29.11.19

“Hồng Kông, hãy đứng vững!”: khi cư dân mạng Trung Quốc ủng hộ người biểu tình + Hồng Kông: “Tất cả chúng tôi đều ở tuyến đầu”


“HỒNG KÔNG, HÃY ĐỨNG VỮNG!”: KHI CƯ DÂN MẠNG TRUNG QUỐC ỦNG HỘ NGƯỜI BIỂU TÌNH
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình gần Đại học Bách khoa Hồng Kông ở Hồng Kông, Thứ Hai, ngày 18 tháng 11 năm 2019. (Nguồn: WWLP)
Người Trung Quốc đại lục nghĩ gì về cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông? Câu trả lời phổ biến nhất lọt được ra ngoài nước Trung Quốc đi từ sự chỉ trích dữ dội chống lại những người biểu tình ủng hộ nền dân chủ đến sự thờ ơ. Những tuyên bố công khai ủng hộ cuộc biểu tình hiện nay là rất hiếm, người ta buộc phải sống rất thận trọng ở đất nước của Tập Cận Bình. Trong cuộc bao vây Đại học Bách khoa bởi cảnh sát, trang tin tức China Digital Times đã cho đăng những thông điệp ủng hộ người dân Hồng Kông từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hồ sơ được David Bartel bình luận và dịch thuật.
2 VÒNG HỘI THẢO VỀ HỒNG KÔNG
Asialyst đang huy động [người tham dự] để tìm hiểu và tranh luận về cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tiền lệ ở Hồng Kông kể từ khi thuộc địa cũ của Anh được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Chúng tôi đề xuất tổ chức hai vòng hội thảo như sau:
- Thứ năm, ngày 28 tháng 11 vào lúc 19:00g tại trường École Normale supérieure ở Paris: chủ đề “70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: thách thức Hồng Kông”, đồng tổ chức với Nhóm nghiên cứu địa chính trị (GEG), một think tank liên kết với ENS. Vào cửa tự do, yêu cầu đăng ký vào đường liên kết này.
- Thứ ba, ngày 10 tháng 12 lúc 18:30g tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Inalco) ở Paris: “Khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông: bế tắc, và sau đó là gì?” Vào cửa tự do, bấm vào đây để đăng ký tham dự. 
Chính sách “chia để trị” là một điệp khúc chính trị xưa cũ. Chính phủ Trung Quốc và chính phủ Hồng Kông đang làm mọi thứ có thể để chống lại người dân của họ, với hy vọng không để những yêu sách nhiều hơn về các quyền tự do biến thành vết dầu lan ở đại lục.
Khi các phương tiện truyền thông Trung Quốc khẳng định rằng các sinh viên người đại lục ở Hồng Kông đang trốn khỏi khuôn viên các đại học Hồng Kông vì sợ bị các bạn học Hồng Kông hành hung, thì điều quan trọng để cho mọi người biết là, trong thực tế, chính quyền Bắc Kinh đang buộc họ phải rời khỏi khuôn viên các đại học vì sợ họ bị “lây nhiễm” bởi những ý tưởng như đã nói ở trên. Tôi chúc họ mọi điều tốt lành nhất. Chính họ là những nạn nhân trực tiếp nhất của một chế độ toàn trị”, theo lời của Nolan, một thanh niên Hồng Kông trên tuyến đầu các cuộc biểu tình, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Asialyst (xem bài "Tất cả chúng tôi đều ở tuyến đầu" dưới đây).
Chính xung quanh lệnh cấm chiếu phim Les Misérables [Những người khốn khổ], và cấm bài hát Do You Hear The People Sing? [Bạn có nghe người dân hát không], giờ đang trở thành bài ca không chính thức của phong trào dân chủ Hồng Kông, mà cư dân mạng Trung Quốc đã nói lên sự ủng hộ của mình, khi tìm cách lách Bức trường thành lửa của Trung Quốc, hệ thống kiểm duyệt mạng [Internet] do Bắc Kinh thiết lập. 
