FRÉDÉRIC KECK: “NÊN ĐIỀU TIẾT CÁC CHỢ ĐỘNG VẬT Ở CÁC THÀNH PHỐ TRUNG QUỐC, CHỨ KHÔNG CẤM”
Hai cư dân sống ven sông gần chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, ngày 13 tháng 6 năm 2020. (Nguồn: Thaipbs)
Ngày 12 tháng 6, thành phố Bắc Kinh đã công bố việc phát hiện một ổ virus corona mới xung quanh chợ bán sĩ Tân Phát Địa (Xinfadi), một khu chợ thực phẩm khổng lồ. Khi tuyên bố “sẵn sàng chiến đấu”, chính quyền địa phương đã phong tỏa trở lại 11 quận và triển khai các phương tiện khổng lồ để truy ngược các chuỗi truyền nhiễm virus. Các nhà chức trách đảm bảo: “Tình hình đang được kiểm soát.” Nhà nhân học Frédéric Keck, chuyên gia về khủng hoảng y tế liên quan đến các bệnh động vật, đã xem xét sự cố này cũng như những thách thức về hình ảnh tượng trưng của đại dịch này đối với Trung Quốc. Ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của các “khu chợ ẩm ướt”, đã bị bài xích rất nhiều kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng.
PHỎNG VẤN Frédéric Keck là nhà nhân chủng học và nhà sử học về triết học, là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp [CNRS, Centre National de la Recherche Scientifique]. Ông lãnh đạo Phòng thí nghiệm nhân học xã hội. Là chuyên gia về khủng hoảng y tế liên quan đến các bệnh động vật, ông đã thực hiện nhiều nghiên cứu ở châu Á. Cuốn sách mới nhất của ông, Les sentinelles des pandémies: chasseurs de virus et observateurs d’oiseaux aux frontières de la Chine [Những lính canh đại dịch: thợ săn virus và người trông chim ở biên giới Trung Quốc], vừa được Zones sensibles xuất bản. Frederick Keck, giám đốc Phòng thí nghiệm nhân học xã hội tại Trường khoa học xã hội cao cấp Pháp (EHESS). |
Lại thêm một ổ lây nhiễm virus xung quanh một khu chợ, giống như ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái. Tại sao chợ là nơi truyền nhiễm virus?
Frédéric Keck: Kể từ cuộc khủng hoảng virus SARS vào năm 2003, người ta biết rằng chợ là nơi phát sinh lây nhiễm, do mật độ tiếp xúc rất cao giữa các loài với nhau, giữa con người và động vật. Người ta cũng rất khó tôn trọng các rào cản trong hành vi, chẳng hạn như trong các lò mổ và tại các nơi hái lượm, nơi xuất hiện các ổ dịch bệnh. Việc truyền nhiễm virus cũng có thể diễn ra thông qua việc giết mổ tại chỗ các động vật sống, giống như thực tế đã diễn ra ở các chợ ở Vũ Hán. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy có vẻ như virus SARS-CoV 2 đã phát tán từ nhiều tuần bên ngoài Vũ Hán, trước khi được phát hiện ở chợ. Con virus đó hình như không xuất hiện tại đó, mặc dù vẫn có những nghi ngờ có thể hiểu được về việc một con virus được nghiên cứu ở loài dơi đã thoát khỏi một phòng thí nghiệm, có trụ sở nằm gần đó. Còn ổ dịch (cluster) ở thành phố Bắc Kinh, cho thấy là virus tiếp tục phát tán mặc cho các biện pháp rất nghiêm ngặt được thành phố áp dụng, đặc biệt để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc sẽ diễn ra vào cuối tháng Năm.
Ông có nhận thấy một sự thay đổi trong truyền thông của các nhà chức trách Trung Quốc, so với sự bùng phát khủng hoảng [y tế] ở Vũ Hán?
Sau ổ dịch ở Vũ Hán, các nhà chức trách đã phong tỏa thành phố muộn đến ba tuần. Họ cũng tuyên bố cấm tiêu thụ loài tê tê, một loài động vật hoang dã, mà việc buôn bán đó đã bị các hiệp hội về môi trường lên án từ nhiều năm qua, ngay cả khi việc lây nhiễm virus từ tê tê sang người, vào lúc này, vẫn chưa được kiểm chứng. Liên quan đến ổ dịch chợ Tân Phát Địa, các nhà chức trách, ban đầu, đã ám chỉ rằng virus phát sinh từ châu Âu thông qua một loài cá hồi Na Uy, một điều rất khó xảy ra. Trong bất kỳ trường hợp nào, ổ dịch mới này đã tạo ra một tâm lý hoảng loạn, bởi vì khu chợ đầu mối này, rộng đến 112 ha, là nơi cung cấp rau quả cho toàn thành phố.
