8.9.18

Từ Marx đến chủ nghĩa Marx: các lịch sử của một tư tưởng

TỪ MARX ĐẾN CHỦ NGHĨA MARX: CÁC LỊCH SỬ CỦA MỘT TƯ TƯỞNG

Ophélie Siméon phỏng vấn với Gregory Claeys
200 năm sau ngày sinh của Karl Marx, Gregory Claeys đã nhìn nhận mới về sự hình thành tri thức của nhà tư tưởng này, nhiều thế hệ đa dạng nối tiếp ông và tính xác đáng của tư tưởng này trong thế kỷ 21.
Gregory Claeys là Giáo sư môn Lịch sử Tư tưởng Chính trị học tại Royal Holloway (Đại học London). Các nghiên cứu chính của ông thuộc các lĩnh vực như phong trào cải cách xã hội và chính trị từ những năm 1790 đến đầu thế kỷ 20, ông chú trọng đặc biệt vào chủ nghĩa không tưởng và chủ nghĩa xã hội sơ khai. Ông là tác giả của các tác phẩm Machinery, Money and the Millennium: From Moral Economy to Socialism [Máy móc, Tiền bạc và Thiên niên kỷ: Từ Kinh Tế Luân Lý đến Chủ nghĩa Xã hội] (Princeton University Press, 1987), Citizens and Saints; Politics and Anti-Politics in Early British Socialism [Công dân và Thánh nhân; Chính trị và Chống chính trị trong Chủ nghĩa Xã hội Sơ khai của người Anh] (Cambridge University Press, 1989), Searching for Utopia: the History of an Idea [Tìm hiểu về Utopia: Lịch sử của một tư tưởng] (Thames & Hudson, 2011), và Marx and Marxism [Marx và Chủ nghĩa Marx] (Penguin, 2018).
Books & Ideas: Những tiểu sử về Marx gần đầy của Jonathan Sperber và Gareth Stedman-Jones[1] đã cố gắng khám phá ông Marx “lịch sử”, chứ không phải là ông Marx của các chính trị gia và những nhà ý thức hệ. Ngược lại, ông chọn quay về với lịch sử các tư tưởng của Marx. Với tư cách là một sử gia về chủ nghĩa xã hội, đặc tính trong phương pháp tiếp cận của ông là gì?
Gregory Claeys (1951-)

Gregory Claeys: Trong nghiên cứu của tôi về Marx, tôi cố gắng đặt ông ở vị trí người xã hội chủ nghĩa đã được xác định vững chắc, cụ thể là xử lý những thất bại của chủ nghĩa xã hội cộng đồng (chủ yếu là chủ nghĩa Owen, mà Engels có chút thông cảm, và chủ nghĩa Fourier), và đến năm 1848 mở ra một tương lai chính đáng về một cuộc cách mạng lật đổ chủ nghĩa tư bản. Marx chia sẻ với những người ủng hộ chủ nghĩa Owen và những người xã hội chủ nghĩa khác ở đầu thế kỷ XIX là cần phải hình dung một hình ảnh về tương lai và cung cấp một quan điểm phê phán chủ nghĩa tư bản. Yêu cầu đầu hầu như đạt được một ý tưởng (không xác định rõ) về trạng thái cuối cùng của xã hội cộng sản sắp tới. Yêu cầu sau được đề cập đến lần đầu thông qua khái niệm tồn tại loài (Gattungswesen) của Feuerbach vào những năm 1843-44, và sau đó được thay thế bằng khái niệm “đạo đức của sự trở thành” (ethics of becoming). Thể theo đạo đức này được phong trào công nhân và ý thức có chung mục đích, bắt nguồn từ sự phân công lao động hiện có, báo trước sự đoàn kết và tính xã hội của tương lai.


Theo tôi, Marx vẫn là một người không tưởng trong nhiều khía cạnh của dự án này. Cụ thể, ông ủng hộ ý tưởng phát triển toàn diện, phản đối chuyên môn hóa và đặc biệt là phân công lao động giữa công việc trí óc và công việc chân tay. Marx thường được xem như triết gia, như nhà kinh tế học chính trị, và như nhà cách mạng. Tôi không phủ nhận rằng ông là bất kỳ hình mẫu nào trong số này, nhưng tôi đang tìm kiếm thành tựu của ông ấy trong cuốn sách này không như một sự đoạn tuyệt với mọi hình thức chủ nghĩa xã hội khác như vẫn thường được quan niệm.
Books & Ideas: Nghiên cứu của ông về sự hình thành tri thức của Marx khẳng định lại sự cần thiết phải từ bỏ sự phân biệt giữa chủ nghĩa xã hội “không tưởng” và chủ nghĩa xã hội “khoa học”. Bằng cách nào việc xác định lại sự không tưởng có thể giúp nhìn những ý tưởng của Marx dưới một nhãn quan mới?

