19.12.18

Một “cuộc chiến tranh thương mại kỳ lạ”: tìm hiểu thỏa thuận đình chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ


MỘT “CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI KỲ LẠ”: TÌM HIỂU THỎA THUẬN ĐÌNH CHIẾN GIỮA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã thống nhất một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến tranh thương mại tại bữa tiệc tối ở Buenos Aires vào ngày 1 tháng 12 năm 2018, bên lề hội nghị G20. (NguồnCGTN)
Tại Buenos Aires, Donald Trump và Tập Cận Bình đã đồng ý một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến tranh kỳ lạ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kể từ tháng Bảy. Cuộc chiến bắt đầu ở Washington bằng một đợt tăng thuế quan đầu tiên, tiếp theo là một đợt tăng thuế quan thứ hai vào tháng Chín. Bắc Kinh đã đáp trả bằng các mức tăng tương đương lần lượt đối với cả hai đợt tăng thuế quan. Cho đến nay, cuộc xung đột kỳ lạ này đã có ít thương vong. Phải hiểu điều này như thế nào? Liệu đây có phải là một lối thoát khủng hoảng hay là một lệnh ngừng bắn mong manh?
Nền kinh tế Mỹ đang trải qua chu kỳ tăng trưởng dài nhất của thời kỳ hậu chiến. Chu kỳ tăng trưởng này đã được mở rộng bởi sự cải cách ngân sách được Donald Trump thông qua vào năm ngoái. Thương mại với Trung Quốc chiếm một phần nhỏ trong GDP của Mỹ. Nếu có nạn nhân trong số những nông dân xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và cả những ngành công nghiệp truyền thống ở miền Trung Tây, thì cuộc xung đột thương mại chỉ có tác động rất ít đến các hộ gia đình Mỹ. Sức tiêu dùng thúc đẩy sự tăng trưởng và việc tăng thuế quan không làm giảm nhập khẩu. Đối với hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, chúng đang giảm. Mức thâm hụt song phương mà Donald Trump muốn giảm còn tăng thêm.
Ở Trung Quốc, việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại không phải là một hậu quả của cuộc xung đột thương mại. Nó bắt nguồn từ các biện pháp được thực hiện để kiềm chế sự gia tăng nợ. Một chính sách được triển khai từ năm 2017 khi một nhân vật gần với quyền lực – có lẽ là Lui He, cố vấn chính về kinh tế của Tập Cận Bình – đã gióng lên hồi chuông báo động. Cảnh báo tập trung vào nguy cơ bùng nổ nợ của các hộ gia đình Trung Quốc – nó vượt qua mức nợ của Mỹ vào năm 2008 –, nợ của các doanh nghiệp và nợ của các tỉnh. Hẳn là nước này không phải lo sợ về một cuộc khủng hoảng xuất phát từ một dòng thoái vốn to lớn giống như ở Đông Nam Á vào cuối những năm 1990, nhưng điều này không đủ để che chở Trung Quốc khỏi một cuộc khủng hoảng. Bởi vì đây không phải là những dòng thoái vốn từng gây ra sự sụp đổ năm 1929 hay cuộc khủng hoảng Nhật Bản năm 1989. Trong khi chờ đợi, các biện pháp của chính phủ Trung Quốc đã kìm hãm sự tăng trưởng tín dụng – đối với khu vực tư nhân nhiều hơn là đối với các doanh nghiệp Nhà nước; đầu tư đã chậm lại. Nếu hàng xuất khẩu (kể cả sang Hoa Kỳ) tiếp tục tăng, thì chính các dòng ngoại hối chảy ra của du khách Trung Quốc là nguyên nhân giải thích sự sụt giảm rất mạnh trong số kết của cán cân thanh toán hiện hành của Trung Quốc.
Vào cuối tháng 10, chính quyền Hoa Kỳ đã công bố bản cập nhật báo cáo “siêu 301”. Tài liệu này, được Đại diện Thương mại của Nhà Trắng soạn thảo, tập trung vào các hành động, các chính sách và các thực hành của Trung Quốc trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và đổi mới. Kết luận của bản báo cáo rất rõ: không ghi nhận bất kỳ thay đổi nào trong thái độ của Trung Quốc kể từ báo cáo tháng 4 trước, biện minh cho cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ. Sự ghi nhận này báo trước rằng “cuộc chiến tranh kỳ lạ” sẽ có một bước ngoặt mới vào ngày 1 tháng 1 năm 2019. Nếu không có tiến bộ trong các cuộc đàm phán, Hoa Kỳ sẽ phải tăng thuế quan lên 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Giai đoạn mới này đã bị các doanh nghiệp Mỹ chỉ trích mạnh mẽ. Tại Bắc Kinh, các đánh giá dự đoán rằng đợt tấn công thứ ba sẽ làm giảm 1,5 điểm tỷ lệ tăng trưởng của năm 2019. Thế nhưng, để đáp trả, Trung Quốc đang thiếu đạn. Những đáp trả của Trung Quốc đối với các cuộc tấn công [của Mỹ] đã chạm đến toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ phải huy động những vũ khí nguy hiểm để xử lý, như việc phá giá [đồng nội tệ] hoặc trừng phạt các công ty con Trung Quốc của các công ty Mỹ.
thỎa thuẬn ĐÌNH CHIẾN BAO HÀM NHỮNG VẤN ĐỀ GÌ?
