong thập kỷ qua, thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình có ít nhất một thành viên làm việc cho nhà nước cao hơn đáng kể so với các hộ gia đình không có người làm việc cho nhà nước[45]. Đáng chú ý, các nhân viên nhà nước vẫn luôn chiếm vị trí hàng đầu trong một số tổ chức xã hội sau cải cách[46].

Có nghiên cứu đã được thực hiện ở bên ngoài những nghiên cứu dựa trên sự lưỡng phân nhà nước/ngoài nhà nước về sự phân bố không bình đẳng trong việc tiếp cận với việc làm trong lãnh vực công dọc theo trục nhà nước/ ngoài nhà nước. Như đã thấy, các công trình nghiên cứu về sự lưỡng phân nhà nước/ngoài nhà nước cho rằng nhân viên nhà nước có thể sử dụng mạng lưới của họ để giúp con cái họ có được một việc làm ổn định trong khu vực nhà nước song thiếu chứng cứ đầy đủ[47]. Các cuộc thảo luận gần đây về chủ nghĩa gia đình trị và sự đỡ đầu trong khu vực nhà nước đã xóa bỏ khoảng cách này trên phương diện thực nghiệm. Đa số các cuộc phỏng vấn để xin việc làm trong khu vực nhà nước đều dựa trên mạng lưới quan hệ; sự tác động trực tiếp của những mối quan hệ đã có trước trong khu vực nhà nước và sự hối lộ là các con đường chủ yếu để có được một việc làm trong khu vực nhà nước[48].
Tuy nhiên, có vẻ như quá đơn giản để quan niệm xã hội Việt Nam hiện nay được chia thành một thành phần ưu tú làm cho nhà nước và một khối quần chúng ở ngoài nhà nước, nếu xét đến nền kinh tế đa khu vực và sự phân tầng trong từng khu vực. Dưới nền kinh tế thị trường, khu vực nhà nước cũng có nhiều sự phân tầng hơn. Thang lương của nó đã được chính phủ sửa đổi vào năm 1993, khi tỷ lệ lương cao đến thấp được nâng từ 3,5:1 lên 13:1[49]. Người lao động trong khu vực nhà nước được trả lương khác nhau dựa trên trình độ giáo dục, kỹ năng, trách nhiệm và hiệu suất công việc[50]. Việc làm trong khu vực nhà nước đã không còn là công việc duy nhất được mong muốn. Khu vực tư nhân đã nhanh chóng được mở rộng và cung cấp những người lao động có tay nghề cao với những việc làm tốt. Từ giữa những năm 1990, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học bắt đầu gia nhập khu vực tư nhân - một hiện tượng không có vào đầu những năm 1990[51]. Đặc biệt, khu vực có đầu tư nước ngoài đã cung cấp những việc làm hấp dẫn và tuyển dụng lao động có tay nghề cao. Theo phân tích số liệu VHLSS 2002, thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 170% so với thu nhập trung bình của những người làm việc trong các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước[52].
Cả nhóm thu nhập lẫn nhóm ngành kinh tế đều không phải là yếu tố phân tầng thích hợp cho dân số Việt Nam đương thời. Còn giai cấp thì sao? Trong phần sau, tôi sẽ cố gắng giải thích tại sao giai cấp vẫn chưa được xem như là một chỉ báo có hiệu lực trong nghiên cứu phân tầng hiện tại ở Việt Nam.
Giai cấp xã hội
Một cách nghịch lý, các tài liệu về vai trò của “giai cấp xã hội” ở Việt Nam sau cải cách lại bị chi phối bởi những phản đề đối với giai cấp. Việc sử dụng thuật ngữ “giai cấp” được nhận thức là “không phải đạo” (politically incorrect) bởi các học giả chính thống và có lẽ là không thích hợp về mặt chính trị bởi nhiều học giả không chính thống nghiên cứu về Việt Nam sau cải cách. Các bài viết và các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu của nhà nước, được nhà nước tài trợ, và tuân theo hệ tư tưởng chính thống của nhà nước, cho thấy một sự chống đối với khái niệm xung đột giai cấp và một sự đề kháng đối với quan niệm giai cấp như là cơ sở của sự bất bình đẳng xã hội. Trong các tài liệu chính thống, vấn đề bất bình đẳng giai cấp bị gạt bỏ, bị che giấu hoặc bị hiểu nhầm khiến điều này có vẻ là chính đáng hoặc tách biệt với sự bất bình đẳng về mặt cấu trúc. Đa số những cuộc thảo luận không chính thống, gắn với một chương trình dân chủ hoá và với những chỉ trích về sự độc quyền quyền lực của Nhà Nước cộng sản Việt Nam, chủ yếu tập trung vào những hệ quả của sự hình thành các giai cấp đối với quá trình dân chủ hoá. Khi các nhà lý thuyết không quan sát được bất kỳ thành phần giai cấp nào với những vai trò chính trị riêng biệt, thì họ cho rằng việc nghiên cứu giai cấp hơi sớm trong bối cảnh hiện tại.
Tính chính thống của Nhà nước và sự tuyên truyền
“Liên minh giai cấp,” một phản khái niệm đối lập với khái niệm của Mác về “đấu tranh giai cấp” đã và vẫn là yếu tố cốt lõi của hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (thông qua năm 1946; sửa đổi năm 1959, 1980, 1992; bổ sung năm 2001) tuyên bố như sau:
Nhà Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà Nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực của Nhà Nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức[53].
Cơ cấu xã hội gồm công nhân, nông dân và trí thức được Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) coi như là thành quả của cuộc cải cách ruộng đất, đã diễn ra trong những năm 1950 dưới sự lãnh đạo của Đảng[54]. Trong cuộc cải cách ruộng đất, ĐCSVN đã sử dụng khái niệm mác xít “mâu thuẫn giai cấp đối kháng” như là một công cụ chính trị để huy động nông dân không có đất chống lại những người được xem như là đã bóc lột họ: giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản. Mục tiêu được định trước của cuộc cải cách ruộng đất là xóa bỏ mọi xung đột giai cấp và thậm chí là dẫn đến sự biến mất của các giai cấp. Như Hiến pháp tuyên bố, sau cuộc cải cách ruộng đất, Việt Nam đã trở thành một xã hội “của dân, do dân, vì dân” “trong đó mọi người thuộc tất cả các giai cấp, các tầng lớp đều chia sẻ cơ hội bình đẳng trong mọi khía cạnh của cuộc sống của họ[55].
Không thể có chỗ cho sự bất bình đẳng giai cấp trong diễn ngôn của Nhà Nước. Trong khi thuật ngữ “giai cấp” vẫn tồn tại trong diễn ngôn thống trị khi xét đến khái niệm giai cấp công nhân và giai cấp nông dân được các học giả chính thống sử dụng trong những bài viết tuyên truyền (sẽ được thảo luận sau trong phần này), Nhà Nước vẫn liên tục tránh hoặc làm sai lệch khái niệm giai cấp của chủ nghĩa Mác vốn bao gồm các ý niệm xung đột và bóc lột liên quan đến quyền lực chính trị. Theo nghĩa này, “giai cấp” có thể trở thành thách thức nghiêm trọng đối với tính chính đáng của Nhà Nước xã hội chủ nghĩa tự xem như là thành phần tiên phong của giai cấp vô sản và công nhân, và là yếu tố bảo vệ sự bình đẳng xã hội và công bằng xã hội[56]. Nhìn lại, cuộc cải cách ruộng đất, được chính đáng hóa trên cơ sở của sự xung đột giai cấp, đã để lại “những vết sẹo sâu” trên tính chính đáng của Nhà Nước xã hội chủ nghĩa[57]. Mặc dù nó đã làm cho cuộc sống của hàng triệu nông dân được tốt hơn (ít nhất là trong những năm đầu tiên) bằng cách chia cho họ những phần đất nông nghiệp, điều chưa từng xảy ra trước đây, cuộc cải cách ruộng đất đã dẫn đến việc một số lượng lớn người bị cáo buộc thuộc về hoặc liên kết với các tầng lớp bị cho là bóc lột đã mất mạng hay phải chịu nhiều đau khổ[58].
Bill Hayton
Một quan niệm khác mà Nhà Nước xã hội chủ nghĩa cho rằng đe dọa đến tính chính đáng của nó và do đó nhất quyết phủ nhận là lý thuyết về giai cấp cán bộ-tư sản. Cũng như các học giả Mác-xít không chính thống đã cho thấy, trong các xã hội hậu cộng sản, có những mâu thuẫn sâu sắc giữa một tầng lớp cán bộ-tư sản – tức là một giai cấp có vốn, một giai cấp bóc lột có liên kết với Nhà Nước - và quần chúng bị bóc lột[59]. Milovan Djilas cho thấy rằng các cán bộ quan chức của Đảng Cộng sản ở Liên bang Xô Viết và Đông Âu đã tạo thành “một giai cấp mới” đã chiếm đoạt quyền kiểm soát chính trị các tài nguyên sản xuất và giống với thành phần tư sản giàu có trong các xã hội tư bản[60]. Trong những thập kỷ sau đó, những nhà trí thức Việt Nam và ngoại quốc ly khai, kể cả ông Nguyễn Kiến Giang cựu quan chức cao cấp của ĐCSVN và cựu phóng viên BBC tại Việt Nam Bill Hayton, đã thảo luận các vấn đề về việc lợi dụng quyền lực và tham nhũng trong giới cán bộ cao cấp ở Việt Nam phản ảnh lý thuyết của Djilas[61]. Những bài viết của họ bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, cũng như bất kỳ lời chỉ trích nào về ĐCSVN của các người bất đồng chính kiến ​​và các nhà quan sát và dân ch nước ngoài[62]. Sách ca Hayton[63] không nhn được cấp phép xuất bản tại Việt Nam và ông bị cấm nhập cảnh lại vào VN, được cho là vì cuốn sách của ông[64]. Cuốn sách của Nguyễn Kiến Giang[65] được một nhà xuất bản Mỹ xuất bản và bị cấm tại Việt Nam. Các bài viết của ông đã biến mất khỏi báo chí nhà nước từ năm 1990, và tác giả, vì quan điểm “xét lại” của ông, bị đặt dưới sự theo dõi của an ninh trong suốt 25 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 2013[66].
Nhà Nước cũng chống đối ý tưởng rằng việc hình thành các giai cấp khác biệt tất yếu dẫn đến thay đổi chính trị. Martin Gainsborough và Thomas Heerer khẳng định rằng việc hình thành các giai cấp với những đặc tính chính trị riêng biệt của nó phải có khả năng thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và thay thế hệ thống độc đảng[67]. Không cần phải nói, điều này bị Nhà Nước độc đảng “siêu phòng thủ”, vốn coi tính chính đáng của nó ngang hàng với sự ổn định chính trị của quốc gia[68], xem như là phản động. Nhà Nước không chấp nhận bất cứ sự thoả hiệp nào về sự độc quyền quyền lực của nó. Điều 88 trong Bộ Luật hình sự Việt Nam xử hình phạt tù đến hai mươi năm đối với tội “tuyên truyền chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - có nghĩa là, chống lại ĐCSVN[69].