Gregory Claeys: Marx, và hơn nữa là Engels, rồi tiếp theo là Lenin, cực lực bác bỏ rằng “quan niệm duy vật lịch sử” có liên quan đến những ảo tưởng của “phiên bản khổ 24 trang (in-12) của Jerusalem mới”[2] mà theo họ là đặc trưng cho những nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Trong cuốn Marx and Marxism, tôi thừa nhận là Marx đã trình bày một phân tích lịch sử chặt chẽ hơn hầu hết những người tiền nhiệm theo chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên như một cuốn sách trước đây của tôi, Machinery, Money and the Millennium: From Moral Economy to Socialism, 1815-60 (1987) cho thấy, đặc biệt trên điểm này, những người ủng hộ chủ nghĩa Owen thừa hưởng cùng một số nguồn, cụ thể là các nhà văn hàng đầu của Phong trào Khai sáng của người Scotland, vốn là thiết yếu cho quan điểm mới của Marx về chủ nghĩa xã hội.
Do Marx trình bày vào những năm 1845-46, một lý thuyết tất định theo đó cuộc cách mạng vô sản chắc chắn sẽ nổ ra và bằng chuyên chính vô sản sẽ dẫn đến xã hội cộng sản. Do lý thuyết này đã thất bại, nên tên gọi ban đầu của “chủ nghĩa xã hội khoa học”, ngày nay có vẻ không chặt chẽ và lỗi thời. Vì thế, tôi mô tả Marx là một người không tưởng trước hết theo nghĩa tích cực là có thể nhìn vào tương lai xa xôi để xem cách chủ nghĩa tư bản có thể phát triển như thế nào; và sau đó theo nghĩa trung lập hơn khi áp dụng những giả thiết nhất định về sự biến đổi sẽ diễn ra trên con đường đi tới và trong xã hội tương lai. Điều này bao gồm các giả định về những cải thiện về hành vi của con người sẽ diễn ra khi quyền tư hữu bị bãi bỏ, về khả năng bãi bỏ “chế độ chính trị” và “nhà nước” một khi việc người lao động được trả lương bình thường là lựa chọn của những nhà quản lý mà không có cuộc xung đột nào diễn ra giữa một “đảng” cách mạng và bất kỳ nhánh quyền lực vô sản nào khác (do đó không đòi hỏi phải tách biệt các quyền lực như vậy), và vân vân.
Do đó, Marx được mô tả như một nhà không tưởng theo một số nghĩa khác nhau của từ. Điều quan trọng nhất trong số này là tư tưởng của ông về một thế giới mà máy móc thực hiện hầu hết công việc chân tay và con người có thể cải thiện bản thân trong thời gian rảnh rỗi. Cái nhìn này, tương phản với đề xuất giải quyết vấn đề “tha hóa” được tranh luận vào năm 1844, chi phối hầu hết các tác phẩm sau này của Marx. Nó như tiếng vang vọng của các tác phẩm của những người xã hội chủ nghĩa đầu tiên, đặc biệt là Robert Owen. Trong tầm nhìn này, các hình thức cơ bản nhất của tình trạng người bóc lột người bị hủy bỏ. Đây vẫn là một mục tiêu cao quý vô cùng.
Books & Ideas: Mặc dù Marx thường được dán nhãn là tác giả “khó đọc”, nhưng sự hấp dẫn phổ biến của tư tưởng ông dường như phủ nhận nhận định này. Thật vậy, nhiều khái niệm của ông (chẳng hạn như chuyên chính vô sản, hay tôn giáo như là “thuốc phiện của nhân dân”) đã bước vào ngôn ngữ thông thường. Ông giải thích thế nào về nghịch lý này?
