12.1.19

"Tăng trưởng không phải là một chỉ báo thích hợp để đáp ứng những thách thức của thế kỷ XXI"

Florence Jany-Catrice: “TĂNG TRƯỞNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CHỈ BÁO THÍCH HỢP ĐỂ ĐÁP ỨNG NHỮNG THÁCH THỨC CỦA THẾ KỶ XXI”
Adrien Franque phỏng vấn Florence Jany-Catrice
Nhà kinh tế học điểm lại thực trạng về sự giáo điều của sự tăng trưởng và về những chỉ báo thay thế về sự giàu có, đặc biệt đứng trước tính khẩn cấp của sự biến đổi khí hậu.
“Nếu chúng ta vẫn bị kìm hãm trong những chỉ báo của thế giới cũ, như tỷ lệ tăng trưởng, tất nhiên chúng ta sẽ có cảm tưởng là chúng ta đang thụt lùi”: tháng vừa rồi trên tờ Libération, nhà nghiên cứu về vật lý thiên văn Aurélien Barrau đã chỉ những chỉ báo hiện nay về sự giàu có như là một trong những nguyên nhân của một mô hình kinh tế và xã hội đã dẫn đến sự nóng lên của khí hậu và những hậu quả tai hại của nó. Mười lăm ngày trước đó, diễn đàn của một nhóm giáo sư đại học của toàn bộ Âu Châu đã có lời kêu gọi để thoát khỏi cái giáo điều về sự tăng trưởng, khi cho rằng nó không tương hợp với sự ràng buộc về mặt sinh thái và hạnh phúc của các dân tộc.
Sự phê phán việc sử dụng tỷ lệ tăng trưởng của Tổng Sản Lượng Quốc Gia GDP như là kim chỉ nam chính trị không phải là mới. Từ hai mươi năm nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu đặt lại vấn đề cái giáo điều này về sự tăng trưởng, trước hết ở Pháp là nhà triết học và xã hội học Dominique Méda. Năm 2008, Ủy ban Stiglitz, được thành lập dựa trên một đề xuất của [tổng thống Pháp - ND] Nicholas Sarkozy, đã chính đáng hóa những công trình của những nhà nghiên cứu này khi khởi xướng một sự suy nghĩ về việc sử dụng những chỉ báo này và đặt câu hỏi về những công cụ khác có thể được sử dụng. Xuất phát từ Ủy Ban trên, Diễn Đàn cho những chỉ báo khác về sự giàu có (FAIR) đã tiếp nối sự phê phán này. Tháng tư năm 2015, luật SAS đã được thông qua và đã quyết định về một bản báo cáo sẽ được xuất bản hàng năm vào tháng 10 khi quốc hội bắt đầu cuộc thảo luận về những định hướng của ngân sách, nhằm định hướng cho các chính sách công. Trong bản báo cáo này mười chỉ báo được nêu bật (như dấu ấn carbone, hay kỳ vọng trung bình về một cuộc sống có sức khỏe). Năm ngoái, bản báo cáo này đã được nộp trễ bốn tháng, vào tháng hai năm 2018. Một lần nữa, năm nay chính phủ cũng đã trễ hẹn, một bằng chứng của sự thờ ơ đối với những chỉ báo thay thế về sự giàu có (NIR).
Florence Jany-Catrice (1964-)

Là chuyên gia về những NIR, nhà kinh tế học Florence Jany-Catrice, giáo sư trường đại học Lille, thành viên của Diễn đàn FAIR và là đồng tác giả với Jean Gadrey của cuốn Những chỉ báo mới về sự giàu có (NXB La Découverte, 2007), điểm lại tình hình về viêc sử dụng những công cụ này để đo lường tính hiệu năng tập thể để đối phó, đặc biệt với tính khẩn cấp của sự biến đổi khí hậu.
Tại sao tỷ lệ tăng trưởng của GDP vẫn tiếp tục là chỉ báo được theo dõi nhiều nhất hiện nay trong khi nó đã bị đặt thành vấn đề từ nhiều năm nay?
Cần phải trở lại lịch sử của khái niệm GDP và của hệ thống tài khoản quốc gia, tức là môi trường trong đó khái niệm này được sản sinh. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, những mệnh lệnh của sự kế hoạch hóa đã hướng những nỗ lực kinh tế, đặc biệt là các khoản đầu tư công, đến những hoạt động kinh tế để tái thiết, trên một cơ sở công nghiệp và một cơ sở thương mại. Đối với chính sách kinh tế rất đặc biệt này, GDP và sự tiến hóa của nó về mặt khối lượng (sự tăng trưởng) được xem như là những chỉ báo phù hợp. Trong những năm 1980, một số sự kiện (mà nguồn gốc đã xuất hiện trước đó) có thể giải thích sự căng thẳng xung quanh sự tăng trưởng kinh tế: trước hết là các nền kinh tế phương tây đã rơi vào một cơn khủng hoảng, và càng ngày cơn khủng hoảng này càng xuất hiện như là một cơn khủng hoảng mang tính cấu trúc. Chúng ta đã ra khỏi thời đại của chế độ Ford, khi mà sự tăng trưởng có vẻ đã đóng một vai trò quyết định trong cái thời kỳ vàng son này, với những cơ chế đi kèm theo về sự tái phân phối (cái mà Boyer gọi là “sự thoả hiệp fordist”). Ở thời điểm đó, đa số những nhà kinh tế học nghĩ rằng việc tái lập sự tăng trưởng sẽ giúp giải quyết một số vấn đề. Điều này không hoàn toàn sai khi ta phân tích sự chuyển dịch dần trong những năm 1980 hướng tới những xã hội hoàn toàn bị tài chánh hóa, thay vì dựa trên những hoạt động thực tế.
Paul Romer (1955-)
Nhưng ta không thể hiểu được sự căng thẳng tập trung vào sự tăng trưởng nếu ta không cộng thêm vào đó những sự biến đổi về bối cảnh. Trước hết là một hội chứng lượng hóa phát triển một cách nhanh chóng (tức là một sự ám ảnh càng ngày càng mạnh lên đối với những dữ liệu được số hóa), đặc biệt hội chứng lượng hóa so sánh (đó là giai đoạn mà sức mạnh của các nước chỉ được đo lường qua quy mô của GDP). Khoa học kinh tế thống trị cũng đã đóng một vai trò quyết định, đặc biệt với sự khuyến khích một sự sáng tạo mang tính khái niệm với khái niệm sự “tăng trưởng nội sinh”, trực tiếp xuất xứ từ Mỹ (đặc biệt từ Romer), dẫn đến một ý thức hệ về một khả năng tăng trưởng vô hạn. Cuối cùng là sự phổ biến những ý tưởng về tác dụng của một “dòng chảy từ trên xuống” (trickle-down – ND). Để tóm tắt, những nhà kinh tế chính thống đã thấy nơi sự tăng trưởng nội sinh (và niềm tin kèm theo về những ưu điểm nội tại của sự sáng tạo) một khả năng kỳ diệu để giải quyết tất cả các vấn đề, đặc biệt là vấn đề của sự tái phân phối, và họ đã biến sự tăng trưởng thành một mục tiêu tối hậu, bắt đầu từ thời điểm đó. Còn những nhà kinh tế học vĩ mô không chính thống thì đã nhận diện một cách đúng đắn trong sự ngạo mạn của nền tài chánh những cơ sở chính của những sự mất thăng bằng, và có lẽ một phần nào cũng đã đánh giá quá thấp đối với một số người, tầm ảnh hưởng của những ngoại ứng tiêu cực của sự tăng trưởng.
Tại sao tỷ suất tăng trưởng lại là một chỉ báo xấu?