Chính thông qua sự tuyên truyền của đảng mà các học giả chính thống, đặc biệt là những người đứng đầu và là giám đốc các cơ quan nhà nước, chiếm lấy và xác nhận lý thuyết chính thống của Nhà Nước về các vấn đề phân tầng xã hội và giai cấp. Các văn bản này, được xuất bản trên nhiều kênh - tạp chí học thuật, các bài báo của Nhà Nước và các kênh trực tuyến - và nhắm vào các đối tượng học thuật cũng như khán/thính giả rộng lớn, phục vụ cho việc phổ biến các quan điểm của Nhà Nước. Cố che khuất và bỏ qua sự tồn tại của sự bất bình đẳng ở Việt Nam, và hợp pháp hoá sự phân tầng xã hội, các công trình được thảo luận dưới đây nhằm tới việc củng cố tính chính đáng của Nhà Nước.
Những tài liệu tuyên truyền này sử dụng hai dòng lập luận chính. Đầu tiên là các vị trí cao thấp trong một hệ thống phân cấp xã hội là kết quả khách quan về sự chênh lệch giữa các công dân theo khả năng “tự nhiên”, tài năng, tiến trình, nỗ lực và đóng góp của họ. Nguyễn Đình Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng những người tài năng và hữu ích hơn xứng đáng được nhận phần thưởng cao và quyền lực xã hội để quản lý xã hội, trong khi những người ít có khả năng đóng góp thì nhận được vị trí và phần thưởng thấp, điều này khiến cho sự phân tầng xã hội là không thể tránh được và là hợp lý[70]. Nguyễn Đình Tấn lưu ý rằng khái niệm “phân tầng xã hội chính đáng” được xác nhận trong chương trình của Viện[71].
Còn hướng lập luận thứ hai thì cho rằng vì mỗi "giai cấp" hoặc tầng lớp gồm có một loạt những nghề nghiệp và vị trí, các giai cấp là tương đương và không đối kháng với nhau. Nguyễn Khánh Mậu định nghĩa “giai cấp công nhân” bao gồm tất cả các công nhân “sản xuất và tái sản xuất hàng hóa” bất kể kỹ năng hoặc vị trí của họ[71]. Còn có những nhà nghiên cứu khác thì phân tích sự phân tầng xã hội dựa trên sự phân tầng thu nhập trong nội bộ giai cấp, hoặc bằng cách xây dựng khái niệm “giai cấp nông dân” bao gồm cả “nông dân tỷ phú” và những nông dân buộc phải đi làm thuê[72] hoặc bằng cách sử dụng thuật ngữ “thành phần xã hội trung lưu” và “nhóm hộ gia đình giàu có” để chỉ ra “các thành phần ưu tú” của tất cả các tầng lớp xã hội và giai cấp[73]. Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng vì trong mỗi giai cấp đều có người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp khác nhau về khả năng và kỹ năng của họ, ba nhóm thu nhập trong xã hội - “giàu”, “trung bình” và “nghèo” – được phân bổ đều trong các giai cấp khác nhau[74].
Những lập luận này không có cơ sở và thiếu chứng cứ thực nghiệm.  Ý tưởng cho rằng các vị trí bất bình đẳng là kết quả của những sự bất bình đẳng “tự nhiên” trong tài sản cá nhân, dựa trên những giả định võ đoán, vốn phản ảnh quan điểm mang tính chức năng về sự phân tầng xã hội[75], đã bị phê phán từ lâu như là sự bào chữa mang tính đạo đức cho sự bất bình đẳng kinh tế[76]Hơn nữa, ý tưởng phân tầng chính đáng trong bối cảnh Việt Nam lại mâu thuẫn với những bằng chứng hiện có về mối liên quan giữa thành phần xã hội và thành tựu cá nhân ở Việt Nam sau cải cách.
Trong các phân tích của họ, các tác giả tuyên giáo áp dụng một cách không phê phán chính khái niệm “giai cấp” mà nhà nước xem như là một công cụ tư tưởng chính trị. Mặc dù “giai cấp công nhân” hay “nông dân” có thể được cho là đại diện cho các nhóm đồng nhất trong thuật ngữ chính trị lịch sử đối với trường hợp cụ thể của Việt Nam, chúng không cấu thành các nhóm kinh tế xã hội hoặc văn hóa xã hội. Chỉ trong các bài viết tuyên truyền của Việt Nam, người đọc mới có thể tìm thấy một giai cấp xã hội được khái niệm hóa như một nhóm người có những nghề nghiệp, vị trí và điều kiện khác nhau – thậm chí đối lập nhau. Chẳng hạn như “giai cấp công nhân” bao gồm cả những người lao động có tay nghề cao và thu nhập cao và những người lao động không có tay nghề và có thu nhập thấp. Khái niệm giai cấp công nhân[77] phục vụ mục đích chính trị che khuất sự tồn tại của sự cách biệt giai cấp giữa các công nhân lành nghề và các công nhân không có tay nghề.
Nghiên cứu chính thống
Việc thiếu các nghiên cứu về giai cấp của các học giả chính thống không có gì đáng ngạc nhiên. Có một thực tế được biết đến rộng rãi là tự do tư tưởng và tự do ngôn luận trong nước bị hạn chế nghiêm ngặt dưới sự quản trị của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam[78]. Môi trường học thuật ở Việt Nam vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà Nước: phần lớn các viện nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà Nước và vai trò của các viện nghiên cứu này là cung cấp sự ủng hộ về mặt trí tuệ và chính sách cho Nhà Nước[79]. Như một cựu lãnh đạo của Viện Xã hội học Việt Nam thừa nhận, các nghiên cứu xã hội học Việt Nam được thực hiện theo yêu cầu của chính quyền cấp tỉnh và cấp nhà nước[80]. Do đó, phần lớn các công trình nghiên cứu học thuật chính thống đều tuân thủ nghiêm ngặt quan điểm của Nhà Nước và các nhà nghiên cứu đều biết rất rõ ràng các chủ đề không được phép đề cập.
Do đó, nghiên cứu về cấu trúc xã hội và giai cấp rất hiếm trong xã hội học Việt Nam. Trong số mười hai dự án nghiên cứu cấp Nhà Nước được tiến hành từ năm 1978 đến năm 2015, một phần ba nghiên cứu sự di dân trong khi hai phần ba còn lại tập trung vào nhà ở, đời sống xã hội nông thôn, hệ thống chính trị cơ sở và môi trường. Chỉ có một nghiên cứu về cấu trúc xã hội, được xuất bản như một bài báo trên tạp chí năm 1993[81] và không có nghiên cứu nào về giai cấp[82].
Trong nghiên cứu duy nhất của ông về cấu trúc xã hội vào năm 1993, Tương Lai bàn luận về mối liên hệ giữa quyền lực chính trị và lợi thế kinh tế ở Hà Nội trong giai đoạn sau đổi mới[83]. Nghiên cứu này là công trình học thuật duy nhất được thực hiện vào thời bấy giờ trong đó quyền lực chính trị được xem rõ ràng như là cơ sở chính của sự khác biệt giàu có. Tương Lai công nhận rằng sự bất bình đẳng thu nhập, vốn thường được xem như là không thể tránh khỏi trong các công trình nghiên cứu trước đây và như là hậu quả vô hại của quá trình chuyển tiếp tới kinh tế thị trường, là một mối đe dọa cho lời hứa của chính quyền về việc duy trì bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, sau nghiên cứu mang tính bước ngoặt này, các công trình nghiên cứu chính thống đã loại bỏ khái niệm về quyền lực và cố gắng tránh việc xác định mối liên kết giữa các vấn đề bất bình đẳng xã hội với tính đáng tin của Nhà Nước.
Có thể lập luận rằng, đối mặt với những thách thức tiềm tàng mà một diễn ngôn cho rằng sự bất bình đẳng xã hội bắt nguồn từ quyền lực có thể gây ra cho tính chính đáng của nó, Nhà Nước đã thực hiện các biện pháp để tránh các cuộc điều tra có liên quan. Tuy nhiên, tại sao các quan điểm không công khai hóa vị thế nổi bật của chính trị và do đó có thể ít đe dọa tính chính thống nhà nước (ví dụ, giai cấp nghề nghiệp) cũng vắng mặt? Theo Đỗ Thiên Kính, một học giả từ Viện Xã hội học Việt Nam, lý do tại sao nghề nghiệp đã không trở thành chỉ số chính về sự phân tầng xã hội ở Việt Nam như ở như Hoa Kỳ và Nhật Bản là vì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam khác với với các nền kinh tế thị trường của Tây Phương.[84] Tuy nhiên, dù lập luận này có mập mờ và mơ hồ đến thế nào, thì rõ ràng là các nhà nghiên cứu trong nước còn ngần ngại để sử dụng khái niệm “giai cấp” vì cho rằng nó không thể áp dụng cho bối cảnh Việt Nam. Chắc chắn, việc thiếu dữ liệu khảo sát phù hợp cho việc phân tích giai cấp là một yếu tố đã đóng góp cho việc này. Như các nhà phê bình đã chỉ ra, dữ liệu VLSS và VHLSS được sử dụng nhiều nhất loại trừ thông tin chi tiết về thị trường lao động như tiền lương, điều kiện làm việc, an toàn, cơ cấu ngành nghề, tính thời vụ và tính cơ động. Vì vậy, trong sự phân tích việc tiếp cận của người dân đối với việc làm ổn định, đã có một sự nhấn mạnh các đặc điểm về dân số và địa lý thay vì các yếu tố cấu trúc (như giai cấp)[85].
Điều thú vị là Đỗ Thiên Kính lại chính là chủ biên của công trình nghiên cứu chính thống thứ nhì về cấu trúc xã hội ở Việt Nam sau đổi mới[86]. Ngược lại với quan điểm trước đây của ông[87], tác giả đã chấp nhận xem nghề nghiệp là “tiêu chí toàn diện phản ánh vị thế kinh tế xã hội”. Dựa trên dữ liệu VHLSS 2002-2008 về giáo dục, chi tiêu, giá trị của nơi cư trú, việc sở hữu máy tính và việc truy cập internet, tác giả đã phân loại một thứ bậc thành chín nhóm: (1) lãnh đạo và nhà quản lý, (2) doanh nhân, (3) chuyên viên cao cấp, (4) nhân viên ăn lương, (5) công nhân nhà máy, (6) tầng lớp thương mại /dịch vụ, (7) tầng lớp tiểu thủ công nghiệp, (8) công nhân cơ sở và người buôn bán tự do, và (9) tầng lớp nông dân. Đỗ Thiên Kính đã có những nỗ lực ban đầu để xây dựng một cấu trúc xã hội Việt Nam sau cải cách dựa trên các tiêu chí mạch lạc và bằng chứng thực nghiệm. Như vậy, nghiên cứu của ông cho thấy tiềm năng của nghề nghiệp như là một chỉ báo có ý nghĩa về sự khác biệt xã hội trong một nền kinh tế thị trường.
Những nỗ lực của các nhà nghiên cứu trước đây để phân loại các nhóm xã hội phần lớn đều không có tính khoa học, dựa trên sự quan sát, không toàn diện, và không nhất quán về mặt phương pháp. Các nghiên cứu thường tập trung vào các nhóm đơn lẻ như tầng lớp xã hội của các doanh nhân tư nhân mới thành hình[88] hoặc tầng lớp trung lưu chuyên nghiệp trẻ, ăn lương, ở thành thị[89]. Jee Young Kim là một ngoại lệ khi phác họa một hệ thống phân cấp nghề nghiệp hoàn chỉnh dựa trên cuộc Khảo sát Việt Nam theo chiều dọc vào năm 1995[90]. Hệ thống phân cấp nghề nghiệp này bao gồm các việc làm trong hệ thống Nhà Nước, các việc làm tự túc ngoài nông nghiệp và tầng lớp nông dân tư nhân, với một số lượng nhỏ các quản trị viên và chuyên gia ở phía trên, công nhân khá giỏi ở giữa và nông dân ở phía dưới. Thật đáng tiếc, không rõ là nguyên tắc phân tích mà tác giả sử dụng cho sự phân cấp này là nghề nghiệp, khu vực kinh tế hay hình thức làm việc.