“XIN THỨ LỖI VÌ ĐÃ Im LẶNG”
Wang Shuxiao: Hãy đứng vững! Từ đại lục, tôi ủng hộ các bạn. Tôi xin lỗi vì không thể hỗ trợ các bạn một cách cụ thể hơn. Hãy thứ lỗi cho hầu hết chúng tôi vì không nắm được sự thật, hoặc vì thiếu can đảm. Nếu các bạn đọc được những dòng bình luận có ý xấu và ác tâm trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, xin vui lòng thứ lỗi cho họ!
Frederick Insights [Quan điểm của Frederick]: Hồng Kông, hãy đứng vững. Có rất nhiều người đại lục ủng hộ các bạn. Hầu hết chúng tôi bị buộc phải im lặng. Hãy bỏ qua những Boxer [chó bôcxơ] đang vượt Bức trường thành lửa để làm phiền các bạn, họ chỉ là nạn nhân của sự truyền bá ý thức hệ. Dân quyền, tự do, pháp trị là vô giá. Xin hãy đứng vững!
Village Zhang [Làng Zhang]: Một điều trớ trêu to lớn là bài hát này [bài hát của người biểu tình Hồng Kông – BBT] bị cấm ở đại lục. Chắc chắn, người dân làm họ sợ. Họ sợ tự do và bản lĩnh.
江沉 (Jiang Chen): Hồng Kông, hãy đứng vững! Từ đại lục, tôi ủng hộ các bạn. Chúng tôi xin lỗi vì không thể nói lên tiếng nói của mình. Chúng tôi xin lỗi vì không thể tìm hiểu sự thật thông qua các kênh chính thức. Chúng tôi xin lỗi vì đã im lặng, nhưng đó là điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm được. Người dân đại lục có lương tâm đứng về phía các bạn!
Ada Zhong: Hồng Kông, hãy đứng vững! Giờ đây, tôi đang thoát khỏi Bức trường thành lửa của Trung Quốc và cuối cùng có thể thấy được sự thật. Đây là lần đầu tiên mà trái tim tôi ở rất gần với Hồng Kông. Tôi đang bị Hồng Kông lay động! Hãy đứng vững! Tôi gửi lời chào đến các chiến binh Hồng Kông! Cảm ơn các bạn đã đấu tranh vì tất cả chúng ta, người dân Trung Quốc!
“CÁC BẠN LÀM TÔI THÍCH VÌ QUYỀN TỰ DO CỦA CÁC BẠN”
Self Liberate [Tự giải phóng]: Tôi hiểu Hồng Kông. Và tôi từ chối ủng hộ cái ác. Tôi đã hiểu mức độ hiểu biết của người dân đại lục, và những giá trị của họ. Giờ đây, tôi chỉ còn nước rời bỏ nơi đây mà thôi. Người Hồng Kông, hãy cẩn thận. Tôi sẽ nhớ hành động của các bạn, những gì mà các bạn đã làm cho đại lục. Tôi sẽ nhớ từng bước chân mà các bạn đã đi qua vì nền văn minh và nhân loại. Dù sao đi nữa, hãy sống với hy vọng. Hãy chiến đấu, hoặc ra đi!
Huang Liji: Ủng hộ Hồng Kông từ Quảng Tây nhờ vào VPN [Virtual Private Network, một phần mềm lách công cụ kiểm duyệt mạng [Internet] – BBT]. 
Hailey: Từ Chu Hải, gần Hồng Kông và Macao! Sau [cuộc biểu tình] ngày 9 tháng 6, từ người đeo “ruy-băng xanh” [ủng hộ Bắc Kinh], tôi đã trở thành người đeo “ruy-băng vàng” [ủng hộ dân chủ]. Tôi đã thức tỉnh từ sự truyền bá học thuyết cho rằng không có Đảng Cộng sản, thì không có nước Trung Quốc mới”. Giờ đây tôi mới biết được thế nào là một sự tẩy não. Đoàn kết với người dân Hồng Kông. Hãy đứng vững! 
