3.7.20

Hãy hình dung những cử chỉ rào cản chống lại sự trở về với nền sản xuất trước khủng hoảng

HÃY HÌNH DUNG NHỮNG CỬ CHỈ RÀO CẢN CHỐNG LẠI SỰ TRỞ VỀ VỚI NỀN SẢN XUẤT TRƯỚC KHỦNG HOẢNG

Nếu mọi thứ bị dừng lại, mọi thứ có thể được xét lại, định hướng lại, lựa chọn, sắp xếp, bị dứt khoát gián đoạn hoặc ngược lại, tăng tốc. Bản tổng kết hàng năm phải được làm ngay bây giờ. Để đáp lại yêu cầu của lẽ thường: “Chúng ta hãy khởi động lại sản xuất càng nhanh càng tốt”, chúng ta phải hét lên: “Dứt khoát là không!” Điều cuối cùng cần làm là tiếp tục làm lại mọi thứ chúng ta đã làm trước đây.
Có một điều gì đó không phải phép để phóng chiếu vào thời kỳ hậu khủng hoảng khi các nhân viên y tế, như ta thường nói, đang đứng “trên chiến tuyến”, khi hàng triệu người mất việc và nhiều gia đình đang chịu tang thậm chí không thể chôn cất người thân của họ. Tuy nhiên, chính bây giờ là lúc chúng ta phải chiến đấu để sự phục hồi kinh tế, một khi cuộc khủng hoảng đã qua đi, không mang lại chế độ khí hậu cũ mà cho đến nay chúng ta đã cố gắng chống lại một cách tương đối vô hiệu.
Thật vậy, cuộc khủng hoảng y tế được lồng kết vào một cái không phải là khủng hoảng - vốn luôn luôn thoáng qua - mà là vào một sự biến đổi sinh thái lâu dài và không thể đảo ngược. Nếu chúng ta có cơ hội để “thoát khỏi” cái thứ nhất, tức là cái được gọi là khủng hoảng, chúng ta hoàn toàn không thể “thoát khỏi” sự biến đổi sinh thái. Hai tình huống không cùng quy mô, nhưng sự nối khớp chúng lại với nhau sẽ làm sáng tỏ nhiều điều. Dù thế nào đi nữa, thật là tiếc nếu không sử dụng cuộc khủng hoảng y tế để khám phá những cách, khác hơn là bằng sự mù loà, để đi vào sự biến đổi sinh thái.
Bài học đầu tiên về coronavirus cũng là điều gây ngạc nhiên nhất: thật vậy đã có bằng chứng là có thể, trong một vài tuần, đình chỉ ở bất cứ nơi nào trên thế giới và cùng lúc, một hệ thống kinh tế mà người ta, cho đến nay, cho rằng không thể làm chậm lại hoặc chuyển hướng. Chống lại các lập luận của những nhà sinh thái học về sự chuyển hướng cách sống của chúng ta, người ta luôn luôn đưa ra lập luận về sức mạnh không thể cưỡng lại của “đoàn tàu tiến bộ” mà không điều gì có thể làm cho bị trệch ra khỏi đường ray, “vì” sự “toàn cầu hóa”, như người ta nói. Tuy nhiên, chính bản chất toàn cầu của nó làm cho sự phát triển nổi tiếng này trở nên mong manh, và ngược lại lại có khả năng chậm lại và sau đó dừng lại đột ngột.
Thật vậy, không chỉ có các công ty đa quốc gia hay các hiệp định thương mại hay internet hay các nhà điều hành tour du lịch mới toàn cầu hóa hành tinh: mỗi thực thể trên cùng hành tinh này có cách đặc thù của mình để gắn kết các thành tố khác nhau tạo nên, ở một thời điểm nhất định, cái tập thể. Điều này đúng với CO2 làm nóng bầu không khí toàn cầu bằng sự khuếch tán của nó trong không khí; với các loài chim di trú vận chuyển các dạng cúm mới; nhưng điều này cũng đúng, chúng tôi đang học lại nó một cách đau đớn, về coronavirus với khả năng kết nối “tất cả con người” qua trung gian có vẻ là vô hại của các loài khạc nhổ của chúng ta. Có toàn cầu hóa, thì cũng có toàn cầu hóa còn hơn nữa: để xã hội hóa hàng tỷ người, vi khuẩn cho thấy là đã có mặt!
Sự tạm ngừng bất ngờ này trong hệ thống sản xuất toàn cầu hóa, không chỉ các nhà sinh thái học mới thấy đây là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy chương trình hạ cánh của họ.
Do đó, phát hiện đáng kinh ngạc này: thực sự trong hệ thống kinh tế thế giới có một tín hiệu báo động đỏ, bị che giấu đối với mọi người, với một nắm bằng thép cứng mà các nguyên thủ quốc gia, lần lượt, có thể kéo một cách đột ngột để chặn lại “đoàn tàu tiến bộ” với một tiếng rít phanh lớn. Nếu yêu cầu quay 90 độ để hạ cánh xuống trái đất vẫn có vẻ là một ảo ảnh êm dịu vào tháng giêng, thì nay nó trở nên thực tế hơn nhiều: bất kỳ người lái xe nào cũng biết rằng để có cơ may bẻ ngoặt tay lái thật mạnh mà không bay ra khỏi đường, tốt hơn là trước khi hành động nên lái chậm lại.
Thật không may, sự tạm ngừng đột ngột này của hệ thống sản xuất toàn cầu hóa, không chỉ các nhà sinh thái học mới coi đây là một cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy chương trình hạ cánh của họ. Những nhà toàn cầu hóa, những người từ giữa thế kỷ XX đã phát minh ra ý tưởng thoát khỏi những ràng buộc trên hành tinh, cũng coi đó là một cơ hội tuyệt vời để thoát khỏi một cách triệt để hơn nữa những gì còn sót lại trong chuyến chạy trốn của họ khỏi thế giới. Đối với họ, cơ hội là quá đẹp để xóa bỏ phần còn lại của Nhà Nước Phúc Lợi, mạng lưới an toàn của những người nghèo nhất, những gì còn lại của các quy định chống ô nhiễm, và, cay độc hơn, để loại bỏ tất cả những người dư thừa đang chất đống trên hành tinh[1].
Thật vậy, chúng ta đừng quên rằng chúng ta phải dựa trên giả thiết rằng những người toàn cầu hóa này hoàn toàn ý thức về sự biến đổi sinh thái và tất cả những nỗ lực của họ, từ năm mươi năm nay, đã đồng thời phủ nhận tầm quan trọng của sự biến đổi khí hậu, nhưng cũng để thoát khỏi hậu quả của hiện tượng này bằng cách thiết lập các pháo đài được củng cố bằng các đặc quyền mà các thành phần sẽ bị bỏ rơi lại chắc chắn sẽ không tiếp cận được. Đối với giấc mơ hiện đại vĩ đại về sự chia sẻ phổ quát “các thành quả của sự tiến bộ”, họ không ngây thơ để tin vào điều đó, nhưng, điều mới là nay họ đủ thẳng thắn để không tạo ra ảo tưởng về nó. Họ là những người phát biểu trên Fox News mỗi ngày và cai quản tất cả các quốc gia hoài nghi về biến đổi khí hậu trên hành tinh từ Moscow đến Brasilia và từ New Delhi đến Washington và London.
Nếu mọi thứ bị dừng lại, mọi thứ có thể được xét lại.

Điều làm cho tình hình hiện tại trở nên nguy hiểm không chỉ là những người chết chất đống mỗi ngày nhiều hơn, đó là sự đình chỉ toàn bộ một hệ thống kinh tế, do đó mang lại cho những người muốn tiến xa hơn nữa trong chuyến trốn ra khỏi thế giới ngoài hành tinh, một cơ hội tuyệt vời để “xét lại tất cả mọi thứ”. Chúng ta không được quên rằng điều làm cho những người toàn cầu hóa trở nên nguy hiểm là họ nhất thiết biết rằng họ đã mất cái gì, rằng sự phủ nhận biến đổi khí hậu không thể kéo dài vô tận, rằng không còn nữa cơ hội để hòa giải “sự phát triển” của họ với các lĩnh vực khác nhau của hành tinh trong đó trước sau gì cũng phải lồng kinh tế vào. Đây là điều khiến họ sẵn sàng làm thử mọi thứ để khai thác một lần cuối cùng các điều kiện cho phép họ tồn tại lâu hơn một chút và để cho họ và con cái họ ẩn náu. “Điểm dừng của thế giới”, cái cú phanh này, sự tạm dừng bất ngờ này, cho họ cơ hội chạy trốn nhanh hơn và xa hơn những gì họ từng tưởng tượng[2]. Các nhà cách mạng, hiện tại, là họ.
Đây là thời điểm chúng ta cần phải hành động. Nếu cơ hội mở ra cho họ, nó cũng được mở ra cho chúng ta. Nếu mọi thứ bị dừng lại, mọi thứ có thể được xét lại, định hướng lại, lựa chọn, sắp xếp, bị dứt khoát gián đoạn hoặc ngược lại, được tăng tốc. Bản tổng kết cuối năm phải được làm ngay bây giờ. Để đáp lại yêu cầu của lẽ thường: “Chúng ta hãy khởi động lại sản xuất càng nhanh càng tốt”, chúng ta phải hét lên: “Dứt khoát là không!” Điều cuối cùng cần làm là tiếp tục làm lại mọi thứ chúng ta đã làm trước đây.
Chẳng hạn, hôm trước, người ta đã giới thiệu trên truyền hình một người bán hoa người Hà Lan, rưng rưng nước mắt, buộc phải ném bỏ hàng tấn hoa tulip sẵn sàng được gởi đi mà anh ta không còn có thể gửi bằng đường hàng không trên toàn thế giới do không có khách hàng. Tất nhiên, ta chỉ có thể thương xót cho anh ta; thật công bằng nếu anh ta được bồi thường. Nhưng sau đó, camera quay ngược lại cho thấy hoa tulip của anh ta được trồng ở ngoài mặt đất dưới ánh sáng nhân tạo trước khi đưa chúng đến các máy bay chở hàng ở sân bay Schiphol trong một cơn mưa dầu hỏa; từ đó, xuất hiện một nghi vấn: “Có phải là thực sự hữu ích khi tiếp tục cách sản xuất và bán loại hoa này không?”
Chúng ta trở thành những người cắt mạch sự toàn cầu hóa một cách có hiệu quả.
Dần dần, nếu chúng ta bắt đầu, mỗi người cho chính mình, đặt những câu hỏi như vậy về tất cả các khía cạnh của hệ thống sản xuất của chúng ta, chúng ta trở thành những người cắt mạch sự toàn cầu hóa có hiệu quả - cũng hiệu quả, với hàng triệu người, như con coronavirus nổi tiếng theo cách riêng của nó để toàn cầu hóa hành tinh. Những gì virus đạt được thông qua những sự khạc nhổ tầm thường từ miệng sang miệng - sự đình chỉ của nền kinh tế thế giới - chúng ta bắt đầu tưởng tượng nó qua những cử chỉ nhỏ bé không đáng kể của mình, được nối kết với nhau: cụ thể là đình chỉ hệ thống sản xuất. Bằng cách tự đặt cho mình những loại câu hỏi này, mỗi người chúng ta bắt đầu tưởng tượng ra những cử chỉ rào cản nhưng không phải chỉ để chống lại virus: chống lại từng nhân tố của một phương thức sản xuất mà chúng ta không muốn thấy tiếp tục khởi động.
Pierre Charbonnier (1983-)
Vấn đề không còn là lấy lại hay tái định hướng một hệ thống sản xuất, mà là thoát khỏi sự sản xuất như là nguyên lý duy nhất để xây dựng mối quan hệ với thế giới. Đây không phải là cuộc cách mạng, mà là sự giải thể, từng pixel một. Như Pierre Charbonnier cho thấy, sau một trăm năm chủ nghĩa xã hội chỉ giới hạn trong việc phân phối lại lợi ích của nền kinh tế, có lẽ đã đến lúc sáng tạo ra một chủ nghĩa xã hội thách thức chính ngay sự sản xuất. Đó là vì sự bất công không chỉ giới hạn trong việc phân phối lại những thành quả của sự tiến bộ, mà chính là trong cách làm cho hành tinh đơm hoa kết quả. Điều này không có nghĩa là giảm hoặc sống chỉ với tình yêu hay nước mát, mà là học cách chọn từng phân đoạn của hệ thống nổi tiếng được cho là không thể đảo ngược này, để xét lại từng sự kết nối được gọi là thiết yếu và dần dần trải nghiệm những gì được ao ước và những gì không còn được mong muốn nữa.

Từ đó, tầm quan trọng mấu chốt của việc sử dụng thời gian cách ly bị áp đặt này để mô tả, trước hết là cho chính mình, sau đó trong một nhóm, những gì chúng ta gắn bó; những gì chúng ta sẵn sàng để được giải phóng khỏi; các mắt xích mà chúng ta sẵn sàng khôi phục và những mắt xích mà, dựa trên hành vi của chúng ta, chúng ta quyết tâm chặt đứt[3]. Những người toàn cầu hóa dường như có một ý tưởng rất rõ ràng về những gì mà họ muốn thấy tái sinh sau sự phục hồi: điều tương tự như trước đây nhưng còn tồi tệ hơn nữa, với phần thưởng là các ngành công nghiệp dầu mỏ và các du thuyền khổng lồ. Chính chúng ta phải đề xuất một bản phản tổng kết. Nếu trong một hoặc hai tháng, hàng tỷ người đã có thể, chỉ sau một tiếng huýt còi, học cách thức “giãn cách xã hội” mới, tạo ra khoảng cách để được đoàn kết hơn, ở nhà để cho các bệnh viện không bị quá tải, thì chúng ta có thể tưởng tượng khá rõ sức mạnh biến đổi của những cử chỉ rào cản mới này được dựng lên chống lại sự phục hồi giống hệt như trước, hoặc tệ hơn, chống lại một đòn đánh mới của những người muốn dứt khoát trốn thoát khỏi sức hút của trái đất.
Một công cụ để trợ giúp cho sự suy xét
Vì sự liên kết một cuộc tranh luận với các bài tập thực tế là luôn luôn tốt, chúng ta hãy đề nghị độc giả cố gắng trả lời bản kiểm kê nhỏ này. Việc này lại càng hữu ích hơn vì nó liên quan đến một kinh nghiệm cá nhân đã từng được trực tiếp trải nghiệm. Đây không chỉ là việc bày tỏ một ý kiến ​​xuất hiện trong trí óc của bạn, mà còn là mô tả một tình huống và có lẽ còn mở rộng nó bằng một cuộc điều tra nhỏ. Chỉ sau đó, nếu bạn tự cho mình phương tiện để kết hợp các câu trả lời nhằm sáng tác cảnh quan được tạo ra từ việc chồng chất của các sự mô tả, bạn mới được dẫn đến một biểu hiện chính trị hóa thân và cụ thể - nhưng không phải trước thao tác mô tả trên.
Xin lưu ý: đây không phải là một bản câu hỏi, nó cũng không phải là một cuộc khảo sát. Nó là một trợ giúp để tự mô tả[*].
Điều cần được thực hiện là sự liệt kê các hoạt động mà cuộc khủng hoảng hiện tại đã tước đi đối với bạn và điều đó khiến bạn cảm thấy rằng điều kiện sống cơ bản của bạn đã bị xâm phạm. Đối với mỗi hoạt động, bạn có thể cho biết nếu bạn muốn những hoạt động này tiếp tục như cũ (như trước đây), hay tốt hơn nữa hoặc không thể tiếp tục. Trả lời các câu hỏi sau:
Câu hỏi 1: Những hoạt động nào hiện đang bị tạm ngừng mà bạn không muốn chúng được phục hồi?
Câu hỏi 2: Mô tả a) tại sao bạn thấy hoạt động ấy có hại / không cần thiết / nguy hiểm / không nhất quán; b) làm thế nào sự biến mất / đình chỉ / thay thế nó sẽ làm cho các hoạt động khác mà bạn ủng hộ dễ dàng hơn / mạch lạc hơn? (Tạo một đoạn riêng cho mỗi câu trả lời được liệt kê trong câu hỏi 1.)
Câu hỏi 3: Bạn đề xuất biện pháp nào để công nhân / nhân viên / đại lý / doanh nhân không còn có thể tiếp tục các hoạt động mà bạn cắt giảm được tạo điều kiện để chuyển sang các hoạt động khác?
Câu hỏi 4: Những hoạt động nào hiện đang bị đình chỉ mà bạn muốn phát triển / khởi động lại hoặc những hoạt động thay thế nào có thể được sáng tạo?
Câu hỏi 5: Mô tả a) tại sao hoạt động này có vẻ tích cực với bạn; b) làm thế nào nó làm cho các hoạt động khác mà bạn quảng bá được dễ dàng / hài hòa / nhất quán hơn; và c) giúp chống lại những hoạt động mà bạn cho là không thuận lợi? (Tạo một đoạn riêng cho mỗi câu trả lời được liệt kê trong câu hỏi 4.
Câu hỏi 6: Những biện pháp nào bạn đề xuất để giúp công nhân / nhân viên / đại lý / doanh nhân có được năng lực / phương tiện / thu nhập / công cụ cho phép phục hồi / phát triển / sáng tạo hoạt động này?
(Sau đó tìm cách so sánh sự mô tả của bạn với sự mô tả của những người tham gia khác. Việc sưu tập và sau đó chồng chất các câu trả lời sẽ dần dần vẽ nên một cảnh quan bao gồm các đường xung đột, liên minh, tranh cãi và đối lập.)
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[i] Nhà triết học và xã hội học, giáo sư ưu tú ở Medialab của trường Sciences Po.

