21.11.19

Chừng nào tăng trưởng kinh tế vẫn còn tiếp tục, chúng ta sẽ chẳng bao giờ từ bỏ thói quen sử dụng nhiên liệu hoá thạch đâu

CHỪNG NÀO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VẪN CÒN TIẾP TỤC, CHÚNG TA SẼ CHẲNG BAO GIỜ TỪ BỎ THÓI QUEN SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH ĐÂU
Có thể có nhiều xe đạp hơn, nhưng cũng sẽ có nhiều máy bay hơn. Chúng ta vẫn không dám nhìn nhận quy mô của mối đe dọa này đối với hành tinh của mình.
Ảnh minh họa: Sébastien Thibault
Có phải chúng ta đang trở nên tốt hơn không? Chúng ta đang thực hiện quá trình chuyển dịch sang một tương lai chạy các thiết bị hoàn toàn bằng điện. Bây giờ chúng ta có thể để cho nhiên liệu hóa thạch nằm yên dưới lòng đất và ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Hoặc chúng ta có thể tưởng tượng ra viễn cảnh đó nếu [chịu khó] theo dõi tin tức công nghệ.
Vậy làm thế nào mà lần đầu tiên trong lịch sử, ngành sản xuất dầu cán mốc 100 triệu thùng mỗi ngày? Làm thế nào mà ngành công nghiệp dầu mỏ dự kiến ​​nhu cầu sẽ không ngừng tăng cho đến những năm 2030? Làm thế nào mà ở nước Đức, nơi có quá trình chuyển đổi năng lượng (Energiewende) được coi là một hình mẫu cho thế giới, [lại có cảnh tượng] những người biểu tình bị cảnh sát đánh đập khi họ cố gắng bảo vệ khu rừng Hambacher 12.000 năm tuổi tránh khỏi việc người ta khai thác than lộ thiên loại than bẩn nhất? Tại sao việc đầu tư vào cát dầu tại Canada nguồn dầu mỏ bẩn nhất lại tăng gấp đôi chỉ trong một năm?
Câu trả lời đó là sự tăng trưởng. Có thể có nhiều xe điện hơn xuất hiện trên các tuyến đường, nhưng cũng có nhiều động cơ đốt trong hơn. Có nhiều xe đạp hơn, nhưng cũng có nhiều máy bay hơn. Vấn đề không phải là chúng ta làm được bao nhiêu việc tốt: [mà vấn đề là] việc ngăn chặn biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc ngừng làm điều xấu. Ở những quốc gia đủ giàu có để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, sự tăng trưởng kinh tế đỏi hỏi gia tăng tiêu dùng vô nghĩa, nên khó nhìn ra việc tăng trưởng kinh tế có thể vô can trong việc tàn phá hành tinh sống này.
Trong một nền kinh tế đang phát triển, khi một ngành công nghiệp phát thải carbon thấp mở rộng quy mô, tiền mà nó tạo ra sẽ kích thích ngành công nghiệp phát thải carbon cao. Bất cứ người nào làm việc trong lĩnh vực này đều biết các doanh nhân môi trường, chuyên gia tư vấn sinh thái và nhà quản lý doanh nghiệp xanh dùng thu nhập của họ để chi trả cho các kỳ nghỉ ở những nơi xa xôi trên thế giới cũng như các chuyến bay để đến đó. Phương tiện giao thông chạy bằng điện đã thúc đẩy một cơn sốt tài nguyên mới, đặc biệt là với lithium. Cơn sốt này đã và đang khiến cho các dòng sông bị ô nhiễm, phá hủy những khu vực thiên nhiên hoang dã quý giá. Tăng trưởng sạch cũng ngược đời chẳng kém gì so với than sạch. Nhưng việc đưa ra tuyên bố hiển nhiên này đến tai công chúng không khác gì là một vụ tự sát về mặt chính trị cả.
