8.1.19

Thế hệ đan chéo


THẾ HỆ ĐAN CHÉO
Overlapping Generations
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 SAMUELSON, 1970
Mô hình thế hệ đan chéo biểu trưng động thái của nền kinh tế có những thế hệ cá thể sống qua nhiều thời kì. Ở mỗi thời kì đều có những cuộc trao đổi giữa các tác nhân sống trong thời kì đó. Thường người ta nghiên cứu trường hợp của hai thời kì với những trao đổi giữa những tác nhân trẻgià. Đời sống của nền kinh tế là vô tận.
Samuelson (1958) xét một nền kinh tế trao đổi, các tác nhân có những chu cấp ngoại sinh về sản phẩm tiêu dùng không lưu kho được. Không có trao đổi giữa người trẻ và người già, mỗi thế hệ sống trong vòng tự cung tự cấp. Sự có mặt của một sản phẩm sản phẩm tồn kho được nhưng không tiêu dùng được, tiền tệ, cho phép có những trao đổi giữa các thế hệ: người trẻ cung một phần chu cấp sản phẩm của mình đổi lấy tiền tệ do người già nắm giữ; khi bản thân họ trở nên già, vào thời kì sau, họ đề nghị đổi tiền này lấy những sản phẩm tiêu dùng được. Kiểu tiền tệ này không có lợi ích nội tại, nhưng được dùng làm phương tiện chuyển nhượng giá trị. Sự có mặt của nó có thể cải thiện phúc lợi của tất cả các thế hệ. Có sự không thể xác định những giá cân bằng, những giá này tuỳ thuộc vào những dự kiến của các tác nhân. Giả thiết những dự báo hoàn hảo không cho phép tháo gỡ tính không thể xác định này. Ta cũng có thể quan niệm những trao đổi giữa những người già và trẻ sống chung với nhau mà không có chỗ dựa rõ rệt. Đó là một cách tiếp cận cân bằng chung kiểu Arrow-Debreu theo đó tất cả các thị trường của tất cả các thời kì đều cân bằng hoàn hảo và đồng thời. Có một continuum những cân bằng như thế không biết đến thời gian trôi qua và vai trò của những dự kiến.
Maurice Allais (1911-2010)
Peter Diamond (1940-)
Một cách tiếp cận rất khác đã được Allais (1947) và Diamond (1965) đề xuất. Nền kinh tế có một khu vực sản xuất cạnh tranh sử dụng tư bản và lao động. Ở mỗi thời kì, sản phẩm được sản xuất có thể được tiêu dùng hay tồn kho duới dạng tư bản được dùng cho sản xuất vào thời kì sau. Những người trẻ cung cấp một đơn vị lao động và nhận một lương dưới dạng sản phẩm được sản xuất. Họ tiêu dùng một phần và tiết kiệm của họ hợp thành kho tư bản của thời kì sau. Khi họ già đi thì họ tiêu dùng thu nhập của họ vốn là phần của sản phẩm trả cho tư bản. Không có trao đổi giá trị giữa các thế hệ, nhưng có sự tham gia vào quá trình sản xuất của những người trẻ đang lao động và của những người già nắm giữ tư bản. Như thế cân bằng của nền kinh tế được xác định, và các tác nhân trẻ có thể dự kiến một cách duy lí lợi tức của tiết kiệm của bản thân, lợi tức này là năng suất cận biên của tư bản ở thời kì sau.
Mô hình với tư bản, lao động và sản xuất là một công cụ ưu tiên cho việc nghiên cứu nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô: tăng trưởng và tích luỹ tư bản, chuyển nhượng giữa các thế hệ, nợ công cộng, lương hưu, giáo dục công cộng và tư nhân, v.v.. Tăng trưởng phụ thuộc vào hành vi của các tác nhân và có ba khả năng cân bằng dài hạn trong mô hình Diamond. Khi lãi suất dài hạn r bằng với tỉ suất tăng trưởng của dân số n, ta có qui tắc vàng cho được phúc lợi dừng tối đa. Khi r là nhỏ hơn n, có tích luỹ tư bản quá nhiều và nền kinh tế là không có hiệu quả, vì ta có thể cải thiện phúc lợi của tất cả các thế hệ bằng cách giảm tiết kiệm đầu tư vào tư bản. Điều này có thể thực hiện bằng một nợ công cộng hay với một hệ thống hưu trí theo cơ chế phân phối. Khi r lớn hơn n, thì không đủ tích luỹ tư bản và nền kinh tế là có hiệu quả, vì phải giảm phúc lợi của ít nhất một thế hệ để có thể tăng phúc lợi của một thế hệ khác. Trong tình thế này, hệ quả của một nợ công cộng hay một hệ thống hưu trí theo cơ chế phân phối là làm giảm phúc lợi của những thế hệ tương lai: sụt giảm của tiết kiệm đầu tư vào tư bản dẫn đến một sụt giảm của thu nhập bằng lương.
Paul Samuelson (1915-2009)
Mô hình thế hệ đan chéo cũng có thể cho phép phân tích những lựa chọn cá thể về sự hình thành và vai trò của việc tích luỹ vốn con người trong sự tăng trưởng. Trong Azariadis và Drazen (1990), những tác nhân trẻ lựa chọn thời lượng đào tạo trên cơ sở những dự kiến của họ về lợi tức của đào tạo; khi có những ngoại ứng, lợi tức này có thể là không đủ và nền kinh tế bị vướng vào chiếc bẫy chậm phát triển. Trong Michel (1993), các tác nhân trẻ vay để tài trợ cho giáo dục của bản thân, thị trường tín dụng được giả định là hoàn hảo. Kiểu tăng trưởng đặc biệt là một tăng trưởng với tỉ suất nội sinh phụ thuộc vào những ngoại ứng, và nền kinh tế có thể có những biến động mặc dù không có những cú sốc bên ngoài.
Mô hình thế hệ đan chéo là một cơ sở quan trọng của phân tích động thái vĩ mô đương dại. Cách tiếp cận đối chọn của một tác nhân tiêu biểu với đời sống vô tận, một cách tiếp cận thường được sử dụng, được kiến giải như một hình thức vô cùng đơn giản của mô hình với những tác nhân vị tha có đời sống hữu hạn và tiến hành những lựa chọn tiêu dùng, tiết kiệm và di sản có tính đến phúc lợi của những người kế thừa mình.

ALLAIS M., Économie et intérêt, Paris, Imprimerie nationale, 1974. AZARIADIS C. & DRAZEN A., Threshold externalities in economic development, Quarterly Journal of Economics, May 1990, 105, p. 501-526. DIAMOND P., National debt in a neoclassical growth model, American Economic Review, 1965, 55, p. 1126-1150. MICHEL P., Le modèle à générations imbriquées: un instrument danalyse macroéconomique, Revue déconomie politique, 1993, 103, p. 191-220. SAMUELSON P., An exact consumption-loan model of interest with or without the social contrivance of money, Journal of Political Economy, 1958, 66, p. 61-71.
Philippe MICHEL
Giáo sư đại học Méditerranée (Aix-Marseille 2) và Viện đại học Pháp (Marseille)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Dân số học; Dự kiến; Môi trường; Nợ trong nước; Tăng trưởng kinh tế; Tăng trưởng tối ưu; Tiết kiệm-Đầu tư; Vị tha (học thuyết); Vốn con người.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.
Print Friendly and PDF