11.11.19

Hình thành giai cấp và chủ nghĩa tư bản nông nghiệp


Tania Murray Li (1959-)

HÌNH THÀNH GIAI CẤP VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN NÔNG NGHIỆP

Tania Murray Li (Đại học Toronto, Canada)
Chuyển ngữ: Bùi Thế Cường (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)
Ai sở hữu cái gì? Ai làm gì? Ai kiếm được gì? Họ làm gì với thặng dư? Bốn câu hỏi đó, nhà nông học Henry Bernstein đặt ra, là một xuất phát điểm tốt cho phân tích hình thành giai cấp nông thôn. Những câu hỏi ấy đặc biệt phù hợp cho những nơi chế độ sở hữu ruộng đất và năng lực đầu tư thặng dư để làm tăng quy mô và hiệu quả canh tác, chúng quyết định nông hộ nào thì có thể duy trì sản nghiệp và tích lũy, nông hộ nào thì bị vặt trụi ruộng đất. Tôi đã nghiên cứu một nơi như vậy ở vùng sâu vùng xa nông thôn Indonesia, ở đó tôi dõi theo sự hình thành nhanh chóng những giai cấp nông thôn sau khi các hộ nông dân cao nguyên bản địa nhận phần từ đất công hữu trước kia và bắt đầu trồng cacao. Kể từ đó, họ không còn khả năng quay trở lại nền sản xuất tự cung tự cấp nữa, vì mảnh đất nhỏ của họ không thể cung đủ lương thực cho gia đình và đủ tiền mặt cho nhu cầu quần áo, học phí, v.v.. Do vậy, họ phải tăng cường sản xuất cho thị trường, hy vọng kiếm đủ tiền cho nhu cầu gia đình và duy trì sản xuất. Kẻ thất bại thì mất đất. Đấy chính xác là trường hợp, mà sách giáo khoa đã dạy, sẽ xảy ra khi nông hộ nhỏ trở nên giống hệt công ty nhỏ: bị thống trị bởi các quan hệ tư bản chủ nghĩa, nông hộ nhỏ­­­ dễ mất đi tất cả khi không thể đầu tư để giữ cho doanh nghiệp của mình đủ sức cạnh tranh; và họ lại không còn khả năng cứ mãi đầu tư khi không thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.
Quá trình hình thành giai cấp mà tôi vừa mô tả ngày càng bị biến dạng vì những yếu tố khác. Quan trọng nhất là những trợ cấp [transfers] của Chính phủ và tiền di dân gửi về nhà. Một nông hộ nhận trợ cấp Chính phủ (chẳng hạn chương trình Bolsa Família ở Brazil) hoặc người nhà ở nơi khác gửi tiền về thì chống chọi được với nguy cơ mất sản nghiệp trong thời gian khó khăn (sản phẩm mất giá, nợ không thể trả, mùa màng thất bát, gia đình có người đau ốm hoặc gặp sự cố). Có thể dùng tiền gửi để mua đất, cho vay lãi, hoặc đầu tư vào giáo dục. Cũng có thể dùng để xây nhà lớn hay làm đám cưới hoành tráng, trông bề ngoài tưởng là chi phí vô bổ, song thực ra để tạo dựng mạng lưới xã hội cho gia đình và tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất (kiếm được hợp đồng, tín dụng, thông tin, nâng đỡ). Ngày nay, ta có thể nhìn thấy “những ngôi nhà nhờ tiền gửi về” và vô vàn dấu hiệu khác thể hiện sự chuyển đổi của đất, lao động, và tư bản trên mọi vùng nông thôn châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Ở đây, bốn câu hỏi nêu trên (ai sở hữu cái gì, ai làm cái gì, ai kiếm được cái gì, và họ làm gì với thặng dư) vẫn có thể dùng để phân tích sự hình thành giai cấp nông thôn, nhưng cần diễn giải chúng rộng hơn kết hợp với một loạt các quan hệ phi nông.
Dịch chuyển từ cấp độ nông gia nhỏ hay nông hộ [small farm or household-based farm] lên cấp độ kiểm soát những dải đất lớn, phân tích giai cấp trở nên phức tạp hơn bởi những quyền lực phi thị trường chúng quyết định “ai sở hữu cái gì” và “ai kiếm được cái gì” ở nông thôn. Ở Philippines cũng như ở phần lớn Mỹ Latin, địa chủ lớn, những người kiếm được dất trong thời thuộc địa Tây Ban Nha, là những kẻ thống trị trong chính trị, và họ xác lập luật lệ để bảo vệ sở hữu đất của mình bất kể có hiệu quả sản xuất hay không. Ở Indonesia cũng như khắp Đông Nam Á, nơi không có lịch sử thuộc địa đại sở hữu đất, thì chính trị gia và quan chức chính phủ sử dụng quyền lực chính thức và không chính thức của chúng để chiếm hữu những dải đất lớn. Ở những vùng này, không phải đất đẻ ra địa vị chính trị mà địa vị chính trị đẻ ra đất. Vì có thể dùng đất để đầu cơ hoặc phù phép ra lợi nhuận, nên là một “địa chủ” thì không nhất thiết phải dính líu nhiều với chủ nghĩa tư bản hay nông nghiệp.
