10.9.18

Liệu có hay không một đồng thuận Bắc Kinh

Yves Tiberghien

LIỆU CÓ HAY KHÔNG MỘT ĐỒNG THUẬN BẮC KINH?
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, được tổ chức vào đầu tháng 11 [năm 2012], đã đặt vấn đề về tiến triển của mô hình tăng trưởng. Nhưng khi tự hỏi về tương lai của mô hình tăng trưởng và những thách thức phía trước, chúng ta cần phải quay trở lại với những gì đã đặc trưng hóa mô hình này cho đến nay. Liệu sự thành công ngoạn mục của nền kinh tế Trung Quốc có dẫn đến việc đồng thuận Bắc Kinh sẽ tiếp nối đồng thuận Washington không?
ParisTech Review – Trong bài L’Asie et le futur du monde [Châu Á và Tương lai của Thế giới] (tháng 9 năm 2012), ông đã phân tích sự phát triển của cường quốc Trung Quốc, bằng cách đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình tượng trưng cho Trung Quốc ngày nay, về mặt phát triển. Liệu “đồng thuận Washington” có lỗi thời không?
Yves Tiberghien – Quả thực, vấn đề đã được đặt ra từ nay, và ngay cả trong nội bộ IMF và Ngân hàng Thế giới, hai định chế từng là mũi xung kích của đồng thuận Washington nổi tiếng, mà tên gọi viện dẫn đến vị trí địa lý của họ.
Hãy quay trở lại nhanh với định nghĩa của cụm từ này. Nó xuất hiện vào cuối những năm 1980, khi toàn bộ các chuẩn mực và thông lệ, những thứ có vẻ như chi phối sự phát triển kinh tế, lại kết tinh thành một mô thức có tên gọi được nhà kinh tế học John Williamson đặt cho vào năm 1989. Trong một bài viết năm 1993, Williamson phát triển mười nguyên tắc tóm tắt mô thức này như sau: kỷ luật tài khóa, những ưu tiên cần thiết trong chi tiêu công (cơ sở hạ tầng, giáo dục), cải cách thuế, tự do hóa tài chính, tỷ giá hối đoái cạnh tranh, tự do hóa thương mại, mở cửa đối với các nguồn đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ quy định, bảo vệ các quyền sở hữu. Chính mô hình này, có thể gọi là mô hình tân tự do, mà ngày nay bị đặt thành vấn đề. Cuộc khủng hoảng năm 2008 rõ ràng đã góp phần làm xói mòn uy tín của nó, nhưng trên thực tế, ngay từ lúc ban đầu đã có các cuộc tranh luận.
Đầu năm 1993, ví dụ, Ngân hàng Thế giới đã công bố một nghiên cứu về phép màu châu Á, theo đơn đặt hàng của chính phủ Nhật. Nghiên cứu bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Tất nhiên, vai trò của thị trường trong việc phân bổ nguồn vốn đã được đánh giá cao, nhưng nghiên cứu cũng có một chương quan trọng bàn về các cơ sở thể chế của phép màu châu Á, nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước và các chính sách công nghiệp. Trong nội bộ Ngân hàng Thế giới, nghiên cứu này đã dẫn đến những căng thẳng mạnh mẽ giữa giới các nhà kinh tế học với nhà tài trợ Nhật Bản. Cuối cùng đã dẫn đến một thỏa hiệp: nghiên cứu kết luận rằng các điều kiện để thành công ở châu Á mang tính quá đặc thù đến mức chúng không thể hội tụ chúng ở nơi khác. Nhưng từ thời điểm đó, rõ ràng là tín điều của đồng thuận Washington đã có vấn đề mang tính thực nghiệm, bởi những nước có được sự thành công lớn nhất về phát triển kinh tế không tuân thủ các nguyên tắc nói trên.
Sự phê phán nhắm vào điểm nào?
