VOLTAIRE VÀ MONTESQUIEU, NHẰM LÀM SÁNG TỎ KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU HIỆN NAY
Thibaut Dauphin[*]
Tác phẩm của Simon Mathurin Lantara “Hoàng hôn” (thế kỷ XVIII).
Ngày nay, khi đề cập đến rối loạn khí hậu, hai lập trường đối kháng nhau xuất hiện rõ rệt trong các cuộc thảo luận công cộng. Lập trường thứ nhất là sự sụp đổ, dường như là phổ biến tại Pháp. Lập trường thứ hai, chịu ảnh hưởng của những phân tích của GIEC, (Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu - Groupe d'experts intergouvernemental sur l'évolution du climat), duy trì niềm hy vọng khống chế được tác động của khủng hoảng.
Thật lạ lùng là tranh luận giữa Montesquieu và Voltaire vào thế kỷ XVIII minh họa rất rõ hai lập trường này, tuy thế kỷ này còn xa lạ với những vấn đề môi trường hiện đại.
Và về vấn đề này, liệu các triết gia của quá khứ có thể chỉ dẫn cho chúng ta các giải pháp của tương lai?
Vấn đề tất định luận khí hậu Montesquieu năm 1728 (tranh vô danh). Wikipedia
Trong tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật” (De L’Esprit des lois) (1748), Montesquieu khẳng định rằng tính khí của nam giới và nữ giới thay đổi rất nhiều tùy theo họ sinh trưởng trong loại khí hậu nào. Tin chắc rằng y khoa và các khoa học tự nhiên đều có cùng ý kiến, triết gia này giải thích cư dân xứ lạnh ít nhạy cảm với thú vui và khổ đau hơn dân xứ nóng như thế nào - “Phải lột da một người Moscow mới làm cho anh ta có cảm giác”- và những vùng ôn đới hưởng được sự quân bình có lợi, vốn là bí quyết của sự tỏa sáng của họ. Nói cách khác, Montesquieu bảo vệ quan điểm tất định luận về khí hậu.
Voltaire, cũng như những người khác, không cùng ý kiến. Năm 1734, 14 năm trước khi tác phẩm của Montesquieu ra đời, ông đã viết rằng các luật “tùy thuộc vào lợi ích, đam mê và ý kiến của những người sáng tạo ra chúng, và tùy theo tính chất của khí hậu nơi con người tập hợp thành xã hội”. Khí hậu là một yếu tố ảnh hưởng trong nhiều yếu tố khác của nội dung các luật.
Năm 1752, Voltaire phê phán trực diện lý thuyết về khí hậu trong tác phẩm Tư duy về chính phủ (Pensée sur le gouvernement) một lần nữa ông loại trừ quan điểm tất định luận về khí hậu:
“Tất cả các luật tôn giáo không phải là hệ quả của khí hậu.”
Voltaire (Maurice Quentin de La Tour, 1737). Wikipedia
Năm 1756, một trong những tác phẩm quan trọng nhất của sự nghiệp sáng tác của Voltaire ra đời: Luận về phong tục và tinh thần của các quốc gia (l’Essai sur les mœurs et l’esprit des nations). Trong đó Voltaire bảo vệ ý kiến là khí hậu chỉ gây cảm hứng cho hành vi nhưng không quyết định chúng. Theo ông, niềm hăng say và sự vĩ đại của Ai Cập cổ đại (đối kháng với tình trạng tê liệt vào thế kỷ XVIII) tạo thành một bằng chứng không thể chối cãi rằng nếu khí hậu ảnh hưởng lên tính khí của con người, thì chính phủ còn ảnh hưởng nhiều hơn”. Ở một phần sau, Voltaire còn phát triển thêm:
“Có ba điều ảnh hưởng không ngừng đến tinh thần con người, đó là khí hậu, chính phủ và tôn giáo. Đó là cách duy nhất giải thích bí ẩn của thế giới này”.
