30.7.20

Thống kê đạo đức

THỐNG KÊ ĐẠO ĐỨC


Cụm từ “thống kê đạo đức” xuất hiện trong một tiểu sử tô hồng năm 1829: Statistique morale de la France, ou biographies des hommes remarquables dans tous les genres (Thống kê đạo đức của nước Pháp, hay các tiểu sử tô hồng về những nhân vật lỗi lạc thuộc mọi lĩnh vực). Trong một lá thư ngày 11.11.1831 gởi cho A. Quetelet và trong tác phẩm Essai năm 1833, A. M. Guerry để nghị gọi bằng cụm từ trên việc nghiên cứu xu hướng của các cá nhân từ phía mà các xu hướng này có thể xem xét được. Phía này được đại diện bởi những hiện tượng mà các xu hướng tạo ra: hôn nhân, sinh sản, tội ác và mọi biểu hiện định lượng khác của các ý thức và cảm xúc. Các hiện tượng này được xem là phơi bày một đặc điểm: chúng xuất hiện theo một tần số ít nhiều giống nhau năm này qua năm khác.
Từ đâu có tính từ “đạo đức” đặc trưng cho một quan niệm thống kê được quan niệm như thế? Điều này xuất phát từ yếu tố thứ hai của sự phân loại rốt ráo thể chất/tinh thần (physique/moral) của P.-G.-J. Cabanis trong tác phẩm Rapports du physique et du moral de l’homme de 1796-1805 của ông và có nghĩa là “liên quan đến năng lực tinh thần (facultés morales)”. Sự phân đôi này nằm ở cội nguồn của việc thiết lập lớp các khoa học đạo đức (sciences morales) của Institut de France (Học viện Pháp quốc) năm 1795 và của tổ chức có tên đồng âm (Académie des sciences morales et politiques) năm 1832. Hệ quả là các khoa học đạo đức là một lĩnh vực mà thống kê đạo đức là một thành tố và tính thống nhất của lĩnh vực không được đảm bảo bởi việc nghiên cứu luân lí học (la morale). Mặc dù hai mảng nghiên cứu, tinh thần (moral) và luân lí (morale), cuối cùng chồng lên nhau, thống kê đạo đức không ra đời như là xã hội học của luân lí học.
J. Peter Süssmilch (1707-1767)
John Arbuthnot (1667-1735)
Tiền thân xưa nhất của thống kê đạo đức là số học chính trị, J. Arbuthnot và J. P. Süssmilch ngay từ thế kỉ XVIII khẳng định là, tuỳ theo địa bàn, các sự kiện dân số lặp lại đúng thời hạn. Khởi điểm của thống kê đạo đức là việc xuất bản vào năm 1827 và 1828 tập I và tập II của Compte général de l’administration de la justice criminelle (Tổng kết của cơ quan tư pháp về tội phạm). Quetelet tự cho mình là người đầu tiên khám phá trong chuỗi số liệu này tính đều đặn (“đáng sợ”) của hành động con người và chính ông, kể từ những bài tập trong tác phẩm Sur l’homme (Về con người) năm 1835, hơn bất kì ai khác, đã trình bày các nguyên lí của thống kê đạo đức, cho dù ông chỉ sử dụng thuật ngữ này năm 1848, trong khi Guerry - cuối cùng cũng có người cạnh tranh - là người đầu tiên viết lịch sử của bộ môn này (1864, I-LX).
Quetelet xác lập ba nguyên lí sau: 1/ các hiện tượng đạo đức là những hiệu ứng tỉ lệ với nguyên nhân của chúng. 2/ Có hai loại nguyên nhân: nguyên nhân “không đổi” và nguyên nhân “bất ngờ”. 3/ Được liệt vào các nguyên nhân không đổi là các định chế kinh tế và tôn giáo, phong tục, tuổi tác, giới tính và nghề nghiệp; trong số các nguyên nhân bất ngờ có sự thất thường của cá nhân và ý chí chống đối của họ đối với những ràng buộc của các nguyên nhân không đổi. Số hiện tượng đạo đức (nghĩa là số trường hợp) được phân tích càng nhiều thì tác động của các nguyên nhân bất ngờ càng biến mất, nhường chỗ cho tác động của những nguyên nhân không đổi, do đó tính ổn định của cùng một hiện tượng đạo đức phụ thuộc vào các nguyên nhân không đổi này.