Joseph Stiglitz (1943-)

Chủ yếu đó là vấn đề bãi bỏ quy định, tự do hóa tài chính, và hạn chế vai trò của Nhà nước. Các nhà kinh tế học ủng hộ đồng thuận Washington có khuynh hướng bỏ qua những vấn đề về bất đối xứng thông tin và nói chung là về những điều không hoàn hảo của thị trường. Như Joseph Stiglitz, nguyên là nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới,  đã nhấn mạnh trong cuốn Globalization and its Discontents [Toàn cầu hóa và những mặt trái của nó] (2002), mô hình đồng thuận Washington đã dựa trên những giả định hiếm khi tồn tại trên thực địa, và trên các mô hình lỗi thời. Một nhà kinh tế học khác, Dani Rodrik, vào cuối những năm 1990, đã chỉ ra rằng việc mở cửa thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể là một nhân tố phát triển, nhưng chỉ khi nào các định chế mạnh có khả năng hòa giải và giải quyết những xung đột nội bộ giữa nhiều nhóm xã hội khác nhau.
Ha-Joon Chang (1963-)

Vào khoảng cùng thời gian đó, nhà kinh tế học người Hàn Quốc Ha-Joon Chang còn đi xa hơn, khi, trong cuốn Kicking Away the Ladder [Lên gác rút thang] (2002), chỉ ra rằng quỹ đạo phát triển của các nước giàu chưa bao giờ tuân thủ các nguyên tắc của Washington và luôn dành cho Nhà nước một vị thế mạnh mẽ: ngay cả ở Hoa Kỳ, Nhà nước liên bang đã giúp cho ngành công nghiệp và đã viện đến chủ nghĩa bảo hộ. Khi so sánh kinh nghiệm của châu Á với kinh nghiệm của các nước OECD [Organization for Economic Cooperation and Development – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế], Chang cũng khẳng định rằng các chính sách thị trường tự do chưa bao giờ đủ để làm một nước trở thành giàu có. Và ông kết luận mạnh mẽ rằng những ý tưởng của đồng thuận Washington nhằm “rút thang” từng cho phép các nước giàu trở thành giàu có.
Nhiều cuộc khủng hoảng tài chính khác nhau trong những năm 1990, rồi cuộc khủng hoảng năm 2008, đã góp phần đặt thành vấn đề mô hình phát triển tân tự do. Bản thân Williamson đã thừa nhận trong một bài viết năm 2004 rằng cần phải tích hợp tầm quan trọng của sự ổn định chính trị, sự cần thiết của các định chế vững chắc, và một mục tiêu làm giảm sự bất bình đẳng. Ông cũng thừa nhận rằng phân tích của ông về tỷ giá hối đoái và tự do hóa tài chính đã được chứng minh là sai. Sự thừa nhận lỗi [mea culpa] này đã không ngăn được OECD, IMF và Ngân hàng Thế giới tiếp tục ủng hộ những ý tưởng này.
Nhưng trong nội bộ các định chế này, đang có những thay đổi. Lin Yifu, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho đến tháng 6 năm 2012, gần đây đã khởi động lại cuộc tranh luận và điểm lại những bài học kinh nghiệm của châu Á và Trung Quốc, đặc biệt là sự hiểu biết của chúng ta về hiện tượng phát triển.
Những đường nét của tổng hợp mới này là gì?
Tổng hợp mới đang được phát triển, nhưng theo Lin Yifu, nó dựa vào những điểm sau đây. Trước hết, đó không phải là việc đặt lại vấn đề về nền kinh tế thị trường, mà là điều chỉnh một tầm nhìn lý tưởng nào đó xem thị trường như là toàn bộ của sự phát triển kinh tế. Ví dụ, và đây là điểm nổi bật đầu tiên trong lập luận của Lin, sự tích hợp không ngừng của sự tiến bộ công nghệ (continuous technological upgrading – liên tục nâng cấp công nghệ) là một chiều kích then chốt: đó không đơn thuần là tạo ra những điều kiện cho các thị trường hoạt động trơn tru, mà còn phải quan tâm đến việc định hướng phát triển công nghiệp đúng đắn. Điều này đòi hỏi vừa phải có một sự mở cửa ra quốc tế đối với các hoạt động đầu tư có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển giao công nghệ, và đồng thời một vai trò tích cực của Nhà nước như là một trung gian và nhà cung cấp các cơ sở hạ tầng.