Erica Huo: Hãy đứng vững, Hồng Kông. Có thể có rất nhiều người đại lục yêu thích Hồng Kông để mua sắm và giải trí, nhưng tôi, tôi thích Hồng Kông vì các quyền tự do của các bạn. Các bạn có thể kỷ niệm ngày 4 tháng 6. Các bạn có tất cả những cuốn sách mà chúng không thể được xuất bản ở Đại lục. Điều quan trọng hơn nữa là có những lúc mà người Hồng Kông thể hiện tình yêu mãnh liệt đối với lãnh thổ của mình và có sự can đảm để đấu tranh vì tự do và công lý. Khi lần đầu nghe qua những bài hát được viết về ngày 4 tháng 6, tôi đã nhận ra rằng âm nhạc có thể thể hiện niềm tin và giá trị của mình với rất nhiều cảm xúc. Và văn hóa của Hồng Kông đã vượt xa những bộ phim và nhạc pop mà người ta có thể xem và nghe được. Cảm ơn các bạn, Hồng Kông. 
“Tôi HỖ thẸn VÌ không thỂ làm ĐƯỢC GÌ nhiỀu hơn”
刘晨 (Liu Chen): Tôi là một học sinh trung học ở Trung Quốc đại lục. Hồng Kông, hãy đứng vững! Những người đấu tranh vì quyền của các bạn, hãy đứng vững! Một đất nước chỉ có thể được thống nhất khi người dân đoàn kết.
Fan Zhangye: Đơn giản là Bài hát đã bị cấm vào ngày hôm qua. Tôi muốn nghe lại, chính bởi vì nó bị cấm. Nhờ thế mà tôi tìm ra phiên bản của các bạn. Hãy đứng vững!
G Fujinshi: Khi sự kiện Thiên An Môn xảy ra, Hồng Kông đã đứng về phía phong trào dân chủ ở đại lục. Sau đó, có Chiến dịch Chim sẻ cánh vàng [cho phép sàng lọc và bắt bớ 400 người bất đồng chính kiến ​​v Thiên An Môn từ tháng 6 năm 1989 đến tháng 2 năm 1990 – BBT]. Và, hàng năm, ở Công viên Victoria, đều diễn ra cuộc tụ tập ngày 4 tháng 6 để tưởng nhớ các nạn nhân, dưới hình thức một phiên bản thu nhỏ về sự hậu thuẫn của Hồng Kông vì cuộc đấu tranh dân chủ ở đại lục. Hôm nay, là người từng lớn lên ở nơi không xa lắm [quảng trường] Thiên An Môn, nhưng từ giờ đang sống ở nước ngoài, thì tất cả những gì tôi có thể làm là để lại lời bình này và nói “Hãy đứng vững, Hồng Kông!” Ngay cả một đặc ân nhỏ nhất cũng phải được trả lại với lòng biết ơn lớn nhất. Tôi hỗ thẹn vì không thể làm được gì nhiều hơn.
“NƠI DUY NHẤT Ở CẢ NƯỚC MÀ tính NHÂN văn TIẾP TỤC TỎA SÁNG”
MIKE MIKE: Hãy đứng vững! Tôi là người ở Nội Mông, Trung Quốc đại lục. Tôi ủng hộ cuộc đấu tranh của người Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ tà ác. Và tôi thực lòng tôn trọng những người đang ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh vì dân chủ.
二十一世纪青年 [Thanh niên thế kỷ XXI]: Tôi là người ở Thành Đô, Hãy đứng vững, Hồng Kông!
Eo L: Hãy đứng vững, Hồng Kông! Hãy đón nhận sự ủng hộ của chúng tôi từ Quảng Đông.
Fiamma Sun: Tất cả điều này làm tôi khóc. Đây là nơi duy nhất ở cả nước mà tính nhân văn tiếp tục tỏa sáng. Chuyện đang xảy ra ở Hồng Kông làm tan nát trái tim tôi. Tôi muốn nói không biết bao nhiêu lời xin lỗi các bạn. Từ bên kia sông Thâm Quyến, tôi ủng hộ các bạn. Đừng bỏ cuộc!
