30.9.18

Diễn ngôn kinh tế từ Stockholm



DIỄN NGÔN KINH TẾ TỪ STOCKHOLM

Trong công trình có nhiều tài liệu phong phú này về lịch sử kinh tế học, Avner Offer và Gabriel Söderberg giải thích rằng “Giải Nobel” kinh tế đã xác nhận việc lý tưởng hóa các cơ chế thị trường, đối lập với các chính sách kinh tế xã hội dân chủ của thế kỷ XX.
Chúng ta đã chờ đợi từ lâu một cuốn sách tham khảo về lịch sử và thách thức của giải thưởng về khoa học kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel. Giờ đây cuốn sách đã được xuất bản bởi hai chuyên gia về lịch sử kinh tế, Avner Offer, giáo sư tại Đại học Oxford, và Gabriel Söderberg, nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala.
Công lao hàng đầu của cuốn sách này là nó cung cấp một luận đề tổng quát, có nhiều tài liệu phong phú, về lịch sử của giải thưởng, gắn chặt với lịch sử ý thức hệ và chính trị của Thụy Điển và của thế giới. Được thành lập vào năm 1969, trong bối cảnh căng thẳng rất đặc biệt giữa ngân hàng trung ương và chính phủ dân chủ xã hội Thụy Điển, giải thưởng của Ngân hàng Thuỵ Điển, theo các tác giả, đã trở thành một trong những nơi chính để trình bày cách nhìn lý tưởng hoá về thị trường, một cách nhìn đã dần dần được áp đặt lên cả hành tinh, dưới ảnh hưởng của một kinh tế học đã mang tính ý thức hệ nhiều hơn là khoa học. Các tác giả đã phơi bày một số quá trình về mặt thể chế, đã từng dẫn đến thành công của một phần thưởng mà từ nay đã được ghi chép trong mục bình luận của các phương tiện truyền thông.
Avner Offer (1944-)
Gabriel Söderberg
Theo họ, có hai lý thuyết kinh tế lớn với một thành phần chuẩn tắc vững chắc đối lập nhau trong suốt thế kỷ XX: “học thuyết kinh tế” đặt định nghĩa về cái đúng dựa trên các cơ chế thị trường, trong khi học thuyết dân chủ xã hội nêu bật vấn đề an toàn tập thể, các dịch vụ công trong lòng một nền kinh tế hỗn hợp, sửa chữa những bất bình đẳng mà nạn nhân là những người bất hạnh nhất. Các tác giả, những người bảo vệ học thuyết thứ hai một cách rất rõ ràng, xem học thuyết thứ nhất như là một hình thái của tư duy ma thuật, cho rằng giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển nằm ở trung tâm của cuộc cạnh tranh mang tính lịch sử giữa hai học thuyết.
Lý thuyết kinh tế, cỗ máy chiến tranh hậu hiện đại
Amartya Sen (1933-)
Robert Shiller (1946-)
Các tác giả nhìn thấy ở khoa học kinh tế một bộ môn dựa rất ít vào các dữ liệu và sự kiện, nhưng lại dồn nỗ lực vào việc sáng tạo những khái niệm để đề xuất những lý thuyết vừa hiệu quả về mặt xã hội vừa rỗng tuếch về mặt thực nghiệm. Đó là trường hợp của lý thuyết những dự kiến duy lý, được lan truyền vào những năm 1970, làm cơ sở cho kinh tế học vĩ mô cổ điển mới. Kinh tế học vĩ mô cổ điển mới khẳng định rằng cá nhân có khả năng tận dụng tất cả những thông tin có sẵn để hình thành nên những dự kiến của mình và rằng nhà nước, cũng như bất kì tổ chức tập thể nào khác, không thể làm tốt hơn các cá nhân. Lý thuyết này có thể được xem như là một cỗ máy chiến tranh chống lại các chính sách dân chủ xã hội. Sự thống trị của lý thuyết này, trong khi vẫn còn bị phản bác mạnh mẽ, kể cả bởi những người được trao giải như Joseph Stiglitz, Amartya Sen, Robert Shiller, Paul Krugman và những tác giả khác, có vẻ như là một trong những xu hướng tiến hóa của kinh tế học vĩ mô kể từ những năm 1970.