Thứ hai, năng lực chiến lược của các cấp lãnh đạo là điều mang tính sống còn, và họ cần phải biết cách chống lại những ý tưởng thống trị vốn thường sai lầm. Các mô hình thống trị thường mô tả các kết quả của quá trình phát triển, hơn là những hướng dẫn hữu ích về con đường mang tính nhân quả để đạt được kết quả ấy. Như vậy, mô hình xô-viết tập trung vào ngành công nghiệp nặng (chưa nói đến chính sách tập thể hóa ồ ạt cùng với chủ nghĩa duy ý chí cực đoan từng dẫn Trung Quốc đến thảm họa của cuộc Đại Nhảy Vọt), lẫn mô hình Washington chủ trương đồng thời chủ nghĩa tự do thương mại, sự mở cửa trong lĩnh vực tài chính và giảm thiểu vai trò của Nhà nước, đều đã không cho phép những người đi theo họ tìm ra con đường phát triển nhanh và bền vững. Con đường đúng đắn là con đường mang tính thử nghiệm nhiều hơn, tiệm tiến và phù hợp với các điều kiện và thể chế của nước có liên quan.
Điểm thứ ba, ở một nước đang phát triển, định chế quan trọng nhất là Nhà nước. Điểm này là điều then chốt, bởi vì trong đồng thuận Washington, người ta đặc biệt nhấn mạnh đến những nguy cơ của nạn tham nhũng, quan liêu, vân vân. Nguy cơ là có thật, nhưng điều này không ngăn vai trò của Nhà nước là then chốt trong những giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Điểm thứ tư, tính bền vững của chương trình được lựa chọn phụ thuộc vào những lợi thế và thực tế của mỗi nước. Ở đây có một bài học của chủ nghĩa thực dụng, và chúng ta có thể thấy một sự chỉ trích đối với các nhà kinh tế học trong phòng họp, những người đưa ra các lý thuyết về sự phát triển mà không quan tâm đến những cọ xát của thế giới thực, nếu không muốn nói là mơ tưởng đến sự biến mất của những thực tế này.
Điểm cuối cùng, đi cùng hướng và theo đó chúng ta có thể nhận ra một chút gì đó mang tính chủ nghĩa Mao, những đổi mới tự phát của địa phương và tư nhân là những điều rất quan trọng và cần được đón nhận và phổ biến rộng.
Đó chính là một cách tiếp cận thực dụng, tuần tự, có chăm chút đến thực tế của mỗi nước. Chúng ta ở khá xa với các nguyên tắc tổng quát của đồng thuận Washington. Cần nhận rằng tổng hợp này được rút ra từ kinh nghiệm của Trung Quốc, nhưng tự thân nó cũng lấy cảm hứng từ các yếu tố của Nhật Bản và Hàn Quốc, về những chủ đề có tính cấu trúc như vai trò trung gian của Nhà nước trong các dòng chảy toàn cầu, các chính sách trong lĩnh vực công nghiệp và khuyến khích xuất khẩu.
Nhật Bản đã có những thành công ngoạn mục, nhưng cũng có những thất bại. Liệu tổng hợp mới có rút ra được những bài học gì từ đó không?