Tự nó, không chỉ báo nào là “tốt” hay “xấu” cả, đặc biệt khi mà nó -và đây là trường hợp của GDP- lại được các định chế vững chắc chính đáng hóa một cách rộng rãi (từ INSEE/Viện Nghiên cứu Thống kê và Kinh tế Quốc gia ở Pháp cho đến EUROSTAT/Cơ quan Thống Kê Châu Âu và các tổ chức quốc tế). Tuy vậy, sự tăng trưởng, như nó được sử dụng, tức là như một chỉ báo đã trở thành một mục tiêu, là không phù hợp để đáp ứng những thách thức lớn của thế kỷ XXI là sự suy thoái khủng khiếp của những di sản sinh thái (mà đứng đầu là sự biến đổi khí hậu), sự gia tăng trầm trọng của những bất bình đẳng kinh tế, sự đánh mất tính cố kết xã hội và tất nhiên là những sự đe dọa mà những cơn khủng hoảng khổng lồ này đang áp đặt trên nền dân chủ. Có vài chuyên gia còn đảo ngược lập luận này khi cho rằng sự tăng trưởng chính là nguyên nhân chính của sự suy thoái của những di sản xã hội và sinh thái.
Vậy thì hiện nay có những chỉ báo thay thế nào về sự giàu có? Và chúng đã được thiết lập với mục đích gì?
William Nordhaus (1941-)
James Tobin (1918-2002)
Từ khi có khái niệm GDP, đã có nhiều sáng kiến tìm cách cải tiến nó để tính đến những ngoại ứng, thí dụ khi tạo ra những GDP “xanh” hay sự tăng trưởng “xanh”. Những hướng đi này được mở ra từ những công trình của NordhausTobin vào những năm 1970, vẫn gây ra nhiều sự tranh luận. Hoặc là về mặt  lý thuyết: phải chăng ta phải trừ đi hay cộng thêm vào GDP những ngoại ứng vốn không được các nhà kinh tế học xem như là những sự “sản xuất kinh tế”? Hoặc là vì những lý do về mặt phương pháp: việc xây dựng những giá cả ảo - điều không thể tránh được khi ta muốn biến những “tài sản phi thị trường” thành tiền – vẫn bị xem như là không ổn và có cơ sở yếu ớt. Có những công trình khác thì nhắm vào việc xác định những chỉ báo có khả năng bao gồm nhiều chiều kích: đó là chỉ báo về sự phát triển con người mà phiên bản đầu tiên được thiết lập năm 1990. Còn có những công trình khác thì nhấn mạnh đến những vấn đề nan giải của các xã hội đang tăng trưởng và tìm cách phát ra những tín hiệu báo động, không mang tính tiền tệ, về tính không thể chịu đựng được của những mô hình hiện có. Đó là trường hợp của dấu ấn sinh thái hay những công trình của Rockstrom và đồng nghiệp về những ngưỡng không cho phép quay ngược trở lại được một khi đã bị vượt qua.
Một chỉ báo thay thế có thể thực sự có một vai trò trong sự biến đổi mô hình chính trị và kinh tế không?
Đây cũng là một câu hỏi làm cho các cuộc tranh cãi trong khoa học xã hội sôi động. Chúng tôi đã luôn luôn nhấn mạnh đến ý tưởng rằng các chỉ báo cũng chỉ là một điều kiện đủ cho sự thay đổi của hệ chuẩn. Nhưng nó đã trở thành một điều kiện cần thiết trong những xã hội chạy theo xu hướng lượng hóa. Có một điều chắc chắn: khi nào mà các chính sách đều hướng đến việc làm cho các thị trường hoạt động trơn tru, thông qua những phần mềm đã lỗi thời, nhằm tìm lại những mức tăng trưởng đã có, thì không thể đạt được bất cứ mục tiêu đương đại lớn nào. Mà ta còn có thể chờ đón một tình thế về khí hậu ngày càng trầm trọng, với tất cả những sự không chắc chắn triệt để mà tình thế này có thể dẫn đến.
Vậy hiện nay chỉ báo nào về sự giàu có có thể giúp cho ta có nhiều hiểu biết hơn?
Eloi Laurent (1974-)
Dominique Méda (1962-)
Không một chỉ báo nào là hoàn hảo và đầy đủ cả vì những thách thức mà chúng ta phải đối phó, mà cơn khủng hoảng về sự biến đổi khí hậu là hiện thân, rất đa dạng và đôi khi còn không thể dung hòa được. Nhưng ta cũng không nên gán cho những con số một tầm quan trọng quá lớn. Cùng với Dominique Méda, tôi đã thường kêu gọi thiết lập vài chỉ báo có thể giúp chúng ta xác định trong mức độ nào các nước đang trên con đường hướng tới sự bền vững sinh thái (chẳng hạn như thông qua dấu ấn sinh thái) và cùng lúc đến sự bền vững xã hội. Chỉ số về sức khỏe xã hội là một ứng cử viên cho sự đo lường này, nhưng cũng còn có những chỉ số khác. Với ý tưởng, được Eloi Laurent chẳng hạn kiên quyết bảo vệ, rằng sinh thái học sẽ phải trở thành sinh thái học xã hội.
Chúng ta hãy nhìn lại vấn đề một cách đơn giản hơn: nếu thật sự đã đến lúc phải thực hiện thoả thuận Paris, và vì việc này là một sự khẩn cấp sống còn, những chỉ báo cốt yếu, thay thế cho sự tăng trưởng, phải là việc giảm một nửa sự phát tán những khí gây ra hiệu ứng nhà kính từ đây cho đến năm 2050, và ba phần tư đối với một nước như Pháp, trong khi vẫn thực hiện những chính sách để giảm bớt những bất bình đẳng kinh tế. Cũng giống như trong thời chiến, khi mà tất cả những sinh lực đu hướng tới mục tiêu sản xuất phục vụ cho chiến tranh, ở đây, thì cần phải huy động nguồn lực của cá nhân, của công dân cũng như của nền công nghiệp hay nền hành chánh, để tập hợp những tài nguyên và những phương tiện cần thiết nhm thực hiện hai mục tiêu này mà vừa bảo vệ được những thành quả của nền dân chủ.
Như vậy thì đây không phải là sự thiếu sót các chỉ báo mà là sự thiếu sót của một lòng can đảm chính trị, của một tầm nhìn thoát khỏi những logic thuần kế toán vốn đã kìm hãm nó trong một viễn tưởng dẫn đến sự chết chóc, và của sự xây dựng những định chế lánh xa các cách cư xử mang tính cá nhân chủ nghĩa, của các người tiêu thụ cũng như của các xí nghiệp đã làm chậm đi hay cản trở tiến trình cốt tử này.
Sau cùng, những chỉ báo mới về sự giàu có hiện được ghi nhận trong một báo cáo thường niên ở Pháp. Vậy thì điều này có đủ không?
Ý tưởng về bản báo cáo thường niên này, xuất phát từ một dự án luật do dân biểu Eva Sas đề xuất, rất tốt, cũng như ý tưởng về tiến trình để xây dựng những chỉ báo chính (đặc biệt sáng kiến phải dựa trên sự giám định công dân trên những vấn đề liên quan đến lợi ích chung). Nhưng chính quyền đã bóp méo một cách sâu sắc những mục tiêu của sáng kiến này: tổ chức France Stratégie/Chiến lược Pháp đã nắm gần như toàn bộ quyền hạn để xây dựng các chỉ tiêu. Để có thể nằm trong khuôn khổ của luật pháp, chính phủ đã sản xuất ra một bản báo cáo thường niên, một cách miễn cưỡng, và không nắm lấy cơ hội của bản báo cáo này để tổ chức một cuộc tranh luận ở quốc hội về tính bền vững của lộ trình của quốc gia. Nói tóm lại, báo cáo thường niên này, dưới góc độ tích cực nhất chỉ là một sự lãng phí, và dưới góc độ xấu nhất là một hành động vô liêm sỉ. Nói cho cùng thì điều đó không xứng tầm với những thách thức, thậm chí còn làm cho sự quan tâm đối với những điều quan trọng bị đánh lạc hướng: chăm sóc đến hành tinh của chúng ta, chớ không phải chăm sóc đến những người dẫn đầu trong các lãnh vực.[1]
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[1] Câu này là một sự phê phán nhắm trực tiếp đến chính sách của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã từng tuyên bố là phải dành sự quan tâm ưu tiên đến những người dẫn đầu trong các lãnh vưc/premier de cordée (ND).

Print Friendly and PDF