Như vậy, lịch sử của giải thưởng về khoa học kinh tế được kể lại bằng cách nhấn mạnh đến chiều kích biểu tượng của nó, việc nghi thức hoá đặc trưng của nó, và những lập luận cụ thể chi phối sự ra đời của giải. Cuốn sách cũng nhấn mạnh, theo một cách khá mới, đến chiều kích khoa học luận và phương pháp luận của sự chuyển đổi biểu trưng của cái được gọi là “khoa học kinh tế” kể từ năm 1970.
Deirdre McCloskey (1942-)
Theo các tác giả, sự thành công của kinh tế học tự do mới gắn với điều có thể gọi là “bước ngoặt hậu hiện đại” trong quan niệm của sự phê chuẩn kinh tế học về mặt khoa học. Bước ngoặt tổng quát này, dường như đã tách kinh tế học xa khỏi các quan niệm cổ điển về mối quan hệ giữa lý thuyết và thực nghiệm, như được minh họa bởi các công trình của Deirdre McCloskey về thuật hùng biện kinh tế, ra đời sau trường phái Chicago. Góc nhìn này, khi từ bỏ quan niệm thực nghiệm và các ràng buộc của nó, đã góp phần chính đáng hóa lý thuyết các dự kiến duy lý và, rộng hơn nữa, là một quan niệm ngày càng trừu tượng và chuẩn tắc ​​hơn bao giờ hết về khoa học. Các tác giả cho thấy rằng, đối với kinh tế học như một bộ môn học thuật thì cương vị “khoa học” mà kinh tế học tự do mới này nhắm tới là một công cụ chính trị cơ bản trong cuộc đấu tranh do nó tiến hành chống lại các ý tưởng và chính sách dân chủ xã hội là quan trọng biết mấy.
Vai trò cốt yếu của ngân hàng trung ương Thụy Điển
Bằng một đường vòng qua thứ tự thời gian, chương thứ ba đưa ta đắm mình vào trong các cuộc tranh luận về tiền tệ và ngân sách của thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Chương này mô tả cuộc chiến về học thuyết của các ngân hàng trung ương, một học thuyết gắn bó với tính trung lập của tiền tệ (“sound money”) và đã phát triển mạnh mẽ tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, khi đối mặt với những thay đổi và thách thức ngày càng gay gắt hơn, xuất phát từ những chính sách can thiệp ngày càng tăng kể từ những năm 1930. Đã hình thành một liên kết chặt chẽ giữa học thuyết tiền tệ, “tài khóa thắt lưng buộc bụng”, và việc bảo vệ quyền tự chủ của các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương tập hợp thành những thành trì của học thuyết kinh tế về đồng tiền lành mạnh và những cân bằng lớn. Vì vậy, chương này giúp hiểu được bối cảnh trí tuệ và chính trị của việc hình thành giải thưởng của Ngân hàng Thuỵ Điển, cho thấy kinh tế học chịu ơn như thế nào đối với tư tưởng đã từng phát triển trong định chế này.
Per Åsbrink (1912-1994)
Ngân hàng trung ương Thụy Điển là điểm xuất phát một cuộc công kích chưa từng thấy nhằm thiết lập quyền tự chủ của nó, khi dựa vào kinh tế học, trong chừng mực bộ môn này được mạo xưng là độc lập với chính trị. Các tác giả, trước hết, làm nổi bật cách thức mà sự căng thẳng giữa chính phủ dân chủ xã hội và ngân hàng trung ương ngày càng gay gắt, đến mức kích động một số nhà lãnh đạo của Ngân hàng, trước tiên là Per Åsbrink, thành lập một quỹ khoa học được định chế tài trợ trên quy mô lớn. Theo lời khuyên của Assar Lindbeck, một nhà kinh tế trẻ xuất thân từ trào lưu dân chủ xã hội nhưng đã cải sang các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa tân tự do, Ngân hàng Thuỵ Điển đã tổ chức kỷ niệm ba trăm năm ngày thành lập ngân hàng vào năm 1968, bằng việc thành lập một giải thưởng học thuật quốc tế mang tính biểu tượng và chính trị cao.