Augustin Cournot (1801-1877)

Bằng nguyên lí thứ nhất của mình, Quetelet phản bác ý kiến phản đối của thống kê hành chính, đặc biệt là sự phản đối của A. Moreau de Jonès, theo đó ta không thể nào xử lí bằng toán học các đam mê, khi liên quan đến những hiện tượng không quan sát được. Thế mà kết quả của những “chuyển động của tâm hồn” lại quan sát được. Bằng nguyên lí thứ hai, Quetelet góp phần tạo nên một từ vựng. Lúc khởi đầu ông nói đến những nguyên nhân “tự nhiên” và nguyên nhân “gây nhiễu”. Sau đó ông tìm thấy trong Exposition de la théorie des chances et des probabilités (Trình bày lí thuyết cơ may và xác suất) của A. Cournot (1843) sự phân biệt giữa nguyên nhân “đồng đều hay thường xuyên” với nguyên nhân “tình cờ hay ngẫu nhiên”. Tất cả các từ này chỉ thể hiện ý là tất cả những gì là ngẫu nhiên chỉ để lại dấu ấn yếu trong lịch sử. Bằng nguyên lí thứ ba, Quetelet dựa trên định luật số lớn của S.-D. Poisson (được phát biểu trong khoảng các năm 1835-1837) để đưa việc giải thích những quy luật của hành vi về việc giải thích những quy luật thống kê: các quy luật này chỉ tồn tại nếu các sự kiện được xem xét là “cả khối”.
Chính khi xét các hiện tượng đạo đức với khối lượng lớn thì ta mới thấy các quy luật chi phối chúng. Hiểu biết các quy luật này cho phép dự báo các hiện tượng ấy: “Chúng ta có thể đếm trước - Quetelet viết như thế vào năm 1828 - bao nhiêu cá nhân sẽ có bàn tay vấy máu đồng loại, bao nhiêu người là kẻ giả mạo, là kẻ đầu độc, gần giống như ta có thể đếm trước có bao nhiêu trẻ sẽ ra đời và bao nhiêu người sẽ tử vong ([1835] 1991, 35). Dự báo bị thực tế bác bỏ chăng? Điều này có nghĩa là xã hội (tức là cách bố trí của các nguyên nhân không đổi) đang thay đổi, những thay đổi thật sự, khác với những khủng hoảng xã hội tạm thời, thường diễn ra rất chậm. Như vậy, thống kê đạo đức chỉ là một bộ môn mới đối với đối tượng mà ta áp dụng những cách thức đã từng chứng tỏ là hữu hiệu, thể theo lời mời của P.-S. Laplace kêu gọi cũng nên vận dụng vào các khoa học đạo đức “phương pháp đặt nền tảng trên sự quan sát và tính toán” (Essai philosophique sur les probabilités/Tiểu lun triết học về phép tính xác suất, 1814).
Quan điểm của Quetelet nhanh chóng được phổ biến nhờ sự lưu hành các tác phẩm của ông và nhờ mạng lưới các hội nghị quốc tế về thống kê mà ông là người hoạt náo kể từ năm 1853. Trong khoảng sáu mươi năm hai chủ đề đã huy động các nhà thống kê đạo đức, những người ủng hộ và vài người đối địch họ: 1/ chứng minh sự tồn tại của một trật tự tự phát các sự việc, được ghi khắc trong tính khí (có thể thay đổi) của mỗi xã hội và tái xuất hiện sau mỗi đảo lộn hay rối loạn; 2/ ước tính phần thuộc về “tự do ý chí” trong sự hình thành trật tự này: nếu mỗi lần các sự kiện xã hội đều xảy ra theo những tỉ suất giống nhau thì trong chừng mực nào hành động con người là được xác định trước?