Gregory Claeys: Điều đáng ngờ là hầu hết “những nhà Marxist” đã từng đọc nhiều về Marx, và nhiều thứ sẵn có cho chúng ta ngày nay chỉ trở nên phổ biến rộng rãi trong nửa sau của thế kỷ 20. Phần lớn sự hấp dẫn phổ biến của Marx đều dựa trên những phát biểu ngắn gọn của Engels về ý tưởng của ông sau này (đáng chú ý với tác phẩm Chủ Nghĩa Xã Hội Không Tưởng và Chủ nghĩa Xã hội Khoa Học, năm 1880), và văn bản có tính cương lĩnh nhưng rất dễ đọc là Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Các học giả và những người có học nhiều hơn có xu hướng nhấn mạnh “khó khăn” của việc đọc Marx bằng cách nối ông với Hegel càng nhiều càng tốt, một phần để biện minh cho vị trí thống trị của họ trong lĩnh vực tư tưởng. Tuy nhiên, hệ thống Marx cơ bản có thể được quy giản thành một vài mệnh đề đơn giản, mà phần lớn đã bị thu hẹp theo dòng lịch sử lại thành một nguyên lý: bãi bỏ sự bóc lột, hoặc của một tầng lớp địa chủ (ở những quốc gia mà nông dân chiếm ưu thế) hoặc các nhà tư bản (trong các quốc gia công nghiệp hóa hơn).
Books & Ideas: Tại sao Cuộc cách mạng Nga lại là một bước ngoặt trong lịch sử chủ nghĩa Marx?
Gregory Claeys: chủ nghĩa Marx đã có những tiến bộ đáng kể ở Tây Âu vào cuối thế kỷ XIX, đáng chú ý là ở Đức, nơi mà sự biến đổi hòa bình của chủ nghĩa tư bản là một viễn cảnh khá thực tế (điều Marx và Engels chấp nhận với một số điều kiện). Về sau, Marx đã bị ép buộc (bởi những người Nga hâm mộ ông) để suy tưởng khả năng một cuộc cách mạng ở một đất nước mà chủ nghĩa tư bản khó phát triển, hầu như không có giai cấp vô sản, và phải cần một quá trình công nghiệp hóa dài để đảm bảo sự phát triển của cơ sở kinh tế hầu có được nhiều thời gian nhàn rỗi và của cải hơn. Lenin dĩ nhiên tự nhận mình là một nhà Marxist, chiến thắng cuối cùng của những người Bolshevik, cách kiến giải của Lenin về chủ nghĩa Marx như một học thuyết chống chủ nghĩa đế quốc, khiến chủ nghĩa Marx trở thành sự thay thế tuyệt vời cho sự phê phán chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và bóc lột nói chung trong thế kỷ 20. Nhưng Lenin dĩ nhiên cũng thay đổi đáng kể chủ nghĩa Marx, đặc biệt là áp đặt lên học thuyết này ý tưởng về tập trung dân chủ, mà trong thực tế là sự chuyên chính của đảng đối với giai cấp vô sản, và của một nhóm nhỏ trong đảng (nomenklatura) đối với dân chúng còn lại, theo cách mà Marx chưa bao giờ hình dung. Hoàn toàn xa lạ với lý tưởng của Marx, hoàn cảnh của cuộc cách mạng trong điều kiện nội chiến đòi hỏi phải tạo ra một nhà nước công an trị và loại bỏ hoặc vô hiệu hoá những kẻ bị coi là kẻ thù của chế độ hoặc của giai cấp vô sản nói chung. Kết quả là sự đối kháng này đối với giai cấp tư sản và những kulak [phú nông ở Nga] hoặc phú nông [nói chung] dẫn đến việc gần như là loại bỏ hai đối tượng này vói tư cách là giai cấp.
Books & Ideas: Di sản của Marx đã mãi mãi bị ô nhiễm bởi những hành xử đẫm máu của chủ nghĩa Lenin và Stalin. Kết quả là, những kiến giải xét lại tư tưởng ông có thể rơi vào con đường muốn viết lại lịch sử, đôi khi thành tu từ phản sự kiện. Làm thế nào các sử gia có thể tránh được cái bẫy này?

