29.7.20

Trung Quốc: tiết kiệm đang làm chậm lại sự phục hồi của tiêu dùng

TRUNG QUỐC: TIẾT KIỆM ĐANG LÀM CHẬM LẠI SỰ PHỤC HỒI CỦA TIÊU DÙNG

Mức tiêu dùng trong các hộ gia đình vẫn ở mức thấp ở Trung Quốc vào năm 2020. Bằng cách tạo ra một hiệu ứng giàu có, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, vốn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, đã có thể thúc đẩy một thiểu số người dân mua hàng, nhưng phần lớn các hộ gia đình đã chọn cách tiết kiệm nhiều hơn. (Nguồn: Ejinsight)
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, nhưng sự phục hồi này sẽ phụ thuộc đặc biệt vào tác động của kế hoạch phục hồi kinh tế được Bắc Kinh thông qua vào cuối tháng Năm. Vì lẽ người dân Trung Quốc chưa sẵn sàng tiêu dùng theo mọi hướng.
Trung Quốc vừa công bố các kết quả kinh tế trong quý II năm 2020. Các kết quả đó được cả thế giới quan tâm: diễn biến sự đoán định tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, với 10% tổng kim ngạch - có một tác động toàn cầu: kinh nghiệm của Trung Quốc, nước đầu tiên bị dịch bệnh xâm nhập, được các nước khác dõi theo.