Nhưng có một sự khác biệt đáng chú ý giữa hai ổ dịch nói trên. Trong trường hợp đầu, tâm lý căng thẳng diễn ra giữa chính quyền Vũ Hán với chính quyền trung ương Trung Quốc, vào một thời điểm mà có rất ít thông tin về đại dịch. Sáu tháng sau, tâm lý căng thẳng diễn ra giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu, do sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới. Khi phong tỏa trở lại một phần thành phố Bắc Kinh, với chỉ có khoảng một trăm ca lây nhiễm mà thôi, Tập Cận Bình muốn cho thấy ông đang áp đặt những biện pháp mẫu mực chống lại con virus này, để nắm quyền lãnh đạo công tác quản lý đại dịch. Nhưng điều này cũng có nguy cơ chống lại ông, bởi vì các biện pháp đó rất tốn kém về mặt kinh tế và xã hội.
Cúm gia cầm H5N1, SARS, Covid-19… Tại sao lại có nhiều dịch bệnh phát sinh từ Trung Quốc?
Miền Nam Trung Quốc là một vùng có khí hậu nóng, ẩm, mật độ dân cư đông đúc, cùng với một sự đa dạng lớn các loài động vật. Môi trường bao quanh này tạo điều kiện cho sự truyền nhiễm virus. Trên thực tế, có rất nhiều loại virus phát sinh từ Trung Phi và Nam Mỹ, nhưng Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, kết nối rất nhiều với phần còn lại của thế giới, điều này tạo điều kiện cho sự phát tán virus.
“Khu chợ ẩm ướt” Thanh Y ở Hồng Kông, tháng 1 năm 2017. (Nguồn: Exploringlife, Wikimedia Commons)
Hãy quay trở lại các chợ động vật, đôi khi được gọi là “khu chợ ẩm ướt”. Mọi sự quy trách nhiệm đều dồn về các chợ đó kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhưng ông lại phản đối việc đóng cửa các chợ đó...
Việc cấm cửa các chợ động vật ở trung tâm các thành phố sẽ là một biện pháp độc đoán, dẫn đến việc dịch chuyển hoạt động của chợ ra các vùng ngoại vi, và dưới hình thức bất hợp pháp. Người ta ước tính có khoảng 30 đến 50% lượng thịt được tiêu thụ ở Trung Quốc xuất phát từ các chợ này, hoặc thông qua y học cổ truyền dựa trên việc tiêu dùng các loài động vật hoang dã, hoặc thông qua việc tiêu dùng thông thường các loài gia cầm hoặc cá. Các sản phẩm đó được đánh giá cao về “độ tươi sống” khi mua động vật sống. Điều này lý giải sự ngờ vực của người tiêu dùng Trung Quốc liên quan đến tính an toàn và truy xuất nguồn gốc của thịt được bán trong các túi nhựa và trong tủ lạnh ở các siêu thị. Chợ động vật chưa bao giờ bị cấm ở các vùng lãnh thổ khác như Singapore, Hồng Kông và Đài Loan. Công dân gắn bó với chợ không chỉ vì khía cạnh truyền thống của chợ, mà còn vì chợ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng địa phương và các mặt hàng “hữu cơ”. Ngược lại, chợ hoạt động theo quy định. Thuật ngữ “khu chợ ẩm ướt [wet market, hay chợ bán đồ tươi sống]”, vả lại, xuất phát từ Singapore, nơi mà chính phủ bắt buộc người bán phải lau chùi quầy hàng của họ mỗi ngày, từ đó có thuật ngữ “wet [ẩm ướt]” (humide trong tiếng Pháp). Kỹ thuật này sau đó đã được áp dụng ở Hồng Kông và Đài Loan để kiểm soát nguy cơ mắc bệnh cúm gia cầm.
Ông phân biệt “phòng ngừa” đại dịch và “chuẩn bị” cho đại dịch, một điểm mà châu Âu đã tụt hậu. Ông có thể giải thích thêm.