CStudent: Tôi đã vượt qua Bức trường thành lửa của Trung Quốc để hiểu được ngọn ngành của những sự kiện. Chính nhờ thế mà tôi hiểu được cách thức các phát ngôn viên chính thức sắp xếp câu chuyện của họ và biến đúng thành sai. Nó làm tôi phát ốm! Tôi không thể làm bất cứ điều gì. Tôi không thể nói gì khác ngoài câu: làm ơn, hãy đứng vững, đừng buông tay.
zs z: Bất luận mưa rơi bao nhiêu, cuối cùng hoa tự do cũng sẽ luôn nở rộ. Hãy đứng vững, Hồng Kông.
“các BẠN ĐÃ THẮP SÁNG LẠI NIỀM HY VỌNG”
Cùng quan điểm trên, một nhóm người Trung Quốc đại lục đã viết một bức thư ngỏ cảm ơn người dân Hồng Kông[*]. Trong thư, họ bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đấu tranh vì quyền tự do tập thể của họ.
Chúng tôi là một nhóm người Trung Quốc từ đại lục. Chúng tôi đã lớn lên và đã được giáo dục ở đại lục. Kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình chống lại luật dẫn độ vào cuối tháng 3 năm 2019, chúng tôi đã quan sát rất kỹ diễn tiến của các sự kiện ở Hồng Kông. Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ sự can đảm và tính ngoan cường của các bạn và chúng tôi rất buồn về cái giá mà các bạn phải trả. Đồng thời, với tư cách là người đại lục, tôi muốn cảm ơn các bạn vì tất cả những gì mà các bạn đã làm! Xin cám ơn. Những gì các bạn đã làm, không chỉ là đấu tranh vì tự do của các bạn, mà còn là vì tự do của chúng tôi.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cai trị Trung Quốc trong 70 năm qua. Trong bảy thập kỷ đó, chu kỳ của các phong trào chính trị đã phá hủy, một cách tàn nhẫn, sự ngoan cường của dân tộc này. Ngày nay, không ai dám nói, trong một bầu không khí áp bức chính trị, trong khi những người có đạo đức đáng ngờ lại nắm quyền. Không hề có một lời nói thật trong cả nước, và không hề có sự tự do. Là người Trung Quốc đại lục, chúng tôi rất tuyệt vọng. Chúng tôi thậm chí không thể thổ lộ sự bất bình của mình và nỗi đau trong lòng mình. Nhưng các bạn đã thắp lại cho chúng tôi niềm hy vọng. Các bạn đã giúp chúng tôi thấy được vẫn còn hy vọng, ít nhất, ở một nơi trong đất nước tăm tối này. Điều, thậm chí, có giá trị còn lớn hơn là các bạn giúp chúng tôi thấy được sự ngoan cường, lòng can đảm và tính chính trực mà chúng tôi đã đánh mất từ ​​lâu, và [thấy được] đặc tính của sự bất tuân dân sự. Các bạn đối mặt với chế độ chuyên chế, giống như ngọn Sư Tử Sơn [Lion Rock] đang nhô cao trên thành phố, mà không bao giờ cúi lưng.
Ba mươi năm trước, khi Bắc Kinh gặp khủng hoảng, các bạn đã mang đến sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhất. Ngày nay, trong khi các bạn cần sự hậu thuẫn, thì chỉ nhận được từ Đại lục một sự không thấu hiểu và một thái độ trơ trẽn. Là người đại lục, chúng tôi hỗ thẹn về điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi muốn các bạn biết rằng người Trung Quốc đại lục ủng hộ các bạn. Họ cũng khao khát một xã hội có sự độc lập của tư pháp, công bằng về mặt xã hội, dân chủ và tự do. Họ cũng khao khát ánh sáng của nền văn minh hiện đại tỏa sáng lên mọi người ở nước Cộng hòa Nhân dân [Trung Quốc]. Họ biết rằng người dân Hồng Kông không chỉ đấu tranh vì tự do của chính họ, mà còn đấu tranh vì tự do của người Trung Quốc ở đại lục.
Điều không may là với tư cách là người đại lục, chúng tôi không thể sát cánh cùng các bạn trong cuộc đấu tranh vì tự do. Thậm chí, chúng tôi còn không dám nói tên của mình, không dám đứng lên hoặc ủng hộ các bạn. Xin thứ lỗi cho sự yếu đuối của chúng tôi, nhưng chúng tôi hy vọng các bạn biết rằng các bạn không cô độc. Vẫn có những người đại lục ủng hộ các bạn và sát cánh cùng các bạn.
