10.7.20

Cần dân chủ hoá doanh nghiệp để làm sạch hành tinh

“CẦN DÂN CHỦ HÓA DOANH NGHIỆP ĐỂ LÀM SẠCH HÀNH TINH”

DIỄN ĐÀN
Tập thể
Tám nhà nghiên cứu nữ, trong đó có Julie Battilana, Isabelle Ferreras và Dominique Méda, với sự tham gia của 3000 đồng nghiệp, kêu gọi đổi mới việc phân quyền trong các doanh nghiệp, điều kiện của chuyển đổi sinh thái thật sự.
Văn bản này, được phát hành trên 27 phương tiện truyền thông của 23 nước trên khắp năm châu, đã có trên 3000 nhà nghiên cứu nam và nữ thuộc 600 đại học ký tên, trong đó có Isabelle Berrebi-Hoffmann, Craig Calhoun, Christophe Dejours, Emmanuel Dockès, Nancy Fraser, Axel Honneth, Eva Illouz, Jean Jouzel, Lawrence Lessig, Chantal Mouffe, Thomas Piketty, Katharina Pistor, Dani Rodrik, Hartmut Rosa, Saskia Sassen, Pablo Servigne, Laurent Thévenot, Gabriel Zucman
Đọc danh sách đầy đủ và được thường xuyên cập nhật những người ký tên tại: www.democratizingwork.org
Diễn đàn. Cuộc khủng hoảng này dạy ta điều gì?
Trước tiên là không thể giản lược những người làm việc thành “nguồn lực”. Các thu ngân viên, người giao hàng, y tá, dược sĩ, bác sĩ, tất cả nam cũng như nữ tạo điều kiện cho chúng ta tiếp tục sống được trong thời gian cách ly là một minh chứng sinh động. Cơn đại dịch này cũng cho ta thấy bản thân lao động không thể bị giản lược thành một hàng hoá. Chăm sóc sức khỏe, bảo trợ và đồng hành cùng những người dễ bị tổn thương nhất đều là những hoạt động cần được bảo vệ tránh khỏi các quy luật duy nhất của thị trường, nếu không chúng ta vẫn có nguy cơ gia tăng bất bình đẳng đến độ hy sinh những người yếu thế nhất và nghèo túng nhất.
Để tránh xảy ra một kịch bản như vậy, cần phải làm gì? Dân chủ hóa doanh nghiệp - nghĩa là tạo điều kiện cho nhân viên tham gia vào việc ra quyết định. Và không còn xem việc làm là một hàng hoá - nghĩa là tập thể bảo đảm một việc làm hữu ích cho mọi người, nam cũng như nữ.
Khi chúng ta cùng một lúc đối mặt với nguy cơ đại dịch và thảm họa khí hậu, hai sự thay đổi có tính chiến lược này sẽ giúp chúng ta không những bảo đảm được nhân phẩm của mỗi người mà còn là cùng nhau hành động để làm sạch và cứu lấy hành tinh.
Nam giới và đặc biệt là nữ giới thuộc thành phần nhân viên chủ chốt, - và đáng chú ý là những người bị phân biệt chủng tộc, nhập cư, lao động phi chính thức - thức dậy mỗi buổi sáng để đi phục vụ những người khác, trong khi tất cả những người khác có thể làm việc ấy thì lại sống cách ly. Những người lao động này chứng tỏ phẩm giá của lao động và chức năng của họ không hề tầm thường. Họ minh chứng cho một thực tế then chốt mà chủ nghĩa tư bản luôn tìm cách làm lu mờ, tìm cách biến con người thành “nguồn lực”: sẽ không có cả sản xuất lẫn dịch vụ nếu không có người đầu tư bằng lao động. Về phía những người bị cách ly - đặc biệt là nữ giới -, họ huy động tất cả những gì họ có để bảo đảm tiếp tục làm từ nhà những công việc của tổ chức. Cả nam lẫn nữ nhân viên chứng minh mạnh mẽ sự sai lầm của những người cho rằng thách thức lớn của người sử dụng lao động là phải giữ trong tầm mắt mình người lao động không xứng đáng được tin cậy để kiểm soát tốt hơn.
Hàng ngày những người lao động chứng minh rằng họ không chỉ là một “thành phần tham gia” giản đơn của doanh nghiệp trong số những thành phần khác. Họ là bộ phận cấu thành, nhưng luôn bị loại ra khỏi quyền tham gia điều hành doanh nghiệp vì đã bị những người góp vốn chiếm độc quyền.
Thừa nhận những người đầu tư bằng lao động
Nếu ta nghiêm túc tự hỏi làm thế nào để doanh nghiệp và xã hội biểu đạt sự thừa nhận của họ đối với người lao động, chắc chắn là phải san bằng đường biểu diễn về lương và xuất phát ở một điểm cao hơn. Nhưng một mình những thay đổi này là chưa đủ. Cũng tương tự như sau chiến tranh thế giới lần thứ hai người ta chấp nhận quyền bầu cử của phụ nữ vì phải thừa nhận sự đóng góp quá hiển nhiên của họ, ngày nay không có lý do gì mà không giải phóng những người đầu tư bằng lao động và trao cho họ quyền công dân trong doanh nghiệp.
