THẾ GIỚI NĂM 2030 - KHÍ HẬU SẼ VẼ LẠI BẢN ĐỒ THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO
PHẦN 2. Tình trạng biến đổi khí hậu và sự chuyển đổi năng lượng cần thiết sẽ làm đảo lộn tình hình địa chính trị. Cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sciences Po Ceri.
Sự phân bố bất công các mỏ than đá, khí tự nhiên và dầu mỏ, về mặt địa lý, đã định hình tình hình địa chính trị thế giới kể từ thế kỷ XIX. © P. Cairns / blickwinkel / Picture-Alliance/AFP
Quần đảo Tokelau là một ví dụ điển hình. Quốc gia này, với gần 1.500 cư dân, nằm rải rác trên ba đảo san hô mất hút ngoài khơi Thái Bình Dương, là quốc gia đầu tiên có nguồn năng lượng hoàn toàn tái tạo. Nguồn năng lượng của họ, chưa bao lâu trước đây, được cung cấp từ hydrocarbon nhập khẩu với giá rất cao, thì giờ đây được cung cấp 100% bởi các tấm pin mặt trời và, trong thời kỳ mây mờ [không có nắng], thì được cung cấp bởi chất dầu sinh học [biofioul] được chiết xuất từ hạt dừa của địa phương. Nỗ lực của Tokelau chỉ là một giọt nước trước quy mô phát thải khí nhà kính trên thế giới; tuy nhiên đất nước này minh chứng cho thách thức mà nạn phát thải khí nhà kính đang gây ra cho nhân loại - và khả năng vượt qua thách thức này.
Ngay cả khi những dự đoán kinh khủng về sự hủy diệt của hành tinh bởi con người được phóng đại lên rất nhiều, nhưng tình trạng biến đổi khí hậu cũng mang đến rất nhiều vấn đề, đã làm thay đổi, đôi khi có lợi nhưng thường là hiểm nghèo, những cân bằng lớn về địa chính trị. Một mặt, sự chuyển đổi năng lượng, có nghĩa là quá trình chuyển đổi từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, làm xáo trộn địa lý năng lượng của thế giới; mặt khác, các hệ sinh thái của hành tinh cũng bị đảo lộn, mang đến những hậu quả cho con người; và cuối cùng, một số tài nguyên hữu ích chống lại thời tiết nóng lên toàn cầu - ví dụ như coban, lithium hoặc niken dùng làm pin cho xe điện - đang bị khan hiếm và tranh giành.
Carola Kloeck |
Với tình trạng biến đổi khí hậu, các nước không bình đẳng với nhau, mà còn ngược lại nữa. “Nói chung, những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất lại là những nước ít bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng thời tiết nóng lên, trong khi những nước ít phát thải khí nhà kính nhất, như các nước châu Phi hoặc các đảo quốc thì lại bị ảnh hưởng nhiều nhất”, theo giải thích của nhà nghiên cứu nữ Carola Kloeck, phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế (CERI) thuộc đại học Science Po.
Sự phân bố bất công các mỏ than đá, khí tự nhiên và dầu mỏ, về mặt địa lý, đã định hình tình hình địa chính trị thế giới kể từ thế kỷ XIX. Sự suy giảm có kế hoạch trong việc sử dụng các nguồn năng lượng nói trên sẽ vẽ lại bản đồ chính trị của thế giới. Các nguồn năng lượng hóa thạch, ngày nay, đang chiếm khoảng 85% lượng tiêu thụ năng lượng. Sự suy giảm trong việc sử dụng than đá đã được tiến hành. Dầu hỏa và khí đốt, còn lâu mới giảm, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian.
Nguồn tiêu thụ các năng lượng tái tạo đang tăng lên rất nhanh, khoảng 15% mỗi năm trên quy mô toàn cầu. Nếu xu hướng này càng được khẳng định, thì các khu vực dầu mỏ sẽ càng mất đi tầm quan trọng. Những eo biển có nhiều nguy cơ rủi ro như eo biển Hormuz ở Vịnh Ba Tư, nơi trung chuyển một phần lớn lượng dầu mỏ của thế giới, sẽ quay trở lại cương vị kém nổi bật. Những liên minh chiến lược như liên minh giữa Hoa Kỳ với Ả Rập Xê-út sẽ giãn ra. Những vị thế gây ảnh hưởng nhờ hợp chất hydrocacbon, như đối với Nga hoặc Qatar, sẽ suy yếu.