Giải thưởng Nobel về bộ môn kinh tế
Assar Lindbeck (1930-)
Friedrich Hayek (1899-1992)
Cuốn sách nêu bật sự tương phản giữa một bên là một định chế, Ủy ban Nobel về Kinh tế, mà xu hướng ý thức hệ, từ thời Assar Lindbeck làm chủ tịch, thuộc cánh hữu, và bên kia là các thế quân bình chính trị lớn trong nội bộ bộ môn, có khuynh hướng nghiêng về phe xã hội dân chủ hơn. Từ nhiều cuộc khảo sát khác nhau, các tác giả nhận thấy những người được trao giải thưởng thường ủng hộ chủ nghĩa tân tự do nhiều hơn so với các thành viên của ngành, tất nhiên điều này không hàm ý là tất cả các thành viên đều là những nhà xã hội dân chủ.
Giải thưởng công nhận những cá nhân được trích dẫn nhiều trên các tạp chí, nhưng nghiên cứu cũng cho thấy là giải thưởng đôi khi có thể tạo ra một làn gió thứ hai cho động thái đưa một tác giả tương đối ở bên lề trở thành nổi tiếng, như trong trường hợp của Hayek[1]. Ngân hàng trung ương [Thuỵ Điển] đã không chi ra hàng triệu đô la một cách phí phạm, bởi vì giải thưởng đã giúp làm hồi sinh sự nghiệp biểu trưng của một số nhân vật biểu tượng của quá trình chuyển đổi xu hướng (trong kinh tế học – ND) sang thị trường, có lợi cho kinh tế học (và đặc biệt cho quan niệm chuẩn tắc trừu tượng của nó).
Gunnar Myrdal (1898-1987)
Do đó đã nổi lên sự đối lập cơ bản giữa một bên là khoa học kinh tế, như cách nó được những người được giải thực hành, và bên kia là nền dân chủ xã hội, như là một lý thuyết chính trị nhằm tăng cường những vấn đề về an toàn tập thể khi đối mặt với tương lai, được các tác nhân chính trị bảo vệ và được tích cực thúc đẩy bởi một thiểu số nhỏ các học giả. Các tác giả dựa vào một nghiên cứu chính xác về các quan điểm của nhiều người khác nhau được giải Nobel, về cách tiếp cận khoa học (thực nghiệm hoặc hình thức), và về chính sách kinh tế, và đặc biệt hơn về chính sách tài khóa. Từ nghiên cứu đó cho thấy có một mối quan hệ phức tạp, nhưng chặt chẽ, giữa chủ nghĩa hình thức và sự bác bỏ mang tính học thuyết các chính sách dân chủ xã hội. Một số nhà dân chủ xã hội thi thoảng có thể được giải thưởng ca tụng (tất nhiên là chúng ta nghĩ đến Gunnar Myrdal, người chia sẻ giải thưởng với Hayek vào năm 1974), nhưng việc bầu chọn cho họ rốt cuộc cũng chỉ là một cam kết về tính đa nguyên, trong một bối cảnh vẫn còn bất ổn về mặt chính trị, đối với một quá trình mà về cơ bản có tính thiên vị.
Quay trở lại với bối cảnh của Thụy Điển
Các chương cuối của cuốn sách phân tích bối cảnh của Thụy Điển một cách rất sâu sắc. Được minh họa khá rõ bởi việc Assar Lindbeck chuyển sang các quan điểm của giới chủ, bối cảnh càng được làm rõ hơn bởi nghiên cứu về nhiều thách thức chính trị kinh tế khác nhau, qua đó diễn ra sự đối lập giữa một bên là các chính sách xã hội dân chủ và một bên là kinh tế học, như là một bộ môn học thuật, mà giải thưởng Nobel là một biểu hiện. Các tác giả cũng cung cấp một phân tích kinh tế lịch sử về cái gọi là “sự xơ cứng” của Thụy Điển vào những năm 1970, phủ định những “chuyện cổ tích” được Lindbeck bịa ra để mô tả những thay đổi của Nhà nước-phúc lợi và biện minh cho những cải cách tân tự do. Có thể đọc các chương này như là một phê phán lịch sử triệt để tường thuật mà qua đó Lindbeck, linh hồn của giải Nobel kinh tế, cũng đã gây ảnh hưởng rất mạnh đến chính sách kinh tế của Thụy Điển, bằng cách mạo danh tính chính danh khoa học.