Émile Durkheim (1858-1917)
Thomas Buckle (1821-1862)
Tại Anh - khi ngay cả K. Marx, trong một bài báo viết cho tờ Daily Tribune ở New York không che giấu sự ngưỡng mộ đối với tác phẩm “xuất sắc và bác học” Sur l’homme và những chân lí có thể đọc được trong đó - chính H. Th. Buckle nhận trách nhiệm, trong phần đầu tác phẩm History of Civilization in England (1858-1861) của ông, phổ biến điều được cho là hiển nhiên, theo đó không gì xảy ra một cách ngẫu nhiên trong các xã hội. Vào thời điểm đó không có gì là độc đáo, ông bàn về tự tử: “Với một điều kiện nhất định của xã hội, một số cá nhân phải tự kết liễu đời mình”. Tính ổn định của hiện tượng tự tử được A. Wagner (1864, số liệu của 16 nước) xác nhận ở Đức và việc quy chiếu về cái chết tự nguyện trở thành bắt buộc ở khắp nơi. Vì sao có sự quan tâm nhiều đến thế đối với một hiện tượng thiểu số như vậy, Il suicido của E. Morselli (1879) và bài viết đầu tiên của E. Durkheim về chủ đề này (“Suicide et natalité”, 1888) có gần như cùng một tiểu tựa Saggio di statistica morale comparata, “Étude de statistique morale”? Vì người ta không biết lựa chọn nào ít phụ thuộc hơn vào sự tất yếu, nghĩa là ít phụ thuộc vào những cơ hội và lí do đa dạng, bằng quyết tâm tự lết liễu đời mình, và tuy nhiên sẽ là (có thể là) dễ dàng nhận ra là tính cố định tương đối của tỉ suất tự tử, tức là tỉ số của số tử vong tự nguyện trên một tổng dân số nhất định, là (có thể là) cao hơn tỉ suất của những đại lượng tương tự, trong đó có tỉ suất tỉ vong chung.


Dựa trên hai công trình của Quetelet, theo thứ tự chuyên luận năm 1848 “Sur la statistique morale” (Về thống kê đạo đức) và bản dịch tiếng Anh của Lettres sur la théorie des probabilités/Các bức thư về phép tính xác suất (1846), M. W. Drobisch năm 1849 và J. Herschel năm 1850 khơi mào cho cuộc tranh luận về vai trò của tự do ý chí trong việc thiết lập các tính đồng điệu xã hội: phải chăng các cá nhân, cho dù có làm gì hay tránh làm gì đi nữa, cũng không bao giờ thoát khỏi “ngân sách” khắc nghiệt hằng năm mà Quetelet nêu lên kể từ năm 1862, “ngân sách của nhà tù và của các đoạn đầu đài”? Nhờ đóng góp của nó cho những phát triển của ý tưởng trách nhiệm, so với ý tưởng về sự tất định, cuộc tranh luận này đã có những bước phát triển bất ngờ ở châu Âu và đặc biệt ở Đức (xem Drobisch, 1867 và Mayr, 1877). Tuy nhiên cuộc tranh luận tỏ ra vô bổ, ngoại trừ những thu hoạch về mặt thực nghiệm mà nó cho phép đạt được: người ta đã kiểm tra là tính quy luật của các chuỗi kinh tế đã bị Quetelet (đã mất trong thời gian diễn ra cuộc tranh luận) và các môn đồ phóng đại.
Sự vô ích của cuộc tranh luận về tự do ý chí nằm ở chỗ vấn đề phải biết trong chừng mực nào cá nhân làm chủ định mệnh của mình, khi đứng trước sự không đổi của các tỉ suất thống kê tóm tắt kết quả những hành động của mình chỉ có thể, ngay từ đầu, chấp nhận một lời giải: điều khẳng định về kết quả của việc tổng gộp n hành động cá nhân không thể áp dụng cho cũng các hành động này khi chúng được xem xét riêng biệt. Điều này cũng đúng ở cấp độ dự báo: nói rằng ta biết trước năm sau sẽ có bao nhiêu vụ giết người không có nghĩa là ta biết năm tới ai là kẻ phạm tội giết người. Những cá nhân vẫn tự do làm những gì mình muốn và quả thật là họ có tự do hành động. Đơn giản là, như là “một khối người”, hành động của họ hợp thành một mức độ thực tế đặc biệt.
Còn G. F. Knapp (từ bài viết năm 1871 “Die neuen Anschiten über Moralstatistik”) và W. Lexis, bằng chỉ số biến động được ông công bố năm 1876, tiến hành việc bác bỏ luận điểm theo đó ta chỉ đứng trước các quy luật thống kê đáng tin. Ông tìm ra một chuỗi dữ liệu duy nhất (của Đan Mạch) cho thấy một tính ổn định hoàn toàn suốt hai mươi lăm năm. Những nghiên cứu của ông trong một thời gian dài không có ảnh hưởng, ngay cả sau khi đã hệ thống hoá chúng (Lexis, 1903). Nói chung, một quy luật càng có ý nghĩa khi thời kì được kiểm định là dài. Quetelet (1848a) đã xem xét diễn tiến của tội phạm ở Pháp suốt 19 năm. Tuy nhiên các bảng của ông có một số sai lầm (Porter, 1986, chương 6).
