19.1.19

Những cuốn sách quan trọng nhất dành cho các nhà kinh tế không phải là những tác phẩm học thuật


Ý TƯỞNG MỚI LẠ
NHỮNG CUỐN SÁCH QUAN TRỌNG NHẤT DÀNH CHO CÁC NHÀ KINH TẾ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG TÁC PHẨM HỌC THUẬT
Văn học và lí thuyết kinh tế thường nói về cùng một thứ, nhưng bằng những ngôn ngữ khác nhau.
Là một nhà nghiên cứu, tôi nghiên cứu việc lí thuyết kinh tế có thể được sử dụng để thúc đẩy quá trình phát triển như thế nào. Giống như hầu hết các nhà kinh tế, tôi bị lôi cuốn bởi các vấn đề phức tạp mà chuyên ngành của tôi nỗ lực giải quyết. Là con gái của một giáo sư văn học, tôi lớn lên trong những câu chuyện kể. [Tôi phát hiện] có một mối liên kết quan trọng giữa hai lĩnh vực này [kinh tế học và văn học].
Chinua Achebe (1930-2013)
Haruki Murakami (1949-)
Hãy tưởng tượng về một thế giới mà các nhà kinh tế từ các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà hoạch định chính sách và các học giả đọc [các tác phẩm] văn học của một quốc gia trước khi đưa ra các khuyến nghị cho quốc gia ấy. Dù sao đi nữa, người ta sẽ không hiểu sâu hơn về tình trạng mất giá đồng tiền ở châu Phi sau khi đọc nhà văn Chinua Achebe, hoặc tìm câu trả lời cho vấn đề tiết kiệm của hộ gia đình ở Nhật Bản sau khi đọc Haruki Murakami. Tuy nhiên, văn học có thể cung cấp một viễn tượng mới cho những câu hỏi của các nhà kinh tế và, do đó, cho các câu trả lời của họ bằng việc làm nổi bật bối cảnh văn hóa-xã hội của công trình của họ. Cách tiếp cận này giống như những gì mà nhà kinh tế của đại học Yale Robert Shiller gọi là Kinh tế học Tự sự.
Văn học có thể cung cấp một cách nhìn mới cho các câu hỏi của các nhà kinh tế và, do đó, cho câu trả lời của họ.
Bằng cách này, các chính sách kinh tế sẽ kết nối với kinh nghiệm của những người mà họ dự định phục vụ nhiều hơn, thay vì chấp nhận một quan điểm có tính lí thuyết.
Kinh tế học hành vi thừa nhận rằng hành vi của con người là phi lí trí và liên tục thay đổi. Nó quay sang tâm lí học và xã hội học để hiểu được tâm lí của con người, bao gồm cả những hành vi bốc đồng của họ. Tương tự thuyết duy vật văn hóa, các nghiên cứu văn học trong một khuôn khổ kinh tế-xã hội và chính trị rộng lớn hơn khám phá ra các thực tại mà những nhà văn có thể đã từng sử dụng để định hình các nhân vật và cốt truyện của họ.
Theo tinh thần của hai cách tiếp cận này, tôi hình dung mối quan hệ giữa kinh tế học và văn học như một kim tự tháp mà tôi gọi là PLOT: the People-centered Ladder of Trade [Thang tầng Giao thương lấy Con người làm Trung tâm].
PLOT: Thang tầng Giao thương lấy Con người làm Trung tâm.
Tầng đáy, “Các niềm tin cá nhân và niềm tin văn hóa” bao gồm thái độ của người và các nhóm người, bao gồm cả phong tục dân tộc và tôn giáo, là một phần của cả lí thuyết kinh tế lẫn văn học.
Trong kiệt tác [xuất bản] năm 1776 của ông, The Wealth of Nations [Của cải của các Quốc gia], Adam Smith đã đưa ra ý tưởng cho rằng con người là một động vật tạo ra những món hời bắt nguồn từ những hành động tư lợi. “Chính không phải là từ lòng nhân từ của người bán thịt, nhà sản xuất bia, hay thợ làm bánh mà ta mong đợi cho bữa tối của mình, nhưng từ sự quan tâm của họ đối với sự tư lợi riêng của bản thân họ”, Smith đã viết. Đây là khái niệm về sự tư lợi rất có thể nảy mầm trong các nhân vật trong thể loại [tiểu thuyết] hư cấu.
Jane Austen (1775-1817)