Đáp lại một cách muộn màng những lời quyến rũ tự do hóa các thị trường vốn, nền kinh tế Thụy Điển phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính vào đầu những năm 1990. Cuộc khủng hoảng này không hề liên quan đến sự cứng nhắc của thị trường lao động hay khả năng hoạt động của nhà nước-phúc lợi bị Lindbeck cáo buộc, mà đúng hơn nó là kết quả của một chính sách thắt lưng buộc bụng kết hợp với quá trình tự do hoá tài chính được tiến hành đồng thời ở các nước Bắc Âu. Lindbeck, người được chính phủ cánh hữu giao cho trọng trách soạn thảo một báo cáo vào năm 1992, đã lợi dụng cơ hội để thúc đẩy các chương trình cải cách thị trường lao động đã cũ rích của mình, và kết quả là bị thất bại một nửa sau khi phe dân chủ xã hội trở lại nắm quyền vào năm 1994. Ngoài trường hợp của Bắc Âu, những động thái kinh tế và tài chính điển hình của thời kỳ tân tự do, được phân tích theo cách cổ điển hơn, đã cho thấy các mối liên kết giữa lý thuyết kinh tế cổ điển, những cải cách về cấu trúc, sự đồng thuận Washington, và những hiệu ứng nhũng nhiễu của việc thắt chặt các mối liên kết giữa các tác nhân công và tài chính.
Kinh tế học và thế giới
Liệu “chiến lược gởi trứng tổ khác”, nhờ đó khoa học kinh tế đã đẻ trứng trong tổ Nobel, có thành công hay không? Tính chính danh của “giải thưởng Nobel về kinh tế” vẫn còn bị tranh cãi trong nội bộ cộng đồng khoa học và những điều không nhất quán về mặt học thuyết và chính trị giữa những người được giải thưởng tiếp tục làm suy yếu hình ảnh của một bộ môn còn xa mới dựa trên kinh nghiệm và có tính độc lập trước các thế lực kinh tế và chính trị, không giống như vật lý học. Trong khi đó, bước ngoặt tự do của thị trường là một quá trình chính trị và trí tuệ, là kết quả của một cuộc đảo chính mang tính chính trị-hệ tư tưởng được thực hiện bởi một số tác nhân xã hội và định chế, hơn là của một động thái khoa học. Phần kết luận của cuốn sách, do đó, quay trở lại với nhiều hạn chế nội tại của bộ môn, như được phản ánh qua việc xem xét các công trình và tác phẩm của những người được giải thưởng, và kêu gọi xây dựng một khoa học thực nghiệm thực sự về những thực tế kinh tế, dựa trên sự trao đổi duy lý các lập luận, và có chú ý đến những diễn biến lịch sử của các chính sách công.
Vì vậy, cuốn sách quan trọng này cung cấp một luận đề rất độc đáo: khoa học kinh tế không thể được hiểu một cách riêng biệt một mình, đối lập với các học thuyết và chuẩn mực cụ thể đã được ứng dụng trong các chính sách kinh tế và xã hội và, cụ thể hơn, trong các chính sách dân chủ xã hội.
Từ quan điểm này, Thụy Điển không phải là một ví dụ trong số những ví dụ khác, mà là tâm điểm của các chính sách xã hội dân chủ, và là sân khấu của những cuộc đấu tranh quan trọng mang tính biểu tượng giữa các nhà kinh tế học và các tác nhân chính trị, mà đứng đầu trong số đó là Assar Lindbeck. Cuối cùng, không phải là một điều không quan trọng khi liên minh giữa ngân hàng trung ương, giới kinh tế và nhiều tác nhân xã hội khác (giới phương tiện truyền thông, trí thức, các đảng phái) được kết tinh trong hành động đáng kinh ngạc mang tính biểu tượng xảy ra vào năm 1968 tại đất nước của Alfred Nobel.
