23.7.20

Uỷ ban Blanchard-Tirole gây ngạc nhiên bởi sự thuần nhất cao độ, bởi tính chất của một nhóm khép kín

“ỦY BAN BLANCHARD-TIROLE[*] GÂY NGẠC NHIÊN BỞI SỰ THUẦN NHẤT CAO ĐỘ, BỞI TÍNH CHẤT CỦA MỘT NHÓM KHÉP KÍN”

Florence Jany-Catrice
Chủ tịch Hội kinh tế chính trị học Pháp (l’Association française d’économie politique /AFEP)
Nhà kinh tế học Florence Jany-Catrice, trong một diễn đàn của báo  Le Monde, lấy làm tiếc là thành phần của ủy ban Blanchard-Tirole “Về các thách thức kinh tế quan trọng “chỉ phản ánh tầm nhìn thiên về thị trường tự do và duy sản xuất của kinh tế học “mainstream” (thuộc dòng chủ lưu)
Ngày 21/6/2020
DIỄN ĐÀN
Florence Jany-Catrice (1964-)
Sự hụt hơi rõ ràng và quá trình sụp đổ đang diễn ra của mô hình kinh tế tự do bị tài chính hóa của chúng ta ngày càng gây lo lắng và sửng sốt. Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đã đưa ra ánh sáng một cách sống động tính chất mỏng manh không thể tưởng tượng được của nền kinh tế: chỉ một con virus cũng đủ để đẩy các nền kinh tế châu Âu vào nỗi lo âu khôn cùng về việc phải ngừng sản xuất, một việc chưa từng có trong lịch sử.
Về phương diện trí tuệ, sự sút giảm vô cùng khốc liệt này cho ta biết rất nhiều điều về thế giới của chúng ta và về cách chúng ta sống trong đó. Trước tiên, sự hy sinh các dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ y tế, cho những mệnh lệnh của sản xuất công nghiệp và hàng hóa thuộc về một thời đại khác bị trả giá đắt: trước đây người ta đã biết chi phí xã hội, bây giờ biết thêm chi phí kinh tế. Cuối cùng thì chúng ta sẽ mất bao nhiêu mạng sống và bao nhiêu tỷ euro cho ý chí quyết liệt cắt giảm chi phí phòng ngừa y tế, cho nỗi ám ảnh việc định giá dịch vụ y tế và cho chiến lược không tồn kho?
Nhưng điều thứ hai là ta phải đánh giá khả năng “tiết lộ” của cách ly: tìm lại niềm vui sống cùng nhau, một mối quan hệ khác với thế giới, với thời gian, với chất lượng cuộc sống của chúng ta. Tưởng như là bỗng nhiên trang trí sân khấu của vở kịch “luôn luôn nhiều hơn và nhanh hơn” vốn làm ta kiệt sức và hủy hoại môi trường tự nhiên đã trôi tuột xuống chân bục sân khấu.  Điều thứ ba, một cú rơi đáng sợ, vì hiển nhiên là nó đi liền với sự sụp đổ của nền sản xuất và đe dọa một cách dữ dội những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, từ nay họ có nguy cơ gia nhập vào đoàn người bị gạt ra ngoài lề ngày càng đông đảo.
Sự mù lòa của tầng lớp lãnh đạo
Cú sốc về cả ba mặt y tế, kinh tế và xã hội này đặt câu hỏi về sự lệ thuộc trí tuệ của chúng ta đối với logic của trường phái tự do và duy sản xuất. “Sẽ không có gì như trước nữa”, tổng thống của chúng ta đã nói như vậy một cách vô cùng trịnh trọng. Than ôi, hành động đầu tiên của ông lại là tập hợp một ủy ban các chuyên gia để suy nghĩ về thế giới sau khủng hoảng, một ủy ban “các chuyên gia về những thách thức kinh tế quan trọng” có tên là ủy ban “Blanchard-Tirole”, có nhiệm vụ đề xuất những chính sách kinh tế hiệu quả trước ba thách thức trên qui mô toàn cầu trong bối cảnh hậu Covid-19, đó là bất bình đẳng, khí hậu và dân số.
