6.7.20

Khi các nhà kinh tế học bị cách ly

KHI CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC BỊ CÁCH LY

Jean-François Ponsot[*]
Nhà kinh tế John Maynard Keynes ngồi giữa nhà toán học Bertrand Russel và nhà văn Lytton Strachey, đã lí thuyết hoá nguyên lí bất trắc triệt để. National Portrait Gallery
Các nhà kinh tế học một lần nữa bị dồn vào chân tường. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chánh trên toàn thế giới đã bắt họ phải suy nghĩ lại về sự lặp lại của các cuộc khủng hoảng kinh tế trong lịch sử. Nhà kinh tế học Paul Krugman, giáo sư kinh tế ở MIT được “giải thưởng Nobel” đã tự hỏi: ”Vì sao các cuộc khủng hoảng lại trở lại với một khoảng cách đều đặn, hủy hoại sự thành công của những năm thịnh vượng, giống như dịch cúm theo mùa hay đúng hơn như là bệnh dịch tả hay bệnh dịch hạch?”.
Nếu câu hỏi này đồng vọng với thời sự, nó có vẻ hơi bị lỗi thời. Trước hết, với cuộc khủng hoảng gắn với Covid-19, là sự trừng phạt kép: ta vừa có khủng hoảng kinh tế và đại dịch trọng đại! Dịch tả và dịch hạch! Sau nữa là những bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã không được rút ra. Bất chấp các diễn ngôn kêu gọi (sự ra đời của) một thế giới mới, không có bất cứ sự chuyển hướng nào đã khởi xướng sự hướng tới một mô hình kinh tế mới vứt bỏ (thoát khỏi) một chế độ tăng trưởng phát sinh những bất bình đẳng và sự bóc lột con người, với những hậu quả tàn phá đối với sự sống còn của hành tinh.
Sự phong tỏa ít nhất cũng có một lợi ích, đó là khiến chúng ta một lần nữa phải xét lại những cuộc khủng hoảng kinh tế. Nó buộc chúng ta phải “tự sáng tạo lại”, để lấy lại từ ngữ của lời tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron trong bài phát biểu được truyền hình ngày 13 tháng tư năm 2020.
Như vậy sự phong tỏa đã tạo ra một sự sôi động rất lớn của các cuộc tranh cãi kinh tế trên mạng và các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên các nhà kinh tế học có vẻ không được thoải mái lắm trong cái phong trào tự vấn tập thể này vừa đột nhiên vừa rất phong phú. Thường quen với việc nắm độc quyền về những lời bình luận ngay tức thì và sự tiên tri kinh tế, họ quan sát và tham gia những cuộc tranh cãi với một khoảng cách nhất định và một chút lúng túng.
Đứng trước cuộc khủng hoảng, sự lanh lợi tri thức và thiên hướng tiếp liệu cuộc tranh luận công khai của họ hình như bị bất ngờ, bị phong tỏa, so với các nhà nghiên cứu các ngành khác trong khoa học xã hội và nhân văn.   
Làm sao giải thích sự bối rối của các nhà kinh tế học để dấn thân một cách toàn diện vào cuộc tranh luận tập thể? Họ có thể đề xuất những giải pháp nào? Kinh tế học có khả năng đưa ra những giải pháp khả dĩ cản trở, trong bước đầu, một sự sụp đổ toàn diện và trong dài hạn hơn đối đầu với những thách thức kinh tế, xã hội và sinh thái của thế kỷ XXI không?
Không một chuyên gia nào có thể tiên đoán được điều gì
Sự bối rối của các nhà kinh tế học trước hết được giải thích bởi tính chưa từng có của cuộc khủng hoảng này so với các cuộc khủng hoảng năm 1929 hay 2008.
Cho tới nay, các nhà kinh tế học thường có thói quen phân biệt các cuộc khủng hoảng do cầu với các cuộc khủng hoảng do cung. Nhưng ở đây, có một sự va chạm của cú sốc về cung (do sự phong tỏa và sự đứt đoạn mãnh liệt các chuỗi giá trị toàn cầu) và một cú sốc về cầu (vì sự sụp đổ của các thu nhập, sự nhân bội các sự thiếu hụt để trả nợ và các sự dự kiến bi quan).
Các nhà kinh tế học đã không trở tay kịp nhất là lần này, toàn bộ hành tinh bị tác động: đã không có sự tách rời các vùng khác nhau của thế giới, không tìm đâu ra một khu vực nào để rút lui. Bất trắc triệt để, theo nghĩa của nhà kinh tế học Anh John Maynard Keynes, là toàn diện: không một chuyên gia nào có thể thực sự tiên đoán được bầu không khí kinh doanh trong mấy tháng tới.
Eugene Fama (1939-)