Diễn biến cung cầu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2020 (Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc)
Trong quý I năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% so với quý I năm 2019, tức mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa. Trong quý II, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trở lại: GDP của nước này đã tăng 3,2%, nhưng vẫn nằm trong vùng báo động đỏ, với mức giảm 1,6% trong nửa đầu năm. Trừ phi một làn sóng tàn phá thứ hai, Trung Quốc dự kiến ​​có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái vào năm 2020: trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 1%.
Trong quý I, tình trạng phong tỏa vì dịch bệnh đã làm chững lại cung và cầu. Trong quý II, nếu cầu chưa khởi động lại được, thì cung đã tăng trở lại và phần lớn các doanh nghiệp (52% vào tháng 6 năm 2020, tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 12) dự đoán động thái này sẽ còn được tăng cường, theo các cuộc khảo sát của Chỉ số mua hàng của các nhà quản lý ngành sản xuất của Caixin Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nhà nước đã tăng mức đầu tư lên 2% trong nửa đầu năm, trong khi các doanh nghiệp tư nhân thì đầu tư ít hơn (-7,3%). Doanh số bất động sản - tiền tiết kiệm bí mật của các hộ gia đình - đã phục hồi trở lại vào tháng 6 và động thái này đang làm hồi sinh doanh số bán trang thiết bị và hàng nội thất. Khu vực công nghiệp (bao gồm các ngành chế tạo và xây dựng) đã phục hồi trong quý II sau khi bị giảm trong quý I. Sự hồi sinh của ngành xây dựng đã dẫn đến sự phục hồi của ngành công nghiệp thép Trung Quốc, chiếm hơn 52% sản lượng trên thế giới.
Đối với ngành dịch vụ, thì chưa phục hồi được, bắt đầu với ngành phân phối. Doanh số bán lẻ đã giảm 3,9% trong quý II sau khi đã sụp đổ 17,8% trong quý I. Mức tiêu dùng trong các hộ gia đình vẫn ở mức thấp ở Trung Quốc vào năm 2020. Bằng cách tạo ra một hiệu ứng giàu có, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, vốn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, đã có thể thúc đẩy một thiểu số người dân mua hàng, nhưng phần lớn các hộ gia đình đã chọn cách tiết kiệm nhiều hơn. Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong nửa đầu năm, lượng tiền gửi đã tăng 14,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 1,8 nghìn tỷ euro), tương đương với bốn tháng doanh số bán lẻ.
Lý Khắc Cường khác biệt Tập Cận Bình về vai trò của Nhà nước
Năm 2020, giống như năm 2008, hình thức thoát khỏi cuộc khủng hoảng củng cố khu vực Nhà nước. Vả lại, đây cũng là mục tiêu của Tập Cận Bình hơn là mục tiêu của Lý Khắc Cường. Năm 2013, thủ tướng Trung Quốc đã đỡ đầu cho nghiên cứu Trung Quốc năm 2030, đồng tác giả là Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), vạch ra một sự bớt can thiệp dần dần của Nhà nước. Báo cáo này được coi là lộ trình của chính phủ. Giờ thì không phải nữa, và đã có một giai thoại minh họa sự khác biệt giữa hai chính khách. Trong một chuyến viếng thăm Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông, miền đông bắc đất nước, Lý Khắc Cường đã ca ngợi người bán hàng rong “ những người tạo nên sức mạnh của Trung Quốc giống như các công ty công nghệ cao”. Ngày hôm sau, một bài báo đăng trên tờ báo của Đảng Cộng sản Bắc Kinh, Nhật báo Bắc Kinh, tuyên bố rằng người bán hàng rong không phải là một giải pháp. Nhận xét dứt khoát trên quên rằng nhiều nhà lãnh đạo các tập đoàn tư nhân lớn đều khởi nghiệp trong khu vực phi chính thức và khu vực đó là một nguồn tạo ra công ăn việc làm trong thời kỳ khủng hoảng.
Ba ngày sau, Lý Khắc Cường đã gây bất ngờ cho dư luận khi tuyên bố rằng 40% dân số có thu nhập thấp hơn 140 US$ mỗi tháng, một số tiền không đủ để có một cuộc sống tươm tất. Tuy thế, vào tháng 3, Tập Cận Bình tuyên bố rằng với hơn năm triệu người dân Trung Quốc ở dưới ngưỡng nghèo, thì đất nước đã chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo. Các lập trường nói trên có thể là những bước chuẩn bị cho hội nghị thường niên Bắc Đới Hà, nơi sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo đương nhiệm và tiền nhiệm của Trung Quốc.
Trong số các chủ đề sẽ làm nóng các cuộc tranh luận ở Bắc Đới Hà - nếu hội nghị diễn ra đúng theo kế hoạch - sẽ có chủ đề về việc làm. Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 6,2% vào tháng 2 năm 2020 so với mức 5,5% vào năm 2019 - và tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 5,9% tại 31 thành phố lớn nhất. Thước đo này không tính đến số phận của những người nhập cư đã trở về nông thôn, nơi họ không tìm được việc làm: vào cuối tháng 4, công ty Zhongtai Securities đã ước tính có 70 triệu người bị thiếu việc làm, chiếm 20,5% dân số trong độ tuổi lao động.
Thị trường việc làm cần hai năm để phục hồi
Theo một giáo sư của Đại học Nhân dân Bắc Kinh được tạp chí Caixin trích dẫn, thị trường việc làm sẽ cần đến hai năm để phục hồi từ đại dịch Covid-19. Bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các công ty ung ứng dịch vụ, vốn cần có các quan hệ tiếp xúc với khách hàng (các ngành nhà hàng, du lịch, văn hóa chiếm 1/5 việc làm trong các ngành dịch vụ) và các công ty chế biến nhỏ ngần ngại thuê mướn nhân công. Ở Trung Quốc, giống như ở mọi nơi khác, sinh viên trẻ tốt nghiệp - có 8,7 triệu người, trong đó có 1 triệu người sẽ tiếp tục học cao hơn - sẽ có một khởi đầu làm việc khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị có thể dao động trong khoảng 6% trong hai năm tới, và mức tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​cn đạt ít nht 4,5% để tr li tình trạng toàn dụng lao động.
Sự phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào những diễn biến trong nước. Trong số đó, có tác động của kế hoạch phục hồi kinh tế được thông qua vào cuối tháng 5, chiếm 4,5% GDP. Bởi vì trong mười năm qua, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP đã giảm và đang ở cùng mức với Ấn Độ (-19%). Trung Quốc không có nhiều kỳ vọng từ thị trường thế giới: tỷ trọng xuất khẩu chỉ tăng 0,5% trong tháng Sáu. Quan hệ với Hoa Kỳ đã xấu đi một lần nữa, với việc thông qua Đạo luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, và các quan hệ kinh tế sẽ tiếp tục xấu đi cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3 tháng 11.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là thành viên nhóm Asie21 (Futuribles) và là cộng sự nghiên cứu tại Asia Centre [Trung tâm châu Á]. Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation” [Kinh tế Đông Nam Á, ở giao lộ toàn cầu hóa] (Bréal, 2018) và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Chine: l’épargne freine la reprise de la consommation, Asialyst, ngày 18/07/2020.
Print Friendly and PDF