Chính sách môi trường mới của đảng Lao động [Anh], được công bố trong tuần này, cho rằng đúng là “mô hình kinh tế hiện tại của chúng ta đang đe dọa nền tảng của phúc lợi loài người”. Chính sách này thừa nhận rằng sự sụp đổ về sinh thái không thể được ngăn chặn thông qua sự lựa chọn của người tiêu dùng hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: các biện pháp ứng phó với tình trạng khó khăn nhất phải được quyết định dựa trên nghiên cứu khoa học, và phải được chính phủ lên kế hoạch, phối hợp và lãnh đạo. Chính sách này cam kết sẽ đáp ứng mục tiêu thỏa thuận Paris về việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên không quá 1,5oC”. Nhưng, giống như hầu hết các chính sách khác, nó phớt lờ vấn đề cơ bản. Khi vượt qua một ngưỡng nhất định, tăng trưởng kinh tế - tác lực giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo, và tránh khỏi tình trạng thiếu thốn, bẩn thỉu và bệnh tật – sẽ đẩy ngược chúng ta về tình trạng cũ. Nhìn vào sự tàn phá mà biến đổi khí hậu đang gây ra, chúng ta dường như đã chạm đến cái ngưỡng đó rồi.
Mâu thuẫn rõ ràng nhất là khi văn bản của chính sách này đề cập về các sân bay (một vấn đề mà đảng [Lao động] này có nhiều luồng ý kiến trái ngược). Đảng Lao động đảm bảo rằng bất kỳ sự mở rộng sân bay nào cũng phải tuân thủ các tiêu chí về biến đổi khí hậu. Nhưng mở rộng sân bay đã mâu thuẫn với các cam kết khí hậu của đảng. Ngay cả khi lượng khí thải máy bay được hạn chế ở mức như năm 2005, đến năm 2050, chúng sẽ chiếm một nửa lượng phát thải khí carbon của quốc gia nếu nước Anh vẫn giữ cam kết về việc không để hành tinh này ấm lên quá 1,5oC. Nếu các sân bay phát triển, chúng sẽ làm tăng lượng phát thải khí carbon quốc gia.
Mở rộng sân bay sẽ khiến những người có thu nhập thấp hơn phải chịu tác động nhiều hơn, vi phạm các nguyên tắc về công lý và công bằng mà đảng Lao động đại diện. Bất kể khả năng chi trả [của người mua] và chi phí của các chuyến bay, chủ yếu người đi máy bay vẫn là người giàu, họ là những người có các cuộc gặp gỡ đối tác ở New York, có ngôi nhà thứ hai ở Tuscany và có tiền để chi trả cho những ngày nghỉ mùa đông ở những khu vực đầy nắng. Tuy nhiên, các ảnh hưởng như tiếng ồn, ô nhiễm và biến đổi khí hậu bị đẩy sang hết cho người nghèo.
Jacinda Ardern (1980-)
Tôi hiểu rằng việc thách thức các hệ tư tưởng ít gây tranh cãi nhất của chúng ta - sự tăng trưởng và chủ nghĩa tiêu dùng - là một lời kêu gọi đầy khó khăn. Nhưng ở New Zealand, sự thách thức này đang bắt đầu diễn ra. Jacinda Ardern, nữ thủ tướng thuộc đảng Lao động, phát biểu: “Khó còn có thể coi một chính sách giúp gia tăng GDP là thành công nếu nó lại chính là thứ tàn phá môi trường”. Những câu hỏi như liệu nhận định này sẽ biến thành chính sách như thế nào, và liệu mâu thuẫn nội bộ trong đảng có được giải quyết hay không thì vẫn chưa có lời giải.