Ở châu Âu, quyền đại diện của những người đầu tư bằng lao động trong doanh nhiệp đã bắt đầu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai thông qua các hội đồng doanh nghiệp. Nhưng những cơ cấu đại diện này thường là những bộ phận yếu thế, tùy thuộc vào thiện chí của ban lãnh đạo do các cổ đông lựa chọn. Cơ cấu này không có khả năng ngăn chặn động thái tự tích lũy của tư bản bằng cách hủy hoại hành tinh của chúng ta. Từ nay về sau, hội đồng doanh nghiệp phải có những quyền tương tự như hội đồng quản trị, nhằm đặt việc điều hành doanh nghiệp dưới tác động của một đa số kép. Tại Đức, Hà Lan và các nước Bắc Âu, những hình thức đồng quyết định được thiết lập dần dần sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là một giai đoạn mấu chốt nhưng vẫn chưa đủ. Ngay cả ở Mỹ, nơi mà quyền nghiệp đoàn đã bị đánh bại, ngày nay đã có nhiều tiếng nói ủng hộ việc trao cho những người đầu tư bằng lao động quyền được chọn những người đại diện để thụ hưởng một dạng đa số đặc biệt trong các hội đồng. Việc lựa chọn chủ tịch-tổng giám đốc (président-directeur général -PDG-) cũng như chiến lược của doanh nghiệp hay sự phân chia lợi nhuận là những điều rất quan trọng, không thể buông cho một mình các đại diện cổ đông quyết định được. Tập thể những người đầu tư lao động, sức khỏe của họ, tóm lại là cuộc sống của họ vào doanh nghiệp cần được tham gia phê duyệt những quyết định này.
Cuộc khủng hoảng này cũng làm sáng tỏ ý tưởng không nên cư xử với lao động như một hàng hoá. Không thể để một mình cơ chế thị trường chịu trách nhiệm thực hiện những lựa chọn cơ bản của tập thể. Việc thiết lập những vị trí công việc trong lĩnh vực chăm sóc con người, cung ứng thiết bị cứu sinh đã bị đặt trong logic của lợi nhuận từ nhiều năm nay. Khủng hoảng đã làm lộ ra sự mù quáng này. Có những nhu cầu chiến lược của tập thể phải được miễn nhiễm với việc biến thành hàng hóa. Đau đớn thay, ngày nay hàng chục ngàn người chết nhắc ta nhớ lại điều này. Những người nào còn khẳng định điều ngược lại là những kẻ không tưởng làm cho chúng ta lâm nguy, nam cũng như nữ. Logic lợi nhuận không thể quyết định tất cả.
“Bảo đảm việc làm cho mọi người”
Cũng như phải bảo vệ một số lĩnh vực khỏi tác động của duy nhất những qui luật của một thị trường không được điều tiết, phải bảo đảm cho mỗi người có việc làm để họ bảo đảm nhân phẩm của mình. Một cách để đạt đến điều ấy là tạo ra việc “bảo đảm việc làm cho mọi người”, đem đến cho từng công dân khả năng đạt được một việc làm. Điều 23 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc công nhận quyền làm việc, quyền tự do chọn lựa công việc, được hưởng điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống lại tình trạng thất nghiệp. Bảo đảm việc làm không những giúp cho mỗi người sống một cách xứng đáng, mà còn nhân lên gấp bội sức mạnh tập thể của chúng ta để đáp ứng tốt hơn nhiều nhu cầu xã hội và môi trường của chúng ta. Đáng chú ý là trong tay của các tập thể địa phương, “bảo đảm việc làm cho mọi người” sẽ góp phần tránh khỏi thảm họa khí hậu đồng thời bảo đảm một tương lai xứng đáng cho mọi người. Liên minh châu Âu phải trang bị cho mình phương tiện cho một dự án như vậy trong khuôn khổ của chương trình “Green Deal” (Công ước xanh). Bằng cách xem xét lại sứ mệnh của Ngân hàng trung ương châu Âu để tài trợ cho chương trình này, cần thiết cho sự sống còn của chúng ta, ngân hàng sẽ trở nên chính đáng trong cuộc sống của từng công dân của Liên minh. Khi đem lại một giải pháp chống lại tính chu kỳ cho cơn sốc thất nghiệp sắp tới, ngân hàng sẽ chứng minh được sự đóng góp của mình vào sự thịnh vượng về mặt xã hội, kinh tế và môi trường của các xã hội dân chủ.