Hồi kết của hydrocarbon?
Những nước có khả năng thoát khỏi dễ nhất thế khó xử nói trên là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào hydrocarbon nhập khẩu, trong khi phải làm chủ tốt nhất công nghệ về những năng lượng tái tạo. Đó là những nước ví dụ như Nhật Bản, Trung Quốc hay Đức, theo một báo cáo được công bố vào năm 2019 bởi Ủy ban toàn cầu về địa chính trị của sự chuyển đổi năng lượng, trực thuộc Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (Irena). Trung Quốc, nước đang nắm giữ 26% các bằng sáng chế trên thế giới về năng lượng tái tạo và là nước biết quản lý trong dài hạn, sẽ tìm thấy ở đó một lợi thế trong cuộc đấu tay đôi với Hoa Kỳ, mà trong những năm gần đây đã trở thành nước sản xuất chính về hydrocarbon nhờ nguồn khai thác dầu mỏ đá phiến.
Ngược lại, những nước có nền kinh tế mong manh và phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất về sự chuyển đổi năng lượng này. Trong số các nước đó có Angola, Libya, Nam Sudan, Congo-Brazzaville và, ở một mức độ thấp hơn thì có Nga, Algeria, Iran và Ả-rập Xê-út. Nền kinh tế của họ sẽ phải vượt qua những khó khăn khổng lồ để chuyển đổi, trong khi giá dầu có thể tiếp tục suy giảm trong thập kỷ tới.
Chủ nghĩa độc đoán
Thời tiết nóng lên toàn cầu có thể thúc đẩy xu hướng làm gia tăng chủ nghĩa độc đoán, bằng cách kích thích tâm lý sợ hãi trong người dân rằng họ sẽ phải chịu đựng một biến động đột ngột trong lối sống của họ. “Để giảm thiểu lượng khí thải, chúng ta sẽ phải thay đổi nền kinh tế và lối sống của chúng ta, theo nhận định của Carola Kloeck. Quá trình chuyển đổi năng lượng có cái giá của nó, ngay cả khi cái giá đó sẽ đắt hơn nhiều nếu không làm. Ví dụ, người nghèo, những người phát thải khí nhà kính ít nhất, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu giá nhiên liệu tăng lên. Điều này tạo ra những căng thẳng xã hội có thể bị những người theo chủ nghĩa dân túy khai thác.” Chúng ta đã thấy rõ điều này qua hiện tượng áo gi-lê vàng tại Pháp vào năm 2018.
Cộng thêm khó khăn cho các chế độ dân chủ là phải hành động trong dài hạn, trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng thì không phải là một vấn đề có thể giải quyết trong ngắn hạn. “Nhiệm kỳ trong chế độ dân chủ, đó là những cuộc bầu cử trong bốn hoặc năm năm sắp tới, còn kì hạn của số phận thế giới là bốn hoặc năm thập kỷ. Rất dễ để né tránh việc đưa ra những biện pháp cần thiết, do tốn kém và không được lòng dân. Chính phủ các nước được khuyến khích gác lại vấn đề chờ giải quyết sau”, nhà nghiên cứu nữ của CERI cho biết.
Mối đe dọa trực tiếp nhất, nhưng cũng là khó nhất để mô hình hóa, là mối đe dọa từ các hiện tượng khí hậu cực đoan - lũ lụt, giông bão, hạn hán, v.v. - những thứ có thể nhân lên gấp nhiều lần do thời tiết nóng lên. Các quần đảo có thể biến mất do mực nước biển tăng lên. Tuy nhiên, các đảo san hô như Tokelau hoặc Maldives là những hệ sinh thái động, đang nhô lên với việc mực nước biển tăng lên. Nhưng việc nước mặn xâm nhập tạo ra nạn thiếu hụt về nguồn nước sinh hoạt có thể là điều rất nguy hiểm.