Vào cuối thế kỉ XIX, có thể tóm tắt tình trạng của thống kê đạo đức bằng bốn điểm: 1/ dự án biến thống kê đạo đức thành một khoa học xã hội độc lập đã thất bại vì lĩnh vực của nó ngày càng bị xã hội học về tội phạm và dân số học đang phát triển xâm nhập; vả lại đối với một số tác giả, trong đó có người tiêu biểu nhất (Öttingen, [1868-1873] 1882]) đối tượng của nó mở rộng đến độ có chỗ cho mọi hiện tượng xã hội; không có giải thích thuyết phục nào của các quy luật thống kê, trong chừng mực mà chúng tồn tại, thắng thế (ngược lại, mỗi trường phái xã hội học đề xuất cách đọc riêng của mình); 4/ cuối cùng chỉ còn lại một đống dữ liệu.
Trên tạp chí L’Année sociologique, Durkheim (1901) ghi nhận hiện trạng của thống kê đạo đức: nó đã trở thành một bộ môn phụ của xã hội học về luật pháp mà mục tiêu là cho thấy cách các chuẩn mực được thực thi. Một phần của tạp chí này có tên là “Xã hội học tội phạm và thống kê đạo đức” và ta tìm thấy lại mục này trong bộ mới của tạp chí năm 1925. Có việc này chỉ là do sức ì vì thống kê đạo đức đã đi hết chu kì của nó. Những ánh lửa cuối cùng của bộ môn sáng lên ở Đức với G. Mayr, người dành cho Moralstatistik tập thứ ba trong bộ Statistik und Geselschaftslehre (1895-1917) và với F. Tönnies - được R. Michels (1928) hỗ trợ - nối dài với cuộc tranh luận với tác giả này được khơi mào năm 1913 về những giới hạn của tri thức thống kê ([1919-1925] 1929). Bằng thuật ngữ “sociographie”, tức là một phương pháp hỗn hợp, bao gồm điều tra trên thực địa, ông khẳng định là người ta biết được nhiều điều hơn.


BÖHME M., Die Moralstatistik, Cologne/Vienne, Böhlau, 1971. - DROBISCH M. W, Die moralische Statistik und die menschliche Willensfreiheit, Leipzig, Voss, 1867. - DURKHEIM É., “Sociologie criminelle et statistique morale”, L’Année sociologique, 4, 1901, 433-436. - GUERRY A. M., Essai sur la statistique morale de la France, Paris, Crochard, 1833; Statistique morale de l’Angleterre comparée avec la statistique morale de la France, Paris, Baillière, 1864. - LEXIS W., Abhandlungen zur Theorie der Bövlkerungs - uld Moralstatistik, Iena, Fischer, 1903. - MAYR G. von, Die Gesetezämssigkeit im Gesellschaftsleben, Munich, Oldenbourg, 1877. - MICHELS R., Sittlichkeit in Ziffern? Kritik der Moralstatistik, Munich, Dunker & Humblot, 1928. - ÖTTINGEN A. von (1868-1873), Die Moralstatistik in threr Bedeutung für eine Socialthik, Erlangen, Deichert, 1882. - PORTER Th. M., The Rise of Statistyical Thinking, 1820-1900, Princeton (NJ), Princeton University Press, 1980. - QUETELET A. (1835), Sur l’homme ou ses développements de ses facultés ou essai de physique sociale, Paris, Fayard, 1991; “Sur la statistique morale et les principes qui doivent en former la base”, Mémoires de l’Académie Royale [...] de Belgique, 21, 1848a, 3-71; Du système social et des lois qui le régissent, Paris, Guillemin, 1848b. - TÖNNIES F. (1919-1925), Soziologische Studien und Kritiken, 3, Iena, Fischer, 1929, 85-132. - WAGNER A., Die Gesetzmässigkeit in den scheinbar willkührlichen menschlichen Handlungen vom Standpunkte der Statistik, Hamburg, Boyes und Geisler, 1864, 2 vol.
Massimo Borlandi
Đại học Lyon I - Claude Bernard
Nguyễn Đôn Phước dịch
Durkheim; Tội ác và tội phạm; Quetelet; Số học chính trị; Toán học xã hội.
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique của Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), Paris, PUF, 2005.
Print Friendly and PDF