[1] Xem bài viết của Matt Stoller về những nhà hoạt động hành lang hung dữ ở Hoa Kỳ, “The coronavirus relief bill could turn into a corporate coup if we aren’t careful (Dự luật cứu trợ coronavirus có thể biến thành một cuộc đảo chính của các công ty nếu chúng ta không thận trọng)”, The Guardian, 24.03.20.

[2] Danowski, Deborah, de Castro, Eduardo Viveiros, “L’arrêt de monde (Thế giới dừng lại)”, trong tuyển tập De l’univers clos au monde infini (Từ vũ trụ khép kín đến thế giới vô tận), Ed. Hache, Emilie. Paris, Phiên bản Đức, 2014. 221-339.

[3] Việc tự mô tả lấy lại quy trình của những tập mới trình bày các lời ta thán được Bruno Latour đề xuất trong Où atterrir? Comment s’orienter en politique (Hạ cánh ở đâu? Làm thế nào để định hướng bản thân trong chính trị), Paris, La Découverte, 2017 và sau này được phát triển bởi tập đoàn Hạ cánh ở đâu/Où atterrir http://www.bruno-latour.fr/fr/node/841.html

[*] Tự mô tả lặp lại quy trình của những tập trình bày các lời ta thán mới được Bruno Latour đề xuất trong Où atterrir? Comment s’orienter en politique (Hạ cánh ở đâu? Làm thế nào để định hướng bản thân trong chính trị), Paris, La Découverte, 2017 và sau này được phát triển bởi một nhóm các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu.

Print Friendly and PDF