Hiểu rõ bản chất giai cấp của những nông trại hay đồn điền lớn là chủ đề cấp thiết hiện nay, vì hình thái sản xuất này đang bành trướng mạnh. Chẳng hạn ở Indonesia, các đồn điền trồng cọ dầu chiếm tới 10 triệu hecta, mà Chính phủ còn đang muốn mở tới 20 triệu hecta lận. Ở Lào và Cambodia, đồn điền cao su đang ngày càng chiếm chỗ. Ở Brazil và các nước láng giềng thì là những nông trại đậu nành được cơ giới hóa. Thường thường, những nông trại và đồn điền lớn ấy, dù chủ là cá nhân hay công ty quốc gia hoặc xuyên quốc gia, không mang tính “tư bản chủ nghĩa” theo nghĩa như sách giáo khoa vẫn rao giảng, vì chúng không hề phải thanh toán theo giá thị trường cho bất kỳ chi phí đầu vào nào. Chúng được hỗ trợ khủng từ chính sách cho thuê miễn phí hay giá bèo những khu đất Nhà nước tuyên bố là của mình, chúng còn được hỗ trợ bởi hạ tầng do Nhà nước cung cấp, rồi chính sách giảm thuế và tín dụng lãi suất thấp. Đôi khi chúng còn kiếm được lao động giá rẻ nhờ các chương trình di dân do Nhà nước chống lưng. Trong thực tế, “nhà đầu tư” xuyên quốc gia - thường được tưởng tượng như là tư bản chủ nghĩa lý tưởng điển hình - chỉ đầu tư rất ít hoặc chả đầu tư gì, mà chỉ dựa trên đầu vào miễn phí hay trợ cấp. Các doanh nghiệp nông nghiệp lớn có thể dựa dẫm nhiều vào các chương trình nông nghiệp có hợp đồng hoặc chương trình đại quy mô chúng che khuất hoặc “đánh bùn sang ao” câu hỏi ai thực sự sở hữu cái gì và ai kiếm được dòng lợi nhuận. Người ta biện minh cho việc trợ cấp các đại nông gia bằng biện luận rằng các nhà sản xuất lớn đem lại “phát triển” và công ăn việc làm – lập luận ấy hoàn toàn bỏ qua những loại hình việc làm và phát triển đa dạng hơn mà giới đại nông gia đã chiếm chỗ, hoặc lờ đi những cơ hội bạo lực hay tống tiền mà các đại đồn điền đã có được nhờ vào vị trí độc quyền của chúng.
Quan chức chính phủ và chính trị gia kiếm bộn lợi nhuận từ sự bành trướng các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, mở ra cả một dòng thu lợi nhờ cấp giấy phép, thu phí, lại quả, và tống tiền. Chúng ngồi đầy các loại hội đồng quản trị. Có thể phân tích như thế nào cái cấu hình giai cấp [class configuration] của những sự lai ghép pha trộn công ty-nhà nước-cá nhân như thế? Các quan hệ giai cấp mà ta có thể quan sát giữa tư bản và lao động từ quan điểm sản xuất vẫn là quan trọng, nhưng cũng cần xem xét những cấp độ và quan hệ khác. Tư bản toàn cầu không phải là đất ở một nước như Brazil hay Indonesia, lối đi của nó được tạo ra bởi đủ loại liên kết, liên minh, luật lệ, và diễn ngôn. Một số thuật ngữ nổi lên trong văn liệu làm sáng tỏ sự dính líu của các quyền lực nhà nước và phi nhà nước trong việc tạo ra lối đầu tư này, đó là “giới tinh hoa săn mồi” [predatory elites] hoặc “bọn tư bản thân hữu” [crony capitalists]. Những lai ghép như thế không phải chỉ có ở nông nghiệp hay ở khối Toàn cầu phương Nam. Các công ty chủ chốt thường xuyên nhận được nâng đỡ chính trị và độc quyền do Nhà nước cấp phép và gặt hái siêu lợi nhuận nhờ khả năng nắm bắt được những đặc lợi. Bốn câu hỏi ban đầu vẫn phục vụ đắc lực như một khung hướng dẫn cho việc phân tích những sự hình thành ấy: ta vẫn cần biết ai sở hữu cái gì, ai làm cái gì, ai kiếm được cái gì, và họ làm gì với thặng dư. Song một lần nữa, những câu hói như thế cần kết hợp với những hình thái sở hữu, lao động, và đầu tư, chúng vận hành xuyên qua các cấp độ. Những hình thành giai cấp càng kéo dài ra và càng vướng víu vào nhau, thì chúng càng tỏ ra tối nghĩa đối với những công nhân đồn điền, nông hộ hợp đồng, hoặc cổ đông nhỏ độc lập, những người chết kẹt trong các quan hệ bóc lột, mà họ không thể nào nhận chân được, càng không thể đấu lại được. 

Chú thích: Bài đã đăng ở Tạp chí Khoa học xã hội (TPHCM), Số 6(250)/2019: 72-75. Nguyên tác: “Class Formation and Agrarian Capitalism”. Global Dialogue, International Sociological Association, Vol. 9 Issue 1 April 2019. Tác giả và tạp chí đã cho phép dịch và xuất bản ở Việt Nam. Bản dịch là sản phẩm của Đề tài “Cơ cấu giai tầng xã hội vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2010-2020” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt và tài trợ.
Print Friendly and PDF