THẺ SINH VIÊN
Một số sinh viên Trung Quốc từ đại lục hoặc từ các trường đại học bên ngoài Trung Quốc đã chọn một cách khác để bày tỏ sự ủng hộ của họ trên mạng: bằng cách đăng lên ảnh bìa thẻ sinh viên của họ kèm theo một chữ viết tay để ủng hộ người biểu tình, và đặc biệt để ủng hộ các sinh viên của Đại học Hồng Kông Trung Quốc.
Một sinh viên của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hefei (Anhui): “Sinh viên đại học CUHK, hãy tiến lên! Sinh viên đại học CityU, hãy tiến lên!” CUHK: Đại học Hồng Kông Trung Quốc. CityU: Đại học Thành phố Hồng Kông. (Nguồn: Pincong)
Một sinh viên của Đại học Tongji ở Thượng Hải: “Hồng Kông, hãy tiến lên!” (Nguồn: Pincong)
Một sinh viên của Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu: “Hãy giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”, một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất của những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. (Nguồn: Pincong)
Một sinh viên của Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu: “Sinh viên đại học CUHK, hãy tiến lên! Năm yêu cầu, không bớt một yêu cầu nào hết! Người Hồng Kông, hãy tiến lên!” CUHK: Đại học Hồng Kông Trung Quốc. “Năm yêu cầu” là các yêu sách của những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, đó là: rút lại toàn bộ dự luật dẫn độ, rút ​​lại cụm từ “người bạo loạn” để mô tả người biểu tình, phóng thích và ân xá cho những người biểu tình bị cầm tù, tiến hành một cuộc điều tra độc lập về những hành vi bạo lực của cảnh sát, sự từ chức của bà Carrie Lam kèm theo quyền bầu cử phổ thông trực tiếp trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp và Trưởng đặc khu hành chánh Hồng Kông. (Nguồn: Pincong)
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

* * *
HỒNG KÔNG: “TẤT CẢ CHÚNG TÔI ĐỀU Ở TUYẾN ĐẦU”
Một người biểu tình vẫy cờ Hồng Kông trên nền màu đen. (Nguồn: CNN)
Vào hôm thứ Bảy, cảnh sát Hồng Kông tuyên bố đã bắt giữ ba nghị sĩ ủng hộ dân chủ và yêu cầu bốn người khác đến trình diện tại đồn cảnh sát để chấp hành lệnh bắt giữ. Tất cả đều bị buộc tội hành động bạo lực trong các cuộc đụng độ [với cảnh sát] tại Hội đồng Lập pháp hồi tháng 5 năm ngoái, khi bà đặc khu trưởng cố gắng thông qua, một cách khẩn trương, một đạo luật cho phép dẫn độ sang nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Kể từ đó, bà đặc khu trưởng đã rút lại văn kiện [dẫn độ], nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Cuộc đối đầu với cảnh sát được giải quyết bằng một hành động bạo lực có tính hệ thống. David Bartel đã chuyện trò với một “người ở tuyến đầu”, trong số những người tiến lên tuyến đầu, đụng độ trực tiếp với cảnh sát.
Tôi biết anh ấy trong mười năm qua dưới một cái tên khác. Nolan, năm nay 39 tuổi. Anh làm nghề quay phim. Anh sinh trưởng ở Hồng Kông, bố mẹ anh cũng vậy. Ông bà của anh đã chạy khỏi vùng đất Quảng Châu vào những năm 1930. Một cách thận trọng, gần như dè dặt, anh kể cho tôi biết làm thế nào sự hiểu biết rành rọt của anh về hòn đảo Hồng Kông này đã giúp anh hoàn thành nhiều nhiệm vụ trinh sát và sơ tán người biểu tình, vốn có rất ít hiểu biết về địa lý đô thị của thành phố. Trong khi thảo luận, tôi phát hiện ra đây là một thổ địa, có kiến thức và rất thú vị.