Trong bài báo Những vấn đề về bách khoa toàn thư (1770-1774) (Questions sur l’encyclopédie) - được hình thành như một câu trả lời cho mục từ “Khí hậu” của Bách khoa toàn thư của d’Alembert và Diderot - Voltaire cáo buộc Montesquieu đã đẩy đi quá xa một ý tưởng đã được nung nấu trước ông rất lâu (Bodin, Fontenelle, Dubos…), chọc thủng lý thuyết của ông với nhiều phản ví dụ từ Pháp, Ai Cập, Athens, La Mã và Anh. Phản bác của Voltaire đã kết luận như sau:
“Với thời gian, cơ thể và tinh thần đều thay đổi. Có thể một ngày nào đó người Mỹ sẽ đến dạy nghệ thuật cho dân châu Âu. Khí hậu có một sức mạnh nào đó, chính phủ mạnh gấp trăm lần, tôn giáo kết hợp với chính phủ thì còn mạnh hơn nữa.”
Ý tưởng ngông cuồng về một thời kỳ khác?
Nếu “lý thuyết về khí hậu” không ra đời từ thời Montesquieu thì nó cũng chỉ sống sót sau ông một thế kỷ thôi với sự phát triển của ngành khí hậu học hiện đại và việc từ bỏ những lý thuyết quy về một nguyên nhân duy nhất trong khoa học xã hội và nhân văn, và làm suy yếu niềm tin khá phổ biến vào thời đó rằng “vương quốc khí hậu là vương quốc hàng đầu trong tất cả các vương quốc” (Bàn về tinh thần pháp luật. Tập XIX).
Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) |
Xu hướng trí thức của quan tòa xứ Bordeaux (ám chỉ Montesquieu - ND) dứt khoát tự xác định là khoa học và có tính so sánh. Ngày nay, xu hướng này có vẻ thô thiển và phóng đại. Đó là ưu thế vững bền của độc giả thế kỷ XXI, được hỗ trợ bởi tri thức của thời đại, làm cho họ nhìn những lý thuyết về khí hậu như một ý tưởng ngông cuồng của một thời đại khác. Quả thật như vậy, đặc biệt là vào thế kỷ XVII và cả thế kỷ XVIII, qua việc lý thuyết này chinh phục được sự ưu ái của Jean-Jacques Rousseau.
Tuy nhiên Montesquieu chỉ có lỗi là đã nuôi dưỡng một trực giác cho đến tận cùng năng lực của mình. Khí hậu - hay “môi trường” như chúng ta gọi ngày nay - hiển nhiên có một ảnh hưởng (thường ít được chú ý đến) đối với loài người. Nhưng trong lý thuyết của nam tước vùng la Brède Montesquieu, khí hậu chiếm một vị trí lớn quá mức, đến nỗi trạng thái của một bộ phận nào đó của cơ thể đủ để làm thay đổi một cách rõ rệt các phong tục và luật pháp tại một nước này hay nước khác.
“Một thoáng lịch sử, kỷ nguyên ánh sáng thế kỷ XVIII” (Grand Palais/YouTube, 2017).
Đọc (lại) những văn bản này vào thế kỷ XXI như thế nào?
Vào thế kỷ chúng ta đang sống, chúng ta không có ý định làm cho các triết gia lên tiếng thay cho chúng ta. Người diễn giải một văn bản luôn trở thành tác giả của một văn bản mới; nhất là khi có ba thế kỷ ngăn cách giữa văn bản và người diễn giải.
Người đọc của thế kỷ XXI sẽ nhạy cảm hơn với những lập luận thuận chiều với những mối quan tâm của mình, và tình trạng khẩn cấp về khí hậu là bức bách nhất. Mối quan hệ giữa lý thuyết về khí hậu và biến đổi khí hậu là không hiển nhiên. Nhưng nếu ta kết nối “tất định luận” với “biến đổi” khí hậu thì lúc đó ý chính sẽ là biến đổi khí hậu sẽ dần dần thay đổi tinh thần và pháp luật, bởi vì pháp luật tùy thuộc trên hết vào khí hậu.