Từ những tuyên bố đến các dòng tweet mâu thuẫn của Donald Trump, sự bất định đã chi phối công tác chuẩn bị cho bữa tiệc tối ở Buenos Aires. Giải thích việc này như thế nào? Bởi một sự bất đồng giữa các cố vấn của tổng thống Mỹ, phe “bồ câu” và phe “diều hâu”? Hay bởi sự khó lường được nhà tỷ phú công nhận như một chiến lược đàm phán? Ngay cả việc lựa chọn những người cộng tác của Tập Cận Bình và Trump có mặt tại bàn tiệc cũng là chủ đề của một tình trạng chờ đợi hồi hộp. Cuối cùng, ngoài món thịt bò phi lê Argentina, món ăn chủ lực chính là một thỏa thuận đình chiến 90 ngày, cho phép hoàn tất các cuộc đàm phán về việc làm giảm mức thâm hụt song phương, chuyển giao công nghệ bắt buộc và các khoản trợ cấp [của Nhà nước] trong khuôn khổ kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”.
Đình chiến không phải là kết luận duy nhất của bữa tiệc tối này. Nhân dịp này, Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ xem xét lại việc phủ quyết thương vụ sáp nhập giữa đại gia ngành viễn thông Qualcomm của Mỹ và công ty đa quốc gia về các sản phẩm bán dẫn NXP, công ty đang hoạt động tích cực tại Trung Quốc. Điều này, qua đó, đã khẳng định tính chất chính trị trong quyết định của Bắc Kinh. Thông báo này dù sao cũng không còn tính thời sự, bởi vì công ty Qualcomm tại San Diego, trong lúc này, đã từ bỏ thương vụ mua lại ấy. Ngoài ra, chủ tịch Trung Quốc cũng đã tuyên bố một cuộc cải cách về cơ quan tài phán xét xử các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các vụ vi phạm này sẽ không còn được xét xử sơ thẩm ở cấp tỉnh, nơi mà các thẩm phán quá thân với các doanh nghiệp Trung Quốc, mà sẽ được xét xử sơ thẩm ở cấp quốc gia. Cải cách này đòi hỏi sẽ phải tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan trung ương: vì vậy sẽ cần có thời gian.
Vụ án thuốc fentanyl phải được giải quyết một cách nhanh hơn. Đó là việc gì? Ba ngày trước cuộc khai mạc hội nghị G20, báo chí quốc tế công bố một sự suy giảm tuổi thọ mới của người Mỹ. Chưa từng xảy ra trong OECD [Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế], sự rút ngắn [tuổi thọ] này xuất phát từ việc dùng quá liều thuốc phiện, trong đó có thuốc fentanyl, mạnh gấp năm mươi lần so với heroin. Thế nhưng Trung Quốc là nước cung cấp hàng đầu loại chất này được bán trên Internet và phân phối cho người tiêu dùng qua bưu kiện. Nhiều năm qua, chính quyền Mỹ đã yêu cầu Bắc Kinh có biện pháp chống lại các lô gửi hàng này. Tại bữa tiệc tối ở Buenos Aires, Tập Cận Bình đã hứa rằng thuốc fentanyl, ít được bán ở Trung Quốc, từ nay sẽ được coi là một loại thuốc cấm và các nhà sản xuất ra nó sẽ phải chịu những hình phạt nặng.
MỘT SỰ Dò DẪm bưỚc đẦu
Ngay tức thì, thỏa thuận đình chiến đã làm nảy sinh nhiều phiên bản [diễn giải] khác nhau ở cả hai thủ đô. Trong phiên bản của Trung Quốc, không hề đề cập đến một thời hạn đình chiến 90 ngày, mà là một thoả thuận bãi bỏ các mức tăng thuế quan vào tháng Bảy nếu các cuộc đàm phán thành công. Điều mà người ta không nói ở Bắc Kinh: nếu các cuộc đàm phán thất bại, thì cuộc leo thang thuế quan sẽ tiếp diễn trở lại. Trong thực tế, việc tăng từ 10 đến 25% thuế quan trong trường hợp thất bại đã được phía người Mỹ xác nhận. Ngược lại, việc mở rộng tăng thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc không được đề cập. Về phần mình, khi trở về Washington, Tổng thống Trump đã ca ngợi thỏa thuận này là tuyệt vời đối với người nông dân Mỹ và hoan nghênh việc giảm thuế đối với hàng nhập khẩu ô tô của Mỹ – điều không được thảo luận ở Buenos Aires.
Trên các thị trường chứng khoán, nhà đầu tư phấn khởi. Thỏa thuận đình chiến báo trước những kết quả tài chính tốt hơn trong quý đầu tiên của năm 2019. Có lẽ như đó là một trong những mục tiêu của phái đoàn Mỹ, muốn tránh một sự sụp đổ của Phố Wall. Ngoài ra, rất khó để lạc quan: thỏa thuận này không khác mấy so với thỏa thuận đạt được vào mùa xuân, cũng không cung cấp chi tiết về kim ngạch các mặt hàng mà Trung Quốc mua của Hoa Kỳ và đã bị bãi bỏ một tháng sau đó. Thời hạn dự kiến, 90 ngày kể từ ngày 1 tháng 12, có vẻ như rất ngắn để hoàn tất các cuộc đàm phán, những vấn đề đang vấp phải từ hai năm qua và sẽ được dẫn dắt, về phía Mỹ, bởi Bob Lighthizer, một người có quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Hẳn là một thỏa thuận không phải là điều bất khả: cho phép đầu tư dưới hình thức công ty con, giống như trường hợp của AXA và Allianz, là một đáp trả đối với những chỉ trích của Mỹ và châu Âu về yêu cầu chuyển giao công nghệ. Nhưng việc thoát khỏi cuộc khủng hoảng vẫn là điều không chắc vì một lý do cơ bản: cuộc xung đột thương mại này là bình phong của một sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế học tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa]” và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF