ĐẢO CHÍNH Ở MIẾN ĐIỆN: CUỘC PHẢN KHÁNG ĐỐI MẶT VỚI BÓNG MA NĂM 1988
Người Miến Điện biểu
tình phản đối cuộc đảo chính quân sự, trên các đường phố Yangon vào
ngày 18 tháng 2 năm 2021, theo đuổi “Phong trào Bất tuân dân sự” (CDM). (Nguồn:
APNEWS)
Ở thành phố Yangon, các cuộc biểu tình không hề thuyên giảm sau cuộc đảo chính của tướng Min Aung Hlaing. Giới trẻ tuần hành trong các cuộc biểu tình đã trải qua tiến trình dân chủ hóa một phần được khởi xướng vào năm 2010 và dẫn đến việc bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đất nước từ năm 2016 đến năm 2021. Có được sự kết nối, tự hào, giới trẻ đã tụ tập lại với nhau trên đường phố mỗi ngày kể từ ngày 6 tháng 2, bất chấp bóng ma của những thế hệ trước bằng các khẩu hiệu khiêu khích, kêu gọi tổng đình công và vận động trên các mạng xã hội.
SỰ QUYẾT TÂM KHI ĐỐI MẶT VỚI SỰ TRẤN ÁP
Min Aung Hlaing (1956-) |
Sự hưng phấn ban đầu nhường chỗ cho một quyết tâm nghiêm túc hơn khi đối mặt với sự trấn áp. Các tướng lĩnh đã bắt giữ hơn 450 người trong các cuộc biểu tình hoặc vào ban đêm nhằm dọa các công chức bãi công. Không lâu trước khi Internet bị cắt, nay thường xuyên từ 1 giờ đến 9 giờ sáng, quân đội đã bắn hơi cay và đạn cao su, ở các thành phố Myitkyina và Mandalay. Các đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội là minh chứng cho thấy hành vi bạo lực của cảnh sát: vào ngày 15 tháng 2 ở Mandalay, một cảnh sát mặc thường phục đã chĩa súng vào những người biểu tình đang trú ẩn trước hiên một tòa nhà. Một cô gái 19 tuổi đã bị bắn vào đầu ở Naypyidaw và một cô gái tuổi teen đã bị bắn mất một mắt ở Mandalay.
Trong khi cảnh sát làm ngơ trước các cuộc tuần hành kể từ những cuộc xuống đường đầu tiên, thì tuần này quân đội đã xuất hiện ở đường phố các thành phố lớn với xe tăng và xe tải quân sự. Ở Yangon, binh lính canh gác lối ra vào Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng tư nhân đang đình công. Cuộc tổng đình công đã diễn ra kể từ ngày 8 tháng 2 có quy mô tương đương với cuộc tổng đình công năm 1988. Nguồn cung nhiên liệu đã bị hạn chế. Các con đường đã bị chặn để ngăn người dân quay lại làm việc.
BẦU KHÔNG KHÍ SỢ HÃI
Khin Zaw Win |
Năm 1988, các sinh viên Đại học Rangoon, sau khi đụng độ với cảnh sát, đã khởi xướng những cuộc biểu tình quy mô lớn kéo theo sự tham gia của các luật sư và bác sĩ. Một cựu sinh viên nói, “Các khẩu hiệu được thông tin cho nhau qua điện thoại. Chúng tôi có một điện thoại cố định ở hầu hết các đường phố. Không có tự do báo chí hay truyền hình. Tôi rời nhà lúc 9 giờ sáng và trở về vào buổi chiều mà không ăn gì, chỉ hô khẩu hiệu.”
Các bản tin giả của báo chí nhà nước làm liên tưởng đến không khí những tin đồn năm 1988. “Chúng tôi đã cả tin có binh lính của LHQ sắp đến với máy bay chiến đấu của Mỹ,” một nhân chứng nhớ lại, người bị buộc phải sống lưu vong suốt 24 năm để trốn khỏi sự đàn áp. “Nhưng ngày nay, tình thế đã khác rất nhiều: nhờ có Internet và Facebook, thế hệ mới có thể thực sự thông tin và giao tiếp với nhau trong thời gian thực.”
LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN ĐÊM
Các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn đều diễn ra trước cả hai cuộc nổi dậy năm 1988 và 2021. Vào năm 1987, việc đổi tiền đã làm mất đi các nguồn lực của sinh viên và tầng lớp lao động. Vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm tăng tỷ lệ nghèo đói từ 16 lên 60% trong một năm. Các nhân chứng vào năm 1988 nhớ lại tình trạng thiếu thốn lương thực lúc đó. Theo lời của một mục sư: “Vợ tôi từng bán cơm. Chúng tôi đã phải đóng cửa tiệm khi nghe thấy tiếng súng đến gần. Mọi người đều chết đói, chúng tôi thiếu thốn mọi thứ. Các cuộc biểu tình và đình công không dừng lại. Kẻ trộm ở khắp nơi, lực lượng dân quân được thành lập ở mỗi làng mạc, thậm chí ở mỗi khu phố. Tất cả những người bãi công, vốn đều làm việc trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đã cướp sạch các doanh nghiệp. Một viên chức quản trị ở Kalay, nguyên quán của tôi, đã bị ám sát.”