Tôi hỏi anh ấy liệu anh có cho rằng mình là người ở tuyến đầuhay không – những người biểu tình “ở tuyến đầu”, đụng độ trực tiếp với cảnh sát. Anh ấy nói có, nhưng ngay lập tức nói thêm rằng những hành động tàn bạo của cảnh sát đã biến tất cả những người biểu tình thành những người ở tuyến đầutiềm năng. Anh nói, hôm nay, bất luận tuổi tác hay hành động của anh, khẩu hiệu hành động của cảnh sát có thể được tóm tắt trong một từ duy nhất: đàn áp. Vấn đề được bàn luận khắp nơi, ở các trường đại học và trong giới đấu tranh, là chiến thuật “khủng bố trắng” (白色恐怖) do cảnh sát và chính quyền Hồng Kông chỉ đạo. Chiến thuật đó, đặc biệt, được triển khai bởi một vùng xám về mặt pháp luật: sử dụng chuyển hướng các luật của thuộc địa, làm cho mọi cuộc họp hành, tụ tập, trở thành bất hợp pháp.
Nolan giải thích rằng địa điểm và ngày tháng diễn ra các cuộc biểu tình thường được đề xuất bởi Mặt trận Nhân dân về Dân quyền (民間人權陣線), một tổ chức được thành lập vào năm 2002, tập hợp đại bộ phận các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông. Dù cuộc biểu tình có được phép tiến hành hay không, người biểu tình vẫn xuống đường. Về phần Nolan, anh chuẩn bị các đồ đạc biểu tình của mình: mặt nạ phòng độc, kính bảo hộ, quần áo dự phòng, bộ dụng cụ cấp cứu, ống nhòm... Anh cũng mang theo một chiếc túi chống nước và các dụng cụ kẹp bếp để bịt miệng các quả lựu đạn cay.” “Rất hiệu quả,” anh nói với tôi.
Như vậy, Nolan tự coi mình là một người biểu tình bình thường, người tìm hiểu kỹ hơn một chút các trang mạng xã hội, hoặc đôi khi leo lên nóc các tòa nhà cao tầng để quan sát tình hình. Khi tôi hỏi khi nào thì anh quyết định cởi bỏ quần áo biểu tình, anh nói: Khi có tin đồn lan truyền cảnh sát được triển khai. Đây là một cuộc chiến thông tin, một cuộc chiến công nghệ, một cuộc chiến về dư luận và của các mạng xã hội.” Anh ấy dành rất nhiều thời gian để lướt các trang mạng xã hội...
Và anh ấy chơi trò mèo vờn chuột với cảnh sát. Biến mất trong một tòa nhà cao tầng, tìm một nơi để giúp người biểu tình thay quần áo, để rồi có thể biến mất sau đó. Nolan kể lại diễn tiến tăng dần của cơn giận của mình. Anh cảm thấy có nghĩa vụ bảo vệ người biểu tình, đôi khi là những sinh viên đại học. Chính vào lúc trở về từ châu Âu, mà anh đã quyết định tham gia vào cuộc chiến, sau cuộc đập phá quốc hội Hồng Kông và sự gia tăng đột ngột các hành động bạo lực của cảnh sát.
“NUỐT VIÊN THUỐC ĐẮNG”
Kể từ khi nổ ra “phong trào ô dù” năm 2014, chiến lược của phong trào đấu tranh đã thay đổi. Phong trào không có người lãnh đạo, không có nhân vật biểu tượng. Nolan nói về những nhóm nhỏ gồm mươi người, kết nối với nhau trên các mạng được mã hóa, trên các mạng di động, và nhanh chóng được tổ chức. Theo anh, chính quyền đã tính toán về một con số – phần lớn là giả thuyết – những người biểu tình “cực đoan”. Đối với chính quyền, các vụ bắt giữ cuối cùng sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ những người đồng tình và những người sẵn sàng tham gia biểu tình. Nolan ước tính đã có không ít hơn 2.400 các vụ bắt giữ. Việc giam giữ kéo dài 48 giờ, và nếu bị tuyên phạm tội bạo loạn, thì bị cáo có nguy cơ đối mặt với án tù lên đến 10 năm. Vì vậy, điều này khiến bạn phải suy nghĩ.