Hoàn toàn có, và thậm chí đó còn là một điểm then chốt. Một trong những bài học được rút ra là mô hình Nhật Bản đã cho thấy sự thất bại khi giới lãnh đạo Nhật Bản chấp nhận áp lực mạnh của Mỹ đối với đồng yên Nhật và, với thỏa thuận Plazza năm 1985, đã cho phép một sự phối hợp quốc tế dẫn đến việc đồng yên Nhật bị tăng giá trị gấp đôi trong vài năm. Giai đoạn tăng giá mạnh này đã buộc ngân hàng trung ương Nhật Bản duy trì lãi suất quá thấp trong một thời gian quá dài, điều mà, kết hợp với việc bãi bỏ quy định trong lĩnh vực tài chính, đã góp phần làm tăng bong bóng bất động sản. Nhật Bản vẫn chưa hồi phục sau vụ nổ bong bóng này. Giới lãnh đạo Trung Quốc, ngày nay – rất chú ý đến bong bóng, thứ đã bắt đầu ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản ở các trung tâm đô thị lớn – rõ ràng đã học được bài học của Nhật Bản: điều này giải thích phần nào sự thận trọng của họ đối với khả năng có thể nâng giá đồng nhân dân tệ lên.
Kinh nghiệm của Nhật Bản cũng đã làm nổi bật tầm quan trọng của một phản ứng chính trị đối với một cuộc khủng hoảng với cường độ như thế. Cần phải giải quyết một cuộc khủng hoảng ngân hàng một cách không chậm trễ, với việc bơm vốn mạnh cho các ngân hàng và một phản ứng mạnh trong lĩnh vực thuế. Nhật Bản, vì thiếu lãnh đạo chính trị trong những năm 1990 nhưng cũng vì niềm tin phổ biến thời bấy giờ về tính hiệu quả của các thị trường tài chính, đã chờ cho đến năm 1998 và thậm chí một phần nào đó cho đến những năm 2003-2004 để giải quyết vấn đề này một cách triệt để. Bài học này dành cho mọi người, và, vào những năm 2008-2009, Hoa Kỳ đã cho thấy họ cũng đã học.
Hiển nhiên là các nguyên tắc này phản ảnh kinh nghiệm của châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, mà giờ đây chúng ta đang nói về “đồng thuận Bắc Kinh”. Liệu có thể thấy ở đó một mô hình mới nào không?
Có và không. Có, là với việc bác bỏ tất cả những ý tưởng đã tồn tại vốn chi phối đồng thuận Washington: bài học của Trung Quốc đơn thuần là không có gì hoạt động mà không có sự tồn tại của những thể chế vững mạnh và một Nhà nước đóng vai trò trung gian tích cực. Không, là bởi vì mô hình Trung Quốc trước hết là một bài học về chủ nghĩa thực dụng và thử nghiệm. Sự thành công của Trung Quốc được đánh dấu bởi mối quan tâm đến những khác biệt của địa phương và bởi một nghệ thuật thử nghiệm có cân nhắc. Chắc chắn, các công thức theo cảm quan kinh nghiệm này có thể được áp dụng ở mọi nơi. Nhưng chúng ta còn xa với một mô hình nghiêm ngặt và nhất quán như đồng thuận Washington. Trong thực tế, đặc trưng thực sự của mô hình mới này là tránh mọi hình thái của chủ nghĩa giáo điều, và như vậy theo hướng không thừa nhận chính bản thân ý tưởng mô hình.