Công tác phòng chống dịch bệnh dựa trên việc tính toán các rủi ro truyền nhiễm một bệnh đã biết trên một lãnh thổ nhất định. Đó là nền tảng của các chính sách chia sẻ rủi ro của Nhà nước-phúc lợi. Ví dụ, người ta sẽ quan tâm đến những bệnh phổ biến từ quá trình đô thị hóa, chẳng hạn như bệnh lao. Còn công tác chuẩn bị [cho đại dịch] đề cập đến việc tưởng tượng ra một thảm họa sắp xảy ra, như thể nó đã từng xảy ra, để hạn chế thiệt hại. Quan niệm này đã được phát triển vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm, như AIDS hoặc Ebola, được coi là một đe dọa đối với nền an ninh toàn cầu. Vào thời đó, chính phủ Mỹ đã nhận ra rằng bệnh đậu mùa, mà nhân loại đã khắc phục được vào những năm 1970 bằng vắc-xin, có thể quay trở lại thông qua một cuộc tấn công khủng bố bằng vũ khí sinh học. Vì vậy, các nhà chức trách đã khuyến nghị thực hiện các bài tập mô phỏng và lưu trữ vắc-xin. Cùng lúc đó, các nhà virus học người Úc đã cảnh báo các cơ quan y tế toàn cầu về nguy cơ xuất hiện cúm gia cầm từ miền nam Trung Quốc. Họ khẳng định cần phải chuẩn bị cho một đại dịch, bằng cách thiết lập những cảnh giới càng gần càng tốt với những nơi xuất hiện dịch bệnh. Ở Hồng Kông, ví dụ, chính phủ đã áp đặt việc lắp đặt những lính canh “đối chứng” ở các trang trại, để nghiên cứu một sự hiện diện có thể có của virus. Sự duy lý rủi ro mới này đã được triển khai ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng Châu Âu chỉ mới thực hiện có một phần. Châu Âu vẫn mắc kẹt trong các cuộc tranh luận về nguyên tắc cẩn trọng trước các rủi ro công nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng bệnh bò điên.
Theo ông, mỗi đại dịch cho thấy mối quan hệ giữa con người và động vật. Bài học về virus cúm gia cầm là gì, một chủ đề mà ông đã nghiên cứu rất nhiều?
Margaret Chan (1947-) |
Virus cúm gia cầm H5N1 xuất hiện ở Hồng Kông vào năm 1997 với một tỷ lệ tử vong rất cao (70%). Các chuyên gia Mỹ và Úc đã tập trung tại thành phố và đã khuyến nghị không chỉ làm vệ sinh ở các chợ, mà còn ở các lò giết mổ gia cầm lớn tại các trang trại, nơi virus được truy vết. Việc chăn nuôi gia cầm tại vườn nhà cũng bị cấm. Người Hồng Kông đã phản ứng rất dữ dội đối với các quyết định nói trên, gợi nhớ thời cha mẹ hoặc ông bà của họ nuôi gia cầm tại vườn nhà ở tỉnh Quảng Đông [Trung Quốc đại lục]. Vào lúc đó, giám đốc Cơ quan quản lý y tế Hồng Kông là bà Margaret Chan. Bà nắm quyền lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2006 và đã khuyến nghị mở rộng các thông lệ thực hành đó trên toàn thế giới. Việc lây nhiễm có thể có của bệnh cúm từ các loài chim hoang dã sang người cũng là đối tượng của các biện pháp nghiêm khắc trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Những người trông chim - một truyền thống của Anh được duy trì bởi một hiệp hội gồm hơn 1.800 thành viên - được huy động trong việc giám sát các loài chim, để đo lường nguy cơ mắc bệnh cúm gia cầm cũng như nguy cơ tuyệt chủng các loài này. Giả thuyết của tôi là cúm gia cầm đã cho Hồng Kông cơ hội để xác định lại vị thế kinh tế và tài chính của họ tại các cửa khẩu của Trung Quốc, thành những lính canh y tế cảnh báo phần còn lại của thế giới về những nguy cơ [dịch bệnh] xuất phát từ lục địa Trung Quốc.
Và bài học về Covid-19 sẽ là gì?