Những nước dễ bị tổn thương
Vào năm 2017, khi cơn bão Irma đổ bộ vào đảo quốc Barbados ở Caribê, đã có 1.600 cư dân của hòn đảo được sơ tán trong hoảng loạn tới đảo quốc Antigua. Rất nhiều người không bao giờ trở lại. Ở phía bên kia hành tinh, Kiribati, một đảo quốc ở Thái Bình Dương, bao gồm nhiều hòn đảo rất thấp, đã mua một hòn đảo thuộc quần đảo Fiji, cách xa hơn 2.000 km, để chuẩn bị làm thành nơi trú ẩn trong trường hợp cần thiết.
Joshua Busby |
Nina von Uexkull |
Những nước dễ bị tổn thương nhất trước các hiện tượng khí hậu cực đoan là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào nông nghiệp, đặc biệt là khi các nước này thiếu những hệ thống tưới tiêu hiệu quả, và những nước từng là sân khấu diễn ra các cuộc xung đột, cũng như những nước không có dân chủ hoặc có nhưng yếu. Những nghiên cứu được tiến hành bởi giáo sư Joshua Busby, thuộc Đại học Texas ở Austin, và Nina von Uexkull, thuộc Đại học Uppsala ở Thụy Điển, chỉ ra rằng một số nước, vì sự bất hạnh của họ, kết hợp cả ba nhân tố nguy cơ nói trên. Rất nhiều những nước đó đều ở Châu Phi. Cần phải thêm vào danh sách các nước Pakistan, Yemen và Myanmar (Miến Điện). Sự khác biệt về khí hậu, khi từ nay xảy ra với một tần suất tăng lên rất nhiều lần, có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc.
“Biến đổi khí hậu góp phần vào các cuộc xung đột khi đã có sẵn những tình huống mỏng manh, Carola Kloeck khẳng định. Đó có thể là một nhân tố thêm nữa dẫn đến sự phát sinh các xung đột.” Biến đổi khí hậu gián tiếp thúc đẩy, theo cách nói trên, các cuộc di cư từ nông thôn và di dân đến các nước láng giềng.
Cộng đồng quốc tế bị bó tay
Những chấn động nói trên sẽ thử thách nghiêm khắc cộng đồng quốc tế, theo cách mà phần lớn chưa thể đoán trước được, vào một thời điểm mà cộng đồng quốc tế đã bị bất ổn bởi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc độc đoán ở nhiều nơi trên thế giới. Vào thời điểm này, phản ứng của thế giới trước tình trạng biến đổi khí hậu chưa đúng tầm với các thách thức. “Chúng ta đã đàm phán kể từ cuối những năm 1980, đã ba mươi năm rồi cho tới nay, nhưng chưa có nhiều điều xảy ra về mặt hành động cụ thể”, Carola Kloeck cho biết.
Luc de Barochez |
Hội nghị thường niên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25), vừa diễn ra gần đây tại Madrid, đã không mang lại những bước tiến quan trọng nào. Tuy nhiên nhà chuyên gia nữ cho rằng “điều rất quan trọng là cần có một diễn đàn quốc tế, nơi nhóm họp lại tất cả các bên, các nước lớn và nhỏ, các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia”. Nhưng cách thức hoạt động, dựa trên sự đồng thuận, thì dẫm chân tại chỗ. “Chỉ cần có một nước cũng có thể ngăn chặn việc đưa ra quyết định, và Hoa Kỳ hoặc Ả Rập Xê-út không ngần ngại làm điều đó”, Carola Kloeck nói.
Châu Âu, chiếm ít hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, có một sức nặng tương đối yếu, cho dù trách nhiệm lịch sử của nó đối với hiện tượng này là điều chắc chắn. Nhưng châu Âu có thể là một tấm gương tốt, và đặc biệt cho thấy rằng chúng ta có thể giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, trong khi vẫn duy trì được mức sống. Giống như điều mà quần đảo Tokelau đã làm.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Le monde en 2030 - Comment le climat va redessiner la carte du monde, Le Point, 07/01/2020.