6.9.18

Bi kịch nguồn lực chung là một huyền thoại


BI KỊCH NGUỒN LỰC CHUNG LÀ MỘT HUYỀN THOẠI

Việc sở hữu chung một tài nguyên nhất thiết sẽ dẫn đến sự hủy hoại tài nguyên đó, theo kết luận của một nhà sinh vật học trong tạp chí Science [Khoa học], năm 1968. Bài viết của ông, “The tragedy of the commons [Bi kịch nguồn lực chung]”, đã định hình những lập luận kinh tế và chính trị của những thập niên gần đây. Nhà sử học Fabien Locher cho chúng ta thấy những thách thức của cuộc tranh luận này và nhấn mạnh đến những giới hạn trong khuôn khổ của một tư tưởng về môi trường.
Fabien Locher
Garrett Hardin (1915-2003)
Tháng 12 năm 1968: nhà sinh vật học người Mỹ Garrett Hardin (1915-2003) đăng một trong những bài viết có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử tư tưởng về môi trường.[1] Ông mô tả, trong tạp chí Science [Khoa học], một cơ chế có tính xã hội và sinh thái điều mà ông gọi là “bi kịch nguồn lực chung”. Khái niệm này nhanh chóng gây được sự chú ý, cả trong giới học thuật lẫn giới truyền thông, giới hoạt động môi trường, chính quyền, chính trị. Người này và người kia đều tìm thấy ở khái niệm đó một lý giải khoa học cho vấn đề quản lý nhà nước hoặc (đặc biệt) cho vấn đề tư nhân hóa các tài nguyên và hệ sinh thái. Thế nhưng, quãng lùi lịch sử và tiến bộ của tri thức ngày nay cho chúng ta thấy bản chất của lập luận đó: một quan điểm tư biện, bị tách rời khỏi những thực tế cụ thể và một cái nhìn thiên vị mang tính rất ý thức hệ về thế giới xã hội.

Kinh nghiệm từ cánh đồng

Lập luận của nhà sinh vật học dựa trên một thí nghiệm về tư tưởng. Hãy thử hình dung, Hardin viết, một cánh đồng thuộc sở hữu chung của những người chăn nuôi. Mọi người đều đưa bò của mình đến ăn cỏ ở đó. Điều gì sẽ xảy ra khi một người chăn nuôi ra chợ mua một con bò mới, và cho nó gia nhập vào cánh đồng chung? Sau khi được vỗ béo, anh ta có thể bán con bò đó và thu về một số tiền nào đó. Anh ta làm giàu được +1.
Ngay cả khi nhận thức được thảm họa sắp tới, theo giải thích của Hardin, những người chăn nuôi bị kẹt trong một logic không thể lay chuyển, dẫn đến việc hủy hoại tài nguyên đang giúp họ tồn tại.
Tuy nhiên, điều đó chưa hết: khi đưa thêm một con bò vào cánh đồng, anh ta khai thác tài nguyên cỏ nhiều hơn một chút. Như thế, mỗi con bò sẽ có ít thức ăn hơn một chút và giảm cân hơn một chút. Nhưng – và đây là điểm mấu chốt – hiệu ứng tiêu cực này được chia sẻ cho tất cả các con bò, trong khi việc bán con bò mới được đưa thêm vào chỉ làm lợi cho người chủ của con bò đó mà thôi. Người này kiếm được +1 nhưng chỉ mất một phần của – 1. Lợi nhuận của anh ta luôn lớn hơn sự thua thiệt. Vì vậy, anh ta luôn có lợi khi đưa thêm một con bò vào.
Nhưng khi càng đưa thêm bò vào, thì cánh đồng bị khai thác quá mức và cuối cùng bị hủy hoại. Ngay cả khi nhận thức được thảm họa sắp tới, theo lời giải thích của Hardin, những người chăn nuôi bị kẹt trong một logic không thể lay chuyển, dẫn đến việc hủy hoại tài nguyên đang giúp họ tồn tại. Cho đến khi đứng trước bờ vực, họ vẫn có lợi khi tận dụng việc bổ sung thêm một con bò mới. Nếu nhà sinh vật học đã chọn thuật ngữ “bi kịch”, đó là để nhấn mạnh đến ý tưởng về chuỗi liên kết không thể tránh khỏi này, như trong bi kịch Hy Lạp.
Kết luận là dứt khoát: có một sự không tương thích giữa quyền sở hữu chung một nguồn tài nguyên và tính bền vững của nó. Để tránh sự hủy diệt, theo khẳng định của Hardin, chỉ có hai giải pháp: hoặc các tác nhân cá thể phân chia cánh đồng đó thành nhiều mảnh có chủ quyền, hoặc một chính quyền cao hơn sẽ quản lý nó. Đó là tài sản tư nhân hoặc tài sản của Nhà nước.
Theo lập luận của Garrett Hardin, việc người chăn nuôi bò cá thể sở hữu chung một cánh đồng cuối cùng cũng sẽ dẫn đến việc làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Từ đó nhà sinh vật học suy ra hai lựa chọn thay thế: phân chia thành từng lô tư nhân hoặc Nhà nước chiếm lĩnh toàn bộ.
John Gundlach / HH-REA

Nhà nước chống lại sở hữu tư nhân

Tác động của lập luận này là rất lớn. Tư tưởng kinh tế đã củng cố ảnh hưởng này bằng cách kết hợp thuật ngữ “bi kịch nguồn lực chung” với hình ảnh cánh đồng với những lập luận tương tự, nhưng phức tạp hơn, liên quan đến kinh tế học vi mô hoặc kinh tế học về những “ngoại ứng”.
Với sự phát triển của chủ nghĩa tân tự do, “bi kịch nguồn lực chung” sẽ nhanh chóng được đơn giản hóa dưới hình thức một lời biện hộ cho quyền sở hữu tư nhân.
Một trong những lý do cho sự thành công này, ít nhất ở giai đoạn khởi đầu, là kết luận nhị phân của Hardin. Trong thực tế, kết luận này có thể được cả những người ủng hộ sự can thiệp của nhà nước lẫn những người chủ trương ưu tiên sử dụng một thị trường viện dẫn. Tuy nhiên, với sự phát triển của chủ nghĩa tân tự do như là một trường phái tư tưởng và lực lượng chính trị xã hội, “bi kịch nguồn lực chung” sẽ được đơn giản hóa dưới hình thức một lời biện hộ cho quyền sở hữu tư nhân.
Trong những năm 1980 và 1990, câu chuyện cánh đồng theo kiểu Hardin có tính phổ biến ở các cơ quan hành chính của Mỹ, các định chế quốc tế và các doanh nghiệp quảng bá cho sự tư nhân hóa và “chủ nghĩa môi trường của kinh doanh tự do”. Lập luận không những đã được áp dụng đối với các tài nguyên rừng, các lưu vực sông ngòi, các đất nông nghiệp, mà còn cả đối với khí quyển hoặc tài nguyên biển, để mở rộng logic chiếm đoạt thông qua việc tư nhân hoá hoặc tạo ra các thị trường về quyền sử dụng.