Vả lại, kinh nghiệm Trung Quốc cũng tự bộc lộ nhiều mô hình phát triển, cả về thời gian lẫn không gian. Tính đa dạng, theo một cách nào đó, là một trong những chìa khóa thành công của Trung Quốc: nó song hành với thử nghiệm, nhưng với một sự cân nhắc khác biệt giữa các doanh nghiệp nông thôn bán tư nhân, các khu kinh tế mở cửa cho đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp Nhà nước lớn ở khu vực thành thị. Từ những năm 1980 và dựa trên một số khía cạnh của nền văn hóa chính trị theo chủ nghĩa Mao, người Trung Quốc đã bước vào logic của quá trình thử nghiệm và thực hiện từng bước, chấp nhận đồng thời ý tưởng của một quỹ đạo [phát triển] ngoằn ngoèo và ý tưởng của một nền kinh tế phi hợp nhất, một nền kinh tế “nhiều màu sắc”. Đó là toàn bộ ý nghĩa của việc tạo ra các đặc khu kinh tế, kèm theo những quy tắc riêng của nó. Nhưng, song song với một chính sách tự do dành cho ​​địa phương và sáng kiến tư nhân, đều có sự tồn tại mạnh mẽ của nhà nước xung quanh các doanh nghiệp thành đạt trong nước được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Tóm lại, ngày nay chúng ta có ba mô hình lớn. Đầu tiên là mô hình của Quảng Đông, với các đặc khu kinh tế (thường được viết tắt bằng tiếng Anh là SEZ – Special Economic Zones) được thành lập vào những năm 1979-1982 và được mở rộng vào những năm 1980 và một lần nữa vào những năm 1990. Có bốn đặc khu kinh tế đầu tiên là Shantou, Thâm Quyến, Chu Hải, sau này còn có thêm Hạ Môn ở Phúc Kiến. Người ta thấy ở đó những doanh nghiệp hội nhập hoàn toàn với toàn cầu hóa, phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Tiếp đến là mô hình tập trung vào các doanh nghiệp Nhà nước (mô hình Trùng Khánh, Thượng Hải hay Thiên Tân). Các doanh nghiệp này, đã được thành lập lâu đời hơn và hoạt động ít hiệu quả hơn, từng hứng chịu một cuộc làm sạch mạnh tay từ năm 1997 đến 2002: đã có 40-50 triệu trường hợp bị giải thể, phá sản, tư nhân hóa, đến mức các nguồn lực đã được tập trung vào hàng ngàn doanh nghiệp [tư nhân] thành đạt trong nước – một mô hình lấy cảm hứng từ người Hàn Quốc và qua đó từ người Pháp.
Mô hình thứ ba được hình thành bởi một khu vực kinh tế bán tư nhân, vốn phát triển mạnh vào những năm 1990, mà ở đó chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng; cũng có một mô hình phiên bản khởi nghiệp kinh doanh hoặc thuần túy tư nhân, mô hình Chiết Giang, đặc biệt là mô hình Ôn Châu, được tài trợ bởi một hệ thống tài chính ngầm và phi chính thức và toàn cầu hóa thông qua một hệ thống mạng dựa trên chủng tộc (rất phổ biến ở Pháp chẳng hạn).
Cuối cùng, cũng có thể thêm vào trường hợp của Nội Mông, nơi mà ngày nay đang phát triển việc khai thác các nguyên liệu thô.
Liệu cuộc khủng hoảng năm 2008 có làm thay đổi cán cân bên trong mô hình hỗn hợp này không?
Có, trước hết là do mô hình Quảng Đông đã hứng trọn cuộc khủng hoảng, và việc thúc đẩy lại sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân địa phương cũng bị ảnh hưởng. Tiếp đến, song song với cuộc khủng hoảng, người ta đã chứng kiến một sự gia tăng nhanh về chi phí lao động, một phần do sự chuyển đổi thế hệ những người di cư trong nội địa: thế hệ trước tự bằng lòng với quy chế công dân hạng hai của mình, thế hệ mới có nhiều yêu sách hơn về các quyền và lương bổng. Ví dụ, người ta đã thấy xuất hiện những cuộc đình công. Theo một cách nào đó, điều này góp phần vào một sự tiến hóa chung được mong đợi: cầu trong nước đang bắt đầu thay thế xuất khẩu trong vai trò thúc đẩy tăng trưởng. Đồng nhân dân tệ đã lên giá, ngày nay lợi thế so sánh của Trung Quốc ít được cảm thấy hơn.
Những thách thức chính đối với mô hình Trung Quốc ngày nay là gì?