Mặc dù có giá trị, nhưng nghiên cứu của Đỗ Thiên Kính đã không thể xác định vị trí giai cấp như một biến số mang tính cấu trúc ảnh hưởng đến điều kiện sống và cơ hội của người dân[91]. Phân tích của ông đã làm mờ đi các vấn đề bất bình đẳng về mặt cơ hội và cung cấp sự ủng hộ cho quan điểm chính thống của Nhà Nước về sự phân tầng chính đáng. Như Đỗ Thiên Kính lập luận, hai điều kiện mà con em của những công nhân nông nghiệp bị thiệt thòi cần phải có để thoát khỏi công việc đồng áng là “nỗ lực cá nhân” và “những thay đổi trong cơ cấu kinh tế quốc gia.”[92] Thay vì liên kết những bất lợi của nông dân với cơ hội của con cái họ, tác giả đã tán thành quan điểm chức năng chính thống của Nhà Nước xem thành tựu của cá nhân là kết quả của tài năng và nỗ lực của họ. Ông coi nhẹ vai trò của những cơ hội về mặt cơ cấu trong việc xác định khả năng cơ hội cơ động xã hội. Cơ hội đi lên của những người dân bị bất lợi không phải chỉ phụ thuộc vào việc có nhiều vị trí xã hội tốt hơn (tức là những thay đổi trong cơ cấu kinh tế khách quan), mà còn quan trọng hơn, về sự bình đẳng lớn hơn trong việc tiếp cận các vị trí đó (tức là những thay đổi trong cơ cấu cơ hội)[93]. Trong các công trình nghiên cứu chính thống, hoàn toàn không có tác động của nguồn gốc xã hội của người dân đối với khả năng và cơ hội của họ.
Những công trình phi chính thống
Mặc dù các mối quan tâm của các công trình nghiên cứu của các học giả không chính thống không bị hạn chế giống như đối với các học giả chính thống, các cuộc điều tra không chính thống cũng có những hạn chế của nó. Các mối quan tâm nghiên cứu của những người chuyên về khoa học chính trị và kinh tế chủ yếu tập trung vào tính lợi ích chính trị của giai cấp. Trong phần lớn nghiên cứu của họ, giai cấp được hiểu theo thuật ngữ Mác-xít như một nhóm với ý thức rõ ràng về đặc tính của nó, tiềm năng thực sự có thể được huy động cho các mục tiêu chính trị và khả năng hành động rõ ràng. Ví dụ, trong một bài về các doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hậu cải cách, Heberer lập luận rằng các doanh nghiệp tạo thành một giai cấp dựa trên “mong muốn của họ để thay đổi hệ thống” và quyền lực chính trị, cũng như trên sự tham gia tích cực của họ trong tiến trình dân chủ hóa[94]. Cũng giống như vậy, Gainsborough phân tích các giai cấp đang nổi lên dưới thời cải cách dựa trên vai trò tiềm năng của họ trong quá trình dân chủ hóa[95]. Do đó, cả hai tác giả đều kết luận rằng “giai cấp” chưa được hình thành trong bối cảnh hậu cải cách. Hàm ý là một nghiên cứu về giai cấp trong bối cảnh hiện tại là quá sớm[96].
Trong chương trình xã hội học và nhân học bằng tiếng Anh về giai cấp của các tác giả không giảng dạy tại Việt Nam, với một ​​s phát trin mnh m ca các điu tra định lượng, giai cp được phân tích nhiu nht là tng lp trung lưu đang ni lên. Các nghiên cứu về tầng lớp trung lưu được phân chia giữa các nghiên cứu tập trung vào các mô hình tiêu dùng và các nghiên cứu về vai trò chính trị, nhưng cũng có một vài điểm hội tụ giữa hai xu hướng này. Các nhà nghiên cứu như Catherine Earl, King và cộng sự, Allison Truitt, Jacqueline Elfick và Van Nguyen-Marshall và cộng sự khảo sát các cách thức mà đặc tính của thành phần trung lưu được thiết lập và được thể hiện qua các hành vi tiêu dùng[97]. Như vậy, các tài liệu này cung cấp những sự hiểu biết có giá trị về những trải nghiệm định tính về sự phân biệt giai cấp và các yếu tố tạo hình cho những trải nghiệm đó. Đáng tiếc là không có sự đồng thuận giữa các nghiên cứu này về tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu có thể bao gồm những người (chủ yếu là người thành thị) nắm giữ vị trí lãnh đạo, những chuyên gia, những người có vị trí chuyên môn cao và trung cấp, cũng như những người tốt nghiệp đại học[98] cùng với doanh nhân và nghệ sĩ[99]. Thêm nữa, những hiểu biết vẫn còn thiếu về những sự liên kết giữa tiến trình của các cá nhân thuộc thành phần trung lưu, những hành vi của họ và khả năng tái tạo đặc quyền của họ cho thế hệ tiếp theo, điều này sẽ làm sáng tỏ thêm vấn đề phân biệt giai cấp như được thể hiện qua các mô hình tiêu dùng của họ.
Qua các công trình nghiên cứu chính thống và không chính thống về giai cấp, có những chương trình nghị sự chính trị được xác định trước đã kìm hãm sự tiến bộ của kiến thức hàn lâm về xã hội Việt Nam sau cải cách. Trong nghiên cứu chính thống, giai cấp được sử dụng như một công cụ chính trị để, một cách nghịch lý, làm cho sự bất bình đẳng vừa bị che khuất vừa được chính đáng hóa. Nghiên cứu của Đỗ Thiên Kính minh họa cho mức độ mạnh mẽ mà những phản đề của Nhà Nước về sự bất bình đẳng xã hội đã bị áp đặt hay được lồng vào những công trình nghiên cứu xã hội chính thống[100]. Trong các nghiên cứu không chính thống hay của các nhà nghiên cứu ở nước ngoài, giai cấp được sử dụng như một chỉ báo cho quá trình dân chủ hóa vốn sẽ thay đổi hệ thống độc đảng hiện nay. Điều này phù hợp với các chương trình chính trị đã có từ trước của các nhà nghiên cứu, những người coi sự chuyển đổi chính trị là không thể tránh khỏi.
Giai cấp chưa được xem xét đầy đủ như một yếu tố phân tầng có ý nghĩa tiềm tàng của xã hội Việt Nam sau cải cách. Quá bận tâm với ý nghĩa chính trị của giai cấp, các nhà nghiên cứu đã né tránh nhiều chiều kích của giai cấp  - đáng chú ý là về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Sự tập trung quá lớn của các nhà nghiên cứu vào các vấn đề về biến đổi xã hội đã ngăn cản các câu hỏi về sự tiếp nối xã hội và sự tái sản xuất xã hội. Đây không phải chỉ là tình huống của Việt Nam. Trong nghiên cứu xã hội học phương Tây, khái niệm mác xít về “các giai cấp thực tế” hay “các giai cấp tự nó” đã được sử dụng thường xuyên để thách thức giai cấp như một chỉ báo xã hội có ý nghĩa[101]. Tuy nhiên, nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng không thể chối cãi về sự bất bình đẳng có ý nghĩa và bền vững dựa trên giai cấp cũng như đối với những cơ hội trong cuộc sống[102].