Thế nhưng Nolan khẳng định đó là một tính toán sai lầm. Họ là bạn bè, hàng xóm, cha mẹ... Hành động bạo lực của cảnh sát tạo ra sự bất mãn. Mỗi hành động chệch hướng sẽ làm gia tăng sự ủng hộ [đối với người biểu tình].” Như một khẩu hiệu được truyền miệng xung quanh các Bức tường Lennon [Lennon Wall], khi những người chống đối phong trào xé hoặc lột những mẫu giấy dán hoặc những áp phích: Lột đi một, chúng ta sẽ dán lại mười!” (撕一貼十, si yat tip sắp trong tiếng Quảng Đông). Ngày càng có nhiều người muốn tiến lên tuyến đầu, Nolan nói. 
Khi chúng tôi thảo luận về tương lai, Nolan tỏ ra bi quan. Cảnh sát Hồng Kông, từ lâu được cho là “[cảnh sát] tốt nhất châu Á”, đã vĩnh viễn đánh mất lòng tin trong dân chúng. Sẽ rất khó để cải thiện lại hình ảnh của cảnh sát. Tại những khu phố nổi tiếng như Wong Tai Sin hay Sam Shui Po, nơi cảnh sát hiện diện thường trực và rất ấn tượng, ngay cả trẻ con cũng ghét cảnh sát”.
Carrie Lam (1957-)
Nolan nói, “Nếu ngày càng khó tập hợp mọi người biểu tình ở cùng một nơi, thì sự thù hận sẽ tăng lên chống lại bà Carrie Lam. Vấn đề trách nhiệm của cảnh sát đối với công dân Hồng Kông là vấn đề trung tâm. Có nhiều khả năng, ngay cả khi người đứng đầu cơ quan hành pháp bị căm ghét, thì một ngày nào đó cảnh sát sẽ nuốt viên thuốc đắngkhi tiến hành một cuộc điều tra nội bộ và minh bạch về các hành động [bạo lực] của họ. Sự bất tài của bà đặc khu trưởng, từ nay, đều được mọi người biết đến: những hình ảnh, ngày 1 tháng 10, ghi lại cảnh bà ẩn náu ở Bắc Kinh đằng sau chủ tịch Trung Quốc, trong khi công dân Hồng Kông nói về “ngày tang tóc” là [một minh chứng] hùng hồn. Tuy nhiên, những hình ảnh của viên cảnh sát bắn trực diện vào một thiếu niên đặt lại vấn đề năng lực của cảnh sát, đồng thời châm ngòi cho những tin đồn về sự thâm nhập của cảnh sát đại lục vào lực lượng Hồng Kông. Nolan nói thêm: Hãy nhìn xem, các cuộc biểu tình, khi không có cảnh sát, đều diễn ra khá ôn hòa!”
PHONG TRÀO KHÔNG CÓ LÃNH ĐẠO ĐỐI MẶT VỚI CHÍNH QUYỀN KHÔNG CÓ LÃNH ĐẠO
Liu Yecheng
Deng Bingqiang
Đối với Nolan, phát xít đang lãnh đạo cảnh sát. Và anh viện dẫn hai quan chức cấp cao: Liu Yecheng (劉業成) và Deng Bingqiang (鄧炳強). Cả hai người này gần đây đã được đào tạo về công tác duy trì trật tự tại Tân Cương, một tỉnh tự trị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, nơi mà người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo bị cải tạo trên quy mô lớn, trong sự thờ ơ gần như toàn diện.
Nolan tỏ ra khó chịu đối với một số chủ đề thường xuyên tái diễn trong cuộc chiến truyền thông xung quanh bước ngoặt bạo lực có hệ thống của các cuộc biểu tình. Ban đầu là một chút lịch sử giúp người ta hiểu rằng không thể giải quyết được một cuộc khủng hoảng chính trị bằng các phương tiện [đàn áp của] cảnh sát”. Theo cách tương tự, người ta liên kết sự bất mãn vì những lý do kinh tế (đáng chú ý là giá thuê nhà ở) với cách thức giải quyết nhỏ giọt của chính quyền với hy vọng làm dịu đám đông. Nolan nhấn mạnh rằng đó thật là một điều xúc phạm, và một lần nữa, cuộc khủng hoảng mang tính chính trị!.