Nổi tiếng nhất, tiểu thuyết của Jane Austen cuốn ta vào thế giới của những người phụ nữ trẻ không chỉ là những con người phức tạp và đầy mâu thuẫn, mà hoàn cảnh kinh tế đặt họ vào thế bất lợi trong thị trường hôn nhân, thường buộc họ phải lựa chọn giữa sự chấp nhận xã hội và sở thích cá nhân. Ví dụ tốt nhất là Charlotte Lucas trong tác phẩm Pride and Prejudice [Kiêu hãnh và Định kiến], người kết hôn với ông Collins ngu ngốc để cô có thể là một người chủ trong nhà mình chứ không phải là một người giúp việc già trong nhà của em trai cô.
Giống như Austen ở Anh trong thời chiến tranh Napoléon, nhiều nhà văn đã xây dựng các tác phẩm của họ dựa trên những nền tảng kinh tế mạnh mẽ.
Giống như Austen ở Anh trong thời chiến tranh Napoléon, nhiều nhà văn đã xuyên qua các ranh giới không gian và thời gian, như Shakespeare trong thời đại Elizabeth, Leo Tolstoy ở Nga trước cách mạng [tháng 10 (năm 1917)], và Mahasweta Devi trong thời kì bất ổn Naxalite ở Ấn Độ sau độc lập, đã xây dựng các tác phẩm dựa trên những nền tảng kinh tế vững chắc. Chúng ta có thể nhìn vào những cuốn sách này để hiểu được xung đột giữa tư lợi cá nhân và những hoàn cảnh kinh tế lớn hơn.
Tầng giữa, “Các Hệ thống xã hội”, xem xét lí thuyết kinh tế và văn học thông qua các định chế xã hội.