Cuối cùng, không nên lập lại sự lựa chọn ngây thơ của năm 2008: khủng hoảng là cơ hội để cứu các ngân hàng bằng cách gia tăng nợ công, mà không đặt một điều kiện gì cho sự ứng cứu này. Nếu ngày nay Nhà nước can thiệp để cứu các doanh nghiệp, điều quan trọng là doanh nghiệp phải hành xử phù hợp với khuôn khổ chung của nền dân chủ. Nhà nước, nhân danh xã hội dân chủ mà nó phục vụ và tạo thành nó, và cũng là nhân danh trách nhiệm chăm sóc sự sống còn của môi trường, phải làm cho sự can thiệp của nhà nước tác động vào những thay đổi phương hướng trong đường lối chiến lược của các doanh nghiệp được giúp đỡ. Nhà nước phải áp đặt - ngoài việc tôn trọng các tiêu chuẩn qui phạm chặt chẽ về môi trường - những điều kiện về dân chủ hóa việc điều hành nội bộ của doanh nghiệp.
Những lựa chọn tốn kém trong ngắn hạn
Vì chính những doanh nghiệp được điều hành một cách dân chủ sẵn sàng thực hiện cuộc chuyển đổi sinh thái, một sự chuyển đổi mà những người đầu tư tư bản cũng như những người đầu tư bằng lao động có thể nêu lên tiếng nói của mình và cùng quyết định những chiến lược cần thực hiện.
Điều này sẽ không làm ai ngạc nhiên cả: trong chế độ hiện tại, sự đánh đổi tư bản/lao động/hành tinh luôn bất lợi cho lao động và hành tinh. Có thể tiết kiệm gần ba phần tư số năng lượng tiêu thụ của thế giới nhờ những thay đổi đơn giản của qui trình sản xuất (“Reducing Energy Demand: What Are the Practical Limits? (Giảm nhu cầu năng lượng: đâu là những giới hạn thực tế?)”, Jonathan Cullen, Julian Allwood và  Edward Borgstein, Environnemental Science & Technology, n° 45, 2011).
Nhưng những thay đổi này bao hàm một lực lượng nhân công lớn hơn và những lựa chọn thường tốn kém trong ngắn hạn. Chừng nào các doanh nghiệp còn được điều hành chỉ vì lợi nhuận của những người góp vốn, ta thấy rõ quyết định sẽ đi theo chiều hướng nào, khi các chi phí năng lượng là không đáng kể. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xã hội hoặc hợp tác xã - trong lúc theo đuổi những mục tiêu hỗn hợp vừa tài chính vừa xã hội và môi trường và phát triển một mô hình điều hành dân chủ nội bộ - đã chứng minh tính đáng tin cậy của một hướng đi như vậy.
Pavlina Tcherneva
Hélène Landemore (1976-)
Chúng ta đừng ảo tưởng. Nếu để cho họ tự thân hành động thì các nhà đầu tư tư bản sẽ không quan tâm đến phẩm giá của những người đầu tư bằng lao động lẫn cuộc đấu tranh chống thảm họa khí hậu. Một kịch bản khác nằm trong tầm tay: dân chủ hóa doanh nghiệp và ngừng xem lao động là hàng hóa. Và điều đó sẽ giúp chúng ta làm sạch hành tinh.
Julie Battilana, nữ giáo sư quản trị thương mại, Harvard Business School, Julia Cagé, nhà kinh tế học (Trường khoa học chính trị Paris-Sciences Po Paris-),
Isabelle Ferreras, nữ giáo sư xã hội học, Đại học Công giáo Louvain,
Lisa Herzog, nữ giáo sư triết học chính trị, Đại học Groningue,
Hélène Landemore, nữ giáo sư chính trị học, Đại học Yale,
Dominique Méda, nhà xã hội học, (Đại học Paris Dauphine),
Pavlina Tcherneva, nhà kinh tế học (Bard College).
________________________________________
Thà xanh còn hơn chết, diễn đàn của chúng tôi
L'urgence sanitaire n'a pas fait oublier l'urgence écologique et climatique (Khẩn cấp về y tế không làm quên đi khẩn cấp về sinh thái và khí hậu), tác giả: Tập thể những người sáng lập Diễn đàn về những chỉ báo khác của phồn vinh (Forum pour d’autres indicateurs de richesse FAIR)
L'UE doit trouver une ligne de crête entre des objectifs ambitieux et le temps nécessaire aux transitions (Liên minh châu Âu phải tìm một đường ranh giới giữa những mục tiêu đầy tham vọng và thời gian cần thiết cho sự chuyển đổi), tác giả: Bruno Alomar, nhà kinh tế, cựu thành viên của văn phòng ủy viên châu Âu về năng lượng.
La relance doit être verte (Sự phục hồi phải là xanh), tác giả: Christian Brodhag, chủ tịch của Construction 21 và của Pôle écoconception, cựu đại biểu liên bộ về phát triển bền vững (2004 -2008).
La planification ecologique ne serait-elle pas un moyen efficace de reduire l’incertitude sur l’avenir (Kế hoạch hóa sinh thái có phải là một phương tiện hữu hiệu nhằm giảm bớt những điều bất định về tương lai?”, tác giả: Dominique Plihon, nhà kinh tế học, chuyên viên nghiên cứu bộ môn năng lượng và thịnh vượng, Institut Louis-Bachelier, Paris.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Print Friendly and PDF