Từ nay, lực lượng dân quân đêm đã được thành lập ở Rangoon. Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã thả hơn 23.000 tù nhân vào ngày 11 tháng 2. Các video được lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy cảnh những chiếc xe cảnh sát thả các cựu tù nhân trong đêm để gieo rắc nỗi kinh hoàng. Hỏa hoạn đã bùng phát ở Rangoon và Mandalay trong những ngày gần đây. Để đối phó, các khu phố đã tự tổ chức, dựng lên những rào chắn tạm bợ, chắn thân cây ở lối ra vào những khu cư trú của các công chức bãi công. “Mỗi hộ gia đình cử một người đi cảnh giới. Chúng tôi hoạt động theo ca theo giờ trong đêm,” theo lời giải thích của một người dân ở khu phố Tamwe. Mối đe dọa tăng lên gấp đôi: phải đối phó với các tên côn đồ được thả khỏi tù và các sĩ quan cảnh sát. Các video quay lại cảnh các cảnh sát trèo lên cổng rào để vào bắt giữ các bác sĩ hoặc công chức bãi công vào ban đêm. Người dân đồng loạt khua nồi niêu xoong chảo vào lúc 8 giờ mỗi tối và trong trường hợp có một vụ bắt bớ để đánh động những người lân cận. Đám đông sau đó sẽ ào đến khiến cảnh sát phải bó tay. Bạo lực cho đến nay chỉ là kết quả của sự đàn áp. Ban ngày, “các cuộc tuần hành diễn ra một cách có trật tự và không có việc phá hoại các tài sản công cộng”, theo nhận xét của Khin Zaw Win.
Điểm chung của hai trận chiến trên vẫn là một hình tượng không thể tranh cãi, hình tượng đã từng dẫn dắt cuộc đấu tranh này từ bài phát biểu đầu tiên vào ngày 8 tháng 8 năm 1988 tại chùa Shwedagon cho đến lời kêu gọi phản kháng gần đây vào tháng 2 năm 2021: bà Aung San Suu Kyi, một lần nữa đã bị bỏ tù.
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA NE WIN VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CỦA MIN AUNG HLAING
Sinh viên năm 1988, giống như giới trẻ ngày nay, cũng đưa ra những yêu cầu giống nhau, cùng hát những bài hát với hai yêu sách rõ ràng: tự do và dân chủ. Nếu cách đây ba mươi ba năm, những từ này là hiển nhiên trong bối cảnh sụp đổ của Liên Xô và sự chiến thắng của các giá trị phổ quát, thì ngày nay, những từ đó lại gây được tiếng vang kép. Một mặt, là kinh nghiệm của năm năm qua với đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ và mặt khác, là một sự khẳng định hiếm hoi về nền dân chủ như là một lý tưởng, ngay cả khi ngày nay ý tưởng này đang bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng chính trị ở Châu Âu và Hoa Kỳ, cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước láng giềng Trung Quốc.
Về phần các tướng lĩnh đứng đầu quân đội, họ cũng đã thay đổi. Nếu vào năm 1988, “vấn đề là dứt điểm chủ nghĩa xã hội của Ne Win”, theo lời của một người biểu tình, thì tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã chấp nhận nền kinh tế thị trường. Đứng đầu các tập đoàn tài chính hùng mạnh, ông đã kêu gọi khu vực tư nhân nắm bắt chiến dịch chủng ngừa một cách hiệu quả hơn[*]. Con trai ông điều hành một doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế - đó cũng là việc thay thế các cơ quan dịch vụ công đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong trào tổng đình công. Vũ khí của chế độ này có nguồn gốc từ Israel, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Than Shwe (1933-) Saw Maung (1928-1997)
Giới trẻ trên đường phố Yangon ngày nay đã nếm trải nền dân chủ. Ý thức được di sản của mình và những thất bại trong quá khứ, họ thách thức một thế hệ khác của các tướng lĩnh, một cách kiên quyết và dũng cảm. Theo lời của Khin Zaw Win: “Cuộc phản kháng đã thống nhất toàn thể dân tộc Miến Điện, kể cả người Hồi giáo và người Rohingyas.”
Giới thiệu tác giả
Là người am tường về Miến Điện, Salai Ming đã đi khắp đất nước này trong mười năm qua. Ông sống ở Đông Nam Á kể từ giữa những năm 1980.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Coup d'État en Birmanie: la résistance face au spectre de 1988, Asialyst, ngày 19/02/2021.