Một cách ngầm ẩn hay công khai, sự tương tác phức tạp của các hệ thống kinh tế và xã hội tạo nên hàm nghĩa của nhiều tự sự văn học. Lấy ví dụ, quá trình đô thị hóa: trong 200 năm qua, các thành phố ngày càng trở thành những động cơ tăng trưởng, chiếm trên 80% GDP toàn cầu ngày nay. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thành phố và cư dân của nó thường được xem căng như giây đàn, như được minh họa trong thơ của Blake vào cuối thế kỉ 18, Baudelaire và các nhà thơ tượng trưng Pháp vào thế kỉ 19, và các nhà thơ hiện đại như Eliot và Auden. Gần đây hơn, các hồi kí như cuốn sách [xuất bản] năm 2005 Istanbul của Orhan Pamuk và Maximum City [Thành phố Lớn nhất thế giới: Bombay – Thất lạc và Khám phá] của Suketu Mehta, xuất bản năm 2004, cung cấp một cái nhìn đường phố về các hoạt động kinh tế ở các thành phố.
Javed Akhtar (1945-)
Khi mô tả những con đường nhộn nhịp dẫn đến eo biển Bosphorus [Thổ Nhĩ Kì] và hàng ngàn con tàu qua lại trên một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới, Pamuk gián tiếp nói về các hình thức cơ sở hạ tầng tốt hơn và những đại lộ mới tạo ra nhiều công ăn việc làm. Tác phẩm Maximum City làm sáng tỏ một giác độ khác về sự tăng trưởng của đô thị: ô nhiễm lan rộng khắp thành phố Bombay, thế giới ngầm tội phạm, và bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Những trải nghiệm sống khác biệt này, bắt nguồn từ sự khan hiếm tài nguyên ở các thành phố, được nhà thơ Ấn Độ Javed Akhtar tổng kết trong hai câu thơ sau:
Sub ka khushi se faasla ek qadam hai
Har ghar mein bas ek hi kamra kam hai
(Hạnh phúc chỉ cách một bước chân
Mỗi nhà chỉ cần thêm một căn phòng)
Mặc dù tâm hồn thơ mộng khao khát thứ không thể diễn tả được, nhưng con người thực tế đành phải chấp nhận không gian mở rộng. Trong bối cảnh toàn cầu, ta thấy tác động của sự biến đổi địa lí kinh tế và thị trường lao động được các nhà văn nhập cư như tiểu thuyết gia người Kenya gốc Kenya MG Vassanji và nhà văn người Mỹ gốc Á Julia Alvarez ghi nhận. Những biến động kinh tế xã hội của dòng người di cư có những hệ quả sâu rộng đối với nền kinh tế của cả quốc gia quê hương lẫn của quốc gia sở tại, được khám phá trong các lí thuyết kinh tế như lí thuyết thị trường lao động kép của Piore và các quy luật di trú của Ravenstein.
Milton Friedman (1912-2006)
Tầng đỉnh, “Giao thương quốc tế & trong nước” (Trade & Commerce) bao gồm các khía cạnh vật chất của cuộc sống, chẳng hạn như ta tiêu xài tiền như thế nào. Giả thuyết thu nhập thường xuyên của nhà kinh tế đoạt giải [khoa học kinh tế để tưởng nhớ] Nobel năm 1957 Milton Friedman, một lí thuyết về chi tiêu của người tiêu dùng, cho rằng các cá nhân có xu hướng tăng chi tiêu của họ dựa trên sự gia tăng thu nhập thường xuyên. Bây giờ, hãy xét nền kinh tế Ấn Độ, nơi phần lớn lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Không có nguồn thu nhập thường xuyên, liệu lí thuyết này sẽ giải thích hành vi tiêu dùng của họ như thế nào?
Một ví dụ cực đoan là nhân vật chính Madhav trong tập truyện ngắn [xuất bản] năm 1936 Kafan (The Shroud) [Tấm vải liệm] của Munshi Premchand, người đã hợp lí hóa việc chi tiêu tiền chôn cất của vợ mình vào thức ăn và đồ uống cho chính mình. Chi tiêu của Madhav bị chi phối bởi việc thỏa mãn các nhu cầu trước mắt hơn là phản ánh sự tin tưởng vào tương lai.
Những tác phẩm này cho thấy các hoạt động thương mại có thể có cả biểu trưng văn học lẫn biểu trưng kinh tế như thế nào. Một ví dụ khác là bản anh hùng ca vĩ đại Ấn Độ, sử thi Mahabharata, vốn đã trở thành một kho tàng phổ biến trong giảng dạy ở Ấn Độ. Một số trường kinh doanh sử dụng nó để giải thích mô hình kinh tế của lí thuyết trò chơi, và các chiều kích xung đột và hợp tác trong quá trình ra quyết định.
Các nhà kinh tế và nhà văn đều đang khám phá ra cùng chủ đề và ý tưởng bằng những ngôn ngữ khác nhau.
Khuôn khổ [suy nghĩ] của tôi cung cấp một con đường tư duy về kinh tế học trong mối tương quan với văn học như là một tiến trình: đầu tiên là các niềm tin và văn hóa, vốn có tính trừu tượng nhưng nằm ẩn sâu bên dưới. Tiếp theo là, các hệ thống xã hội xuất hiện, thể hiện niềm tin và văn hóa trong luật pháp và trật tự [xã hội], trường học, các hoạt động y tế và những thứ tương tự. Người ta hợp nhất triết học và thực tiễn. Nhờ vào nền tảng này – vốn thay đổi từ nơi này sang nơi khác – dựa trên giao thương quốc tế và trong nước, các hoạt động hàng ngày diễn ra – mà qua đó xã hội duy trì chính các hoạt động đó. Thông thường, kinh tế học tự đảm nhận tầng đỉnh, giao hai tầng khác cho văn học. Lí tưởng nhất, kinh tế học nên dựa trên các tầng khác, tận dụng các khía cạnh trong bối cảnh cấu trúc và tự sự mà văn học cung cấp. Như tôi đã chỉ ra, bất kì tầng nào mà bạn nhìn vào, đều có một yếu tố của cả kinh tế học lẫn văn học trong thực tế – những sự thật giàu trí tưởng tượng được bổ sung bằng các thực tại vật chất, và ngược lại.
Kadambari Shah
Cả kinh tế học lẫn văn học đều là những lĩnh vực rất phức tạp, có thể thu lợi từ việc học hỏi lẫn nhau. Trong các ví dụ trên, các nhà kinh tế và nhà văn đều đang khám phá cùng một chủ đề và ý tưởng bằng những ngôn ngữ khác nhau. Trong khi kinh tế học chấp nhận một phân tích có tính nhân quả ở cấp độ tổng thể, thì văn học lại mang đến một khuôn mặt về tăng trưởng kinh tế và đem lại sự sống cho các dữ liệu bắt nguồn từ hoạt động của con người. Việc hiểu được các chiều kích vật chất của các văn bản văn học, cũng như sự đối xứng thơ mộng của kinh tế học, có thể làm cho các chính sách phát triển vững mạnh hơn, bằng cách kết hợp một sự hiểu biết tốt hơn, mang nhiều sắc thái hơn về hành vi của con người.
Bài viết này là một phần của Quartz Ideas [Các ý tưởng của Quartz], ngôi nhà của chúng tôi dành cho các lập luận táo bạo và các nhà tư tưởng lớn.
Kadambari Shah là thành viên của Học viện IDFC, một thinktank ở Mumbai. Cô làm việc trong lĩnh vực chính sách công, kinh tế chính trị và phát triển kinh tế.
Nguyễn Việt Anh dịch

Print Friendly and PDF