22.1.19

Nhà kinh tế và nhà văn, anh em cùng chung chiến tuyến nhưng không nhìn cùng một hướng


NHÀ KINH TẾ VÀ NHÀ VĂN, ANH EM CÙNG CHUNG CHIẾN TUYẾN NHƯNG KHÔNG NHÌN CÙNG MỘT HƯỚNG?

Nhà kinh tế và nhà văn, người nào mới là người phản ánh tốt nhất thực trạng kinh tế? Nếu dựa vào số chuyên gia được chọn phát biểu trên báo chí hay truyền hình để đưa ra đánh giá, thì có vẻ như diễn ngôn kinh tế về những cách biểu trưng thế giới tỏ ra áp đảo hơn. Song, cần phải nhớ rằng, trước khi khoa học kinh tế ra đời, thì từ rất xa xưa, văn học đã chứa đựng những tham chiếu liên quan tới đồng tiền, lao động, thương mại và sản xuất. Trong kinh thánh, sách vở của nhiều tác giả cổ đại, ngụ ngôn thời Trung Cổ và trước tác của Montaigne, của các nhà luân lí học thời cổ điển … không hề thiếu suy ngẫm về kinh tế và của cải. Tiền chính là động lực trong tác phẩm L’avare [Lão hà tiện] và nhiều cảnh kinh điển nhất của vở kịch Fourberies de Scapin [Những thói xảo quyệt của Scapin]. Trong sáng tác của La Fontaine, người nông dân truyền lại cho con cái một sự thật rằng: “lao động là vinh quang” và con ve sầu hoang phí trái ngược hẳn với chú kiến chăm chỉ và tằn tiện. Ta có thể dẫn ra vô vàn ví dụ, nhưng nền văn học Pháp cho tới thế kỉ XVII, dù đã phản ánh thực trạng kinh tế một cách dày đặc lại thường không hề thật sự tìm hiểu sự hình thành và lô-gích của những dữ liệu kinh tế đó.

Michel de Montaigne (1533-1592)
Sang thế kỉ XVIII, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Vở kịch Turcaret [Tục ca lệ] của Lesage năm 1709 đã khắc họa hình ảnh một vị quan thầu thuế hào phóng với một nữ nam tước trẻ và những mánh lới làm ăn của hắn đã đẩy hắn tới sự khánh kiệt: một sự phê phán mãnh liệt tầng lớp mới nổi những nhà tài chính khiến họ âm mưu vận động cấm vở hài kịch này. Nhưng trên hết, ở những bước khởi đầu của chủ nghĩa tư bản đã thấy manh nha kinh tế học như một bộ môn và cùng lúc, hình thành nên tiểu thuyết hiện đại.

Trên thực tế, hai diễn ngôn này có rất nhiều điểm chung. “Giả thuyết mà cả tiểu thuyết lẫn kinh tế chính trị đều đặt ra là đời sống xã hội phải được diễn giải, hay được thuật lại từ những cá nhân riêng rẽ hợp thành xã hội đó[1]. Cũng như kinh tế học, tiểu thuyết trình diễn các cá nhân bình thường, những nhà tư sản đơn thuần, thậm chí cả những người vô sản đang cố cải thiện đời sống. Sự ràng buộc kinh tế mà cho đến lúc bấy giờ phần lớn các nhân vật anh hùng không bị vướng bận, bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, Tiểu thuyết Robinson Crusoé của Daniel Defoe xuất bản năm 1719 biểu trưng cho hệ ý (paradigme) mới này. Các nhà kinh tế đã không lầm khi rút ra từ nhân vật Robinson một hình mẫu cho bộ môn của họ, như Claire Pignol nhắc tới trong số báo này.
Honoré de Balzac (1799-1850)

