20.11.19

Quyết định của Tòa án Hồng Kông về lệnh cấm đeo mặt nạ trong các cuộc biểu tình chọc giận Bắc Kinh


QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN HỒNG KÔNG VỀ LỆNH CẤM ĐEO MẶT NẠ TRONG CÁC CUỘC BIỂU TÌNH CHỌC GIẬN BẮC KINH
Tòa án tối cao Hồng Kông đã ra phán quyết cho rằng lệnh cấm đeo mặt nạ của cơ quan hành pháp là vi hiến.
HuffPost và AFP
Ảnh: ASSOCIATED PRESS
Quyết định của tòa án Hồng Kông về lệnh cấm đeo mặt nạ chọc giận Bắc Kinh (người biểu tình với chiếc mặt nạ Guy Fawkes vào ngày 7 tháng 11 năm 2019)
TIN QUỐC TẾ – Trong bối cảnh những căng thẳng mới ở Hồng Kông chống lại sự kìm kẹp của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ tự trị, hành động can thiệp này của Bắc Kinh có nguy cơ khiến cho những người biểu tình trở nên gay gắt hơn một chút. Vào hôm thứ ba, ngày 19 tháng 11, một phát ngôn viên của quốc hội Trung Quốc đã chỉ trích quyết định của cơ quan tòa án cao nhất Hồng Kông, nơi đã phán quyết lệnh cấm đeo mặt nạ trong các cuộc biểu tình là vi hiến.
Vào hôm thứ ba, một trong những phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng Quốc hội Trung Quốc là cơ quan duy nhất có thể chế định hiến-pháp-mini của Hồng Kông. 
“Quyết định của Tòa án tối cao Hồng Kông làm suy yếu nghiêm trọng sự điều hành của người đứng đầu cơ quan hành pháp và chính quyền đặc khu hành chính” (SAR, Special Administrative Region), theo lời của Jian Tiewei, phát ngôn viên của Ủy ban Pháp chế Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC, quốc hội Trung Quốc), theo các cơ quan truyền thông nhà nước.
Một chiến thắng mang tính biểu tượng của người biểu tình
Lệnh cấm đeo mặt nạ, được cơ quan hành pháp Hồng Kông đưa ra vào tháng trước, trong nỗ lực tháo kíp nổ các cuộc tranh luận ủng hộ dân chủ đã bị tòa án tối cao của thuộc địa cũ của Anh phán quyết là vi hiến, vào hôm thứ Hai.
Người biểu tình Hồng Kông đã phớt lờ lệnh cấm này và tiếp tục đeo mặt nạ để ngăn các lực lượng bảo vệ trật tự nhận dạng họ.  
Trong một bản tóm tắt của quyết định, tòa án tối cao Hồng Kông cho rằng luật [cấm đeo mặt nạ] “đã vượt quá những gì được cho là cần thiết một cách hợp lý”. Đây là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho những người biểu tình đã xuống đường trong hơn năm tháng qua chống lại sự can thiệp được cho là ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong các vấn đề của lãnh thổ [Hồng Kông].
Đáp lại, Jian Tiewei cho rằng chỉ có Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) mới có quyền quyết định liệu một luật có tuân thủ luật cơ bản của Hồng Kông hay không. “Không có một định chế nào khác có quyền đưa ra phán quyết hoặc quyết định”, ông nói.
Khuôn viên Đại học Bách khoa [PolyU] bị phong tỏa, nhà nữ lãnh đạo chính quyền kêu gọi [người biểu tình] “đầu hàng”
Sau hơn năm tháng tranh luận, việc những người “ủng hộ dân chủ” xuống đường đã không hề suy yếu, mà còn ngược lại. Cuối tuần này, người ta đã chứng kiến ​​sự ra đời của một thành trì mới của những người biểu tình, trường Đại học Bách khoa ở Cửu Long. Hàng trăm người chống đối đã cố thủ ở trong đó kể từ hôm Chủ nhật, đẩy lùi các nỗ lực của cảnh sát nhằm trục xuất họ, bằng các chai bom xăng [cocktail Molotov], bằng cách ném gạch và bắn tên.
Carrie Lam (1957-)
Sáng hôm thứ ba, ngày 19 tháng 11, nữ đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam, cho rằng những người biểu tình cố thủ trong khuôn viên trường không có lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng, nếu muốn có một giải pháp ôn hòa trước cuộc đối đầu căng thẳng với cảnh sát.
“Chúng ta chỉ có thể đạt được mục tiêu này với sự hợp tác đầy đủ của những người biểu tình, đặc biệt là những kẻ bạo loạn phải chấm dứt các hành động bạo lực, đầu hàng và rời khỏi trường một cách ôn hòa bằng cách nghe theo những chỉ thị của cảnh sát,” bà Carrie Lam nói trong một cuộc họp báo, phát biểu đầu tiên của bà kể từ khi [cảnh sát] bắt đầu vây hãm đại học.
Bà ước tính có khoảng một trăm người vẫn cố thủ trong khuôn viên trường này, nơi đã trở thành một mặt trận chính của cuộc tranh luận ở Hồng Kông.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF