26.9.18

Phỏng vấn: Giảng dạy kinh tế học như thế nào?


PHỎNG VẤN: GIẢNG DẠY KINH TẾ HỌC NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào năm 2007-2008, nhiều hiệp hội sinh viên kinh tế đã ra đời ở một số nước để tố cáo một lý thuyết thống trị mang tính hình thức hóa quá cao, ít mở cửa cho sự đa nguyên về ý tưởng và các khoa học xã hội khác. Kể từ năm 2016, đã có một giáo trình đề xuất việc đổi mới công tác giảng dạy kinh tế học. Được sử dụng tại Đại học Sciences Po và Trường Kinh tế Toulouse, từ nay bản dịch tiếng Pháp giáo trình đã có mặt trên mạng và trong một cuốn sách có tên là L’économie [Kinh tế] (Eyrolles) sẽ được xuất bản vào tháng mười. Kế tiếp sẽ là một giáo trình nâng cao hơn và một phiên bản thích nghi với chương trình giảng dạy của các trường trung học. Liệu giáo trình đó có giải toả được những lo ngại của giới sinh viên hay không? Tranh luận.
Yann Algan, ông đã tham gia vào một dự án quốc tế rộng lớn nhắm đến việc đổi mới hoàn toàn cách dạy kinh tế học. Đã có điều gì không ổn?
Yann Algan (1974-)

Yann Algan: Cần phải có một giáo trình trông như thể ba mươi năm qua đã thực sự diễn ra! Thay vì một cách tiếp cận không xương không thịt, cần phải tiếp cận những thách thức lớn đương đại, những bất bình đẳng, những cuộc khủng hoảng tài chính, tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu, v.v.. Và làm điều đó bằng cách tích hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất trong kinh tế học, bao gồm kinh tế học hành vi, lý thuyết hợp đồng, tính không hoàn hảo của thị trường, sự tương tác chiến lược và bất ổn tài chính, và cả những kết quả mới nhất trong tâm lý học, luật học, khoa học nhân văn.
“Thay vì một cách tiếp cận không xương không thịt, cần phải tiếp cận những thách thức lớn đương đại, những bất bình đẳng, những cuộc khủng hoảng tài chính, tình trạng khí hậu nóng lên toàn cầu, v.v.. Và làm điều đó bằng cách tích hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất trong kinh tế học, bao gồm kinh tế học hành vi, lý thuyết hợp đồng, tính không hoàn hảo của thị trường, sự tương tác chiến lược và bất ổn tài chính, và cả những kết quả mới nhất trong tâm lý học, luật học, khoa học nhân văn” Yann Algan
Ví dụ, không nên cho rằng cá nhân chỉ nỗ lực hết mình một cách duy lý để tối đa hóa lợi ích của bản thân, mà còn phải thừa nhận rằng chúng ta còn có nhiều kiểu động cơ khác và rằng chúng ta là nạn nhân của những thành kiến ​​v nhn thc. Hay phải hiểu cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách tích hợp sự phân tích về pháp luật và các quy định về ngân hàng. Chúng ta cũng nên dành cho lịch sử đúng vị trí của nó. Vẫn còn thiếu một cơ sở chung có khả năng tổng hợp tất cả các kết quả này, và đó là những gì mà chúng tôi muốn đề xuất.
Florence Jany-Catrice (1964-)
Michel Aglietta (1938-)
Florence Jany-Catrice: Tôi chia sẻ phần lớn sự chẩn đoán này. Hội kinh tế chính trị Pháp (Afep) được thành lập vào năm 2009 một phần để đáp lại tình trạng không hài lòng đó trước việc thiếu phân tích động thái đương đại của chủ nghĩa tư bản. Ví dụ, khi nhận thấy những ai đã có suy nghĩ nhiều nhất về cuộc khủng hoảng tài chính, chẳng hạn như Michel Aglietta, Hyman Minsky, Andre Orléan và những tác giả khác, bị gạt ra khỏi chương trình giảng dạy. Một ghi nhận được chia sẻ cả ở bên ngoài nước Pháp, trên phạm vi quốc tế.
