23.11.19

Chủ nghĩa thực chứng không phải là một chủ nghĩa kinh nghiệm (1839)


KHOA HỌC THỰC CHỨNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CHỦ NGHĨA KINH NGHIỆM (1839)
Tác giả: Auguste Comte*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Auguste Comte (1798-1857)

Ngay từ đầu Chuyên luận[1] này, và sau đó trong tất cả các phần khác của nó, chúng tôi đã thừa nhận, một cách thiết tưởng đã đủ rõ ràng, sự không thể tồn tại, ngay từ đầu và trên bất kỳ chủ đề nào, của một lý thuyết thực sự thực chứng – hiểu như một quan niệm được xây dựng một cách thuần lý trên một hệ thống thích hợp những quan sát đã được thực hiện trước. Bởi vì, ngoài vấn đề thời gian đáng kể mà sự tích lũy chậm chạp những quan sát như vậy đòi hỏi, trí tuệ của ta thậm chí còn không có khả năng thực hiện chúng mà không bị, trước là sự điều khiển và sau đó là sự liên tục quấy rầy, của một số lý thuyết sơ bộ nào khác. Mỗi ngành quan trọng của triết lý tự nhiên đều đã liên tiếp cung cấp cho chúng ta những lý do mới để xác nhận rằng, nói gì thì nói, chủ nghĩa kinh nghiệm tuyệt đối[2] chẳng những sẽ hoàn toàn vô sinhmà thậm chí còn tuyệt đối không thể tồn tại đối với trí thông minh của ta, bởi vì nó không thể nào và trong bất kỳ lĩnh vực nào, vất bỏ một học thuyết [ngầm] nào đó, hiện thực hoặc hư ảo, mơ hồ hay chính xác, đang tập hợp và nhất là kích thích những nỗ lực bột phát của mình, nhằm thiết lập một sự liên tục thiết yếu cho dòng tư tưởng mà nếu không có thì mọi hoạt động tinh thần nhất thiết phải vụt tắt. Chẳng hạn, vì sao các bộ sưu tập khoa học chồng chất của chúng ta, về cái mệnh danh là những quan sát khí tượng, ngày nay lại thiếu thực dụng, thậm chí vô nghĩa một cách nghiêm trọng như vậy? Chắc chắn, đấy là vì tính thực nghiệm một cách máy móc của chúng. Chúng chỉ có thể đạt tới một giá trị thực sự, và trở nên hữu hiệu về mặt suy đoán, nếu được hướng dẫn thường xuyên bởi một lý thuyết đúng nghĩa phù hợp, cho dù lúc đầu nó chỉ có tính giả thuyết tới mức nào. Ngược lại, những người chờ đợi rằng, về một vấn đề phức tạp như vậy, thứ lý thuyết này sẽ được đề xuất bởi chính những quan sát, những người đó hoàn toàn hiểu sai sự vận hành tất yếu của trí tuệ con người: ngay cả trong loại nghiên cứu đơn giản nhất, nó luôn luôn phải đặt trước các quan sát khoa học một quan niệm nào đó về những hiện tượng tương ứng.
Auguste Comte,
Giáo Trình Triết Học Thực Chứng
(Cours de philosophie positive, q. IV, 1839)
Paris, Ed. Baillières, 4e éd., 1877, tr. 470-471




Chú thích:

[1] Ở lời nói đầu của tác phẩm.

[2] Thứ chủ nghĩa kinh nghiệm chủ trương cứ làm những thí nghiệm rồi chờ xem điều gì sẽ xảy ra mà không thấy cần được hướng dẫn bởi một giả thuyết hay một lý thuyết nào cả. Theo Comte, đây là điều vừa vô ích, vừa hoàn toàn trái với sự vận hành tự nhiên của trí tuệ con người (xem câu cuối của trích đoạn).

Print Friendly and PDF