Đối với các nhà văn của thế kỉ XIX, những người băn khoăn đi tìm một hình ảnh chân xác của xã hội đương thời, thì sự nhận thức về thực trạng kinh tế và các cơ chế hậu thuẫn cho nó trở thành điều thiết yếu hiển nhiên. Các tác phẩm của Balzac có đầy rẫy chi tiết liên quan tới kinh tế và tài chính. Trong cuốn Césair Birotteau [Những Vinh Nhục Của César Birotteau] chẳng hạn, tác giả mô tả kĩ lưỡng quá trình làm giàu của kẻ buôn nước hoa, và cảnh phá sản do đầu cơ sai lầm. Zola tự nhận mình là người kế thừa Balzac, đúng như Julia Defendini nhấn mạnh và đối chiếu thông điệp phê phán trong các tiểu thuyết của ông với thông điệp lí thuyết của các nhà kinh tế cổ điển.
Dominique Manotti (1942-)
Marc Mousli
Không chỉ có tiểu thuyết hiện thực mới phản ánh nền kinh tế. Rất nhiều thể loại văn học khác cũng tham gia, tiểu thuyết đen (roman noir) chẳng hạn. Trong một bài viết khá riêng tư, Dominique Manotti đã giải thích là công việc điều tra và thu thập tài liệu chuyên sâu về các giai đoạn đặc biệt của thời sự kinh tế được dùng làm cơ sở cho các câu chuyện của bà như thế nào. Đôi lúc, trong một vài trường hợp, tác giả quá quen thuộc với bối cảnh – hay có khả năng phát hiện những “tín hiệu yếu ớt” dễ bị các chuyên gia bỏ qua do họ bị gò ép bởi những quy ước trong chuyên môn của họ – khiến tác phẩm trở thành lời dự báo cho sự kiện tương lai. Đó là điều mà Marc Mousli nhắc tới trong bài viết của ông về vấn đề văn chương tiên liệu.
Laurent Quintrau cho rằng, nếu kể từ nay, văn chương đề cập tới mọi mặt của kinh tế, từ đời sống trong doanh nghiệp cho tới đầu cơ tài chính thì chính bởi các nhà văn hiện thời phục tùng “quy luật thị trường” hơn hẳn trước đây. Sự coi trọng khả năng sinh lời tức thì của các nhà xuất bản, tác động của các giải thưởng văn học và sự quảng bá tác phẩm trên các phương tiện truyền thông, sự đa dạng của các kênh đọc đã khiến cho thân phận của nhà văn trở nên càng lúc càng bấp bênh.
Ba trục nghiên cứu
Bên cạnh trục nghiên cứu đầu tiên gắn với cách biểu trưng nền kinh tế trong các tác phẩm văn học – tức kinh tế học trong văn học, thì trục thứ hai đang nổi nên là kinh tế học về văn học, trục này nắm bắt sự vận hành của chuỗi xuất bản, từ tác giả đến độc giả. Tuy nhiên hai hình thức này của cuộc đối thoại giữa văn học và kinh tế học nuôi dưỡng một trường nghiên cứu màu mỡ mà Martial Poirson giới thiệu cho chúng ta trong bài viết của ông không bao quát hết cuộc đối thoại.
Marianne Rubinstein (1966-)
Nếu coi kinh tế học như là văn học, nói cách khác như là diễn ngôn tìm cách tác động đến các affect [xúc động], thì ta sẽ có trục nghiên cứu thứ ba. Marianne Rubinstein lấy làm tiếc là các nhà kinh tế hàn lâm không mấy quan tâm đến việc viết dễ hiểu và tác giả thường núp sau các chuẩn mực ưu tiên cho các các bài ngắn gọn, đồng tác giả, viết bằng tiếng Anh và một phần là hình thức hóa. Tuy nhiên, có vẻ như một số nhà kinh tế quay trở lại quan tâm tới văn chương, như Martian Poirson nhận xét. Ông nhấn mạnh rằng khoa học kinh tế cũng ẩn chứa nhiều phúng dụ như phúng dụ về tổ ong và hệ tư tưởng kinh tế tầm thường đã cuốn theo bao nhiêu những ẩn dụ và hình ảnh. “Tu từ học kinh tế” này vốn chinh phục một cách từ tốn những bộ óc và che giấu phía sau nó những mối quan hệ có tính chất thống trị. Nhà văn có nhiệm vụ đánh bật “công cuộc thực dân hóa từng bước ngôn ngữ” và “tái cơ cấu trí tưởng tượng[2]. Đó là trường hợp điển hình của văn học người da đen Mỹ những năm 1960 và 1970 mà Jean Dellemotte đã mô tả sự phê phán mạnh mẽ của dòng văn học này chống lại cách biểu trưng thế giới của phương Tây và của nền nhân học kinh tế có tính cực kì quy giản của nó.
Tổng biên tập của l'Economie politique
Thanh Thư dịch
Nguồn: L’économiste et l’écrivain, frères ennemis?, Alternatives-Economiques, July 01, 2018.




Chú thích:

[1] Claire Pignol, "L’économie à l’épreuve de la littérature", Idées économiques et sociales, 2016/4.

[2] Yves Citton và Martial Poirson, “L’économie à l’oeuvre”, trong Les frontières littéraires de l’économie, viết bởi Martial Poirson, Yves Citton và Christian Biet (chủ biên), Desjonquières, 2008.

Print Friendly and PDF