André Orléan (1950-)
Hyman Minsky (1919-1996)
Tuy nhiên, đối với tôi, những giải pháp của cuốn giáo trình có vẻ chưa thỏa đáng lắm. Có rất nhiều tranh luận trong kinh tế học và nguyên lý cơ bản của giáo dục phải là tính đa nguyên, có nghĩa là trình bày một cách bình đẳng nhiều quan điểm khác nhau sẵn có về một chủ đề. Tuy nhiên, cuốn giáo trình vẫn còn ở một cách tiếp cận hạn chế: điểm xuất phát của giáo trình là cá nhân cho nên xã hội chỉ tồn tại như tổng của các cá nhân. Các lực lượng xã hội không có mặt. Ngược lại, cần phải xem các sự kiện kinh tế là những sự kiện xã hội giống như các sự kiện khác. Chúng ta cần trang bị cho sinh viên bằng cách dạy cho họ giải mã sự phức tạp của các hiện tượng kinh tế: kinh tế học đắm mình trong, và tương tác liên tục với, xã hội và chính trị.
Ronald Coase (1910-2013)
Y.A.: Tôi chấp nhận việc cuốn giáo trình cho rằng kinh tế học có những phương pháp đặc biệt và trình bày những khái niệm kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô cũng như những phương pháp đánh giá thực nghiệm các chính sách công. Nhưng khi cá nhân đưa ra một quyết định, người ta chỉ ra rằng động cơ của họ không chỉ là lợi ích cá nhân, rằng, ví dụ, năng lực của xã hội để đối phó với vấn đề khí hậu nóng lên toàn cầu còn phải phụ thuộc vào các quy ước xã hội, vào khả năng hợp tác, v.v.. Người ta giới thiệu một tập hợp những tác giả vĩ đại, nhưng để tìm cách nhấn mạnh đến tính bổ sung của các cách tiếp cận của họ nhiều hơn là khẳng định các đối lập về ý thức hệ. Sinh viên đối mặt với sự phân tích quyền lực trong doanh nghiệp của Karl MarxRonald Coase, tác giả đầu tố giác quyền lực này, còn tác giả sau lại xem điều đó như một đặc điểm thiết yếu của sự tồn tại của các doanh nghiệp, và cả hai đều có những điều để dạy cho chúng ta.
Cuốn giáo trình có xem xét đến môi trường xã hội và chính trị. Chương về các thể chế và quyền lực tiếp liền ngay sau chương về các tương tác xã hội. Thị trường mà chúng tôi giới thiệu đầy rẫy những sự thất bại và mở đường cho một suy nghĩ về sự can thiệp của Nhà nước và xã hội.
“Trong cuốn giáo trình này, kinh tế học được giới thiệu như là một khoa học về việc ra quyết định dựa trên những nền tảng kinh tế học vi mô. Đây là quan điểm cố ý bỏ qua sự phong phú của các cách tiếp cận khác như cách tiếp cận được Fernand Braudel đề xuất, nhìn chủ nghĩa tư bản như là lực lượng lịch sử.” Florence Jany-Catrice
Fernand Braudel (1902-1985)
F. J.-C: Như vậy, người ta thống nhất với nhau, trong giáo trình này, rằng kinh tế học được giới thiệu như là một khoa học về việc ra quyết định dựa trên những nền tảng kinh tế học vi mô. Đây là quan điểm cố ý bỏ qua sự phong phú của các cách tiếp cận khác như cách tiếp cận được Fernand Braudel đề xuất, nhìn chủ nghĩa tư bản giống như là lực lượng lịch sử. Đúng là trong sách có các định chế xã hội – Nhà nước, tiền tệ, v.v. , nhưng chúng ta không bao giờ biết được nguồn gốc xuất xứ của chúng, chúng ta chỉ biết chúng qua một trong những chức năng mà chúng đảm trách, chứ chưa bao giờ biết chúng qua chiều kích đạo đức và chính trị. Hãy thử tiếp tục với ví dụ về doanh nghiệp: các nhà luật học nói với chúng ta rằng không hề có một định nghĩa pháp lý, điều này đặt ra câu hỏi về việc doanh nghiệp thuộc về ai, vai trò của nó trong xã hội là gì. Chúng ta không thể xem doanh nghiệp như là một dữ liệu và chỉ đơn giản biết những gì mà tác giả này hay tác giả kia suy nghĩ về nó.