Một sự giải thích khác nằm trong tính đặc thù của quy chế của nhà kinh tế học khi mà thời đại của ông phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng lớn. Nhìn nhanh lại về mặt khoa học luận giúp ta tự vấn về những hậu quả của cuộc khủng hoảng trên sự đổi mới tư tưởng của ngành. Lý thuyết kinh tế học có nhịp độ thay đổi riêng của mình, và nhịp độ này diễn ra trong thời gian dài. Điều này có vẻ là phản trực giác, nhưng cuộc khủng hoảng không kéo theo sự phá hủy ngay tức thì tư tưởng kinh tế học thống trị, bất chấp những sai lầm của nó trong quá khứ.
Những sự tái định hướng là rất chậm và ngoằn ngoèo. Vì các nhà kinh tế học rất khó thay đổi thế giới quan và vứt bỏ các quan điểm cũ. Chúng ta hãy lấy một thí dụ. Giả thiết về hiệu quả của các thị trường tài chánh, do nhà kinh tế học Mỹ Eugene Francis Fama phát triển trong những năm 1960, vẫn còn là nền tảng của những bài giảng về kinh tế học tài chính, bất chấp các cuộc khủng hoảng được lặp đi lặp lại và việc chính các nhà giao dịch chứng khoán đã bỏ rơi nó từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán của Mỹ … năm 1987.   
Một màn hình cho thấy sự giảm sút của chỉ số CAC 40 trong những cổ phiếu khác trong văn phòng của Euronext ngày 9 tháng 3 năm 2020 vào thời khủng hoảng Covid-19. Eric Permont/AFP
Sức ì của một tư tưởng thống trị dù bị thử thách một cách nghiêm trọng còn được giải thích bởi xã hội học về các nhà kinh tế học có uy thế và của các cố vấn của các người cầm quyền. Ở Đức, nước mà các luận đề theo thuyết thắt lưng buộc bụng có sức đề kháng mạnh, các nhà kinh tế học có ảnh hưởng là những người đàn ông, có tuổi, xuất thân từ các nhóm nghiên cứu chiến lược hơn là từ các giới hàn lâm, với số lượng thành viên bảo thủ cao gấp hai lần số thành viên tiến bộ.
Chiến thắng đánh lừa của những kẻ có quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống
Một sai lầm khác không nên phạm là nghĩ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tất yếu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của một hệ chuẩn mới có cơ sở trên những lý thuyết phi chính thống, ẩn núp trong bóng tối và nay thì có cơ hội để thăng quan. Vài người lấy làm vui mừng hơi sớm thấy những luận đề kinh tế bị đặt ngoài lề trước đây, thậm chí còn là bài thánh, nay lại được đặt ở trung tâm của trường (tư tưởng) kinh tế.
Ngân hàng Anh nay đã chấp nhận một cách không mặc cảm hoạt động của máy in tiền trong khi cách đây không lâu các nhà kinh tế học chủ trương loại chính sách này bị xem như là những người dị giáo! Mặt khác có còn cần phải nói đến sự thành công của modern monetary theory (thuyết tiền tệ hiện đại mới) không?
Cách tiếp cận chủ trương sự tiền tệ hóa triệt để của nợ công và sự can thiệp của Nhà nước với tư cách là người sử dụng lao động cuối cùng mới đây còn không có uy tín trong giới hàn lâm; nay thì nó nằm ở trung tâm của những suy nghĩ kinh tế của đảng Dân Chủ trong cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, nhưng liệu nó có còn thịnh hành năm tới hay không?
Lawrence Summers (1954-)
Olivier Blanchard (1948-)
Thật ra, tư tưởng dị giáo không sản sinh ra một sự chính thống mới nhân dịp cuộc khủng hoảng. Sự phổ biến các luận đề mới trước hết là kết quả của sự hội tụ của những chẩn đoán và những đề nghị giữa các nhà kinh tế học dị giáo và các nhà kinh tế học chính thống “ly khai” và có ảnh hưởng, đã chuyển hướng các quan điểm của họ.
Những nhà kinh tế học ly khai này xét lại những công trình của phân tích thống trị - phân tích mà ta tìm thấy trong các sách giáo khoa kinh tế - hay dự định nới giản các giả thiết cơ bản của những mô hình mang tính quy tắc, song không ngã về phía dị giáo. Theo hướng này, sự khôi phục lại uy tín của chính sách tài khoá và của sự can thiệp của Nhà nước nhờ vào công trình đổi mới phê phán kinh tế vĩ mô chuẩn (được các nhà kinh tế học Olivier Blanchard, Pauk Krugman, Joseph Stiglitz hay Lawrence Summers triển khai vào những năm 2010) hơn là vào sự phổ cập các chương trình nghiên cứu hậu Keynes hay theo thuyết thể chế.
Nhà kinh tế học buộc phải rút lui 
Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt, người đã khởi xướng chính sách New Deal. United States Library of Congres