Tuy nhiên, có vẻ như một phong trào không có người lãnh đạo, đối mặt với một chính quyền không có người lãnh đạo, đặt ra những vấn đề nan giải cho các nhà chức trách ở Hồng Kông và Bắc Kinh, vốn rõ ràng không quen với việc giải quyết các yêu cầu của công dân thông qua đàm phán. Ngoài ra, về phía nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Tập Cận Bình bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, và quan trọng hơn, cuộc khủng hoảng thịt lợn đang tấn công mạnh vào đất nước, phải là mối quan tâm hàng đầu của ông ấy. Theo lời của một học giả Trung Quốc vào năm 1988, sự khoan dung đối với chính sách của chính phủ, ở Trung Quốc, được chỉ số hóa với giá thịt lợn. Ở một đất nước mà từ “gia đình” (, jia) được viết thành hình một con lợn dưới một mái nhà, người ta hiểu khá rõ tầm quan trọng tuyệt đối của một cuộc khủng hoảng đặc biệt mới về vệ sinh y tế [dịch tả lợn châu Phi – ND]. Về vấn đề này, phải nói thêm rằng kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình đã tập trung rất nhiều quyền lực đến mức mà, từ nay, cũng tập trung đa số các lời phê bình, mà không hề có bộ lọc hay bức đệm nào làm trung gian.
Lịch sử của Hồng Kông từ lâu đã được viết nên từ những câu chuyện lưu vong. Những năm 1949, 1958, 1966, tất cả các cột mốc thời gian đó, từng đánh dấu lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, đã đánh dấu lịch sử của Hồng Kông. Từ năm 1984 đến 1997, đã có gần 2 triệu người Hồng Kông thủ sẵn một hộ chiếu nước ngoài trước viễn cảnh trao trả [Hồng Kông]. Việc du học ở nước ngoài, gần như có tính hệ thống, giống như một sự tập dượt đi lưu vong. Thế nhưng đối với Nolan, tiền tuyến là thế hệ đầu tiên của những người yêu nước ở địa phương”. Nói về phong trào chống đối ở Hồng Kông, anh trích dẫn lời của Charles Dickens: Đó là thời điểm tốt đẹp nhất, đó là thời điểm tồi tệ nhất...” Nhưng bất chấp nghịch cảnh, phong trào này rất đẹp và không tưởng tượng được”. Bốn tháng đó là một trải nghiệm mãnh liệt của nội tâm [...] để tìm hiểu Hồng Kông là gì, và người dân Hồng Kông có khả năng gì”.
Trước khi chia tay, tôi hỏi Nolan nghĩ gì về những nỗ lực chính trị thường xuyên tái diễn tìm cách đối lập người Trung Quốc với người Hồng Kông. “Tôi không có gì khác ngoài việc chúc họ mọi điều tốt lành nhất. Họ là những nạn nhân trực tiếp nhất của một chế độ toàn trị.
Giới thiệu tác giả
David Bartel
Là nhà nghiên cứu độc lập, David Bartel sống ở Hồng Kông từ mười năm nay. Đỗ bằng tiến sĩ vào năm 2017 tại EHESS [Trường Cao học Khoa học Xã hội], luận án của ông viết về đề tài Khai sáng của Trung Quốc trong thế kỷ XX và cấu hình lại đương đại của phong trào. Ông đặc biệt quan tâm đến các liên kết giữa lịch sử, chính trị và ngôn ngữ. Sự kết hợp các diễn ngôn lý thuyết hậu hiện đại và hậu thuộc địa – ở Trung Quốc và các nơi khác – qua các thuật hùng biện mang tính dân tộc, và sự xóa bỏ văn hóa nhân danh văn hóa là những chủ đề trung tâm trong các nghiên cứu của ông.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Hong Kong: “Nous sommes tous au front”, Asialyst, ngày 09/11/2019.




Chú thích:

[*] Vào thời điểm viết những dòng chữ này, từ Hồng Kông, người ta không thể truy cập được bức thư trên trang Web Change.org.

Print Friendly and PDF