Đi tìm những công trình nghiên cứu về giai cấp xã hi ở Vit Nam hin đi

Tại sao lại bận tâm với giai cấp xã hội ở Việt Nam? Như đã nêu trong phần này, sự bất bình đẳng dựa trên giai cấp xã hội là một chủ đề thích đáng và cấp bách cho nghiên cứu xã hội học về Việt Nam. Những bằng chứng thực nghiệm hiện có cho thấy sự xuất hiện của một sự bất bình đẳng sâu sắc dựa trên giai cấp ở Việt Nam sau cải cách.
Trong những thập kỷ gần đây, người Việt Nam đã được hưởng những cơ hội chưa từng thấy trong giáo dục và việc làm; đồng thời, họ đã gánh chịu những mức độ bất bình đẳng xã hội chưa từng có. Từ năm 1986, dưới áp lực của một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội sâu sắc và sự suy yếu của hệ thống thanh toán quốc tế hậu chiến, Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi lớn từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Cải cách kinh tế này đã ảnh hưởng đến tiến trình phi tập thể hóa, việc loại bỏ hệ thống trợ cấp và loại bỏ các hạn chế đối với khu vực kinh tế tư nhân. Cải cách đã nâng cao mức sống chung và làm suy yếu các rào cản xã hội được thiết lập bởi Nhà Nước trong kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã được ca ngợi về những thành quả của chính sách xóa đói giảm nghèo[103]. Theo các cuộc khảo sát mức sống hộ gia đình trên toàn quốc, số người sống dưới ngưỡng nghèo đã giảm từ 70% vào giữa những năm 1986 đến 60% vào đầu những năm1990, đến 30% năm 2002 và ít hơn 10% vào năm 2010[104]. Tuy nhiên, do mức độ quan trọng của những độ chênh lệch ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc khảo sát này, các nhà phê bình cảnh báo việc ước lượng quá cao mức độ giảm nghèo ở Việt Nam[105].
Các thành tựu khác sau cải cách bao gồm sự cơ động địa lý cao hơn, khả năng cơ động công việc lớn hơn và sự tuyển sinh mạnh hơn. Sự nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu đã cho phép người dân nông thôn di cư đến các khu vực đô thị để tìm kiếm thu nhập tốt hơn[106]. Sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực tư nhân đã giúp người dân thoát khỏi sự tùy thuộc vào đồng lương nhỏ của một viên chức của Nhà Nước, và do đó làm cho sự cơ động giữa các khu vực kinh tế và các việc làm được dễ hơn[107]. Các mạng lưới anh sinh cũng như sự phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và giáo dục trung học vào năm 2010 đã đẩy mạnh sự tiếp cận với trường học công của người nghèo[108].
Sự tác động của nền tảng chính trị của gia đình trên đời sống xã hội đã giảm bớt dưới thời đổi mới. Đã có một sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu về thời kỳ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để cho rằng nền tảng chính trị gia đình là yếu tố quyết định đối với cơ hội cả trong giai đoạn phát triển xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (1954-1975) và giai đoạn 1976-1985 của nền kinh tế kế hoạch tập trung trên toàn quốc[109].  Mặc dù có một hệ thống phân phối bình đẳng có vẻ công khai, những người thuộc những gia đình đã chứng minh sự trung thành đối với Đảng Cộng sản - gia đình của các quan chức cách mạng, nông dân và công nhân - được thưởng công bằng sự tiếp cận gần như được đảm bảo đối với giáo dục đại học/cao đẳng, giáo dục ở nước ngoài , việc làm ở khu vực Nhà Nước và một số dịch vụ xã hội khác. Ngược lại, những người có - hoặc được cho là có - bất kỳ mối quan hệ nào với điền chủ, thực dân trong cuộc chiến tranh Pháp (1945-1954) và chiến tranh Mỹ (1955-1975), đã tham gia các đảng phái chính trị bị cấm, và/hoặc thuộc thành phần tư sản phần lớn bị loại trừ khỏi các dịch vụ này. Kể từ khi chương trình cải cách bắt đầu, các rào cản chính thức từng được tạo ra thông qua sự sàng lọc chính trị đã dần bị loại trừ, ngoại trừ trong các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như việc đào tạo công an. Nhà Nước đã có những nỗ lực để thúc đẩy một sự tiếp cận phổ cập và bình đẳng cho việc làm trong khu vực nhà nước và cho giáo dục thông qua sự tuyển sinh quốc gia dựa trên kỳ tuyển sinh vào các trường cao đẳng và đại học[110].
Tuy nhiên, kể từ khi thời kỳ hậu cải cách bắt đầu, bất bình đẳng xã hội đã gia tăng đáng kể ở Việt Nam. Trong bối cảnh này, có vẻ như giai cấp được xác định trong lãnh vực kinh tế xã hội đã thay thế cho giai cấp được định nghĩa trong lãnh vực chính trị, như là nguồn bất bình đẳng chính. Khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất của dân số Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2006, theo kết quả thống kê của cuộc điều tra VHLSS[111]. Những con số thống kê của chính phủ cho thấy hệ số Gini quốc đã gia tăng từ 0,33 trong giai đoạn 1992-1993 lên 0,424 vào năm 2012[112]. Rõ ràng, tỷ lệ tăng trưởng của sự bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam được ghi nhận như là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới[113]. Đã có bằng chứng cho thấy sự bất bình đẳng trong cơ hội đang gia tăng. Nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ đáng kể và tích cực giữa việc học của trẻ em với thu nhập hộ gia đình[114] hoặc với vị trí kinh tế xã hội hộ gia đình (một tiêu chuẩn kết hợp các đặc tính dân số đa dạng bao gồm giáo dục và nghề nghiệp của cha mẹ)[115]. Đây là hậu quả của việc chuyển dần trách nhiệm tài chính về giáo dục từ Nhà Nước đến các hộ gia đình kể từ đầu những năm 1990[116]. Có những bằng chứng mới về mối liên hệ giữa thành phần gia đình và thành tựu nghề nghiệp. Ta thấy những người thuộc thành phần được ưu đãi có cơ hội cao để có được việc làm tốt và ổn định[117], để đạt vị trí chuyên nghiệp cao[118] và để thành lập doanh nghiệp của riêng họ[119].
Ở Việt Nam trước cải cách, các dịch vụ và cơ hội đều được Nhà Nước trợ cấp, do đó Nhà Nước đã công khai phân biệt đối xử với các nhóm có vấn đề về mặt chính trị. Trong giai đoạn hậu cải cách, mặc dù các dịch vụ và cơ hội được dành cho hầu hết mọi người, bất kể đến nền tảng chính trị, nhưng nó chỉ có thể được tiếp cận với một chi phí mà không phải ai cũng có thể trả được, và điều này tạo ra một sự phân biệt đối xử đối với các nhóm có hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế xã hội. Còn có rất nhiều điều có thể được viết về các nhóm kinh tế xã hội sau cải cách này – họ là ai, cách thức để phân biệt họ và các cơ chế làm nền tảng cho sự phân biệt này. Hai yếu tố phân tầng của xã hội Việt Nam đương đại mà các nhà nghiên cứu  đang khảo sát  - thu nhập và khu vực kinh tế - cho đến nay vẫn chưa thích đáng để làm cho việc nghiên cứu nguyên nhân của sự bất bình đẳng được thuận lợi hơn và để phản ánh nền kinh tế đa ngành sau cải cách. Một cách khác để hiểu được và giải thích sự bất bình đẳng trong dân số Việt Nam là cần thiết.
Trong một loạt các bối cảnh xã hội, nghề nghiệp đã được xác định như là tiêu chí chính tạo cơ sở để xác định giai cấp xã hội[120]. Ở Việt Nam, có những bằng chứng mới cho thấy nghề nghiệp là một chỉ báo về điều kiện sống và cơ hội. Các cuộc điều tra quốc gia đã cho thấy rằng nghề của người chủ hộ là một yếu tố dự báo đáng tin cậy về thu nhập hoặc chi tiêu của gia đình[121] cũng như về cơ hội nghề nghiệp của con cái[122]. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự xuất hiện hoặc củng cố của các tầng lớp, giai cấp xã hội nghề nghiệp, cho dù họ là những nhóm đơn lẻ như tầng lớp trung lưu hoặc doanh nhân[123] hoặc các nhóm được cấu tạo trên cơ sở của môt cấu trúc nghề nghiệp có thứ bậc[124]. Những bằng chứng cho thấy rằng, trong khi giai cấp chính trị là thế lực tập thể chính xác định cơ hội ở Việt Nam trước cải cách, giai cấp xã hội là lực lượng tập thể chính xác định cơ hội ở Việt Nam sau cải cách. Sự thành hình và phát triển của các giai cấp ở Việt Nam sau cải cách, như được xác định thông qua các điều kiện sống và cơ hội tương tự được chia sẻ bởi các thành viên của giai cấp, đã trở thành vấn đề thích đáng và cấp bách cho nghiên cứu.
Cách tiếp cận giai cấp xã hội của Pierre Bourdieu
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Trong phần này, tôi đề xuất rằng những lập luận của Pierre Bourdieu về sự tái sản xuất giai cấp có thể là những công cụ phù hợp và mạnh mẽ để phân tích giai cấp ở Việt Nam hậu cải cách. Sự tái sản xuất giai cấp chỉ hiện tượng những người lưu truyền được sự tồn tại của một vị trí kinh tế xã hội hay một vị trí tương tự, cũng như của thành phần giai cấp của họ. Như nghiên cứu đầu tiên của tôi (vượt quá phạm vi của bài viết này) đã chứng minh, khung lý thuyết của Bourdieu có thể được sử dụng như là một công cụ tư duy và một phương pháp luận để khai phá việc nghiên cứu sự tái sản xuất xã hội ở Việt Nam sau đổi mới vốn ít được nghiên cứu. Đây có lẽ là một sự ứng dụng chưa từng có cho những mục tiêu nghiên cứu như trên[125].
Bằng chứng mới xuất hiện về tính liên tục của các lợi thế và bất lợi về mặt kinh tế xã hội ở Việt Nam sau cải cách giữa các thế hệ, như đã nêu trong phần trước, cho thấy tính xác đáng của hiện tượng tái sản xuất giai cấp – một chủ đề chủ chốt trong sự nghiệp của Bourdieu. Phần lớn sự nghiệp của Bourdieu có liên quan đến tính dai dẳng của sự bất bình đẳng giai cấp, như được phản ánh trong các câu hỏi của ông về việc làm sao mà các lợi thế và bất lợi của giai cấp lại được lặp lại qua nhiều thế hệ mà không gặp một sức đề kháng mạnh mẽ nào[126]. Bourdieu nhận xét rằng khi mà các xã hội tư bản chuyển thành những hình thái công nghiệp và hậu công nghiệp hiện đại, tình trạng chung của tất cả các nhóm thường được cải thiện, tuy nhiên vị trí giai cấp tương đối của chúng trong thứ bậc phân tầng vẫn không thay đổi[127].
Khi Bourdieu xác định khái niệm giai cấp bắt nguồn từ cơ hội trong cuộc sống, nó có thể được phân biệt với một cách tiếp cận mác xít thiên về chính trị để hiểu biết về giai cấp, vốn đã cản trở sự hiểu biết về xã hội Việt Nam sau cải cách của giới nghiên cứu chính thống và không chính thống. Chủ nghĩa Mác có xu hướng coi giai cấp lớp như là một thực thể tồn tại trong thực tế, xuất phát từ quá trình bóc lột trong hình thái sản xuất tư bản chủ nghĩa, và có thể được huy động cho các mục đích chung chống lại một giai cấp khác[128]. Quan niêm mác xít về giai cấp dựa trên một cấu trúc lưỡng cực giữa hai giai cấp chính đối kháng với nhau[129].
Trong phân tích của Bourdieu, giai cấp được xác định bởi quyết định trí thức của nhà nghiên cứu chọn lựa là “giai cấp lý thuyết” hay “giai cấp khách quan” hơn là các nhóm tồn tại trong thực tế[130]. Một giai cấp bao gồm các tác nhân có điều kiện sống tương tự - khả năng tương tự trong việc tiếp cận các tài nguyên, xu hướng hành động và cách thức hành động tương tự[131]. Cùng hướng suy nghĩ của Weber theo đó những thành viên của một giai cấp cùng chia sẽ những cơ hội tương tự về mặt cơ động cá nhân và liên thế hệ[132], một giai cấp, theo quan điểm của Bourdieu, được tạo thành từ các tác nhân mà lộ trình di động là tương tự và điển hình[133]. Nói cách khác, các thành viên của một giai cấp chia sẻ một “hành trình xã hội”[134].
Không kém phần quan trọng, lý thuyết của Bourdieu còn tạo điều kiện tốt để tính đến đầy đủ các ảnh hưởng của giai cấp thông qua cách khái niệm hóa giai cấp của ông cả về mặt vật chất lẫn về mặt biểu tượng, và cho việc xác định quy trình tái sản xuất giai cấp trên phương diện cá nhân và cấu trúc. Tách biệt khỏi quan điểm cấu trúc của Marx, và chịu ảnh hưởng các tác phẩm của Max Weber về tôn giáo, trong đó Weber đã đưa tác nhân vào lại trong các lý thuyết về hệ thống biểu tượng, Bourdieu đã kết hợp tác nhân lại với những cấu trúc ảnh hưởng đến họ[135]. Khung để phân tích cách mà thực hành phát sinh được tóm tắt bằng công thức “[(Tập tính) (vốn)] + trường = thực hành.”[136] Thực hành là kết quả tổng hợp của tập tính, trường và vốn, tương ứng theo thứ tự với các định hướng hướng dẫn thực hành, bối cảnh của thực hành, và các nguồn lực mà các tác nhân có thể sử dụng trong bối cảnh đó[137]. Tóm lại, các giai cấp được tái sản xuất vì những người sinh ra cùng một giai cấp có các điều kiện sống tương tự tạo ra các phương thức tương tự để đánh giá, cảm nhận và có những khả năng chủ quan chi phối và định hướng cho hành động của họ, và do đó họ có các thực hành tương tự dẫn đến việc họ có được những vị trí giai cấp giống như các vị trí mà họ đã có khi sinh ra[138]. Sự tái sản xuất giai cấp chủ yếu là kết quả của hai quy trình đan xen nhau: sự nội tâm hóa các cấu trúc khách quan vào chương trình tạo ra hành động của tác nhân, và sự phóng ngoại của lược đồ này thành các cách thực hành sẽ làm cho các cấu trúc được tái tạo.
Những người cùng một giai cấp đều có những điều kiện sống tương tự hoặc những nguồn vốn tương tự. “Vốn” chỉ các nguồn lực và quyền lực có thể được các tác nhân huy động, chiếm hữu và sử dụng một cách có hiệu quả[139] để tiếp cận với những phần thưởng khan hiếm[140]. Không phải tất cả mà chỉ “những tài nguyên và quyền hạn thực sự có thể được sử dụng”[141] với “một giá trị khan hiếm” mang lại lợi nhuận[142] mới được coi là vốn. Vốn có nhiều hình thức - kinh tế, văn hóa, xã hội, và vân vân, tất cả đều có thể được chuyển đổi cho nhau. Chuyển đổi vốn chỉ việc chuyển dịch các hình thức vốn thành các hình thức khác; hình thức gốc, vốn kinh tế, thường được trao đổi với các hình thức vốn khác, sau đó lại được chuyển đổi thành vốn kinh tế[143].
Khái niệm vốn văn hóa giữ một vai trò trung tâm trong sự phân tích tái sản xuất cũng như trong nghiên cứu giáo dục của Bourdieu. Bourdieu phát triển lý thuyết tái sản xuất văn hóa để giải thích việc không đạt được những kết quả học tập bằng nhau của những trẻ em xuất thân từ những thành phần xã hội khác nhau trong bối cảnh bất bình đẳng nổi bật trong nền giáo dục đại học ở Pháp trong những năm 1960[144]. Lý thuyết này cho thấy rõ sự bất bình đẳng về giáo dục bắt nguồn từ các nguồn vốn văn hóa khác biệt theo giai cấp được gia đình truyền lại trong suốt quá trình giáo dục. Bourdieu tìm cách bải bỏ những gì ông gọi là cách giải thích của “lý lẽ thông thường” vốn gắn các thành quả học tập khác nhau với những năng khiếu tự nhiên khác nhau, cũng như các cách giải thích kinh tế ("vốn con người")[145], nhấn mạnh đến những mức đầu tư tài chánh khác nhau của cha mẹ[146].
Những đứa trẻ em thuộc giai cấp thống trị, được giáo dục trong những gia đình có văn hóa hơn, được ưu đãi với một vốn văn hóa được thừa kế so với những đứa bé thuộc nhóm “bị trị”[147]. Vì sự khác biệt về văn hóa giữa những đứa trẻ này được hình thành trong quá trình giáo dục, nó có thể được xem như là tiêu biểu cho những sự khác biệt "tự nhiên". Đây là lý do tại sao Bourdieu xem xét việc truyền tải vốn văn hóa từ cha mẹ sang con cái là hình thức truyền tải vốn liên thế hệ được che giấu tốt nhất[148] và do đó nhấn mạnh rất nhiều đến nó trong những sự giải thích của ông về sự bất bình đẳng giáo dục. Các bài viết của Bourdieu về văn hóa giai cấp để giải thích sự bất bình đẳng giáo dục ở các xã hội phương Tây[149] có thể cung cấp những hiểu biết hữu ích về các yếu tố phi kinh tế trong sự chênh lệch xã hội trong bối cảnh Việt Nam, vốn vẫn còn là một khoảng trống lớn trong nghiên cứu bất bình đẳng giàu nghèo hiện nay của chúng ta.
Khái niệm về vốn xã hội của Bourdieu cũng có thể được áp dụng trong việc phân tích hiện tượng gia đình trị ở Việt Nam (tức là việc biến những mối quan hệ xã hội, đặc biệt là gia đình, thành công cụ để giành được việc làm trong khu vực nhà nước)[150]. Trái ngược với James Coleman và Robert Putnam, vốn khái niệm hóa vốn xã hội như là những gì có sẵn một cách rộng rãi dưới hình thức tài sản tập thể, Bourdieu định nghĩa vốn xã hội như là các nguồn lực gắn với giai cấp có thể được huy động và chuyển đổi thành vốn kinh tế một cách có hiệu quả. Đối với Bourdieu, vốn xã hội cũng được kết nối chặt chẽ với các hình thức vốn khác. Do đó, giá trị của vốn xã hội của một người phụ thuộc vào giá trị của các loại vốn khác nhau được người đó nắm giữ và vào những người nằm trong mạng quan hệ của người đó[151].
Cuối cùng, lý thuyết về thực hành của Bourdieu cung cấp một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về thực hành của con người – như là kết quả của việc nội tâm hóa các trải nghiệm những điều kiện sống thành một sơ đồ tạo cơ sở cho hành động của cá nhân và sự phóng ngoại của sơ đồ này thành hành động hiện tại - hơn là lý thuyết hành động duy lý, được sử dụng rộng rãi trong kinh tế học và xã hội học thực chứng, vốn không chú ý đến các nét đặc trưng có trước của thực hành. Trong khi hành động hợp lý được tạo dựng bởi các cơ hội và các sự ràng buộc trước mắt[152], thực hành phát sinh từ tập tính được định hình không chỉ bởi bối cảnh hành động hiện tại mà còn bởi những trải nghiệm từ quá khứ. Do đó, hành động duy lý và tập tính dẫn đến những hướng rất khác nhau cho nghiên cứu thực nghiệm. Hành động duy lý có khả năng giải thích hạn chế. Bởi vì việc khái niệm hóa hành động duy lý thu hẹp hành động trong môi trường trực tiếp của nó, nên hành động duy lý chỉ có thể giải thích phần nào sự lựa chọn. Mặt khác, khái niệm về tập tính tạo điều kiện cho việc giải thích một loạt các thực hành, bao gồm cả các quá trình tạo ra và thực hiện quyết định. Việc tái tạo các lợi thế và các bất lợi có thể được giải thích thông qua sự tham gia của các tác nhân trong hàng loạt các loại hoạt động trong suốt cuộc đời của họ, và không chỉ đơn thuần thông qua một số quyết định được đưa ra ở một thời điểm cụ thể. Trong khi lý thuyết hành động hợp lý giải thích sự tái sản xuất xã hội như là kết quả của những lựa chọn cụ thể của cá nhân, lý thuyết về thực tiễn giúp ta phân tích vì sao sự tái sản xuất xã hội vẫn có thể xảy ra vượt qua sự lựa chọn có chủ ý.
Nghiên cứu Việt Nam đương đại đòi hỏi sự ứng dụng khung lý thuyết của Bourdieu một cách có phê phán vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Nghiên cứu của tôi về những ảnh hưởng của thành phần xã hội trên cơ hội trong cuộc sống ở Việt Nam sau đổi mới, trong khi thể hiện sức mạnh giải thích của lý thuyết của Bourdieu trong việc soi sáng sự lưu truyền của sự cách biệt giữa các giai cấp, lại khác biệt với một số chiều kích mang tính khái niệm và thực nghiệm của công trình nghiên cứu Bourdieu và những môn đệ của ông. Nghiên cứu của tôi sử dụng toàn bộ khung lý thuyết của Bourdieu, trái ngược với việc chiếm hữu từng phần thường thấy trong các công trình nghiên cứu của trường phái Bourdieu hiện tại. Những kết quả của các công trình nghiên cứu thực nghiệm của tôi phê phán việc nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng được xây dựng và gắn với văn hóa trong nghiên cứu của trường phái Bourdieu hiện nay và nêu lên sự cần thiết phải hiểu thấu đáo hơn về sự bất bình đẳng kinh tế mang tính cấu trúc. Tôi cũng thấy thật sự hữu ích nếu nhìn xa hơn việc chuyển tải liên thế hệ các nguồn lực gắn với giai cấp và nếu mạnh dạn khám phá quá trình kích hoạt quá trình này được thực hiện bởi những người trẻ tuổi.
Kết luận
Bất bình đẳng kinh tế xã hội ở Việt Nam ngày nay chưa được mô tả một cách thích đáng, chưa nói gì đến việc giải thích, dọc theo tuyến của thu nhập hoặc khu vực kinh tế, hai nguyên tắc phân tầng đã được nhấn mạnh trong nghiên cứu hiện tại. Trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế được nhà nước xã hội chủ nghĩa điều tiết sang nền kinh tế tư do thị trường định hướng kéo dài ba mươi năm, hai thế hệ đã có những trải nghiệm về cấu trúc những cơ hội có được sau cải cách. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu về sự bất bình đẳng xuất hiện và được duy trì trong thế hệ hậu cải cách dưới góc độ liên thế hệ. Trong bài viết này, tôi đề xuất rằng giai cấp xã hội là một công cụ không thể thiếu cho nghiên cứu này. Giai cấp xã hội là một nguồn gốc chính của sự bất bình đẳng ở Việt Nam đương đại và phải được xem xét cùng với thu nhập và khu vực kinh tế như là một nguyên lý có ý nghĩa của sự phân tầng xã hội.
Các tác phẩm của Pierre Bourdieu đã soi sáng nghiên cứu xã hội học về các chủ đề bất bình đẳng và giai cấp rất nhiều. Trong bài viết này, tôi cho rằng quan niệm của Bourdieu về giai cấp bắt nguồn từ cơ hội là một  hướng nghiên cứu có thể thay thế cho quan điểm nặng về ý thức hệ và mang tính quyết định luận về giai cấp trong các công trình nghiện cứu hiện nay về Việt Nam. Khung lý thuyết của Bourdieu có thể được sử dụng để nêu lên các câu hỏi về sự bất bình đẳng xã hội và sự tái sản xuất nó ở Việt Nam đương đại vốn hiếm khi được đặt ra, và chắc chắn không được phân tích một cách có hệ thống. Vận dụng khung lý thuyết vừa nhạy cảm với bối cảnh vừa manh tính phê phán này có thể có khả năng mang lại nhiều thông tin về sự tồn tại lâu dài của những lợi thế và những sự bất lợi bắt nguồn từ giai cấp từ thế hệ này sang thế hệ khác.
---------------
LY CHU là một nhà nghiên cứu tại Book Trust (Anh). Cô đã hoàn thành luận án “Ảnh hưởng của giai cấp xã hội ở Việt Nam hậu cải cách” và bảo vệ nó tại City University London vào năm 2016.
TÓM TẮT
Trong bài viết này, tôi trình bày một cái nhìn tổng quan mang tính phê phán về các phương pháp tiếp cận hiện tại để nghiên cứu sự phân tầng xã hội và giai cấp trong bối cảnh Việt Nam sau cải cách. Tôi trình bày và giải thích cặn kẽ bản chất mang tính ý thức hệ và đượm màu chính trị của diễn ngôn về giai cấp xã hội ở Việt Nam, và xem xét các vấn đề về mặt ý thức hệ, chính trị và học thuật phát sinh từ sự phát triển của một diễn ngôn như vậy. Sau đó tôi nêu lên tầm quan trọng của nghiên cứu xã hội học về giai cấp xã hội ở Việt Nam đương đại dưới ánh sáng của bằng chứng thực nghiệm hiện có. Cuối cùng, tôi giới thiệu khung lý thuyết của Pierre Bourdieu như là một cách tiếp cận có thể thích đáng cho việc nghiên cứu giai cấp ở Việt Nam.
Từ khoá: Việt Nam, tầng lớp xã hội, cơ hội sống, Pierre Bourdieu, xã hội học, bất bình đẳng xã hội
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:
[1] See, for example, Shaoguang Wang, Deborah Davis, and Yanjie Bian, “The Uneven Distribution of Cultural Capital: Book Reading in Urban China,” Modern China 32, no. 3 (2006), 315-348; Will Atkinson, “The Myth of the Reflexive Workers: Class and Work Histories in Neo-Liberal Times,” Work, Employment and Society 24, no. 3 (2010), 413-429; Annette Lareau, Unequal Childhoods: Class, Race, and Family Life, 2nd ed. (Berkeley: University of California Press, 2011); Erzsebet Bukodi and John H. Goldthorpe, “Decomposing ‘Social Origins’: The Effects of Parents’ Class, Status and Education on the Educational Attainment of their Children,” European Sociological Review 29, no. 5 (2013), 1024-1039.