Nhiều hình thái đa dạng của bước ngoặt tân tự do
Khi đề xuất lịch sử độc đáo này, các tác giả đã phần nào bỏ qua nghiên cứu lịch sử thông thường hơn, nhưng khó về mặt các nguồn huy động được, của quá trình lựa chọn và, chính xác hơn, cách thức tiến hành, ngay từ đầu, việc đề cử những người được giải thưởng. Quy trình này diễn ra qua nhiều giai đoạn và huy động nhiều nhà kinh tế trên toàn thế giới, góp phần tăng cường sự gắn kết nội bộ của ngành trong khi vẫn phải điều hoà các tương quan lực lượng giữa các thành phần. Cũng có thể tiếc rằng các tác giả đã không đối chiếu một cách có hệ thống các quan điểm về ý thức hệ và phương pháp luận của những người được giải thưởng và các đặc điểm tiểu sử của họ, cũng như đã không nghiên cứu diễn tiến của những người được giải thưởng từ quan điểm này.[2]
Điểm tế nhị nhất chắc chắn là tâm điểm mà các tác giả dành cho cuộc cạnh tranh lịch sử giữa khoa học kinh tế và dân chủ xã hội. Trong thực tế, nếu điều đó giúp hiểu rõ hơn nguồn gốc và các đặc điểm Thụy Điển của giải thưởng, thì chúng ta có thể tự hỏi, liệu có thể mở rộng sơ đồ diễn giải này đến mức nào, kể cả để hiểu được sức mạnh biểu tượng của “hiệu ứng Nobel”. Đặc biệt, cần dành vị trí nào cho những tiến hóa đã diễn ra đồng thời ở các nước khác và không gian xã hội khác? Trước hết, chúng ta nghĩ đến Hoa Kỳ, mà vị trí trong lĩnh vực khoa học kinh tế đang trở nên ngày càng thống trị một cách rõ nét qua thời gian. Trường phải kinh tế học vĩ mô cổ điển mới được vận dụng ở đó theo một logic nội bộ vẫn còn tương đối không rõ ràng, nhưng chắc chắn khá gần với một số khía cạnh của những gì mà các tác giả mô tả cho trường hợp của Thụy Điển. Cuối cùng, bước ngoặt tân tự do toàn cầu quy chiếu về nhiều thay đổi trên quy mô lớn qua các ngân hàng trung ương, các bộ tài chính, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước trong những năm 1970 và 1980, tương tác một cách tinh tế với những thay đổi riêng của kinh tế học.
Sự đóng góp của công trình này dù sao cũng đặc biệt quan trọng và kích thích các nghiên cứu trong tương lai về các chủ đề khác nhau trên.
Frédéric Lebaron

Frédéric Lebaron là giáo sư về xã hội học tại trường École normale supérieure Paris-Saclay, thành viên của phòng thí nghiệm Institutions et Dynamiques Historiques de l’Économie et de la Société (IDHES, Các định chế và động thái lịch sử của kinh tế và xã hội). Các nghiên cứu của ông tập trung vào các động thái và hệ quả xã hội của các chính sách kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn sau cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007-2008. Ông đã xuất bản các cuốn La crise de la croyance économique [Cuộc khủng hoảng của niềm tin kinh tế] và, đồng tác giả với Brigitte Le Roux, La méthodologie de Pierre Bourdieu en action [Phương pháp luận của Pierre Bourdieu trong hành động]. Espace culturel, espace social et analyse de données [Không gian văn hóa, không gian xã hội và phân tích dữ liệu]. Ông là chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Pháp từ năm 2015 đến năm 2017.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Le discours économique de Stockholm, La Vie Des Idées, le 20 septembre 2017.
----
Những bài có liên quan trên PTKT:




Chú thích:
[1] Chương 6, được viết cùng với Samuel Bjork, trình bày một phân tích về các quỹ đạo trích dẫn, và vì thế cũng là những quỹ đạo nổi tiếng, của những người được trao giải thưởng, dựa trên mô hình Bass thường được sử dụng trong tiếp thị.

[2] Xem Frédéric Lebaron, “‘Nobel’ Economists as Public Intellectuals: The Circulation of Symbolic Capital” [Các nhà kinh tế 'Nobel' như là nhà trí thức công: Sự luân chuyển của vốn biểu tượng], International Journal of Contemporary Sociology, 2006, 43 (1), p. 88-101.

Print Friendly and PDF