27.11.19

Câu chuyện đang huỷ diệt thế giới

CÂU CHUYỆN ĐANG HỦY DIỆT THẾ GIỚI

Mọi vấn đề trên thế giới đều là kết quả của những câu chuyện mà chúng ta kể cho nhau nghe. Khi thay đổi câu chuyện, chúng ta sẽ thay đổi tất cả.



Chúng ta đã nghe rất nhiều câu hỏi cũng như đã tranh luận rất nhiều quanh câu chuyện bằng cách nào để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng ngay lúc này đây, hãy tạm quên chuyện giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đi.

Biến đổi khí hậu thực ra chẳng phải là vấn đề đâu. Biến đổi khí hậu thường được đề cập theo cách đó trong diễn ngôn chủ lưu của chúng ta, cứ như thể vấn đề biến đổi khí hậu chỉ là tác dụng phụ tiêu cực đáng lo ngại của một loại thuốc mà tất cả chúng ta đều đồng ý là nó có lợi, nhưng biến đổi khí hậu không chỉ là một triệu chứng của một vấn đề sâu hơn, mà nó còn là một triệu chứng của một lối sống mà bất luận thế nào thì cũng ít ai trong chúng ta thực sự hài lòng với nó. Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng một khi ta đã thoáng thấy khả năng về một thế giới có thể còn hơn thế nữa.
Nếu thực sự muốn đi đến tận gốc rễ của biến đổi khí hậu, ta cần phải bắt đầu tự hỏi bản thân mình một số câu hỏi rất sâu. Những câu hỏi như: Tôi là ai? Chúng ta muốn cùng nhau tạo ra một tương lai như thế nào? Và câu chuyện nào sẽ giúp ta thực hiện được điều đó? Đây là những câu hỏi mà ta cần tập trung vào. Bởi vì nếu có một điều mà tôi học được, thì đó là việc những câu chuyện của chúng ta có một sức mạnh rất lớn để định hình thế giới.

Không một người nào có thể chặt hạ cả một khu rừng hay biến cả một cộng đồng thành nô lệ. Người đó cần một câu chuyện được nhiều người khác tin tưởng để hoàn thành những kỳ công đó. Mỗi vấn đề trên thế giới là kết quả của những câu chuyện mà chúng ta tự kể cho nhau nghe. Chúng cung cấp vai trò và bối cảnh mà trong đó hành vi của ta có ý nghĩa. Chẳng hạn, câu chuyện về “tiến bộ” xem quá trình chuyển đổi rừng thành những sự phát triển dầu cát hắc ín là một điều tích cực cho xã hội.


Những câu chuyện tác động lên thế giới vì chúng là những câu chuyện mà chúng ta đang hành xử trong đó. Và khi hành xử theo câu chuyện hiện tại của thế giới hiện đại, ta đang phá hủy các hệ thống trợ giúp đời sống mà ta phụ thuộc vào.

Khi thảo luận về các giải pháp, không khó để ta nhận ra rằng những câu chuyện - mà ta đã và đang được nghe kể về những khủng hoảng gặp phải - thì không vận hành hiệu quả. Cái cách ta đóng khung [các vấn đề] biến đổi khí hậu, tuyệt chủng các loài, phá rừng, bất bình đẳng, tội phạm, nghèo đói và chiến tranh thì không dẫn ta đi đến tận gốc rễ của vấn đề. Vậy gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Xét đến cùng, tôi tin rằng gốc rễ của vấn đề nằm ngay chính việc cho rằng xã hội loài người bằng cách nào đó tách biệt với thế giới thiên nhiên. Nếu thế giới là một “cái khác” [bên ngoài tôi] chứ không phải là chính “tôi”, thì việc tôi hành xử như thế nào với thế giới cũng chẳng tác động gì đến tôi. Ngày nay, câu chuyện này đang được phơi bày như là gốc rễ của những vấn đề trên. Và trừ khi ta thay đổi cách ta nghĩ – bằng không tất cả các giải pháp của ta đều sẽ nằm trong những con đường mà ở đó không thể có bất cứ sự thay đổi nào có thể thực sự diễn ra.

Gần đây, ngày càng có nhiều người nói về vấn đề này – điều này nói lên rằng cách các tự sự (narrative) của chúng ta mô tả về những vấn đề này đã mặc nhiên thừa nhận những giả định nhất định về giá trị của sự phát triển kinh tế và về các khái niệm duy vật, lấy con người làm trung tâm về sự tiến bộ của chúng ta.

Biến đổi khí hậu thường được đóng khung như là một vấn đề của chính nó, trong khi nguyên nhân thực sự vẫn chưa được làm rõ. Chúng ta muốn ‘giải quyết’ vấn đề biến đổi khí hậu; trong khi vẫn giữ nguyên hệ hình kinh tế toàn cầu hóa tăng trưởng vô hạn vốn là tác nhân đang gây ra vấn đề biến đổi khí hậu.

Đây là một lý do tại sao có nhiều người cực lực phản đối khái niệm ‘phát triển bền vững’. Ẩn ý trong cụm từ là chúng ta đều muốn bước đi trên con đường cũ – hàng hóa hóa thế giới tự nhiên, biến hệ sinh quyển sống động thành các đơn vị lợi nhuận để bán trong nền kinh tế nhân loại tưởng tượng của chúng ta. Nỗ lực thúc đẩy của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính quyền bị mắt kẹt trong câu chuyện cũ, đó là con người luôn tìm cách duy trì lối sống mà ngày càng nhiều người nhận ra là không có tính bền vững.