[2] See, for example, Vietnam National Assembly, 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam (As Amended 25 December 2001 (As Amended 25 December 2001, accessed October 28, 2009); Đỗ
Thiên Kính, “Tìm hiểu phân tầng xã hội trong lịch sử và áp dụng vào nghiên cứu phân hóa giàu nghèo ở nước ta hiện nay” [On Theories about Social Stratification and their Application in Studying Rich-Poor Differentiation in Our Country Nowadays], Tạp Chí Xã Hội Học [Journal of Sociology] 1, no. 77 (2002), 51–58; Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Tuấn Anh, “Biến đổi cơ cấu xã hội sau 30 năm đổi mới và một số vấn đề về quản lý phát triển ở Việt Nam” [Changes in Social Structure After Thirty Years of Reform and Issues of Development Management in Vietnam]. Lý Luận và Thực Tiễn [Theoretical and Empirical Perspectives], 9 (2014).

[3] Đỗ Thiên Kính, 2010. Một số vấn để cơ bản về sự biến đổi cơ cấu xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 [Some Fundamental Issues About the Change in the Vietnamese Social Structure for the Period 2011-2020]. (Hanoi: Institute of Sociology – Vietnam Academy of Social Sciences) 3.

[4] Trịnh Duy Luân, Sociological Study of Social Change in Vietnam Today, (accessed May 10, 2009).

[5] Ibid; Ngô Ngọc Thắng, “Phân tầng xã hội và quản trị phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay [Social Stratification and Managing Social Stratification in Vietnam Today],” http://kx02.vpct.gov.vn/ (accessed December 20, 2012).

[6] Trịnh Duy Luân, “Sociological study of Vietnam”; Ngô Ngọc Thắng, “Phân tầng.”

[7] See, for example, Philip Taylor, “Introduction: Social Inequality in a Socialist State,” in Social Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform, ed. Philip Taylor (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2004) 2, 6-7.

[8] Đỗ Thiên Kính et al., 2001. “Inequality,” in Living Standards During an Economic Boom: Vietnam 1993-1998, eds. Dominique Haughton, Jonathan Haughton, and Nguyễn Phong (Hanoi: Statistical Publishing House, 2001) 33-34; Trịnh Duy Luân, Sociological Study of Vietnam; Ngô Ngọc Thắng, “Phân tầng.”

[9] Vu Tuan Anh, Regional Poverty Disparity in Vietnam, (accessed September 5, 2013).

[10] See, for example, Nguyễn Văn Tiêm, Giàu nghèo trong nông thôn hiện nay [Wealth and Poverty in the Countryside Today] (Hanoi: Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp [Agricultural Publications], 1993); Nguyễn Văn Thiều, “Sự phân tầng xã hội ở nông thôn Việt Nam” [Social stratification in rural Vietnam], Nghiên Cứu Kinh Tế [Economic Studies], 2 (1995), 24-32.

[11] Jere R. Behrman and James C. Knowles, “Household Income and Child Schooling in Vietnam,” The World Bank Economic Review 13, no. 2 (1999), 211-256.

[12] Đỗ Thiên Kính, “Bất bình đẳng về giáo dục ở Việt Nam hiện nay (Dựa trên cơ sở dữ liệu VLSS93, VLSS98 và so sánh với một số nước Tây Âu trong những năm 1960-1965) [Educational Inequality in Contemporary Vietnam (Based on VLSS93, VLSS98 Data and Comparing with Data on Western Europe Countries from 1960-1965)],” Tạp Chí Xã Hội Học [Journal of Sociology] 1, no. 89 (2005), 48-55; Scott Fritzen and Caroline Brassard, Vietnam Inequality Report 2005: Assessment and Policy Choices – Mekong Economics Ltd. Synthesis Paper of the DFID Drivers of Inequality in Vietnam Project, (accessed February 17, 2013); Vu Hoang Linh, “An Overview of Access to and Inequality in the Education System of Vietnam,” Asia-Pacific Development Journal 19, no. 1 (2012), 37-62.

[13] Đỗ Thị Phương Lan et al., “Health,” in Living Standards During an Economic Boom: Vietnam 1993-1998, eds. Dominique Haughton, Jonathan Haughton, and Nguyễn Phong (Hanoi: Statistical Publishing House, 2001) 171-184; Anil B. Deolalikar, “Access to Health Services by the Poor and the Non-poor: The Case of Vietnam,” Journal of Asian and African Studies 37, no. 2 (2002), 244-261.

[14] My Minh Chau Tran, “Credit Constraints and Impact on Rural Farm Household Welfare: The Case of Vietnam’s North Central Coast Region”, (accessed March 27, 2015).

[15] For the literature mentioned here, see Đỗ Thiên Kính et al., “Inequality”; Tran Duy Dong, “Micro-Determinants of Household Welfare, Social Welfare, and Inequality in Vietnam,” in Social Issues Under Economic Transformation and Integration in Vietnam, eds. Giang Thanh Long and Duong Kim Hong (Japan: Vietnam Development Forum, 2007), 151-184; Minh Son Le, “Determinants of Urban Poverty in Vietnam: A Microanalysis of Households in Ho Chi Minh City and Hanoi,” (accessed February 15, 2012); Cuong Viet Nguyen, Linh Vu Hoang, and Thang Nguyen, “Urban Poverty in Vietnam: Determinants and Policy Implications,” International Journal of Development Issues 12, no. 2 (2013), 110-139.

[16] Martin Gainsborough, “Present but Not Powerful: Neoliberalism, the State, and Development in Vietnam,” Globalizations 7, no. 4 (2010), 483; Chi Binh Bui, “Neoliberal Decentralisation of Higher Education in Vietnam: Problems, Debates and Implications for Policy,” International Journal of Innovative Management, Information & Production 4, no. 1 (2013), 24-28.

[17] Jonathan D. London, “Welfare Regimes in China and Vietnam,” Journal of Contemporary Asia 44, no. 1 (2014), 1-24.

[18] Peter Saunders, Social Mobility Myths (London: Civitas, 2010), 35.

[19] Claudia M. Buch, “Has Labor Income Become More Volatile? Evidence from International Industry-Level Data,” German Economic Review 14, no. 4 (2012), 399-431.

[20] Bùi Thái Quyên et al., “Education and Income,” in Living Standards During an Economic Boom: Vietnam 1993-1998, eds. Dominique Haughton, Jonathan Haughton, and Nguyễn Phong (Hanoi: Statistical Publishing House, 2001) 93.

[21] Nguyen Phuong L., “Effects of Social Class and School Conditions on Educational Enrollment and Achievement of Boys and Girls in Rural Vietnam,” International Journal of Educational Research, 45 (2006), 157; Amy Y.C. Liu, “Changes in Urban Inequality in Vietnam: 1992-1998,” Economic Systems, 32 (2008), 414.

[22] Martin Gainsborough, Đặng Ngọc Dinh, and Trần Thanh Phương, “Corruption, Public Administration Reform and Development: Challenges and Opportunities as Vietnam Moves Toward Middle-Income”, (accessed September 4, 2013), 22; Jairo Acuna-Alfaro, “Incentives and Salaries in Vietnam’s Public Sector,” Vietnam Law & Legal Forum, January–February (2012), 12.

[23] Jonathan Haughton, “Introduction,” in Health and Wealth in Vietnam: An Analysis of Household Living Standards, eds. Dominique Haughton et al. (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1999) 5.

[24] See also Adam Fforde, “Vietnam: A Discussion of Poverty, Its Measurement and Likely Causes, with Special Reference to Agriculture,” (accessed July 7, 2012).

[25] See, for example, Đỗ Thiên Kính et al., “Inequality”; Tran Duy Dong, “MicroDeterminants of Household Welfare”; Minh Son Le, “Determinants of Urban Poverty”; Nguyen et al., “Urban Poverty in Vietnam.”

[26] Fritzen and Brassard, Vietnam Inequality Report 2005.

[27] Jonathan D. London, 2007. “Education in Vietnam’s Market Transition”, (accessed September 2, 2013).

[28] Võ Thanh Sơn et al, “School Enrollments and Drop-Outs,” in Living Standards During an Economic Boom Hanoi, 169; Vu Hoang Linh, “Inequality in the Vietnam Education System.”

[29] London, “Education in Vietnam’s Market Transition”; Vu Tuan Anh, Regional Poverty Disparity in Vietnam.

[30] Badiani Reena et. al, 2012 Vietnam Poverty Assessment: Well Begun, Not Yet Done – Vietnam’s Remarkable Progress on Poverty Reduction and the Emerging Challenges (Washington, DC: World Bank, 2013), (accessed September 1, 2013), 5.

[31] Nguyen Phuong L., “Effects of Social Class,” 161.

[32] For accounts of the orthodox view, see Hy Van Luong and Jonathan Unger, “Wealth, Power, and Poverty in the Transition to Market Economies: The Process of Socio-Economic Differentiation in Rural China and Northern Vietnam,” The China Journal, 40 (1998), 61-93; Đỗ Thiên Kính, “Tìm hiểu phân tầng”; Ngô Ngọc Thắng, “Phân tầng xã hội.”

[33] For counterarguments to the orthodox view, see Martin Gainsborough, “Political Change in Vietnam: In Search of the Middle-Class Challenge to the State,” Asian Survey 42, no. 5 (2002), 694-707; Gainsborough, “Present but Not Powerful”; London, “Welfare Regimes.”

[34] Term taken from Gainsborough, “Present but Not Powerful,” 486.

[35] See Kim M. Korinek, “The Status Attainment of Young Adults during Market Transition: The Case of Vietnam,” Research in Social Stratification and Mobility, 24 (2006), 55-72; Victor T. King, Phuong An Nguyen, and Nguyen Huu Minh, “Professional Middle Class Youth in Post-Reform Vietnam: Identity, Continuity and Change,” Modern Asian studie, 42, no. 4 (2008), 783-813; Ian Coxhead and Diep Phan, “Princelings and Paupers? State Employment and the Distribution of Human Capital Investments among Vietnamese Households,” Asian Develompent Review 30, no. 2 (2013), 26-48.

[36] Korinek, “Status Attainment During Market Transition,” 64.

[37] Coxhead and Phan, “Princelings and Paupers.”

[38] King et al., “Professional Middle Class Youth in Vietnam.”

[39] Korinek, “Status Attainment during Market Transition.”

[40] King et al., “Professional Middle Class Youth in Vietnam.”

[41] Fforde, “Vietnam: A Discussion of Poverty,” 20.

[42] Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs (MOLISA), and General Statistics Office (GSO), Report on the Vietnam Labor Force Survey 2009 (Hanoi: Hanoi Publishing House, 2010); General Statistics Office of Vietnam (GSO), Result of the Vietnam Household Living Standards Survey 2010 (Hanoi: Statistical Publishing House, 2011).

[43] Ibid.

[44] Clément Imbert, Decomposing Wage Inequality: Public and Private Sectors in Vietnam 1993-2006 (2011), (accessed July 27, 2014).

[45] Coxhead and Phan, “Princelings and Paupers.”

[46] Tương Lai, “Tính năng động xã hội, sự phân tầng xã hội trong sự nghiệp đổi mới của nước ta những năm qua” [Social Dynamics, Social Stratification during the Renovation Period of Our Country in Recent Years]. Tạp Chí Xã Hội Học [Journal of Sociology], 3 (1993), 5-20; Jee Young Kim, “Political Capital, Human Capital, and Inter-Generational Occupational Mobility in Northern Vietnam,” in Social Inequality in Vietnam, 166-207; Đỗ Thiên Kính, Một số vấn đề cơ bản.

[47] See, for example, Coxhead and Phan, “Princelings and Paupers.”

[48] See Martin Gainsborough, Transparency International Country Study Report: Vietnam. National Integrity Systems (2016), (accessed September 16, 2014); Gainsborough, “Present but Not Powerful”; David Hausman, Policy Leaps and Implementation Obstacles: Civil Service Reform in Vietnam, 1998-2009. Innovation for Successful Societies (2009), (accessed September 16, 2014); Yeow Poon, Nguyễn Khắc Hùng, and Đỗ Xuân Trường, The Reform of the Civil Service System as Vietnam Moves into the Middle-Income Country Category (Public Administration Reform and Anti-Corruption: A Series of Policy Discussion Papers, 2009), (accessed September 16, 2014); Bill Hayton, Vietnam: Rising Dragon (New Haven: Yale University Press, 2010); Centre for Community Support Development Studies (CECODES), Toward Transparency (TT), and Transparency International (TI), Youth Integrity in Vietnam: Plotting Transparency International’s Youth Integrity Survey (2011), (accessed July 26, 2014); Centre for Community Support and Development Studies (CECODES), Centre for Research and Training of the Vietnam Fatherland Front (VFF-CRT), and United Nations Development Programme (UNDP), 2014. The Viet Nam Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI) 2013. Measuring Citizens’ Experiences, (accessed August 5, 2014).

[49] ILO 1994 as cited in David O’Connor, “Labour Market Aspects of State Enterprise Reform in Vietnam” (1996), (accessed September 21, 2006).

[50] Peter R. Moock, Harry Anthony Patrinos, and Meera Venkataraman, “Education and Earnings in a Transition Economy: The Case of Vietnam,” Economics of Education Review, 22 (2003), 504.

[51] World Bank, Vietnam: Education Financing (Washington, DC: The World Bank, 1997).

[52] Le Thuc Duc et al., Young Lives: Vietnam Round 2 Survey (2008), (accessed April 29, 2012).

[53] Vietnam National Assembly, 1992 Constitution, 2.

[54] Pham Van Bich, The Vietnamese Family in Change: The Case of the Red River Delta (Richmond: Curzon, 1999).

[55] Vietnam National Assembly, 1992 Constitution, 2.

[56] Jonathan D. London, “Vietnam and the Making of Market-Leninism.” The Pacific Review 22, no. 3 (2009), 373-397; London, “Welfare Regimes.”

[57] London, “Vietnam and the Making of Market-Leninism,” 380.

[58] Edwin E. Moise, Land Reform in China and North Vietnam: Consolidating the Revolution at the Village Level (Chapel Hill, NC: University of North Carolina Press, 1983); Balazs Szalontai, “Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955-56,” Cold War History 5, no. 4 (2005), 395-426; Vũ Ngọc Tiến, 2005. Điều tra đời sống nông thôn Bắc Việt Nam: giai đoạn 1954-1975 [Surveying Life in North Vietnam during the Period 1954-1975], (accessed December 19, 2009).

[59] See, for example, Milovan Djilas, The New Class: An Analysis of the Communist System (San Diego: Harcourt Brace Jovanovich, 1957); Tony Cliff, State Capitalism in Russia (London: Bookmarks, 1988); William Outhwaite, “Bourdieu and Postcommunist Class Formation,” Sociological Research Online 12, no. 6 (2007); William Outhwaite, “Post Communist Capitalism and Democracy: Cutting the Postcommunist Cake,” Journal of Democratic Socialism 1, no. 1 (2001), 1-23; William Outhwaite and Larry Ray, Social Theory and Postcommunism (Malden, MA: Blackwell Publishing, 2005).

[60] Djilas, The New Class.

[61] Djilas, The New Class; Nguyễn Kiến Giang, Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang [Nguyen Kien Giang Collection] (Garden Grove, CA: Tram Hoa Publications, 2001), (accessed March 26, 2001); Hayton, Vietnam: Rising Dragon.

[62] Zachary Abuza, Renovating Politics in Contemporary Vietnam (Boulder: Lynne Rienner, 2001); Zachary Abuza, “Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents,” Harvard Asia Quarterly (2001), (accessed September 18, 2013).

[63] Hayton, Vietnam: Rising Dragon.

[64] Bill Hayton, “Today I Was Banned from Vietnam,” (November 15, 2012), (accessed April 18, 2013).

[65] Nguyễn Kiến Giang, Tuyển tập.

[66] Nguyễn Ngọc Giao, Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang [About Nguyen Kien Giang Collection] (1993), (accessed March 26, 2010); Abuza, Renovating Politics, 63.

[67] See, for example, Gainsborough, “Political Change in Vietnam”; Thomas Heberer, “Entrepreneurs in China and Vietnam as Strategic Players in Social and Political Change,” Journal of Communist Studies and Transition Politics 19, no. 1 (2003), 64-79.

[68] Abuza, Renovating Politics, 4, 5, 81.

[69] Vietnam National Assembly, Penal Code (1999), (accessed March 30, 2015).

[70] Nguyễn Đình Tấn, Legitimized Social Stratification and the Formation of Advanced Social Strata during Renovation and International Economic Integration in Vietnam Today (2010), (accessed November 19, 2012).

[71] Nguyễn Khánh Mậu, Giai cấp công nhân ở Việt Nam hiện nay [The Worker Class in Vietnam Today] (2007), (accessed November 19, 2012).

[72] Ngô Ngọc Thắng, “Phân tầng xã hội.”

[73] Nguyễn Thanh Tuấn, Về nhóm xã hội trung lưu ở Việt Nam hiện nay [On the Middle Social Group in Vietnam Today] (2007), (accessed November 19, 2012)

[74] Ibid.

[75] See Kingsley Davis and Wilbert E. Moore, “Some Principles of Stratification,” American Sociological Review 10, no. 2 (1945), 242-249.

[76] Rosemary Crompton, Class and Stratification (Cambridge: Polity Press, 2009), 13.

[77] See, in particular, Nguyễn Khánh Mậu, Giai cấp công nhân and Nguyễn Thanh Tuấn, Về nhóm xã hội trung lưu.

[78] Abuza, Renovating Politics, 2.

[79] Diane Stone, “Think Tanks and Policy Advice in Countries in Transition” Paper Prepared for the Asian Development Bank Institute Symposium: How to Strengthen Policy-Oriented Research and Training in Vietnam. (Hanoi, August 31, 2005), (accessed October 24, 2013).

[80] Tương Lai, “Tính năng động xã hội.”

[81] Ibid.

[82] Institute of Sociology, Đề tài cấp nhà nước và tương đương [State-Level Research Projects and Equivalent], (accessed October 28, 2013).

[83] Tương Lai, “Tính năng động xã hội.”

[84] Đỗ Thiên Kính, “Tìm hiểu phân tầng,” 52, 56.

[85] See, in particular, Jonathan Pincus and John Sender, “Quantifying Poverty in Vietnam: Who Counts?” Journal of Vietnamese Studies 3, no. 1 (2008), 125-126, 139.

[86] Đỗ Thiên Kính, Một số vấn đề cơ bản.

[87] Đỗ Thiên Kính, “Tìm hiểu phân tầng.”

[88] Heberer, “Entrepreneurs in China and Vietnam.”

[89] King et al., “Professional Middle Class Youth in Vietnam.”

[90] Kim, “Political Capital.”

[91] Đỗ Thiên Kính, “Tìm hiểu phân tầng.”

[92] Ibid, 31.

[93] See, for example, John H. Goldthorp, Social Mobility and Class Structure in Modern Britain (Oxford: Oxford University Press, 1987).

[94] Heberer, “Entrepreneurs in China and Vietnam,” 71.

[95] Gainsborough, “Political Change in Vietnam.”

[96] Heberer, “Entrepreneurs in China and Vietnam.”

[97] See, for example, Catherine Earl, “Leisure and Social Mobility in Ho Chi Minh City,” in Social Inequality in Vietnam, 351-379; King et al., “Professional Middle Class Youth in Vietnam”; Allison Truitt, “On the Back of a Motorbike: Middle-Class Mobility in Ho Chi Minh City, Vietnam,” American Ethnologist 35, no. 1 (2008), 3-19; Jacqueline Elfick, “Class Formation and Consumption among Middle-Class Professionals in Shenzhen,” Journal of Current Chinese Affairs 40, no. 1 (2001), 187-211; Van Nguyen-Marshall, Lisa B. Welch Drummond, Danièle Bélanger, eds., The Reinvention of Distinction: Modernity and the Middle Class in Urban Vietnam (Dordrecht: Springer, 2011).

[98] King et al., “Professional Middle Class Youth in Vietnam.”

[99] Nguyen-Marshall et al., The Reinvention of Distinction.

[100] Đỗ Thiên Kính, “Tìm hiểu phân tầng.”

[101] See critiques by Louis Chauvel, “Are Social Classes Really Dead? A French Paradox in Class Dynamics,” in Inequalities of the World, ed. Goran Therborn (London: Verso, 2006) 295-317; Tak Wing Chan and John H. Goldthorpe, “Class and Status: The Conceptual Distinction and Its Empirical Relevance,” American sociological review, 72 (2007), 514.

[102] Chauvel, “Are Social Classes Really Dead,” 298; Chan and Goldthorpe, “Class and Status,” 514.

[103] See Philip Taylor, “Introduction: Social Inequality in a Socialist State,” in Social Inequality in Vietnam, 8; London, “Welfare Regimes”; World Bank, Taking Stock: An Update on Vietnam’s Recent Economic Developments (2014), (accessed October 10, 2014).

[104] Nguyen Ngoc Anh et al., “Labour Market Transitions of Young Women and Men in Vietnam,” Work4Youth publication series no. 27 (2015), (accessed May 7, 2015), 5.

[105] See, for example, Henrik Hansen and Trung Dang Le, The Importance of Being Surveyed: The Representativeness and Impact of the Vietnam Household Living Standards Surveys (2013), (accessed March 26, 2015).

[106] Anh Dang, Sidney Goldstein, and James McNally, “Internal Migration and Development in Vietnam,” International Migration Review 31, no. 2 (1997), 321; General Statistics Office of Vietnam (GSO) and United Nations Population Fund (UNPF), The 2004 Vietnam Migration Survey: The Quality of Life of Migrants In Vietnam (Hanoi: Hanoi Publishing House, 2004), 61-75.

[107] O’Connor, “Labour Market Aspects,” 30; Pham Van Bich, The Vietnamese Family in Change, 93, 95.

[108] London, Education in Vietnam; Vu Hoang Linh, “Inequality in the Vietnam Education System,” 39.

[109] See David G. Marr and Stanley Rosen, 1998. Chinese and Vietnamese youth in the 1990s. The China Journal 40 (1998), 145; Pham Van Bich, The Vietnamese Family in Change, 80; Taylor, “Introduction: Social Inequality,” 7-8; Jonathan D. London, “The Political Economy of Education in a ‘Socialist’ Periphery,” Asia Pacific Journal of Education 26, no. 1 (2006), 1-20; Andrew Hardy, “Rules and Resources: Negotiating the Household Registration System in Vietnam under Reform,” SOJOURN: Journal of Social Issues in Southeast Asia 16, no. 2 (2001), 190.

[110] Hausman, Policy Leaps and Implementation Obstacles; Poon et al., Reform of Civil Service System.

[111] Vu Tuan Anh, Regional Poverty Disparity in Vietnam.

[112] Đỗ Thiên Kính, “Xu hướng bất bình đẳng về mức sống ở Việt Nam và khu vực nông thôn trong giai đoạn 1992-2012” [The Trends in Living Standards Inequality in Vietnam and Its Rural Areas between 1992-2012]. Nghiên Cứu Con Người [Human Studies] 5, no. 80 (2015), 4.

[113] Donald B. Holsinger, “Is the Distribution of Education in Vietnam a Significant Policy Tool for Self Reliance?” Paper presented at the Seminar on Aid for SelfReliance and Budget (Tokyo, Japan, October 18, 2007), (accessed September 14, 2013).

[114] See World Bank, Vietnam: Education Financing; Behrman and Knowles, “Household Income and Child Schooling”; Vu Quoc Ngu, “Social Disparities in Vietnam: The Case of Poverty Reduction and Educational Attainment,” in Social Inequality in Vietnam, 208-335; Đỗ Thiên Kính, “Bất bình đẳng về giáo dục ở Việt Nam hiện nay (Dựa trên cơ sở dữ liệu VLSS93, VLSS98 và so sánh với một số nước Tây Âu trong những năm 1960-1965)” [Educational Inequality in Contemporary Vietnam (Based on VLSS93, VLSS98 Data and Comparing with Data on Western Europe Countries from 1960-1965)], Tạp Chí Xã Hội Học [Journal of Sociology] 1, no. 89 (2005), 48-55; Fritzen and Brassard, Vietnam Inequality Report 1960-1965; Vu Hoang Linh, “Inequality in the Vietnam Education System.”

[115] See Nguyen Thi Kim Cuc, Patrick Griffin, and Johanna Wyn, “Family and Student Influences on Withdrawal from Rural Vietnam.” Paper presented at the Annual Conference of the Australian Association for Research in Education (Melbourne, November 2004), (accessed February 22, 2010); Nguyen Phuong L., “Effects of Social Class”; Andreas Georgiadis, “Associations of Parental Background Characteristics and Child’s Human Capital: Evidence from Four Low-and Middle-Income Countries” (2013), (accessed September 5, 2013).

[116] See Gainsborough, “Present but Not Powerful”; Chi Binh Bui, “Neoliberal Decentralization,” 24-28; London, “Welfare Regimes.”

[117] Dang Nguyen Anh, Le Bach Duong, Nguyen Hai Van, Youth Employment in Viet Nam: Characteristics, Determinants and Policy Responses (2015), (accessed January 17, 2010).

[118] King et al., “Professional Middle Class Youth in Vietnam.”

[119] Sarah Turner and Phuong An Nguyen, “Young Entrepreneurs, Social Capital and Doi Moi in Hanoi, Vietnam,” Urban Studies 42, no. 10 (2005), 1693-1710.

[120] See, for example, Melvin L. Kohn, Class and Conformity: A Study in Values with a Reassessment (London: University of Chicago Press, 1989); Robert Erikson and John H. Goldthorpe, The Constant Flux: A Study of Class Mobility in Industrial Societies (Oxford: Oxford University Press, 1993); Yanjie Bian, “Chinese Social Stratification and Social Mobility,” Annual Review of Sociology, 28 (2002), 91-116; David Rose and Eric Harrison, Social Class in Europe: An Introduction to the European Socio-Economic Classification (London: Routledge, 2010); Erzsebet Bukodi and John H. Goldthorpe, “Decomposing ‘Social Origins’: The Effects of Parents’ Class, Status and Educational on the Educational Attainment of Their Children,” European Sociological Review 29, no. 5 (2013), 1024-1039; Alice Sullivan, Sosthenes Ketende, and Heather Joshi, “Social Class and Inequalities in Early Cognitive Scores,” Sociology 47, no. 6 (2013), 1187-1206.

[121] See Đỗ Thiên Kính et al., “Inequality”; Dang Nguyen Anh et al., Youth Employment in Viet Nam; Nicholas Minot, Bob Baulch, and Michael Epprecht, 2006. Poverty and Inequality in Vietnam: Spatial Patterns and Geographical Determinants (Washington: International Food Policy Research Institute, 2006); Tran Duy Dong, “Micro-Determinants of Household Welfare”; Minh Son Le, “Determinants of Urban Poverty.”

[122] See King et al., “Professional Middle Class Youth in Vietnam”; M. Shahe Emran and Forhad Shilpi, 2011. Intergenerational Occupational Mobility in Rural Economy: Evidence from Nepal and Vietnam,” The Journal of Human Resources 46, no. 2 (2011), 427-458.

[123] See Luong and Unger, “Wealth, Power, and Poverty”; Heberer, “Entrepreneurs in China and Vietnam”; King et al., “Professional Middle Class Youth in Vietnam”; Melanie Beresford, “Doi Moi in Review: The Challenges of Building Market Socialism in Vietnam,” Journal of Contemporary Asia 38, no. 2 (2008), 221-243.

[124] See Kim, “Political Capital”; Đỗ Thiên Kính, Một số vấn đề cơ bản.

[125] See Chu Hương Ly, “Class Influences on Life Chances in Post-Reform Vietnam,” PhD diss., City University London, 2016.

[126] David Swartz., Culture and Power: The Sociology of Pierre Bourdieu (Chicago: University of Chicago Press, 1997), 6; Alice Sullivan, “Bourdieu and Education: How Useful Is Bourdieu’s Theory for Researchers,” The Netherlands’ Journal of Social Sciences 38, no. 2 (2002), 144; Pierre Bourdieu, Practical Reason: On the Theory of Action (Cambridge: Polity Press, 2003), 12.

[127] Bourdieu 2009[1979], as cited in Swartz, Culture and Power, 182-183.

[128] Erik Olin Wright, “Foundations of a Neo-Marxist Class Analysis,” in Approaches to Class Analysis, ed. Erik Olin Wright (Cambridge: Cambridge University Press, 2005), 9-11; Bourdieu, Practical Reason, 11; Karl Marx and Friedrich Engels, Manifesto of the Communist Party. New York: Cosimo, 2009[1848]), 39-41.

[129] Anthony Giddens, Capitalism and Modern Social Theory: An Analysis of the Writings of Marx, Durkheim and Max Weber (London: Cambridge University Press, 1971), 37; Elliot B. Weininger, “Foundations of Pierre Bourdieu’s Class Analysis,” in Approaches to Class Analysis, 86.

[130] Bourdieu, In Other Words, 117-118; Bourdieu, Practical Reason, 10.

[131] Bourdieu, Distinction, 101.

[132] Max Weber, Economy and Society (Berkeley: University of California Press, 1978[1922]), 302.

[133] Pierre Bourdieu, “The Social Space and the Genesis of Groups,” Theory and Society 14, no. 6 (1985), 725.

[134] Bourdieu, Distinction, 111.

[135] Swartz, Culture and Power, 39; Bourdieu, Practical Reason, 12, 57.

[136] Bourdieu, Distinction, 101.

[137] Nick Crossley, “The Phenomenological Habitus and Its Construction,” Theory and Society 30, no. 1 (2001), 86.

[138] Pierre Bourdieu and Jean-Claude Passeron, Reproduction in Education, Society and Culture (London: Sage, 200[1977]), 203; Pierre Bourdieu, The Logic of Practice (Cambridge: Polity Press, 2009[1990]), 59-60.

[139] Pierre Bourdieu, “The Forms of Capital,” in Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education, ed. John G. Richardson (New York: Greenwood Press, 1986) 46-58; Bourdieu, Distinction, 114.

[140] Annette Lareau and Elliot B. Weininger, “Cultural Capital in Educational Research: A Critical Assessment,” Theory and Society, 32 nos. 5/6 (2003), 587.

[141] Bourdieu, Distinction, 114.

[142] Bourdieu, “The Forms of Capital”; Pierre Bourdieu, “What Makes a Social Class? On the Theoretical and Practical Existence of Groups,” Berkeley Journal of Sociology, 32 (1987), 4.

[143] Bourdieu, “The Forms of Capital”; Tony Bennett and Elizabeth Silva, “Introduction: Cultural Capital—Histories, Limits, Prospects,” Poetics 39 (2011), 429-430.

[144] David L. Swartz, “In Memoriam: Pierre Bourdieu 1930-2002,” in After Bourdieu: Influence, Critique, Elaboration, eds. David L. Swartz and Vera L. Zolberg. (Dordrecht: Kluwer Academic Publishers, 2005), 21.

[145] See, for example, Gary S. Becker, Human Capital (New York: Columbia University Press, 1964).

[146] Bourdieu, “The Forms of Capital.”

[147] Pierre Bourdieu, “The School as a Conservative Force: Scholastic and Cultural Inequalities,” in Schooling and Capitalism: A Sociological Reader, eds. Roger Dale, Geoff Esland, Madeleine MacDonald (London: Open University Press, 1976), 114; Bourdieu, “The Forms of Capital.”

[148] Bourdieu, “The Forms of Capital.”

[149] See, for example, Bourdieu, “The School as a Conservative Force”; Bourdieu and Passeron, Reproduction is Education; Annette Lareau, “Social Class Differences in Family–school Relationships: The Importance of Cultural Capital,” Sociology of Education 60, no. 2 (1987), 73-85; Lareau, Unequal Childhoods; Alice Sullivan, “Cultural Capital and Educational Attainment,” Sociology, 35 no. 4 (2001), 893-912; Alice Sullivan, “Cultural Capital, Cultural Knowledge and Ability,” Sociological Research Online 12, no. 6 (2007).

[150] See Transparency International, National Integrity System; Gainsborough, “Present but Not Powerful”; Hausman, Policy Leaps and Implementation Obstacles; Poon et al., “Reform of Civil Service System”; Hayton, Rising Dragon; CECODES et al., Youth Integrity in Vietnam; CECODES et al., The Viet Nam Provincial Governance.

[151] Bourdieu, “The Forms of Capital”; Nan Lin, “Building a Network Theory of Social Capital,” Connections, 22 no. 1 (1999), 32; Outhwaite, “Bourdieu and Postcommunist Class Formation.”

[152] Richard Breen and John H. Goldthorpe, “Explaining Educational Differentials: Toward a Formal Rational Action Theory,” Rationality and Society, 9 no. 3 (1997), 278; John H. Goldthorpe, On Sociology: Illustration and Retrospect (Stanford, CA: Stanford University Press, 2007), 10.

Print Friendly and PDF