Thách thức thứ nhất là tức thì, và đó là nền kinh tế quá nóng. Sự mất cân đối chồng chất, đầu tư quá mức, bong bóng bất động sản và mức tiêu dùng trong nước quá yếu đặt ra một số vấn đề. Giới lãnh đạo đã cố làm xì hơi bong bóng bất động sản, nhưng nó lại phát triển do tình hình đầu tư của các chính quyền địa phương, và ở đó có vấn đề kết nối với nhiều cấp độ chính sách kinh tế khác nhau. Ngoài ra, vấn đề bất bình đẳng xã hội, trong dài hạn có thể trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng và thậm chí mang tính bùng nổ, do từ nay Trung Quốc có hệ số Gini bằng 0,50, cao hơn hệ số Gini của Hoa Kỳ.
Nhân Đại hội vào tháng 11 năm 2012, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức đặt vấn đề về một mô hình phát triển mới. Đây là một điều tốt, bởi vì việc tái cân bằng mô hình hiện hành theo hướng tiêu dùng nội địa là một vấn đề đang chờ giải pháp. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Robert Zoellick, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tái cân bằng và, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, chỉ ra sự chuyển đổi cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, việc củng cố Nhà nước pháp quyền và mở rộng cung cấp các dịch vụ xã hội.
Liệu Trung Quốc có khả năng làm được điều này không?
Bước ngoặt sắp tới sẽ là một thử nghiệm cực mấu chốt về năng lực của Nhà nước. Một trong những khía cạnh của thách thức này là từ nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, và sẽ sớm là nền kinh tế lớn thứ nhất. Người ta đưa những dự báo kinh tế khác nhau, nhưng trung bình các ước tính cho thấy việc Trung Quốc bắt kịp Hoa Kỳ như là một thực tế có khả năng xảy ra, sẽ diễn ra vào khoảng giữa những năm 2016-2018 về sức mua tương đương, và vào những năm 2018-2022 về tỷ giá hối đoái danh nghĩa. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về mức tiêu thụ năng lượng và doanh số bán xe ô-tô! Vị thế mới này khiến cho việc lèo lái kinh tế thêm phần tế nhị hơn, bởi vì nếu tính ưu việt kinh tế là cội nguồn của tự do, thì nó cũng mang lại hàng loạt những ràng buộc.
Cũng cần phải hiểu rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc, và đặc biệt là sự bùng nổ các khoản dự trữ tài chính (còn gần ở mức 0 vào năm 1995 và đạt khoảng 3.200 tỷ US$ vào cuối năm 2011) đã diễn ra quá nhanh, đến mức giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc, đột nhiên một sáng một chiều, bị đẩy ra sân khấu kinh tế quốc tế, trong khi họ chủ yếu là những chuyên gia về đập [thủy điện], các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp, hoặc các doanh nghiệp Nhà nước. Tương tự, giới học giả tinh hoa đột nhiên được yêu cầu tìm ra các giải pháp quản trị toàn cầu, trong khi đó là một chủ đề mới hoàn toàn. Vì vậy, một số nhà lãnh đạo dư luận​​ cho rằng “Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho vai trò [lãnh đạo] toàn cầu mới của họ”, và đó chắc chắn là một trong những thách thức trong những năm sắp tới.
Dani Rodrik (1957-)
Một nghiên cứu có hệ thống của Dani Rodrik, về vấn đề hội tụ kinh tế và quá trình bắt kịp [các nền kinh tế lớn] của các nước mới nổi, đã đưa ra cảnh báo về một nguy cơ được biết rõ trong kinh tế học phát triển. Nếu muốn tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh và vượt qua các chặn đường cần thiết để hoàn tất quá trình bắt kịp đó, Trung Quốc và các nước mới nổi khác phải mạnh tay phá bỏ những ràng buộc nặng nề và tạo lập những định chế mới. Các chặn đường này là rất khó khăn và nhiều nước, trong quá khứ, đã bị mắc kẹt trong cạm bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đi kèm với một hệ số rủi ro cao. Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ điều này và cho thấy rất thận trọng ngày nay: họ quan ngại nhiều đến tính dễ bị tổn thương của họ hơn là việc thực hành vai trò của một cường quốc mới.