Theo quan điểm của tôi, thách thức của Covid-19 là chính quyền Bắc Kinh muốn thay Hồng Kông bằng Vũ Hán trong chức năng giám sát các virus động vật, như việc họ muốn thay Hồng Kông bằng Thâm Quyến cho hoạt động sản xuất công nghiệp, hoặc bằng Thượng Hải cho hoạt động tài chính. Nhưng Hồng Kông có lá bài chủ để đóng vai là người lính canh và người cảnh báo: quyền tự do ngôn luận và truyền thống bảo vệ thiên nhiên được thừa hưởng từ chính quyền thực dân Anh.
Ông có kế hoạch thực hiện một nghiên cứu về các khu chợ ẩm ướt ở Trung Quốc trong thời gian tới. Liệu nhà chức trách Trung Quốc có dễ dàng chấp nhận yêu cầu của ông hay không?
Trong thực tế tôi được Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia tài trợ để làm việc trong hai năm về việc điều tiết các khu chợ ở miền trung Trung Quốc. Chúng tôi sẽ bắt đầu với thành phố Thành Đô, nơi các cơ quan y tế đã kiểm soát việc truyền nhiễm SARS-CoV-2 một cách mẫu mực, và là nơi mà việc buôn bán trên đường phố ít được kiểm soát chặt chẽ so với các thành phố lớn khác ở Trung Quốc. Chúng tôi có quan hệ đối tác với Đại học Dân tộc Tây Nam [Southwest Minzu University] và hy vọng các nhà chức trách sẽ hợp tác với chúng tôi. Chúng tôi sẽ phỏng vấn các quan chức quản lý chợ, và người mua bán, về các loài động vật được bán và các quy tắc an toàn được áp dụng. Sau đó chúng tôi sẽ đến Trùng Khánh, Vũ Hán và chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc điều tra song song ở Hàn Quốc. Bối cảnh quốc tế làm cho nghiên cứu này mang tính nhạy cảm và tinh tế, nhưng nó cũng có thể khiến các cơ quan y tế muốn thể hiện mong muốn điều tiết các khu chợ.
Làm thế nào để quan sát thiên nhiên kỹ hơn nhằm chuẩn bị cho các dịch bệnh trong tương lai?
Từ những năm 1970, chim hoang dã đã được mô tả như là ổ chứa các virus bệnh cúm. Sự phát tán các virus này đã được nghiên cứu nhờ vào các ngân hàng virus được phân phối cho các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Kể từ cuộc khủng hoảng virus SARS, cách tiếp cận tương tự đã được áp dụng đối với loài dơi ở Úc, Malaysia, Ghana, và các nhà virus học người Trung Quốc đã tham gia rất đông vào nghiên cứu này. Việc xây dựng một phòng thí nghiệm an toàn cao (P4) ở Vũ Hán đã giúp nghiên cứu virus ở các loài dơi, rất dễ gây bệnh cho con người. Nhưng sự phát tán virus cũng được theo dõi chặt ở các loài muỗi, chúng di chuyển từ Nam ra Bắc với tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu, bằng cách truyền nhiễm virus sốt xuất huyết dengue hoặc virus miền Tây sông Nil. Ý tưởng trọng tâm của hệ hình “các bệnh truyền nhiễm mới nổi”, kể từ những năm 1970, buộc chúng ta phải quan sát thiên nhiên, nơi mà tình trạng đảo lộn hệ sinh thái bởi loài người đang gây ra tình trạng vượt rào của các loài. Điểm nổi bật trong lịch sử các đại dịch gần đây là Trung Quốc vừa là nơi phát sinh virus, vừa là một cường quốc kinh tế và chính trị mới nổi. Điều này dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát các virus này trước khi chúng trở thành đại dịch, hoặc nếu không, thì cũng áp đặt những biện pháp y tế mẫu mực và tốn kém cho phần còn lại của thế giới.
Baptiste Fallevoz |
Giới thiệu tác giả
Baptiste Fallevoz, là nhà sản xuất phim, nhà báo, hiện là tổng biên tập và người viết thời luận cho hãng truyền hình France 24. Trước đây công tác tại Trung Quốc, ông là Phó tổng giám đốc của ActuAsia, ở Thượng Hải rồi ở Bắc Kinh, từ năm 2009 đến năm 2016. Ông cộng tác với nhiều hãng phương tiện truyền thông của Pháp và quốc tế (France 24, Arte, Associated Press, Canal +, BFM TV hoặc Mediapart).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Frédéric Keck: “Il faut réguler les marchés aux animaux dans les villes chinoises, pas les interdire”, Asialyst, ngày 26/06/2020.