Giai đoạn của cuộc đại suy thoái vào những năm 1930 xác nhận rằng tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đã là cơ hội để cho những ý tưởng mới được khẳng định, nhưng mối quan hệ không trực tiếp (tức thì) và không đơn giản. Chính sách New Deal của tổng thống Mỹ Frank Delano Roosevelt hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của những ý tưởng cách mạng của Keynes vào thời điểm đó. Đúng hơn là tính thực dụng khôn ngoan và táo bạo của Roosevelt đã dẫn dắt ông đến con đường của những chính sách sáng tạo và đoạn tuyệt với những quy chuẩn của thời đại của ông. Cuộc “cách mạng keynesian” chỉ tạo sự tác động trên các chính sách kinh tế sau Đệ Nhị Thế Chiến.          
Như vậy, với cuộc khủng hoảng kinh tế, ta đang chứng kiến một sự phục thù của chính trị. Khoa học kinh tế, vẫn còn bị giam hãm trong các giáo điều cũ và cũng chưa đủ chín muồi để có thể làm nổi lên một hệ chuẩn mới mang tính đồng thuận, không còn khả năng cung cấp một sự giám định đáng tin và vững chắc cho các nhà quyết định chính trị.
Trong cuộc “chiến tranh” hiện tại chống Covid-19, nhà kinh tế học buộc phải rút lui. Bị cách ly, nhà kinh tế học phải tìm cách bù đắp cho sự chậm trễ của mình trong cuộc chiến. Trong khi đó, người hoạch định chính sách hoạt động như chưa từng có. Hành động chính trị của người này để đối phó với cuộc khủng hoảng giành ưu thế trước mọi thứ giáo điều, không có sự ứng dụng của một khung lý thuyết được quan niệm trước.
Emmanuel Macron (1977-)
Cách đây hai năm, khi Emmanuel Macron nói chuyện với một chị điều dưỡng của Trung Tâm Y Tế Đại Học của Rouen, ông đã biện minh cho chính sách tài khoá khắc khổ áp đặt lên lãnh vực bệnh viện đã tuyên bố trước ống kính truyền hình là “không có tiền thần diệu”. “Nếu nợ công áp sát 100% GDP, chính thế hệ con cái của chúng ta buộc sẽ phải trả nợ”. Nay buộc phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế chưa từng có tiền lệ, ông giải thích rằng tất cả các phương tiện sẽ được huy động để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Đó là sự đăng quang của chính sách “dù có phải trả bất cứ giá nào” cho dù rằng nợ công có thể vượt qua 115% vào cuối năm 2020.
Một tiến trình tái xây dựng
Còn cần phải biết đây là một sự quay ngược gắn với những hoàn cảnh đặc biệt (ngoại lệ) của cơn đại dịch hay là một chủ thuyết mới nhằm xây dựng nền tảng của một xã hội mới.
Ở trung tâm của các thời điểm khủng hoảng, các diễn ngôn về tính trị liệu của nó lại thường nổi lên nhưng không nhất thiết dẫn đến một sự đứt đoạn thật sự với cái thế giới cũ. Trong thời gian đầu, cuộc khủng hoảng được cảm nhận như là giải pháp: đó là một cơ hội để ta phóng đại vào “thế giới sau này, đè bẹp tất cả các giáo điều, tất cả những tiên định mang tính ý thức hệ” như nhà kinh tế Olivier Passet đã nói. Nhưng rốt cuộc, không còn gì hết về những điều này.
La faillite financière de la pensée progressiste (Olivier Passet, Xerfi canal, 17 avril 2020).
Vừa lòng với việc cứu vớt cái thế giới cũ mà không dấn thân vào việc xây dựng tương lai thông qua một “hệ chuẩn mới”, như cựu tổng giám đốc Quỹ Tiến Tệ Quốc Tế Dominique Strauss-Kahn đã đề xuất một cách hơi chậm trễ dù là đúng đắn, sẽ là một sai lầm chết người. 
Jean-François Ponsot
Perry Mehrling (1959-)
Thoát khỏi cuộc khủng hoảng không thể bị đồng hóa với một tiến trình đơn giản để phục hồi nền kinh tế nhằm trở lại việc kinh doanh như thường lệ. Như giáo sư kinh tế học ở đại học Boston Perry Mehrling nhắc lại, đây không phải “đơn giản là quay trở lại nguyên trạng, mà là cả một tiến trình tái xây dựng tương tự với quá trình tái thiết thời hậu chiến”.
Chắc hẳn là các nhà kinh tế học, một khi đã thoát khỏi sự cách ly và lành bệnh Covid-19, sẽ có tiếng nói trong sự thiết kế một hệ thống tư tưởng mới trong đó con người và những suy nghĩ xã hội và sinh thái sẽ có chỗ đứng.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Les économistes mis en quarantaine”, The Conversation, 3.5.2020.




Chú thích:

[*] Nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Pacte, Đại học Grenoble Alpes

Print Friendly and PDF