Và đó chính là vấn đề. Điều này không thể được thực hiện! Bạn không thể duy trì một hệ thống vốn không có tính bền vững!

Chừng nào các giải pháp của chúng ta còn gắn chặt với mong muốn duy trì hệ thống vốn không có tính bền vững, thì những nỗ lực của ta sẽ dẫn ta đâm vào vách đá mà thôi.

Đó là lý do tại sao chúng ta rất cần những tự sự mới để hóa giải lời nguyền của câu chuyện cũ.

Những câu chuyện mới này phải phơi bày nhiều giả định vô hình trong những tự sự cũ của chúng ta. Nhưng trên hết, những câu chuyện mới này phải lôi cuốn trí tưởng tượng của chúng ta – những câu chuyện này phải đánh thức các giấc mơ tập thể về thế giới tươi đẹp hơn có thể có mà ta biết là khả thi.

Tương lai không thuộc về những người muốn làm cho những vấn đề vốn đã tồi tệ thì nay bớt tồi tệ hơn. Tương lai cũng không thuộc về những người cho rằng sự bền vững là cần phải buông bỏ mọi thứ hay ‘sống tối giản’. Mà tương lai thuộc về những người biết rằng sự chuyển đổi của thế giới này là cần phải bảo vệ tất cả những gì ta trân trọng và yêu thương. Tương lai thuộc về những người thấy rằng sự chuyển dịch sang một lối sống mới này sẽ mang đến cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa và niềm hân hoan mà câu chuyện cũ không bao giờ có thể tưởng tượng được.

Sự chuyển đổi mang tính cách mạng trong văn hóa của chúng ta sẽ được thực hiện bởi những người có thể dệt nên câu chuyện có ý nghĩa nhất mà ta có thể là một phần trong đó.

Câu chuyện mới không phải là chuyện buông bỏ những thứ ta muốn. Mà câu chuyện mới là chuyện ta đạt được những thứ mà ta chẳng bao giờ nghĩ là có thể có được – như niềm vui, ý nghĩa và trải nghiệm, đây là những thứ khiến cuộc sống trở nên đáng sống đến mức không thể tin được.

Câu chuyện mới là về việc từ bỏ một vài thứ, chẳng hạn như bất an, áp lực, bạo lực, nghèo đói, cô đơn, mất kết nối, thiếu cộng đồng và thiếu ý nghĩa - tất cả những thứ này đều khiến cho cuộc sống của nhiều người trên thế giới này trở nên khốn khổ. Chúng ta sẵn sàng từ bỏ tất cả những thứ này.

Vậy câu chuyện thay thế là gì? Những tự sự mới là gì? Một câu hỏi như vậy không thể được trả lời bằng một tuyên bố duy nhất. Nhưng trong những năm qua, tôi đã bắt gặp rất nhiều bộ phim, bài báo và những cuốn sách xuất sắc nói lên câu chuyện này theo cách riêng.

Tiếp theo sẽ là một bộ sưu tập các tự sự thay thế tốt nhất về thế giới của chúng ta. Khi được kết hợp, chúng vẽ lên một thế giới tươi đẹp hơn mà - trong sâu thẳm của trái tim bé bỏng của chúng ta, tôi tin rằng - chúng ta biết là có thể có.




































































Các tự sự trên xoay quanh một câu chuyện mới và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, chính câu chuyện mới đã mang lại cảm hứng cho tôi. Câu chuyện mới này rút ra từ sự khôn ngoan và hiểu biết về các nền văn hóa cổ xưa và cả về các nền văn hóa mới. Đó chính là một câu chuyện đáng để chúng ta là một phần trong đó.

Tôi tin rằng đây là một câu chuyện hấp dẫn đến nỗi, khi thế giới nghe câu chuyện mới này, người ta sẽ bắt đầu hành xử theo nó. Và khi chúng ta bắt đầu hành xử theo câu chuyện mới trong đời sống thường nhật, tất cả những vấn đề bắt nguồn từ câu chuyện cũ sẽ bắt đầu dần dần biến mất trên thế giới này.

[Câu chuyện mới sẽ làm thay đổi thế giới] từ những con tim và khối óc khi được thay đổi sẽ nảy sinh ra vô số hành động, giải quyết vô số cuộc khủng hoảng của chúng ta tận gốc cho đến hàng tỷ lối sống nhỏ bé khác nhau.

“Tương lai thuộc về câu chuyện hấp dẫn nhất.” — Drew Dellinger

Bài viết này được cấp phép theo Giấy phép Creative Commons Attribution-Share Alike 3.0 [Giấy phép Ghi công – Chia sẻ tương tự 3.0].
Tim Hjersted là đạo diễn của dự án Films For Action [tạm dịch: Các bộ phim thúc đẩy con người hành động] và có thể liên hệ với ông qua trang Facebook. Vô cùng cảm ơn Chris Agnos ở trang web Con người bền vững vì những đóng góp cho bài báo này.
Bài viết này được cấp phép theo Attribution-Non Commercial-Share Alike 4.0 International License [Giấy phép Quốc tế Ghi công – Phi thương mại – Chia sẻ tương tự 4.0].

Hồ Thu Hiền dịch

Nguồn: The Story That’s Destroying the World, Films for Action, Aug 19, 2014.
Print Friendly and PDF