10.1.19

Khủng hoảng toàn cầu hóa: Cuộc chiến không thể tránh khỏi?

James Galbraith (1952-)

KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU HÓA: CUỘC CHIẾN KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI?

Trong cuốn sách gần đây nhất của bà, Kari Polanyi Levitt nhận xét rằng không thể tìm thấy thuật ngữ “toàn cầu hóa” trong các từ điển Oxford Shorter English trước năm 1994, cũng như trong các chương trình kiểm tra chính tả. Thuật ngữ này nổi lên từ hư không vào thời đó và vì một lý do: soi sáng một tin tốt lành không tránh khỏi vào dự án bá quyền mà phương Tây dâng hiến như là một tương lai tiếp theo sau sụp đổ của Liên Xô.
Hôm nay, khi tôi viết bài nhân sinh nhật lần thứ 200 của Karl Marx, thì dự án này đã không đạt được mục tiêu và tự thân nó có thể đang lảo đảo trên bờ vực sụp đổ. Vì ba lý do chính. Lý do thứ nhất là Trung Quốc. Lý do thứ hai là Nga. Và lý do thứ ba và quan trọng nhất là sự quản lý tồi về mặt tài chính của các chính phủ ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Ý tưởng lớn của những năm 1990 là một trật tự thế giới tự do mở cửa và thống nhất bị thống trị bởi các ngân hàng có thể mang lại nền dân chủ và thịnh vượng cho phương Đông. Đúng vậy, ý tưởng này đã được thử nghiệm kể từ đầu những năm 1980 ở phương Nam [một thuật ngữ được sử dụng để đề cập đến những nước kém phát triển, từng được gọi là “thế giới thứ ba” – ND], và tên gọi cho trải nghiệm đó là “Thập niên mất mát”. Nhưng ở phương Đông, ý tưởng này rất mới mẻ – đồng thời, ở một mức độ nào đó, được tin một cách đích thực, ở những thời khắc phấn khởi, của sự biến mất của chủ nghĩa xã hội hạng hai ở châu Âu.
Boris Yeltsin (1931-2007)
Những ảo tưởng đó không kéo dài lâu. Ở Nga, ảo tưởng đó đã bị đè bẹp khi Boris Yeltsin lệnh cho xe tăng bắn vào toà nhà quốc hội vào năm 1993 và sau đó là việc phanh phui các vụ tham nhũng khi ông được bầu lại vào năm 1996. Trong khi đó, lời hứa về sự thịnh vượng đã phai nhạt trong cơn thác loạn về chính sách tư nhân hóa, chiếm đoạt [mua rẻ – ND] tài sản [công], ăn cắp tiền lương và tiền hưu trí, và thảm họa nhân khẩu học. Vào cuối những năm 1990, trò lừa bịp đã được phơi bày công khai, nước Nga bắt đầu các biện pháp khắc phục, và thời kỳ nước Nga ve vãn nền dân chủ “phương Tây” kết thúc.
Trong khi đó, Trung Quốc đã chọn một con đường khác – chủ nghĩa Kadar [Kadarism, ý nói đến một đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội dễ chịu và thoải mái hơn – ND] ở quy mô mang tính sử thi. Nên nhớ rằng thủ tướng Hungary được Liên Xô dựng lên sau thất bại của cuộc cách mạng năm 1956, người lúc đó tuyên bố rằng: “Nếu không chống lại chúng tôi, thì bạn ở cùng phía với chúng tôi” và tìm ra con đường tự do hóa xã hội và văn hóa và kinh tế học dựa trên người tiêu dùng, mà không cần cải cách chính trị. Khuyếch đại điều đó lên, và bạn có Trung Quốc. Một sự thận trọng cực kỳ quan trọng vào giữa những năm 1990 đã ngăn sự tự do hoá các biện pháp kiểm soát vốn, khiến năm 1997 Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Rồi sự tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm 2000 đã tạo ra một sự bùng nổ hàng hóa trên toàn thế giới, làm cho mùa hè ở Nam Mỹ trở nên khả thi, mang lại một thước đo dân chủ xã hội bền vững cho lục địa này lần đầu tiên.
Nền tảng rỗng tuếch
George W. Bush (1946-)
Dick Cheney (1941-)
Ở phương Tây, George W. Bush và Dick Cheney đã chứng minh, ở Afghanistan và Iraq, sự lỗi thời và không hiệu quả của sức mạnh quân sự hiện đại. Cùng lúc đó, họ đã vắt kiệt sự tôn trọng chút ít còn lại, sau sự bành trướng của NATO và vấn đề Kosovo, ở phương Đông – và trong một phần quan trọng của dư luận Châu Âu – về ý tưởng cho rằng các giá trị của phương Tây là một nguyên tắc dẫn đường chứ không phải là một khẩu hiệu sáo rỗng. Toàn cầu hóa đã trở thành đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng một quốc gia, khi theo đuổi lợi ích riêng của mình và không chú ý đến nước nào khác, sẽ đặt ra những điều kiện bị chi phối bởi thế giới, bằng cách đưa sức mạnh quân sự của mình vào cán cân lực lượng, ngay cả khi điều đó trở nên rõ ràng đối với các nhà quan sát khách quan về việc có bao nhiêu lợi ích bị thiếu hụt chi phí.
Rồi, vào cuối thời kỳ của [tổng thống] Bush, cuộc khủng hoảng to lớn đã phơi bày cho toàn thế giới thấy những nền tảng rỗng tuếch của nền tài chính phương Tây. Kể từ thập kỷ đó, hậu quả của các học thuyết kinh tế phản động và các nhà hoạch định chính sách bất tài và ngoan cố, đã phá bỏ một dự án lớn mang tính xây dựng của thời kỳ tân tự do, cụ thể là Liên minh châu Âu. Vì thế, một thập kỷ sau, Phố Wall đã đi theo con đường của Liên Xô – nhưng đã được giải cứu và hỗ trợ, không giống như Liên Xô, được duy trì dưới hình thức một thây ma dưới thời của [tổng thống] Obama – chúng ta đã tạo dựng một thế giới già nua, một bá quyền mệt mỏi và một liên minh căng thẳng, khiêu khích gây chiến rồi đột nhiên nhận ra rằng mình thực sự không thể thắng trừ phi là một cuộc chiến hạt nhân.
Ở Syria, Nga đã đặt dấu chấm hết đối với dự án làm thay đổi chế độ, với những hiệu ứng sẽ mở rộng sang Ukraine, vùng Caucasus và cuối cùng là trái tim của châu Âu. Ở châu Phi và Tây Á, Trung Quốc đang kiểm soát việc thiết kế sự phát triển. Các hiện tượng này thiếu một nội dung mang tính ý thức hệ; không liên quan gì đến Marx, Lenin, hay thậm chí chủ nghĩa xã hội – đơn thuần chỉ liên quan đến việc củng cố một chính sách vì lợi ích quốc gia không bị chi phối bởi Hoa Kỳ. Ở Nam Mỹ, vào lúc này, các chế độ tân phát xít theo định hướng của Hoa Kỳ đang lên, nhưng không thể kéo dài lâu. Và khi “con giun xéo lắm cũng quằn”, thì các nhà lãnh đạo của những nước đó sẽ phải tự hỏi, ai can thiệp vào các vấn đề chính trị của mình, và ai không can thiệp?
Chiến tranh hay Suy thoái
Vì thế, vâng, đó là một cuộc khủng hoảng về toàn cầu hóa. Đó là cuộc khủng hoảng về một viễn cảnh công bằng đang trở nên tồi tệ, hoặc là một cuộc chiến thảm khốc cuối cùng, hoặc là – có nhiều khả năng hơn – một cuộc Suy thoái ở phương Tây, cùng với việc củng cố các chiến lược phát triển quốc gia trên lục địa Á-Âu. Cuối cùng, Trung Quốc không thực sự cần đến Hoa Kỳ. Và, cuối cùng, Nga có thể tạo ra các mối quan hệ đối tác mà họ cần với những nước láng giềng về mặt địa lý và những nước láng giềng gần, trong đó có những nước đã từng được coi là châu Âu của “phương Tây”. Những quá trình này, trừ khi bị chiến tranh hoặc biến động nội bộ làm đảo lộn, có nhiều khả năng chống lại sự gián đoạn đến từ bên ngoài.
Đối với phương Tây, tất cả những điều trên đặt ra một câu hỏi sâu sắc và khó khăn. Do đã phí phạm danh tiếng của mình về những giá trị cao cả, do đã hy sinh nền dân chủ cho nền tài chính, do đã không quan tâm đến những cấu trúc của luật pháp quốc tế thời hậu chiến, và cùng lúc đó, do đã chứng minh rằng Mao đã gần như chính xác khi ông đặt ra cái tên “con hổ giấy” –, khi đã làm tất cả những điều này, thì [phương Tây] làm thế nào để khôi phục danh tiếng và vị thế của mình trên thế giới?

Phải thừa nhận, với một chút khiêm tốn, rằng ảo tưởng về “toàn cầu hóa”, như được thai nghén trong đầu cách đây hai mươi năm bởi những người rất ngu ngốc, không thể duy trì được, và một chương trình tái thiết quốc gia và khu vực, tập trung vào những thách thức khẩn cấp nhất về mặt xã hội, tài nguyên và khí hậu – có thể là cách đúng đắn để khởi động.
Đây là bài thứ hai trong loạt bài mới của SE, The Crisis of Globalisation [Cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa], được đồng tài trợ bởi Hans Böckler và Quỹ Friedrich Ebert
Giới thiệu tác giả
James K. Galbraith là trưởng khoa [Lloyd M. Bentsen Jr.] Quan hệ Chính phủ/Kinh doanh và giáo sư về Quản lý Nhà nước tại trường Lyndon B. Johnson School of Public Affairs, thuộc Đại Học Texas tại Austin. Ông là tác giả tác phẩm, được xuất bản gần đây nhất, The End of Normal [Hồi kết của Quá trình Bình thường].
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: The Crisis Of Globalisation: Inevitable War?, Social Europe, 14 May 2018.
Print Friendly and PDF