Gregory Claeys: Theo quan điểm của tôi, là một sử gia, việc nói ra sự thật luôn là ưu tiên cao nhất. Xây dựng một vốn chính trị từ sự thật (hay không) phải xếp thứ hai. Sau năm 1991, các văn khố nhà nước của Liên Xô được mở ra và trải nghiệm của Solzhenitsyn được xác thực trên quy mô lớn và chi tiết hơn nhiều. Đến khoảng năm 2010, những thông tin chi tiết cho đến lúc bấy giờ bị kiểm duyệt như nạn giết người và nạn đói đại trà ở Trung Quốc cũng đã được tiết lộ. Thảm họa Campuchia do Pol Pot thực hiện cũng được tiết lộ. Cuốn sách trước đây rất hữu ích với tôi, cuốn Dystopia: A Natural History [Dystopia: Một Lịch sử Tự nhiên] (Oxford University Press, 2016), có nhắc đến một đoạn dài về những nỗi kinh hoàng này. Vì vậy, tôi quay lại với Marx, với ý thức rằng những thảm họa của chủ nghĩa Marx-Lenin-Mao trong thế kỷ 20 v.v. đã xảy ra và đã không miễn cưỡng đối mặt với những di sản này. Từ lâu tôi đã cảm thấy rằng những thất bại tương đối của những diễn ngôn của cánh tả sau năm 1991, đặc biệt khi đối mặt với ý thức hệ tân tự do, bắt nguồn một phần từ sự thất bại trong việc đương đầu với các thảm họa Stalin và các thảm họa khác, và từ việc không có khả năng thừa nhận rằng các thảm hoạ này một phần trực tiếp từ Marx. Việc thừa nhận điều này cho phép chúng ta thấy có thể hồi sinh được điều gì trong truyền thống.
Books & Ideas: Marx được hồi phục khá bất ngờ kể từ cuộc suy thoái 2007-2008. Mối quan tâm mới này khác với những hóa thân trước đây của chủ nghĩa Marx như thế nào, và cho chúng ta biết gì về tính xác đáng của Marx ngày nay?
Gregory Claeys: Cũng đã được gần 20 năm qua, số lượng những người xem trọng Marx không ngừng gia tăng (ngoài Trung Quốc và một vài quốc gia khác như Cuba, Belarus và Bắc Triều Tiên). Ảnh hưởng kéo dài của cuộc “khủng hoảng tài chính” năm 2008 hiện nay đã được hợp nhất với ba sự phát triển đầu thế kỷ 21 khác: rô bốt hóa và triển vọng của cuộc sống “ngoài công việc” [thời gian rảnh rỗi]; bất bình đẳng về kinh tế ngày càng lớn; và môi trường bị suy thoái trên quy mô đủ lớn cho thấy sự hủy diệt nhân loại hoàn toàn có thể xảy ra trong thế kỷ [21] này. Marx có nhiều gợi ý về hai yếu tố đầu tiên, nhưng không nói được gì nhiều về yếu tố thứ ba. Vận dụng tư tưởng của ông cũng có vấn đề khi tác nhân cổ điển của cuộc cách mạng, giai cấp vô sản công nghiệp, ngày nay đang suy giảm. Nhưng tầm nhìn cơ bản về cuộc sống vẫn có sức hút vô cùng lớn, trong đó lao động xã hội cần thiết được giảm thiểu cho số đông, máy móc đã chiếm phần lớn gánh nặng, và bóc lột, ép buộc và đàn áp, căn bản bị loại bỏ.
---
Ophélie Siméon
Ophélie Siméon
Tốt nghiệp từ Ecole Normale Supérieure (Lyons), Ophélie Siméon có bằng Tiến sĩ Lịch sử Vương quốc Anh. Cô hiện là Phó Giáo sư tại Đại học Paris 3-Sorbonne nouvelle và tổng biên tập trang La Vie des Idées / Books & Ideas. Nghiên cứu của cô đề cập đến chủ nghĩa xã hội sơ khai trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp [lần thứ nhất], đặc biệt là trong các tác phẩm và thực nghiệm cộng đồng của Robert Owen.
Gregory Claeys
Giáo sư Lịch sử tại trường Royal Holloway, Đại học London. Trước đây ông giảng dạy tại Đại học Hannover, Đức và Đại học Washington, St Louis, Mỹ. Ông đã viết 9 cuốn sách, tập trung vào lịch sử chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa phi tôn giáo, và chỉnh sửa khoảng 50 tập sách và tiểu luận chính.
Lý Hoàng Minh Uyên dịch
Nguồn: From Marx to Marxism: Histories of an Idea, Books and Ideas, May 07, 2018.




Chú thích:

[1] Jonathan Sperber, Karl Marx: A Nineteenth-Century Life (Liveright, 2013); Gareth Stedman Jones, Karl Marx: Greatness and Illusion (Allen Lane, 2016).

[2] Karl Marx and Friedrich Engels, The Communist Manifesto [1848], tr. Samuel Moore, Penguin Classics, 2015, p. 27.

Print Friendly and PDF