Không chính trị gia nào có thể hành động mà không cần đến sự ủng hộ. Nếu muốn các đảng chính trị giải quyết những vấn đề này, ta cũng phải bắt đầu tác động đến họ. Chúng ta không thể dựa vào các phương tiện truyền thông làm điều đó cho mình. Một báo cáo của nhóm nghiên cứu Media Matters [Các Vấn đề Truyền thông] cho thấy tổng thời gian phát sóng về tình trạng biến đổi khí hậu trên 5 trang mạng tin tức của Hoa Kỳ (ABC, CBS, NBC, Fox và PBS) lên tới 260 phút trong năm 2017 – chỉ nhỉnh hơn 4 giờ đồng hồ một chút. Hầu như tất cả đều liên quan đến trò hề của Trump (Liệu Trump sẽ rút khỏi hiệp định Paris chứ? Trump đã đi đâu và làm gì vào lúc này?) thay vì đề cập đến việc ứng phó với tình trạng hỗn loạn của khí hậu theo đúng nghĩa của nó. Hầu như chẳng có trang tin nào đề cập đến mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và nhiều thảm họa kép bất thường mà Hoa Kỳ phải gánh chịu trong năm đó; đến những phát hiện mới trong ngành khoa học khí hậu; hoặc đến tác động của các đường ống mới hoặc mỏ than. Tôi không thể tìm thấy một nghiên cứu tương tự nào ở nước Anh gần đây. Tôi ngờ rằng tình hình phát sóng về tình trạng biến đổi khí hậu ở nước Anh có tốt hơn một chút, nhưng cũng chẳng khá hơn là bao.
Sự phủ nhận tồi tệ nhất không phải là tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng hiện sinh này không hề xảy ra. Việc kể về cuộc khủng hoảng này mới là một sự thất bại. Không kể về những sự bất định lớn nhất mà chúng ta đối mặt, ngay cả khi nó bắt đầu trở thành hiện thực, đòi hỏi một sự nỗ lực bền bỉ và quyết tâm. Nhìn chung (tất nhiên không thể vơ đũa cả nắm), giới truyền thông là mối đe dọa đối với nhân loại. Họ khẳng định là họ đại diện tiếng nói của chúng ta, nhưng hoặc những gì họ nói chống lại chúng ta hoặc họ chẳng nói gì cả.
Joe Romm (1960-)
Vậy chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải lên tiếng. Như tác giả Joe Romm chuyên viết về khí hậu đã lập luận trên trang tin ThinkProgress năm nay về việc một yếu tố quan trọng trong sự thay đổi đáng chú ý về thái độ đối với giới LGBT là nhờ sự quyết tâm của các nhà hoạt động xã hội mà đã phá vỡ sự im lặng. Họ đã vượt qua sự lúng túng của xã hội để khơi gợi những vấn đề nhạy cảm mà nhiều người thấy không thoải mái khi đề cập đến. Romm cho rằng chúng ta cần phải lên tiếng về tình trạng biến đổi khí hậu. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 65% người Mỹ hiếm khi hoặc không bao giờ bàn luận về chủ đề này với bạn bè hoặc gia đình mình, và chỉ 1 trong 5 người từng thấy người quen đề cập đến nó ít nhất mỗi tháng một lần. Cũng giống như truyền thông, một cách không ý thức chúng ta đầu tư một nỗ lực về mặt tâm lý vô cùng lớn vào chuyện không bàn luận về một vấn đề đe dọa đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta.
George Monbiot
Hãy chấp nhận sự dị nghị. Hãy phá vỡ sự im lặng, dù cho việc đó có khiến cho chúng ta và những người khác cảm thấy không thoải mái đi nữa. Hãy nói về những thứ vốn bị lờ đi: không chỉ về tình trạng biến đổi khí hậu, mà còn về tình trạng tăng trưởng và chủ nghĩa tiêu dùng. Hãy tạo ra một không gian chính trị, nơi có các đảng phái có thiện chí có thể hành động. Hãy cùng lên tiếng vì một thế giới tốt đẹp hơn.
• George Monbiot là cây bút chuyên viết bài bình luận trên tờ Guardian.
Nguyễn Thị Linh Giang dịch
Print Friendly and PDF