Một nhận xét về nhiều số liệu thống kê được cuốn giáo trình cung cấp. Cuốn sách không khuyến khích đặt ra câu hỏi về ý tưởng “dữ liệu”. Dữ liệu chỉ được huy động như là sự xác nhận hoặc phủ nhận lý thuyết này hay lý thuyết khác, và chúng ta chưa bao giờ quan tâm đến thực tế chúng là kết quả của các quá trình xã hội. Chúng ta không đo lường tình trạng lạm phát của ngày nay theo cùng cách đã có bốn mươi năm trước đây. Bởi vì các kỹ thuật đã thay đổi, bởi vì xã hội đã thay đổi, mà còn bởi vì các mối quan hệ quyền lực không còn giống nhau nữa. Điều này buộc sinh viên phải suy nghĩ về những công cụ mà người ta cung cấp cho họ.
“Tôi chấp nhận việc dùng đến những công cụ đặt nền tảng trên kinh tế học vi mô. Đó là những công cụ quan trọng để hiểu biết.” Yann Algan
Y.A.: Từ chương đầu tiên, chúng tôi giới thiệu nhiều chỉ báo về phúc lợi và chúng tôi yêu cầu sinh viên xây dựng những gì, đối với họ, tương ứng với thước đo của tiến bộ xã hội. Chúng tôi giải thích cách thức các dữ liệu này được xây dựng. Khi không đi sâu vào chi tiết nguồn gốc xã hội của mỗi biến, theo như mong muốn của Florence Jany-Catrice, chúng tôi thu hút sự chú ý đến các nguồn dữ liệu và độ tin cậy của chúng. Việc học tập tất cả những điều này đã đòi hỏi một lượng thời gian giảng dạy rất lớn.
Tôi chấp nhận việc dùng đến những công cụ đặt nền tảng trên kinh tế học vi mô. Đó là những công cụ quan trọng để hiểu biết, ngay cả khi chúng tôi không quên chỉ ra các giới hạn của chúng. Và tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thành công trong việc cụ thể hóa một cách tiếp cận khác với việc giảng dạy kinh tế học truyền thống. Đâu rồi cuốn giáo trình thay thế dựa trên những quan niệm ít tập trung hơn vào cá nhân, cho phép sinh viên năm nhất nắm bắt được một cái nhìn toàn cảnh về chủ nghĩa tư bản?
“Tôi nghĩ sinh viên sẽ được đào tạo tốt hơn bằng cách chỉ ra rằng có những quan điểm không thể hòa hợp với nhau.” Florence Jany-Catrice
F. J.-C.: Giáo trình trình bày những tranh luận trong kinh tế học như những mò mẫm về một tư tưởng đang tiến đến “kiến thức” cần phải được cung cấp như là một nền tảng cho sinh viên. Tôi nghĩ sinh viên sẽ được đào tạo tốt hơn bằng cách chỉ ra rằng có những quan điểm không thể hòa hợp với nhau, một sự đa nguyên các giải thích về thế giới, điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ từ những quan điểm trái chiều. Liệu giá trị của một hàng hóa có đến từ những giờ làm việc cần thiết để tạo ra nó, từ tính hữu dụng của nó, từ các quá trình tâm lý hay các quá trình xã hội hay không? Đối với tôi, trả lời cho dạng câu hỏi này bằng việc để cho các lý thuyết cạnh tranh với nhau có vẻ mang tính sư phạm hơn.
Đâu rồi cuốn giáo trình thay thế thể hiện loại hình giảng dạy này?
F. J.-C.: Nó không tồn tại, bởi vì về mặt thể chế chúng ta hoàn toàn bất bình đẳngĐể tạo ra một cuốn giáo trình, cần phải có giảng viên, và những người thực hiện cách tiếp cận này đã bị các cơ quan tuyển dụng gạt ra bên lề: họ chiếm 6% những giảng viên được tuyển chọn vào năm 2018Chúng tôi đang thiếu phương tiện.
CUỘC PHỎNG VẤN DO CHRISTIAN CHAVAGNEUX THỰC HIỆN
Yann Algan, giáo sư kinh tế tại Đại học Sciences Po và Trưởng khoa Công vụ.
Florence Jany-Catrice, nhà kinh tế, giáo sư tại Đại học Lille 1 và chủ tịch Hội Kinh tế Chính trị Pháp (Afep)
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Comment enseigner l’économie?, Alternatives Economiques, 05/09/2018.
Print Friendly and PDF