Cách mà hành động đầu tiên này được thực hiện đã nói lên tất cả về sự mù lòa của tầng lớp lãnh đạo. Liệu có thật nghiêm chỉnh không khi chỉ quy tụ những nhà kinh tế học trong nhóm tư duy này, trong cái thế giới “hậu khủng hoảng” đó?
Có đúng không thế giới nơi diễn ra cuộc khủng hoảng chính lại là thế giới chịu đựng sự thống trị hoàn toàn của tư duy duy kinh tế?
Lẽ nào tất cả chúng ta không khổ sở khi thấy kinh tế luôn luôn và vẫn còn được ưu tiên hơn là sống cùng nhau?
Nên chăng ít nhất là yêu cầu các chuyên gia phải là một tập thể các năng lực, từ sinh học đến vấn đề đời sống trong xã hội? Duy kinh tế luận của các nhà kinh tế học có thực sự là giải pháp? Hay nó cũng là một vấn đề? Các nhà xã hội học, sử học, tâm lý học, chuyên gia các khoa học quản trị, triết học, nhân học, sinh học, vật lý học, dân tộc học, các chuyên gia về các loại động vật thuần hoá và hoang dã nghĩ gì về vấn đề này? Sự vận hành của nền kinh tế và hiệu ứng của nó lên đời sống của chúng ta có phải là vấn đề của riêng những nhà kinh tế học?
Một thế giới được xây dựng dựa trên “sự tôn thờ chủ nghĩa tư bản
Walter Benjamin (1892-1940)
Có nghiêm chỉnh không khi trong cái thế giới hậu khủng hoảng đó chỉ qui tụ những nhà kinh tế học thuộc dòng chủ lưu? Từ nhiều thập kỷ nay, thế giới của chúng ta được xây dựng từ những biểu trưng của chủ nghĩa tự do kinh tế và duy sản xuất được chính họ ủng hộ, và đó là điều chúng ta phải thoát ra! Đó là một thế giới được xây dựng dựa trên “sự tôn thờ chủ nghĩa tư bản” (hay “chủ nghĩa tư bản như là một tôn giáo” - ND) theo cách diễn đạt của Walter Benjamin. Do một thao tác thần diệu nào mà một buổi họp kín của các hồng y lại có thể đưa đến sự cáo chung của Công giáo? Tốt lắm thì người ta có nguy cơ có một giáo hoàng mới mà thôi.
Esther Duflo (1972-)
Thomas Piketty (1971-)
Ủy ban này gây ngạc nhiên bởi sự thuần nhất cao độ của nó, bởi tính chất của một nhóm khép kín, như chính những ai đã thiết lập nó công khai thừa nhận. Về mặt trí thức, lẽ ra điều rất cần thiết là phải báo hiệu cho những nhà kinh tế học phê phán, thường được xem là “phi chính thống”: nước Pháp có nhiều người như vậy, những người nổi tiếng thế giới. Lẽ ra cần can đảm…
Ngược lại với sự dũng cảm đó, nhóm nhỏ những nhà kinh tế này bị đóng cửa đối với những người được tôn vinh vì những ý tưởng mới, là những chứng nhân, theo người ta nói, của tinh thần rộng mở của kinh tế học chủ đạo cho sự phê phán chính nó: chẳng hạn như Esther Duflo, vừa được giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển, một trong những phụ nữ hiếm hoi được tôn vinh như vậy, hay Thomas Piketty, thủ lĩnh tiêu biểu của những người người thuộc thế hệ trẻ các nhà “French economists”.
Mở rộng ủy ban này cho công dân và các tổ chức trung gian
Nhưng mà không, dứt khoát không: không được thay đổi gì cả. Họ chỉ họp lại cùng những nhà kinh tế học chủ đạo, những chuyên gia đầy kinh nghiệm, những người biết điều… cái lý lẽ đã đưa chúng ta đến tình trạng hiện nay.  Cuối cùng, có thật nghiêm chỉnh không khi vẫn mãi mãi tập hợp những “chuyên gia” giữa họ với nhau? Xây dựng một mô hình xã hội mới có thể nào xuất phát từ một nhóm nhỏ gồm những “chủ thể được giả định là có tri thức” cho tất cả những người khác?
Tri thức uyên bác của những chuyên gia học thuật, được hình thành trong góc riêng của mình, ngay cả khi nó được công khai, có thiện chí và được phê phán, thì tốt lắm cũng chỉ sản sinh ra một mô hình mà dân chúng phải thích nghi theo. Không nên xây dựng thế giới trên cơ sở ngăn cách giữa tri thức uyên bác (ngay cả thuộc nhiều trường phái học thuật) và sự (không) hiểu biết phổ biến của dân chúng, mà ngược lại phải được xây dựng với sự liên thông, với những đối thoại, hợp tác, cùng xây dựng.
John Dewey (1859-1952)
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Như vậy phải mở rộng ủy ban này cho công dân và/hay các tổ chức trung gian (hiệp hội, tập thể, nghiệp đoàn, tổ chức phi chính phủ, đảng phái chính trị) và đối với từng vấn đề phải để cho “công chúng thích hợp” (như triết gia Mỹ John Dewey, 1859-1952, đã nói) hoặc là “trí thức tập thể” (như nhà xã hội học Pierre Bourdieu, 1930-2002, đã nói) tự hình thành.
Tìm kiếm một câu trả lời mới
Tiếc thay, như người ta đã đoán trước, các nhà kinh tế học tập hợp trong Hội kinh tế chính trị học Pháp (AFEP) đã không được liên hệ khi xây dựng nhóm nhỏ chuyên gia này, mặc dù giả định là có liên quan với nguyên tắc hòa hợp quốc gia. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng thế giới chỉ thay đổi khi tập thể chúng ta thay đổi cách hiểu về nó.
Trong những nghiên cứu và suy nghĩ của chúng tôi có sự tôn vinh việc áp dụng những nguyên tắc của việc mở rộng ra thế giới kinh tế-xã hội và toàn bộ các khoa học xã hội, bằng cách thường xuyên tiến hành những nghiên cứu về phương thức tham gia của một khoa học rộng mở và có tính đại chúng.
Chúng tôi đấu tranh để những thành viên của xã hội không bị giản lược thành con người kinh tế (Homo œconomicus) mà ta có thể mô tả những qui luật về hành vi biểu lộ ra bên ngoài, trước tiên và trước hết chúng ta xem họ như những tác nhân được trang bị khả năng nhận thức và đạo đức-chính trị. Sự thận trọng và khiêm nhường này gây trở ngại lớn cho chúng ta trên phương diện học thuật: ta biết là bằng cách nào Jean Tirole đã sử dụng tất cả tầm ảnh hưởng của ông để chống lại sự công nhận về mặt học thuật những điều mà các nghiên cứu của chúng tôi nêu ra, bằng cách thẳng thừng xếp chúng vào “chính sách ngu dân”.
Cuộc luận chiến tiếp theo đã thất bại. Mỗi người đều đã hy vọng cuộc luận chiến làm cho những trí thức tự xưng là tinh hoa trở nên khiêm tốn hơn. Nhưng rõ ràng không phải trường hợp này. Tuy nhiên, thay đổi cách nhìn của chúng ta, tự vấn lại những phương thức hành động theo thói quen, sửa đổi khoa học luận duy khoa học là một trong những điều kiện cần thiết để mong đem lại một lời đáp bền vững cho cuộc khủng hoảng, một lời đáp dân chủ, một lời đáp mới cho một thế giới ở đó “sẽ không có gì như trước nữa”.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư




Chú thích:

[*] Ngày 29/5/2020 tổng thống Emmanuel Macron đã thành lập một ủy ban gồm 26 nhà kinh tế người Pháp và quốc tế để nghiên cứu về ba thách thức toàn cầu trong bối cảnh hậu coronavirus: khí hậu, bất bình đẳng và sự lão hoá.

Hai người điều hành ủy ban này là Jean Tirole, giải Nobel kinh tế năm 2014 và Olivier Blanchard, nguyên kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ thế giới. (ND)

Print Friendly and PDF