Đáng chú ý là sự biến đổi này thể hiện thành tình trạng nhiệt độ trái đất nóng lên, vì đó chính là nghĩa của từ “khí hậu” vào thế kỷ XVIII. Vậy đâu là hậu quả của một khí hậu nóng? Montesquieu cảnh báo chúng ta:
“Sức nóng của khí hậu có thể lên đến mức cực đoan đến nỗi cơ thể sẽ tuyệt đối không còn sức lực nữa. Từ đó, sự mệt mỏi sẽ chuyển qua cả tinh thần; không một sự tò mò, không một công trình cao cả, không một tình cảm bao dung; mọi ý hướng đều thụ động […].” (Bàn về tinh thần pháp luật, tập XIV).
Dưới ánh sáng của tình hình hiện nay, liệu lý thuyết của Montesquieu có chống chọi được với những phê phán của Voltaire?
Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể
Do đó, nếu chính phủ và tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khí hậu thì chúng ta sẽ không cảm nhận những gì Montesquieu đã cảnh báo. Hơn nữa, phần khoa học trong các lập luận của ông không làm chúng ta tin ông, và ta khó nhận biết làm cách nào chỉ trong vài thập kỷ khí hậu nóng lên có thể làm đảo lộn trạng thái của các bộ phận của cơ thể đến độ làm cho chúng ta trở nên uể oải, với giả định rằng các bộ phận của cơ thể là nguyên nhân tất yếu của các hành vi xã hội của chúng ta.
Chống lại thuyết tất định luận này, phê phán của Voltaire gợi ý rằng luật pháp và nghệ thuật tùy thuộc trước tiên “những lợi ích, đam mê và ý kiến” của những người làm ra chúng trước khi tùy thuộc vào khí hậu. Voltaire tin vào chính sách và nhất là quyền lực của những người thực hiện chính sách: đó là những tác nhân tác động lên môi trường hơn là môi trường tác động lên các tác nhân.
Trong cuộc thảo luận này, Voltaire và Montesquieu đại diện cho hai cách tiếp cận được biết nhiều trong khoa học xã hội: phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể. Một bên giải thích bằng hành vi của các tác nhân, bên kia bằng những cấu trúc mà cá nhân tiến hóa trong đó.
Không bất lực trước khí hậu
Voltaire có niềm tin rằng khí hậu không thể ảnh hưởng đến con người nhiều hơn chính con người ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu có một khẩn cấp về khí hậu, con người có thể hành động cho họ và tác động lên họ, tính chất và luật pháp của họ không bao giờ hoàn toàn lệ thuộc vào khí hậu.
Montesquieu cũng không tuân theo một loại thuyết tất định luận tuyệt đối. Một vài trực giác của ông cộng hưởng một cách kỳ lạ với những mối quan tâm của chúng ta hiện nay. Vậy nên, chương V, tập XIV của tác phẩm Bàn về tinh thần pháp luật có tựa đề: “Những nhà lập pháp tồi là những người đã ưu ái những điểm xấu của khí hậu, những nhà lập pháp giỏi là những người chống lại chúng”. Ông mô tả học thuyết thần Ấn Độ Foé, “sinh ra do sự lười biếng của khí hậu”, đến lượt nó đã ưu đãi thần này như thế nào, trong khi các nhà lập pháp Trung Hoa đã đưa vào triết lý của họ sự chặt chẽ và điều độ giúp họ tránh khỏi tình trạng nhàn rỗi.
Nếu ta dừng ở logic của lập luận lâu hơn là ở hai ví dụ trên, thì thấy Montesquieu khuyến nghị các chính phủ chống lại những khuynh hướng do khí hậu gây ra thay vì chấp nhận hoặc dung thứ chúng. Nếu tinh thần con người bị ảnh hưởng bởi những trạng thái của khí hậu, nhà lập pháp phải ngăn chặn những khoảng cách “tự nhiên” của mình bằng cách tạo ra những chuẩn mực để điều chỉnh. Điều này có nghĩa là làm cho con người can đảm hơn, chăm chỉ hơn, ít khoan dung hơn đối với tình trạng lệ thuộc.
Thực ra, Voltaire và Montesquieu gặp nhau ở một điểm: các chính phủ có thể, thậm chí phải hành động và đừng nghĩ mình bất lực trước những trở ngại của khí hậu.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Voltaire et Montesquieu pour éclairer la crise climatique actuelle”, The Conversation, 16.02.2020.
Chú thích:
[*] Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành chính trị học, Đại học Bordeaux ↩