Một sai lầm có tính lịch sử và khái niệm

Tuy nhiên, những thập kỷ này cũng là những thập kỷ của việc đặt lại câu hỏi sâu sắc về lập luận – đã từng bị chỉ trích ngay từ đầu. Thứ nhất, bởi vì lập luận này dựa trên một sự mô hình hóa không đáng tin của các tác nhân. Thực vậy, lập luận chỉ đứng vững nếu giả định rằng ta đứng trước những người chăn nuôi hành động chỉ vì lợi ích cá nhân hẹp hòi, chỉ quy về lợi ích tài chính. Cũng những người chăn nuôi đó, cũng có thể được cho là á khẩu, bởi vì họ không có khả năng trao đổi với nhau để tạo ra các hình thức tổ chức điều tiết cánh đồng. Điều này quy lại một sai lầm to lớn có tính lịch sử và khái niệm của Hardin. Quả thực, ông nhầm lẫn điều mà ông gọi là “nguồn lực chung” (commons) với những tình huống tiếp cận tự do, nơi mà mọi người có thể sử dụng tùy ý. Thế nhưng, thuật ngữ “nguồn lực chung” lại bao gồm mọi thứ khác: nó đề cập đến các định chế mà qua đó các cộng đồng đã quản lý và vẫn quản lý cho đến ngày nay, các nguồn lực chung trên khắp thế giới, và thường theo cách rất lâu bền. Nguồn lực chung đó có thể là các cánh đồng nhưng cũng có thể là các cánh rừng, ruộng đồng, đầm than bùn, đầm lầy... thường là những thứ rất cần thiết cho sự sống còn của các cộng đồng trên.
“Bi kịch nguồn lực chung” phủ nhận trước tính hiệu quả của các tổ chức đó, bằng cách đồng hóa việc quản lý hiệu quả với Nhà nước hoặc với sự tư nhân hóa. Thế nhưng, kể từ những năm 1970, các ngành khoa học xã hội đã ghi nhận, trên thực nghiệm, hàng trăm cộng đồng hiện hữu hoặc tồn tại trong quá khứ đang/đã quản lý một cách lâu bền các nguồn lực của họ dưới hình thức sở hữu chung. Nhà khoa học chính trị nữ Elinor Ostrom (1933-2012) nhận giải thưởng Nobel về kinh tế, năm 2009, vì nghiên cứu của bà về hệ thống các quy định để tổ chức các nguồn lực chung. Lập luận của Hardin ngày nay thuộc về quá khứ. Nhưng điều này không loại trừ sự duy trì dai dẳng của nó trong một số diễn ngôn của giới truyền thông, chính trị hoặc hoạt động xã hội.
Nhà khoa học chính trị nữ người Mỹ Elinor Ostrom nhận giải thưởng Nobel về kinh tế học vào ngày 10 tháng 12 năm 2009, “vì đã chứng minh cách thức các hiệp hội những người sử dụng có thể quản lý các nguồn lực chung một cách hiệu quả”.
PONTUS LUNDAHL / SCANPIX SWEDEN / AFP

Một tư tưởng theo kiểu Malthus

Điều cũng biến mất trong tiến trình, đó là mục tiêu mà Hardin nhắm đến trong bài viết của mình vào năm 1968. Ông là một nhà sinh vật học, nhưng trên hết là một người ủng hộ nhiệt thành lý tưởng tân Malthusian. Bài viết của ông đặc biệt nhắm đến việc cáo buộc cơ chế không thể kìm nén có thể thúc đẩy con người tái sản xuất không hạn chế đến mức tiêu diệt các tài nguyên thiên nhiên. Trong phép ẩn dụ của ông, gia súc mà người chăn nuôi liên tục đưa thêm vào cánh đồng, đó cũng là... con cái của chính những người chăn nuôi đó, những người luôn bòn rút nguồn lực chung ngày càng nhiều hơn. Và đó là lý do tại sao, ở đây, ông cũng đề xuất hai giải pháp: hoặc Nhà nước kiểm soát vấn đề sinh sản của con người, hoặc tạo lập các “quyền sinh sản” có thể được chuyển thành tiền và có khả năng trao đổi. Một hỗn hợp giữa một Nhà nước cưỡng chế và một hệ tư tưởng mang tính thị trường đặc trưng của tư tưởng thời chiến tranh lạnh mà (cái được gọi là) “bi kịch nguồn lực chung” này là một minh hoạ.
Các quan điểm, ý kiến ​​và phân tích được công bố trong mục này thuộc trách nhiệm của tác giả. Chúng không thể hiện bất kỳ quan điểm nào của CNRS.

Tài liệu tham khảo:

Les pâturages de la guerre froide. Garrett Hardin et la Tragédie des communs [Những cánh đồng của cuộc chiến tranh lạnh. Garrett Hardin và Bi kịch nguồn lực chung]”, F. Locher, Revue d’histoire moderne et contemporaine [Tạp chí Lịch sử hiện đại và đương đại], vol. 60 (1), 2013: 7-36.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La tragédie des communs était un mythe, Le Journal CNRS, 04.01.2018.




Chú thích:
[1] The tragedy of the commons [Bi kịch nguồn lực chung]”, G. Hardin, tạp chí Science [Khoa học], ngày 13/12/1968, vol. 162: 1243-1248.

Print Friendly and PDF