Một thách thức lớn mà mô hình Trung Quốc giờ đây phải đối mặt là vấn đề phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi năng lượng. Ngay cả khi chưa đề cập đến vấn đề ô nhiễm và tác động lên sự biến đổi khí hậu, việc tăng giá nguyên liệu thô và năng lượng có thể làm suy yếu những cán cân lực lượng lớn mà dựa vào đó nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng. Kế hoạch Năm năm mới năm 2011 đã cố khơi mào một giải pháp lâu dài. Thách thức thực sự là khổng lồ. Một giải pháp hiệu quả chắc chắn sẽ thông qua một quá trình tái tập trung và một nỗ lực đổi mới chưa từng thấy.
Nói chung, người ta thấy những thách thức là rất nhiều, và mô hình Trung Quốc còn lâu mới mang tính chặt chẽ hoặc thậm chí ổn định. Đó là một mô hình hỗn hợp, kết hợp chủ nghĩa thương mại tự do quốc tế với sự hội nhập trong sự phân chia lao động quốc tế, được dàn dựng bởi những tập đoàn đa quốc gia toàn cầu hóa, những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ gặp vận, và một mạng lưới các công ty khởi nghiệp kinh doanh được địa phương hoá và phi tập trung hóa. Mô hình ngốn nguồn lực và trên diện rộng này đang nỗ lực cân bằng lại và thể chế hóa, một giai đoạn cực kỳ quan trọng để chuyển sang giai đoạn phát triển kế tiếp.
Liệu điều này có thể giải thích vì sao, vào thời điểm hiện nay, mô hình này không có khả năng tự khẳng định hoặc lan tỏa không?
Vâng: Trung Quốc đã chứng tỏ bản thân, nhưng mới chỉ nửa vời. Và quỹ đạo [tăng trưởng] của Trung Quốc rất khó để nhân rộng ra, ngay cả khi có một số yếu tố là có thể du nhập trực tiếp (ví dụ, các đặc khu kinh tế).
Cuối cùng, mô hình vẫn chưa đáp ứng được những thách thức của sự phát triển bền vững – những nỗ lực thực sự trong vấn đề năng lượng tái tạo và phát triển một chính sách đánh thuế khí carbon chứng tỏ là đã có sự ý thức vấn đề: về những chủ đề này, Trung Quốc không tụt hậu, mà ngược lại còn tiến bộ. Bằng chứng là sự cất cánh đáng kinh ngạc của các ngành công nghiệp bền vững từ năm 2005, và sự chuyển đổi và hợp lý hóa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than chỉ trong một thập kỷ. Nhà nước đã được huy động ngày càng nhiều để làm giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, một quá trình hỗ trợ theo nghĩa của tình hình dễ bị tổn thương về mặt năng lượng, cho phép tạo ra một liên minh vững mạnh bao gồm nhiều cơ quan chính phủ. Cũng không nên quên sức huy động ngày càng lớn của các cư dân mạng (netizens, 500 triệu người kết nối với mạng Internet) về các vấn đề môi trường, như đã được chứng minh qua những phong trào quần chúng chống lại các cơ sở gây ô nhiễm, từ năm 2011, ngày càng thành công (trường hợp điển hình của Tứ Xuyên, Hongda, Qifang và Shifang).
Nói tóm lại, không hề có đồng thuận Bắc Kinh, mà chỉ có một cách tiếp cận mang tính thực nghiệm và tiệm tiến, biết kết hợp sự hội nhập với sự toàn cầu hóa thương mại, nhưng không hội nhập về mặt tài chính, năng lượng kinh doanh, và một vai trò thúc đẩy và kiểm soát mạnh mẽ dành cho Nhà nước. Đó là một tập hợp năng động và đang chuyển mình, vừa tích hợp một số yếu tố cứng nhắc có rủi ro với một khả năng thay đổi và tiến hóa mạnh mẽ.
Là phó giáo sư về khoa học chính trị và là giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học British Columbia.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Le consensus de Beijing existe-t-il?, Paris Innovation Review, Mercredi 12 décembre 2012.
Print Friendly and PDF